Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

CÁI ĐỒNG HỒ


Lão Bạc sống trong nhung lụa từ nhỏ, cha mẹ lão giàu nhất làng nhưng vẫn đặt tên con: Hoàng Ngân, Bạch Kim, Bách Bạc, Kim Ngân. Lão là con trai cầu tự nên được cưng chiều hết mực.
Thời xưa, ít ai có xe đạp Peugeot, đồng hồ Longines, giày da Nam Định, vậy mà lão còn chê. Suốt thời tiểu học lão cưỡi lên lưng ông Ngạc – Người quản gia già, đi về sớm tối. Rồi lão học trường Tây, lão có bằng Deuxième Partie lão sang Pháp du học.
Ngày cha lão mất lão không về chỉ gửi “mandat” hai trăm Franc kèm theo bưu thiếp chia buồn với mấy chị em lão, rồi thôi.
Lão lấy vợ đầm, lão chê dân “Annamite”, nghe nói vợ lão là con cháu quan toàn quyền Đông Dương.
Mãi hơn bốn mươi năm sau lão về, mẹ lão đã qua đời, dinh thự ngày xưa của gia đình lão chỉ còn đống gạch hoang phế không còn chút gì để gợi nhớ nơi lão đã từng… Mụ vợ đầm đã bỏ lão, con cái trưởng thành tứ tán. Vùng quê Normandie (Pháp) nơi sản xuất loại rượu táo truyền thống tinh tế và đặc biệt Calvados không dung nạp lão.
Lão xây căn nhà ngói theo kiểu Tây có ống khói ló ra khỏi mái nhà trên nền đất cũ của cha mẹ lão. Những sinh hoạt và ăn uống hằng ngày của lão lạ lẫm, bánh mỳ nướng phết mứt kết hợp với café, thịt jambon, bánh ngọt, bánh mỳ que, bơ, mứt, sữa chua, café, sa lát, súp, pate, khoai tây, phô mai, rượu Bordeau… Lão vẫn quen thói phong lưu, chỉ một mình lão với hai người giúp việc.
Đùng một cái lão tuyên bố lấy cô Dung – người dọn phòng cho lão, cô Dung kém lão hơn ba mươi tuổi. Đám cưới lão không mời ai kể cả thông báo cho mấy chị em của lão. Những lúc cô đơn lão nhớ ông Ngạc nhưng ông Ngạc đã chết từ lâu. Những ký ức hiện về quanh đây, khuôn mặt cha mẹ lão lờ mờ thoát ẩn, thoát hiện. Chị Hoàng Ngân và cô út Kim Ngân định cư ở Mỹ, chị Bạch Kim sau ngày chồng mất theo con sang Pháp, vậy mà lão lại về.
Cô Dung, gái quê mộc mạc chăm làm nhưng không thích món Tây. Cô phun phì phì khi lão ôm hôn môi cô, cô nhắm tít mắt ngậm cứng hàm răng nhưng cô thích làm tình. Lão cao lênh khênh, cô Dung mập mà lùn tịt, lão Bạc không tiếc cô thứ gì, lão đưa cô xuống phố bắt cô uốn tóc “phi dê”, mặc áo đầm, tay đeo vòng cẩm thạch. Nhìn cô, không ai nhận ra cô Dung con bà Hai bán cá ngày nào.
Cô Dung thật giỏi, mở tiệm tạp hoá trước nhà, hàng hoá đa số đóng hộp nào là cá hộp Sumaco, ba tê gan, thịt bò, heo, gà, rau muối chua, sauce cà, sữa Ông Thọ… nước mắm, dầu, chè. Cô nói đồ hộp cho lão dùng, dùng không hết đồ hộp phình ra, lão đổ bỏ hết vì quá “date”.
Lão Bạc sung mãn ở tuổi gần bảy mươi, lão có tật quái dị bất kỳ lúc nào hứng lão đều gạ gẫm cô Dung “faire l’amour”. Lúc thì ở ghế salon, cả những lúc cô Dung lúi húi dưới bếp… Cô chăm sóc lão như mẹ chăm con, nhịn nhục khi lão nỗi tam bành, lão giận hờn như trẻ con khi cô Dung không hiểu lão nói gì...
Lão bị ảnh hưởng bởi phim “cochon”. Tiếng Pháp cochon nghĩa là con heo. Lão như heo nọc, chồm lên…
Lão quên mất tiếng mẹ đẻ, vật dụng gì lão cũng xài tiếng Tây riết rồi cô Dung cũng lõm bõm nào là garde-manger, merci beaucoup, table de nuit…
Khí hậu nhiệt đới làm lão khó chịu, gió hạ Lào khô khốc thịt da. Lão nhờ thợ xây máng nước chạy quanh tường phòng ngủ, hơi nước làm dịu không khí oai bức nhưng độ ẩm tăng cao làm lão nhức đầu, nước mũi chảy ròng ròng, lão Bạc chữi ỏm tỏi. Cô Dung đập dẹp mấy tép tỏi bó vào lòng bàn chân lão, mang tất vào vậy mà lão hết sổ mũi, lạ thiệt. Lão chỉ sùng bái Tây y, lão chê thuốc Nam vớ vẩn.
Cô Dung thèm đứa con, trai gái gì cũng được nhưng lão không cần, lão để ý khi nào cô Dung có kinh nguyệt, lão lẩm bẩm một mình: Un, deux, troi, quatre, cinqt… Lão nói áp dụng phương pháp Ogino-Knauss hiệu quả vô cùng.
Đám con Tây lai bên Pháp có đứa nào nghĩ đến lão đâu? Không hề có cái “télégramme” nào, kể từ ngày lão quy cố hương.
Lão không biết đi xe đạp dù ngày xưa lão đã từng đi. Đồng hồ của lão có nắp móc tòn teng với chùm chìa khoá lúc nào cũng khư khư bên lão.
Mỗi năm hai kỳ, lão vào Saigon khám bệnh. Bệnh viện Grall phát hiện lão bị Áp-xe gan, Áp-xe gan là bệnh lý có nhiều mủ trong nhu mô gan do amip gây ra. Lão nghi do thức ăn hằng ngày kém vệ sinh, lão phải nằm bệnh viện ít nhất sáu tháng – Lão Bạc vẫn giữ quốc tịch Tây được hưởng theo tiêu chuẩn dân Tây.
Lão gửi “télégramme” về cho cô Dung. Khỏi phải nói cô Dung lo lắng đến cỡ nào nhưng cô tự an ủi đã có bệnh viện Tây chăm sóc lão. Cô nhờ thầy giáo Sung dân Tây học “quánh” cái điện tín báo tin cho vợ con lão. Hơn nửa tháng sau, bác “facteur” trao cho cô bức điện tín. Cô Dung nhờ thầy Sung dịch nghĩa dùm chỉ vỏn vẹn mấy chữ:”Ai đeo đồng hồ, người ấy tự sửa”. Cô Dung chẳng hiểu ý nghĩa ra làm sao, không lẽ bên trời Tây thiếu tình thương máu mủ, không biết thế nào là sinh thành dưỡng dục? Thầy Sung thở dài: “Không lẽ lão Bạc là… cái đồng hồ?”
Nguyễn Châu
(Trích tập truyện Dòng Sông Trơ Đáy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...