Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

QUÊ NỘI

(Trích HOÀI NIỆM)
Tôi được sinh ra tại làng Nại Hiên, Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng đi vào gần đầu cầu Vĩnh Điện, rẽ phải hướng về làng Bất Nhị, (Bình Long) Điện Phước, Phong Thử… khoảng hơn ba cây số là quê nội tôi. Qua tháp (Chàm) Bằng An (Điện An) đến những căn nhà ngói ba gian đồ sộ của các ông Nghè Mai, Chánh Chước, rẽ phải vào làng. Làng Hạ Nông (Điện Phước), xóm Hạ-Nông-Dưới nghèo nàn những nếp nhà tranh nép mình bên lũy tre xanh, dọc con đường đất nhỏ, hai bên là những đám ruộng canh tác lâu đời.
Nhà ông Chanh có Lê Viết Hoàng học cùng lớp những năm cấp 2 ở trường bán công Nguyễn Duy Hiệu, đến nhà bà ba Ra, vườn ông Cửu Tưởng hiu quạnh, vắng bóng người, bà Mày có con trai tên Nguyên, nhà bà Tiếp có chị hai Tiếp, anh Xuyên, anh Đông đến bà Mua có anh tám Dần bạn chú mười Thi, nhà bà Nhì có anh Tam, Cật phía sau là nhà chú Liếng có chị hai Liếng, chị Ba, Bảy…, nhà chú ba Mậu, nhà ông Chánh Ba có chị Thông, anh Nga…
Ông bà nội mất, bác tôi lo hương khói kinh kệ chùa Hạ Nông. Gia đình bác có chị hai Xứng, chị ba Cường, chị bốn Nhâm, anh Tâm (Thuỳ), anh Ngộ, anh Hiệp, chị Nghĩa. Nhà chú Dần có Dần cùng tuổi (đã mất), Dân, Nhân, Giai… Sau này chú Dần làm nhà gần ông ba Mậu. Đi học về, anh Ngộ, Dần và tôi cởi áo quần nhảy tỏm xuống “đàng nước”(mương thuỷ lợi) nước trong veo, chú Bề “mân-te”(đưa nước vào ruộng), ôm gọn áo quần đi thẳng. Tụi tôi ngó theo la í ới.
Xóm Hạ-Nông-Dưới khoảng mươi nóc nhà có đến bốn bà góa, những người chồng đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Tây càn, ông Nhì ôm súng leo lên cây đa bị Tây bắn chết, ông ra đi khi bà Nhì chưa đến tuổi ba mươi. Rồi những năm 1963, 64 hưởng ứng phong trào "ba sẳn sàng", thế hệ tiếp nối như Dần, Cật, Bảy vào du kích và hy sinh…
Khi tôi sinh ra, ông bà nội đã mất, bác tôi theo nghề ông nội, bác giỏi chữ nho dạy tam tự kinh cho lũ trẻ chúng tôi.
“Nhân chi sơ, Tính bản thiện,
Tính tương cận, Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên.”
Quê nội tôi yên ả thanh bình nhất có lẽ sau hiệp định Genève 1954 đến đầu thập niên 60. Đúng là thái bình thật, bà con sống hiền hòa thân ái, làng xóm không bị trộm cắp những đêm hè cửa thường bỏ ngõ, tiếng hò khoan trong mùa cấy tháng tám, tháng ba thoang thoảng theo làn gió bay xa. Ngày đó, chỉ có nỗi lo thiếu ăn, thiếu mặc trong mùa Đông giá mà thôi.
Rồi một ngày những người không phải lính, nhưng mặc đồ đen mang súng vào ở chung với dân làng…
“… Mùa xuân năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược mục tiêu căn bản là tách rời du kích, quân sự của Cộng Sản còn cài cắm ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn phải ra hồi chánh hoặc bị tiêu dịêt…” (Wikipedia)
Nếu Quốc Sách này được tiếp tục và Ngô Đình Diệm không bị lật đổ thì ngày thống nhất đất nước có lẽ còn xa vời…
Ngày xưa ở quê tôi làm ruộng chỉ có hai mùa: Tháng ba, tháng tám. Mẹ tôi quảy gánh sang tận Đông Bàn (Gò Nổi), La Thọ mua sắn, mua khoai, xắt lát phơi khô để giành độn cơm trong mùa giáp hạt. Những buổi chiều tôi theo chú mười Thi đi câu cá thát lát ở “giếng” Thủ Bộ. Gọi là “giếng” nhưng chỉ là hố bom sâu khoảng vài mét, đường kính hơn chục sải tay. Tôi lội dọc theo triền nước xúc những con “mày mày” (ấu trùng chuồn chuồn) làm mồi cho chú câu, có hôm chú câu được mười mấy con cá thát lát to óng ánh như dát bạc, mẹ làm chả cá ngon tuyệt cú mèo hay nấu canh với rau tần ô ngọt lịm.
Mùa Đông mưa phùn gió bấc, bàu súng – rất nhiều cây bông súng hoa trắng viền tím ngát, nước lên mấp mé bờ đập thuỷ lợi cha tôi chèo ghe đặt lờ, cá rô, cá diếc, cá tràu, thác lác, cá trê béo ngậy. Nướng cá trên lò than, chấm nước mắm gừng, nồi cơm đất nung thơm lừng với chén mắm cá nục, cá cơm dằm thêm ớt tỏi, ăn quên thôi quên mất phần người lớn!
“Ông tha mà bà không tha/ Làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Nhưng lụt cũng mang phù sa để ruộng đồng phì nhiêu, những gánh phân chuồng, phân xanh thấm đượm tình quê qua hương thơm ngạt ngào của hạt cơm lúa mới.
Lụt lớn, lụt nhỏ nước chảy tràn đồng là những ngày hội hè của đám trẻ con chúng tôi, tất bật chạy đi đơm cá. Những bát cá mại, cá cấn, đủ loại cá con kho với lá gừng, lá nghệ vàng ươm! Kể cũng lạ, đất khô nứt nẻ nhưng khi mưa xuống lại có cá, không biết từ đâu?
Gần Tết, từ đầu tháng Chạp, cha tôi đã cuốc đất lên luống gieo cải. Nhà nhà lo Tết, mẹ tôi chuẩn bị sẳn không thiếu thứ gì. Đưa ông Táo về trời, mẹ nhờ chú ba Diện quảy gánh nếp đi bung, nấu nước đường làm bánh hộc, bánh khô, bánh in, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao… Chiều ba mươi quanh bếp lửa hồng, nồi bánh tét sôi sùng sục, tiếng heo bị làm thịt kêu eng éc...
Đêm giao thừa pháo nổ vang khắp làng trên xóm dưới, rồi chìm vào hư không. Tiếng chuông chùa ngân vang… Sự thiêng liêng ngự trị trong lòng mỗi con người, cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.
Quê tôi, người dân bao đời vẫn sống chân chất, thanh lương. Miền trung đất hẹp, gánh nặng hai đầu đất nước, các bậc trưởng thượng chỉ mong con trẻ học theo gương người trước, cố giành khoa bảng phụng sự cho đời.
"Ngũ Phụng Tề Phi" có nghĩa là năm con phượng cùng bay lên là danh hiệu được phong tặng cho năm vị đại khoa đỗ trong khoa thi năm 1898, và cùng thuộc tỉnh Quảng Nam, đó là một điều hiếm có trong một tỉnh. Năm vị ấy là:
• Tiến sĩ Phạm Liệu (Trường Giang, huyện Điện Bàn)
• Tiến sĩ Phan Quang (Phúc Sơn, huyện Quế Sơn)
• Tiến sĩ Phạm Tuấn (Xuân Đài, huyện Điện Bàn)
• Phó bảng Ngô Lý còn gọi là Ngô Chuân (Cẩm Sa, huyện Điện Bàn)
• Phó bảng Dương Hiển Tiến (Cẩm Lậu, huyện Điện Bàn)
Sau ngày Hiệp định Genève cha tôi đưa gia đình về quê, cha làm căn nhà ngói to nhất làng toàn là danh mộc, đúc bê-tông đầu tiên ở làng tôi tọa lạc giữa chùa Hạ Nông và nhà bác Xứng.
Tôi được khai tâm từ “trường” thầy Tư Khải. Gọi là trường nhưng chỉ có hai dãy bàn bằng gỗ mít. Học trò lèo tèo năm bảy đứa, cả gái lẫn trai…
Mẹ mua mấy cuốn vở, bình mực, bút lá tre. Mực viên hoà với nước, mực xanh, mực tím. Thầy dạy vỡ lòng, “a,b,c…a,ă,â… – nhân chi sơ tính bổn thiện…” Thầy dạy Tam tự kinh lẫn tiếng Pháp. Anh Tâm (Thuỳ) học lớp nhì, dạy thêm: “Ma mère – Mẹ tôi, long – dài, mue – mềm”. Tôi xung phong đọc cho thầy nghe, thầy quất mấy roi quắn đít!
Đường trơn, từ nhà đến trường ngang qua vườn bà cửu Tưởng không một bóng người, tôi sợ ma, sợ chó điên... Mẹ dạy phải bấm ngón chân cái xuống đất cho khỏi trượt té, đến sân nhà thầy tôi ngã lăn quay, con gái lớn của thầy bắt tôi cởi truồng kỳ cọ sạch bùn, ngồi học không mặc quần lạnh run...
Có lẽ học ở quê không vừa lòng cha mẹ. Cha dắt ra nhà ông bà ngoại ở Đà Nẵng học trường ông thầy "già", không thuộc bài bị quỳ xơ mít, đội tắp-lô, ăn roi mây. Năm lớp tư, cậu bốn xin qua trường Sào Nam của ông Thị Tý. Đi học về, ngang trường ông thầy "già" cả lũ reo hò: “Ông thầy già ăn cứt gà đỏ đít!“ cậu tôi nghe được tát cho mấy tai!
Đêm nằm nhớ mẹ khóc thút thít. Học xong lớp ba, cha ra Đà Nẵng thấy tôi đứng nắm quai nôi ru hai em sinh đôi con cậu. Cha tức tốc thu dọn sách vở dắt về quê...
Niên khoá 1960–1961, tôi học lớp nhì trường Kỳ Ngọc (Điện Phước). Học được mấy hôm nghe lời xúi dục của mấy bạn trời ơi trèo lên cửa sổ ê a:“Em yêu cô giáo lớp ba, hàm răng trắng nõn nước da đen sì…sì“. Thầy Trợ Lập - hiệu trưởng, gọi lên văn phòng bắt cả bọn quỳ gối, vòng tay xin lỗi cô, chuyện đến tai cha tôi được thêm một trận đòn. Lớp tôi đa số đi học bằng chân không giày không dép, tôi còn nhớ vài khuôn mặt: Đỗ Cả - có tài hát bội, Trần Văn Giám, Lê Minh Tá, Nguyễn Thị Lành, Đinh Thị Tân, Trần Hoài Thanh, Nguyễn Văn Đạt (Ngộ), Nguyễn Văn Bảy (cao giò)…
Dần - con chú, học sau tôi một năm ở trường học Mới, cùng với em Ngọc. Bảy cao giò – con chú Liếng, lấy trộm truyện thơ “Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối…” cho tôi mượn. Tối về đọc cho mẹ nghe, có chỗ mẹ khóc, tôi cũng khóc… Bảy (Sau đi du kích với Dần, hy sinh 1972) đòi sách, Dần nói “mét” mẹ nó. Nó sợ không dám đòi.
Năm lớp nhất, tôi học thầy Phấn (Vĩnh Điện). Thầy cận thị nặng, mấy đứa rủ nhau ngồi cuối lớp thầy sẽ không thấy, ít dò bài. Vậy mà thầy cứ gọi tôi với Bảy cao giò! Ngày đó còn thi tiểu học, ngoài thi viết còn phải thi vấn đáp nhưng không đứa nào hỏng cả.
Cuối năm lớp nhất, mẹ cho tiền, tôi mua sách và cặp về khoe với cha là phần thưởng, chẳng may thầy Trợ Lập đến nhà chơi nói tôi học chẳng ra gì!
Từ đây như chim non rời tổ ấm, một số không đi học nữa như anh Ngộ, Bảy ở nhà chăn trâu, Trần Văn Giám về Saigòn, hơn một nửa sau này đi du kích như Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Văn Bảy…
........
Nhà ông Nội tôi – Thầy Kiều - thôn Hạ Nông Dưới (Hạ Nông Trung), Kỳ Ngọc (Điện Phước), Điện Bàn, Quảng Nam. Ngôi nhà mái ngói cổ kính, bên cạnh chùa Hạ Nông.
Chênh chếch về hướng Tây cách nhà ông khoảng hơn nửa cây số là nghĩa địa Gò Bướm có mả ông Nghè Trần Quý Cáp.
Tôi không biết chùa Hạ Nông có từ lúc nào, chỉ biết cha tôi cùng dân làng trùng tu thành ngôi chùa khang trang với cái chuông đồng to lớn, nghe nói mỗi lần dộng chuông, đến Hàn cũng vọng thanh âm, quanh chùa có ba cây da (đa) trăm tuổi, trụ hình chân vạc. Về hướng Tây Bắc không xa, Miếu Bà linh thiêng u tịch dưới cây xoài cao vòi vọi.
Quê tôi Điện Phước, phia Bắc giáp xã Điện Hòa, phía Nam giáp sông Thu Bồn, phía Tây giáp Điện Thọ, phía Đông giáp Điện An, Điện Phước là xã thuần nông, đồng bằng màu mỡ, nhờ phù sa của Sông Thu Bồn.
Ngày xưa…
“… có 24 tên làng thuộc huyện Điện Bàn hiện tại: làng Đắc Ký, Hoa Thử (Phong Thử), Kỳ Lam, Giáng La thuộc xã Điện Thọ hiện nay; làng Nông Sơn, Bất Nhị, Hà Khúc (Hà Nông) thuộc xã Điện Phước, làng Đông Bàn thuộc xã Điện Trung, làng Đa Thử (Đa Hòa) Cẩm Đăng (Cẩm Văn), Giáo Ái thuộc xã Điện Hồng, làng Lỗi Sơn (Cẩm Sơn), Diễm Sơn thuộc xã Điện Tiến, làng Hoa Hồ (Đông Hồ), Bích Trâm thuộc xã Điện Hòa, làng Lai Nghi, Phong Hồ, Kim Sa (Cẩm Sa); làng Thị Lại (Thi Lai), Kim Lữ (Cẩm Lậu) thuộc xã Điện Phong; làng Nhân Triêm (Phú Triêm) thuộc xã Điện Phương, làng Uất Lũy, Cúc Lũy (Khúc Lũy) thuộc thị trấn Vĩnh Điện và xã Điện Minh, làng Kim Quất (Thanh Quýt) thuộc xã Điện Thắng.
……
Lê Viết Bang, theo phò vua vào Nam chinh chiến, sau 1471 được vua Lê sai phái ở lại vùng đất Chiêm Động, có công khai khẩn đất hoang, qui dân lập ấp, lập nên làng Bằng An, nay thuộc xã Điện An.
…….
Đô trị bình Chiêm Lê Tự Cường sau thời gian phò vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thắng lợi đã có công khai khẩn xứ Bàn Tràm, làng Thanh Quýt thuộc xã Điện Thắng ngày nay)
…….
Có rất nhiều dòng Lê Tộc từ Thanh Hóa vào định cư tại đất Điện Bàn như Lê Tấn Viễn định cư tại Điện Dương, Lê Cao Xảo tại Điện Phước, Lê Viết Bảo tại Điện Nam, Lê Đường, Lê Tấn tại Điện Hồng, Lê Văn Đạo tại Đông Bàn, Lê Đắc Sùng tại Giáo Ái, Túy La (Điện Hồng), Lê Đắc Vinh tại Điện Hồng...
……….
Trong tập san nghiên cứu lịch sử số 5 – 1993 của Viện Sử học Việt Nam có công bố một tài liệu gọi là “Bắc địa tấu từ” (bài tấu tâu về đất Bắc). Bài từ được viết ngày 12 – 6-1492 (năm Nhâm Tý Hồng Đức thứ 23) này là của 24 dòng họ từ các tỉnh phía Bắc, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Hải Dương vào khai phá vùng Bắc sông Thu Bồn. Trong số đó có các dòng họ Phan, Hà, Trần, Thân, Nguyễn, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Huỳnh, Từ, Mạc, Lê... Bài từ có nói đến các tên làng Nông Sơn, Hạ Nông, Châu Lâu, Đắc Ký...
“Theo bước chân của vua Lê Thánh Tông đi mở cõi, các bậc tiền nhân đặt chân vào Điện Bàn, xứ Quảng, rồi khẩn hoang, lập làng lập xã. Hạ Nông xã, Câu Nhí xã, Châu Minh xã, Mỹ Á xã… những cái tên xưa cũ đã từng lưu dấu trong “Bắc địa tấu từ”. Và trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553, các làng của Hạ Nông xưa, Điện Phước nay, đã được xác lập như Nông Sơn, Minh Châu, Bất Nhị… Nhắc đến Bất Nhị, ai là người Quảng mà không nhớ câu hát ru:
“Bồng em mà bỏ vô nôi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An”.
……….
Chỉ có hơn 11 cây số vuông, nhưng Điện Phước quần tụ đến 12 ngôi làng cổ, 50 tộc họ. Xã được thành lập vào tháng 11.1948, trên cơ sở hợp nhất 4 xã Quý Cáp, Hiệp Lực, Nông Chánh, Liên Châu. Xã Quý Cáp hẳn là lấy tên của người chí sĩ sinh ra ở làng Bất Nhị. Cụ Trần Quý Cáp (1870 – 1908) cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, hợp thành “bộ ba Quảng Nam” nổi tiếng, khởi xướng phong trào Duy tân với triết lý “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” còn giá trị đến vô bờ. Bên cạnh cụ Trần có cử nhân Mai Dị (1880-1928), đỗ đạt nhưng không ra làm quan và lui về quê, cùng các nhà Duy tân mở trường dạy học. Ông từng tham gia sáng lập và dạy học tại trường Diên Phong, bị giặc Pháp nghi án và bắt bỏ tù trong phong trào Kháng thuế năm 1908. Ở Điện Phước còn có tên tuổi vang danh là nhà ngoại giao Nguyễn Thành Ý. Cụ Thành Ý quê từ Túy La qua cư trú tại Bất Nhị, là một trong “Ngũ tử đăng khoa” (5 anh em trong một nhà có 2 người đỗ tú tài, 3 cử nhân). Cụ Nguyễn Thành Ý từng được vua Tự Đức cử làm Tổng lãnh sự tại Sài Gòn - Gia Định.
………
Cha tôi hay lấy gương anh Trần Văn Thọ để răn dạy tôi, anh nhà nghèo đến trường đi bộ, chân không dép, anh học trên tôi hai lớp.
“Ông sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật Bản du học. Mặc dù đến nay đã sống ở Nhật Bản hơn 40 năm nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam cho mình.
Ông học cho đến khi lấy được bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin (Tokyo). Từ năm 2000 đến nay, ông làm Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo).
Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin: Lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật, ông là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời Thủ tướng Nhật.”
Từ anh Thọ, quê tôi có trường học JUNKO.
“Junko Takahashi, sinh năm 1973 tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Cô từng là sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Meiji Gakuin. Năm 1993, Junko đến Việt Nam trong một chương trình đi thực tế và dành trọn tình yêu cho đất nước và con người nơi đây. Thật đáng buồn là những mơ ước và dự định tốt đẹp ấy của Junko chưa kịp thực hiện thì cô gặp một tai nạn giao thông ở Nhật Bản và qua đời khi mới 20 tuổi.
Thông qua sự kết nối của những vị giáo sư hướng dẫn Junko tại Trường Đại học Meiji Gakuin, gia đình cô đã quyết định chọn Điện Phước – vùng “rốn lũ” ở Điện Bàn, Quảng Nam, để xây dựng trường học cho các em học sinh khó khăn.
Tại đất nước Nhật Bản, các thầy cô giáo và sinh viên của nhiều trường đại học vì cảm mến lý tưởng sống của Junko đã thành lập Hiệp hội Junko nhằm tiếp nối sứ mệnh dang dở của cô nữ sinh có tấm lòng vàng.
Hàng năm, cứ vào đầu tháng Chín – dịp khai giảng năm học mới của học sinh Việt Nam, các hội viên của Hiệp hội Junko lại sang Việt Nam và tới thăm ngôi trường mang tên Junko.”
Sau chiến tranh, chùa Hạ Nông và nhà cha mẹ tôi chỉ còn nền gạch hoang phế, ba cây đa trăm tuổi trụ hình chân vạc quanh chùa, cây xoài Miếu Bà đã không còn nữa, cha mẹ tôi cũng đã khuất bóng từ lâu...
Nguyễn Châu
Ảnh: Nhà thờ tộc Nguyễn Văn đệ tứ phái ở Hạ Nông.
Tham khảo:
- Tộc Nguyễn Văn Phú Triêm - Điện Phương - Quảng Nam - Facebook https://m.facebook.com/.../a.10709322.../146637226842536/...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...