Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

MÙA NGÂU

    Cô Năm Hường ở xóm tôi, một chữ bẻ đôi cũng hổng biết nhưng rất thời sự, không những đầu làng cuối xóm cô rành sáu câu mà chuyện ở bên trời Tây hay thời trang đến tuyển lựa ca sĩ cô cũng tỏ tường. Có điều lạ, cô hay hỏi ý kiến cha tôi về chuyện ăn mặc, trang điểm của cô.

Có lần trước khi đi đâu đó, cô hỏi cha tôi:
- Trông em như dzầy được không anh Hai?
Cha tôi đang bập bập điếu thuốc rê, quay lại nhìn cô thong thả:
- Đẹp lắm! Cô tô son thoa phấn kiểu này rất đẹp nhưng tôi nói cô đừng buồn, trâu không cưa sừng làm nghé được đâu cô Năm.
Cô chưng hửng, hứ một tiếng rồi quay ngoắt đi một hơi...
Nhưng chỉ hôm sau cô lại sang nhà tôi, cha tôi đang ngồi chẻ lạt chuẩn bị nhổ mạ. Cô mặc áo sơ mi chim cò màu đỏ rực khiến cha tôi lóe mắt. Ông hấp háy đôi mắt, ngưng tay, lôi bịch thuốc rê chậm rãi vấn điếu thật to, bật lửa rít một hơi, thở ra mù mịt. Cô Năm đưa hai bàn tay quạt khói thuốc lia lịa, chạy vào hàng hiên, giọng đứt quảng:
- Thuốc chi hôi rình, để em mua biếu anh Hai thuốc xịn thơm hết biết. Anh Hai nhìn em chút coi!
Cha tôi ngồi trên đòn kê, hai tay bó gối:
- Chớ cô Năm đi đâu mà đẹp dữ dzậy?
- À, em đi đám ma anh Bảy...
Chú Bảy là tay phong lưu nhất xóm tôi. Gia cảnh không lấy gì đủ đầy nhưng mê đá gà. Lần nào trúng độ cũng mời cha tôi và cô Năm nhậu. Ngồi nghe cô Năm ca vọng cổ mùi tận mạng, cha tôi cũng say quắt cần câu, lại được dịp để cho mẹ tôi còm ròm. Không hiểu sao, mẹ tôi chẳng có lời nào đá động đến cô Năm. Cha tôi nằm im re.
Trời hôm nay nhiều mây, đàn chim én bay lượn lờ rối mắt. Cô Năm ngồi đong đưa hai chân trên xích đu, mặt hướng về phía cha tôi. Ông buông cây rựa, bước vào trong nhà rót bát nước chè xanh làm một hơi, giọng như thương cảm:
- Cô ăn mặc kiểu này, thằng Bảy thấy, nó nhảy đựng, có khi nó không siêu thoát được đâu cô Năm.
- Anh Hai nói nghe ghê! Mới đó mà...
Cô buông lửng, rồi sụt sùi thiệt tội nghiệp. Cha tôi an ủi:
- Tui cũng buồn nẩu ruột đâu thua gì cô nhưng cô dìa thay áo. Áo đen hay trắng chi cũng được, mình đến sẻ chia nỗi buồn với gia đình thằng Bảy mà cô Năm, áo sơ mi này quá đẹp quá sang nhưng không được đâu cô!
Gần rằm tháng Bảy, ánh trăng dìu dịu, le lói ánh đèn nhà ai cuối xóm, con lộ nhỏ như có lân tinh nổi bật lên giữa cánh đồng xanh màu lúa thì con gái. Mây bay bay tản mác dần về nơi xa xa tít tắp. Mùa Vu Lan, mùa Ngâu hay tháng cô hồn gieo vào lòng tôi nỗi buồn không tên họ. Cô Năm Hường vừa báo tin cho cha tôi:
- Chị Ba Hiếu đi mò ốc lún sình, mò tôm luôn rồi....
Cha tôi lấy chiếc khăn chặm mắt. Ai chớ cô Ba Hiếu là chỗ thâm tình với nhà tôi. Thời chiến tranh, cha tôi đi biền biệt, cô Ba Hiếu đỡ đần cho mẹ con tôi, lúc gạo sấy thịt hộp, lúc cả vĩa trứng gà... Cô Ba Hiếu đi làm sở Mỹ....
Cô Ba Hiếu là người tình cũ của cha tôi.
......
Tôi là con trai lớn nhất trong nhà, bốn anh chị em, ba trai một gái. Có phần nào tôi hiểu cha tôi hơn các em. Cha tôi chưa bao giờ ngồi không, trong trăm nghề có lẽ cha tôi đã qua hơn chín mươi vì mưu sinh trong cuộc sống. Thất bại việc này, ông tìm cách chuyển sang nghề khác. Từ khi không còn được đứng trên bục giảng, ông mở tiệm sửa xe, gò thùng, hàn xì, tìm chỗ dạy kèm (gia sư), mở quầy cho thuê sách (bị hốt sạch bách), buôn bán chôm chôm, lái tàu du lịch, quản lý cho công ty nước ngoài. Hơn năm mươi tuổi vẫn bôn ba đi làm công nhân cho công trình xây dựng cầu đường tận ngoài Bắc... để có tiền cho anh em chúng tôi ăn học nên người.
Cha tôi có tâm hồn văn nghệ lẫn đa tình hay đa tình tạo nên tâm hồn văn nghệ?
Ông viết văn, làm thơ mang nỗi buồn ưu thời mẫn thế nhưng ông không buồn riêng vì thân phận mà xót xa cho những phận người vẫn còn cay đắng, cơ cực hơn hoàn cảnh như ông.
Khi tôi vừa xong trung học, một đêm về sáng chợt thức giấc, tôi đã thấy cha tôi ngồi bên ấm trà bốc khói, ngâm nga:
"Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương (Phùng Cung - Trà Tân Cương nổi tiếng của Thái Nguyên)
Tôi chưa hiểu gì nhiều về ý nghĩa của lời thơ cha tôi đọc. Mãi đến sau ngày ấy của cha tôi, tôi càng thấm thía nỗi lòng trung chính của ông.
Không ai ngờ cô Ba Hiếu là người của Mặt trận. Khi hai người chuẩn bị kết hôn, cha tôi phải xin phép Bộ Tổng Tham Mưu. Sau khi sưu tra, lý lịch cô Ba Hiếu bất minh, người ta không thuận, nhưng cô vẫn lui tới nhà nội tôi như người con dâu hiền thục. Cha tôi thề không lấy ai nữa. Nhưng oái ăm làm sao! Mẹ tôi là em họ của cô. Ông ngoại tôi là ủy viên hội đồng tỉnh K. (trước 1975), gốc Mỹ Chánh, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Họ nội tôi ở vùng phù sa ven sông Thu Bồn, nghe nói nơi ấy địa linh nhân kiệt, vùng đất của "Ngũ Phụng Tề Phi". Khi sinh ra đời đã mang mầm "cãi" nên đa số có tâm hồn cách mạng, muốn thay đất đổi trời mong mang lại công bằng và ấm no cho bá tánh. Không lẽ tự dưng có vụ "kháng thuế cự sưu tại Quảng Nam và các tỉnh Trung kỳ 1908"?
Năm 19... cha tôi thuyên chuyển về Mỹ Tho, duyên trời gắn kết cha tôi với mẹ. Người nữ sinh trường Nguyễn Đình Chiểu (Ngôi trường xưa nhất của Nam Kỳ Lục Tỉnh) dịu dàng và đôn hậu đã làm trái tim cha tôi thổn thức. Có phần nào ông lãng quên nỗi bẽ bàng của mối tình không trọn với cô Ba Hiếu...?
Sau này cô Ba Hiếu làm cán bộ to nhưng vẫn còn đơn chiếc, đến khi về hưu cô lập am tu tại gia. Dòng sông Ngân Hà vẫn long lanh trên bầu trời trong vắt nhưng bầy quạ mãi quên phận sự của mình, ngày Thất tịch không bắc cầu Ô Thước nên cha tôi và cô Ba Hiếu suốt đời vẫn chênh vênh giữa đôi bờ...
......
Gần cuối đời, đi đâu gặp ai nhất là con cháu, ông lọ mọ lấy điện thoại chụp hình, hỏi ngày sinh tháng đẻ...
Về nhà ông lui cui với cái laptop đời cũ quắt, làm "kỷ yếu gia tộc" để biết thằng này con ai, đứa kia cháu của ông bà nào...
Tôi khẽ khàng góp ý:
- Ba nghỉ cho khỏe, lụm cụm làm mấy cái đó có ích gì. Thế hệ con cháu sau này tự chúng tìm hiểu lấy...
Ông trừng mắt, hạ mục kỉnh nhìn tôi:
- Ngày Chạp mả - Thanh Minh, bao năm rồi con có về không hả? Dù về có gặp đủ mặt anh em, con cháu không? Biết tôn ti dòng họ, bà con cật ruột ra sao không?
Ông kéo tôi lại màn hình, chỉ ngón tay vào ảnh bé gái trông mặt thật xinh, mắt tròn vo. Gằn giọng:
- Con cháu nhà ai?
Tôi giật mình, lớ ngớ. quả thật không biết con ai. Ông rê con chuột sang phần "lý lịch": Đời thứ mười hai: Nguyễn Võ Phù Sa, con của.... sinh năm ngày... tháng... năm 2018 (Mậu Tuất)! Lại kèm theo địa chỉ....
Tháng Bảy trời ngâu, mưa giăng trắng xóa. Cha tôi ngồi thầm lặng nhìn từng giọt rơi rơi từ trên mái lá, không biết ông đang nghĩ gì...?
Bóng dáng tà áo bà ba màu lá mạ của cô Năm Hường vừa đi ngang qua đầu ngõ, lâu nay cô không còn tạt vào để hỏi ý kiến cha tôi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...