Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

PHÙ SA SÔNG THU BỒN

 Tặng các bạn tôi ở Điện Phước quê nhà và kính viếng hương linh những người đã khuất...

....
Sông Thu Bồn chảy về cửa Đại
Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn
Ai về Đà Nẵng, Hội An
Cho ta nhắn gửi vài hàng tâm tư
(Ca dao)
Ba-lô khăn gói hồi hương, nhìn căn nhà rách nát của cha mẹ, lòng tôi dâng lên nỗi ngậm ngùi. Nơi đây, những ngày thơ ấu yên bình đã khắc sâu vào tiềm thức. Những dòng ký ức tuôn trào không theo lớp lang nhảy múa trong tôi. Nhìn thân hình tiều tụy của cha chưa đến tuổi 60, gập người ho hen dữ dội bởi bệnh viêm phổi mãn tính. Mẹ tôi con gái thị thành sông nước Đò Xu - Đà Nẵng, chưa biết làm ruộng bao giờ, xoắn quần ống thấp ống cao bắt từng con ốc, con cua đồng... Mặt mẹ ửng hồng lên rực rỡ mừng vui khi tôi đã trở về...
Chính tôi cũng chưa quen với công việc đồng áng, trả công thay cho mẹ lúc cầm liềm gặt lúa, khi cuốc đất, nhổ mạ...
Nghỉ ngơi được mấy ngày, tôi mượn chiếc xe đạp mini đạp dọc theo tỉnh lộ 20 về hướng chợ Bình Long, Bất Nhị...
Chợt ý nghĩ "gò thùng" gánh nước bật lên trong tôi.
.......
Ngồi nhờ trước hiên nhà bác D. ở Bát Nhị, Điện Phước tôi gò thùng bằng tole phế thải mua lại của các bà bán ve chai.
Khách hàng đầu tiên đặt đôi thùng gánh nước lại là bác D. gái. Tôi mừng quýnh khi nhân được năm đồng (5đ) đặt hàng. Tôi đạp xe lên cửa hàng hợp tác xã mua hộp sữa cho con, vòng qua chợ mua cau tươi, vôi ăn trầu cho mẹ.
Bà con quanh xóm thương tình hỏi han nhưng vì thùng tole không tiện lợi bằng thùng thiếc đựng nước mắm nên chỉ ngồi chơi xem tôi... gò.
Đang lui cui vào đáy thùng, ngước lên thấy Ngô Minh Hiền - cán bộ hợp tác xã Điện Phước ngạc nhiên nhìn tôi, sao tôi lại làm cái nghề xưa nay hiếm ở quê tôi. Hai anh em ngồi nhìn nhau, điếu thuốc trên tay tôi tóe lửa, thuốc điếu bỏ bao nylon rẽ rề.
Hiền gợi ý:
- Hợp tác xã mời anh đi đo đạc, làm bản đồ giải thửa...
- Làm sao anh đo... được?
(Nghĩ thầm: Nếu được cũng nhẹ nhàng hơn cuốc đất...)
Bỗng Tào Bạn - Cán bộ phụ trách bổ túc văn hóa xã đi ngang qua, ghé vào mời tôi dạy BTVH cho các em ban đêm.
Thật là một ngày cát tường, tôi hứa trả lời sau khi hoàn tất ba đôi thùng gánh nước.
Sau khi thu dẹp đồ nghề và cám ơn bác D., tôi theo anh em đi đo đạc.
Ban ngày cùng anh Đinh Văn Khóa, Nguyễn Đức Thu, Ngô Minh Hiền vác máy, cầm mia đo từng thửa ruộng từ Hạ Nông, Bàu Lát, La Hòa, Nhị Dinh, Miên La...
Sáng đo, chiều ngồi tính toán diện tích...
Mùa Đông, ngày ngắn đêm dài, mới sáu giờ chiều trời đã buông màn chập choạng. Những khuôn mặt bừng sáng, xinh đẹp trẻ trung dưới ánh đèn dầu "hột vịt" lung linh huyền ảo đã khiến tâm hồn tôi dâng lên niềm cảm thương khó tả. Đã lâu rồi tôi mới được trở lại với bảng đen và phấn trắng cùng những đôi mắt thơ ngây bừng lên niềm tin yêu của các em.
Tôi phụ trách các môn toán, lý, hóa và anh chàng Trần Hoài Thanh - Thanh Tranhoai (thầy thuốc Đông y nổi tiếng bây giờ) phụ trách môn văn và tiếng Việt. Nguyễn Đức Thu bao thầu cấp 1.
Sau mùa thu hoạch lúa, thù lao của các thầy được "hiệu trưởng" Tào Bạn đãi hai tô mì Quảng bà Thanh ở Vĩnh Điện.
Nghề gò coi bộ không có... tương lai, tôi nảy ra làm thêm vá sửa xe đạp.
Đêm về, tôi tháo chiếc xe cà tàng ra từng bộ phận để nghiên cứu, ghi nhớ, khi nào rãnh rỗi đạp xe xuống tiệm sửa xe của Trần Lý ở Điện An (nay ở Saigon) ngồi chầu rìa học mót cách vá xe đạp, lộn... sên (tôi chưa từng nghe qua - sẽ kể về vụ lộn sên ở phần sau).
May quá, nhờ Ngô Minh Hiền gợi ý xin được rẻo đất ngoài đường lộ, ngay ngã ba đường cái mới và cũ mở tiệm vá sửa xe đạp...
(Những nhân vật tôi vừa kể chỉ mới lướt sơ qua và còn nhiều nhân vật nữa ở xã Điện Phước đã để lại trong tâm khảm của tôi những cảm xúc bất tận và những ơn nghĩa không bao giờ quên, từ từ tôi sẽ kể bạn nghe).
Những năm cuối 70s tình trạng xăng dầu khan hiếm nên các loại xe cũ như Suzuki, Lambretta, Yamaha... sẳn sàng đổi ngang xe đạp. Ông em rễ hào phóng của tôi tặng anh vợ chiếc Suzuki cũng còn ngon lành nhưng đắp mền. Tôi mừng húm, mua được ít xăng pha nhớt đổ vào, chạy về quê.
Trần Hoài Thanh đến nhà chơi, thấy xe khoái quá ngõ ý mượn chở vợ đi đám cưới ở Thanh Khê, Đà Nẵng. Hôm sau tôi vừa mở cửa đã thấy hai vợ chồng Thanh bơ phờ vì xe nổ lốp không có ai bán vỏ xe để thay nên chồng... ngồi vợ đẩy từ Thanh Quýt về đây! Phải chi chị Thanh biết đi xe thì đỡ cho chị biết bao nhiêu, thật tội nghiệp. Nghe đâu có người độn rơm vào vỏ xe chạy tạm cũng OK!
Vậy là cái xe nằm liệt.
Bạn học cũ Nguyễn Xuân Thống ở trường Nguyễn Duy Hiệu năm xưa, mỗi chiều chở vợ con bằng xe Honda bordeau về nhà cha mẹ vợ, sau nhà tôi. Hắn gợi ý đổi xe Suzuki lấy chiếc xe đạp sườn dura có tăng-đơ, tôi đồng ý liền không một giây suy nghĩ.
Ai cũng chúc mừng tôi có xe đạp... xịn.
Đi lại được mấy ngày. Sáng dậy sớm, tôi chuẩn bị đi làm nhưng cánh cửa phên tre ai đã mở sẳn rồi, chiếc xe đạp tôi đã khóa vào chân tủ thờ không cánh mà bay, đã vậy bộ áo quần "bảnh" nhất tôi thường mặc đi làm cũng đi theo thằng ăn trộm...
Trời mùa Đông mưa phùn gió bấc không có áo đủ ấm che thân, bốn anh em lầm lũi lội ruộng, những gò mả nhấp nhô theo con nước lớn, nhìn làn nước trong veo tràn bờ ruộng cao chạy xuống ruộng thấp như dòng thác bạc mang theo những con cá lia thia óng ánh nhiều màu sặc sỡ.
Anh Khóa chỉ tay vào hố bom nói bâng quơ:
- Cái chuông đồng chùa Hạ Nông giấu chỗ ni. Sau khi hòa bình bà con khiêng về Miếu Bà...
Tôi nhìn về Nga Tiền, nơi ông nội tôi - Thầy Kiều, từ Nga Hậu - Bàu Lát về lập nghiệp và dạy chữ Nho bên chùa Hạ Nông (Hoằng Pháp - Được xây dựng từ thế kỷ XIX) giữa ba cây đa (da) to thế chân vạc, có lẽ tuổi đời xấp xỉ hơn trăm năm, đã bị san thành bình địa vào những năm chiến tranh khốc liệt nhất ở quê tôi (1960s). Căn nhà của cha mẹ tôi cũng cùng chung số phận, chỉ còn lại khung bê tông trơ gan cùng mưa nắng.
Nhìn về hướng Gò Bướm, mộ cụ Trần Quý Cáp nằm lạnh lẽo, chìm khuất dưới đám lau lách xanh rì cùng với bao người đã quá vãng ở quê tôi.
(còn nữa)
Nguyễn Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...