Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

ĐÌNH HẠ NÔNG


  • Đình (chữ Nho: 亭) là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, nơi thờ Thành hoàng. Thành hoàng là người có công với dân làng như: lập làng, lập nghề, dạy học, đánh giặc, cứu người... Cũng giống như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng của người Việt vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với bậc tiền bối có công với làng xóm, đất nước.
  • “Bia mộ thủy tổ tộc Trần Văn (Thanh Châu - Hội An) đã chép: “Vào thời Lê Thánh Tông (25 tháng 8 năm 1442 – 3 tháng 3 năm 1497) có chiếu trưng binh, ông Cao tổ dắt vợ con theo đoàn quân đánh Chiêm Thành, lập nhiều công trạng, sau đó ở lại Quảng Nam cùng các bạn nghề chài lưới khai phá đất bồi trưng tập dân cư biệt lập xứ Võng Nhi” (Nguyễn Bội Liên dịch). Bia ở đình Bất Nhị (Điện Bàn) chép: “Xưa xã ta vốn có 9 tộc họ cùng xây dựng địa phận làm thành xã Bất Nhị, đất đai mở rộng, dân đinh thêm đông, làm nên 3 thôn Thai La, Đan Điền, Bình Trị trong xã Bất Nhị”. Bia Trùng tu Thánh tự bi cũng ghi: “Chư quý công tiền hiền làng ta (xã Lỗ Giản - TG chú) là 5 tộc họ: Dương, Hồ, Lê, Nguyễn, Phạm từ phương Bắc theo nhà vua đến phương Nam lập nên làng xã”.
  • “Khi đức Gia Dũ hoàng đế vào mở mang đất Thuận Quảng, Công từ Bắc kỳ theo vào cùng với các ngài họ Trần, Huỳnh và Nguyễn đến khai khẩn đất này, ruộng được mấy trăm mẫu hơn; bên đông, bên tây có sa thủy quanh bọc nghiễm nhiên nên một làng gấm vóc vậy”, lời văn được ghi từ bia mộ chí Lê công - Tiền hiền xã Cẩm Phô. Hay tấm bia tộc Trần ở Cẩm Phô, Hội An có đoạn: “Ông thủy tổ thụy là Cần Thận công, trước đây giữ chức Phó đề lãnh Thiêm Lộc hầu, phát tích từ vùng Thanh Hóa vào Nam tìm chọn đất này. Người con trai là Trần Trung Lễ tiếp nối truyền thống tốt đẹp. Vào khoảng thời gian niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Hiển Tông Hoàng đế triều Lê, các tiên hiền Cẩm Phô là tộc họ Hoàng, Lê, Nguyễn đồng thời khai khẩn đất đai, khống ngự sông Trường Giang mà lập nên địa giới, treo rèm châu để đề tên (xã). Đến nay cơ hồ đã 200 năm, truyền được 14 đời”.
  • Từ tư liệu bia đá này, ta thấy đoàn người Nam tiến trên vùng đất Quảng Nam xưa trải dài qua các thời kỳ, tương ứng với những đợt di dân mang tính chất quy mô của chính sách nhà nước phong kiến dưới thời nhà Trần, thời vua Lê Thánh Tông, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tư liệu văn bia còn cho biết gốc gác bản quán của các dòng họ như từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hoan Châu (Hà Tĩnh), Hải Dương…
  • Văn bia tiền hiền hậu hiền của Đông giáp xã Bàn Thạch (nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) ghi rõ: Tiền hiền của làng gồm: 5 phái tộc Nguyễn Tấn, 3 phái tộc Võ Đức, 4 phái tộc Lê Công, 3 phái tộc Phan Viết; Hậu hiền gồm 10 tộc họ Võ, 4 tộc họ Đỗ, 5 tộc họ Trần, 7 tộc họ Nguyễn, 1 tộc họ Vương, 2 tộc họ Huỳnh, 1 tộc họ Lê, 1 tộc họ Lương, 1 tộc họ Mai, 1 tộc họ Diệp, 1 tộc họ Phan; hay như 6 tộc tiền hiền: Nguyễn, Thân, Đỗ, Thái, Trần, Ngô trong văn bia Trùng tu từ đường bi. Thứ tự ghi chép tên các tộc họ trên văn bia cũng theo trật tự cố định, nhất thành bất biến. Tiền hiền của làng còn được triều Nguyễn ban sắc phong. Một số văn bia khác cũng đề cập vấn đề này là Cải cấu từ đường bi, Đế Võng xã bi, Thần từ bi ký, Quế Trạch xã bi, Hương Quế xã Phạm từ phả ký, bia mộ tiền hiền tộc Lê (Cẩm Phô), bia mộ Tiền hiền tộc Lê (Thanh Châu) 1, bia mộ Tiền hiền tộc Lê (Thanh Châu) 2, bia mộ tiền hiền ở Hòa Mỹ, v.v.(1)
  • “Theo bước chân của vua Lê Thánh Tông đi mở cõi, các bậc tiền nhân đặt chân vào Điện Bàn, xứ Quảng, rồi khẩn hoang, lập làng lập xã. Hạ Nông xã, Câu Nhí xã, Châu Minh xã, Mỹ Á xã… những cái tên xưa cũ đã từng lưu dấu trong Bắc địa tấu từ. Và trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An biên soạn năm 1553, các làng của Hạ Nông xưa, Điện Phước nay, đã được xác lập như Nông Sơn, Minh Châu, Bất Nhị…
  • Chỉ có hơn 11 cây số vuông, nhưng Điện Phước quần tụ đến 12 ngôi làng cổ, 50 tộc họ.
  • Xã Điện Phước phía Bắc giáp xã Điện Hòa, phía tây giáp Điện Thọ, phía Đông giáp Điện An, phía Nam giáp sông Thu Bồn. Rạch Bình Long nối dòng sông Thu Bồn băng qua làng, xuôi về sông Hàn, Đà Nẵng. Điện Phước là xã thuần nông, đồng bằng màu mỡ, nhờ phù sa của Sông Thu Bồn. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An. Một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện, đổ vào sông Hàn, Đà Nẵng. Trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang, đổ ra vịnh An Hòa Tam Quang, huyện Núi Thành. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia, hợp lưu tại Giao Thuỷ - Đại Lộc, tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn người dân xứ Quảng.
  • Ngày xưa…
  • “…..có 24 tên làng thuộc huyện Điện Bàn hiện tại: làng Đắc Ký, Hoa Thử (Phong Thử), Kỳ Lam, Giáng La thuộc xã Điện Thọ hiện nay; làng Nông Sơn, Bất Nhị, Hà Khúc (Hà Nông) thuộc xã Điện Phước, làng Đông Bàn thuộc xã Điện Trung, làng Đa Thử (Đa Hòa) Cẩm Đăng (Cẩm Văn), Giáo Ái thuộc xã Điện Hồng, làng Lỗi Sơn (Cẩm Sơn), Diễm Sơn thuộc xã Điện Tiến, làng Hoa Hồ (Đông Hồ), Bích Trâm thuộc xã Điện Hòa, làng Lai Nghi, Phong Hồ, Kim Sa (Cẩm Sa); làng Thị Lại (Thi Lai), Kim Lữ (Cẩm Lậu) thuộc xã Điện Phong; làng Nhân Triêm (Phú Triêm) thuộc xã Điện Phương, làng Uất Lũy, Cúc Lũy (Khúc Lũy) thuộc thị trấn Vĩnh Điện và xã Điện Minh, làng Kim Quất (Thanh Quýt) thuộc xã Điện Thắng.
  • ……
  • Lê Viết Bang, theo phò vua vào Nam chinh chiến, sau 1471 được vua Lê sai phái ở lại vùng đất Chiêm Động, có công khai khẩn đất hoang, qui dân lập ấp, lập nên làng Bằng An, nay thuộc xã Điện An.
  • …….
  • Có rất nhiều dòng Lê Tộc từ Thanh Hóa vào định cư tại đất Điện Bàn như Lê Tấn Viễn định cư tại Điện Dương, Lê Cao Xảo tại Điện Phước, Lê Viết Bảo tại Điện Nam, Lê Đường, Lê Tấn tại Điện Hồng, Lê Văn Đạo tại Đông Bàn, Lê Đắc Sùng tại Giáo Ái, Túy La (Điện Hồng), Lê Đắc Vinh tại Điện Hồng...
  • ……….
  • Trong tập san nghiên cứu lịch sử số 5 – 1993 của Viện Sử học Việt Nam có công bố một tài liệu gọi là Bắc địa tấu từ (bài tấu tâu về đất Bắc). Bài từ được viết ngày 12 – 6-1492 (năm Nhâm Tý Hồng Đức thứ 23) này là của 24 dòng họ từ các tỉnh phía Bắc, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Hải Dương vào khai phá vùng Bắc sông Thu Bồn. Trong số đó có các dòng họ Phan, Hà, Trần, Thân, Nguyễn, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Huỳnh, Từ, Mạc, Lê... Bài từ có nói đến các tên làng Nông Sơn, Hạ Nông, Châu Lâu, Đắc Ký...
  • Như vậy, tiền hiền các dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp tại bắc sông Thu Bồn nói chung và Hạ Nông nói riêng từ giữa thế kỷ XV.
  • Đặc biệt hơn, sách Địa bạ Gia Long (soạn khoảng 1812-1818), tài liệu đầu tiên đề cập đến ngôi làng này lại gọi là xã Câu Dy. Sách viết: “xã Câu Dy (thuộc tổng An Nhơn Trung, huyện Diên Khánh: Đông giáp châu Giới Phiên (thuộc Phú Châu); các xã Khúc Lũy, La Qua, Uất Lũy (tổng Hạ Nông Trung); xã Bất Nhị (tổng Đa Hòa Trung). Tây giáp xã Hạ Nông, Bất Nhị (tổng Đa Hòa Trung); châu Doanh trấn Đông (thuộc Phú Châu); xã Bằng An (tổng Hạ Nông Trung). Nam giáp xã Hạ Nông, Bất Nhị (tổng Đa Hòa Trung); xã Bằng An (tổng Hạ Nông Trung), lấy bờ ruộng làm mốc. Bắc giáp các xã La Qua, Khúc Lũy, Hạ Nông (tổng Hạ Nông Trung), xã Hoa Long, Bất Nhị, châu Đông Bàn, Chu Phong, Liên Trì, Bằng An, lấy bờ ruộng làm mốc. Địa giới này hoàn toàn khớp với địa giới xã Câu Nhi trong các tài liệu khác.
  • Thêm nữa, gia phả họ Thân cho biết đến nay tộc họ này đã truyền được 16 - 17 đời. Không chỉ gia phả tộc Thân mà cả gia phả tộc Nguyễn Như (đồng tiền hiền của làng) cũng chỉ mới có 17 đời. Nếu lấy mốc 1471 thì đến nay đã gần 550 năm, ít nhất phải truyền đến đời thứ 21 - 22 (khoảng 25 năm một đời). Nếu chỉ truyền đến đời 17 - 18 thì mốc 1558 (Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa) hoặc 1602 (Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân vào kinh lý Quảng Nam) thì hợp lý hơn. Một nhà nghiên cứu trong tộc Nguyễn Như dựa vào gia phả của tộc họ mình đã suy đoán rằng có lẽ tổ tiên ông đã từ làng Câu Nhi của phủ Triệu Phong Quảng Trị vào khai phá vùng đất này trong khoảng thời gian từ 1558 - 1620 và lập nên làng Câu Nhi. Làng Bằng An bên cạnh cũng được thành lập trong thời điểm này vì tiền hiền của làng Bằng An chính là em ruột của đồng tiền hiền làng Câu Nhi, người thuộc dòng họ Nguyễn Như (ông Nguyễn Như Thăng và Nguyễn Như Đệ)”. (2)
  • Các gia phả học đều thống nhất ở Việt Nam ta mỗi thế hệ trung bình là 23,5 năm (Phương Tây là 25 năm). Vì vậy cứ nhân số thứ tự của đời hiện nay với 23,5 năm, ta có thể tạm biết vị đệ nhất thế tổ ấy đến Quảng Nam vào năm nào.
  • Tóm lại cuộc di dân của người Việt vào vùng nam Hải Vân là không phải kéo dài 700 năm suốt từ nhà Lý đến thời các vua Nguyễn mà có thể chia làm mấy giai đoạn chính:
  • 1. Từ 1360 đến 1402 là sự ổn định của vùng Bắc Hải Vân, mặc dù từ 1306 trên giấy tờ biên giới đã đến bắc sông Thu Bồn (châu Ô, châu Rí).
  • 2. Từ 1402 đến 1407 là giai đoạn tiền đề rất quan trọng để hình thành nên sự giao thoa của hai nền Văn Hóa Chiêm Thành – Việt Nam, để từ đó hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Quảng Nam rồi sau đó là cả xứ Ðàng Trong đến tận Cà Mau sau nầy.
  • 3. Từ 1471 đến 1671 là 200 năm của những cuộc di dân ồ ạt, để rồi chấm dứt một cách hoàn toàn sau đó! Cũng như sự chấm dứt di cư 1448, sự chấm dứt di cư 1671 chính là điều kiện cần có để sự giao thoa đã hình thành đi vào ổn định, không bị pha trộn thêm, để cố định một bản sắc vững bền đến mức nhiều biến động sau nầy vẫn không thay đổi. (3)
  • Hạ Nông, xưa là một tổng nằm gần phủ lỵ Điện Bàn. Nay, đó là mảnh đất mà cái lõi là xã Điện Phước, được bao bọc bởi các dòng sông, lạch nước mang theo tình tự xứ sở như Thu Bồn, Câu Nhí, Bình Long… Theo bước chân của vua Lê Thánh Tông đi mở cõi, các bậc tiền nhân đặt chân vào Điện Bàn, xứ Quảng, rồi khẩn hoang, lập làng lập xã. Hạ Nông xã, Câu Nhí xã, Châu Minh xã, Mỹ Á xã… những cái tên xưa cũ đã từng lưu dấu trong “Bắc địa tấu từ”. Và trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553, các làng của Hạ Nông xưa, Điện Phước nay, đã được xác lập như Nông Sơn, Minh Châu, Bất Nhị…
  • Chỉ có hơn 11 cây số vuông, nhưng Điện Phước quần tụ đến 12 ngôi làng cổ, 50 tộc họ.
  • Từ Hà Khúc đến Hạ Nông:
  • Làng Hạ Nông nay gồm các thôn Hạ Nông Đông, Hạ Nông Trung và Hạ Nông Tây của xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn. Đây là một trong những làng cổ của Quảng Nam. Trong tác phẩm Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18, TS.Huỳnh Công Bá cho rằng “Khá nhiều tộc họ ở các làng đã đến khai phá vùng bắc Quảng Nam vào cuối thế kỷ 15… cũng như 24 vị thuộc các họ Phan, Hà, Trần, Dương, Thân, Nguyễn, Huỳnh, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Đề, Hồ, Mạc, Tống, Lê đến khai phá vùng trung tâm Điện Bàn…”. Dù không khẳng định trực tiếp nhưng qua đoạn trên tác giả đã cho biết Hạ Nông được 24 tộc họ thuộc lớp lưu dân “Bắc địa tùng vương” đến khai phá và lập làng vào cuối thế kỷ thứ 15 sau cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471.
  • Tài liệu cổ đề cập tên làng sớm nhất là Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555 với tên gọi là làng Hà Khúc, một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.
  • Dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1776) trong Phủ biên tạp lục, Hà Khúc là một trong 24 xã của tổng Hà Khúc thuộc huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Sang thời nhà Nguyễn, dựa theo Địa bạ Quảng Nam soạn năm 1814, Hà Khúc được đổi tên thành Hạ Nông thuộc tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Khánh (sau đổi thành Diên Phước vào năm 1822, dưới thời Minh Mạng), phủ Điện Bàn. Sang cuối thời nhà Nguyễn, năm 1919, năm Khải Định thứ 3, theo Tạp chí BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hué - Tập san của Hội Đô thành hiếu cổ), làng Hạ Nông thuộc tổng Hạ Nông của phủ Điện Bàn.
  • Sau Cách mạng Tháng Tám, vào năm 1946, làng Hạ Nông thuộc xã Quý Cáp (tên danh nhân Trần Quý Cáp - lúc này Điện Bàn có 5/36 xã mang tên danh nhân). Lần hợp xã năm 1948, làng thuộc xã Điện Phước. Sau năm 1954, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Hạ Nông thuộc xã Kỳ Ngọc, quận Điện Bàn. Sau 1975, Hạ Nông trở lại thuộc xã Điện Phước như giai đoạn 1948 - 1954 và cho mãi đến nay.
  • Trên cánh đồng ở làng Hạ Nông nay thuộc địa phận thôn Hạ Nông Trung, có khu đất rộng độ 1500m2 địa thế khá cao so với chung quanh, vốn là một khu di tích Chăm đã đổ nát chỉ còn lại một số gạch ngói và tượng Chăm. Trong ngôi miếu có một bức phù điêu với hình một phụ nữ nên dân làng gọi là tượng Bà. Miếu thờ tượng Bà nên gọi là Miếu Bà. Sau này Miếu Bà bị tàn phá, người ta xây lên đó một ngôi chùa mang tên Hồng Phúc. Gần đây, trong khuôn viên ngôi chùa, một miếu nhỏ được phục dựng để thờ mấy pho tượng Chăm còn lại. Năm 2001 các nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, Nguyễn Chiều đã đến đây và phát hiện tại đây có hai bức phù điêu độc đáo. Đó là phù điêu Shiva - Gauri và phù điêu Vishnu - Garudasama. (…) Vishnu là một trong 3 vị thần tối thượng của Hindu giáo, chỉ sau thần Brahma (thần sáng tạo), đứng trên thần Shiva. Vishnu luôn là vị thần nhân bản nhất, bất kỳ ở nơi nào mà những thế lực độc ác bắt đầu thống trị thì Vishnu xuất hiện để cứu con người. Còn chim thần Garuda là hình ảnh mặt trời biểu hiện cho cái tinh thần bao trùm lên tất cả mọi vật do tạo hóa sinh ra. (4)
  • Với tấm lòng biết ơn các vị tiền nhân đã có công khai phá, sinh cơ lập nghiệp. Sau khi đã tạm ổn định cuộc sống, con cháu các dòng họ tại Quảng Nam cùng nhau lập nên các đình làng để ghi nhớ công ơn tiên tổ, Thần hoàng (các vị tiền hiền) và các người có công với đất nước, thôn làng đã dày công tạo lập cho các thế hệ đời sau có cuộc sống no đủ, yên vui. Hằng năm, Xuân - Thu nhị kỳ các đình làng tổ chức lễ cầu an (kỳ yên) nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
  • Nhất sái thiên thanh (Trời thêm thanh bình)
  • Nhị sái địa linh (Đất thêm tươi tốt)
  • Tam sái nhơn trường sanh (Người được sống lâu)
  • Tứ sái quỷ diệt hình (Quỷ dữ bị tiêu diệt).
  • Đình làng Hạ Nông cũng như bao nhiêu đình làng ở quê hương Điện Bàn, được xây dựng có lẽ cùng thời với các làng có tiền hiền của các họ tộc đã đến đây vào cuối thế kỷ XV. Theo TS Huỳnh Công Bá: “Khá nhiều tộc họ ở các làng đã đến khai phá vùng bắc Quảng Nam vào cuối thế kỷ 15… cũng như 24 vị thuộc các họ Phan, Hà, Trần, Dương, Thân, Nguyễn, Huỳnh, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Đề, Hồ, Mạc, Tống, Lê đến khai phá vùng trung tâm Điện Bàn…”.
  • “Ngó ra sông Cái, ngó ngoái thấy đình
  • Hạc chầu thần còn đủ cặp, huống chi mình muốn lẻ đôi
  • Nguyện thề trước miếu sau đình
  • Đó vong ân đó chịu, đây bạc tình đây mang”
  • (ca dao)
  • Nguyễn Châu
  • (Tổng hợp)
  • Tài liệu tham khảo:
  • (1) NGUYỄN DỊ CỔ
  • https://baoquangnam.vn/.../dau-tich-tien-hien-quang-nam...
  • (2) LÊ THÍ
  • https://baoquangnam.vn/.../cau-nhi-ngoi-lang-xu-quang...
  • (3)https://tocnguyenhuuthanhquyt.wordpress.com/.../dong-h.../
  • (4) LÊ THÍ
  • https://baoquangnam.vn/.../nhung-co-vat-cham-doc-dao-o...
  • Ảnh: Đình La Qua.
  • P/S:
  • CA DAO QUẢNG NAM:
  • Quảng Nam là xứ tỉnh ta
  • Trong là Quảng Ngãi, ngoài là Thừa Thiên
  • Phía đông là biển sát miền
  • Phía tây có núi, gần miền Ai Lao
  • Đà Nẵng tàu lớn ra vào
  • Hội An là phố đông người bán buôn
  • Sông xanh một dải Thu Bồn
  • Sông từ chợ Củi đến nguồn Ô Gia
  • Tỉnh thành đóng tại La Qua
  • Hội An toà sứ vốn là việc quan
  • Bốn phủ, bốn huyện mọi đàng
  • Quan viên cai trị luận bàn việc dân
  • Đá than thì ở Nông Sơn
  • Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
  • Thanh Châu buôn bán nghề ghe
  • Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hoà
  • Phú Bông dệt lụa, dệt sa
  • Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng
  • Ngà voi, tê giác, gỗ rừng
  • Trân châu hải vị chẳng từng thiếu chi
  • Tỉnh ta giàu nhất Trung kỳ
  • Nên ta phải học lấy nghề tự sinh…
  • *******
  • Xa nhau cách mấy con trăng
  • Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
  • Không biết ai tôi nhắn với người thương
  • Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
  • Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
  • Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
  • Nhắn người quen biết xưa nay
  • Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
  • Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
  • Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
  • Nhắn người chuyển miệng giùm cho
  • Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
  • Nhắn ông đi úp sông sâu
  • Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
  • Nhắn người đốn củi rừng xanh
  • Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
  • Nhắn người ở dưới Câu Lâu
  • Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long
  • ********
  • Con gái La Qua, qua hôn, qua hít, qua vít, qua véo, qua chọc, qua ghẹo, qua biểu em đừng có la qua.
  • Con gái Phước Chỉ, chỉ xấu, chỉ xa, chỉ lười, chỉ nhác, chỉ bài, chỉ bạc, chỉ có chồng là may phước chỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...