Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

MẶC KHẢI


“Người thuỷ thủ già đã hằn tri thiên mệnh
Nếp da khô dan díu thuở đào hoa…”

     Anh đang sống với nỗi u hoài, chìm ngập trong những ngày tháng cũ. Đôi khi giật mình, anh tự hỏi: Để làm gì vậy?
     Tàu neo khơi xa, bộ đồ tím đã nhạt màu bỡi gió biển, hoà lẫn màu trùng dương bát ngát, anh cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé. Bến cảng trong kia, nơi có em. Cô bé cười tít mắt, hân hoan trong niềm vui lẫn tự hào, khi cùng anh song đôi trên những con đường rợp bóng mát, trong lòng thành phố Nha Trang.
     Ba đỉnh dãy núi Cô Tiên như dáng ngọc thanh tân của người con gái, nằm xoả tóc trãi dài xuống Bãi Tiên, theo hướng Đông Nam ra trùng khơi lộng gió.
     Quán cơm Thọ Lộc đường Công Quán, Billiard Thu Quang Trung, café 108 Độc Lập, Phương Sài, chợ Đầm dưới chân cầu Hà Ra, Cầu Xóm bóng, Hòn Chồng, tháp bà Ponagar in dấu Chiêm quốc xa vời. Đôi khi anh đưa em vào tiệm sách Kim Anh, Hoa Sen, Văn Lang, Phước Thành… mua tặng em những tập thơ nói hộ lòng anh.
     Mùa đông miền Trung buồn hiu hắt. Cây bàng trụi lá vươn những cành khẳng khiu với trời xanh, như em đang chơi vơi giữa dòng đời, đôi lúc em không còn nhận ra mình. Sóng biển tung bọt trắng xoá, mất dấu chân em trên cát. Em dừng lại nhìn đôi chân khẳng khiu của mình,  không còn cảm giác ở cả tay chân, những nốt đỏ nhạt trên da, em cào cấu nhưng không hề thấy đau, em giật mình khi lòng bàn chân co cứng, đôi mắt em ngày một mờ dần…    
     Em đi từng bước chầm chậm xuống biển, ngoài khơi xa chiếc tàu tuần dương đen thẩm, bất động. Trong mơ hồ em nghe như anh đang gọi: Hồng Nhung…
…….
     Khu vườn Dạ Ngân của hai Sơn ở Bình Mỹ chuẩn bị ngày giỗ lần thư ba mươi, kể từ ngày Hồng Nhung biệt tích. Hai Sơn cùng khoá với anh, sau bao năm lưu lạc cũng tìm được nhau. Anh rưng rưng nhìn bức di ảnh cô bé Hồng Nhung nhí nhảnh ngày nào, một cây nhang nào đó đã cháy xém vai áo trắng của em, vết đen thẩm không phai mờ dù đã cố lau chùi mặt kính. Hai Sơn định thay khung kính khác, nhưng anh ngăn lại. Có khi trong lòng Hồng Nhung ở nơi xa xôi nào đó, cũng nghĩ anh không còn hiện hữu trên cõi đời này.
     Hồng Nhung mất, tình yêu trong anh cũng chết. Hai Sơn nâng ly rượu:”- Ngầy đó tao dốt thật! Ai ngờ em tao đồng bệnh cùng Hàn Mặc Tử…”. Giọt nước mắt lăn tròn rơi xuống mặt bàn vỡ tan. Anh đắng lòng nhìn di ảnh Hồng Nhung, ngày xưa em như chim sáo, có thật lòng em vô tư lự khi đến cùng anh? Nhưng nay đôi mắt em sao u buồn vời vợi?
     Tiệm vàng K.H. của cha mẹ hai Sơn vốn nỗi tiếng ở thành phố biển Nha Trang lâu đời, qua bao vật đổi sao dời chỉ còn lại mảnh vườn Dạ Ngân, tận huyện ngoại thành Củ Chi. Hai Sơn ngậm ngùi:”- Ban đêm, khi không gian tỉnh lặng tao nghe tiếng ru hời của mẹ, tiếng ngâm thơ sang sảng của cha, tiếng cười khanh khách của em tao…”. Anh muốn quên, hai Sơn lại nhắc.
     Thuỷ triều lên, dòng sông nhỏ dập dềnh những cánh bèo trôi, nở hoa tím ngát. Chiếc xuồng máy nhà ai bắn tung con nước, tiếng vỗ bờ nghe buồn tênh.
     Soi rọi lại, anh thấy đời mình thật vô vị. Tự dưng hai thằng bạn đã qua tuổi trung niên lâu rồi mà vẫn độc thân.    
     Hai Sơn có hàm râu bá chấy mà đầu cạo trọc. Kết giao và qui tụ nhiều văn nghệ sĩ, mặc dù hai Sơn chỉ là người yêu văn nghệ. Anh lại không có duyên với đàn bà, anh đã “quán thân bất tịnh” từ ngày gặp cơ duyên theo thầy Trí Đạo. Những bóng dáng thiên kiều bá mị dưới mắt anh đều tiềm ẩn thiên la địa võng, xác thân trơ trụi nhơ nhớp, không có gì phải say mê đắm đuối.
     Tiếng kinh tụng cùng chuông mỏ vọng từ vườn Dạ Ngân đêm đêm, niềm tin yêu cuộc sống trong an bần lạc đạo, đã tạo cảm hứng trong tâm hồn đôi bạn ẩn danh. Hai Sơn ngâm nga:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đìng tiền tạc dạ nhất chi mai
(Mãn Giác Thiền Sư)


     Nhưng trong lòng anh chỉ có hình bóng Hồng Nhung.

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

ĐỒNG LIÊU

     Lão Rân xoay xoay cây bút trên những ngón tay núc ních thịt, nhìn trợ lý Tân:”- Mình thấy chuyện này sao sao ấy, cậu đã thẩm định kỹ càng chưa, có đúng nguyên tắc không đây?”. Tân nghĩ trong bụng:”Ông là xếp lớn mà còn hỏi!”. Nhưng hắn nhoẻn miệng cười, nhìn lão Rân với tia mắt trấn an lẫn xoa dịu cơn bối rối trong lão:”- Anh còn lạ gì tính em, cứ “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” mà lị. Em cân đo đong đếm, chuẩn đến từng li. Xong việc này, anh thưởng cho em đấy!”.
     Lão Rân đọc lại bản thảo, phần căn cứ các văn bản pháp qui dài sọc làm lão yên lòng. Nội dung rõ ràng, từ phân tích đến kết luận logic. Kiểu này mầy chết dí với ông rồi!
     Lão đã chỉ đạo cho trợ lý Tân thu thập chứng cứ sự bê bối của Tổng Giang. Lão làm phó gần mười năm nay, Tổng Giang cứ ngồi ì. Tổng Giang xuất thân từ ngành giáo dục, được điều động sang cơ quan của lão. Từ ngày có Tổng Giang, lão Rân như bị bịt mồm, trói tay. Những món béo bở vụt khỏi tay lão, thậm chí lễ tết cái lũ khốn nạn kia không thèm biết đến lão. Cũng do sự liêm chính của Tổng Giang mà ra.
     Ngoài mặt dạ dạ, vâng vâng nhưng trong thâm tâm lão mong Tổng Giang chết phức cho rồi. Có đêm lão nằm mơ thấy Tổng Giang bị xe ô tô đâm nát bét, nhưng cái đầu vẫn gục gặc với tia mắt nhìn lão nghiêm khắc, như rọi thấu tâm can lão. Lão hoảng hồn, mồ hôi tươm ra ướt cả gối.
     Khi lão còn làm Q.Tổng, trợ lý Tân tham mưu cho lão những mánh lới kiếm tiền ngon ơ, thầy trò tâm đầu ý hợp. Nhờ đó Tân cũng phất lên trông thấy, từ anh chàng học hành dớ dẩn không ra ngô ra khoai, nhưng cũng tốt nghiệp đại học kinh tế. Nhờ ông chú họ bên ngành kiểm sát xin vào cơ quan lão Rân, nhìn tướng mạo loắt choắt, lão đã không ưa nhưng miệng mồm hắn ngọt như mía lùi. Hắn đề nghị dự án đầu tiên thắng đậm, tiền lại quả ngọt ngào bảo đảm cho niềm tin của lão về Tân, lão kéo hắn lên làm trợ lý.
     Đùng một cái, Tổng Giang về gạt lão ra rìa, hỏi sao không uất? Lão buồn tình tổ chức những cuộc nhậu, bày mưu tính kế cùng cánh hẩu. Sự hăng hái nhiệt tình của trợ lý Tân ngày càng tàn lụi, hắn uống tì tì không đưa ra được kế sách nào kể từ ngày Tổng Giang điều chuyển hắn sang công tác khác.  
     Lão Rân khoá phòng riêng, lấy từ trong cặp đĩa DVD đưa vào laptop, tiếng lào xào chào hỏi ngoại giao vang lên trong niềm hào hứng của men rượu. Hình ảnh Tổng Giang mặt đỏ gấc cùng các quan chức thanh tra hiện ra rõ mồn một, những bóng hồng non trẻ lã lơi trong váy áo củn cởn, tiếng cụng ly vang lên trong sự hồ hởi, phấn khích. Lão Rân điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, chánh thanh tra S. nhìn Tổng Giang, giọng như chân thành, tin cậy:”- Tổng không có vấn đề gì từ ngày anh về, nhưng anh phải chấn chỉnh và đưa ra hội đồng kỷ luật những cá nhân, tập thể vi phạm trước đó, tôi nói thế thôi. Mời anh!”.

     Lão Rân nghe xong, mặt tái mét, chân tay run lẩy bẩy. Lão lấy điện thoại gọi Tân, chỉ nghe tiếng tút tút ngoài vùng phủ sóng.

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

ĐỘNG DỤC

     Tư dưng mưa dông sấm sét, tiếng đì đùng nghe rợn tai, trời này ai dám ra khỏi nhà. Hai Khôi định đi thiến mấy con chó, từ khi vợ hắn bỏ nhà theo trai, hắn đâm hận những tay trẻ trung, sung sức. Bất kỳ ai, thằng nào nhìn tướng ngon cơm là hắn muốn thiến, chung qui cũng do “lực bất tòng tâm” mà ra.
     Từ ngày bị chứng bệnh mắc dịch, thầy bà đủ trò nhưng hai Khôi dùng không thấy hiệu quả. Bạn hữu thương, nghe có phương thuốc nào hay đều hướng dẫn hắn tận tình, nhưng cơ địa mỗi người mỗi khác. Sinh, tâm lý học giúp Tây y chẩn đoán bệnh chính xác, nhưng tiếc thay những căn bệnh thuộc về cơ địa con người, Tây y chưa có thuốc chữa đặc hiệu, những bệnh thuộc cơ địa rất khó cứu chữa vì mang yếu tố di truyền. Chỉ có hai Khôi mới biết lắng nghe và hiểu rõ ràng nhất từng nhịp đập của con tim đến tiếng thở dài của của các nơ-ron thần kinh trong hắn.
     Ai chịu thấu nỗi cô đơn, tiếng kêu gào của loài mèo động dục, bi thiết quá. Hắn có là thần thánh cũng không thể hiểu. Vậy là vợ hắn đổi tánh, cáu ghét đến phát điên. Chịu đời không thấu, bỏ nghề mộc mấy đời, hắn chuyển sang  nghề thiến. Đặc biệt hắn chỉ thiến chó, heo, gà… đực.
     Nghề mộc gia truyền làng Kim Bồng của hai Khôi nổi tiếng đã được Lê Quý Đôn đề cập trong “Phủ biên tạp lục” từ thế kỷ 18, nhìn qua bên kia sông là phố cổ Hội An. Nhưng từ khi vào Saigon, nghề mộc thủ công tinh xảo chết dần vì công nghiệp hoá.
     Làm ăn thất bát, hai Khôi chuyển đủ nghề nhưng không nghề nào trụ được dài lâu. Niềm đam mê của hắn là sáng tạo, thông qua bàn tay tài hoa, từ cái cưa, bào, chàng, đục lớn bé, đã tạo ra những sản phẩm vua chúa nhà Nguyễn còn mê. Vậy mà nay hắn chuyển đam mê sang nghề hoạn!
     Không lẽ hắn bức bối căm hờn vì chuyện mình kém cạnh hơn người ta trong khoản tình dục? Thường thì sự đố kỵ, ganh ghét cũng do mình không bằng anh bằng chị, nhưng nếu hắn biết chuyển nghề sang viết văn, làm thơ thì cái đám vai u thịt bắp và bộ óc bằng hạt tiêu kia thán phục hắn biết chừng nào, có khi vợ hắn không chạy theo thằng xe ba gác.
     Nói đến thằng này là ứa máu, thương tình đồng hương hắn cho ở nhờ, mua xe ba gác cho nó chạy kiếm cơm đồng thời đi giao hàng mộc. Chị chị em em thế nào mà nó chôm luôn vợ hắn.
     Hai Khôi thở dài, có loại phụ nữ nhìn qua là kính nể, ngưỡng mộ không dám bông lơn, hó hé. Nhưng cũng có người chỉ nhìn thoáng qua là muốn ôm, muốn nựng, muốn bế lên giường. Mùa động dục đến cây cỏ, động vật còn toả mùi hương mời gọi, huống chi vợ hắn?
     Vợ chồng hai Khôi không con. Ban đầu chị Dung đi chợ, nấu cơm tháng cho thợ, hắn suốt ngày đầu tắt mặt tối. Nhưng đêm về, sau khi lai rai chút đỉnh với bạn, tắm rửa xong đã thấy vợ nằm chờ, phải nói da thịt chị Dung trắng bóc, đôi mắt lúng liếng, làn môi hé mở, hắn nổi da gà, sinh lực cuồn cuộn trào dâng. Cưng vợ, không cho làm gì. nên chị Dung cứ phây phây. Ông bà ta nói: “Nhàn cư vi bất thiện”, đám thợ mộc cởi trần bào bào đục đục hùng hục, mồ hôi tươm ra trên ngực, trên vai rám nắng đầy sinh lực của những cơ thể tràn nhựa sống.
     Ban đầu tình cờ chị Dung nhìn qua khe ván từ phòng ngủ, bỗng chị thấy rần rật cả người, má chị đỏ rựng lên nóng bỏng, chị cởi tung cúc áo. Cứ vậy mà tưởng tượng trong ú ớ ngất ngây… Chị nhìn vào gương, phản chiếu đôi mắt si dại của mình, chị đâm ra luống cuống, e thẹn.
     Càng về sau này, hai Khôi biếng nhác dần chăn gối. Chị Dung cứ chờ lúc xong việc nhà, chị vào nhà tắm đưa nhẹ vòi sen bắn những tia nước mát dịu lên cổ, lên mặt, lên ngực… Những lúc như thế này, từ trong sâu thẳm tâm hồn, chị cảm thấy có lỗi với chồng thật nhiều, những lần ân ái với hai Khôi chị lại mơ màng “đồng sàng dị mộng” cùng ai đó.
     Ngày nay thiếu gì cách triệt sản, nhưng Hai Khôi vẫn thích kiểu truyền thống, hắn treo hai chân con chó lên cột, cặp dái non đỏ hồng như khiêu khích, hắn nghiến răng rạch theo khe giữa hai tinh hoàn, hai ngón tay nặn từ từ nhô ra hòn bi nhỏ xíu, trắng chạch. Hắn nhìn chằm chằm vào đó, dùng mũi dao bén ngọt tách nhẹ tinh hoàn trong niềm cảm khoái lạ lùng, trong khi con vật gầm gừ, rồi tru lên trong tuyệt vọng.
     Lần nào cũng vậy, hắn dùng dây thép xuyên qua hai hòn dái mang về phơi khô. Xâu chuỗi ngày càng dài thêm, nhưng không có cái nào giống cái nào, có cái tóp teo như hạt nho khô, hạt mít non gặp nắng gắt.
     Có ai đó khuyên hắn ngâm rượu, uống vào sẽ cải thiện sinh lý. Mẫy lão xồn xồn đi nhậu không khoái dái dê, ngầu pín là gì? Ngầu pín là dương vật và tinh hoàn của trâu, bò, chó, dê, hải cẩu, hươu, hổ… Theo y học cổ truyền, dương vật và tinh hoàn của động vật thuộc về tạng “thận” có chức năng cường dương, sinh tuỷ, sinh xương…

     Hai Khôi không thèm, hắn chỉ muốn treo lủng lẳng trong phòng khách như một lời cảnh tỉnh, doạ dẫm, một sự trả thù hay một lời nhắn gởi đến con chim mái đã theo người tình bay xa?

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

DU CANH DU CƯ

     Chị than như dao đâm: “- Hết tiền!”. Không phải lần đầu và chưa là lần cuối. Tám Lầm rơi từ mái nhà, gãy giò trong lần leo lên lợp lại miếng tole. Hết trung tâm chỉnh hình bó bột đến rượu thuốc xoa bóp, chân hắn cứ đơ ra. Cái cần lo thì xụi lơ, chị sớm hôm chắt chiu dành tiền định nâng nền nhà. Hai năm nay, mỗi lần triều cường nước rịn vào lội tới mắt cá.
     Tám Lầm làm thợ hồ, cuối tuần được đồng nào nhậu be bét, về nhà khật khà khật khưỡng, vợ lo chăm sóc lau mặt lau mày, cháo đậu xanh giã rượu ăn được miếng nào nôn thốc nôn tháo, vậy mà chứng nào tật đó. Được cái tám Lầm hiền khô, vợ ca cẩm, giận lẫy hắn im thin thít.
      Không biết trời thương thế nào, trong lần lãnh sửa căn nhà cũ thời Pháp, tám Lầm lượm được hơn chục cây vàng, hắn đùm về đưa vợ. Đã không cám ơn của trời cho, chị còn dắt hắn đi trả lại cho người ta. Chị thắp hương lên bàn thờ, rồi khấn:”Của phi nghĩa bỏ ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ. Nam mô A Di Đà Phật!”. Tiếng chuông ngân nga như phụ hoạ tấm lòng an nhiên không màng của rơi của vợ chồng chị.
     Nhờ số vàng được trả lại ấy, ông Giáo Lân mua tàu vượt biên. Từ nước ngoài canh cánh nỗi nhớ khôn nguôi, hình ảnh đôi vợ chồng nghèo nhưng thật thà tám Lầm, căn nhà vách ván nhô ra dòng kinh đen ngòm ngày nào, vương vấn mãi trong lòng gia đình ông bà Giáo.
     Mong ước được một lần về thăm lại chốn xưa, con kinh Nhiêu Lộc ngày nào, những căn nhà vách ván đơn sơ mái tole hoen rỉ nhô ra ngoài, trên dòng nước đen ngòm mang theo bao nhiêu chuyện bi hài lẫn cặn bả của cuộc đời nghèo khó. Ngày ấy, dân tứ xứ tránh bom tránh đạn xô giạt về ngụ cư dọc hai bên bờ kinh, tìm kế mưu sinh. Giới thượng lưu “Hòn ngọc viễn Đông” không thể ngờ có những làng chài xác xơ, rải rác trong thành phố, gia tài là chiếc ghe chằm vá đủ thứ vật liệu trên đời, tấm lưới và con chó.
     Ông bà giáo Lân tìm lại xóm cũ người xưa, cuộc đời dâu bể biết đâu mà lần. Bờ kè và đường nhựa song hành hai bên bờ kinh Nhiêu Lộc đã xoá hẳn dấu tích một thời của Saigon. Người ta mơ một ngày rất gần, dòng kinh băng qua thành phố sẽ là dòng sông Seine lững lờ giữa kinh thành Paris hoa lệ, nhưng tầng lớp lầm than như gia đình tám Lầm thành dân Digan, du mục ngay trên đất nước mình vốn trưởng thành từ nền “văn minh lúa nước” lâu đời.
     Không còn ai lam lũ trong xóm nghèo ngày xưa để hỏi, hơn hai mươi năm đủ để sang trang một số phận, một cuộc đời. Ông giáo Lân tần ngần nhìn dãy phố sáng choang ánh đèn đường, những nhà cao tầng và hàng cây soi bóng trên mặt nước xanh loang loáng, ông xăm xăm đi về căn nhà đã cũ. Người đàn ông luống tuổi, da mốc thếch hắng giọng:
-         Ông tìm ai?
-         Cho tôi hỏi, ngày xưa…
     Chưa dứt lời, người đàn ông quay ngoắt, bỏ lại sau lưng:”Làm gì có chuyện ngày xưa…”.
     Ông giáo thở dài, bà nắm tay ông bóp mạnh. Nỗi niềm riêng biết tỏ cùng ai, bóng song đôi của hai ông bà lúc trước, lúc sau theo ánh đèn như đèn cù, xoay tròn trên vĩa hè lót gạch sạch bong, thay thế cho đám sú, vẹt ngày nào.
    Vợ chồng tám Lầm trôi giạt về miệt Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Vợ bán bún riêu, con gái nhỏ đã thành gia thất. Nghể thợ hồ vẫn suốt đời đeo bám, từ ngày gãy giò hắn thề không nhậu nhẹt, sức khoẻ phục hồi dần dà có của ăn của để.    
     Đứa con gái lớn tên Dung quen anh chàng Việt kiều David Nguyễn, nom cũng hiền lành, nghe đâu tốt nghiệp bác sĩ bên Mỹ về đây tham gia chương trình y tế thiện nguyện.
     Hôm ra mắt thiệt là vui, Dung biểu ngồi là ngồi, biểu đứng là đứng. David Nguyễn vòng tay như cậu học trò nhỏ, nói lí nhí không đầu không đuôi, tám Lầm mặc quần xà-lỏn tiếp khách. Chị Tám dẹp quán, lăng xăng chạy ra chợ mua về con vịt quay với mấy ổ bánh mì. Chị nghĩ Việt kiều không biết ăn cơm, tám Lầm đem ra chai rượu đế Gò Đen rót ra hai ly mời khách, Dung biểu hắn uống hắn mới dám.
     Tàn tiệc, David đứng dậy lễ phép:”- Con yêu Dung”. Dung và chị Tám không rượu mà má ửng hồng, tám Lầm hỏi tới:
-         Cha mẹ làm gì?
-         Dạ, retire! Dung phiên dịch là nghĩ hưu, còn trách nhẹ cha nó: “- Ba làm như công an xét hỏi”.
-         Nếu ưng, về mời cha mẹ qua đây.
     David “Dạ!” dễ thương hết sức.
     Dung thuê cho cha bộ đồ veston, đôi giày đen nhọn mỏ, chiếc cà-vạt nhờ hàng xóm thắt thít ngang họng, tám Lầm thở khò khè, luống cuống như gà mắc tóc. Chị Tám mặc chiếc áo dài tím ngát, cũng đã lâu chị không có dịp chưng diện nên hơi ngượng nghịu, nhưng trông như cô nữ sinh Đồng Khánh ngày nào. Họ chuẩn bị đón nhà trai từ Mỹ về “chạm ngõ”.
     Sau khi thưa gởi chuyện trăm năm cho con trai, nhìn cảnh nhà đơn sơ của tám Lầm, lòng ông thân sinh David Nguyễn bỗng nhiên hào hứng:
-         Thưa, gia đình anh gốc nơi nào?
     Tám Lầm ú ớ nhìn sang chị Tám. Chị rót nước mời ông bà khách, khẻ khàng thưa:
-         Từ hồi chiến tranh, gia đình cháu rời quê quán miền Trung vào Saigon lập nghiệp. Dạ, từ đó đến nay sống chỗ này mai chỗ khác, hoàn cảnh tụi cháu đâu thể lựa chọn chỗ ở cho riêng mình.
-         Sao ông bà không về quê quán?
-         Ra đi cũng mong có ngày khá hơn để về, nhưng cảnh đời tụi cháu như nước chảy bèo trôi, được chăng hay chớ!
     Ông khách đăm đăm nhìn chị Tám, khuôn mặt này nhất là giọng nói phả ra theo vành môi, mang hơi hướm thật thà, gợi lên từ ký ức cũ kỹ của ông sao quen thuộc quá!
    Tự nhiên ông bật ra: “- Tám Lầm…”
    Tám Lầm ngạc nhiên hết sức, ngồi thẳng người tò mò nhìn ông khách. Chị Tám tròn xoe mắt, không hiểu sao ba David lại gọi tên chồng mình.

    Ôi! Vợ chồng ông giáo Lân đã tìm gặp lại cố nhân.

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

TÔI LÀ AI?

 Nhiều lần không biết, tôi có phải là con người thực của tôi không? Bên nàng tôi tỏ ra mê đắm, nhưng tâm trí lại nghĩ chuyện đâu đâu. Hình ảnh ông Phan chết trần truồng dưới ao hay sực nhớ thư của Hân thông báo ngày về. Hân và nàng, ai tôi cũng nặng nợ, ai tôi cũng yêu thương, nhưng nghĩ về mỗi người mỗi khác. Tôi không giải thích được. 
     Nếu bất chợt Hân biết tôi có nàng hoặc ngược lại, tôi sẽ hiện nguyên hình yêu ma, nhưng không phải là tôi.
     Gần Noel, trời se lạnh, Saigon có mấy khi được đắp chăn bông. Chiếc áo len cổ lọ xanh lam, nàng đan tặng từ ngày mới quen tôi, được lôi ra từ đáy tủ.
     Sáng nay gió hiu hiu, mang cái rét từ phương Bắc xa xôi, theo cơn bão tan dần thành áp thấp. Nàng đi lễ sớm, tà áo dài trắng tung bay theo gió. Bài thánh ca vang lên những nốt nhạc của tình yêu, hoà quyện theo tiếng ngân nga, chuông nhà thờ giục giã.
     Nàng đứng đợi tôi bên cổng giáo đường. Mình đi lễ để tìm mắt nhau hay dâng tấm lòng ngưỡng vọng đấng Giêsu-Kitô? Lòng tôi hân hoan, má nàng hồng lên trong tia nắng đầu ngày. Tạ ơn Chúa, cuộc đời đã xô giạt con như cánh bèo giữa dòng đời nghiệt ngã, nàng đã đến mang theo thông điệp của tình yêu. Tạ ơn Ngài đã ban cho con sự bình an, Amen.
     Tôi nhìn về hướng nàng, nàng chìm khuất trong không gian huyền ảo, mái tóc buông dài, đôi mắt nhìn lên ngôi cao, thánh thiện biết chừng nào.
     Sau ngày chia đôi đất nước, gia đình nàng được đưa về trại định cư Xóm Mới, An Nhơn, Gò Vấp. Ngày ấy Xóm Mới đâu phải toàn “Bắc kỳ di cư”. Chùa Tiên Long, Thánh Thất Cao Đài, vang vọng tiếng chuông giao hoà trong ngày lễ trọng, những bác xà ích vốn gốc An Nhơn nhiều đời, vẫn đón đưa sớm tối bà con xứ đạo.
     Các xứ đạo thường có liên hệ đến nguồn gốc địa phận của giáo dân: Giáo xứ Tân Hưng (Hưng Hoá), Giáo xứ Trung Bắc, Giáo xứ Bắc Dũng (Bắc Ninh), Giáo xứ Hà Nội, Giáo xứ Hà Đông, Giáo xứ Lạng Sơn, Giáo xứ Thái Bình…
     Nề nếp gia phong của nàng, khiến tôi e dè và ngưỡng mộ. Những người di cư đã mang theo hồn phách tinh tuý, lễ giáo và văn hoá phương Đông ngàn đời theo bước chân tha hương. Tôi ngỡ ngàng khi  nàng ra dấu ngăn tôi dừng chân trước ngõ để xin phép Thầy, U cho tôi được đến thăm nhà. Cha nàng, ông Trùm Ngà được giao phó trách nhiệm trông coi giáo xứ, ông thông thuộc giáo lý, giúp Cha xứ điều hành công việc nhà thờ.
     Những ngôi nhà giống nhau, liền vách nhìn ra con đường đất chạy về hướng Hạnh Thông Tây. Nhà thờ Hạnh Thông Tây do ông Lê Phát An (1868-1946) bỏ tiền ra xây dựng. Lê Phát An là con của ông Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ) – Một trong bốn đại điền chủ nổi tiếng nhất  Nam Bộ, thời ấy:”Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”. Ông Lê Phát An là cậu ruột của hoàng hậu Nam Phương.
     Dù đã đến vài lần, tôi vẫn nhầm nhà. Sự nhầm lẫn ấy đã đưa tôi đến với Hân. Điều kỳ lạ Hân và nàng giống nhau như hai chị em, nhưng khác tính cách. Hình như Chúa đã bổ sung những gì còn thiếu cho những con chiên ngoan đạo của Ngài.
     U kể, ngày hoài thai nàng, hình ảnh Đức Mẹ đồng trinh chập chờn trong giấc ngủ, thấp thoáng bất kỳ nơi đâu trong tâm trí, ngay cả khi Thầy quở trách U siêng năng  việc đời vì sinh kế, hơn việc đạo.
     Gia đình người Hoa bên kia, với hiệu thuốc Diên An Đường, Hân thường chạy sang mua cam thảo, giọng hát của Hân cao vút, vang vọng và nổi bật trong những bài Thánh ca, đã đưa tâm hồn tôi chơi vơi. Tôi muốn làm cây thánh giá để Hân và nàng nhìn thấy nhân tính, thiên tính của Chúa Giêsu-Kitô và tình yêu của tôi bên trong đời đời.
     Mẹ bảo tôi có hai trái tim: Thiên thần và quỷ dữ. Hình ảnh nàng trong tôi là Đức Mẹ Maria với ánh mắt bao dung, dịu hiền, dìu tôi trong bóng tối. Tôi như viên thạch anh sáng ngời lòng thánh thiện. Đôi môi và đường cong thân thể Hân gợi dục, chắp cánh cho tôi thành tín đồ thuần thục của Lucifer. Tôi vò xé Hân trong tay, những lời rên rỉ trong hoan lạc như ngợi ca thiên chức làm người.
     Nàng là Đức Mẹ đồng trinh của tôi. Trong cơn bi phẩn của cuộc đời, tôi thành kính nguyện cầu được ban ơn phước, nàng thấp thoáng sau bức chân dung Người, đôi mắt bao dung trìu mến nhìn tôi. Tôi háo hức đi lễ, mẹ nghĩ tôi ngoan đạo nhờ ơn thiên triệu, tôi suýt làm chủng sinh.
     Trái phá không nổ tan tành trong tôi, nhưng tan xác nhà nàng, một đêm pháo kích. Nàng không “chết hai lần” như ca từ nhạc Trịnh Công Sơn. Nàng chết trong tôi suốt đời, trăm lần, vạn lần. Kể cả khi, tôi đang ân ái cùng Hân. Tôi yêu nàng hay yêu Hân? Nhưng Hân không thành duyên phối ngẫu cùng tôi, Hân lánh xa tôi không nói một lời.
     Một đêm kia, trăng rải vàng lối đi đầy đất đá gồ ghề dẫn đến chợ An Nhơn, thầy ba Giang lửng thửng dắt con ngựa già kéo xe thổ mộ ốm tong têu, tiếng móng sắt khô khan dội vào lòng tôi nỗi buồn vô cớ. Thầy ba Giang gốc Gò Công lên đây lập nghiệp lâu đời. Tên gọi Gò Công từ tiếng Khmer Aih Amrak (con công), khi xưa là vùng đồi núi có nhiều chim công. Nhờ địa thế hiểm yếu, sông rạch chằng chịt, rừng rậm um tùm đã trở thành chiến khu, kháng chiến chống Pháp của Trương Công Định, Thủ Khoa Huân… Ông nội của thầy từ ngày nghĩa binh thất trận, đã lưu lạc đến nơi này. Mẹ cho tôi theo học võ với thầy ba Giang, những đường quyền Lưu Thuỷ, đường cước diệu kỳ đã cứu mạng tôi trong những lần cận chiến.
     Từ ngày không còn nàng, con ác quỷ trong tôi bùng lên. Mẹ đã từng nói trong tôi hiện diện cả hai: Thiên thần và quỷ sứ là gì? Thiên lương vắng bóng mỗi ngày xa hơn, có khi mất hút trong tôi khi chứng kiến sự thô bạo của lũ ngu dốt, bạo tàn trút xuống đầu những mảnh đời khốn khổ. Tinh thần bất bạo động của Mahatma Gandhi chống lại sự đô hộ của Anh ở Ấn Độ để dành độc lập, không thuyết phục được tôi. Thầy ba Giang nhẫn nhục bao nhiêu, tôi lại càng hung hãn bấy nhiêu. Tôi không còn lý tưởng để theo đuổi, khi không còn mục tiêu con người sống trong vị kỷ và hèn mọn, tôi thành kẻ cướp.
     Tôi dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt Hân, mặc cho nàng rên rỉ trong sợ hãi. Bù lại, tôi trao hết cho Hân, cho đàn em những gì tôi có. Hân khuyên tôi hoàn lương, tôi chỉ lấy lại những gì chúng cướp của người khác, của gia đình tôi và của tôi. Sao lại hoàn lương?
     Tôi ngộ từ đâu đó: Ánh nắng và mưa rơi còn gieo mầm hung ác, lương tâm không sắc thái, không thanh điệu nên lửng lơ giữa muôn trùng thế gian hổ lốn.

Tôi là quỷ sứ hay yêu ma?

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

SẮC MÀU

      Trước nhà tôi có vườn cây cảnh, đủ loại cây…
      Cháu Viết - quê Nam Định - tha phương, lập nghiệp trên mảnh đất này. Tôi chú ý vườn ươm giống các loài hoa, cách làm đất , bón phân, che nắng, chăm sóc, nâng niu…Ôi kỳ diệu những hạt nẩy mầm, vươn lên những chiếc lá non run rẩy trong gió sớm. Tôi buồn lòng theo những cây con không may vội sớm héo tàn, do môi sinh hay hạt giống tôi không biết, nhưng chắc chắn không do Viết.
    Từ sáng tinh mơ tôi đã nghe thấy tiếng rì rào trên lá, những giọt nước li ti trong veo như màn sương bay sang hiên nhà tôi, dịu mát. Viết điều chỉnh vòi nước nặng nhẹ, lên cao, xuống thấp như nghệ sĩ.

    Saigon cuối mùa mưa, sự thay đổi lực hấp dẫn từ mặt Trăng đã tạo nên hiện tượng triều cường kèm theo mưa lớn, nước mênh mông, ngập dần những vườn ươm sắp ra hoa. Nước cứ dâng, mưa không ngớt, nước cứ dâng và mưa…
    Bên cạnh nhà tôi có hố ga to. Viết kéo ống ì ạch. Chị tổ trưởng dân phố mặc áo mưa, xuất hiện cản ngăn. Viết là dân ngụ cư, không nộp tiền làm cống. Mưa vẫn như thác đổ…Sau khi làm thủ tục đầu tiên, Viết không than trời trách đất, Viết bơm nước ngày đêm, lá hoa tơi tả. Tôi xót xa nhưng chẳng giúp được gì ! Chỉ nói vớt một câu : “Thiên tai địch hoạ” ! Sao cháu không tỏ bày ? Sực nhớ mình cũng có mồm mà như câm.
     Ôi ! Tôi thương nhà thơ Quang Dũng quá ! “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc… rải rác biên cương mồ viễn xứ…đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”…đã làm khốn khổ cho ông. Lại lan man.
    Phải tập ngay phương pháp thiền của BS Đỗ Hồng Ngọc. Để tập trung. “Thở ra biết tôi thở ra, thở vào biết tôi thở vào” không ảnh hưởng tới cái thở của ai, té ra cuối cùng ông bác sĩ lắm tài, mát tay này trong cơn thập tử nhất sinh, cũng chỉ nhờ chính mình.

    Tôi lại liên tưởng đến tập san Quán Văn – tôi tưởng tượng thế - cuộc đời cầm bút làm văn nghệ của các bậc đàn anh, sao mà nhiêu khê hay “Sinh bất phùng thời”…?
     Tôi thích tác phẩm của ai đó, nhưng có khi tôi không thích “cá tính” tác giả. Nhưng anh Nguyên Minh lại khác. Tôi chưa hề được diện kiến, nhưng…
“Sau 36 năm, giờ đây chúng tôi cùng một nhóm văn hữu sáng tác trước năm 1975, mới có cơ hội xuất bản đặc san văn học nghệ thuật QUÁN VĂN. Đặc san dự trù ra hằng tháng, số 1 phát hành ngày 15/10/2012
Chưa phải là một tờ báo định kỳ, đây là một đặc san độc lập, thuần túy văn học nghệ thuật với ý thức và trách nhiệm của những người cầm bút không phân biệt tuổi tác và ranh giới địa lý. Các bạn có thể bắt gặp nhiều thế hệ nhà văn trong một không gian rộng mở từ trong nước ra hải ngoại.
Là nhà văn chúng ta bình đẳng trước trang giấy.
QUÁN VĂN hy vọng nơi đây là mái ấm họp mặt những người viết sáng tạo, thể nghiệm nhiều hình thức và nội dung văn chương, góp phần xây dựng một nền văn học nghệ thụât Việt Nam trong viễn tượng, một nền văn chương không biên giới trong một thế giới con người càng ngày càng cần gần lại với nhau.”(1)
“…Toà soạn chỉ rộng chừng hơn 10 m2 nên về sau được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi là cái chuồng cu…”…”…Nguyên Minh muốn giữ tính độc lập nên cương quyết không nhận tài trợ của bất kỳ ai….Quán Văn là tờ báo mà năm năm qua, chẳng những không trả nhuận bút cho tác giả mà tác giả còn phải mua báo vì không có báo tặng”(Trương Văn Dân – Toà soạn Quán Văn – QV số 41)
    Nếu không có niềm đam mê dữ dội, nếu không nhìn đời bằng đôi mắt trong veo. Thuỷ chung. Nếu không thèm thuốc lào đến nỗi : “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Người đó không phải là Nguyên Minh.  
 “…Chiều hôm đó, nhà Út Lệ có thêm một giọng đàn ông ồ ề. Giọng ồ ề đó cứ mỗi ngày một to dần, cho tới tuần sau thì trở thành cái loa làm náo động hết cả xóm. Con nít rủ nhau quần tụ trước nhà Út Lệ để xem lão Ba Lò Heo say rượu.
Lão xách dao rượt Út Lệ chạy quanh giường, đe sẽ cắt cho kỳ được cái lưỡi của vợ, chỉ vì chị vừa hát ru con bằng mấy câu này: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi!…”.
Lão hét lên:
– Tao hỏi mầy, người xa người đây có phải là mầy xa nó không? Tao là chồng mầy, tao ở sờ sờ trước mắt đây mà mầy dám thở than thương tiếc thằng chồng cũ của mầy. Như vậy làm thân con đàn bà một dạ hai lòng như mầy thì thử hỏi có đáng thẻo cái lưỡi mầy đi, có đáng xả nát cái thân mầy ra không chớ?
Những tiếng sau cùng lão rít lên cùng một lúc với tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường. Lão la, lão hét thêm một hồi nữa rồi nằm vật xuống nền đất, ngáy khò khò.”(2)
     Tôi nghĩ Quán Văn ra đời cũng tái sinh tôi. Tôi được đọc những tác giả mình yêu kính, trong niềm hân hoan, cảm thụ và chia sẻ. Đến Quán văn số 20 đã lung linh những “sắc màu”, những phụ bản, những trang văn, thơ đã kèm theo dung nhan tác giả, dù màu chưa tới.
     Rồi cũng hết mùa mưa. Cây con trong vườn ươm của Viết đã cứng cáp hơn, hoa đã ra nụ, sẽ ra hoa rạng ngời sắc màu trong nắng ban mai…
“…Lịch sử rồi cũng qua
Trong buổi tiệc sum họp tại nhà từ đường. Lũ cháu nội của anh họ tôi nói thẳng thừng với chúng tôi :
-         Thế hệ chiến tranh đã qua. Hận thù là của chế độ đó. Còn bây giờ, thời bình là của chúng con. Biết yêu thương. Và, tha thứ
Tôi lặng lẽ bước ra vườn ngắt vội một nhánh hoa dại cắm lên bàn thờ tổ tiên.”

(Nguyên Minh – Nhà mình có hoa)
(2) (Chinh Ba – Bài thơ trên xương cụt)

QUI HOẠCH

     - Ông có thấy cô bé khiếm thi bán vé số ở ngã tư không?
     - Không!
     - Cô ấy bị giật tập vé số!
     Thông tin đến với tôi, như bản tin khô khan không cảm xúc. Nhưng tôi biết lòng cô ấy đang xao động. Buông lời thương xót cô bé bán vé số cũng bằng thừa, vì đôi mắt nàng long lanh giọt nước mắt.
     Tôi bực mình. Vô số cảnh đời còn khốn nạn hơn nhiều.
     - Em thấy không? Nhà mình nay mai không biết dọn đi đâu! Cả làng này quy hoạch công viên nghĩa trang. Người sống, người chết đều tái định cư. Có gì yên đâu em.
     Nàng nhìn xa vắng, bên kia con mương, nhà Hai Ân le lói ánh đèn hiu hắt. Điện cuối nguồn hết hơi, bóng đèn 60w thấy rõ sợi dây tóc vàng khè. Tháng nào cũng phải đóng tiền điện méo mặt. Ban ngày sáng trưng, ban đêm ẩn hiện như ma.
     Con Hai Ân có tài câu lươn. Mới mười tuổi đầu, đã biết pha chế món cháo lươn với mẹ, ngon hơn đặc sản Nghệ An.
     Hắn tuốt lấy thịt lươn, xương lươn luộc lấy nước để nấu cháo. Rang gạo vàng thơm. Hành băm nhỏ phi với dầu ăn, tiêu, bột ngọt, dầu điều, nước nghệ, ớt bột. Múc cháo ra bát và thêm phần thịt lươn đã xào, rắc rau răm cùng hành lá cắt nhỏ, thêm gia vị cho vừa miệng, vắt chanh, trộn đều, ăn nóng. Ai cũng khen ngon.
     - Hắn cần học hành gì? Tiền đâu cho học phí, áo quần đồng phục, quỹ này quỹ nọ. Như con mình, em thấy không? Xong đại học, trơ mỏ!
     Tôi hối hận lỡ lời. Nàng buồn xo, không tin được. Ai đời thằng không học hành gì, lại hơn thằng có học.
     - Thời bây giờ muốn yên phận và tiến thân, em phải dạy con, rành hai ngôn ngữ…
     - Ngôn ngữ gì?
     - Câm và điếc.
     Nàng giãy nảy. Khuyết tật bộ phận nào cũng đáng thương...
     - Con mình học hành giỏi giang, khôi ngô tuấn tú…
   - Nhưng chúng nó được quy hoạch nơi nghĩa trang này. Đồng ruộng lúa xanh rì, hạt gạo Chợ Đào không dành cho chúng nó. Mà dành cho con của Tư Ân.

LÃO HƠN HỚN

     Ra đường mặt lão hơn hớn. Lão chưa bao giờ gặp cái gì là khổ trong đời. Ngày còn nhỏ, cha mẹ lo cho đủ điều. Dù tỉnh lẽ, nhưng cha lão là chủ hãng xe đò chạy khắp miền Đông, miền Tây. Lớn lên có vợ, môn đăng hộ đối, con gái bá hộ, lại là con gái út trong mười một anh chị em. Ngày đám cưới, lão đang học trên Saigon. Cưới xong, lão không thèm học nữa. Vợ lão cũng được cưng chiều, nhưng từ ngày có chồng, thương chồng hơn cha mẹ ruột.
     Ông bá hộ lập gánh hát cải lương mang tên “Ban hát Bá hộ Lập” ở Gò Công, nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Tặng riêng cho con gái út làm của hồi môn, chiếc xe hơi hiệu Peugeot, nhập từ bên Pháp. Lão chỉ thua hắc, bạch công tử.
     Có lẽ lão được đẻ bọc điều, khi mới sinh ra, cha lão nhờ thầy chấm cho lá số tử vi : Sao Thái Dương chủ về đường công danh, sự nghiệp lẫy lừng, lại gặp Lộc Tồn, Thái Âm tương sinh, đóng ở cung Quan Lộc. Sao Thái Dương hội chiếu với sao Tam Thai, Bát Tọa, Ân Quang, Thiên Quý. Thân lại cư thê. Vợ lão có nốt ruồi son trên bầu ngực, gọi là nốt ruồi phú quý. Những người sở hữu nốt ruồi "phú quý" không những giàu có, sang trọng mà còn được thuận lợi đủ đường. Từ công danh, sự nghiệp cho tới gia đình, con cái…
     Ngày cách mạng mùa thu, cha mẹ hai bên nhà lão bị giết sạch. Nhà cửa, tài sản, xe cộ, ruộng vườn bị tịch thu, nhưng lão cùng vợ con đang chu du bên Pháp. Nước Pháp cũng điêu tàn, sau đệ nhị thế chiến. Nhưng dù vật đổi sao dời, lão vẫn sống đế vương. Lão cùng vợ con ở lại Pháp, sống trong lâu đài, cha lão đã mua trước đó. Lâu đài nằm bên bờ sông Loire êm đềm.
    Ra đường mặt lão vẫn hơn hớn. Vợ lão mua lại nhà hàng “Arc de Triomphe du Carrousel” (Khải Hoàn môn), từ ngày thay ngôi đổi chủ, nhà hàng phát đạt trông thấy. Vợ lão sở hữu vẻ đẹp thanh tú, chưa hề qua lớp đào tạo kinh doanh nào, nhưng nhờ thiên bẩm, tỏ ra bà chủ sang trọng, ân cần, thanh lịch từ dáng đi đến lời ăn tiếng  nói.
    Lão chưa hề đọc một cuốn sách, nhưng hỏi cô đầm xi-nê nào lão cũng rành. Cô nào có mấy đời chồng, đóng phim nào, lão nói vanh vách. Lão phó mặc mọi sự cho vợ lão, lão không cần biết ông Quang Trung, ông Victor Hugo,  ông Trần Hưng Đạo là ai, đâu có liên quan gì đến lão.
     Ra đường mặt lão hơn hớn. Lão bị xe tông, chấn thương sọ não. Người ta mổ, dùng kính lúp tìm mãi không thấy óc lão đâu, sau cùng thấy hột đậu đen, nép bên hốc sọ. Lão vẫn sống.

ANH NHẠC SĨ

     Dáng người anh cao lớn, đẹp trai, rất nghệ sĩ. Thời chiến tranh, anh theo đoàn văn công đi lưu diễn dưới làn đạn réo, bom rơi.
    Lần nào về cứ, anh cũng tìm cách tiếp cận lãnh đạo. Lúc thì ngâm những bài thơ ngút trời hào khí, hừng hực chiến công, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của chú A, anh Z.
Anh chưa bao giờ qua trường lớp âm nhạc, chỉ nhờ thiên bẩm. Những chỉ thị, diễn văn của cấp trên, anh biến hóa thành bài ca, bài vè ngân nga trong rừng sâu. Dễ hiểu, dễ trộn lẫn với rau rừng gạo hẩm, qua cơn đói khát.
     Ngày hòa bình, anh được bố trí chức trưởng phòng văn hóa - thông tin quận B.
     Anh hồ hởi đưa tôi đi tham quan cơ ngơi của anh.Phòng làm việc sáng choang. Những cây đàn guitar, mandolin, đàn tranh, ống tiêu, ống sáo… treo lủng lẳng trên tường. Đàn piano quí phái, đen bóng, nổi bật bên cạnh bộ salon sang trọng.
     Tủ kính đầy ắp các tác phẩm kinh điển của Ludwig van Beethoven, Johann Sebastian BACH, Wolfgang Amadeus MOZART. Những nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại người Đức và nhiều tác giả danh tiếng khác.
     Anh thật thà: Trưng bày cho đẹp mắt, chứ ba thứ quỷ này không có tác dụng gì. Anh chỉ sáng tác những bài ca phục vụ đời sống thực tế của nhân dân, cảm hứng tùy từng thời kỳ đổi thay của đất nước. 
      Nhạc lý anh chỉ qua sơ cấp, anh phát thảo ý tưởng, còn lại nhân viên cấp dưới thêm bớt, điều chỉnh cho phù hợp, nhưng bao giờ tên tác giả vẫn là Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi.
Một lần đi dạy về gặp mưa. Tôi trú dưới mái hiên nhà bên đường. Chợt nghe tiếng cô xướng ngôn viên giới thiệu nhạc phẩm “Bên dòng sông trơ đáy” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi. Giọng cô ca sĩ cao vút, trong veo. Tôi bồi hồi xúc động, nhưng vẫn băn khoăn không biết anh ấy là tác giả thực sự hay vay mượn chất xám của người khác?

     Tình cờ tôi gặp lại anh trong vai trò thuyết trình viên của chương trình “kế hoạch hóa gia đình” do hội phụ nữ phường TC. tổ chức. Trên chiếc cặp đen của anh, có hàng chữ mạ vàng sáng chói: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi
     Mới đây nghe tin anh có tên trong ban chấp hành hội nhạc sĩ Việt Nam kiêm phó chủ tịch hội âm nhạc thành phố.
     Anh gởi tặng tôi tập nhạc “Gió ru mây” của anh mới in, còn thơm mùi giấy. Những ca từ mượt mà, thấp thoáng bóng dáng tài hoa của những nhạc sĩ đích thực vô danh, đã bị chìm khuất dưới tên: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi.

DẤU ẤN TRONG ĐỜI

     Áp điện cực vào ngực và hai tay. Máy khuếch đại, ghi lại trên điện tâm đồ. Những đường cong uốn mình cao vút, cực đại là lúc ta thổn thức nhớ về nhau. Nhưng hôm nay chỉ gợn sóng lăn tăn, dù…
     Thần giao cách cảm chi phối nhịp tim. Khi giao hoà, hai bước sóng song đôi, cùng hân hoan, thăng hoa trong nhịp thở. Hay anh đã chết?
     Trời Qui Nhơn mùa đông thật buồn, gió bấc lạnh mang hơi biển, tê tái lòng người. Từ căn gác trọ đường Hàn Thuyên, nhìn áo em tung bay trong mưa phùn lạnh lẽo. Trường nữ Trinh Vương không xa, nép mình sau tượng Đức Mẹ, đôi mắt thánh thiện, hiền dịu.
     Nhưng về đêm, anh không còn nhận ra em. Cô bé nhí nhảnh trong jupe soiree trắng, hồn nhiên và nghịch ngợm bên anh. Cà phê Dung, chìm lắng trong điệu nhạc mơ hồ, vàng tay khói thuốc.
     Ngày em vào trường Sư phạm, cũng là ngày anh bị động viên vào quân đội. Những nụ hôn vụng về, vòng tay cuống quýt. Hẹn ngày ra trường sẽ thành đôi lứa.
     Những ngày sắp xa nhau, anh đưa em đi đến những nơi nào có thể. Mộ Hàn Mặc Tử chênh vênh, Ghềnh Ráng mù sương. Đầm Thị Nại mơ màng dưới chân núi Phương Mai lộng gió. Đảo Hải Minh trải dài chắn sóng cho thành phố cảng. Cù lao Xanh lẽ loi, mờ mịt ngoài khơi xa…
     Em, con gái dòng dõi trâm anh thế phiệt. Con cháu nhà Tây Sơn một thời lừng lẫy. Dù sa cơ mấy đời dưới triều Nguyễn, nhưng dần hưng thịnh, khi ba em về nhận chức thị trưởng thành phố Qui Nhơn.
     Ông nội anh, thuộc dòng khoa bảng. Ông Cử của khoa thi cuối cùng. Ông thầy đồ khiêm cung của thời nho học thất thế, không tán đồng mối lương duyên của anh và em. Do mặc cảm và tính khí khái hay bất đắc chí của của nhà nho trong thời mạt vận?
     Em đã trao thân. Mong sự lỡ làng để thành đôi. Nhưng những ngày không có anh, em đã buông thả với những đêm phòng trà thác loạn. Men rượu cay nồng, bạch phiến trộn lẫn khói thuốc Kool, đưa em về miền ảo giác.
     Em trở nên hụt hẫng với tất cả. “Make love, not war”. Thân phận lạc loài của con giun con dế, thời kỳ chiến tranh dữ dội. Em dấn thân theo phong trào Hippie. Em không còn là mình, cô giáo sinh sư phạm ngoan hiền ngày nào.
     Ngày anh trở lại, em đã có thai. Đứa bé ra đời trong nghiệt ngã. Em đã sa chân, lương tâm em gào thét, em không thể trao về anh trách nhiệm. Riêng anh, anh không tin đó là con mình. Anh từ chối trong đau xót.
     Sự ăn năn và thất vọng đã đưa em đi xa hơn, càng ngập ngụa trong vũng lầy nhân thế, em càng đánh mất nhân phẩm của mình. Ngày ra trường em chọn nhiệm sở tại Phú Bổn, dù gia thế của em dư sức can thiệp, để em ở lại Qui Nhơn.
     Trường của em heo hút, thượng nguồn sông Ba. Với sắc đẹp như bông hoa rừng, bên cạnh tính cách dạn dĩ, ngổ ngáo của con gái thị thành, em đã làm say đắm bao con tim quan chức miền sơn cước.
     Những chiếc xe jeep nhiều sắc phục, đón đưa cô giáo trẻ cuối tuần về tỉnh lỵ Cheo Reo (Truyền thuyết của người Jarai kể rằng: Từ ngàn xưa nơi đây là vùng núi non trùng điệp, bốn mùa cây trái tốt tươi, chim kêu vượn hót suốt ngày, hổ, báo, hươu, nai, voi rừng … không kể xiết. Một ngày kia có hai anh em tên RCHOM CHEO và RCHOM REO, trong một lần vào rừng săn bắn, mãi đi theo dấu vết thú rừng đã lạc vào đây…. Cảm nhận được cảnh thanh bình và tràn đầy sức sống của muôn loài, hai anh em CHEO và REO bỏ chuyến đi săn trở về. Được già làng cho phép, họ đưa dân làng đến tại nơi này khai khẩn, lập làng, kiến tạo nên cuộc sống mới… Để ghi nhớ công ơn, dân làng lấy tên hai anh em đặt cho làng mới: CHEO REO – Nay là Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai – Kontum)
     Thầy hiệu trưởng trẻ say đắm cô giáo mới về trường mình. Lời cầu hôn chân thành và bao dung đón nhận đứa bé không cha. Em sực tỉnh khi thân xác đã rã rời, tan tành như quả đạn pháo đêm đêm rót vào thị xã.
     Rừng già bạt ngàn, tiếng chim Chơ-rao vang vọng lảnh lót, núi đồi nhấp nhô chìm trong sương mù. Tiếng cồng chiêng quyện cùng tiếng hát theo gió bay xa, tưởng chừng như chiến tranh không hề xảy ra trên mảnh đất này. 
     Trên bước đường hành quân ngang buôn làng Jarai heo hút. Anh gặp lại em. Cô giáo ngày nào đã bị đồng hoá trong trang phục váy áo dệt bằng thổ cẩm, đường viền hoa văn đẹp mắt chạy vòng quanh, những tua chỉ có đính hạt cây Tơr peng. Em đẹp rực rỡ như hoa lan trắng muốt, nổi bật giữa vòng vây học trò Bahna – Jarai, hồn nhiên và đen nhẻm bỡi nắng gió cao nguyên.
     Ngày tan hàng trong bi thảm. Anh đưa gia đình em theo đoàn quân rệu rã xuôi tỉnh lộ 7, vượt qua đèo Tuna, cầu Phú Túc - Củng Sơn, định về lại Qui Nhơn. 
     Trong đêm đen hổn loạn, anh đã lạc mất mẹ con em… 

     Sau bao thăng trầm trong cuộc sống. Anh theo vận nước nổi trôi, lưu lạc về vùng đất hiền hoà Thủ Dầu Một, Bình Dương:
                  “Ai về chợ Thủ bán hủ, bán ve
                         Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”…
     Ban đầu Thủ Dầu Một được gọi là Phú Cường. Địa danh Phú Cường xuất hiện vào khoảng năm 1838 (Minh Mạng)
     Thân phận ngụ cư ngay trên đất nước mình. Đời chỉ dành cho anh những nghề lam lủ, anh miệt mài như con gõ kiến, mang đôi cánh sặc sỡ, bay đi tìm hang hốc sâu mọt mưu sinh.
     Hai mươi năm sau, bằng sự cần cù và kiến thức kỷ thuật sẳn có, anh đường hoàng bước lên ngôi vị danh gia. Công ty xây dựng H.H. vang danh trong ngành, không những trong tỉnh Sông Bé (Ngày 6 tháng 11 năm 1996, chia tỉnh Sông Bé để tái lập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước) mà còn ngược về Qui Nhơn, Bình Định quê anh.
     Anh tìm lại những ngày tháng cũ. Anh đi tìm em trong niềm hy vọng mong manh. Thành phố Qui Nhơn đã không còn của anh và em, anh như người khách lạ lãng du cuối bãi đầu ghềnh. Biển không còn màu xanh biêng biếc một thời cưỡi sóng vô tư. Sân bay cũ đã hoang phế, đìu hiu (hiện nay khu vực đường băng chính được xây dựng thành đại lộ Nguyễn Tất Thành, con đường đẹp nhất Quy Nhơn. Khu vực khác được xây dựng thành công viên cây xanh và khu trung tâm thương mại của thành phố Quy Nhơn).
     Anh tìm về căn nhà cũ. Chỉ biết ba mẹ em đã mất, những người hàng xóm tốt bụng đã không còn. Anh như Từ Thức trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Từ Thức nhớ nhà, từ biệt Giáng Hương, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Phong cảnh khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng, một cụ trả lời: "Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào động tiên cách đây đã ngót hai trăm năm rồi".
Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi
Nhưng tìm mãi đến bây giờ chưa thấy
Nửa của tôi ơi, em là ai vậy?
Sao để tôi tìm, tìm mãi tên em?
(Tôi đi tìm một nửa của tôi – Thơ Đặng Quốc Vinh)
     Duyên hư vô nên không là nợ. Anh nhìn về trường Sư phạm Quy Nhơn. Trường cách trung tâm thành phố  hơn cây số về hướng Đông Nam. Vùng cồn cát nằm dọc theo bờ biển với các loại cây rừng gai góc hoang dã, nay đã đổi tên thành Trường Đại học Quy Nhơn bề thế, lạ lẫm.
    Anh nhớ ngày xưa, từ bến xe Qui Nhơn băng qua đường Gia Long, theo đại lộ Võ Tánh, đi về phía biển, cuối cùng gặp đường Nguyễn Huệ. Con đường Nguyễn Huệ chạy dọc theo bờ biển, qua khúc quanh Eo Nín Thở, đến ngã ba Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Lộc. Vẫn trên đường Nguyễn Huệ, bên trái là bãi Thùy Dương, bên phải là Trường Trung Học Vi Nhân, Trường Sư Phạm Qui Nhơn, kế đến là Trường Trung Học Kỹ Thuật. Nơi đây, qua khỏi ngả ba, đến khu vực Ghềnh Ráng. Nếu tiếp tục đi trên đường Nguyễn Huệ, nhìn lên chân đồi là mộ Hàn Mạc Tử.
     Chiều xuống dần, nhanh và đen thẩm. Ánh đèn vàng vọt lung linh theo sóng nuớc, chạy dài về bên kia Hải Minh. Tượng Đức Trần Hưng Đạo uy nghi nhưng lạnh lùng chỉ tay về trung tâm thành phố.
     Anh thả hồn mình, lang thang trong vô thức. Cổng chùa Tâm Ấn uy nghi, hàng cây im lìm trong nắng sớm. Tiếng chuông ngân nga như rũ sạch bụi trần ai. Trên Chánh điện, đức Chí tôn từ bi, nhìn anh độ lượng.
      Chùa Tâm Ấn rộng lớn nguy nga. Ảnh hưởng của chùa trở thành Đại tùng lâm, tiêu biểu cho Ni tự thuộc hệ Thiền tông tại Qui Nhơn.
     Ni sư Tuệ Mẫn không ngạc nhiên, khi thấy người khách lạ. Gọi Ni cô Huyền Trân pha trà đãi khách. Đôi mắt Ni cô Huyền Trân như trời thu, mênh mông màu trời dưới đáy hồ trong vắt. Từng giọt mưa rơi tí tách từ mái hiên chùa, gợi nhớ trong anh, hình ảnh thân thương những ngày xưa cũ.
     Anh tò mò xin Ni sư Tuệ Mẫn kể về thân thế Huyền Trân. Anh giật mình khi nghe địa danh Diêu Trì, Tuy Phước. Duyên lành cho anh gặp lại cô bé không cha ngày nào, anh đã một lần phủ nhận.
     Ni cô Huyền Trân đưa anh về Tuy Phước, theo QL.19 nối liền Bình Định – Tây Nguyên. Căn nhà đơn sơ nép dưới vườn cây, lá cành nhuốm đỏ bụi đường. Em hiện ra, dung nhan tiều tụy. Đôi mắt ngơ ngác, u uẩn nhìn anh như trong mơ. Nét thanh tân của cô giáo xinh đẹp một thời, không còn một chút gì hiện hữu nơi em.
     Người chồng hiệu trưởng trẻ trung, một thời si mê em rồi cũng bỏ rơi mẹ con em. Anh ấy đã chạy theo danh vọng, khi người cha tập kết trở về. Nhà cha mẹ em đã bị trưng dụng. Mẹ con em lang bạt lên Daklak, Gia Lai rồi về lại nơi này.
     Anh ngồi lặng thinh nghe em kể, lòng ngậm ngùi, tê điếng. Có lẽ nào anh và em, như cánh bèo trôi theo con nước lớn ròng, theo thời thế đảo điên, hưng phế của cuộc đời.
     Ngày gặp lại nhau, em đã mắc bệnh nan y. Anh đưa em vào Saigon chữa trị. Ni cô Huyền Trân chắp tay, ngước nhìn cõi hư vô thăm thẳm: “Duyên tự sinh, ắt duyên tự diệt”. Chưa đầy một mùa trăng, kể từ ngày gặp lại, em đã rời xa nhân thế. Chỉ còn để lại trong anh, dấu ấn rạn vỡ khôn nguôi.

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...