Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

MẸ CHẾT



-         Ông có bao giờ gặp cảnh này chưa?
     Hắn là thằng lãng tử, thằng phá của. Cha hắn đã từng đay nghiến. Chưa hề trả nợ ơn nghĩa sinh thành, sách đèn dang dở, bị động viên vào lính, rồi đi biền biệt.
     Có khi:” Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất…”(Tây Tiến – Quang Dũng)
     Thằng Trung tử trận trên đèo Hải Vân, chỉ vì một viên đạn bắn sẻ “tắc cù”. Trung phải vào trường bộ binh Thủ Đức, sau khi thi hỏng tú tài.
     Cả trung đội chỉ mình Trung chết, viên đạn lẻ loi tìm người, xuyên qua vầng trán rộng rám nắng, mồ hôi đang đẩm ướt mái tóc xanh non.
     Nghe tin dữ, với 24 giờ phép hắn băng rừng, bám theo chiếc xe GMC về hậu cứ. Đến nhà, em Trung chỉ còn là di ảnh. Khói hương quyện theo làn gió phả mùi trầm u uất, nước mắt hắn ứa ra hoà lẫn mồ hôi. Hắn khóc như mưa.
     Ngày ấy, mẹ hắn đã ngất đi, tưởng chết.
……..
     Hơn nửa năm, từ ngày thôi tiếng súng. Mẹ hắn trông ngóng thằng con trai lưu linh lạc địa. Từ quê nhà nghe tin hắn bị tù, nhốt trong rừng U Minh, Năm Căn xa tít. Nghe nói hắn bị sốt rét ác tính, chết cong queo trong rừng đước xanh um, không có đất chôn.
     Ngày ấy, mẹ hắn đã ngất đi, lại tưởng chết.
……..
     Hắn đang ngồi chằm lại chiếc nôi tre “gia bảo”. Chiếc nôi từ ngày mẹ sinh thằng Trung - em út. Hắn ngẩn ngơ, không thể nào tin khi nghe mẹ mất. Mới chiều hôm qua, trước khi đưa vợ ra Đà Nẵng chờ sinh đứa con thứ, mẹ còn dấm dúi mấy chục bạc vào tay hắn. Thế mà…
     Hắn cắm cổ đạp chúi mũi chúi lái. Chiếc xe đạp không phanh, không ba-ga trơ khất. Cơn mưa đầu mùa đường bùn đất trơn tuột, đưa cả xe và hắn xuống ruộng.
     Cha hắn như mất hồn, ngồi nhìn khung cảnh trống trước trống sau. Những cây tre già nâng mái tole cũ rích, tựa vào tường gạch đổ nát nham nhở của căn nhà ngói bề thế ngày nào còn sót lại, sau những trận bom tan nát cả làng quê. 
     Những khuôn mặt đôn hậu của bà con, chòm xóm không giấu được vẻ thảng thốt, khiến lòng hắn càng tê điếng, bùi ngùi.
     Rồi hắn khóc, khóc nức khóc nở. Ruột hắn quặn đau, hắn ôm ghì lấy mẹ. Từ khi lên trung học, hắn chưa hề ôm mẹ hay được mẹ ôm. Hắn như ngây dại ngửi mùi bồ kết trên mái tóc mẹ, hắn chợt nhận ra đôi cánh tay gầy, da mẹ nhăn nheo, đôi chân mẹ còn bám đất nhão nhoẹt ngoài vườn.
     Mẹ nằm đó như ngủ. Mẹ trúng gió, mẹ chết.

“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đoá hồng
Mẹ nhớ cài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông”
(BS Đỗ Hồng Ngọc – Đỗ Nghê)

ẾCH THÁNG BA



      Chị Ếch nhảy ra khỏi hang, chớp chớp đôi mắt nhìn vầng dương chói lọi. Không lẽ “ếch nằm đáy giếng” chỉ thấy khung trời xanh trong, tròn vo xa tít trên kia, chỉ bằng miệng bát là thật?
     Cánh đồng bao la, mùa lúa tháng ba đang thì con gái mượt mà, nước mát róc rách như suối reo từ bờ ruộng cao xen qua đám cỏ ven bờ, bọt nước trắng xoá gọi mời đàn lia thia long lanh sắc màu, cá rô bí bé tí tung tăng…

     Nhớ hồi đầu mùa mưa, vào nửa đêm trăng sáng, chị Ếch đã cho ra đời từng cái trứng kết dính liền nhau, như cầu mong ngày sau chúng chớ chia lìa. Anh Ếch lo lắng nhìn bụng no tròn, đang quặn thắt và ôm chị vào lòng, từng dòng tinh khiết phun trào vào bọc trứng tươi non, tạo lớp màng nhày ôm ấp, không lũ cướp nào có thể xâm phạm đến đàn con thân yêu.
     Chiếc bọc bám vào gốc lúa, những sinh linh bé bỏng được chở che bởi chiếc áo trong suốt, long lanh dưới ánh mặt trời.
     Thằng rắn nước trườn quanh co dưới đám ruộng nước đã hâm hấp nóng, chiếc lưỡi tàn độc theo ánh mắt điêu ngoa loè ra thèm thuồng vì đói. Bỗng hắn dừng lại, ngẩng cao đầu lủi nhanh vào bờ ruộng rậm cỏ xanh um. Chị diều hâu đã nhìn thấy hắn.
     Anh lia thia cong mình, xoè đuôi đỏ tía pha vàng lượn lờ bên cô nàng mặc áo sọc xanh non đọt chuối, vây màu ngũ sắc. Hai chiếc râu dài lượn lờ điệu nghệ, như hai thanh kiếm bạc của các chàng hiệp sĩ thời ngự lâm quân.

     Lũ người bao đời nay tham lam và tàn nhẫn, mưu tìm của ngon vật lạ: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”. Sự kết luận có thật hay không, đã giết chết gia đình chị ếch.
     Lưới càn khôn mênh mông mà bao dung, đất trời lồng lộng  nhưng tha thiết, lưới của con người vô ảnh, vô minh.

     Ngày xưa mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nhưng không có màng thương yêu bảo bọc đàn con như anh chị ếch, nên đã chia lìa, dù ai kia từng thề non hẹn biển.
     Anh chị ếch bị đập đầu, lột da. Dù hai tay đã van xin,  gọi với Trời xanh.

     Đã qua rồi mùa xuân, ruộng đồng chỉ còn gốc rạ. Những nhánh lúa rài khẳng khiu, ngơ ngác dưới ánh nắng tháng Tư gay gắt. Đàn nòng nọc tan tác, trôi giạt về những vũng nước đục ngầu còn sót lại, đang khô dần teo tóp phơi bụng trắng hếu dù đuôi chưa rụng, mong được làm ếch như cha mẹ chúng.

HỘI NGỘ



     Nguyễn Trãi nhìn Lục Đầu Giang (Sông Phù Lan) mênh mông sóng nước. Nơi hội tụ của sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Môn, sông Thái Bình. Dòng chính của hệ thống sông Lục Đầu Giang chảy qua Hải Dương, rồi đổ ra biển Đông tại cửa Thái Bình. Hệ thống sông Hồng – Thái Bình và Lục Đầu Giang tạo ra đồng bằng Bắc bộ màu mỡ phù sa.
     Nguyễn Trãi trầm ngâm nhìn dòng sông uốn lượn như tấm lụa màu ngọc bích êm đềm, nhưng sự hợp lưu tạo ra dòng xoáy kinh hoàng ở đáy sông như trong lòng Nguyễn Trãi, đang ngổn ngang trăm mối. Những lời đường mật của quan nhà Minh - Trương Phụ văng vẳng bên tai. Đông Quan trời mây u ám, nỗi lòng riêng, chung ngậm ngùi trong dạ khôn khuây:

Góc thành Nam lều một gian
No nước uống thiếu cơm ăn
Con đòi trốn dường ai quyến
Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian
(Thủ vĩ ngâm – Nguyễn Trãi)

     Mười năm phiêu bạt cùng trời cuối bể, cảm thương thân phận kẻ hàn sĩ  yêu quê hương thiết tha mà thẹn với tiền nhân. Có mắt như mù, nhìn lũ quân Minh tham tàn mà đành bất lực. Ai cùng ta cạn chén tri âm, sẻ chia nỗi niềm vong quốc. Lòng Nguyễn Trãi nhân nghĩa ngời ngời, căm thù tận gốc rễ tổ tông nhà Minh. Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương xưa ở Hào Châu thuộc đất Ngô. Phải bình tận gốc gác, giống nòi của họ Chu – Thái tổ nhà Minh. Khi giành được ngôi báu, Chu Nguyên Chương ra tay giết sạch các bậc khai quốc công thần đã từng nằm ngai nếm mật với mình, thì chúng thương xót gì con dân Đại Việt?
     Nhớ hôm nào theo cha – Hàn lâm học sĩ, Tư nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Phi Khanh đến tận ải Nam Quan, lời cha dặn dò “hãy quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc đền ơn nước, trả thù nhà mới tròn đạo hiếu”. Nguyễn Trãi về Côn Sơn viếng mộ ông ngoại Trần Nguyên Đán, lòng ngổn ngang trăm mối. Hàng thông vi vu trong gió, tán vải thiều già nua xum xuê chùm quả lệ-chi đã lên màu hồng phai mùa chín tới.
     Chùa Côn Sơn hay Thiên Phước Tự (Trời ban cho phước lành) dưới chân núi Côn Sơn (còn gọi núi Kỳ Lân hay núi Hun, nơi đã xảy ra trận hoả công khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn “mười hai sứ quân”), Chùa thờ  Điều Ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Đền Kiếp Bạc nằm dưới thung lũng trù phú, xanh ngát màu lúa đang thì con gái, được bao bọc bởi dãy núi Rồng. Nơi đây gần trăm năm trước, là nơi đóng quân và phủ đệ của Đức Trần Hưng Đạo, người anh hùng dân tộc đã đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông. Người đã ở và Người đã lại về an giấc ngàn thu giữa ngàn thông reo,  trong Đền Kiếp Bạc.
     Ngọn đèn dầu lạc ngả nghiêng theo làn gió mát lạnh từ Lục Đầu Giang, Nguyễn Trãi phất đôi tay áo, kính cẩn đưa mắt nhìn ngọn núi kỳ Lân rồi quỳ xuống hướng về kinh đô Thăng Long đang chìm đắm dưới gót giày quân xâm lược nhà Minh. Nhắp chén trà xanh, dòng chữ “Bình Ngô sách” như rồng bay phượng múa, hiện ra theo đầu ngọn bút lông, những nét vút sắc bén tựa mũi giáo…
     Nguyễn Trãi muốn thiên hạ thấy rằng: Đại đạo – Đạo lý lớn nhất của ông cha ta: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
     Những tư tưởng chính trị, quân sự, quan điểm đạo đức, triết học và nhân nghĩa đã tuôn trào trên trang giấy hồng điều. Khơi ngọn đèn đã sắp tàn, tiếng trống cầm canh nghe đều đều buồn não ruột. Vừng hồng nhô lên dần từ phương Đông, Thăng Long thành sẽ bừng sáng xoá tan màn đêm u ám.
     Dòng sông Mã gầm gừ băng qua Mường Lát xuôi về Bá Thước, Vĩnh Lộc (Thanh Hoá).

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến – Quang Dũng)
     Bị quân Minh vây đánh, quân Lam sơn khốn đốn phải chạy về Chí Linh. Lê Lai theo gương Kỷ Tín nhà Tây Hán  đóng giả Lê Lợi. Lê Lai bị quân Minh giải về Đông Quan và bị giết. Sau này khi Lê Lợi đánh tan quân Minh và lên ngôi, vua Lê Thái Tổ dặn dò con cháu hãy nhớ ngày giỗ Lê Lai: “Hăm mốt Lê Lai – hăm hai Lê Lợi”.

     Rừng Lam Sơn mịt mờ trong sương, rét tàn đông lạnh buốt thấm sâu vào lòng nghĩa quân Lam Sơn,  kèm theo cái đói.
     Sông Mã – Lỗi Giang uốn lượn giữa núi Hàm Rồng và núi Châu Phong đổ ra cửa biển Lạch Hới. Nguyễn Trãi chuyền tay nải, xăm xăm bước vào láng trung quân dâng cho Lê Lợi “Bình Ngô sách”, trong đó vạch ra ba kế đánh quân Minh, chủ yếu là tam công, đánh vào lòng người để đi đến chiến thắng. Nguyễn Trãi được Lê Lợi phong chức Tuyên phong đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân. (Toàn Việt thi lục – Lê Quý Đôn)

     Tia nắng chiều hiếm hoi bừng sáng cả góc rừng, chim bay về từng đàn ríu rít hoan ca như chào mừng ngày hội. Hội thề Lũng Nhai đã diễn ra tại làng Lũng Mi, miền núi Thường Xuân, Thanh Hoá.
     Nguyễn Trãi nhìn theo những chiếc lá rụng trôi theo dòng suối về xuôi. Lịch sử sẽ sang trang, “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”…

SỐNG



-         Ông sống bằng gì?
-         Bằng nghề viết sách, nghề của tôi tự thân mà có,
là tinh tuý là hương hoa.  Là “nhất tiễn song điêu” (Một mũi tên trúng hai đích) là “bách niên thụ nhân”(Trăm năm trồng người) là thiên chức khai tâm cho những kẻ “Tỉnh đễ chi oa” (Ếch ngồi đáy giếng) “Tác oai tác quái”, “Khẩu Phật tâm xà” hướng thiện. Rút ruột thành tơ trời, điểm nhãn cho  con chữ rồi buông.
     Lão Nhân nói một hơi, tưởng chừng như không còn cơ hội để giãi bày. Mà giãi bày làm gì chứ? Lão nhân đã từng thấy cái hoạ trong chữ nghĩa. Thầy Đặng Quang Liễn bị khó dễ vì viết câu đối Tết:

“Hoan Diễn hào hùng nghìn Tết trước
Hồng Lam ấm áp vạn xuân sau”.

     Hoan là Châu Hoan ngày xưa, nay là Hà Tĩnh. Diễn là Châu Diễn ngày xưa, nay là Nghệ An. Nhưng người ta bắt bẻ rằng: Trước thì hào hùng, sau ấm áp, còn hiện tại chẳng có gì, phải chăng thầy Liễn muốn phủ định hiện tại?
     Án “Văn tự” hay “Văn tự ngục” trải dài từ thơ văn, tư liệu. Nạn nhân chủ yếu là văn nhân, thi sĩ.
     “Cuối đời nhà Minh có Tướng quốc Chu Quốc Chinh dày công biên soạn bộ sử về Minh triều, nhưng chưa hoàn chỉnh ông đã mất. Do giang sơn đổi chủ, gia cảnh túng bẩn nên Chu gia bán bộ bản thảo cho Trang Duẩn Thanh. Nghe danh bộ bản thảo của Chu Quốc Chính đã lâu, Trang Đình Long - con trai Trang Duẩn Thanh, mời nhiều nho sĩ đất Giang Nam tu chỉnh, bổ sung thêm những sự kiện liên quan đến Sùng Trinh (vị vua cuối cung nhà Minh) và cho ra đời bộ sách: “Minh sử kỷ lược” do Trang Đình Long đứng tên tác giả.
     Tuy nhiên, hành động này lại bị chính quyền Mãn Thanh xem như một động thái công kích triều đình. Sách chưa xuất bản, Trương Đình Long đã qua đời, nhưng triều đình vẫn quật mộ, đốt thi hài ông để trừng phạt và toàn bộ con cháu Trang gia bị giải về kinh, xử trảm hoặc lưu đày.
     Trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, cách xử lý “Văn tự ngục” dưới thời nhà Thanh đã đạt tới “đỉnh cao” tàn khốc. Điều này giúp củng cố nền chính trị độc tài, nhưng lại tạo thành cục diện chính trị, tư tưởng hết sức bức bí, gò bó. Sản sinh ra mâu thuẫn xã hội, tâm lý bất mãn triều đình. Thanh triều lụn bại cũng bắt nguồn từ nguyên nhân ấy.
     Cổ nhân vô cùng coi trọng cách dùng từ ngữ. Không phải tất cả chuyện xưa đều có thể lấy tên “diễn nghĩa”: “Phong thần diễn nghĩa”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tuỳ đường diễn nghĩa”, “Thất hiệp ngũ nghĩa” được gọi là “diễn nghĩa”. Bởi vì, chỉ có vì thiện mà chinh chiến, thảo phạt mới có tên là “nghĩa”. Nghĩa là loại thể hiện của thiên đạo, nên từ xưa đến nay con người luôn tin tưởng vững chắc rằng: Chính nghĩa sẽ chiến tháng tà ác, bảo vệ chính nghĩa là trách nhiệm của mỗi con người.
-         Ông đã làm gì để bảo vệ thiên lương?
     Lão Nhân nhìn quanh, lập lờ tránh né. Trên không thấy Trời, đất không Thổ địa. Hồn ma bóng quế dập dìu cùng đi trẩy hội, Không biết ông bà Táo đã về chưa, mà bếp lửa quạnh hiu.

DIỆP BẤT LY CHI HOA VÔ LẠC ĐỊA



     Đã chiều 30, chợ sắp tàn. Chị Dung gom dần lại hàng hoá của mình, chuẩn bị đóng cửa tiệm. Bỗng người khách lạ bước vào nhìn quanh, người đàn ông trạc năm mươi, áo quần tơi tả ra dáng phong trần, nhưng khuôn mặt thanh tú và nhất là đôi mắt cương nghị, ẩn chứa một tâm hồn đáng tin cậy.
     Chị chợt nhớ đến anh Trang – chồng chị đang ngồi co ro đâu đó với những chậu hoa cúc Vạn Thọ, không biết có bán được hết hay như năm ngoái, gần giao thừa ì ạch kéo xe bò về cùng với loài cây thuỷ chung son sắc, luôn nhớ cội nguồn: “Diệp bất ly chi – Hoa vô lạc địa”. Dù khô héo nhưng lá không lìa cành, hoa không chạm đất.
-         Chị có nhang hương trầm không tăm?
-         Dạ, chỉ có nhang trầm nụ.
     Nhang trầm hương không tăm toả ra mùi thơm của hương trầm, không lẫn với bất cứ mùi nào.
     Người đàn ông phân vân, nắng chiều cũng đồng loã với năm sắp tàn, làn gió bất chợt mơn man mái tóc bềnh bồng. Ánh mắt anh đăm chiêu, hình như nhớ về thời xa vắng.
……
     Trong một lần cùng phu “ngậm ngãi tìm trầm” miền ngược. Vùng rừng già Ngọc Linh âm u, nắng cũng đành chịu không thể xen qua kẽ lá, chiếc ba lô vướng víu bởi những dây leo hoang, gai mọc đầy cành. Con đường mòn dần thu hẹp lại, thời chiến tranh có lẽ đã in dấu bao bước chân người. Đàn khỉ gọi nhau chí choé, chuyền cành như trêu ngươi. Ánh lân tinh ma trơi, loé lên những chiếc đầu lâu trắng đục. Đám phu hoảng hốt thối lui, anh quỳ xuống bên nghĩa địa lộ thiên, lòng bồi hồi khó tả.
     Chiếc vòng bạc xạm màu, đôi mắt kính pilot, chiếc túi màu cam loang lổ vết đạn, áo phao, gương báo hiệu, súng bắn pháo hiệu…
     Anh thừ người, hình ảnh đồng đội cùng những chuyến bay đêm, chiếc áo bay màu cam sáng bừng lên dưới ánh đèn phi đạo. Anh dùng dao đi rừng moi tìm chung quanh, không tìm thấy chiếc thẻ bài.
     Ánh nắng hình ống sáng hiếm hoi, xuyên qua tàn lá bên kia suối. Những đốt xương ống dài khẳng khiu nhô lên bên những viên đá cụi bám đầy rêu. Cũng những chiếc đầu lâu  hai hốc mắt tối om nhìn về nơi đâu không rõ trong mịt mù rừng già. Đôi dép cao-su không chịu mục nát  theo thời gian, như cứ gợi mong muốn tìm về cố hương xa vời.
…….
     Chị Dung nhìn quanh, còn gì buồn hơn trong cảnh chợ chiều, nhất là chiều 30 Tết. Chị nhìn theo người đàn ông dắt theo chiếc xe đạp cũ mèm, hình như đang tìm hương trầm không tăm. Không tăm hơi biết đâu mà tìm?
     Anh Trang trông theo đoàn người nam thanh, nữ tú. Họ chỉ thích những loài hoa đắt tiền, hoa hướng dương xoè sắc vàng bắt mắt hay hoa trạng nguyên cầu danh cầu lộc. Những chiếc xe hơi bóng loáng dừng lại bên kia đường, những chậu mai vươn lên đủ thế rực rỡ vàng ươm. Chỉ những người lam lũ như vợ chồng anh, mới để mắt đến những loài hoa rẽ tiền: Hoa Cúc Vạn Thọ, loài hoa “Diệp bất ly chi – Hoa vô lạc địa”.

NGƯU ĐẦU MÃ DIỆN



     “Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ” (Kiều)
     Bọn quan nha sai phái đám đầu trâu mặt ngựa, giữa thanh thiên bạch nhật hè nhau kéo sập nhà Hai Đẩu, cướp sạch sành sanh:

“Đồ tế nhuyễn của riêng tây
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” (Kiều)

    Vì thằng “bán tơ” gieo hoạ.
    Con gái nhà hai Đẩu quá xinh quá đẹp nên rước hoạ. Thằng Thành làm ma cô dắt gái, bảo kê nhưng trọng nghĩa khí giang hồ. Vì yêu con Hương, bị hai Đẩu tẩn cho một trận môi vêu, trán sứt nhưng không hề oán trách. Thằng Thành “ngưu tầm ngưu” với nhiều sai nha nhưng không cứu nỗi nhà hai Đẩu.
     Hai Đẩu làm thầu khoán, vợ đi buôn đường dài từ Trung vào Nam ra Bắc. Thằng “bán tơ” bị tra tấn, bức cung khai nhà hai Đẩu chứa hàng lậu. 
     Bọn quan nha cả quyết: “Không đi buôn lậu là gì? Có khi heroin không chừng. Hơn nữa, chây ì ngoan cố không chấp hành giải toả để giao mặt bằng làm đền thờ Cụ Cố!”
     Thằng “bán tơ” cũng bị oan khuất, còn lạ gì bọn sai nha tâng công, cách gì cũng được, dùng phương tiện gì cũng được, miễn sao đạt được mục đích của quan nha.
     Chỉ cần có vậy, thằng “bán tơ” chỉ là thằng ẩn danh, kẻ cùng đinh trong xã hội nhiễu nhương, nên cụ Nguyễn Du không cần cho tên họ và Kiều cũng không thèm truy cứu trả thù.
     Thằng sai nha tỏ lòng thiên lương, gạ gẫm:

“Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay
Tính bài lót đó luồn đây
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” (Kiều)

     Con Hương ban đầu uất ức định xỉ vả thằng sai nha, nhưng nghĩ đến cảnh nhà mình, thương cha thương mẹ thương em mà nước mắt cứ ứa ra cam chịu.
     Chị hai Đẩu cầu trời khấn Phật nhưng Phật chẳng có gì cho, trời cao xa tít. Chị gọi thằng Thành cùng đi với chị, vác đơn cứu xét xin gặp quan nha. Quan nha đùn lên đẩy xuống như thuỷ triều, gia cảnh đã tan tác trời mây lại tốn thêm nhiều độ nhậu. Trong men nồng rượu ngoại V.S.O.P. (very superior old pale) khiến lòng quan nha rạo rực, rượu ủ càng lâu càng đậm đà phiêu lãng như người thiếu phụ  đang thì xuân sắc, mờ ảo liêu trai trước mặt. Quan nha tỏ  ra ân cần mà lả lơi, người đàn bà chịu đựng cầu thân, cầu bình an gia đạo.
     Cơn hứng tình khiến quan nha độ lượng, tỏ ý khoan dung cứu xét. Khi bình minh đang lên, tia nắng vàng ấm áp len qua cửa sổ, quan nha giật mình nhìn thân hình lồ lộ, gợi cảm chìm trong giấc ngủ đầy mộng mị, thỉnh thoảng đôi mắt người đàn bà nhíu lại trong nỗi buồn ai oán.

     Hương ngơ ngác nhìn đống gạch đổ nát, những tấm tole méo mó cong veo, những trang sách giáo khoa phơi ra dưới ánh nắng rực lửa, thỉnh thoảng cơn gió lật sang trang mở ra những dòng chữ học làm người, nhạt nhoà lấm lem màu hoàng thổ.
     Thằng Thành trừng mắt lên uất ức, khi con Hương bước lên chiếc xe màu đen sang trọng.

“Hỏi tên rằng “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang” (Kiều)

     Trả lại nỗi bất lực, đau xót cho thằng Thành bằng tiếng depart động cơ êm ru, toả ra làn khói trắng phất phơ trong gió.

NƠ LỤA MÀU HOÀNG YẾN



-         A! Tui nhớ ông rồi.
    Có phải là Nàng? Hai mươi năm trước tôi yêu Nàng, trống trường vang lên đột ngột giờ ra chơi, không rộn rã trong buồng tim bằng khi tôi đối diện với Nàng.
     Nàng không đẹp, nhưng thần thái của Nàng lôi cuốn tôi kỳ lạ, đến say mê.
     Mùa đông năm ấy, nước sông theo thuỷ triều duyềnh lên mặt lộ, Nàng sợ. Tôi dìu Nàng băng qua con đường nham nhở đầy ổ gà, cày xới bởi những đoàn xe nhà binh ra mặt trận. Trời rét buốt hơn mọi năm, nhưng lòng tôi thật ấm. Nàng trượt chân, tôi bế Nàng trên tay băng qua vũng nước đầy lá tre khô rụng, như những chiếc thuyền nan. Sự hoảng hốt khiến da mặt Nàng tái đi, nhưng tôi hân hoan  nghe nhịp đập rộn rã của trái tim Nàng.
     Có lẽ e thẹn, nàng quay ngoắt không một lời tạm biệt. Nhà Nàng bên kia, qua cánh đồng vàng ươm màu lúa chín, hàng tre xanh ngắt che khuất những ngôi nhà mái ngói đã rêu phong, tôi chưa một lần dám đặt chân đến nhà Nàng.
     Ông nội nàng đồng môn với ông tôi, từng là môn sinh của  cụ Cử Mạnh. Tết Nguyên Tiêu là Tết Thượng Nguyên hay Tết Trạng nguyên các cụ đối ẩm, tôi theo hầu. Ngày xưa, đây là dịp vua mời các quan Trạng vào vườn Thượng Uyển để ban yến, thưởng trăng, ngắm hoa và làm thơ, “Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt”.
     Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ của Phật giáo: “Lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng giêng”. Vì ngày rằm tháng Giêng cũng là ngày vía của Phật tổ A-Di-Đà.
     Nàng theo ông nội sang nhà tôi, mái tóc chẻ đôi buộc đuôi gà bởi hai chiếc nơ lụa màu hoàng yến. Nàng vô tư nhìn tôi không nói năng gì, nhưng tôi đã để ý đến Nàng từ dạo ấy, dù tôi chỉ mới mười hai cùng tuổi với Nàng.
     Nhưng với tôi, nàng vẫn mãi là cô bé “mái tóc chẻ đôi buộc đuôi gà, thắt nơ màu hoàng yến”. Những đề tài trong tranh của tôi là “Nàng”, tôi dùng bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm mẫu, nhưng tô màu hoàng yến lên tà áo lụa và khuôn mặt của… Nàng.
     Tôi sống như kẻ mộng du dù cả ban ngày, nghề hội hoạ giúp tôi thăng hoa trong vai trò tạo hoá, hằng trăm bức tranh về “Nàng” lăn lóc khắp nơi, dưới gầm giường, trong tủ, trên tường, cả trong valy trên bước đường lãng du…
     Hai mươi năm sau, một lần tình cờ gặp lại. Nàng đi bên chồng và hai con trai kháu khỉnh, niềm hạnh phúc viên mãn bộc lộ từ ánh mắt, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt thanh tú và dáng điệu đài các của mệnh phụ. Tôi ngờ ngợ không phải là Nàng, từ giọng nói đến nhân dáng hoàn toàn khác lạ. Tôi  đâm ra nghi ngờ có sự mạo nhận kỳ khôi người tôi đã tôn thờ. Tôi hét lên:
-         Gian trá!”
     Tôi khẳng định: Không phải là Nàng, không ai có thể thay thế Nàng từ thẳm sâu ký ức của tôi. Nàng mãi mãi vẫn là “mái tóc chẻ đôi buộc đuôi gà, bởi hai chiếc nơ lụa màu hoàng yến”.

Ô-RÔ CÓC-KÈN



-         Mầy rảnh ghé thăm anh ba Nguyên, nghe nói ảnh
yếu lắm rồi. Tuổi tám mươi tính bằng giờ thôi, nhanh lên kẻo muộn!
     Tôi thẩn thờ, mới hôm nào anh Ba điện thoại:”Thu xếp về chơi, đẹp nhất chiều thứ bảy. Có mấy tay chú biết đó, nhớ nghe!”. Tôi: Dạ, nhưng…
     Chữ “nhưng” khiến tôi không còn cơ hội để nghe anh ba kể chuyện ô rô, cóc kèn. Ổ rô mọc bãi nước lợ, cửa sông. Anh ba Nguyên thọ đến bây giờ, nhờ gội đầu bằng lá Ô-rô nên tóc còn đen mượt. Một lần anh ba đi tát đìa, bị rắn cạp nong to bằng cổ tay, khoang màu vàng đen óng ả, độc không thua gì rắn hổ mang cắn trúng bắp chân tưởng tiêu đời, nhưng nhờ lá Ô-rô giã ra đắp lên vết thương mới qua khỏi:
-         Loại cây tưởng chừng mọc hoang, nhưng trị bệnh
 thiệt hay nghe chú em! Thân cây sắc uống trị bệnh đường ruột, đái buốt, đái dắt. Hạt  Ô-rô trị giun mới hay, nhất là con nít bụng ỏng bụng eo xanh xao, gầy guộc.
     Còn cây Cóc-kèn ở rừng ngập mặn trị sưng, bong gân. Giã dập lá, ép lấy nước trị kiết lỵ mãn tính hay lá cóc kèn xay nhuyễn đổ xuống ao, đìa bắt cá, bắt tôm thì thôi rồi. Cá  nổi lững lờ trên mặt nước như say rượu, tha hồ vợt gom vô bao mang về. Nhưng nước ao, đìa sau đó trở lại trong sạch nhờ chất độc của cây lá cóc kèn phân huỷ rất nhanh.

     Nhưng anh ba Nguyên nói Ô-rô, Cóc-kèn là nói chuyện khác.
     Năm đó, ở cửa sông có đám người bí ẩn, ban ngày không thấy tăm hơi, nhưng ban đêm nhất là những đêm trăng hạ huyền, những tiếng huỵch đụi rõ mồn một như họ đang đấu võ. Những bụi Cóc-kèn trong rừng ngập mặn như những đoàn quân đang lom khom tiến dần về bãi cửa sông.     
     Ánh sáng lân tinh phát quang, khi những con sóng lao xao từ ngoài khơi lùa vào bãi cạn. Có lúc đám Cóc-kèn vươn lên đầu ngọn sóng, chấp chới.
     Tiếng tù và sắc, gọn. Tất cả đứng như trời trồng rồi đồng loạt quỳ xuống, hai tay vòng lên trán cung nghinh vị thần mặc áo dài đen, thắt dải lụa vàng ngang bụng phất phơ trong gió. Không biết ông đến từ đâu, có lẽ nào Long Vương giáng thế?
     Khi mắt đã quen với bóng đêm, vị thần hiển linh là cô gái đẹp như Tiên sa, thiên kiều bá mị. Đôi mắt rực sáng sao sa, ra dấu cho lũ bộ hạ bình thân.
     Anh ba Nguyên nhớ lại “Kho tàng truyện cổ tích” của Nguyễn Đổng Chi: “Cao Biền dậy non - Tản đậu thành binh” (Rấm đậu thành binh). Sau khi đọc thần chú, mỗi hạt đậu biến thành một người lính, nhưng lính Cao Biền chưa đủ ngày tháng, còn non nên đi đứng run lẩy bẩy, lăn đùng ra chết.
     Nhưng đây lại không, vị nữ thần dang hai tay như đôi cánh phượng hoàng, bỗng tất cả rừng Cóc-kèn chuyển mình vươn lên thành những chiến binh hàng hàng, lớp lớp oai hùng. Tiếng va chạm của binh khí và tiếng hô “Nưgar”(Quê hương/Quốc gia – Tiếng Chăm) trầm hùng vang dậy một góc trời.
     Từ ven bãi cửa sông, những cây Ô-rô cũng đã biến thành đoàn hùng binh, nhất tề đứng dậy. Những chiếc lá xẻ trở  thành mũi giáo nhọn hoắt, ngời ngời dưới ánh trăng hình lưỡi liềm, mờ mịt trong mây.

     Từ trước đến nay: Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã tàn sát và đẩy dân Chiêm Thành về mãi tận phương Nam, thành người vong quốc. Thành Đồ Bàn đã thành phế tích vang vọng tiếng than van, từng mảnh “vàng Hời” trong lòng đất đêm đêm loé lên những tia sáng mỏng manh, nhớ về thời hoàng kim xưa, một thời lẫy lừng của đế chế Chăm-pa.
     Trước thế kỷ thứ VII, vương quốc Lâm Ấp đã xây tháp Ân giáo và dựng bia tiếng Phạn. Các tên  khác của Chiêm Thành quốc như Lâm Ấp quốc, Hoàn Vương quốc. Năm 865, một phần đất Đồng Nai và lãnh thổ đông-bắc Angkor (cao nguyên Rattanakiri và Mondolkiri) dưới quyền kiểm soát của Chiêm Thành.
     Từ thế kỷ XV, triều đại Vijaya dần suy tàn bởi quân xâm lược nhà Minh, Đại Việt (Trần) và Đại Ngu (Hồ).
     Những chiến thuyền băng băng lướt sóng, mặt biển bừng lên những con sóng hung hãn, tung bọt trắng xoá như giao long giận dữ, đang tiến vào bờ. Nữ thần cất tiếng cười vang lanh lảnh và lạnh lùng như tiếng xé vải, tiếng thép chạm nhau.
     Những chiến binh đầu vấn khăn trắng theo lối chữ nhân, thêu hoa văn màu bạc, quấn thả ra hai bên mang tai. Mặc áo màu lá, cánh xếp chéo và thắt lưng trắng bên hông. Quần váy xếp màu da cây Ô-rô, Cóc-kèn khiến những mũi giáo và gươm sắc sáng loá dưới nền trời trong xanh màu biển. Riêng nữ thần uy nghi và kiêu dũng, tua lụa vàng tung bay theo gió. Tiếng hô “Nưgar” như sấm rền vang….
     Anh ba Nguyên dẫn lời cụ Phan Bội Châu khi viết “Việt Nam vong quốc sử”:

  “Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không
 có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước!
    Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao
 phen lệ  cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi chữ
nào. Nay nhân Ẩm Băng Thất (Lương Khải Siêu, 1873-
1929) nói:”Than ôi! Tôi với ông thật là đồng bệnh.
Những việc tàn ác của người Pháp thi hành ở Việt Nam,
 cả thế giới chưa ai biết đến. Ông hãy nói cho tôi rõ, tôi
 sẽ vì ông mà truyền bá, may ra có thể kêu gọi được dư
 luận của thế giới”… Tôi nghe nói lấy làm cảm động,
 gạt nước mắt mà viết cuốn: Việt Nam vong quốc sử
 này.”
……
     Bãi cát trắng mờ ven cửa sông lặng ngắt, rừng Ô-rô và Cóc-kèn trên bãi, trong đầm biến mất, sóng biển lùa vào như kẻ thù xoá tan dấu vết. Đàn chim sâu tan tác, nhìn về tổ ấm trong bụi Ô-rô, Cóc-kèn ngơ ngác kêu than.

ĐÔI MẮT



     Cha mẹ sinh ra tôi, nhưng các bậc sinh thành có khi không hiểu hết tâm tính con gái mình. Tôi ra đời ở thị trấn nhỏ, nửa quê nửa tỉnh. Mẹ nói quê tôi thật thanh bình từ ngày tôi ra đời đến tuổi lên năm, khói lửa chiến tranh lớn dần lên theo sự trưởng thành của tôi, ngày càng khốc liệt.
     Thị trấn V.Đ. thân yêu của tôi nằm trên QL.1, có bốn ngả đường: Vào Nam ra Bắc xuống biển lên rừng. Theo hướng Đông xuôi về Hội An, cửa Đại. Hướng Tây ngậm ngải tìm trầm, rừng quế bạt ngàn, trường sơn lộng gió.
     Cha nói con gái đằng mình hiền ngoan mà đáo để, tính khí cương cường như đàn ông xứ Quảng. Nên thường khuyên nhủ tôi: “Cơm sôi bớt lửa”.
     Năm mười hai tuổi, tôi đã biết điệu đà, má hồng lên e thẹn với đám con trai cùng lứa. Nhưng trong mắt tôi, chúng nó như  những đứa em, kể cả lớn hơn tôi vài tuổi, tôi cũng gọi bằng thằng.
     Một ngày đoàn xe nhà binh chạy rầm rập qua thị trấn, mang theo những khuôn mặt đen sạm bụi đường. Nhìn thoáng qua, ai cũng giống như ai. Một đôi mắt trên xe jeep xen giữa lại khác, lạ lắm, cứ mãi ám ảnh tôi sau buổi tan trường. Đêm về tôi nghệch ngoạc vẽ trên giấy cả đoàn xe nhà binh với con mắt ấy. Tôi tô đậm tròng đen với con ngươi sáng quắc. Cây bút chì theo tôi vào giấc ngủ.
     Trong đêm, một quả đạn pháo, có lẽ bay vòng qua nhà tôi rơi vào chi khu. Mẹ đem ổ gà đang ấp xuống hầm, tiếng túc túc túc nghe đồng âm với tiếng súng tắc-cù đâu đó.
     Anh hơn tôi mười tuổi, quen với thầy dạy toán của tôi. Tôi rắn mắt nhìn anh không chớp, đôi mắt ấy đã vào tôi trong chiêm bao.
     Hai bông mai đen trên ve áo trận không làm tôi ngạc nhiên, tôi hình dung tôi là người em gái nhỏ bé trong bài thơ  Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, nhưng tôi không có “hai người anh đi bộ đội”. Tôi là con gái lớn nhất của ba mẹ tôi.
      Anh nhìn tôi không nói gì, tôi cũng không nói gì. Rồi anh bắt tay thầy tôi quay ngoắt, tôi nghe như con tim rưng rưng…
     Mẹ nói, nhìn bên ngoài tôi như vô tâm nhưng nghịch ngầm và đa cảm. Hình như tôi làm bộ vô tình như lớp áo, nhưng ẩn chứa tâm hồn muốn nổi loạn trong tôi?
     Chưa xong đệ Tứ (lớp 9), tôi đã thất tình. Anh đi biền biệt, tôi cũng chẳng biết tên anh.
     Không có mùa xuân nào đẹp trong tôi. Thị trấn quê tôi như co quắp lại, mẹ cấm tôi đi chơi xa. Sân trường thỉnh thoảng tập trung nhiều người lính dáng vẻ suy tư đạn dược đầy mình, miệt mài lau chùi những khẩu súng pha màu thép lạnh lùng.

     Tôi đăm đăm dõi mắt tìm anh. Ai biết anh ở đơn vị nào, lính gì mà tìm? Tôi chỉ nhớ anh vì đôi mắt ấy…
     Thầy gọi tôi lên bảng, chứng minh hai tam giác đồng dạng. Sự đồng dạng trong tôi chỉ còn là những hình ảnh người lính, họ giống nhau từ màu áo treilli, đôi giày cao cổ lấm bùn đen và nón sắt, cả cây súng nữa. Họ ngoài kia, những đôi mắt u uẩn nhìn trời mây như vô hồn, có khi:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
….
(Mật khu Lê Hồng Phong – Nguyễn Bắc Sơn)

      Thị trấn V.Đ. của tôi ngập tràn sắc lính và mùi thuốc súng, những chiếc xe bọc thép gầm gừ xích sắt vẽ thành hình  tròn méo mó trên con đường nhựa nham nhở trước cổng trường. Chiếc áo dài trắng không còn trắng nữa, tôi dừng lại giữa cầu nhìn dòng nước đục ngầu. Sông Vĩnh Điện  tách dòng Thu Bồn chảy băng qua Tứ Câu, nhập với  sông Hàn, nhưng lòng tôi chơi vơi không xuôi không ngược. Đôi mắt những người lính nhìn tôi, con bé gầy gò mái tóc mới chấm ngang vai, nhưng đã mang trong lòng nỗi ưu tư thời thế. Thị trấn tôi không gái điếm, không có chốn ăn chơi, chỉ có những xác người thỉnh thoảng bị trói ké, úp mặt trôi theo dòng sông ra biển.

     Một ngày ba tôi bị băm nát khuôn mặt, mẹ chỉ nhận dạng bằng nốt ruồi đen thầm kín. Đến khi chết, ba cũng không dành đôi mắt cho tôi. Tôi tưởng tượng trong hai lỗ  sâu trống hốc, đôi mắt dịu hiền của ba tôi đang nhìn đâu đó, có khi nhìn lên trái hoả châu trên kia đang lung linh và toả ra vệt khói trắng đục mù sương, tiễn đưa những linh hồn trần thế về cõi vô cùng.
     Mùa xuân lại về, thị trấn quê tôi đã vươn mình thành thị xã. Nét phồn hoa đô thị đã xoá mất dấu chân tôi, tôi lạc lõng giữa bao người son trẻ. Tôi đứng nhìn dòng sông lửng lờ trôi, nhưng không còn xanh mát thuở nào. Những con đò ngang xuôi ngược, đưa tôi về bãi dâu xanh ngút ngàn Gò Nổi đã chìm sâu vào lòng tôi thăm thẳm. Tơ lụa Duy Xuyên óng ánh nắng chiều phai,  mênh mông tình người đã bay theo gió bụi.

      Nhưng đôi mắt ấy đã theo tôi gần suốt cuộc đời. Tôi vẫn không biết tên họ của Người.

LY TÁN



     Tiếng chuông chùa Viên Giác sáng nay nghe thanh âm thật lạ, tiếng ngân như nghẹn nửa chừng. Mặt trời chưa nhô lên khỏi rừng bạch đàn, chỉ ửng sáng những chòm mây vàng nhạt lững lờ bay trong biến đổi diệu kỳ, le lói tia nắng rực rỡ xuyên qua tàn lá của bình minh.
     Thầy Hương chờ hồi chuông đổ dồn như mọi lần, nhưng lặng lẽ thinh không, cây lá trong vườn không lay động, đàn cò trắng như tan vào trong mây, vỗ cánh hướng vể nơi xa tít…
     Tất cả như ngưng đọng trong thời khắc lạ lùng.
     Tiếng còi xe cứu thương bỗng khuấy động không gian tĩnh lặng, Thầy Hương chợt nhớ về những người bạn rất cũ, dĩ vãng vàng son của một thời trai trẻ, những kỷ niệm gắn chặt vào nhau khó thể xa lìa. Vậy mà càng già càng khó tính hay giận trách, thậm chí ganh tị trong lối sống lẫn phong cách của nhau. Hay từng sở thích, chiêm nghiệm cuộc đời và quan niệm sống của mỗi người nay đã đổi thay?
     Nhưng tình văn nghệ  lại khác, tình thiêng liêng không biên giới, không tuổi tác, “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” nhưng đã thành tri kỷ.
     Tư duy vị kỷ không biết tự lúc nào, đã bào mòn lòng nhân ái, dửng dưng như cỏ cây chỉ cần chút nước chút phân, để bảo tồn sự sống. Ý nghĩ đầu tiên trong sinh hoạt đời thường: “Ta nhận được gì?” đã ngự trị, ăn sâu vào tâm thức, khi từng hành động vang lên như chuông ngân của chùa Viên Giác, mang danh nghĩa phúc lợi cho người.
     Thầy Hương nhìn đám lục bình trôi dật dờ trên dòng kênh trước ngõ, váng nước ánh lên băng hoại của môi trường sống. Những chiếc lá không còn xanh, màu vàng loang lổ nâu đen dội ngược về hướng mặt trời van xin niềm vui sống. Không lẽ chuyện ngày xưa “quýt Giang Nam, Giang Bắc” là đây?
     Lòng người đã đổi thay chăng? Có còn giữ lại khí tiết hay buông xuôi theo dòng nước như đám lục bình kia? Sự e dè nghi kỵ hoá thành phản trắc, vô ơn. Nhân tâm đã ly tán trong lòng những người bạn cũ? Hay chính Thầy đã không còn là mình?
     Những chiếc bong bóng từ đáy kênh trồi dần lên mặt nước, vỡ ra mang theo mùi hôi thối. Đàn cá di cư dần ra cửa sông, dòng nước lợ đã khiến những chiếc vây, vi mềm mại thành dao nhọn hầu chống chọi với phong ba. Bỗng một chiều chúng không còn nhận ra mình đã từng tung tăng trong giòng sông trong vắt ngày nào.

     Thầy Hương cảm thấy thương xót những người bạn rất cũ, Thầy cảm thấu nỗi lòng của đám lục bình lềnh bềnh trên dòng kênh đục ngầu dơ bẩn kia và những con cá đã thích nghi với môi trường không ra mặn, ngọt.
     Sự đố kỵ, ý thức hệ và cực đoan phải chăng đã tách rời những người bạn rất cũ của Thầy? Tính dân tộc và tình yêu tổ quốc chỉ còn là khái niệm xa hoa, mơ hồ. Những khái niệm “nhục quốc thể”, “công xúc tu sỉ”(Indecent Exposure) đã không còn tồn tại trong ý thức của những người cầm cân nẩy mực.
     Nguồn gốc Nho giáo đã phai mờ trong chính gia đình Thầy hay Thầy không thể chống chọi được ảnh hưởng của sự suy đồi trong môi trường đang sống?
     Sách Đại học viết:” Muốn trị quốc tốt phải chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình. Người trong gia đình, gia tộc mình mà không giáo dục được thì sao có thể giáo dục được người khác… Một nhà thực hiện nhân ái có thể dấy lên cả nước một phong trào nhân ái. Một nhà thực hiện khiêm nhường có thể dấy lên cả nước một phong tục khiêm nhường. Còn nếu một người tham lam tàn bạo, tất dấy lên cả nước phạm thượng, làm loạn…

     Vậy mà những suy tư của Thầy như giọt nước mát trong vắt  nhưng đã tan loãng theo dòng nước đen ngòm.
     Thầy Hương mong những dòng sông quê hương không còn nhiễm mặn, con kênh hôi thối kia đã xanh lên màu nước yên bình. Khi triều lên, đàn cá tung tăng bơi về tận nguồn suối ngọt.
     Ngoài kia, tíêng pháo đì đùng của nhà ai đang sum vầy trong đêm giao thừa rộn rã. Có phải Thầy đang mơ?

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...