Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

HỘI QUÁN HCQ


     Từ ngã tư Trung Chánh theo đường Nguyễn Ảnh Thủ về hướng đông nam đến hãng bia Tiger - Lê Văn Khương. Bên trái, huyện Hóc Môn. Bên phải, quận 12. Những con đường mới mở, tráng nhựa phẳng lì mang tên TCH, HT… nhìn qua cũng biết khu vực này, đang đô thị hóa.
     Cư dân dễ nhận ra nguồn gốc. Nhà hai Biên, sáu Thanh, ba Du... Cứ thấy chuồng bò sữa, cỏ Alfalfa hay còn gọi là cỏ Linh Lăng, cỏ Jumbo mọc um tùm, đích thị chính gốc lâu đời. 
     Quán lẩu dê Thiên An của Tam Ninh Bình. Vườn cây cảnh, phong lan của Du Nam Định, Tấn Thái Bình. Môi giới bán đất bán nhà của Danh Hà Nam, Đạt Thanh Hóa. Xe ca tốc hành bắc nam của Hảo Hải Dương, Hành Bắc Ninh - Quan họ, cô Ngà tảo tần đạp xe lộc cộc bán rau củ quả, quê Mê Linh - Vĩnh Phúc.
     Những quán xá buôn bán ăn sáng, ăn trưa, tạp hóa, thợ mộc, thợ nề, thợ hàn, công nhân, thầy giáo, công chức, bán vé số, sửa xe máy, photocopy in ấn, thợ may... không Quảng Nam, cũng là Quảng Ngãi.
     Thầy giáo Lê, quê gốc Quảng Nam đã nghỉ hưu, khề khà:
-         HCQ là “hiệp chủng quốc”. Nơi nào đa sắc tộc, tụ
hội nhiều vùng miền, nơi đó dễ sống, không kèn cựa hơn thua.  Tên làng nghe thân thương, gần gủi hơn tên phường, tên khu phố. Nhưng nhớ là quận ngon hơn huyện à nghen! Chỉ cách con đường Nguyễn Ảnh Thủ, giá trị đất đai một tám một mười, luật lệ cũng khác nhau. Đất thổ cư khác đất nông nghiệp. Chuyển đổi công năng cũng bở hơi tai...
     Sáng ra quán cà phê “Vị Xuyên” của Danh Hà Nam, ngồi nghe biết tỏng thời giá nhà đất, thông tin qui hoạch, thông tư, nghị định… Đạt Thanh Hóa rành giá xây dựng, nhà cửa ký gởi, mua bán, sang nhượng đất đai.
     Nhà báo Văn Cường phụ trách trang văn nghệ của tờ báo lớn. Mở ra “hội quán HCQ”, bán đồ nhậu đủ món bò tơ Củ Chi, bò nướng lá lốt... Thông lệ bất thành văn, chiều thứ bảy tụ họp không thiếu mống nào. Văn Cường ngồi ngóng, cũng dư đề tài viết bài, nhuận bút lai rai.
     Tam Ninh Bình mang đến món truyền thống “Cơm cháy-dê núi”. Danh Hà Nam góp “bánh cuốn-thịt nướng”.  
     Thầy giáo Lê gọi Tam Ninh Bình là ông “ba vua”:
-         Ninh Bình  kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt, triều
đại nhà Đinh, nhà tiền Lê. Đời nhà Lý, vua  Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, mở ra kỷ nguyên rực rỡ hơn 200 năm, quần thể di tích Tràng An  Nho Quan, Tam Điệp, Gia Viễn, sông Sào Khê, động Thiên Tôn, động Hoa Lư... đã đi vào sử sách.
    Tam Ninh Bình nghe, mà lòng tự hào dâng phơi phới. Hai tay nâng ly, mời thầy giáo Lê cạn bia tới đáy.
     Nhà báo Văn Cường quay sang chủ quán cà phê Vị Xuyên - Danh Hà Nam:
-          Đất Hà Nam sinh lắm người tài, làng Vị Xuyên -
huyện Mỹ Lộc thuộc tỉnh Nam Định là quê hương của cụ Tú Xương: “Vị Xuyên có Tú Xương/ Dở dở lại ương ương/ Cao lâu thường ăn quịt/ Thổ đĩ lại chơi lường!” (Tự Vịnh – Trần Tế Xương).
     Sông Vị là sông Vị Hoàng của Nam Định. Nói tới Nam Định là người ta thường nhắc tới Non Côi - sông Vị cũng như Núi Thuý - sông Vân của Ninh Bình,  Núi Đọi - sông Châu của Hà Nam, Núi Nùng - sông Nhị của Hà Nội, sông Hương – Núi Ngự ở Huế, Núi Ấn – sông Trà của Quảng Ngãi...
     Thi sĩ của “Non Côi - sông Vị Tú Xương, nhà ở phố Hàng Nâu đã gọi dòng sông Vị là Sông Lấp:

Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

     Nãy giờ Du Nam Định nghe như rót mật vào tai, rụt rè:
-         Bác Văn Cường gốc miền Trung, sao hiểu về quê
cháu thế. Cháu chả biết ông Tú Xương là ông nào! Cháu chỉ biết cầu… Lạc Quần. Cậu Danh Hà Nam đổi tên quán cà phê gấp, tớ có bản quyền!
     Danh Hà Nam ngẩn ngơ:
-         Tớ cũng gốc  Hà Nam Ninh mà lị!
     Sinh hoạt trong Hội quán HCQ thỉnh thoảng cao hứng, có vị ngâm thơ. Những bài thơ sục sôi lòng tự hào dân tộc, tỉ như “Nam quốc sơn hà nam đế cư…” của Lý Thường Kiệt hoặc “Bà Trưng quê ở Châu Phong hay kể chuyện về danh lam thắng cảnh, lịch sử quê hương.
     Nhưng quê hương xưa, un đúc nên bao danh tài, danh tướng. Những lưu dân đến vùng đất phương nam theo chân các bậc tiền hiền, mở mang bờ cõi.
     Ông giáo Lê mỉm cười nhìn ông Trọng Quảng Ngãi:
-         Không có nơi nào cảnh đẹp và ý nghĩa như quê ông,
 nào là: Thiên Ấn Niêm Hà, Cổ Luỹ Cô Thôn: “Mai về Cổ Lũy Cô Thôn/  Để nghe tiếng gọi oan hồn Chiêm dân/  Nhớ người vì nước quên thân/  Hai Châu Ô, Lý… Ngọc Hân thuở nào”. Long Đầu Hí Thuỷ, Thạch Bích Tà Dương, Vân Phong Túc Vũ, La Hà Thạch Trận, Hà Nhai Văn Độ, Liên Trì Dục Nguyệt, An Hải Sa Bàn, Thạch Cơ Điếu Tẩu, Thiên Bút Phê Vân, Vu Sơn Lộc Trường…

     Ông Trọng quan chức về hưu, vốn là con cháu họ Lê danh gia tại Phước Lộc (Tịnh Sơn), Sơn Tịnh. Nơi sinh ra nhà thơ đoản mệnh nổi tiếng Bích Khê (Lê Quang Lương), nhưng khi lớn lên Bích Khê về quê nội ở Thu Xà, Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Thu xà là thị trấn cũ, nổi tiếng ở Quảng Ngãi có nhiều Hoa kiều đến sinh cơ lập nghiệp.
     Nhà báo Văn Cường nhắc lại tiêu chí hội quán HCQ: “Hoà Hợp – Nhân Ái – Văn Nghệ”. Quên chiến tranh, quên hận thù. Suốt bao nhiêu năm cái nghèo, cái đói cứ đeo bám vì mãi nhớ chuyện tang thương. Đem cái căm hờn đâu đâu nhồi nhét vào tâm não, huynh đệ tương tàn, chia rẽ đến nỗi tán tận lương tâm.
     Khóm hồng tường vi, những loài hoa đặc trưng phương bắc trong vườn Du Nam Định khoe sắc, lung linh trong nắng sớm. Tiết trời đã vào thu, mùa Ngưu Lang – Chức Nữ, mưa ngâu bay lất phất, không gian dịu mát. Những người tha phương chạnh nhớ quê nhà.
     Tiếng còi xe tốc hành bắc nam của Hành Bắc Ninh lùi vào bến đỗ. Món quà quê hương của Hành, biếu hội quán HCQ là rượu làng Vân. Rượu Làng Vân là danh tửu của xứ Kinh Bắc, được nấu bằng nếp cái hoa vàng thơm ngon, với men rượu bí truyền của làng Vân Xá, xã Vân Hà,Việt Yên, Bắc Giang.
      Cổng đầu làng Vân Xá có hai câu đối:
"Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam"
("Vân hương mỹ tửu" do vua Lê Hy Tông sắc phong)
     Ba cô gái thật xinh, cúi đầu chào. Hành Bắc Ninh giới thiệu:
-         Các liền chị quan họ Tiên Du – Nam sông Cầu đây
các bác, liền anh đã có chúng em”. (Sông cầu được gọi là “dòng sông quan họ”. Bờ nam - Bắc Ninh và bờ bắc - Bắc Giang)
     Đêm trăng rằm tháng bảy, nhân mùa lễ Vu Lan cũng là ngày hội quán HCQ tổ chức đêm giao lưu văn nghệ vùng miền, cả tuần nay chị em hăng say tập dượt những làn ca, điệu múa truyền thống quê mình. Giọng hò mái nhì, mái đẩy  âm điệu ngân nga, lan toả, êm đềm của xứ Huế mộng mơ. Điệu hò Xuân Nữ, Xàng xê, cổ bản và dân ca của Bài Chòi xứ Quảng. Làn điệu Quan họ tha thiết, trữ tình, dùng dằng nửa ở nửa về của các cô gái Tiên Du – Bắc Ninh, níu chân người lãng tử tha phương.
     Hội quán HCQ nằm trên mảnh đất ruộng của hai Biên.  Trước kia, nơi này là khu tập bắn của Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Bây giờ vướng vào khu qui hoạch Công viên cây xanh. Quy hoạch treo gần hai mươi năm nay, cư dân sống trong lo âu, tạm bợ. Tổ trưởng, khu phố được điếu đóm, cho xây, cho sửa nhà. Gặp ông quản lý đô thị, cống nạp thêm lần nữa. Chẳng may đến tai ông phường, ông quận lại bị cưỡng chế, giật sập. Trắng tay, lòng uất ức nhìn đống gạch đổ nát, mái tôn méo mó rụng rời.
     Hai Biên, sáu Thanh, ba Du đất ruộng bạt ngàn, được đền bù,  ôm tiền về xây dinh thự to đùng, nhưng con cái học đòi thói ăn chơi bạt mạng. Nhà sáu Thanh tan nát, anh em tranh giành gia sản, đâm chém nhau, đứa chết đứa ở tù.
     Qui hoạch phân lô, bán nền. Khu đô thị mới lồ lộ giữa vùng ngoại ô nghèo khó. Cư dân bản địa, quen với ruộng vườn,  thất nghiệp tràn lan. “Nhàn cư vi bất thiện”, sinh ra rượu chè, bát nháo.
     Kế bên hội quán HCQ, mụ hai Thơm mở quán bia ôm, karaoke biến tướng, đèn xanh đèn đỏ lập loè. Trai gái dập dìu, mặc áo hai dây, quần ngắn củn cởn, mỏng dính. Nhìn làn da trắng bóc, nhợt nhạt có lẽ do ngày ngủ, đêm chơi…
     Nhìn sang hội quán HCQ, những ông già chìm trong suy tư, buồn bã. Tiếng nhạc chát chúa không được cách âm, dội vào màng nhĩ như tra tấn thô bạo những cư dân còn đang lam lũ, một nắng hai sương. Âm nhạc truyền thống nhường chỗ cho tiếng gào thét, mãi tận khuya lơ khuya lắc.
     Thầy giáo Lê chép miệng:
-         Sống như hai Thơm, khó để cho bà con thương!
Thời tranh ăn, tranh hơn thấm đẩm vào nếp sống. Lòng nhân ái lụi tàn, hệ quả từ đâu?
     Ngang cổng nhà hai Thơm, sừng sửng hai trụ bê-tông: “Khu phố Văn hoá” to đùng. Khi nhan nhãn khẩu hiệu “văn hoá” lên ngôi, văn hoá đích thực tiêu tùng. Quan niệm văn hoá sai lầm, hàng trăm năm không thể phục hồi.
     Thời chiến tranh, nương tựa vào dân. Đạn bom không vô tình, dân chết oan mạng. Làng xóm hiền hoà, bỗng chốc thành chỗ hỗn mang.
     Nhà báo Văn Cường ngậm ngùi bất lực. Không lẽ phản ánh mặt trái của tân kỳ, hiện đại hoá khi người ta đang xây dựng “khu đô thị mới” văn minh, lịch sự? Không chừng mất quan điểm, thì chết! Mề-đay nào không có hai mặt?

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...