Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô)

Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. Ngôi trường trung học đệ nhất cấp đầu tiên ở thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. Như GSTS Trần Văn Thọ đã một lần tâm sự: “Nếu không có trường Nguyễn Duy Hiệu, thế hệ chúng tôi sẽ thất học, đa số con nhà nghèo không thể đi xuống Hội An hay ra Đà Nẵng trọ học…”.
Trường chỉ có bốn lớp Thất, Lục, Ngũ, Tứ nhưng đã quy tụ nhiều thầy cô có tấm lòng nhân hậu và mô phạm. Đến bây giờ mỗi lần nhắc đến, chúng tôi vẫn một lòng kính yêu và trân trọng: Thầy Nguyễn Phú Long (nhà thơ Hoàng Thị Bích Ni - Dịch giả Nguyễn Kim Phượng), thầy Phan Chánh Dinh (nhà thơ Phan Duy Nhân - Nguyễn Chính), cô Dương Thị Ngân Hà (Phu nhân thầy Phan Chánh Dinh) dạy văn, thầy Trần Văn Tường, thầy Võ Toàn Trung dạy toán lý hóa, thầy (nhạc sĩ) Lê Trọng Nguyễn dạy âm nhạc, cô Bích Ngọc dạy sử địa, thầy (nhà văn) Vương Thanh, sau này có thầy (nhà thơ) Hoàng Lộc…
Cuối năm làm bích báo, Nguyễn Chung (Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung), Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Đình Ký và tôi gom bài của các bạn, chọn bài, trang trí. Có mấy bạn “đạo” thơ văn. Dù lúc đó không biết của ai, nhưng rõ ràng không phải của học trò!
Cô Ngân Hà đọc bài thơ:“An Ký Chung Mầu Tá Dục Sinh – Châu Diên Diêu Dũng Tuyết, Hoa, Anh …” Cô bảo tôi làm thơ ghép tên các bạn hay quá! Tôi còn định cóp cả thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê… nhưng sợ cô biết, nên thôi.
Tôi thích thơ Bích Khê, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương…Trong thời gian này, thầy cô khuyến khích đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Diên cho tôi mượn cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” của Dương Hà. Thầy Phan Chánh Dinh ra đề: Anh chị hãy viết tiếp truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng. Tôi bê nguyên cả đoạn kết vào bài văn. Tôi cho Cái Nhớn đi theo dòng nước lũ sông Hồng:“… Mưa vẫn to gió vẫn lớn, mọi người âm thầm rảo bước để tiễn đưa Cái Nhớn về nơi an nghỉ… nghìn đời!“ Thầy Phan Chánh Dinh lấy bút đỏ khoanh tròn!
Trưa học về, đạp xe qua tiệm sách Thời Nay, bên kia cầu Vĩnh Điện. Mua giấy pơ-luya hồng, mượn thơ Hàn Mặc Tử viết lưu bút cho bạn gái :
“Chữa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì…”
Ai cũng nói tôi có khiếu văn chương!
Ngày ấy tôi mới vào đầu cấp, trường trung học bán công Nguyễn Duy Hiệu bên con sông Vĩnh Điện hiền hoà. Thầy Phan Chánh Dinh (Nhà thơ Phan Duy Nhân) trích giảng bài học đầu tiên :
“…Này gã trai tơ, sách chật năm ngăn, mộng ứ rương hòm, tôi xin giao lại cái giang sơn thơ mộng cho người. Mà gọi làm chi khác tình vậy nhỉ! Ở trong tuổi đẹp, chúng ta để là bầu bạn: giang sơn tuổi nhỏ, này anh giao lại cho em.
Hai tay em đang đầy hoa lộc của đời, những hoa lộc phong một lớp sương mờ, như một trái quà phong màng giấy xanh. Em mở ra cho trân trọng! Em có mười sáu tuổi chỉ một lần, em không có đến hai lần cái tuổi hai mươi, em chẳng bao giờ có lại tuổi mười tám. Em chỉ có một tuổi vui, em sẽ có một trăm năm buồn; tất cả đều tùy em đó, xấu đẹp ở tại lòng em. (Xuân Diệu – Giao lại)
Quê tôi nghèo, đa số đi học chân không dép, chạy vội về nhà sau giờ tan học. Con trâu, cái cuốc, cái liềm chờ sẵn trong sân. Chỉ có ông Giang Nam mới nghĩ “Ai bảo chăn trâu là khổ”. Mùa đông rét mướt, chiếc tơi lá không che đủ hai tay, học về ngang qua mả ông Nghè Trần Quý Cáp thuận tay hái rau dại gánh về cho mẹ nuôi heo.
Không ai giao lại tuổi thơ tôi. Tiếng ùng oàng từ Bà Nà, núi Chúa vọng về, dòng sông Vĩnh Điện đục ngầu, những thân người bị trói ké, úp mặt trôi theo dòng sông ra biển.
Tuổi thơ tôi, nhiều bạn tôi vắng dần, ra đi khi chưa đủ lớn, rồi đi mãi không về.
“Ông tha mà bà chẳng tha, hành cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Bão Hagupit tàn phá gãy đổ cây đa đầu làng, xiêu vẹo nhà tranh vách đất, chưa kịp chống lại, trận lụt năm Giáp Thìn 1964 cuốn phăng đi. Con sáo yêu thương chết cóng tự lúc nào, đưa hai chân co quắp lên trời. Tuổi thơ tôi trôi theo dòng lũ dữ.
Không ai giao lại tuổi thơ tôi, chênh vênh giữa hai bờ…
Rồi một ngày, con đường nhựa quê tôi bị băm nát, nham nhở. Những buổi chiều ngóng về như xa xôi ngàn dặm. Chỉ còn được nhìn theo những áng mây bay. Nhà tôi đâu có “khuất bóng hoàng hôn” mà nghe chừng như “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
Lễ Phật đản 1963, chùa Hạ Nông không một bóng cờ. Bác tôi chiều chiều vẫn tụng kinh cầu an, tiếng chuông chùa vọng cõi thinh không.
Thầy Phan Chánh Dinh (Phan Duy Nhân) dạy bài cuối cùng, bài thơ: “Nhà tôi” của Yên Thao.
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng
Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lôm lốp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không ?
Giữa năm đệ Ngũ (1964-1965) đang hăng say học tập, lần đầu tiên tôi được xếp hạng cao trong lớp, nhưng lớp chỉ còn hơn ba mấy đứa nhập chung cả Pháp lẫn Anh văn.
………
Ngày về thăm lại trường xưa, tôi lặng người nhìn dòng sông Vĩnh Điện lững lờ trôi, áng mây chìm nổi ẩn hiện bóng dáng tuổi thơ và bạn bè tôi dưới mái trường trung học Nguyễn Duy Hiệu ngày nào.
Vĩnh Điện, chính nơi này. Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng một thời như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, La Hối, nhà thơ Luân Hoán (Luân Hoán), Hoàng Lộc, Phan Duy Nhân, Vương Thanh, Đynh Trầm Ca, Vũ Hữu Định, Đoàn Huy Giao, Nguyễn Hàn Chung… đã từng được sinh ra, đến dạy học hoặc là điểm dừng chân sáng tác của hàng chục người cầm bút lúc mười tám, đôi mươi đã có tác phẩm đăng trên các tạp chí văn nghệ nổi tiếng của Sài gòn như Văn, Sáng Tạo, Văn học, Đối Diện, Khởi Hành, Ý Thức...
Những người tôi kính yêu, "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ...?"
Thôn Bồng Lai, làng La Qua (Điện Minh, Điện Bàn), nơi có dòng họ Nguyễn Nho tài hoa: Các nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc (Nguyễn Nho Bửu 1944-1964), Nguyễn Nho Nhượn, Nguyễn Nho Khiêm…
………….
(Trích Truyện-Ký)
Nguyễn Châu
Ảnh trường Nguyễn Duy Hiệu: Nguyễn Minh Châu (Minh Chau Nguyen)
H2: Thầy Phan Chánh Dinh (nhà thơ Phan Duy Nhân)
H3: Cô Dương Thị Ngân Hà (Phu nhân thầy Phan Chánh Dinh)
H5: Thầy Nguyễn Phú Long (nhà thơ Hoàng Thị Bích Ni - Dịch giả Nguyễn Kim Phượng)

ĐỒNG MÔN

      Sáng nay có điện thoại của anh Ánh. “Mình gặp nhau cà phê, rồi đi thăm Ngọc Sang (Nghệ sĩ ngâm thơ) hè ? – Dạ, sẽ chờ anh gần sân bay TSN nghe.

Tôi đến sớm, gọi Tr. : - Cà phê gần siêu thị Văn Lang, ngã năm chuồng chó (ngã sáu Gò Vấp bây giờ).
“Ngã năm chuồng chó” là nút giao thông lớn thuộc phường 3 (quận Gò Vấp) nay có tên gọi khác là Ngã Sáu Gò Vấp. Đây là điểm giao nhau của đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghĩ.
Anh Ánh thay đổi kế hoạch - vì anh Công Chín mời ở lại cơm trưa - : “Toàn anh em cùng học với mình ở Nguyễn Duy Hiệu cả, lên đây chơi, đường Bạch Đằng, Bà Chiểu !”. Tôi rủ Tr. Nhưng hắn bận.
Tôi ngập ngừng ngoài cổng, thoáng thấy anh Công Chín ra mở cửa. Bên bàn trà, ngoài anh Ánh, tôi được giới thiệu thêm: anh Hạnh Thái, chị Tuyết Anh – phu nhân anh Chín – anh Trương Vũ. Tất cả đều cựu học sinh NDH, những năm đầu tiên của trường, ngoại trừ chị Tuyết Anh.
Anh Công Chín là giáo sư Toán trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ), chị Tuyết Anh, giáo sư dạy văn chương, anh Hạnh Thái kỹ sư công chánh ngày xưa. Dù đã xấp xỉ gần tám mươi, nhưng các anh rất hồn nhiên, vui tính.
Chưa cạn hết chai rượu vang đầu tiên, chuyện xưa, chuyện đồng môn, kéo về. Nhiều khuôn mặt từ ký ức, tưởng chừng đã quên. Tôi nhớ lời thơ của thi sĩ họ Bùi :
“Khi xưa tôi cũng có lần
Bây giờ cũng có đôi phần tôi quên”
Ở quê tôi, chuyện nói lái là đặc trưng. Nhưng lời thơ toàn nói lái, lần đầu tôi được nghe từ tác giả Trần Công Chín, khi anh nghiên cứu làm rượu G.D. nhưng phải phát âm theo giọng miền Nam, Rượu thành RỤ :
“Hai tay nâng chén rượu đào
Đổ đi thì tiếc uống vào thì say
Rượu đế là của dân ta
Hương nồng vị đậm vốn là hồn quê
Rượu được là rượu G.D.
Rượu đắng là vị anh mê quá trời
Rượu đặng mới gọi mới mời
Rượu để không nhắp anh chơi nỗi gì
Rượu đặc để dành rô-ti
Rượu đầy nâng chén nâng ly gọi mời
Rượu đụng hồ hởi quá trời
Rượu đong quá chén hại đời anh em
Rượu đủ xin đừng rót thêm
Rượu đắc say mềm phí sức tốn hao
Rượu đừng nên uống ào ào
Rượu đang lúc hứng tài nào dừng đây
Rượu đế là rượu miền Tây
Rượu đã rót đầy rượu đẩy không nên
Rượu đây uống đã khó quên
Rượu đong liên tục chắc lên thiên đường”
Anh Công Chín mời đám giổ, có anh cột dây thun ở cổ tay. Hỏi sao cột ? - để nhớ ngày. Anh bạn cắc cớ ra câu đối :
- Cột phải có lằn
Đối
Cồn phải có lu
Hắt thì phải nẩy
Đất thì phải rút
Anh Công Chín gom lại :
Cho hay cột phải có lằn
Cồn không lu đựng làm ăn thế nào
Hắt thì phải nẩy chứ sao
Đi đường đất cũng rút vào cho xong
Kính chúc quý anh chị VẠN AN
Phan Nguyễn Châu Uyên
(Nguyễn Châu)
04.12/2016
Anh Công Chín chị Tuyết Anh

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

ĐỐI THOẠI

 Phan Khôi kể chuyện " Tình già...

Hai mươi năm sau hai mái đầu xanh..."

- Cùng lắm chỉ bốn mươi chứ mấy !

Ta bảy mươi mà con tim vẫn vậy

Háo hức mong chờ như thuở mới hai mươi !

- Lão già ơi còn máu chảy trong người

Còn thổn thức là đam mê cháy bỏng

Lão cứ  như chưa bao giờ được sống

Lão cứ yêu nếu rung động vì yêu...

Ta hom hem như cành khô nắng hạn 

Răng đã rụng rồi móm mém cùng ai ?

- Lão già ơi thân trâu ngựa một thời

Phần còn lại lão dành cho lão với

Lão hãy hồn nhiên như hồi trẻ dại

Hãy nhìn mặt trời để bóng ngã sau lưng

Tai đã nặng, mắt mờ mây trắng đục

Ta cô đơn đối diện với lòng ta...

- Lão già ơi phúc lão mấy mươi đời

Nên tai điếc để không nghe dối trá

Mắt lão mờ để không còn xa lạ

Dáng yêu kiều một thuở trong tim...


NC

15/01/2012

NƠI ĐÓ...

 Nơi đó cho tôi bình yên. Sau triền miên ủ dột.

Cảm giác nín thở, chân tay bất động dễ chịu làm sao! Nhưng rồi dồn dập thở. Thở hắt ra, lại kéo nỗi buồn vào lòng.

Xa tít cuối đường tàu, hai thanh ray chập một, le lói ánh đèn vàng hiu hắt. Nơi đó đó, có em chờ tôi.

Dù em và tôi song song trên đường đời, nhưng không hề cách biệt. Dan díu bỡi những thanh ngang. Thanh ngang nghiệt ngã.

Nơi đó đó, hang ổ cuối cùng. Êm ấm, không gai nhọn chọc lưng. Tất cả phiền muộn hoảng sợ, khi em nhìn tôi. Mọi âu lo vụt tắt.

Em nhặt nắng mai, hương hoa trời đất tặng tôi. 

Nhưng tôi mụ mị, khi đã ngộ tình em. 

NC

VĂN TẾ HẢI ÂU XA KHƠI

 VĂN TẾ NHỮNG HẢI ÂU ĐÃ XA KHƠI...

Đỉnh Hải Vân mây ám nặng nề 

Dòng sông Hậu nước ròng như muốn kiệt 

Cuộc tang thương dâu bể trăm năm 

Kiếp phù thế nhân sinh ly biệt 

Âm dương từ đây cách trở 

Trách ông trời sao gieo nỗi biệt ly

Oán tạo hoá tạo mầm bạo liệt 

Nhớ linh xưa !

Lớn lên bằng công cha nghĩa mẹ

Đỗ tú tài cố học thành danh

Thấm nhuần chữ vinh quy xã tắc an bình

Chẳng sợ khó nên chuyên cần học tập 

Đất nước loạn ly không ngại tài hèn sức mọn

Quyết giã từ giảng đường, cha mẹ, em thơ

Nắng Nha Trang gian khổ không nề

Hít đất, thăng thiên sá chi máu đổ

Vượt Trùng dương sợ gì bão tố 

Đem thân trai trả nợ tang bồng

Than ôi!

Nợ nước thù nhà chưa trả 

Cất bước lên đường theo tiếng gọi non sông 

Sông rạch hiểm nghèo lẫm liệt hiên ngang

Cửa Việt, Năm Căn, Bồ Đề, Chương Thiện

Tuần dương,Tuần thám, Xung phong

Tango, Alpha, PBR Thuỷ bộ

Duyên hải dọc ngang

Coi thường hòn tên mũi đạn

Trong bão lửa vẫn hào hùng xung trận 

Dọn bãi, đổ quân khiếp vía quân thù (*)

Nhớ bạn hiền xưa!

Ra dáng hào hoa

Đời thủy thủ nào đâu sánh được

Tàu về bến dìu em bát phố

Áo lụa tung bay quyện sắc tím hoa cà

Không hề mộng mơ quyền quý kiêu sa

Dâng tuổi trẻ cho quê hương Tổ quốc

"Tang bồng hồ thỉ" vì dân vì nước

Chuyện yêu đương đành hẹn buổi bình minh 

Nhớ linh xưa !

Nhà chật hẹp nhưng lòng người rộng mở 

Chén rượu nhạt chung trà thơm cùng tri kỷ tri âm  

Nào ngờ! 

Dẫu biết:"Sinh hữu hạn, tử bất kỳ" nhưng lòng người ai thấu?

Hỡi ôi! 

"Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh"

Tử biệt sinh ly đau xót vô ngần

"Sinh ký tử quy" lẽ trời định phận

Một nén tâm nhang của  lòng người ở lại

Thành kính nghiêng mình tiễn hạc quy tiên

Sống khôn thác thiêng vẫn nghĩa bạn hiền

Dòng tâm huyết hương hoa kính bái !


Nguyễn Châu

(*) Hải chiến Hoàng Sa 19.01.1974

KHOẢNH KHẮC

Ta mượn lời

“Nhất nhật bất kiến…”

để nhớ về em

những ngày xưa cũ

Ta già nua

khoảnh khắc tựa trăm năm

gang tấc thôi

đã thấy xa xăm

Dù quờ quạng tay chân

vẫn ôm lòng hồ thỉ

Lá tàn phai

Lòng chưa phỉ chí

hào hoa kia

rụng mất bên thềm

Khoảnh khắc thôi

ngày cũng dài thêm

Thời gian không đủ

linh hồn ta giẫy chết

Chỉ khoảnh khắc

đã là diễm tuyệt

Đàn buông dây

tơ phím lỡ làng

Khoảnh khắc thôi

không còn vọng tiếng ngân

vang

của 

ngày xưa cũ...


PNCU

(Nguyễn Châu)

RƯỚC EM VỀ

Ta muốn rước

em về dưới mộ

Ngắm thân ta tàn tạ 

rã rời

Đôi tay từng

vuốt tóc buông lơi

Làn môi ngọt ngất ngây tình da diết

và ánh mắt

đam mê lòng tha thiết

Trái tim hồng thổn thức lúc trăng vơi


Ta muốn đón em về dưới mộ

Đêm cô đơn giun dế hát quanh mồ

Lòng đất ấm sưởi ân tình hoa cỏ

Ta chỉ còn xương trắng với da khô


Ta muốn đưa em về dưới mộ

Để đêm mơ ta cứ nghĩ đồng sàng

Không dị mộng như dòng đời ma mị

Phiêu du cùng những kẻ lang thang


Đêm u tịch nghe hồn ta lắng đọng

Bao oan hồn nhảy múa điệu ly hương

Em hãy đến

Âm u lời thương xót

cõi trần gian xảo trá khôn lường


PNCU

(Nguyễn Châu)

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...