Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

ĐỌC TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN CHÂU

 

.....
Nhà văn Nguyễn Châu sinh năm 1950. Hiện sống và viết tại tp.HCM
Các tác phẩm đã xuất bản gồm:
- Trên miền tóc xanh (Thơ 1969)
- Nỗi niềm (Tạp văn 2001)
- Dòng sông trơ đáy (Tập truyện ngắn 2018)
- Đôi dòng (Tập truyện ngắn 2018)
- Giọt nắng trong sương (Tập truyện ngắn 2022)
- Truyện ngắn chọn lọc (Tập truyện ngắn 2023)
"Truyện Ngắn Chọn Lọc" của nhà văn Nguyễn Châu (NXB Hội nhà văn tháng 6/2023).Với giọng văn bình dị giàu yếu tố trữ tình. Đọc văn truyện của NC chúng tôi nhận thấy nó được bắt nguồn từ cảm xúc chân thành, anh viết bằng cả trái tim. Không cầu kỳ làm dáng văn chương mà nghĩ sao viết vậy.
Quả thật đây là một tác phẩm rất đáng để đọc. Bởi 32 truyện ngắn rất lôi cuốn, với nhiều điều bổ ích và thú vị. Mỗi câu chuyện đề cập đến một vấn đề của cuộc sống, giàu sức gợi chứa đựng nhiều hàm nghĩa nhân văn. Tất cả được hình thành từ khả năng quan sát tinh tế, kỹ thuật tạo dựng truyện. Qua đó bộc lộ lòng nhân hậu của tác giả. Đi ra từ hiện thực cuộc sống - nhà văn mang theo những ẩn ức, những suy nghiệm để kể với cuộc đời cũng cho thấy trách nhiệm của người cầm bút.
Phải nói là “Đi, đọc và viết” là sở thích cũng là điều kiện cần để nhà văn tích lũy vốn sống. Điều đó đối với nhà văn Nguyễn Châu thì sự đi (xê dịch) đó là quá đủ để anh không những có dịp quan sát mà còn trải nghiệm thực tế cuộc sống từ khắp nhiều vùng miền của đất nước từ Nam chí Bắc. Đi qua những thăng trầm dâu bể cuộc đời của chính nhà văn, anh đã tái hiện cuộc sống lên trang viết thật sinh động, mang hơi thở của cuộc sống. Đó là những trăn trở suy tư và chiêm nghiệm chứa đựng tư tưởng thẫm mỹ và thông điệp gửi gắm trong tác phẩm.
Như chúng ta đã biết, văn học phản ánh cuộc sống. Đối tượng của văn học chính là con người. Vì vậy trước hết nói về thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Châu.
Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Châu có đủ thành phần trong xã hội từ những người lao động nghèo, nhân sĩ trí thức lỡ vận, người lính, nghệ sĩ, những phận đời khốn khó v.v… Nhiều hơn cả là những thân phận nghèo tha phương cầu thực, nông dân ở nhiều miền quê, nơi anh có dịp đặt chân đến. Dòng đời xô đẩy những mảnh đời trôi dạt từ miền thôn dã, hay núi rừng heo hút, xóm nhỏ buồn tênh cho đến phố thị xô bồ, lấp lánh nhưng cũng nhiều cạm bẫy đòi hỏi con người phải thích nghi để tồn tại. Rung cảm trước hiện thực cuộc sống và bằng tấm lòng nhân hậu yêu thương con người là chất liệu để anh hình thành nên tác phẩm trong chặng đường đời xuôi ngược đó. Cuộc đời lang bạt kỳ hồ của bước chân lãng tử, từ tuổi thanh niên đầy ước mơ hoài bão hay khi vào đời, trong chiến tranh hay những vật lộn mưu sinh thời hậu chiến. Trong đó có cả những hoài niệm ngược về quá vãng chưa xa. Bằng cả trái tim của người cầm bút, anh quan tâm nhiều phận đời. Có số phận sinh ra đã gặp nhiều thua thiệt nhất là trong chiến tranh khói lửa gian nan hay vật vã mưu sinh ở thời hậu chiến.
Dưới ngòi bút của anh, các nhân vật hiện ra chân chất, gần gũi như chúng ta đã gặp họ ở đâu đó. Nhân vật trong truyện ngắn của NC có thể là nguyên mẫu ngoài đời hay hư cấu hoàn toàn hay hư cấu phần nào. Đôi khi cũng có thể là cái bóng của tác giả. Các số phận con người đó có khi rất đỗi cùng cực nhưng vẫn không bi lụy, mà vẫn ánh lên nét lạc quan, suy nghĩ tích cực và có khát vọng sống để vươn lên. Đó chính là điểm sáng mà nhà văn hướng đến và mong muốn những điều tốt đẹp cho nhân vật của mình.
Nhân vật của anh là những người mộc mạc bình dị như Út Nga, Hai Khôi, Nài Hường… Hay như Hùng Gấu (Bèo dạt mây trôi) đôi khi thô kệch một chút nhưng vẫn ẩn chứa tâm hồn đẹp, sống hết mình với tình yêu và lòng bao dung thiện lương. Cảnh vật trong truyên có khi miêu tả “thị trấn yên bình năm nào, giờ nhuốm màu chiến tranh và ngày càng khốc liệt”. Có người lính trên đường hành quân, gặp cô gái mẹ mất, bơ vơ khóc, không tiền, không biết làm sao chôn cất mẹ mình. Người chỉ huy cho anh lính dừng lại giúp cô gái mồ côi, chôn cất mẹ mình. Và anh lại tiếp tục ra đi hành quân cho kịp đơn vị. Và hình ảnh đôi mắt người lính đã theo cô suốt cuộc đời. Mối tình đơn phương, lãng mạn khó phai làm cho cuộc đời trong khói lửa vẫn có chút đáng yêu và ánh lên hi vọng. Nét đẹp người lính được phác họa ở nhân vật anh Song (Khu vườn không có ánh trăng) hay anh lính (truyện đôi mắt trang 187)”
Nhân vật của anh cũng có người toan tính như năm Pháo. Có cả những nhân vật khiếm khuyết thiệt thòi bẩm sinh như Út Mén, hay tác giả hóa thân trong nhân vật tôi trong truyện Bức Tranh Lập Thể (trang137)
Về nội dung: Mỗi câu chuyện đề cập đến một vấn đề, tạo ra sự phong phú trong nội dung chuyển tải.
Câu chuyện “Gió cuốn bay đi” cho tôi liên tưởng đến truyện “Mẹ ghẻ con ghẻ” của Hồ Biểu Chánh hay truyện Phạm Công Cúc Hoa. Tất nhiên mỗi chuyện có kết cấu khác nhau nhưng cũng là mô tip dì ghẻ ác nhơn. Gái nhào vô cướp chồng, hành hạ con chồng, chồng bênh vợ nhỏ, hành hạ vợ lớn đầy nhan nhãn trong cuộc sống xưa và nay, đó là điều đáng cảnh tỉnh mà ngòi bút nhân đạo của các nhà văn đề cập đến.
Chuyện Tám Dô là nói về một thế hệ lớn lên trong biến binh của đất nước, lúc nhỏ vào đồn lính Mỹ chơi, xin đồ hộp, cơm sấy. Anh lính Michael yêu trẻ em, ôm Tám Do vào lòng. Tám Dô thấy trái lựu đạn láng đẹp, thế là bỏ bọc mang về. Anh du kích thấy vậy cho là chiến công lại sung Tám Dô vô làm lính du kích. Bị bắt, bị đi tù, ra tù trúng đợt quốc gia tuyển lính. Bị sung vào lính. Thế là số phận con người bị đời xô đẩy cầm sung cho hai bên: Bên này, bên kia không có dụng ý cá nhân. Nhưng cốt lõi vẫn đọng lại ở Tám Dô bản tính thiện lương nhân ái. Tám Dô không nỡ bắn anh lính Mỹ vì từng chứng kiến cảnh “Michael bị trúng đạn lăn lộn trên đám cỏ khô khốc, gào lên gọi mẹ:“Mom, Mom" (tr 207). Chiến tranh là khổ đau. Người lính bên nào chết thì cũng làm tan nát trái tim người mẹ. Đó cũng là tư tưởng lên án chiến tranh mà NC hay nhiều ngòi bút nhân văn đều hướng đến. Nhân vật trong truyện NC, Ngoài những người nghèo khổ thì cũng có những người con nhà có điều kiện như Giáo Ba, Lão Bạc… Mỗi người có một số phận không ai giống ai, cũng khốn đốn theo thời thế và cách chọn hướng đi của mình. Ở Lão Bạc tác giả có đề cập đến vấn đề gắn kết tình cảm gia đình có phần khác với truyền thống Á Đông. Dĩ nhiên không phải là tất cả nhưng nhận xét nào cũng rút ra từ số đông để kết luận.
Lão Bạc là một nhân vật sinh ra đã là con nhà khá giả, được du học, ở lại lấy vợ Tây, có con cái, ít khi về thăm quê. Nhưng rồi xứ người cũng không cưu mang hết cả phận người lão Bạc. Lão bạc bị vợ bỏ lại khăn gói tìm về quê cũ, sống cuộc sống Tây hóa, ăn đồ tây, tỏ ra lạ lẫm với quê nhà. Rồi lão lập gia đình lại với cô Dung - người dọn phòng cho lão. Đó cũng là may mắn cho lão lúc cuối đời gặp được người hết lòng chăm lo cho lão. Thế rồi lão bị ốm trọng bệnh, bị áp xe gan. Không thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử của người đời, cô Dung hết sức lo lắng cho lão. Cô nhờ người điện tín báo cho vợ con Lão, nửa tháng sau mới nhận được hồi báo, Cô dung nhờ người dịch nghĩa: "Ai đeo đồng hồ, người ấy tự sửa”. "Không lẽ trời Tây không có tình máu mũ, Không lẽ Lão Bạc là cái đồng hồ”.
Truyện Diệu Tiên cho thấy góc nhìn của nhà văn về sân khấu và cuộc đời. Thông điệp gửi gắm: Ánh hào quang sân khấu có khi đưa người nghệ sĩ lên tuyệt đỉnh vinh quang, có cả những tung hô ngợi ca sáo rỗng làm cho người ta ảo tưởng. Khi trở về với thực tại, đối diện chính mình chỉ còn lại nỗi cô đơn nhất là khi hoa tàn nguyệt tận “ Em đã trả lại mảnh phù hoa và xót xa của cuộc đời nghệ sĩ” (trang 218)
Chuyện Dĩ Vãng (trg 174-180) nói về số quan chức địa phương thời phong kiến mua chức mua quyền, ngu dốt, nịnh trên nạt dưới mà cậy quyền sách nhiễu nhân dân. “Trong làng không biết ông nào hơn ông nào, Chánh Hai chê ông Hương Quản chỉ là chức mua ra làng đứng xớ rớ, đâu dám ngồi chiếu. Mấy cụ tiên chỉ ho một tiếng là dạ như hát bội.” Ngòi bút NC nhẹ nhàng lướt đi, không lên án, Không phán xét gay gắt, nhưng người đọc nhận ra thực trạng xã hội bất công thời bấy giờ. Một số quan chức địa phương mua bằng, chạy chức, bất tài thời nào cũng có, không riêng gì thời xưa. Các chức sắc họp hành:“Nội dung họp chung quy cũng là trật tự trị an, thuế điền, thuế thân Không nghe nói gì về dân sinh, dân quyền, quy kết những người theo phong trào Cần Vương. Nhưng không phải người dân không biết và thế là một tiếng nói cất lên từ ông Bát Nhã vốn nho nhã ít nói, bỗng dung đứng lên chỉ tay vào bọn hương chức:“Cướp đêm là giặc, cướp ngày là các ông. Dân tình khốn khổ, các ông tróc nã không còn cái khố, tiếp tay cho chúng nó gom góp tài nguyên… các ông biết không hả?”
Tình yêu thương nhà văn không chỉ dành cho con người mà cả tình yêu thiên nhiên, yêu sự vật, con vật: Truyện Em Mèo tam Thể (trg 197-201) Anh đã cứu mẹ con mèo mới sinh trong bùn đất, đem về chăm sóc cho ăn no ngủ ấm. Bên cạnh người tình, thỉnh thoảng xuất hiện làm cho cuộc đời anh thêm phần ấm áp và lãng mạn. Những lúc nàng không tới, anh có cả bầy mèo để vui đùa với chúng. Nhưng rồi mèo mẹ không biết bị ai bắt đâu mất, tìm mãi không thấy về, để lại bầy con bơ vơ kêu meo meo xót lòng. Anh hiểu nỗi buồn của mèo con như anh từng mất mẹ. Câu chuyện để lại chút tiếc nuối, nhưng cũng như cuộc đời, hạnh phúc có bao giờ trọn vẹn.
NC đề cập đến những số phận không may bị đời xô đẩy xuống đáy cùng xã hội, nhưng đời đôi khi cũng có chút công bằng khi đã cho họ một cuộc sống giàu sang hạnh phúc, nhân vật còn biết nghĩ tới những em bé khuyết tật thành lập trung tâm nuôi trẻ…Thế sự đổi dời, trung tâm tan ra ngoài ý muốn. Nhưng kết thúc truyện, vẫn gợi mở cho bạn đọc nhiều suy ngẫm. Truyện Duyên Khởi (trg 192)
Truyện Mây trắng (trg 65) cho ta cái nhìn thông cảm khi đi massage - xông hơi sau khi xoa bóp của nữ nhân viên: “Con thú trong tôi bừng lên mạnh mẽ, tôi ngửa người ôm nàng bầu ngực mơn mởn áp sát trên da thịt tôi ngây ngất nhưng nàng nhẹ nhàng trườn thoát khỏi đôi tay thô bạo và khiếm nhã của tôi”. Ngòi bút nhà văn dành ưu ái cho những người lao động loại dịch vụ nhạy cảm này. Qua đây như một lời nhắc nhở của tác giả là hãy thận trọng khi hành nghề lương thiện (nếu không muốn bán thân). Bởi trong con người sẽ tồn tại bản năng. Phần con, phần người đều song hành tồn tại, người phụ nữ yếu mềm cần cảnh giác không tạo ra cơ hội để phần con của khách nam có dịp trỗi dậy. Đó cũng là thông điệp nhân đạo của nhà văn.
Con người trong truyện cũng tồn tại với những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống rất người!
“Lần đầu tiên chạm vào da thịt tươi mát của thiếu nữ giữa mệnh mông rừng…lòng Song rung động, bản năng tính dục bừng lên mạnh mẽ. Thân hình thon gọn rắn chắc của cô gái như gắn chặt vào ngực, vào đôi tay cuồng nhiệt và ham hố của Song”. (Trg 57)
Giọng văn chân chất, bình dị rặt phong cách Nam Bộ, gần gũi với lời nói hàng ngày. Có những từ tưng tửng, hóm hỉnh, dùng ẩn dụ nên dù có miêu tả vấn đề bản năng tình dục đi nữa thì cũng nhẹ nhàng, thanh thoát.
Đặc biệt trong truyện NC có ít nhiều kiến thức địa lý, lịch sử. Các địa danh, những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử kèm theo những đặc điểm địa lý hay mốc thời gian sự kiện như Năm Căn, Quảng Ngãi, Kiếp Bạc, Quảng Ninh…và điểm dừng chân cuối cùng có lẽ là Sài Gòn.
Truyện ngắn của Nguyễn Châu phản ánh một góc nhìn chân thực về cuộc sống. Nhờ nhà văn đã đi sâu vào đời sống để thấu hiểu và cảm thông, từ cái nhìn thực tế, miêu tả số phận con người bằng tấm lòng yêu thương mới viết được một cách rất đời, rất thực như thế! Dù nhân vật nguyên mẫu ngoài đời hay có phần hư cấu cũng từ hiện thực mà đi vào trang viết. Làm cho người đọc cảm thấy nhân vật rất thật, thật như ngoài đời bởi nó sinh động và rất quen như ta đã gặp họ ở đâu rồi! Khi miêu tả nhân vật là với tư cách người ngoài cuộc, có khi anh hóa thân vào nhân vật, nhập vai một cách nhuần nhuyễn như kể chuyện mình. Qua tập truyện ngắn cho chúng ta thấy nhà văn đi ra từ phía cuộc đời chìm nổi, lên thác xuống ghềnh. Để từ đó hiện thực cuộc sống được tái hiện trên những câu chuyện. Đó là những ẩn ức, những suy nghiệm hay cảm thức thẫm mỹ của nhà văn.
Trong tác phẩm mỗi nhân vật ít nhiều có bóng dáng tác giả, ở một mặt nào đó hay mỗi nhân vật anh gửi gắm vài đặc điểm hình thức hay tính cách. Hình bóng tác giả - chủ thể sáng tạo trong tác phẩm, độc giả thấy Một Nguyễn Châu hiện ra phong trần, đi qua phù trầm dâu bể, rất bụi, rất đời mà hào sảng, lãng mạn và nhân ái, bao dung, có trách nhiệm với cuộc đời.
Cách xây dựng cốt truyện. Nhà văn tạo dựng cốt truyện nhẹ nhàng theo cách của anh, là loại truyện giàu tính trữ tình của ngòi bút nhân văn, nhân bản. Kết cấu truyện hợp lý, nhẹ nhàng, ít gay cấn hay cao trào nhưng để lại nhiều trăn trở, suy nghiệm. Nguyễn Châu không đi sâu vào các tình tiết xung đột, không có mâu thuẩn đỉnh điểm, không cần tạo ra nhiều kịch tính thắt nút… mở nút gì ráo. Anh cứ bình nhiên dẫn dắt người đọc theo dõi diễn biến câu chuyện theo chuyển biến tâm lý của nhân vật. Và dĩ nhiên tâm lý con người với đầy đủ hỉ nộ ái ố của sự đời: vui có, buồn có, lo lắng, trăn trở, sống cuộc sống đời thường trong nhiều hoàn cảnh. Hoàn cảnh biến thiên của thời cuộc, vật đổi sao dời - con người cũng trôi nổi thăng trầm nhưng có sức sống để thích nghi.
Cách tổ chức ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu, tình tiết logic, hợp với diễn biến tâm lý nhân vật.
Thông qua hệ thống ngôn từ của văn bản và thế giới hình tượng, nhà văn đã chọn và biểu đạt: Độc thoại đối thoại, nhân vật…những gì hiển hiện trên trang viết đã qua bộ óc của nhà văn, qua sự hiểu biết của nhà văn để cho nhân vật nói tiếng nói của mình, chuyển tải thông điêp và tư tưởng của nhà văn để người đọc suy ngẫm bằng trực giác và sự đồng cảm của con tim.
Cuối cùng, sau khi đọc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Châu thì tôi vẫn mạnh dạn phát biểu rằng: Đây là một tác phẩm có giá trị. Bởi vì tác phẩm đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc và tôi nhận thấy nó tiềm ẩn cái đẹp của cuộc sống trong mỗi truyện anh viết. Vậy cái đẹp là gì? Theo Sokrates (triết gia người Hi lạp cổ đại): “Cái đẹp là cái bổ ích”. Đơn giản chỉ vậy thôi mà chứa bao ý tình.
Cuối cùng với tư cách độc giả, tôi xin chân thành cảm ơn nhà văn NC. Bằng quan sát cuộc sống, quan tâm thân phận con người, trăn trở và suy nghiệm, với tất cả sự lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc để cho ra đời tập "Truyên Ngắn Chọn Lọc" để lại nhiều ấn tượng cho người đọc!
Sài Gòn ngày 01/7/2023
Hoàng Thị Bích Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...