Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Trích truyện ký NỖI NIỀM

 Những Người Muôn Năm Cũ...

Năm 1970, tôi vào Quảng Ngãi thăm cậu: Lê Văn Nghĩa (Nhà thơ Lê Việt Nguyên - Tô Yên). Những ngày ở nhà cậu, nhiệm vụ của tôi là gắp đá, pha Soda, rót rượu và khoanh tay hầu chờ các “cậu”: Chu Trầm Nguyên Minh, Hoạ sĩ Nghiêu Đề, Luân Hoán (Lê Ngọc Châu), Phan Nhự Thức, Thầy Vương Thanh, Trần Thanh Ngọc (nhà thơ Triều Giang), Hà Nguyên Thạch… sai bảo. Tôi thương kính cậu tôi nên ngưỡng mộ luôn bạn cậu. Cậu Nghĩa hơn tôi bảy tuổi nhưng các “cậu” – đối với tôi, là những vì sao cao ngất tài hoa. Gần tám năm sau, tôi gặp lại Thầy Vương Thanh, kể từ ngày thầy giã từ trường trung học bán công Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn và từ ấy đến nay tôi không còn gặp lại.
Cậu Nghĩa là con út trong nhà, một trong mười hai người con của ngoại tôi. Mấy đứa cháu không ngủ trưa, không mang guốc mộc, đi học về sách vở lem mực, chữ viết cẩu thả… chết với cậu liền! Từ năm đầu trung học, cậu mua sách về cho tôi đọc: “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, Tâm hồn cao thượng (Cuore) của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis do Hà Mai Anh dịch, chuyện ngắn của Gogol, của Guy de Maupassant… đọc xong phải kể lại cho cậu nghe.
Thưở ấy, tôi cũng tập tểnh làm thơ. Trước ngày tôi thi tú tài, mợ Đặng Thị Huệ - vợ cậu Nghĩa, người con gái Bình Dương, đối với tôi là mẫu người phụ nữ vẹn toàn, tặng tôi hai tập thơ của Nguyên Sa và “Xuân như ý” của Hàn Mặc Tử, nay mợ cũng đã mất rồi.
Tôi mãi đi tìm những gì có liên quan đến cậu, mãi hoài niệm về cậu vì cậu đã mất tích ở rừng lá thấp Quế Sơn trong một cuộc giao tranh, không hình bóng, cậu đã phiêu linh. Một dịp tình cờ năm 2015, tôi may mắn gặp anh Trần Thanh Ngọc – Nhà thơ Triều Giang. Anh đã cho tôi một số thông tin, hình ảnh và biết rất rõ về cậu Nghĩa tôi trong những ngày ở Quảng Ngãi…
Trường Trung học Phan Chu Trinh và Sao Mai Đà Nẵng đã ghi đậm dấu ấn trong tôi. Nhà ngoại tôi ở kiệt 1 Phan Chu Trinh, gần ngả ba Trưng Nữ Vương, đến trường chỉ một con đường.
.........
"...mãi mê làm bích báo tại nhà bạn Tô Yên,
Lam Hồ ghé nói nhỏ:
khách quí đến… phát tiền"
(Luân Hoán)
“…Sau gần nửa thế kỷ, bằng ký ức, tôi ghi lại những người góp một chút gì cho 17 số Trước Mặt trong một thời gian ngắn ngủi từ năm 1968 đến 1969:
Phan Nhự Thức chủ biên chịu trách nhiệm tổng quát kể cả phép tắc và tài chính
Dịch: Nam Lai, Nguyễn Nguyên Phương.
Văn: Vương Thanh, Lê Văn Nghĩa, Trần Cao Bằng.
Biên khảo: Phạm Trung Việt, Đào Đức Nhuận.
Thơ: Minh Đường, Vũ Hồ, Trần Thuật Ngữ, Lê Vinh Ninh, Trần Anh Lan, Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Lâm Anh, Xuân Thao, Lê Văn Trung, Hoàng Ngọc Châu, Đynh Hoàng Sa, Triệu Duy Gia.
Họa: Nghiêu Đề, Phạm Cung, Hoàng Trọng Bân.…(1)
“Thời ấy Huế có nhiều người sinh hoạt văn học nghệ thuật, đang trên đường lập danh. Tên tuổi những người đã vượt đèo Hải Vân vào đến Đà Nẵng của chúng tôi có Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Trần Quang Long... nhiều nữa. Riêng Đinh Cường, anh đã tham dự một cuộc triển lãm chung, trong đó có Hoàng Trọng Bân, Nguyên Hạo của Đà Nẵng. Phòng tranh này tôi được hai bạn Lam Hồ và Tô Yên Lê Văn Nghĩa cho biết” (2)
“….hiện diện tại Quảng Ngãi thời bấy gìờ, ngoài Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, còn có Tô Yên - Lê Văn Nghĩa, Hoạ sĩ Nghiêu Đề, Huỳnh Bá Dũng, Nguyễn Văn Phượng (anh ruột Hà Nguyên Thạch),Trần Hữu Lân, Nguyễn Đình Trí, Trần Mỹ Lộc, Nguyễn Văn Pháp, nhà văn Vương Thanh, Trần Hữu Huy, Châu Văn Tùng. Và dĩ nhiên còn nhiều người khác tôi không được quen biết…. “(3)
“ …. Sau những câu chuyện gẫu, thường là những màn bàn bạc thơ, văn. Đa số anh em ở đây đều là những văn thi sĩ.: Nguyễn Văn Minh (bút hiệu Mê Kông, Phan Nhự Thức), Nguyễn Văn Đồng (bút hiệu Hà Nguyên Thạch), Trần Hữu Huy (bút hiệu Vương Thanh), Lê Ngọc Châu (bút hiệu Luân Hoán), giáo sư Đinh Văn Quý (bút hiệu Đynh Hoàng Sa), Lê Văn Nghĩa (bút hiệu Lê Việt Nguyên, Tô Yên), Nguyễn Cao Can, Trần Anh Lan, Nghiêu Đề, Phạm Cung, Khắc Minh, Minh Đường, Vũ Hồ, ….Họ cũng ra được một vài tạp chí văn học và đã phát hành một số tác phẩm thơ văn.
Sau những lúc bàn bạc thơ văn ra, thường chúng tôi rủ nhau qua quán cà phê Dung. Cô chủ quán có mái tóc thề óng ánh, mượt mà và giọng nói rất Huế. Quán hình như chỉ quy gồm anh em văn nghệ sĩ và những người yêu thích thơ văn. Sau này anh chị Lê văn Nghĩa có bỏ tiền ra xây một câu lạc bộ (không tên), ngay sau khu vườn niệm Phật đài của ông bà Lệ Ảnh. Anh chị Nghĩa đã rất rộng lòng và hy sinh cho anh chị em nghệ sĩ và thân hữu khá nhiều. Nghĩa đã hy sinh trong một trận kịch chiến tại vùng rừng núi Quế Sơn. Tại nhà Nghĩa, thường có những cuộc đàm đạo thơ văn và những đêm bình thơ, ngâm thơ…”(4)
Hơn năm mươi năm sau, tôi vẫn không biết cậu tôi đã bay về chốn nào, kể từ ngày mất tích tại Quế Sơn, Quảng Nam. Lật từng trang Tập san văn học nghệ thuật Quán Văn (QV) tưởng chừng như:“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”!
Từ số 1, hình ảnh Đinh Cường hiện ra lung linh kỳ ảo với tranh bìa. Đến QV số 7, lại gặp “cậu” Chu Trầm Nguyên Minh với “Lời tình buồn” (*), tôi đã hát ngây ngô từ độ biết yêu:
Anh đi rồi còn ai vuốt tóc
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở?
Trời sa mù tầm tay với âu lo
Anh đi rồi còn ai đưa đón
Áo em bay khuất mắt thiên đường
Tuổi hai mươi trong vòng tay chờ đợi
Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương
Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
Cổ em cao tay mười ngón thiên thần
Tóc em xanh trùng dương sóng lượn
Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng
Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phút yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô
C.T.N.M - 1967
(*) Bài thơ được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ thành ca khúc cùng tên.
Nhưng đã muộn mất rồi – khi tôi viết những giòng này, Chu Trầm Nguyên Minh đã đi xa (19.2.2014).
Dù tôi đã tìm bóng dáng cậu Nghĩa tôi và những “người muôn năm cũ” qua nhiều nguồn. Từ những văn, thơ của các bạn cậu, trên các trang web khắp nơi, nhưng chỉ còn lại mỗi “cái tên” và một vài chi tiết liên hệ lúc sinh thời!
Hỡi người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
Nguyễn Châu
Tham khảo:
Nguồn:
(4)Hoàng Ngọc Lễ - Nguồn: http://www.angelfire.com
Ảnh 1: Cố Th/tá Lê Văn Nghĩa (Nhà thơ Tô Yên - Lê Việt Nguyên)
Ảnh 2: Lê Văn Nghĩa và phu nhân Đặng Thị Huệ cùng anh chị Trần Thanh Ngọc (nhà thơ Triều Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...