Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

TRĂNG TREO MÁI LÁ

 Tôi đi loanh quanh không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên có cô gái từ trong nhà bước ra chận đường:

- Anh tìm ai mà tui thấy đi tới đi lui?
- Dạ, hồi xưa có cô Diễm ở đây không?
- Xưa nào? Có mấy cô Diễm lận, nhưng Diễm mặt mũi ra răng?
Giọng Huế ngọt ngào, tôi bỏ bao trên vai xuống đất.
- Cô ở mô? Tui nói ở Huế...
- Tui ở Truồi... thôi chừ anh ghé vào nhà tui, rửa mặt rửa mũi rồi hỏi chi thì hỏi...
Tôi đi theo nàng, mái tóc kẹp sau lưng mà sao trông như nhún nhảy với cái nón cời.
Nàng phụ tôi kéo cái bao vào nhà nhưng bị toạt đáy đổ tràn lan khoai sắn. Tui đi mót mà.
Nàng nhìn tôi ngân ngấn giọt nước trong veo tràn ra khóe mắt.
- Chừ anh ở mô?
- Chưa biết về đâu, tui mới...
Nàng đi vào buồng đem ra cái áo dài quá khổ, không biết vải gì nhưng giống màu cứt ngựa. Nàng nói như ra lệnh:
- Đi tắm...
Những tia nước trong veo gột rửa thân xác tôi, tưởng chừng như khổ ải trong đời trôi theo dòng nước thải.
Tôi mặc chiếc áo dài đến đầu gối, tiện tay tôi giặt chiếc quần. Nàng khơi bếp lửa, tôi đưa hai tay tìm hơi ấm, cảm nhận tấm lòng nhân ái của nàng trong lần đầu hạnh ngộ.
Nàng khều từ trong đống than đang âm ỉ mấy củ khoai sắn, giọng ca bật lên:
- Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng...
Đang đói, tôi phủi sơ rồi nhai ngấu nghiến.
Nàng bật cười ha hả:
- Tướng nhìn có vẻ phong lưu nhưng như ma đói!
Tôi đói thật. Nàng quày quả nấu cơm, bếp lửa bừng lên, tôi nghe lòng nặng trĩu. "Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà" (Phạm Hữu Quang). Tôi không giang hồ vặt nhưng tôi là kẻ không nhà.
Từng cơn gió đưa mưa về rả rích trên mái lá, mùi ớt tỏi từ chiếc chày đâm tiêu hòa quyện với hương thơm của chén mắm cái bay vào mũi khiến bụng tôi réo lên từng hồi, nước bọt ứa ra, cái đói mới tồi tệ làm sao!
Ngoài kia mưa nặng hạt dần, gió lùa qua vách liếp mong manh thổi bùng lên ánh sáng từ bếp than hồng.
Mẹ con nàng theo người làng di tản vào vùng đất Tánh Linh, đất phù sa từ sông La Ngà đượm màu xanh cây lá. Mẹ nàng mất đột ngột năm ngoái, chỉ còn nàng với ngôi nhà mái lá tuềnh toàng, thân cột bằng cây rừng đã bong tróc vỏ, ven con lộ đất đỏ buồn hiu.
Tiếng chuông nhà thờ đâu đây vọng thanh âm rời rạc xa vắng, nàng chuẩn bị đi lễ.
Nàng cười:
- Anh nằm nghỉ, chờ em về...
Lạ thật, cảnh buồn teo sao nàng hồn nhiên đến lạ. Nàng định hết thời gian cư tang mẹ, sẽ về lại Huế...
Tôi gom khoai sắn vào bao, để lại cho nàng phân nửa nhưng sao nghe lòng buâng khuâng...
Tôi chợt nhớ lời bài thơ "Nửa Hồn Xuân Lộc" của Nguyễn Phúc Sông Hương trong cơn bi thảm:
"Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!
Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung càng xa vời.
Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi!"
.......
Tôi đi dọc theo đường rầy hướng về Long Khánh, thỉnh thoảng những chuyến tàu lướt qua...
Tôi ngạc nhiên khi hành khách trên tàu nhoài người ra cửa sổ vất về phía tôi những bịch đường, thuốc rê...
Nhờ những tán đường Tây Ninh ngọt lịm khiến tôi tỉnh táo và khỏe hơn lên. Tôi rảo bước như người nhàn du, tiếng chim hót từ trong cánh rừng hai bên đường tàu làm bạn đồng hành. Mặt trời đã nhô lên khỏi đỉnh núi Chứa Chan tỏa ánh sáng vàng ươm, những chiếc lá non run rẩy trong gió. Tôi ngồi xuống dưới gốc cây già lấy bịch thuốc rê vấn điếu thuốc mà rưng rưng biết ơn người không quen biết. Tiếng xe bò lộc cộc của ai đó trên đường rừng khiến tôi bừng lên hy vọng sẽ được quá giang nhưng tiếng động xa dần. Tôi đứng lên nhìn dọc theo con đường xe be, bóng người hiện dần ra. Những cô gái
người Châu ro (Chrau Jro) mang gùi, mặc váy ngực trần khỏe khoắn nhìn tôi ngạc nhiên, lạnh lùng qua mặt rồi đi dần về buôn làng đâu đó.
Tôi lưỡng lự định đi theo nhưng ngại đành thôi.
Nắng đổ trên đầu, cơn khát khô khốc đầu môi. Tôi lầm lũi trên con đường sắt phả hơi nóng ngột ngạt. Tiếng ai gọi với theo nghe vang vọng từ trong rừng rậm lá. Tôi dừng lại lắng tai nghe:
- Ới anh ơi!
Cô gái Châu ro chạy băng băng, lấp ló sau hàng cây, chiếc gùi sau lưng lắc lư theo bước chán nàng. Nàng trao cho tôi hai nải chuối chín vàng và nhìn tôi không nói gì, chậm rãi quay lui...
Ga Gia Ray buồn hiu như ga biên giới, tôi ngồi xuống băng ghế gỗ. Những trái chuối đã giúp tôi qua cơn đói khát. Nhẩm tính từ ga Gia Ray về đến Long Khánh gần 20km nữa, tôi sẽ chờ tàu và đi lậu nhưng nếu không có tiền để chung chi sẽ lắm phiền hà. Tôi nhìn chiếc đồng hồ Seiko đeo tay đã theo tôi từ ngày mới bước vào đời...
Ông xếp ga đứng bên tôi tự lúc nào, ông không chào hỏi, nhìn lom lom bộ dạng của tôi, hất hàm:
- Anh từ đâu đến đây?
Tôi bất ngờ, ấp úng:
- Ga Trảng Táo...
Hơn ba năm trước, từ căn cứ Trảng Lớn, chúng tôi được phân loại và đi bộ hơn 40km lên Đồng Ban gần biên giới Việt-Miên. Tất cả dừng chân trên vùng lõm cỏ mọc xanh rì, giữa cánh rừng già mênh mông...
Nhưng khi vừa xong lán trại, chúng tôi lại bị di chuyển đến ga Trảng Táo bằng xe hơi molotova để cải tạo lao động - phá rừng làm rẫy...
Có lẽ ông trưởng ga nghi ngờ tôi trốn trại nên vội chạy vào trong gọi bảo vệ. Người mang súng AK vòng ra sau lưng tôi, tiếng đạn lên nòng nghe rôm rốp lạnh lùng. Tôi nhìn thẳng mặt người trưởng ga, lấy giấy ra trại đưa cho ông ta. Nhìn thấy dấu mộc và người ký tên là Thiếu tướng Đào Sơn X.- Đoàn 500, ông không còn thái độ hống hách ban đầu, gật đầu nói nhỏ:
- Mời anh vào trong này...
Ông lịch sự rót trà và mời tôi điếu thuốc Vàm Cỏ. Ông tâm sự:
- Tôi vốn thuộc sở hỏa xa Saigon, được lưu dung và bố trí về đây...
Ông rót thêm trà và đẩy gói thuốc về phía tôi, giọng chùng xuống:
- Hôm nay đã hết tàu
về Saigon. Tối nay anh nghỉ tạm lại đây, sáng mai có chuyến tàu chợ lúc 9g, tôi sẽ đưa anh lên tàu..
Tôi bỏ lại bao khoai sắn ở sân ga, ông trưởng ga nhét vào túi tôi năm đồng trước khi tàu chuyển bánh.
Tôi bỏ ý định ghé Long Khánh, nơi ấy có người cô họ. Nhìn mọi người chen chúc nhau trên toa tàu chật hẹp, những khuôn mặt đăm chiêu, khắc khổ của các chị đi buôn ngồi ủ rủ. Khi gần đến ga Biên Hòa, người đàn bà ngồi cạnh dúi vào lòng tôi túi tiêu hột. Kề tai nói nhỏ:
- Giấu giúp dùm chị...
Mọi thứ thật lạ lùng, tôi chưa hình dung được cuộc sống xã hội tôi đang cố hòa nhập. Gia đình tôi cũng vậy ư? Cha mẹ tôi già nua ngoài quê xa héo hon mong tôi từng ngày...
Ga Hòa Hưng quen thuộc khi tôi ở trọ đường Nguyễn Thông nối dài, gần cống Bà Xếp thời sinh viên hiện dần ra trong khung cảnh hổn độn. Hành khách chen lấn, giành giật hàng hóa rối tung khiến tôi lớ ngớ khi tìm đường xuống sân ga.
Không ai đón bước chân tôi...
Tôi đi dần ra ngã sáu công trường Dân Chủ. Quán cafe vĩa hè trên. đường Yên Đỗ (Lý Chính Thắng) nhiều xe đạp hơn xưa, nhìn từng giọt cafe rơi rơi trên đáy cốc, tôi chợt nhớ đến những người bạn đồng cảnh ngộ, sau giờ lao động ngồi bên nhau với lon guigoz "cafe cơm cháy" mà xót xa thân phận.
Tôi gọi một điếu thuốc ruby nhưng không có, được thay bằng thuốc lá Samit từ Thailand, nghe tên lạ hoắc. Sau bao nhiêu năm tôi được trở lại với "sinh hoạt đời thường" nhưng bây giờ đối với tôi sang quá! Tôi đưa tay vào túi để yên tâm, mình đang có năm đồng bạc của ông trưởng ga tốt bụng.
Những vòng khói thuốc lững lờ bay lên rồi tan dần trong buổi chiều phố phường lặng gió. Bất chợt dáng ai như V. - bạn tôi, đang ngồi trên yên xe cyclo bên kia đường. Tôi đứng bật dây gọi to, khiến cô chủ quán giật mình, tôi ái ngại nhìn cô, tỏ ra mình biết lỗi.
Đúng V. thật! Hai đứa ôm nhau mừng rỡ hơn ngày xưa đã cùng thoát chết bởi trái thủy lôi, tàu chìm.
V. chở về nhà chú tôi bên kia cầu Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ). Dòng kênh Nhiêu Lộc ngày nào với mối tình thơ dại cùng cô con gái cạnh nhà, rất xinh nhưng không biết chữ...
Tôi sẽ phải về quê miền Trung thân yêu, nơi được chỉ định, chờ ngày phục hồi quyền công dân. V. khuyên tôi cứ ở lại Saigon, thiếu gì nghề để mưu sinh. Tôi tính liều nghe theo lời bạn, Saigon bao la mà tôi không có chốn dung thân. Chú thím đã lo hành trang và lộ phí cho tôi lên đường.
Ba giờ sáng chú đánh thức tôi, chở ra bến xe Chợ Lớn, trời mịt mù trong cơn mưa dữ dội...
Bên ly cafe chờ xe khởi hành, tôi nhớ đến cô gái bên dòng sông La Ngà đã không ngại ngùng, tử tế với người đàn ông lạ, rách nát như tôi.
Sau cơn mưa, ánh trăng khuyết còn treo trên đỉnh trời của đêm về sáng. Tôi ân hận vì quá vô tình khi không hỏi tên nàng và nàng cũng không biết tên tôi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...