Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

HAI ĐIẾU SAMIT

 

Tôi nhận giấy mời từ tay chú dân quân: "Mời ông sửa xe đạp. Đúng 8g ngày... tháng... năm 198... Đến văn phòng ban Ấp. Lý do: Cho biết sau...

Tôi che tấm bạt bên đường vá xe đạp, tôi chẳng biết làm gì ngoài nghề đã từng đi dạy học.
Tiếng gà gáy sáng vang lên từ đâu đó, nhìn trời mây u ám mà lòng tôi nặng trĩu, chờ sửa hay vá xe có tiền sẽ đi trình diện. Điếu thuốc miếng trầu là đầu câu chuyện mà, tôi định mua hai điếu thuốc SAMIT ở quán cafe bà M. Nhưng đâu có mua thiếu được.
Hơn 8g, văn phòng ban Ấp vẫn còn đóng cửa, lát sau có một người thọt chân, mắt lé lạch cạch bước vào, tôi định đưa tay đỡ vì nghĩ anh khuyết tật này cũng bị mời như tôi. Bỗng tôi giật mình, đôi mắt lé trợn trắng gạt mạnh tay, lạnh lùng móc xâu chìa khóa. Giọng hách dịch:
- Anh sửa xe hay hớt tóc? Vô đây.
Té ra năm Hơn, trưởng Ấp.
Tôi khẽ khàng ngồi xuống băng ghế dài, bối rối lấy ra hai điếu thuốc SAMIT. Từ sáng đến giờ thỉnh thoảng tôi đưa tay áp nhẹ túi áo sợ hai điếu thuốc không còn thẳng thớm chứ không phải hồi hộp lo sợ gì.
Tôi đặt nhẹ hai điếu thuốc trước mặt năm Hơn, mắt năm Hơn đăm đăm nhìn tôi nhưng hai con ngươi quay ngoắt sang hướng khác:
- Anh ở mô tới đây? Giọng trọ trẹ khó nghe.
- Tôi ở…
Tôi định nói: Ở tiệm sửa xe đạp nhưng “tiệm” to quá, sang quá.
- Nì, làm chi cũng có phép có tắc, chấp hành chủ trương đường lối chính sách nghiêm túc. Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, nghe rõ chưa? Không phải ai muốn làm chi thì làm. Loạn hết, loạn hết!
Âm lượng năm Hơn càng nói càng hăng, sùi bọt mép.
- Làm đơn, làm đơn...
Năm Hơn tỉnh rụi nhón lấy điếu thuốc đưa lên môi, bật quẹt lửa rít một hơi dài, mùi khói thuốc thơm dịu loảng tan bay nhẹ trong ánh nắng ban mai xuyên vào cửa sổ. Tôi chưa được hút thử loại thuốc này lần nào, chỉ dùng toàn thuốc rê...
Tiếng kèn xe đò chạy than rít lên, phả làn khói mù mịt khiến tôi suýt ngộp thở. Năm Hơn nhìn tôi quát:
- Chạy đi, dừng làm chi đó?
Té ra năm Hơn quát tài xế xe đò.
Suốt đêm trằn trọc chờ sáng, tôi buâng khuâng không biết kính gởi ban Ấp hay Ô. năm Hơn.
Tôi trầm ngâm nghĩ ngợi, tấm bạt che vá sửa xe đạp giăng bên lề đường, cột vào hai cây cao su già để nương nhờ bóng mát làm sao có số nhà hay địa điểm cụ thể nào!
.......
May quá chuyện gì cũng qua, có lẽ tôi ở hiền gặp lành. Gần Tết, rừng cao su rụng lá trơ cành đưa lên trời như đôi tay khẳng khiu của những người lam lũ. Những chuyến xe than chạy qua kéo theo bụi đỏ mịt mù, dòng mương nhỏ từ nhà máy cao su mang theo mùi khê nồng tan loãng trong không khí xộc vào mũi khó ngữi. Tôi đang loay hoay tìm trong thùng đồ nghề lấy dụng cụ sửa xe đạp cho chị bốn Hơn. Bỗng chị kéo vai tôi, biểu ngồi trên thùng đạn:
- Đi theo chị làm vài chuyến kiếm tiền mua áo quần cho mấy cháu, chị thấy tội quá!
Mà thiệt, đứa con trai lớn mới tám tuổi của tôi đang ngồi vá xe đạp mặc chiếc quần tây cũ cắt ngắn, đưa cái lưng trần lòi xương.
- Làm gì chị?
- Đi buôn tiêu...
Thời buổi ngăn sông cấm chợ, tôi ngần ngại:
- Lỡ bị bắt, hết vốn. Mà em không có vốn...
- Đừng lo, mua trước trả sau. Em có quần dài nào rồng rộng không?
- Em chỉ có quần xa-vi-ot mua ở hợp tác xã...
- Không được, loại đó ống quần ngồi xuống đứng lên như cái lò xo, kiếm cái quần lính...
Mấy hôm sau chị bốn Hơn đem cái quần treillis cũ của chồng chị biểu tôi cởi quần mặc thử, quần rộng thùng thình, chị ngắm nghía ra vẻ hài lòng:
- Được rồi!
Tôi chưa hiểu ý chị, chị ra ngoài đem vào hai bịch tiêu khoảng mấy ký được bỏ vào ruột tượng may bằng bao cát. Chị lại biểu cởi quần ra, chị ốp ruột tượng tiêu vào hai ống chân tôi, bó lại bằng dây nylon.
- Mặc quần vô!
Tôi làm theo lời chị, đi tới đi lui...
Chờ nông trường kéo còi, khoảng 5g sáng hai chị em leo lên xe than về Saigon. Tôi ngồi gần cửa lên xuống, mùi khí carbon dioxyt hăng hắc khó chịu nhưng không khổ sở bằng hai bắp chân bắt đầu nóng lên ngứa ngáy. Thấy tôi ngọ ngoạy không yên, chị bốn Hơn nháy mắt ra dấu ngồi im. Từ Trảng Bom qua Hố Nai chỉ hơn mười cây số tôi tưởng chừng như xa vạn dặm. Không còn gì khổ hơn phải chịu đựng cả nóng lẫn ngứa mà không được gãi!
Xe từ từ tấp vào trạm quản lý thị trường ngã ba Vũng Tàu, hành khách bị lùa hết xuống xe. Tôi tưởng chừng như được giải thoát, đi nhanh về phía bụi cây ven đường tha hồ gãi ngứa nhưng:
- Anh kia, quay lại đây!
Cái ống kim loại có đầu nhọn hoắt thọc vào ống quần... Chị bốn Hơn nhìn thấy muốn trào nước mắt, tôi lại thấy những đôi mắt thiếu đói của lũ con tôi dõi theo những hạt tiêu mẹ tiêu con chảy tràn ra đất.
Họ thu mua... Họ thanh toán sòng phẳng chỉ đủ tiền xe và hai ổ bánh mì.
Bỗng nhiên tôi nhớ đọc ở đâu đó:
"Và khi bạn yêu thích tất cả những việc mình làm để kiếm sống, trong cả cuộc đời, bạn sẽ không bao giờ mệt mỏi với công việc". Bruce Karatz
Chị bốn Hơn an ủi:
- Em đừng buồn, thua keo này mình bày keo khác. Chuyện tiền nong mấy ký tiêu ra Giêng chị tính cho.
Vậy là áo quần mới cho con mặc Tết bay theo gió bụi. Lũ nhỏ nhìn thấy cha về trên tay cầm hai ổ bánh mì tưởng cha trúng mánh mừng nhảy tưng tưng. Tôi ngồi nhìn hai bắp chân nổi sần chưa hết ngứa mà nỗi lòng không biết tỏ cùng ai. Nói ra sợ vợ con buồn, tôi đạp xe ra chợ mua sáu cái trứng gà về làm ốp-la để cả nhà ăn mừng vì đi buôn thắng lợi hơn sửa xe đạp.
Tôi ngán đi buôn tiêu, chị bốn Hơn nói đậu nành đang có giá.
Ngày mai ông Táo về trời nhưng bếp núc quạnh hiu, xóm Hố chìm trong màn đêm âm u chỉ nghe tiếng côn trùng rả rích buồn thúi ruột. Tôi bật dậy ra sân nhìn bầu trời xanh ngắt đầy sao long lanh mong tìm phương kế đổi đời như ngày xưa đưa tàu hải hành khơi xa nhìn chòm sao Bắc Đẩu để xác định phương hướng đường về.
Quyết làm ăn lớn nhưng không có vốn, nhìn trước nhìn sau không có tài sản nào đáng giá ngoài chiếc xe đạp mini và cái đồng hồ "Seiko 5".
Ngoài vốn tự có cộng thêm vay mượn mua được một tạ đậu nành. Tôi hì hục cho vào túi bao cát, mỗi bao mười ký. Sáng ra chị bốn Hơn ghé nhà, tôi chỉ đống bao đậu nành được phủ tấm nylon, các con tôi đang ngủ ngon lành trên chiếc giường mới. Chị cười:
- Chuyến này chắc ăn như bắp, có xe bộ đội chở giùm mình lại không tốn tiền. Chị cũng làm hai tạ nhưng mình phải thồ băng lô cao su đến đường đất sau lưng nhà má chị, họ cho lên xe ở đó...
Tôi mượn chiếc xe sườn mobilet của P. thường hay thồ chuối chất mỗi lần năm bao đậu nành lên xe, che chắn cẩn thận. Hàng gởi nhà mẹ chồng chị bốn Hơn gần điểm hẹn an toàn, tôi thở phào uống cạn ca nước quày quả ra về để chuyển tiếp năm bao còn lại.
Đường lô cao su lồi lõm, mùa khô miền Đông Nam bộ đất bazan đỏ quạch xen lẫn đá vụn, đẩy xe thồ về không còn mệt bở hơi tai như lúc đi, tôi cất tiếng hát hân hoan vang lừng giữa rừng cao su hoang vắng, niềm hy vọng sáng ngời trước mắt xua tan bao nỗi nhọc nhằn trong tôi.
Chuyến thứ hai đi gần đến nơi, mặt trời đã treo lơ lửng trên đầu, tôi tựa xe vào gốc cao su lấy khăn lau mồ hôi đã ướt đẫm cả áo lẫn quần. Con chim bìm bịp từ bụi cây rậm bay vụt lên, mất hút về phía đoạn đường tôi đã đi qua.
Tôi nhủ lòng mình: Cố lên tôi ơi! Nghị lực sống của tuổi ba mươi còn sung mãn đâu sá gì gian khổ. "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông" (Nguyễn Bá Học)
Gần đến nơi, bỗng tôi nghe văng vẳng tiếng ai kêu khóc giống tiếng mẹ chồng chị bốn Hơn. Tôi dừng lại nghe ngóng đồng thời đẩy xe tránh khỏi đường lô, giấu hàng bên gốc cao su già. Tôi thả bộ về phía trước, tiếng quát tháo giọng đàn ông nghe như tiếng sấm:
- Đậu nành này ở đâu ra? Bà khai ngay...
Tôi lùi lại chạy về chỗ chiếc xe thồ, cố đẩy xe về hướng nhà bạn để trả, nếu xe bị tịch thu thì...
Tôi đi như chạy quay lại nơi giấu hàng, tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực khi năm bao đậu nành của tôi không cánh mà bay...
Tôi chưa dám tìm gặp chị bốn Hơn để hỏi thăm tình hình, có còn xơ múi được gì không?
Tôi thất thểu về nhà, nhìn bộ dạng thiểu não của tôi mấy đứa con đứng xa lấm lét nhìn, tôi ôm thằng bé nhất gần hai tuổi trần truồng đang bò dưới đất, mặt mũi lấm lem như thằng hề, tôi bỗng bật cười ha hả mà nước mắt ứa ra, mấy đứa khác chạy trốn mất chắc chúng nghĩ cha nó lên cơn điên.
Vợ tôi gánh nồi niêu bán mì Quảng ở chợ vừa về lom lom nhìn hai cha con tôi, không hiểu chuyện gì đã xãy ra. Tôi vồn vã:
- Bán hết không em? Nghỉ mệt đi, để anh rửa cho... Lời được bao nhiêu?
- Mười lăm đồng.
Tôi mừng thầm, được năm ký gạo đâu phải chuyện chơi!
Tiếng còi nông trường hú dài trong sương sớm, mọi ngày giờ này vợ tôi đã dậy nhóm lửa nấu nước lèo, phần tôi xắt mì thành sợi và chuẩn bị quang gánh cho nàng ra chợ. Nhưng hôm nay... Tôi lay vai nàng:
- Sao không dậy đi bán?
Giọng nàng nghe chừng thút thít, đáp xụi lơ:
- Ngày nào cũng lỗ...
- Sao em nói là lời?
- Nói cho anh... vui!
Hỏi ra còn thiếu nợ người ta hai con gà và mười ký gạo.
Tôi ngồi nhìn mây trắng bay, bình minh đã ửng hồng trên đỉnh núi Sóc Lu. Hoa đào hoang từng chùm tím ngát ngoài bờ rào lả tả rơi theo từng cơn gió cuối đông.
Người xưa đã từng nói:"Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” (nghĩa là: Mọi sự đến cực điểm thì tất phải biến đổi, khi có biến đổi sẽ thông suốt)
Không thể uống rượu tiêu sầu như Cao Bá Quát, càng không thể không "trầm tư bách kế"...
Nhưng kế gì đây?
Nguyễn Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...