Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường:
- Anh tìm ai mà tui thấy đi tới đi lui?
- Dạ, cho tôi hỏi: Có biết nhà ông bảy Duân ở đây không?
- Bảy Duân nào? Có mấy ông bảy lận, nhưng ông Duân mặt mũi ra răng?
Giọng Huế ngọt ngào, tôi bỏ bao trên vai xuống đất.
- Cô ở Huế, chỗ mô?
- Tui ở Truồi... thôi chừ anh ghé vào nhà tui, rửa mặt rửa mũi rồi hỏi chi thì hỏi...
Tôi đi theo nàng, mái tóc kẹp sau lưng mà sao trông như nhún nhảy với cái nón cời.
Nàng phụ tôi kéo cái bao vào nhà nhưng bị toạt đáy đổ tràn lan khoai sắn.
Nàng thoáng nhìn tôi, long lanh như có giọt nước trong veo tràn ra khóe mắt.
- Chừ anh ở mô?
- Chưa biết về đâu, tui mới...
Nàng đi vào buồng đem ra cái áo dài quá khổ, không biết vải gì nhưng giống màu cứt ngựa. Nàng nói như ra lệnh:
- Đi tắm...
Những gáo nước trong veo gột rửa thân xác tôi, tưởng chừng như khổ ải trong đời đã trôi theo dòng nước...
Tôi mặc chiếc áo dài đến đầu gối, tiện tay tôi giặt cái quần. Nàng khơi bếp lửa, tôi đưa hai tay tìm hơi ấm, cảm nhận tấm lòng nhân ái của nàng trong lần đầu hạnh ngộ.
Nàng khều từ trong đống than đang âm ỉ mấy củ khoai nướng, giọng ca bật lên:
- Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng...
Đang đói, tôi phủi sơ rồi nhai ngấu nghiến.
Nàng bật cười ha hả:
- Tướng nhìn có vẻ phong lưu nhưng ăn như ma đói!
Tôi đói thật. Nàng quày quả nấu cơm, bếp lửa bừng lên, tôi nghe lòng nặng trĩu. "Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà" (Phạm Hữu Quang). Tôi không giang hồ vặt nhưng tôi là kẻ không nhà.
Từng cơn gió đưa mưa về rả rích trên mái lá, mùi ớt tỏi từ chiếc chày đâm tiêu hòa quyện với hương thơm của chén mắm cái bay vào mũi khiến bụng tôi réo lên từng hồi, nước bọt ứa ra, cái đói mới tồi tệ làm sao!
Ngoài kia mưa nặng hạt dần, gió lùa qua vách liếp mong manh thổi bùng lên ánh sáng từ bếp than hồng.
.....
Mẹ con nàng theo người làng di tản vào vùng đất đỏ bazan, phù sa từ sông La Ngà đượm màu xanh cây lá. Mẹ nàng mất đột ngột năm ngoái, chỉ còn nàng với ngôi nhà mái lá tuềnh toàng, thân cột bằng cây rừng đã bong tróc vỏ, ven con lộ đất đỏ buồn hiu.
Tiếng chuông nhà thờ đâu đây vọng thanh âm rời rạc xa vắng, nàng chuẩn bị đi lễ.
Nàng cười:
- Anh nằm nghỉ, chờ em về...
Cảnh nhà buồn tênh sao nàng hồn nhiên đến lạ, nàng dự định hết thời gian cư tang mẹ, sẽ về lại Huế...
Tôi phải giã từ nàng nhưng sao nghe lòng buâng khuâng...
Tôi chợt nhớ lời bài thơ "Nửa Hồn Xuân Lộc" của Nguyễn Phúc Sông Hương trong cơn bi thảm:
"Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!
Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung càng xa vời.
Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi!"
.....
Tôi đi dọc theo đường rầy hướng về Long Khánh, thỉnh thoảng những chuyến tàu lướt qua...
Tôi ngạc nhiên khi hành khách trên tàu nhoài người ra cửa sổ vất về phía tôi những bịch đường, thuốc rê...
Nhờ những tán đường ngọt lịm khiến tôi tỉnh táo và khỏe hơn lên. Tôi rảo bước như người nhàn du, tiếng chim hót từ trong cánh rừng hai bên đường tàu làm bạn đồng hành. Mặt trời đã nhô lên khỏi đỉnh núi Chứa Chan tỏa ánh sáng vàng ươm, những chiếc lá non run rẩy trong gió. Tôi ngồi xuống dưới gốc cây già lấy bịch thuốc rê vấn điếu thuốc mà rưng rưng biết ơn người không quen biết. Tiếng xe bò lộc cộc của ai đó trên đường rừng khiến tôi bừng lên hy vọng sẽ được quá giang nhưng tiếng động xa dần. Tôi đứng lên nhìn dọc theo con đường xe be, bóng người hiện dần ra. Những cô gái
người Châu ro (Chrau Jro) mang gùi, mặc váy ngực trần khỏe khoắn nhìn tôi ngạc nhiên, lạnh lùng qua mặt rồi đi dần về buôn làng đâu đó.
Nắng đổ trên đầu, cơn khát khô khốc đầu môi, tôi lầm lũi trên con đường sắt phả hơi nóng ngột ngạt. Tiếng ai gọi nghe vang vọng từ trong rừng rậm lá, tôi dừng lại lắng tai nghe:
- Ới anh ơi!
Cô gái Châu ro chạy băng băng, lấp ló sau hàng cây, chiếc gùi trên lưng lắc lư theo bước chân nàng. Nàng trao cho tôi hai nải chuối chín vàng và nhìn tôi không nói gì, chậm rãi quay lui...
Ga Gia Ray buồn hiu như ga biên giới, tôi ngồi xuống băng ghế gỗ, những trái chuối đã giúp tôi qua cơn đói khát. Nhẩm tính từ ga Gia Ray về đến Long Khánh gần 20km nữa, tôi sẽ chờ tàu và đi lậu nhưng nếu không có tiền mua vé sẽ lắm phiền hà. Tôi nhìn chiếc đồng hồ Seiko đeo tay đã theo tôi từ ngày mới bước vào đời...
Ông xếp ga đứng bên tôi tự lúc nào, ông không chào hỏi nhìn lom lom bộ dạng của tôi, hất hàm:
- Anh từ đâu đến đây?
Tôi bất ngờ, ấp úng:
- Ga Trảng Táo...
Hơn ba năm trước, từ căn cứ Trảng Lớn, chúng tôi được phân loại và đi bộ hơn 40km lên Đồng Ban gần biên giới Việt-Miên. Tất cả dừng chân trên vùng lõm cỏ mọc xanh rì, giữa cánh rừng già mênh mông...
Nhưng khi vừa xong lán trại, chúng tôi lại bị di chuyển đến ga Trảng Táo bằng xe hơi molotova để cải tạo lao động - phá rừng làm rẫy...
Có lẽ ông trưởng ga nghi ngờ tôi trốn trại nên vội chạy vào trong gọi bảo vệ. Người mang súng AK vòng ra sau lưng tôi, tiếng đạn lên nòng nghe rôm rốp lạnh lùng. Tôi nhìn thẳng mặt người trưởng ga, lấy giấy ra trại đưa cho ông ta. Nhìn thấy dấu mộc và người ký tên là Thiếu tướng Đào Sơn X.- Đoàn 500, ông không còn thái độ hống hách, gật đầu nói nhỏ:
- Mời anh vào trong này...
Ông lịch sự rót trà và mời tôi điếu thuốc Vàm Cỏ. Ông tâm sự:
- Tôi vốn thuộc sở hỏa xa Saigon, được lưu dung và bố trí về đây...
Ông rót thêm trà và đẩy gói thuốc về phía tôi, giọng chùng xuống:
- Hôm nay đã hết tàu
về Saigon, tối nay anh nghỉ tạm lại đây, sáng mai có chuyến tàu chợ lúc 9g, tôi sẽ đưa anh lên tàu..
Ông trưởng ga nhét vào túi tôi năm đồng trước khi tàu chuyển bánh. Tôi bỏ ý định ghé Long Khánh, nơi ấy có người cô họ. Nhìn mọi người chen chúc nhau trên toa tàu chật hẹp, những khuôn mặt đăm chiêu khắc khổ của các chị đi buôn ngồi ủ rủ. Khi gần đến ga Biên Hòa, người đàn bà ngồi cạnh dúi vào lòng tôi túi tiêu hột, kề tai nói nhỏ:
- Giấu giúp dùm chị...
Mọi thứ thật lạ lùng, tôi chưa hình dung được cuộc sống xã hội tôi đang cố hòa nhập. Gia đình tôi cũng vậy ư? Cha mẹ tôi già nua ngoài quê xa héo hon mong tôi từng ngày...
Ga Hòa Hưng quen thuộc khi tôi ở trọ đường Nguyễn Thông nối dài, gần cống Bà Xếp thời sinh viên hiện dần ra trong khung cảnh hổn độn. Hành khách chen lấn, giành giật hàng hóa rối tung khiến tôi lớ ngớ khi tìm đường xuống sân ga.
Tôi đi dần ra ngã sáu công trường Dân Chủ. Quán cafe vĩa hè trên. đường Yên Đỗ (Lý Chính Thắng) nhiều xe đạp hơn xưa, nhìn từng giọt cafe rơi rơi trên đáy cốc tôi chợt nhớ đến những người bạn đồng cảnh ngộ, sau giờ lao động ngồi bên nhau với lon guigoz "cafe cơm cháy" mà xót xa thân phận.
Tôi gọi một điếu thuốc ruby nhưng không có, được thay bằng thuốc Samit, nghe tên lạ hoắc. Sau bao nhiêu năm tôi được trở lại với sinh hoạt đời thường nhưng bây giờ đối với tôi sang quá! Tôi đưa tay vào túi để yên tâm mình đang có năm đồng bạc của ông trưởng ga tốt bụng.
Những vòng khói thuốc lững lờ bay lên rồi tan dần trong buổi chiều phố phường lặng gió. Bất chợt dáng ai như V. - bạn tôi, đang ngồi trên yên xe cyclo bên kia đường, tôi đứng bật dậy gọi to khiến cô chủ quán giật mình, tôi ái ngại nhìn cô...
Đúng V. thật! Hai đứa ôm nhau mừng rỡ hơn ngày xưa đã cùng thoát chết bởi trái thủy lôi, tàu chìm.
V. chở về nhà chú tôi bên kia cầu Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ). Dòng kênh Nhiêu Lộc ngày nào với mối tình thơ dại cùng cô con gái cạnh nhà rất xinh nhưng không biết chữ...
Tôi sẽ phải về quê miền Trung thân yêu, nơi được chỉ định chờ ngày phục hồi quyền công dân. V. khuyên tôi cứ ở lại Saigon, thiếu gì nghề để mưu sinh. Tôi tính liều nghe theo lời bạn, Saigon bao la mà tôi không có chốn dung thân. Chú thím đã lo hành trang và lộ phí cho tôi lên đường.
Ba giờ sáng chú đánh thức tôi chở ra bến xe Chợ Lớn, trời mịt mù trong cơn mưa dữ dội...
Bên ly cafe chờ xe khởi hành tôi nhớ đến người con gái trên vùng đất đỏ Tánh Linh đã không ngại ngùng, tử tế với người đàn ông lạ rách nát như tôi.
Sau cơn mưa, ánh trăng khuyết còn treo trên đỉnh trời của đêm về sáng, tôi ân hận vì quá vô tình khi không hỏi tên nàng và nàng cũng không biết tên tôi...
Nguyễn Châu

CỐ NHÂN


Hắn gọi tôi: “Thằng cố nhân”. Tôi không hiểu ý gì và hắn không giải thích.
Hắn quỵ xuống bên bờ đầm đầy bông súng nở tím ngát, mảnh đạn cối ghim vào bắp chân tê dại. Đàn đỉa đánh hơi mùi máu bám vào vết thương, thịt tả tơi máu pha bùn loang trên mặt nước.
Hắn được kéo lên bờ, tiếng vù vù của trực thăng cứu nó.
Tôi không cùng đơn vị nhưng nằm chung phòng trong quân y viện. Hắn soi mói nhìn chân tay tôi bó bột, hắn quay mặt mỉm cười. Có lẽ hắn nghĩ may mắn hơn tôi nhưng tôi không bị cưa giò như hắn.
Tôi xuất viện trước, lang thang như mộng du ở thành phố lạ. Qui Nhơn trời mây u ám, con đường ven biển mịt mù gió thốc từng cơn tê buốt thịt da. Càng cô đơn hơn với kẻ không nhà, không người thân, chờ ngày về đơn vị như tôi.
Em hiện ra ngơ ngác nhìn mái tóc dài lãng tử của tôi với thân hình tong teo, bạc nhược xanh xao. Chỉ có quân phục màu tím hoa cà thẳng thớm của anh chàng lính biển làm em tò mò.
Em là em gái hắn, tôi quen em vậy đó, cô bé giáo sinh trường sư phạm.
Tôi trao phong thư, hắn gởi tôi trọ nhà hắn, cha mẹ hắn thật bao dung và đôn hậu, chăm sóc tôi ân cần. Em càng tỏ ra quyến luyến và xem tôi như một người anh.
Tôi và em đón hắn từ cổng quân y viện, cặp nạng giúp thân hình cụt một giò đi như nhảy lò cò, kéo lê ống quần còn lại tạo những vệt ngoằn ngoèo như rắn bò trên cát.
Hàng cây bàng lá sẩm màu đỏ quạch rơi lả tả, trời đã sang đông. Những cơn gió bấc lạnh lùng xào xạc đám lá khô ven đường thấm vào lòng tôi nỗi buồn mênh mông.
Trên chuyến tàu vào Nam, tôi bần thần như vừa đánh mất vưu vật của đời mình, em tựa cửa nhìn tôi giã từ không nói gì cũng không lời hò hẹn.
Khi đã bình phục, tôi trở về đơn vị mang theo hình bóng của em, cả những chuyến hải hành khơi xa em lung linh như những vì sao đêm mờ ảo. Ngóng về phương trời có em, tôi tự nhủ: "Một ngày nào đó, tôi sẽ về lại thành phố Qui Nhơn".
Một hôm tôi nhận được thư, hắn báo tin: “Thằng cố nhân, em gái tao đã quá cố!”. Đời lính biển lênh đênh, thư thường nhận muộn. Nửa tin nửa ngờ tôi xin nghỉ phép, bay về Qui Nhơn.
Phi trường quân sự Phù Cát chói chan nắng, từng đoàn xe nhà binh chạy về hướng Bồng Sơn mịt mù khói bụi. Không khí chiến tranh như gần kề, đường phố vắng hoe. Mùa hè ngột ngạt khiến thành phố biển vẫn oi nồng mang hương vị mặn trong gió. Khung cảnh nhà hắn vẫn như xưa, giàn hoa giấy nở rộ.
Hắn đứng bật dậy, suýt ngã. Tiếng A! hân hoan kèm theo nụ cười méo mó của hắn, làm tôi hoang mang...
Em không quá cố, nhưng em đã lấy chồng.
…….
Hơn bốn mươi năm sau, thời gian đủ để xoá nhoà tất cả. Trên chuyến tàu đêm về miền Trung, tôi mơ màng nhìn phong cảnh quê hương, tranh tối tranh sáng lướt qua ngoài cửa sổ.
Những cánh rừng xa xa thấp thoáng ánh đèn trong im vắng càng thêm quạnh quẽ. Tiếng còi chói chan khi tàu vào ga Nha Trang, trời đã vào khuya. Nha Trang của tôi, Nha Trang của những ngày thao trường đổ mồ hôi, sóng biển dạt dào trong tiềm thức gợi nhớ biết bao kỷ niệm buồn vui của một thời trai trẻ.
Tàu lao đi trong màn sương mờ đục khung cửa kính như nhủ thầm hãy quên đi bao hình bóng cũ.
Tiếng loa nhắc khách chuẩn bị đến ga Diêu Trì, tôi sực nhớ những ngày ở Qui Nhơn cùng hắn, tôi háo hức như người đi xa lần đầu tìm về chốn cũ, tôi vội vã mang ba-lô bước xuống sân ga.
Bình minh đã ửng hồng bên kia bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại. Qui Nhơn bây giờ lạ lẫm, những khu đô thị như khoác áo mới lên thành phố. Sân bay không còn, phi đạo ngày nào đã thành đại lộ, đường ven biển sáng trưng ánh đèn, sắc màu như hội hoa đăng.
Tôi thẩn thờ định hướng tìm về nhà hắn, khung cảnh cũ đã khác xưa, giàn hoa giấy ngày nào không còn dấu vết. Nhưng nơi ấy, căn nhà ấy…
Tôi nhìn hắn, nhân dáng được khẳng định bởi người đàn ông đã mất một giò. Tôi ôm chầm thân hình già nua còm cỏi của hắn mà nước mắt rưng rưng. Nhìn lại mình, tôi cũng không còn trẻ nữa.
- Ôi! Thằng cố nhân.
Em đã có cháu nội, ngoại. Cuộc sống viên mãn, chồng em đã mất. Tôi nhìn em cố tìm lại nét thân tình ngày nào nhưng chỉ còn ánh mắt. Em nói gọn lỏn:
- Em ghét anh!
Tôi ngớ người mà nghe lòng dâng trào sự hổ thẹn, bởi đã bao năm…
Hắn cười khà khà:
- Thằng cố nhân! Ngược lại với yêu thương là gì?
- Còn gì hơn ghét.
- Không phải, hơn bốn mươi năm qua em tao lúc nào cũng nhớ đến mầy. Em ghét mầy, đồng nghĩa với nhớ với thương, đó là một dạng của tình yêu… Thế mà thằng cố nhân biền biệt!
Nguyễn Châu
(Trích tập truyện ĐÔI DÒNG)

RƯỚC EM VỀ


Ta muốn rước
em về dưới mộ
Ngắm thân ta tàn tạ
rời
Đôi tay từng
vuốt tóc buông lơi
Làn môi ngọt ngất ngây tình da diết
và ánh mắt
đam mê lòng tha thiết
Trái tim hồng thổn thức lúc trăng vơi
Ta muốn đón em về dưới mộ
Đêm cô đơn giun dế hát quanh mồ
Lòng đất ấm sưởi ân tình hoa cỏ
Ta chỉ còn xương trắng với da khô
Ta muốn đưa em về dưới mộ
Để đêm mơ ta cứ nghĩ đồng sàng
Không dị mộng như dòng đời ma mị
Phiêu du cùng những kẻ lang thang
Đêm u tịch nghe hồn ta lắng đọng
Bao oan hồn nhảy múa điệu ly hương
Em hãy đến
Âm u lời thương xót
cõi trần gian xảo trá khôn lường
PNCU
(Nguyễn Châu)

MA LAI


Chuyện kể rằng: M Kaly là “ma lai”, ban đêm nàng rút đầu ra khỏi thân mình mang theo tim, dạ dày, gan, ruột… bay đi lang thang kiếm ăn. Mái tóc nàng xõa dài lượn lờ cùng ánh sáng phát quang từ nội tạng trong những đêm trời âm u...
Tiếng hú thê lương của nàng đột ngột vọng giữa thinh không như tiếng kêu thảng thốt cô đơn của loài chim ăn đêm.
M Kaly đẹp hơn tất cả mọi thiếu nữ quê nàng, khuôn mặt rạng rỡ, hai mắt to tròn với mũi cao thanh tú. Nhưng từ lúc sinh ra, cổ nàng đã có ba ngấn như vòng kiền trên làn da nâu nhạt.
Nàng lớn dần với thân hình như vũ nữ Apsara, bộ ngực căng tròn, hai cánh tay nõn nà, bắp đùi dài thon thả. Trong những đêm trăng giữa vườn cây cỏ hoang dại những điệu múa mềm mại phô bày dung nhan tuyệt mỹ của nàng, hai chân nhón gót theo đà uốn của thân mình uyển chuyển, đôi lúc hai cánh tay vòng lên cao, toàn thân rung lắc khiến các vòng cườm bật lên tiếng kêu khe khẻ như khóc như than của nỗi hờn vong quốc.
Ánh tà dương bị che khuất bởi đỉnh tháp tỏa ra những tia nắng như hào quang của thời thịnh trị, M Kaly mở khăn choàng dõi đôi mắt nhớ về thời hoàng kim Chiêm quốc xa xưa…
Nhưng trời đã về chiều, hoàng hôn sẽ tím thẩm núi đồi và bóng đêm xóa nhòa thành quách cũ, đã hoang phế từ lâu.
Những chiến binh kiêu hùng ẩn hiện trong những bức phù điêu bằng đá xám như lời nhắn nhủ của người xưa:“Hãy chung tay xây dựng cơ đồ” khiến lòng M Kaly thổn thức mãi không nguôi.
Đêm kia, M Kaly rời bỏ ngôi làng yêu dấu cùng đoàn quân tiến như vũ bão. Nữ tướng M Kaly uy dũng trên lưng voi chiến đã bị bọn gian manh cưa mất đôi ngà, hàng hàng lớp lớp oan hồn không siêu thoát cùng về tụ nghĩa. Lũ mặt người dạ thú như bầy ong vỡ tổ, dù bao phen ăn năn sám hối mong lộn kiếp trở thành mặt thú dạ người, nhưng vốn đã xuôi dòng khó bề ngược nước.
Những hồn ma “Sống vô gia cư – Chết vô địa táng” thi nhau nguyền rủa dưới chân đồi thiêng:
- Lũ chúng ta đã chết không còn nguyên vẹn, cải táng sót mất đôi tay, qui hoạch khu chung cư này ta không còn sọ.
- Ngôi nhà nguy nga kia là mồ chôn tộc họ nhà ta, Thổ địa vầy hùa vì xôi vì thịt, không cho ta về thăm lại chốn xưa…
Nàng dậm chân triệu Thổ địa, Thần hoàng:
- Các ngươi đã được giao trọng trách bảo vệ giang sơn, đem an vui và hạnh phúc cho lê dân. Cớ sao toa rập cùng lũ bạo tàn tham quan ô lại đày đọa bá tánh, cơm không đủ ăn, nhà không có ở, lạc ngõ trôi sông, đầu đường xó chợ?
Kể từ đó, hằng đêm có những thây người trong trang phục quyền quý, sang trọng chết “bất đắc kỳ tử”, bộ đồ lòng bị mất tim gan, riêng bộ óc được phơi bày cùng lúc nhúc giòi bọ.
Người ta kết tội M Kaly chính là “ma lai”.
Đám tham quan ô lại, đầu trâu mặt ngựa lẫn cô hồn các đảng ăn ngủ không yên. Trong tâm tưởng của chúng không hề có Phật, có Chúa thậm chí cũng chẳng có ông Trời nhưng chúng sùng bái “Đa thần giáo” đến mức lú lẫn mê muội, cả lũ xúm lại “cầu cơ” mong tìm lối thoát.
Chúng cho người tìm những mảnh ván thiêng khắc làm con cơ...
Đêm thanh vắng giữa nghĩa trang thành phố, trên nền đá hoa cương của ngôi mộ nguy nga như lăng tẩm vua chúa thời xa xưa, khói hương nghi ngút vờn quanh mâm cao cỗ đầy. Những gương mặt đờ đẩn mê muội béo ụ thi nhau lạy như tế sao. Con “cơ” chạy vòng quanh rồi dừng lại chữ "Thần".
Bỗng con cơ dựng đứng đưa mũi nhọn lên trời, đồng thời từ phía sau cây lộc vừng cành lá xum xuê, tắc kè chậm rãi tắc lưỡi kêu buồn thảm trong đêm khuya tich mịch, cả lũ giật mình ngơ ngác nhìn nhau. Tiếng sấm ì ùng của cơn mưa giông kèm theo ánh chớp sáng lòa hiển hiện rõ bóng đen to lớn, khuôn mặt phương phi với chòm râu bạc quắc thước giống như thần Tản Viên trong “Tứ bất tử”(*) cất tiếng cười ha hả khiến cả bọn vắt giò lên cổ bỏ chạy, tên nào cũng thần hồn nát thần tính.
Sự việc xảy ra không làm cho bọn chúng từ bỏ thói gian manh, chúng khẳng định do lễ vật cống nạp chưa tương xứng nên bị thần quở trách. Chúng toa rập bày mưu tính kế vơ vét thượng vàng hạ cám trong bá tánh, bày trai đàn cúng tế linh đình cầu xin các linh thần đồng tình chiếu cố.
M Kaly cùng đám “ma trơi” bay là là trên cánh đồng hoang hóa, ánh sáng xanh lè chập chờn lúc ẩn lúc hiện, tiếng hú thê lương từ những hồn ma nghèo đói bị trấn áp, cướp bóc, bóp hầu bóp họng như khúc nhạc bi ai tiễn chân đoàn quân “ma da, ma trơi, ma le, ma cà rồng…” tiến công dẹp lũ tham tàn.
M Kaly nhìn thằng mặt rỗ - hình như thủ lĩnh, mắt lương ti hí, hai chiếc cằm bạnh ra rõ tướng võ biền. M Kaly lắc đầu, dòng máu ứ phụt ra như cầu vồng bám theo gan ruột lòng thòng, mái tóc đen huyền của nàng phất phơ trong gió, lượn lờ và nhấp nhô như làn sóng, tỏa ánh sáng xanh biếc hòa cùng đoàn âm binh lần lượt moi gan.
Bình minh chói lòa ngoài biển khơi, dát màu hồng tươi trên ngàn cây nội cỏ. Thằng mặt rỗ cùng đám tùy tùng nằm phơi thây trắng phéo, kéo vệt dài trên đất màu nâu xạm của máu khô, xen lẫn những nụ hoa đỏ thắm của cội lộc vừng già.
..........
Lũ ma mới đồng bọn của thằng mặt rỗ ngơ ngác và bỗng rụt rè khi đột nhiên sang cảnh giới khác. Lạ lùng thay, những hồn ma đã từng là nạn nhân của chúng không hề tỏ ý trả thù, họ khoan dung nhìn hồn phách của chúng đang ngỡ ngàng khúm núm và hèn nhát không còn phong độ, mất hết dáng vẻ oai phong lẫm liệt như khi còn sống. Những lâu đài tráng lệ, vàng bạc tiền tài, vinh hoa phú quý do cướp đoạt mà có, bây giờ đối với chúng là ảo ảnh. Bọn chúng tiếc nuối lẫn căm hờn khi nhìn bọn đồng liêu đang còn tại vị trên dương thế hoan hỉ thừa hưởng gia tài của chúng đã tích cóp một đời. Thậm chí lão Thổ địa già cản ngăn xua đuổi không cho vào ngôi biệt thự sang trọng còn mang tên bọn chúng là gia chủ.
“Cộng đồng ma” không tàn sát đồng loại, nước dòng sông Mê chỉ làm thức tỉnh những hồn ma đã một thời lầm lỗi, nhưng đôi bờ không hề có bến lú, sống chung hòa bình chỉ có ở thế giới ma. Nên những đêm về sáng, hồn ma “tinh anh” đã giác ngộ về báo mộng và truyền đạt chân lý với dương gian:”Tiền tài như phấn thổ, nghĩa nặng tợ thiên kim”!
Nguyễn Châu
(*)Tứ bất tử là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa.
• Tản Viên Sơn Thánh, hay Sơn Tinh, là vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi nước Việt Nam. Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai.
• Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
• Chử Đồng Tử, còn được gọi là Chử Đạo Tổ, tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, và sự sung túc giàu có.
• Liễu Hạnh công chúa, hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng, văn thơ.

QUÊ NỘI

(Trích HOÀI NIỆM)
Tôi được sinh ra tại làng Nại Hiên, Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng đi vào gần đầu cầu Vĩnh Điện, rẽ phải hướng về làng Bất Nhị, (Bình Long) Điện Phước, Phong Thử… khoảng hơn ba cây số là quê nội tôi. Qua tháp (Chàm) Bằng An (Điện An) đến những căn nhà ngói ba gian đồ sộ của các ông Nghè Mai, Chánh Chước, rẽ phải vào làng. Làng Hạ Nông (Điện Phước), xóm Hạ-Nông-Dưới nghèo nàn những nếp nhà tranh nép mình bên lũy tre xanh, dọc con đường đất nhỏ, hai bên là những đám ruộng canh tác lâu đời.
Nhà ông Chanh có Lê Viết Hoàng học cùng lớp những năm cấp 2 ở trường bán công Nguyễn Duy Hiệu, đến nhà bà ba Ra, vườn ông Cửu Tưởng hiu quạnh, vắng bóng người, bà Mày có con trai tên Nguyên, nhà bà Tiếp có chị hai Tiếp, anh Xuyên, anh Đông đến bà Mua có anh tám Dần bạn chú mười Thi, nhà bà Nhì có anh Tam, Cật phía sau là nhà chú Liếng có chị hai Liếng, chị Ba, Bảy…, nhà chú ba Mậu, nhà ông Chánh Ba có chị Thông, anh Nga…
Ông bà nội mất, bác tôi lo hương khói kinh kệ chùa Hạ Nông. Gia đình bác có chị hai Xứng, chị ba Cường, chị bốn Nhâm, anh Tâm (Thuỳ), anh Ngộ, anh Hiệp, chị Nghĩa. Nhà chú Dần có Dần cùng tuổi (đã mất), Dân, Nhân, Giai… Sau này chú Dần làm nhà gần ông ba Mậu. Đi học về, anh Ngộ, Dần và tôi cởi áo quần nhảy tỏm xuống “đàng nước”(mương thuỷ lợi) nước trong veo, chú Bề “mân-te”(đưa nước vào ruộng), ôm gọn áo quần đi thẳng. Tụi tôi ngó theo la í ới.
Xóm Hạ-Nông-Dưới khoảng mươi nóc nhà có đến bốn bà góa, những người chồng đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Tây càn, ông Nhì ôm súng leo lên cây đa bị Tây bắn chết, ông ra đi khi bà Nhì chưa đến tuổi ba mươi. Rồi những năm 1963, 64 hưởng ứng phong trào "ba sẳn sàng", thế hệ tiếp nối như Dần, Cật, Bảy vào du kích và hy sinh…
Khi tôi sinh ra, ông bà nội đã mất, bác tôi theo nghề ông nội, bác giỏi chữ nho dạy tam tự kinh cho lũ trẻ chúng tôi.
“Nhân chi sơ, Tính bản thiện,
Tính tương cận, Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên.”
Quê nội tôi yên ả thanh bình nhất có lẽ sau hiệp định Genève 1954 đến đầu thập niên 60. Đúng là thái bình thật, bà con sống hiền hòa thân ái, làng xóm không bị trộm cắp những đêm hè cửa thường bỏ ngõ, tiếng hò khoan trong mùa cấy tháng tám, tháng ba thoang thoảng theo làn gió bay xa. Ngày đó, chỉ có nỗi lo thiếu ăn, thiếu mặc trong mùa Đông giá mà thôi.
Rồi một ngày những người không phải lính, nhưng mặc đồ đen mang súng vào ở chung với dân làng…
“… Mùa xuân năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược mục tiêu căn bản là tách rời du kích, quân sự của Cộng Sản còn cài cắm ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn phải ra hồi chánh hoặc bị tiêu dịêt…” (Wikipedia)
Nếu Quốc Sách này được tiếp tục và Ngô Đình Diệm không bị lật đổ thì ngày thống nhất đất nước có lẽ còn xa vời…
Ngày xưa ở quê tôi làm ruộng chỉ có hai mùa: Tháng ba, tháng tám. Mẹ tôi quảy gánh sang tận Đông Bàn (Gò Nổi), La Thọ mua sắn, mua khoai, xắt lát phơi khô để giành độn cơm trong mùa giáp hạt. Những buổi chiều tôi theo chú mười Thi đi câu cá thát lát ở “giếng” Thủ Bộ. Gọi là “giếng” nhưng chỉ là hố bom sâu khoảng vài mét, đường kính hơn chục sải tay. Tôi lội dọc theo triền nước xúc những con “mày mày” (ấu trùng chuồn chuồn) làm mồi cho chú câu, có hôm chú câu được mười mấy con cá thát lát to óng ánh như dát bạc, mẹ làm chả cá ngon tuyệt cú mèo hay nấu canh với rau tần ô ngọt lịm.
Mùa Đông mưa phùn gió bấc, bàu súng – rất nhiều cây bông súng hoa trắng viền tím ngát, nước lên mấp mé bờ đập thuỷ lợi cha tôi chèo ghe đặt lờ, cá rô, cá diếc, cá tràu, thác lác, cá trê béo ngậy. Nướng cá trên lò than, chấm nước mắm gừng, nồi cơm đất nung thơm lừng với chén mắm cá nục, cá cơm dằm thêm ớt tỏi, ăn quên thôi quên mất phần người lớn!
“Ông tha mà bà không tha/ Làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Nhưng lụt cũng mang phù sa để ruộng đồng phì nhiêu, những gánh phân chuồng, phân xanh thấm đượm tình quê qua hương thơm ngạt ngào của hạt cơm lúa mới.
Lụt lớn, lụt nhỏ nước chảy tràn đồng là những ngày hội hè của đám trẻ con chúng tôi, tất bật chạy đi đơm cá. Những bát cá mại, cá cấn, đủ loại cá con kho với lá gừng, lá nghệ vàng ươm! Kể cũng lạ, đất khô nứt nẻ nhưng khi mưa xuống lại có cá, không biết từ đâu?
Gần Tết, từ đầu tháng Chạp, cha tôi đã cuốc đất lên luống gieo cải. Nhà nhà lo Tết, mẹ tôi chuẩn bị sẳn không thiếu thứ gì. Đưa ông Táo về trời, mẹ nhờ chú ba Diện quảy gánh nếp đi bung, nấu nước đường làm bánh hộc, bánh khô, bánh in, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao… Chiều ba mươi quanh bếp lửa hồng, nồi bánh tét sôi sùng sục, tiếng heo bị làm thịt kêu eng éc...
Đêm giao thừa pháo nổ vang khắp làng trên xóm dưới, rồi chìm vào hư không. Tiếng chuông chùa ngân vang… Sự thiêng liêng ngự trị trong lòng mỗi con người, cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.
Quê tôi, người dân bao đời vẫn sống chân chất, thanh lương. Miền trung đất hẹp, gánh nặng hai đầu đất nước, các bậc trưởng thượng chỉ mong con trẻ học theo gương người trước, cố giành khoa bảng phụng sự cho đời.
"Ngũ Phụng Tề Phi" có nghĩa là năm con phượng cùng bay lên là danh hiệu được phong tặng cho năm vị đại khoa đỗ trong khoa thi năm 1898, và cùng thuộc tỉnh Quảng Nam, đó là một điều hiếm có trong một tỉnh. Năm vị ấy là:
• Tiến sĩ Phạm Liệu (Trường Giang, huyện Điện Bàn)
• Tiến sĩ Phan Quang (Phúc Sơn, huyện Quế Sơn)
• Tiến sĩ Phạm Tuấn (Xuân Đài, huyện Điện Bàn)
• Phó bảng Ngô Lý còn gọi là Ngô Chuân (Cẩm Sa, huyện Điện Bàn)
• Phó bảng Dương Hiển Tiến (Cẩm Lậu, huyện Điện Bàn)
Sau ngày Hiệp định Genève cha tôi đưa gia đình về quê, cha làm căn nhà ngói to nhất làng toàn là danh mộc, đúc bê-tông đầu tiên ở làng tôi tọa lạc giữa chùa Hạ Nông và nhà bác Xứng.
Tôi được khai tâm từ “trường” thầy Tư Khải. Gọi là trường nhưng chỉ có hai dãy bàn bằng gỗ mít. Học trò lèo tèo năm bảy đứa, cả gái lẫn trai…
Mẹ mua mấy cuốn vở, bình mực, bút lá tre. Mực viên hoà với nước, mực xanh, mực tím. Thầy dạy vỡ lòng, “a,b,c…a,ă,â… – nhân chi sơ tính bổn thiện…” Thầy dạy Tam tự kinh lẫn tiếng Pháp. Anh Tâm (Thuỳ) học lớp nhì, dạy thêm: “Ma mère – Mẹ tôi, long – dài, mue – mềm”. Tôi xung phong đọc cho thầy nghe, thầy quất mấy roi quắn đít!
Đường trơn, từ nhà đến trường ngang qua vườn bà cửu Tưởng không một bóng người, tôi sợ ma, sợ chó điên... Mẹ dạy phải bấm ngón chân cái xuống đất cho khỏi trượt té, đến sân nhà thầy tôi ngã lăn quay, con gái lớn của thầy bắt tôi cởi truồng kỳ cọ sạch bùn, ngồi học không mặc quần lạnh run...
Có lẽ học ở quê không vừa lòng cha mẹ. Cha dắt ra nhà ông bà ngoại ở Đà Nẵng học trường ông thầy "già", không thuộc bài bị quỳ xơ mít, đội tắp-lô, ăn roi mây. Năm lớp tư, cậu bốn xin qua trường Sào Nam của ông Thị Tý. Đi học về, ngang trường ông thầy "già" cả lũ reo hò: “Ông thầy già ăn cứt gà đỏ đít!“ cậu tôi nghe được tát cho mấy tai!
Đêm nằm nhớ mẹ khóc thút thít. Học xong lớp ba, cha ra Đà Nẵng thấy tôi đứng nắm quai nôi ru hai em sinh đôi con cậu. Cha tức tốc thu dọn sách vở dắt về quê...
Niên khoá 1960–1961, tôi học lớp nhì trường Kỳ Ngọc (Điện Phước). Học được mấy hôm nghe lời xúi dục của mấy bạn trời ơi trèo lên cửa sổ ê a:“Em yêu cô giáo lớp ba, hàm răng trắng nõn nước da đen sì…sì“. Thầy Trợ Lập - hiệu trưởng, gọi lên văn phòng bắt cả bọn quỳ gối, vòng tay xin lỗi cô, chuyện đến tai cha tôi được thêm một trận đòn. Lớp tôi đa số đi học bằng chân không giày không dép, tôi còn nhớ vài khuôn mặt: Đỗ Cả - có tài hát bội, Trần Văn Giám, Lê Minh Tá, Nguyễn Thị Lành, Đinh Thị Tân, Trần Hoài Thanh, Nguyễn Văn Đạt (Ngộ), Nguyễn Văn Bảy (cao giò)…
Dần - con chú, học sau tôi một năm ở trường học Mới, cùng với em Ngọc. Bảy cao giò – con chú Liếng, lấy trộm truyện thơ “Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối…” cho tôi mượn. Tối về đọc cho mẹ nghe, có chỗ mẹ khóc, tôi cũng khóc… Bảy (Sau đi du kích với Dần, hy sinh 1972) đòi sách, Dần nói “mét” mẹ nó. Nó sợ không dám đòi.
Năm lớp nhất, tôi học thầy Phấn (Vĩnh Điện). Thầy cận thị nặng, mấy đứa rủ nhau ngồi cuối lớp thầy sẽ không thấy, ít dò bài. Vậy mà thầy cứ gọi tôi với Bảy cao giò! Ngày đó còn thi tiểu học, ngoài thi viết còn phải thi vấn đáp nhưng không đứa nào hỏng cả.
Cuối năm lớp nhất, mẹ cho tiền, tôi mua sách và cặp về khoe với cha là phần thưởng, chẳng may thầy Trợ Lập đến nhà chơi nói tôi học chẳng ra gì!
Từ đây như chim non rời tổ ấm, một số không đi học nữa như anh Ngộ, Bảy ở nhà chăn trâu, Trần Văn Giám về Saigòn, hơn một nửa sau này đi du kích như Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Văn Bảy…
........
Nhà ông Nội tôi – Thầy Kiều - thôn Hạ Nông Dưới (Hạ Nông Trung), Kỳ Ngọc (Điện Phước), Điện Bàn, Quảng Nam. Ngôi nhà mái ngói cổ kính, bên cạnh chùa Hạ Nông.
Chênh chếch về hướng Tây cách nhà ông khoảng hơn nửa cây số là nghĩa địa Gò Bướm có mả ông Nghè Trần Quý Cáp.
Tôi không biết chùa Hạ Nông có từ lúc nào, chỉ biết cha tôi cùng dân làng trùng tu thành ngôi chùa khang trang với cái chuông đồng to lớn, nghe nói mỗi lần dộng chuông, đến Hàn cũng vọng thanh âm, quanh chùa có ba cây da (đa) trăm tuổi, trụ hình chân vạc. Về hướng Tây Bắc không xa, Miếu Bà linh thiêng u tịch dưới cây xoài cao vòi vọi.
Quê tôi Điện Phước, phia Bắc giáp xã Điện Hòa, phía Nam giáp sông Thu Bồn, phía Tây giáp Điện Thọ, phía Đông giáp Điện An, Điện Phước là xã thuần nông, đồng bằng màu mỡ, nhờ phù sa của Sông Thu Bồn.
Ngày xưa…
“… có 24 tên làng thuộc huyện Điện Bàn hiện tại: làng Đắc Ký, Hoa Thử (Phong Thử), Kỳ Lam, Giáng La thuộc xã Điện Thọ hiện nay; làng Nông Sơn, Bất Nhị, Hà Khúc (Hà Nông) thuộc xã Điện Phước, làng Đông Bàn thuộc xã Điện Trung, làng Đa Thử (Đa Hòa) Cẩm Đăng (Cẩm Văn), Giáo Ái thuộc xã Điện Hồng, làng Lỗi Sơn (Cẩm Sơn), Diễm Sơn thuộc xã Điện Tiến, làng Hoa Hồ (Đông Hồ), Bích Trâm thuộc xã Điện Hòa, làng Lai Nghi, Phong Hồ, Kim Sa (Cẩm Sa); làng Thị Lại (Thi Lai), Kim Lữ (Cẩm Lậu) thuộc xã Điện Phong; làng Nhân Triêm (Phú Triêm) thuộc xã Điện Phương, làng Uất Lũy, Cúc Lũy (Khúc Lũy) thuộc thị trấn Vĩnh Điện và xã Điện Minh, làng Kim Quất (Thanh Quýt) thuộc xã Điện Thắng.
……
Lê Viết Bang, theo phò vua vào Nam chinh chiến, sau 1471 được vua Lê sai phái ở lại vùng đất Chiêm Động, có công khai khẩn đất hoang, qui dân lập ấp, lập nên làng Bằng An, nay thuộc xã Điện An.
…….
Đô trị bình Chiêm Lê Tự Cường sau thời gian phò vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thắng lợi đã có công khai khẩn xứ Bàn Tràm, làng Thanh Quýt thuộc xã Điện Thắng ngày nay)
…….
Có rất nhiều dòng Lê Tộc từ Thanh Hóa vào định cư tại đất Điện Bàn như Lê Tấn Viễn định cư tại Điện Dương, Lê Cao Xảo tại Điện Phước, Lê Viết Bảo tại Điện Nam, Lê Đường, Lê Tấn tại Điện Hồng, Lê Văn Đạo tại Đông Bàn, Lê Đắc Sùng tại Giáo Ái, Túy La (Điện Hồng), Lê Đắc Vinh tại Điện Hồng...
……….
Trong tập san nghiên cứu lịch sử số 5 – 1993 của Viện Sử học Việt Nam có công bố một tài liệu gọi là “Bắc địa tấu từ” (bài tấu tâu về đất Bắc). Bài từ được viết ngày 12 – 6-1492 (năm Nhâm Tý Hồng Đức thứ 23) này là của 24 dòng họ từ các tỉnh phía Bắc, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Hải Dương vào khai phá vùng Bắc sông Thu Bồn. Trong số đó có các dòng họ Phan, Hà, Trần, Thân, Nguyễn, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Huỳnh, Từ, Mạc, Lê... Bài từ có nói đến các tên làng Nông Sơn, Hạ Nông, Châu Lâu, Đắc Ký...
“Theo bước chân của vua Lê Thánh Tông đi mở cõi, các bậc tiền nhân đặt chân vào Điện Bàn, xứ Quảng, rồi khẩn hoang, lập làng lập xã. Hạ Nông xã, Câu Nhí xã, Châu Minh xã, Mỹ Á xã… những cái tên xưa cũ đã từng lưu dấu trong “Bắc địa tấu từ”. Và trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553, các làng của Hạ Nông xưa, Điện Phước nay, đã được xác lập như Nông Sơn, Minh Châu, Bất Nhị… Nhắc đến Bất Nhị, ai là người Quảng mà không nhớ câu hát ru:
“Bồng em mà bỏ vô nôi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An”.
……….
Chỉ có hơn 11 cây số vuông, nhưng Điện Phước quần tụ đến 12 ngôi làng cổ, 50 tộc họ. Xã được thành lập vào tháng 11.1948, trên cơ sở hợp nhất 4 xã Quý Cáp, Hiệp Lực, Nông Chánh, Liên Châu. Xã Quý Cáp hẳn là lấy tên của người chí sĩ sinh ra ở làng Bất Nhị. Cụ Trần Quý Cáp (1870 – 1908) cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, hợp thành “bộ ba Quảng Nam” nổi tiếng, khởi xướng phong trào Duy tân với triết lý “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” còn giá trị đến vô bờ. Bên cạnh cụ Trần có cử nhân Mai Dị (1880-1928), đỗ đạt nhưng không ra làm quan và lui về quê, cùng các nhà Duy tân mở trường dạy học. Ông từng tham gia sáng lập và dạy học tại trường Diên Phong, bị giặc Pháp nghi án và bắt bỏ tù trong phong trào Kháng thuế năm 1908. Ở Điện Phước còn có tên tuổi vang danh là nhà ngoại giao Nguyễn Thành Ý. Cụ Thành Ý quê từ Túy La qua cư trú tại Bất Nhị, là một trong “Ngũ tử đăng khoa” (5 anh em trong một nhà có 2 người đỗ tú tài, 3 cử nhân). Cụ Nguyễn Thành Ý từng được vua Tự Đức cử làm Tổng lãnh sự tại Sài Gòn - Gia Định.
………
Cha tôi hay lấy gương anh Trần Văn Thọ để răn dạy tôi, anh nhà nghèo đến trường đi bộ, chân không dép, anh học trên tôi hai lớp.
“Ông sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật Bản du học. Mặc dù đến nay đã sống ở Nhật Bản hơn 40 năm nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam cho mình.
Ông học cho đến khi lấy được bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin (Tokyo). Từ năm 2000 đến nay, ông làm Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo).
Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin: Lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật, ông là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời Thủ tướng Nhật.”
Từ anh Thọ, quê tôi có trường học JUNKO.
“Junko Takahashi, sinh năm 1973 tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Cô từng là sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Meiji Gakuin. Năm 1993, Junko đến Việt Nam trong một chương trình đi thực tế và dành trọn tình yêu cho đất nước và con người nơi đây. Thật đáng buồn là những mơ ước và dự định tốt đẹp ấy của Junko chưa kịp thực hiện thì cô gặp một tai nạn giao thông ở Nhật Bản và qua đời khi mới 20 tuổi.
Thông qua sự kết nối của những vị giáo sư hướng dẫn Junko tại Trường Đại học Meiji Gakuin, gia đình cô đã quyết định chọn Điện Phước – vùng “rốn lũ” ở Điện Bàn, Quảng Nam, để xây dựng trường học cho các em học sinh khó khăn.
Tại đất nước Nhật Bản, các thầy cô giáo và sinh viên của nhiều trường đại học vì cảm mến lý tưởng sống của Junko đã thành lập Hiệp hội Junko nhằm tiếp nối sứ mệnh dang dở của cô nữ sinh có tấm lòng vàng.
Hàng năm, cứ vào đầu tháng Chín – dịp khai giảng năm học mới của học sinh Việt Nam, các hội viên của Hiệp hội Junko lại sang Việt Nam và tới thăm ngôi trường mang tên Junko.”
Sau chiến tranh, chùa Hạ Nông và nhà cha mẹ tôi chỉ còn nền gạch hoang phế, ba cây đa trăm tuổi trụ hình chân vạc quanh chùa, cây xoài Miếu Bà đã không còn nữa, cha mẹ tôi cũng đã khuất bóng từ lâu...
Nguyễn Châu
Ảnh: Nhà thờ tộc Nguyễn Văn đệ tứ phái ở Hạ Nông.
Tham khảo:
- Tộc Nguyễn Văn Phú Triêm - Điện Phương - Quảng Nam - Facebook https://m.facebook.com/.../a.10709322.../146637226842536/...

GÃ TRỢ LÝ


Tôi đưa gã dị hợm đó làm trợ lý - gã là bạn chí cốt của tôi. Làm bất cứ việc gì gã cũng nhìn tôi đăm đăm như sợ tôi hớ hênh. Những lúc như vậy, tự nhiên tôi không còn chút tự tin nào, tôi hỏi gã:
- Tôi là con cù lần à?
- Ông chưa đủ lớn!
Lối nói chuyện kiểu này dễ nổi máu. Tôi sửa lại tư thế, đường đường một vị lãnh đạo như tôi mà “chưa đủ lớn”, nghĩa là sao?
Gã cười:
- Ông nên chịu khó đọc sách! Ông chưa rửa sạch gót chân.
Nhìn lại mình, kể cũng lạ. Dù vài năm trở lại đây tôi đâm ra chải chuốt, áo quần thẳng nếp, tóc nhuộm đen hun, tôi giành thời gian “tô điểm” cho bản thân mình nhiều hơn. Tôi học lóm cách lịch lãm của bọn phong lưu, tập nhảy đầm, cách ngồi, thậm chí lối nói chuyện của các bậc trí giả.
Nhiều lần trong nhà hàng sang trọng hay tiệc tùng, vợ tôi bấm đùi, nói nhỏ:
- Xỉa răng lấy tay che miệng, đừng gác chân lên ghế!
Tôi hơi khó chịu, nhưng cái cốt bần cố nông mấy đời chưa thay đổi được.
…………
Nhờ dịp ông anh họ cùng đoàn tùy tùng về thăm quê, tôi biết phận mình nên không vồ vập, nịnh hót như đám quan làng, đứng lấp ló xa xa. Ông anh nhìn quanh, vẫy tay:
- Chú phải cố “phấn đấu” cho bằng anh bằng chị, kỳ này tôi đưa chú ra thủ đô, đổi đời cho chú, nghe chửa?
Tôi ngơ ngác như thằng đần, vợ tôi hích cùi chỏ mấy lần. Tôi tỉnh người ra vâng vâng dạ dạ lia lịa, ông anh chỉ vào tôi rồi quay sang ông mặc veston xám bên cạnh:
- Nó khá lắm đấy, học hành hơi “hạn chế” nhưng được cái thật thà, chú tôi hy sinh khi nó còn trong bụng mẹ.
Vậy là tôi nhảy một phát ra kinh đô, vợ tôi hí hửng ra mặt nhưng mẹ tôi lại buồn, bà lấy khăn chặm mắt nhắn nhủ:
- Nơi đầu sóng ngọn gió, con phải cẩn thận lời ăn tiếng nói chớ làm phật lòng người. Chốn quan trường lắm kẻ tỵ nạnh gièm pha tranh ăn ghét ở không bằng ở quê làm ruộng mà bình yên con ạ!
Từ ngày biết nghĩ và nhớ về mẹ, tôi ân hận nhưng chưa bao giờ biết xin lỗi hay hứa từ bỏ cái trò lêu lổng như ngày còn bé của tôi một câu cho mẹ vui lòng.
Gã trợ lý nheo mắt:
- Tôi đọc đâu đó, sự ôm ấp và nuông chìu của cha mẹ giành cho con cái chỉ đem lại sự bội bạc. Trung ngôn nghịch nhỉ!
Lời gã nói gì tôi không hiểu mấy nhưng phải công nhận chỉ có gã mới làm tôi tin cậy và an lòng.
Một lần giận quá, tôi quát tháo thằng cán bộ tổ chức rầm trời, cả cơ quan nhốn nháo. Ai đời nó cung cấp thông tin cho báo chí trời ơi viết về tôi, nào là:“Xuất thân từ anh nông dân chất phác, do hoàn cảnh mẹ góa con côi nên dù học hành chưa đến đâu, nhưng… đã cố gắng phấn đấu để trở thành một lãnh đạo tài ba, đưa con thuyền chông chênh trên bờ vực sắp phá sản trở thành đơn vị mạnh, lá cờ đầu của tổng công ty… xứng đáng với truyền thống… tay không bắt giặc!”.
Nhưng chỉ có gã mới biết xoa dịu cơn thịnh nộ, gã triết lý:
- Chỉ bất lực mới không kiềm chế được thái độ của mình. Ông nghĩ xem, thời bây giờ người ta quan niệm như vậy cả, là niềm tự hào xứng đáng anh hùng lao động. Chỉ vì ông mặc cảm sợ lòi tẩy cái sự học của mình nên ông giận dữ chớ cái loại có chút chữ nghĩa như tôi, nói có ai nghe.
Tôi ngồi im lặng ngẫm nghĩ, ngày hôm nay được như thế này cũng nhờ ông anh chống lưng, giao cho các dự án béo bở, mới chỉ trên giấy mà tiền vô tới tấp, gã trợ lý cũng được ăn trắng mặc trơn con cái đi du học nước ngoài. Chợt nghĩ đến mấy thằng con, tôi ngán ngẫm ê chề, chúng nó muốn bằng cấp gì cũng có nhưng học hành chẳng ra ngô ra khoai chỉ biết ăn chơi, phá của.
Lập công ty cho thằng con lớn làm lãnh đạo, dự trù đưa gã trợ lý sang làm phó, vậy mà gã lắc đầu:
- Tui chỉ theo ông thôi, dù gì tui góp ý ông còn nghe ra. Tụi nó con cháu nhưng là... ông nội tui!
Nhìn mặt gã thiểu não, ai đời được thăng quan tiến chức, mặt gã lại như đưa đám.
Gã tâm sự:
- Từ trước đến nay mọi việc trong tổng đều kín kẽ nhưng thời gian gần đây tôi thấy ông lo "đối phó" hơi nhiều, nay lại thêm...
Gã bỏ lửng. Nhưng làm sao gã hiểu thời thế bằng tôi, chuyện quan trường đâu dễ để tồn tại.
......
Đang trên đà hoạnh tài, đường công danh rộng mở. Vợ tôi thay đổi từng ngày, nàng đã lột xác không còn dáng vẻ gì lam lũ của những ngày tay lấm chân bùn. Một hôm nàng chạy xe máy ào vào nhà như ma đuổi, chưa kịp dựng xe nàng đã hổn hển:
- Anh cho em học lái xe, tụi bạn em đứa nào cũng có ô tô. Anh nghĩ coi, mình đi ăn hay có chuyện riêng, ai đời bắt mấy chú tài đợi ngoài xe thật tội nghiệp, ác chết!
Cậu Thanh thư ký nhanh nhảu:
- Chị nói đúng đấy anh ạ! Cứ xe cơ quan, chỉ một tuần cầm vô-lăng “dợt” ngoài công viên, chị lái vù vù được ngay. Ngày thi lấy bằng, anh cứ giao em. Lý thuyết vớ vẩn khỏi bận tâm.
Vợ tôi nghe như cởi tấc lòng, nàng cười tươi như hoa ôm choàng lấy tôi, mùi nước hoa đắt tiền trên bộ áo quần hàng hiệu của nàng thoang thoảng, nàng nũng nịu hôn lên má, khiến lòng tôi không thể chối từ.
Tôi “tậu” cho vợ chiếc Camry 2.0 mới cáu, mang biển kiểm soát tứ quý, tôi không ngờ nàng có “khiếu” lái xe. Ai cũng khen nàng có tay lái “lụa”.
Một lần tôi đang công tác ở Châu Âu, điện thoại reo vang, giọng Thanh ấp úng:
- Báo cáo anh, xe chị bị giao thông cẩu về…
Tôi ngạc nhiên:
- Vì cớ làm sao?
- Chị ủi vào đít xe người ta, không chờ xử lý, chị tắt máy cầm chìa khóa leo lên taxi đi mất. Dạ, hình như xe ưu tiên bên phòng chống bão lũ.
- Cậu lo lấy xe về, cả thành phố này ai không biết xe của… chị? Đồ ăn hại!
Tôi chuyển máy gọi nàng:
- Chuyện gì vậy?
Giọng nàng tỉnh rụi, liếng thoắng kể chuyện đêm sinh nhật của nàng ở nhà hàng Ritz:
- Em phải nhờ xe cấp cứu ở bệnh viện anh Ph. mới chở hết quà về. Bên hãng máy bay tặng hai vé khứ hồi du lịch Mỹ. Vé open, em chờ anh về…
Nàng không hề bận tâm về “tai nạn” giao thông. Tôi chợt nhớ về mẹ, bà chỉ thích sống ở đấy như bà đã sống… như những ngày thơ ấu của tôi.
Đôi lúc tôi thấy mình quá đà, lỡ leo lưng cọp. Gã trợ lý trầm ngâm bên cốc rượu:
- “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc…” Thời này khó quá ông ạ! Đôi lúc tôi muốn xin ông cho tôi về, nhưng lại không đành lòng. Dù bây giờ gia đình ông sống trong nhung lụa nhưng tôi biết ông vô vàn khổ tâm, vẻ mặt đăm chiêu của ông bên gạt tàn đầy thuốc lá, lòng tôi bất an. Sự truy đuổi bất tận của bã lợi danh khiến ông không thể dừng bước và không thể buông tay.
Ở Sicilia có một điều luật gọi là omertà – nghĩa là im lặng, bằng không sẽ chết...
Ông và tôi cùng im lặng đến vô cảm, nhìn những con diều hâu khát máu moi ruột gan của những xác chết vì u uất, bị cướp bóc tàn nhẩn đến xương tủy.
Chẳng thà như Villalba Calogero Vizzini - thủ lĩnh huyền thoại của Mafia, được người đời khắc trên bia mộ:"Ông là một Mafia, tuy phạm tội nhưng ông cũng rất tôn trọng pháp luật, bảo vệ lẽ phải và là một nhân cách vĩ đại. Đó là con người đáng kính".
....
Những hợp đồng béo bở được chỉ định thầu đã đem lại những mối lợi khổng lồ. Mỗi ngày qua đi, tôi càng ranh ma trong đàm phán, o ép các đơn vị phụ thuộc để được cống nạp những khoảng hoa hồng trời ơi mỗi khi giao việc, tự nguyện dấn thân và tỏ ra hoan hỉ được làm đàn em trung thành của ông anh họ. Đôi lúc tôi có cảm giác chai lì chịu đựng, có thể do bản tính nhu nhược cố hữu chỉ biết nhắm mắt cung phụng. Mỗi lần về thăm mẹ, bà thở dài nhìn tôi:
- Người ta nắm đầu thằng có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu! Bút sa gà chết, con càng giàu có, mẹ càng thêm lo!
Những sợi tóc lưa thưa trên chiếc đầu hói láng bóng của tôi chứng tỏ tôi là người có tóc, tôi ậm ừ lãng sang chuyện khác.
Gã trợ lý đã từ giã tôi sau một trận tranh luận lôi đình, gã nhìn thẳng mặt tôi, chậm rãi buông lời:
- Tôi không còn có ích gì cho ông, ông đã bắt đầu
“lớn” trong chiếc áo khoác quyền lực, ông đã ngộ nhận mình là thánh nhân bởi những lời tâng bốc, nịnh bợ. Lời tôi góp ý ông không nghe, nhắm mắt làm bừa. Sự đăm chiêu của ông bây giờ đã khác, tất cả chỉ vì tiền. Nhưng tôi biết ông chỉ là một gạch nối vô hồn, sự chuyển hóa hổ tương giữa lợi và danh cuốn hút ông lăn như đèn cù trên con đường đầy máu và nước mắt của những cuộc đời khốn khổ!
Ngược lại, ông anh họ khuyến khích:
- Chú được lắm! Cứ thế mà tiến. Này, chú chuẩn bị bàn giao nhé!
Ông còn lo cái trí đần độn của tôi không hiểu thấu đáo lời ông:
- Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, chú cho đổi tiền “thằng” Mỹ nhé!
Nghe “chuẩn bị” tôi đã rụng rời, nhưng “bàn giao” lại mang ý nghĩa khác. Có lẽ tôi sẽ được “thăng quan”.
Tôi huy động mọi nguồn, đã hoàn tất giai đoạn “chuẩn bị”. Tôi bàng hoàng khi nghe tin ông anh họ về hưu. “Nhất thế, nhì tiền…”. Vậy là thế tôi đã mất, nhưng tôi đã “trưởng thành” khi biết sử dụng đồng tiền!
Thói đời “giậu đổ bìm leo”, kết luận của kiểm toán và thanh tra đã đưa tôi đứng trước vành móng ngựa. Các “ông anh” một thời thân tình chí cốt tỏ ra không hề biết có tôi hiện hữu trên cõi đời này.
Nhìn đôi mắt u buồn và thân hình còm cỏi của mẹ tôi ngồi co ro bên gã trợ lý. Tôi chợt “ngộ” ra biểu tượng cán cân công lý nơi pháp đình không những đã lệch bởi thế lực kim tiền mà cả quan niệm hành sự của tôi, kể từ ngày rời xa làng quê yêu dấu.
Lời gã trợ lý ngày nào nghe văng vẳng bên tai:
- Ông và tôi cùng im lặng đến vô cảm, nhìn những con diều hâu khát máu moi ruột gan của những xác chết vì u uất, bị cướp bóc tàn nhẩn đến xương tủy.
Chẳng thà như Villalba Calogero Vizzini - thủ lĩnh huyền thoại của Mafia, được người đời khắc trên bia mộ:"Ông là một Mafia, tuy phạm tội nhưng ông cũng rất tôn trọng pháp luật, bảo vệ lẽ phải và là một nhân cách vĩ đại. Đó là con người đáng kính".
Nguyễn Châu

CHUYỆN CÓ THẬT


Tôi bị thằng cốt đột xăm trổ đầy mình đánh võng tông vô xe, tôi loạng choạng ngã lăn quay, vừa lồm cồm ngồi dậy bị ngay cú đá dập mũi gãy bốn cái răng. Thằng cốt đột lên xe rú ga ầm ỉ vút đi, bỏ lại sau lưng lời nói chẳng lịch sự gì:”Lão già dịch!”.
Tôi lượm bốn cái răng, kéo chiếc xe đạp quẹo vành vào công an phường trình báo. Anh công an trực ban niềm nở kéo ghế mời tôi ngồi, tôi xòe tay bỏ bốn chiếc răng lên bàn, anh vội vàng lấy bông băng và lọ thuốc sát trùng màu vàng chăm sóc cho tôi. Giọng tôi ngọng nghịu không rõ lời vì xì hơi nhưng anh chịu khó chăm chú nghe tôi trình bày. Mặt anh đỏ dần lên giận dữ theo diễn biến sự vụ, anh vỗ vỗ vai tôi an ủi rồi điện thoại cho ai đó. Chưa đầy năm phút, hình như tôi nói hơi quá, chỉ ba phút thôi, thêm bốn anh công an trang bị đầy đủ súng đạn, khiên, nón sắt chờ lịnh.
Anh trực ban xếp cẩn thận bốn chiếc răng theo thứ tự trên bàn, sau khi tôi nhe hàm. Anh chụp hình đủ các kiểu, trong biên bản có ghi:”Yêu cầu bệnh viện răng hàm mặt trung ương bằng mọi cách lắp vào chỗ cũ bốn chiếc răng bị gãy đúng nguyên trạng, mọi chi phí sẽ do nhà nước chi trả”.
Anh quát lên với bốn anh công an nãy giờ đứng nghiêm không nhúc nhích, lần đầu tiên tôi thấy người đại diện công quyền giận dữ trước mặt thằng dân đen như tôi, anh yêu cầu trang bị cho tôi quân trang và vũ khí đầy đủ. Chà, tôi phải hãnh diện và nói thêm về cái bao da màu nâu láng bóng với khẩu súng ngời ngời ánh thép, kèm theo những viên đạn sáng chói màu đồng. Tôi khênh khạng nhìn vào gương trông oai vệ làm sao! Chẳng khác mấy với những chàng cowboy miền viễn Tây hoang dã nước Mỹ, chỉ trừ lúc tôi quên mình đã mất bốn chiếc răng...
Anh ân cần đưa tôi lên xe công vụ, hú còi inh ỏi chạy tốc hành đến bệnh viện. Nhìn mấy thằng ranh con chạy xe ẩu tả, tôi định móc súng nhưng xe chạy nhanh quá, nên thôi.
Từ bác sĩ đến các cô y tá niềm nở xăng xái khiêng tôi xuống băng ca, ông giám đốc bệnh viện giậm chân liên hồi tức tối khi nghe tôi kể chuyện thằng ôn dịch. Ông giao cho phòng X-quang soi rọi kỹ lưỡng bốn chiếc răng, chỉ định bác sĩ thẩm mỹ đã nhiều năm tu nghiệp ở Âu Châu, kèm theo hai bác sĩ chỉnh hình giàu kinh nghiệm thực hiện ca ghép răng cho tôi.
Đang nằm lơ mơ vì thuốc gây mê, tôi nghe trên TV thông báo nhà nước cho trang bị khẩn cấp vũ khí phòng thân cho các cụ tuổi từ 60 trở lên để đề phòng khi bị con cái ngược đãi bỏ rơi vì đã đến hồi vô tích sự hoặc anh em tranh giành gia tài gây mất đoàn kết trong gia tộc hay ra đường gặp mấy thằng trời ơi đất hỡi chạy ẩu lạng lách, bắt chó, bắt gà và đặc biệt được quyền khử tại chỗ tham quan ô lại.
Kể từ ngày tôi được trang bị vũ khí phòng thân, ra đường tôi không sợ bất cứ thằng nào, lũ bắt gà trộm chó, cướp giật, đâm thuê chém mướn vội vàng chuyển sang nghề khác, những thằng cốt đột tỏ ra tử tế và lịch sự thấy rõ, công an không thèm nhờ đám đầu trâu mặt ngựa trợ giúp trong việc trị an, nhân dân yên vui và xã hội an bình.
Nguyễn Châu

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...