Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

MẸ TÔI

     Tôi không tưởng tượng được đó là mẹ tôi. Ba  tôi đang ở đây, trên bàn thờ. Mẹ tôi ngoài chợ với cá mắm, dưa hành và hầm bà lằng hương vị, người không ưa phải bịt mũi.
     Cả đời mẹ lam lũ vì mấy chị em tôi. Từ năm lên mười tôi đã lê lết ngoài chợ cùng mẹ, ba tôi chạy xích lô máy. Chiếc xích lô cũng là “Mobile-home” của gia đình tôi. Cuối tuần, ba gom hết mấy mẹ con đưa đi “picnic” chỗ này chỗ nọ. Lúc lên vườn cây trái Lái Thiêu, khi vào sở thú, Tao Đàn hay về quê ngoại Gò Công, Tiền Giang.
     Quê ngoại tôi là vùng đất thiêng, nơi Từ Dụ hoàng thái hậu (Nghi Thiên Chương Hoàng hậu) ra đời. Bà là chính thất Quý phi của vua Thiệu Trị, thân mẫu vua Tự Đức. Bà Từ Dụ nổi tiếng về đức hạnh, biết yêu quý thần dân và giỏi dạy con.
     Có khi mẹ tôi là hậu duệ của bà, nên dù học hành chẳng đến đâu nhưng gia đình tôi nề nếp, các em chăm ngoan. Tôi là chị lớn, chưa hề khóc vì nghịch ngợm của các em tôi. Ba mẹ chỉ hành nghề lao động bình thường, nhưng chị em tôi được học hành tử tế, tôi không hề mặc cảm với bạn bè ở trường hay ra chợ.
     Vậy mà bà ấy theo mẹ về nhà, tự xưng là mẹ ruột của tôi! Bà ở đâu khi tôi chập chững và lớn lên từng ngày trong căn nhà đơn sơ nhưng ấm tình của ba mẹ đã nuôi tôi khôn lớn?
     Mẹ thắp hương lên bàn thờ ba, lâm râm khấn vái điều gì đó, mẹ khóc. Mẹ khóc nhớ ba tôi hay khóc vì gặp cảnh trớ trêu này?
     Tôi dững dưng nhìn người đàn bà lạ mặt, người ta nói nếu có tình máu mủ, lòng sẽ rung lên, mắt sẽ rưng rưng, tim sẽ thổn thức. Nhưng tịnh không, lòng tôi lạnh ngắt, mắt tôi ráo hoảnh, tim tôi đập bình thường…
     Tôi đã mười bảy tuổi đời, tôi không dũng mãnh để bẻ gảy sừng trâu, nhưng tôi là lao động chính từ ngày ba mất, sau đó mẹ bị tật nguyền vì tai nạn giao thông.
     Chiếc cyclo máy là bảo vật, là người bạn thuỷ chung của gia đình tôi, như con chó Kiki. Nó đã cùng ba tôi rong ruổi vạn nẽo đường, từ con hẻm nhỏ đô thành Saigon ra xa lộ, đến tận quê ngoại xa xôi. Nhưng đành bán đi để có tiền cho chị em tôi ăn học.
     Người đàn bà ấy là chị ruột mẹ tôi. Mười mấy năm nay không hề lai vãng. Bà ấy đã có một gia đình sung túc, bà ấy đã sống trong nhung lụa, bà ấy đã lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ. Vậy mà thình lình tìm đến căn nhà nghèo nàn của mẹ con tôi.
     Nhìn hai người, tôi thương xót mẹ tôi quá chừng, mẹ tôi  gầy guộc bên cạnh người đàn bà quý phái và nung núc mỡ. Bà ra vẻ sụt sùi lấy khăn chặm mắt, nhìn tôi:
-         Thật lòng con không biết mẹ là mẹ ruột của con?
-         Chị Hai đừng hỏi. Mẹ ôm chầm lấy tôi như sợ mất, trả lời.
     Tôi chợt nghĩ và niềm căm hận không biết từ đâu bỗng ùa về, tôi định hét lên:“Bà đã giàu có mà còn tham lam định cướp con người ta!”. Nhưng nhìn mẹ đang thổn thức, tôi im bặt.
     Đường bê tông trước nhà hắt lên cái nóng ngột ngạt của buổi trưa chớm hè, tôi đạp xe đến trường đón cu Sâm, thằng em út được sinh ra sau ngày ba mất được bốn chín ngày, lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Mẹ đã đón nhận nuôi khi tôi chưa tròn một tuổi, để bà đi theo ngã rẽ đời mình. Vậy ba tôi là ai?
     Giáng sinh năm 1986, mùa biển phương Nam sóng yên  gió lặng, người đàn ông một thời yêu đương, một thời hoa mộng của bà đã ra đi, để lại cho bà chiếc mầm khốn khổ là tôi.
     Bà theo người tình mới về miền nào đó xa xôi, mẹ tôi nói giọng và tính cách của bà ấy đã khác xưa. Nét dịu hiền, đa cảm hình như biến mất sau ánh mắt quắt lên, khi không vừa ý điều gì. Bà đã được đổi đời, đổi cả nhân tính, vô cảm và vô ơn.
     Nếu bà ấy thật là mẹ đẻ và cật ruột của mẹ tôi, sẽ không đay nghiến khi lòng mẹ tôi đang đớn đau, khốn khổ. Bà hăm he có đủ quyền lực, thậm chí đòi xét nghiệm ADN  chỉ để giành lại những gì không thuộc về bà.

     Tôi đã trưởng thành và có quyền lựa chọn. Có thể thân xác  này do bà ấy sinh ra, nhưng ba mẹ nuôi dạy tôi từ ngày còn đỏ hỏn, dù thanh bần nhưng ba mẹ đã cho chị em tôi quá đủ đầy. Có thể tôi như cây cỏ không tên họ, lắt lây sống nhờ mưa nắng của trời, tôi không thể được như em bé Stiêng đen đúa kia, ngủ bình yên trên lưng mẹ, dù sống nhờ lòng bố thí.
     Tôi oán hận bà ấy chăng? Nhìn dáng vẻ tôi cứng cỏi, nhưng đêm về lặng lẽ khóc thầm. Tôi ham học và sắp thi tốt nghiệp,  nhưng con chữ cứ nhảy múa rong chơi, không chịu vào tâm não.
     Tôi bước vào cổng trường với tâm trạng mộng du, tôi khoanh tròn chữ “nhân bản” trong đề thi. Nhân phẩm và tự do của mỗi con người quanh tôi có đưa tính nhân bản của xã hôi ngày càng phát triển hay lụi tàn? Chịu ảnh hưởng của giáo dục, nhân văn đi sâu vào văn hoá, còn bản chất của “nhân bản” lại chịu nhiều ảnh hưởng từ cộng đồng và xã hội.
     Tôi trả lại tờ giấy trắng cho thầy giám thị. Tôi thi hỏng.
     Lại xuất hiện người đàn ông bên cạnh người đàn bà.   
     Khi chạm mặt, ánh mắt của người đàn ông khiến lòng tôi xốn xang. Sự lịch thiệp và nụ cười của ông, tôi không diễn tả được nhưng ấm áp lòng mình. Trái ngược hẳn thái độ trịch thượng của người đàn bà.
     Lời xin lỗi mang theo hơi hướm ăn năn có chạnh lòng người mẹ tội nghiệp của tôi? Tôi đã đọc đâu đó lời của nhà phân tâm học Sigmund Freud: “Mặc cảm Oedipus, đứa trẻ chưa trưởng thành, thể hiện sự quý mến người sinh thành thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét với người cùng giới”. Nhưng tôi đã mười tám tuổi.
     Trong tôi đã hình thành một thế giới quan lạ lùng. Mẹ tôi và hai người kia, mỗi người là một hành tinh. Mẹ tôi hiền như trái đất, dù dẫm đạp bao lần vẫn bao dung, vẫn mang niềm vui sống cho đời. Người đàn bà kia, như sao chổi lượn lờ, mang theo bao điều hắc ám, muốn đâm sầm phá nát cuộc sống an bình của mẹ con tôi. Người đàn ông như vầng trăng lúc ẩn lúc hiện, rải ánh lụa vàng khắp nhân gian, chở che và chạy vòng quanh.

     Đêm đã thật khuya, nhớ lại lời phân trần của người đàn ông và đề nghị bảo lãnh đưa tôi sang Mỹ, khiến lòng tôi bâng khuâng. Tôi quay sang bắt gặp ánh mắt của Mẹ, như gà mẹ khi gặp diều hâu và im lặng.
     Tiếng dép lệch xệch kéo lê của Mẹ từ ngày bị tai nạn tôi đã quen tai, nhưng đêm nay thanh âm nghe chừng như thổn thức, nghèn nghẹn. Mẹ nằm xuống bên tôi, choàng cánh tay khẳng khiu ôm tôi vào lòng, bầu ngực no tròn chứa chan dòng sữa cho chị em tôi ngày nào, đã lép kẹp.
-         Mẹ nghĩ kỹ rồi, em Sâm đã lớn lo cho mẹ được, con nên nghe lời ba con. Ông ấy chỉ lo lắng cho tương lai của con thôi. Còn chị Hai, dù sao con cũng là núm ruột của chị ấy, mẹ giúp chị ấy nuôi con đến tuổi trưởng thành…
     Những giọt nước mắt của Mẹ rơi vào khoé môi tôi mặn chát, tôi khóc oà ôm siết Mẹ vào lòng. Nhìn lên trần nhà, mờ mờ sau màn sương của nước mắt, tôi bắt gặp đôi mắt của bà ấy, đôi mắt của hổ mẹ lạc bầy con, lòng tôi bỗng  dưng tràn ngập nỗi xót xa…

     Tôi quyết định sang Mỹ, có thể tôi muốn trốn chạy nghịch cảnh đời mình, nhưng điều tôi ý thức nhất không phải vì tương lai của tôi mà vì Mẹ và cu Sâm.

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

ÔNG BỐ - BÀ CHIỂU

    Chị Ba xếp gọn mấy bó rau, gánh ra chợ. Rau muống xanh um nhưng cộng gầy guộc, nhìn không bắt mắt.
     Ruộng rau trước nhà chị nay đã bạc màu, ngày anh Ba còn sống, cả chị, rau và đàn con cũng tươi tốt theo anh.
     Thằng Đặng chở bao phân NPK về đến sân, xô ngã cả xe. Hắn bực mình, nhăn nhó với mẹ:”- Má coi nhà ông Rân kìa, cứ nhớt thải pha nước rửa chén trộn thuốc trừ sâu đổ tràn, vậy mà rau muống cộng nào cộng nấy mập ù, xanh mướt. Có tốn tiền mua phân như mẹ đâu?”.
     Chị Ba thở dài, nhìn con rồi nhỏ nhẹ:”- Mình trồng mình không dám ăn, bán cho ai hở con? Thất đức lắm”.    
     Thằng Đặng nhìn bộ áo quần cũ rích của mẹ, mắt rơm rớm. Gian trá lại mau giàu, ngay thẳng như mẹ lại đói.
     Nhưng rau muống nhà chị dù không “mập ú” như của người ta nhưng dòn, cắt không đủ bán. Quán lẩu vịt nấu chao nhà tám Dụng bao tiêu “sản phẩm”. Ăn lẩu này chỉ dùng rau muống. Thịt vịt chặt miếng cỡ ba ngón tay, ướp chao đỏ với gừng, cho vào chảo dầu đang sôi với khoai môn sọ, thịt vừa săn thêm nước và gia vị. Khi vừa chín tới vớt thịt, khoai ra. Nước dùng cho lẩu, nước thấm vào cộng rau đậm đà, ăn ngậm mà nghe. Nhưng anh em thằng Đặng chưa bao giờ biết món lẩu vịt nấu chao là gì.
     Anh Ba bị đâm chết vì ra tay nghĩa hiệp. “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, thời Lục Vân Tiên “kiến ngãi bất vi vô dũng dã” còn có người tiếp tay dẹp bọn lâu la. Anh Ba cô thế chết gục bởi lưỡi dao oan nghiệt cùng với những đôi mắt vô cảm, vô hồn. Người dân lành chỉ biết cô đơn tự vệ, có khi bị no đòn, tan trận cướp bóc mới xuất hiện ông cò, ông hương quản.
     Mẹ con chị Ba đành nín nhịn. Nếu anh Ba có súng, chưa chắc anh Ba đã chết. Thằng Đặng thề sẽ trả thù, phải gì như bên Mỹ, hắn sẽ mua khẩu súng. Nghe qua tưởng như xã hội Mỹ loạn lắm, nhưng nhờ vậy mà lũ khốn nạn dè chừng, biết lễ độ, nhân phẩm được tôn trọng. Giáo dục góp công vũ khí góp của, bọn đầu trộm đuôi cướp không dám manh động. Thời nay, đất nước ngàn năm văn hiến phải tự cứu lấy mình.
     Đêm nằm nhớ chồng, chị rơi nước mắt. Trăng đêm nay lung linh huyền ảo, tuổi thơ chị gắn liền với mảnh đất này.
Vùng Bình Mỹ - Củ Chi kênh rạch ngang dọc, những bến đò ngang, cây cầu đơn sơ lắc lẻo. Con đường đất đỏ băng qua phà Rạch Tra, cầu Chu Cua, Ông Huyện, Mười Lến, Bình Thuận, Thi Đua, Bà Đội, Cây Điệp… phà Phú Cường, đến Thủ Dầu Một – Bình Dương.
     Rừng cây mọc hoang xanh ngắt chạm ngọn, che mát con kênh sau nhà chị. Những đám bạc hà vươn cao cộng lá, hành ngò, rau thơm, rau diếp… đàn cá rô, cá lóc tung tăng yên bình, nguồn sống vô tận của gia đình chị cũng như bà con đã bao đời. Thời chiến tranh, đạn bom nổ cái “ùynh” nhưng môi sinh không nhiễm độc, bây giờ thỉnh thoảng cá tôm chết nổi lên mặt kênh trắng phớ. Đường sá rộng mở, những chiếc xuồng ngược xuôi sông nước từ Bình Mỹ về tận Mộc Hoá, Bình Dương ngược lên Trảng Bàng, xuôi về Hóc Môn, Saigon… ngày nào chỉ còn là hoài niệm. Ánh sáng đô thị mang đến lợi lộc cho loài phù du, đàn mối ăn đèn choáng ngợp rồi rẩy chết trong mê muội.
     Văn minh nửa vời như kiểu trưởng giả học làm sang, không thấy sự kệch cởm còn vênh váo dạy đời, quên mất cội nguồn dân tộc, truyền thống đạo đức Á Đông bao đời của cha ông.
     Thằng Đặng mấy ngày nay sốt li bì, con Mỵ chống cằm,  ngồi nhìn anh mắt rưng rưng, Đặng đã uống mấy liều thuốc tây, không thấy thuyên giảm chút nào. Mỵ đứng bật dậy, le te chạy ra mảnh vườn nhỏ bên bờ kênh, quơ vội lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, lá gừng, cây cứt lợn, lá nghệ, hương nhu…
     Nồi lá xông thơm ngát, con bé mười tuổi khệ nệ bưng  lên cho anh. Nồi nhôm đã cũ sứt quai gãy ngang, hai chân em hứng trọn nồi nước đang nghi ngút khói, những chiếc lá chín sẩm màu, tung toé trên nền đất ngơ ngác nhìn em đang khóc thét lên vì bỏng.
     Chị Ba như điên như dại, cõng con trên lưng chạy ra trạm xá, thằng Đặng mặt đỏ ửng hớt ha hớt hải chạy theo sau. Cô y tá vội cho vòi nước lạnh chảy tràn lên đôi chân, rồi lấy kéo rạch dọc hai ống quần mới mua của con Mỵ. Thằng Đặng ngồi thở dốc, mắt dại đi…
      Nghe nói chuyển lên khoa bỏng của bệnh viện thành phố, chị Ba hoảng hồn. Không phải hoảng hồn vì con Mỵ phỏng nước sôi, mà hoảng vì không tiền đóng viện phí. Bà hai Căn mới đưa về nhà đó, nằm chờ chết vì không có tiền.
     Thằng Đặng mê tiếng đàn bầu của thầy Hớn Nghĩa. Tiếng đàn sao lạ quá, nghe như quặn thắt ruột gan. 
Đàn bầu ai gảy thì nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu
(Ca dao)
     Tiếng độc huyền cầm nhấn nha buông lơi, nhưng dội vào lòng thằng Đặng những nỗi buồn man mác. Thầy Hớn Nghĩa rành chuyện đời xưa, thầy kể:
     “Tên cầu toàn là “Bà”, như cầu Bà Hồng, Bà Năm ở Nhị Bình, cầu Bà Hai, Bà Hên, Bà Bếp ở Bình Mỹ. Tên Ông thì ít à nghen, chỉ có cầu ông Đành, cầu Ông Thìn ở Bình Dương và cầu Ông Bố ở Lái Thiêu. Cầu Ông Bố nằm trên hương lộ từ Lái Thiêu đi Thủ Đức, Khi chưa có cầu, rừng Cò Mi xanh um, những ông Ba Mươi (cọp) nhởn nhơ  bên  dòng suối trong xanh, róc rách. Nghĩa trang Gò Cát (nay là Bệnh Viện Quốc Tế Miền Đông) quạnh hiu…
     Ông Bố vốn là quý tử nhà Hương Chanh, giàu có bậc nhất ở Lái Thiêu, ruộng vườn bạt ngàn cây trái. Một ngày, ông Bố cưỡi ngựa ngao du sang vùng Gia Định gặp bà Chiểu. Trai tài gái sắc, mới gặp nhau đã bén duyên đời, Bà Chiểu con nhà gia thế, trâm anh nhưng đam mê thơ phú, cả hai đều yêu quê hương tha thiết và không màng danh lợi. Mê say tiếng đàn bầu, hoà cùng tiếng gọi bi thiết của chim quốc quốc kêu sương. Kiếp người là cuộc rong chơi, mộng bá đồ vương, sang giàu như phấn thổ, tựa giấc Nam Kha.
     Lời thề sắt son dành cho nhau của hai ông bà là phải làm gì để lại công ích cho đời, dù tình duyên trắc trở như Ngưu Lang – Chức Nữ hay kẻ mất người còn. Ông Bố quay về Lái Thiêu xây cây cầu cho bá tánh thuận đường xuôi ngược, Bà Chiểu dâng cúng gia sản để xây chùa, lập chợ để thiên hạ mưu sinh, hướng thiện.”

     Thằng Đặng lắng nghe say mê, tự dặn lòng mình dù nghèo cũng sống sao cho phải đạo làm người. Hắn đâu biết thầy Hớn Nghĩa “phịa” ra để dạy đời và an ủi hắn. Thật ra, theo nhà văn Sơn Nam, tên Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ nơi vùng đất linh thiêng…

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...