Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

VĂN TẾ SỐNG LŨ THAM TÀN

Nay nghe:

1. Thảm nạn covid gây tang thương bi đát

Nguy cơ ngoại xâm cướp biển đảo biên cương

Nhân dân hùng anh đoàn kết một lòng

Quyết giữ vững non sông gấm vóc

2. Bị f0 cách ly nghiệt ngã

16+ phong tỏa tràn lan

Làm một nẽo nói một đàng

Khiến dân điêu đứng ngỡ ngàng thương thay 

3. Bọn gian thương thừa cơ đục nước

Lũ quan tham vơ vét béo cò

Dân đã nghèo nay lại thêm lo

Mũi mấy bận ngoáy đi ngoáy lại

4. Mỗi bộ test chỉ hai ba chục (*)

Lọ vaccine mười mấy đô la

Bộ đến tỉnh hô hào chống dịch

Lãi trăm lần tính gốc mà ra

Hỡi ôi !

5. Dân nghèo đói tìm đường sinh kế

Vợ theo chồng nghĩ cách mưu sinh

Thất nghiệp hết tiền không cơm cháo

Đành lui chân kiếm chút yên bình

6. Ngành y tế trên tuyến đầu chống dịch

Cả quân dân cùng cơ sở ngăn ngừa

Người chết thiêu càn không quan quách

Ông trời còn xót nỗi bi ai

Tiếc thay !

7. Mầy cứ nghĩ hy sinh đời bố

Cờ đến tay kiếm chác nuôi con

Nhân tâm giữ đạo cho tròn

Nào hay cả bọn không còn lương tri

8. Khoảng chênh lệch chúng mầy bỏ túi

Chớp thời cơ bè lũ kiếm ăn

Non sông điêu đứng vì sâu bọ

Dân chúng lầm than bởi lũ hèn

Nay cảnh tỉnh bọn bay:

9. Đánh kẻ chạy đi khoan dung hối lỗi

Tu tỉnh thân tâm quy chánh cải tà

Đem của nả vô lương bố thí

Quay đầu là bến giác vị tha

10. Học người khôn hơn làm thầy kẻ ác

Noi gương xưa chọn nhân sĩ thiện lương

"Hiền tài là nguyên khí" quê hương

"Đem hết cả sở tồn làm sở dụng"

Hỡi vong linh chết vì covid:

11. Sống khôn thác thiêng hồn đang vất vưởng

Hỏa thiêu địa táng hương linh nơi đâu

Hãy siêu thăng tịnh độ qua cầu

Sang bờ giác quên bến mê bến lú

12. Nơi trần thế ma vương quỷ ám

Cõi âm binh đột tử hồn oan

Phiêu linh mây gió về ngàn

An nhiên với cõi thiên đàng lãng du...

Ô hô ! 


NC 28.9.21 

Ảnh: Báo Thanh Niên.

(*) Mới đây trên báo chí có đăng ý kiến của ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test tức là 35.000 đồng/test. Ông cho rằng một kit test chỉ có giá 35.000 đồng tiền Việt, mà sao về đến Việt Nam giá lại lên cao đến thế? Giá ở Châu Âu cũng chỉ có 1 đô la một kit, tức chỉ khoảng 25.000 đồng tiền Việt.

Giá các đơn vị đấu thầu là 70.000 đồng một bộ và giá người xét nghiệm phải trả là từ 200.000 đến 300.000 đồng. 

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay 51.904.476 lượt người. Nếu lấy số lượt người nhân lên với số tiền chênh lệch, con số là một lợi nhuận khủng khiếp. 

Cũng có lần ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã lên tiếng hỏi sao thuốc chữa virus Vũ Hán ở Ấn bán có 17 đô la, sao về Việt Nam lại có giá gấp 10 lần.

ĐỤNG LA PHÔNG

 


Flafond tiếng Pháp là trần nhà, đụng trần nhà là hết ngoi lên được. Hồi xưa trong quân đội, cấp bậc thượng sĩ nhứt là đụng... la-phông, chờ ngày về hưu thôi. Trong đơn vị, ông thượng sĩ già có uy với đám lính đơ-zem cùi bắp, thiếu điều khạc ra lửa.

Đó là nói chức tước, nói bằng cấp, nói vai vế trong xã hội nhưng trong nhận thức về "văn hóa" có nhiều anh đụng la-phông vì ảnh nói những điều trời ơi đất hỡi dù có học hàm học vị.
Ngày xưa, thời còn nhỏ tôi đọc tác phẩm:"Tội ác và trừng phạt" của đại văn hào Nga Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky tôi chưa hiểu được nhiều, nghĩa là trí não tôi đã đụng la-phông. Mỗi lần đọc lại, nghiền ngẫm kỹ hơn, tôi lại hiểu thêm một chút. Tôi không xem đó là bài học quý giá, lại lấy ý tưởng cao siêu ngang tầm la-phông, tôi dạy đời cho con cháu.
Vậy la-phông cao không chơi với la-phông thấp. Thế nào để khỏi đụng la-phông?
(Câu cổ ngữ “Môn đang hộ đối”, hiện nay thường được phát âm là “Môn đăng hộ đối”, cho rằng trai gái đến với nhau, điều kiện kinh tế, địa vị xã hội của hai bên có tương đồng thì hôn nhân mới phù hợp, hạnh phúc. Ý nghĩa gốc của câu nói còn ẩn chứa những câu chuyện sâu xa hơn.
“Môn đang (đương)” và “Hộ đối” nghĩa là gì?
Theo Thuyết văn giải tự, chữ Môn (門) được ghép thành từ 2 chữ Hộ (戶) đối nhau. Diễn đạt theo ngữ pháp xưa “門當戶對” sẽ là “Môn đang hộ đối”, có thể hiểu một cách mộc mạc là hai bên có cân đối thì khi khép lại mới kín kẽ, mới là cái cửa. Nhưng trong thuật ngữ kiến trúc và xây dựng cổ thì “môn đang” và “hộ đối” là hai bộ phận cấu thành của một cửa lớn. Phân tích ra sẽ thấy nội dung rộng lớn hơn nữa, chứ không chỉ là sự vừa khít của hai cánh cửa.
“Môn đang” là phần bục đỡ trụ gỗ hai bên cửa nên còn thường được gọi là “môn chẩm thạch” (gối đá của cửa), “môn đôn” (đôn của cửa), “môn đài”, “môn cổ” (trống của cửa). Thời xưa, vì thấy tiếng trống vang đội uy nghiêm, như tiếng sấm sét trên Thiên đình, người dân tin rằng trống có thể tránh được ma quỷ, nên cho đặt cái môn đang.
Không phải nhà ai cũng được phép dùng môn đang, mà phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được dựng cửa hai cánh và bày nó. Quan văn thì môn đang có hình tròn, quan võ thì môn đang có dạng vuông. Nếu như “môn đang” khắc cỏ cây hoa lá thì là dinh thự của gia đình kinh doanh buôn bán. Nếu để trơn không khắc hoa lá thì là dinh thự quan lại. Nếu “môn đang” là hình linh vật tọa trên bục vuông thì là dinh thự quan văn. Quan tòng tam phẩm thì có hai môn đang, chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm được sáu, nhất phẩm được tám. Và duy chỉ cung vua mới được bày chín môn đang. Do đó, cứ đếm môn đang là biết nhà của đại quan cỡ nào, và căn cứ vào hình dạng của nó mà suy ra là quan văn hay võ...." (hết trích) - Kiên Định,
Theo Apollo
......
Xã hội ngày xưa, về văn hóa cả hình thức lẫn nội dung có thể tương đồng. Người đời nay chê "Môn đang hộ đối" của thời phong kiến quá ư lạc hậu, nhưng đâu đó vẫn tiềm ẩn quan niệm "cũ rích" trong đầu óc những kẻ trưởng giả học làm sang. Giàu có khác với giàu sang, đôi khi hết giàu mà vẫn còn phong thái đỉnh đạc không hèn, không khúm núm và dù thời cuộc đẩy đưa đến chỗ nghèo túng, nghèo túng chứ không phải nghèo hèn nhưng vẫn cứ... sang như thường.
Anh Mo ở xóm tôi, phất lên dễ sợ, phất trông thấy. Các cụ cao niên trong làng, ai mà không rành tam tứ đại nhà anh Mo, tên Mo gốc từ Mõ mà ra.
Nếu anh tịnh khẩu, nhìn bề ngoài đố ai dám khinh thường, nhưng đám quan chức lại xun xoe, lấy lòng: "Một anh hai Mo, hai anh hai Mo, ba anh... hai Mo".
Anh hai Mo thậm ghét chuyện văn chương, thơ phú vớ vẩn, vì ai nói ra đề tài này, ảnh chẳng hiểu gì ngoài chuyện khoe của và sự "quan hệ" thân thiết với ông to bà lớn khắp nơi.
Vậy, dứt khoát về văn hóa, anh Mo đụng "la-phông", đúng đứt đuôi con nòng nọc. Ngạn ngữ Anh có câu:"Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào". Dân tộc ta đâu thua kém gì khi có câu thành ngữ:"Ngưu tầm ngưu mã tầm mã" hay "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".
Lại nhớ lời đối đáp của GS Trần Văn Khê với cựu Thủy sư Đô đốc người Pháp, khi vị này phát biểu:“Thưa quý vị, tôi đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể...”.
Giáo sư Trần Văn Khê đáp:“Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, tôi là Giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO.
Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam? Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút sách… thì làm sao biết được đến văn chương?
Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập… Ông còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác...".
Lão Thủy sư đô đốc Pháp đụng "la-phông".
Biển tri thức mênh mông, càng học, càng đọc mới thấy mình dốt tệ.
Sống thọ bằng ông Bành Tổ, tôi chắc cũng còn... ngu. 

Nguyễn Châu

HOA LAN ĐẤT

 


Con tôi kể:

- Khi đám tang ba ra khỏi nhà, theo sau đoàn người tiễn đưa, lặng lẽ một chiếc xe màu đen!

Chiếc xe ấy theo sau xe tang, đến nơi ba nằm. Quay đầu, lặng lẽ rời xa. Ai vậy mẹ?

Không ai biết, nghìn thu ba đã lặng im. Lòng tôi bỗng xót thương người ấy. Người trên xe hơi màu đen ấy, người lặng lẽ ấy. Em là ai?

Em là ai tôi không hề biết, sao cùng thương một người bạc tình bạc nghĩa như anh?

Một hôm kia, con tôi phụng phịu:

- Chùm hoa lan đất bên mộ, ba thích. Mẹ thăm ba không cho con đi cùng!

Tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng giả vờ: 

- Vì con bận học!

Có một người cũng yêu anh ấy như tôi. Khi yêu là sở hữu, duy nhất,  thủy chung. Tôi có ích kỷ chăng, khi chỉ riêng tôi có quyền yêu anh?

Hoa lan đất có gì đẹp chứ? Tôi biết, nhưng chưa bao giờ quan tâm anh thích hoa gì. Người lặng lẽ ấy là ai, cũng biết anh thích hoa lan đất?

Tuần sau học về, con nhìn tôi rồi ôm cặp vào phòng, đóng cửa. Tôi biết con giận vì sáng nay bận việc đi làm sớm, không đưa con đến trường. Nhìn khe cửa, con tôi đang khóc. 

- Mẹ xin lỗi!

Con tôi gào lên: 

- Hoa lan đất! Mẹ vẫn không cho con đi cùng!

Tôi ngớ người. 


Nguyễn Châu

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...