Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

GƯƠNG SÁNG

Đang lui cui bón phân mấy chậu hoa hồng, tiếng lao xao ngoài cổng khiến thầy Lân sửa lại kính lão, ngẩng đầu nhìn. Bốn cô cậu trung niên vừa bước xuống chiếc xe hơi sang trọng màu kem, đồng loạt bước nhanh vào sân:

- Chúng em kính chào thầy. Thầy còn nhớ tụi em không ?
Thầy Lân bối rối với những người khách bất ngờ, dù biết học trò mình nhưng không nhớ khối lớp nào, làm sao nhớ tên các em. Bỗng thầy nhìn cô gái xinh xắn, đôi mắt tròn vo qua tròng kính cận thị:
- Dung "lớp trưởng" đó hử ? Đây là...
- Ôi ! Thầy vẫn còn minh mẫn, đẹp lão quá thầy ơi !
Thầy Lân mỉm cười:
- Mời các em vào nhà.
Thầy vội rửa tay, thay bộ áo quần đang mặc, pha bình trà...
Dung chạy vào đỡ khay trên tay thầy, miệng liếng thoắng:
- Mấy "thằng" kia ngồi đó mà nhìn hả ?
Thầy Lân nhìn những học trò của mình đã trên dưới năm mươi, lứa tuổi đã qua thời "nhi lập". Thầy Lân nghiêm giọng "mắng yêu" Dung:
- Anh chị đang là "rường cột" của nước nhà, là bố mẹ của thế hệ tương lai, sao chị Dung cứ gọi bằng ... thằng ?
Dung bướng bỉnh vỗ vai Tú, người ngồi bên cạnh:
- Chỉ có thầy là "tấm gương sáng" để chúng em noi theo, nên mấy "thằng" này ngày nay mới làm ông nọ bà kia đó thầy !
Thầy Lân bỗng cảm thấy lòng mình buồn vui lẫn lộn. Thầy nhìn những khuôn mặt sáng trưng, đĩnh đạc của những người học trò cũ, thong thả buông lời:
- Các em mới là "tấm gương sáng" của thầy, thầy đã nhìn vào những khuôn mặt thơ ngây, đôi mắt sáng tin cậy của các em để soi rọi lại tư cách làm thầy của mình, để từ đó chấn chỉnh tác phong sư phạm. Xã hội tôn vinh người thầy bằng những lời hoa mỹ, tổ chức lễ lạc, lấy gương người xưa để thầy cô cố gắng noi theo, nhưng "tấm gương" trong sáng đi vào tâm thức loài người nói chung và môi trường sư phạm nói riêng chính là các em, những người học trò yêu quý này đây !
Bỗng Dung òa lên khóc ôm chầm lấy thầy Lân, các bạn cô đồng loạt đứng lên, đôi mắt rướm lệ, đến sau lưng thầy.
Ngoài kia những đóa hồng nhung tươi thắm đang khoe sắc lung linh trong nắng...
Có lẽ thầy Lân vừa mới bón phân chăng ?

ẾCH THÁNG BA

Chị ếch nhảy ra khỏi hang, chớp chớp đôi mắt nhìn vầng dương chói lọi. Không lẽ “Ếch ngồi đáy giếng” chỉ thấy khung trời xanh trong, tròn vo xa tít trên kia, chỉ bằng miệng bát là thật?

Cánh đồng bao la, mùa lúa tháng ba đang thì con gái mượt mà, nước mát róc rách như suối reo từ bờ ruộng cao xen qua đám cỏ ven bờ, bọt nước trắng xoá gọi mời đàn lia thia long lanh sắc màu, cá rô bí bé tí tung tăng…
Nhớ hồi đầu mùa mưa, vào nửa đêm trăng sáng, chị ếch đã cho ra đời từng cái trứng kết dính liền nhau, cầu mong ngày sau anh chị em chúng chớ chia lìa. Anh ếch lo lắng nhìn bụng no tròn, đang quặn thắt của chị vội ôm chị vào lòng, từng dòng tinh khiết phun trào vào bọc trứng tươi non, tạo lớp màng nhày ôm ấp, không lũ cướp nào có thể xâm phạm đến đàn con thân yêu.
Chiếc bọc bám vào gốc lúa, những sinh linh bé bỏng được chở che bởi chiếc áo trong suốt, long lanh dưới ánh mặt trời.
Thằng rắn trườn quanh co dưới đám ruộng nước đã hâm hấp nóng, chiếc lưỡi tàn độc theo ánh mắt điêu ngoa loè ra thèm thuồng vì đói. Bỗng hắn dừng lại, ngẩng cao đầu lủi nhanh vào bờ ruộng rậm cỏ xanh um. Chị diều hâu đã nhìn thấy hắn.
Anh lia thia cong mình, xoè đuôi đỏ tía pha vàng lượn lờ bên cô nàng mặc áo sọc xanh non đọt chuối, vây màu ngũ sắc. Hai chiếc râu dài lượn lờ điệu nghệ, như hai thanh kiếm bạc của các chàng hiệp sĩ ngự lâm quân.
Lũ người bao đời nay tham lam và tàn nhẫn, luôn mưu tìm của ngon vật lạ, theo câu tục ngữ: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy” đã giết chết gia đình chị ếch.
Lưới càn khôn mênh mông mà bao dung, đất trời lồng lộng nhưng tha thiết, lưới của con người vô ảnh, vô minh.
Ngày xưa mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nhưng không có màng thương yêu bảo bọc đàn con như anh chị ếch, nên đã chia lìa, dù ai kia từng thề non hẹn biển.
Anh chị ếch bị đập đầu, lột da. Dù hai tay chắp lại van xin, gọi với trời xanh.
Đã qua rồi mùa xuân, ruộng đồng chỉ còn gốc rạ. Những nhánh lúa rài khẳng khiu, ngơ ngác dưới ánh nắng tháng tư gay gắt. Đàn nòng nọc tan tác, trôi giạt về những vũng nước đục ngầu còn sót lại, đang khô dần, teo tóp phơi bụng trắng hếu dù đuôi chưa rụng, thầm mong được làm một đời ếch như cha mẹ chúng.

MẸ CHẾT

- Ông có bao giờ gặp cảnh này chưa?

Hắn là thằng lãng tử, thằng phá của. Cha hắn đã từng đay nghiến. Chưa hề trả nợ ơn nghĩa sinh thành, sách đèn dang dở, đi lính, rồi đi biền biệt.
Có khi:” Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất…”(Tây Tiến – Quang Dũng)
Thằng Trung tử trận trên đèo Hải Vân, chỉ vì một viên đạn “tắc cù”. Trung bị động viên, sau khi thi hỏng tú tài.
Cả trung đội chỉ mình Trung chết, viên đạn lẻ loi tìm người, xuyên qua vầng trán rộng rám nắng, mồ hôi đẫm ướt mái tóc xanh non.
Nghe tin dữ, hắn băng rừng, bám theo chiếc xe về hậu cứ. Đến nhà, em Trung chỉ còn là di ảnh. Khói hương trầm quyện theo làn gió u uất, nước mắt hắn ứa ra hoà lẫn mồ hôi. Hắn khóc như mưa.
Ngày ấy, mẹ hắn đã ngất đi, tưởng chết.
……..
Hơn nửa năm, từ ngày thôi tiếng súng. Mẹ hắn trông ngóng thằng con trai lưu linh lạc địa. Từ quê nhà nghe tin hắn bị tù, nhốt trong rừng U Minh, Năm Căn xa tít. Nghe nói hắn bị sốt rét ác tính, chết cong queo trong rừng đước xanh um, không có đất chôn.
Ngày ấy, mẹ hắn đã ngất đi, lại tưởng chết.
……..
Hắn đang ngồi chằm lại chiếc nôi tre “gia bảo”. Chiếc nôi từ ngày mẹ sinh thằng Trung - em út. Hắn ngẩn ngơ, không thể nào tin khi nghe mẹ chết. Mới chiều hôm qua, trước khi đưa vợ ra Đà Nẵng chờ sinh đứa con thứ, mẹ còn dấm dúi mấy chục bạc vào tay hắn. Thế mà…
Hắn cắm cổ đạp chúi mũi chúi lái. Chiếc xe đạp không phanh, không ba-ga trơ khất. Cơn mưa đầu mùa đường bùn đất trơn tuột, đưa cả xe và hắn xuống ruộng.
Cha hắn như mất hồn, ngồi nhìn khung cảnh trống trước trống sau. Những cây tre già nâng mái tole cũ rích, tựa vào tường gạch đổ nát nham nhở của căn nhà ngói bề thế ngày nào còn sót lại, sau những trận bom tan nát cả làng quê.
Những khuôn mặt đôn hậu của bà con, chòm xóm không giấu được vẻ thảng thốt, khiến lòng hắn càng tê điếng, bùi ngùi.
Rồi hắn khóc, khóc nức khóc nở. Ruột hắn quặn đau, hắn ôm ghì lấy mẹ. Từ khi lên trung học, hắn chưa hề ôm mẹ hay được mẹ ôm. Hắn như ngây dại ngữi mùi bồ kết trên mái tóc mẹ, hắn chợt nhận ra đôi cánh tay gầy, da mẹ nhăn nheo, đôi chân mẹ còn bám đất nhão nhoẹt ngoài vườn.
Mẹ nằm đó như ngủ. Mẹ trúng gió, mẹ chết.

THẰNG ÔN DỊCH


“Mụ” Tám chửi:
- Tổ cha hắn, đồ giả nhân giả nghĩa. Miệng nam mô bụng bồ dao găm, đồ ăn cháo đá bát !
Không biết Mụ chửi ai! Ông Giáo nhìn quanh, không lẽ Mụ chửi mình? Ông thừ người, tự soi rọi không thấy điều gì sai quấy với Mụ, rồi ông nhớ ra Chí Phèo:”Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cả những ai không chửi nhau với hắn…”.
Thời này, cố giả ngu giả điếc mới không sanh sự. Mà thời nào không có chuyện ganh ăn tức ở, không có Thạch Sanh-Lý Thông, không có Lưu Bình-Dương Lễ, không có Tôn Tẩn-Bàng Quyên, không có Bá Nha-Tử Kỳ ?
......
Cúc Hoa liên tưởng đến chuyện Phạm Công-Cúc Hoa. Thiếu gì tên đặt, cha mẹ lại đặt tên trùng. Số phận hẩm hiu, gặp thằng chồng du thủ du thực, ăn nhậu say sưa, về nhà bạt tai đá đít.
Phải gì gặp được người như Phạm Công. Phạm Công nhà nghèo phải đi ăn mày nuôi mẹ, nhưng thông minh đỉnh đạt, đồng môn dưới mái trường của Quỷ cốc tiên sinh với Cúc Hoa, được Cúc Hoa con nhà tri phủ danh giá để lòng yêu.
Nhưng Cúc Hoa con Mụ Tám, lại bán thịt heo. Nhìn tay Mụ mài dao, mắt long lên sòng sọc đã phát khiếp. Nhưng thằng chồng Cúc Hoa không ngán, hắn ngồi chình ình giữa nhà bên chai rượu đế với đĩa lòng luộc, lai rai một mình không nói không rằng. Mụ Tám lại ngán !
Thấy Cúc Hoa đang mang bầu sắp ngày sinh nở, lăng xăng phục dịch thằng chồng, Mụ Tám tức cành hông. Mụ lại chửi:
– Tổ tiên sư cha cái đồ bất nghĩa, mới ngày nào chén mẻ không có mà ăn, chui bờ chui bụi, khố rách áo ôm. Tao ngu tao dại nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Tổ cha cái đồ…
Thấy Cúc Hoa khóc thút thít, Mụ lại xót lòng. Mụ trút giận lên tấm thớt, đập cái sọ heo kêu cái bụp, đầu to mà não bé tí. Hèn gì người ta nói “ngu như heo” quá đúng.
Nghe nói các nhà khoa học đang nghiên cứu, tương lai có thể dùng tim heo thay thế trái tim bệnh hoạn của con người. Trọng lượng, kích cở bằng nhau, nếu thành công không chừng loài người tử tế và thương yêu nhau hơn không chừng.
Ông Giáo lấy làm lạ, chắc nợ đời từ kiếp trước. Thằng rể trời ơi, thằng chồng trời đánh vậy mà thỉnh thoảng con Cúc Hoa kêu rú lên trong khoái lạc về đêm. Nhà liền vách, chuột kêu bên kia bên này còn biết. Những lúc như vậy, ông Giáo ngồi bật dậy, bước vội ra sau nhà. Bà Giáo đã quy tiên gần mười năm nay, các con ở xa, ông Giáo vò võ một mình.
Nhìn bề ngoài tưởng chừng Mụ Tám thuộc loại “chằng ăn trăn quấn”. Nhưng ông Giáo quá hiểu Mụ, ngày xưa ông Tám cũng làm quan, cũng cờ cũng lọng xênh xang một thời. Nhưng khi đổi đất thay trời, ông Tám chết mất xác. Mụ Tám đùm ba đứa con lưu lạc về xóm này, hai đứa lớn có gia đình riêng ở đâu trong Nam, chỉ có Cúc Hoa bên Mụ.
Đừng nghĩ gọi “Mụ” mà xem thường. Mụ Tám là con cháu Hoàng tộc nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã ban hành “Ngự Chế Mạng danh thi” để đặt tên cho dòng họ, “Đế hệ Thi” và “Phiên Hệ Thi” để đặt chữ lót, dấu hiệu nhận ra thứ bậc. Vua Minh Mạng cho những người còn ở tại quê nhà Gia Miêu, Thanh Hoá mang họ “Nguyễn Hựu”, những người vào Nam mang quốc tánh “Tôn Thất Nguyễn Phước”. Hậu duệ của các chúa Nguyễn thuộc “Hệ Chánh Tiền Biên” mang họ Tôn Thất. Hậu duệ của vua Gia Long thuộc “Hệ Chánh Biên”, hậu duệ vua Minh Mạng mang họ theo “Đế Hệ Thi”: Miên, Hường (Hồng), Ưng, Bửu, Vĩnh/ Bảo, Quý, Định, Long, Trường/ Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật/ Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương”.
Mụ Tám vốn là con gái cụ Ưng Truyền, cháu gái đời thứ năm của vua Minh Mạng. Tên “Mụ” là Công Tằng Tôn Nữ Phương Dung.
Từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) sanh nhiều con nhưng khó nuôi, nên dùng chữ “Mệ” để gọi con của các ông hoàng, bà chúa và dùng chữ “Mụ” để gọi các con của “Mệ”.
Mụ Tám tiểu thư khuê các đâu đến nỗi chua ngoa, nhưng cuộc đời đá Mụ lăn lông lốc. Miếng đất mẹ con Mụ đang ở, cũng từ vườn nhà ông Giáo. Những đêm thanh vắng, ông Giáo lắng nghe giọng hò “mái nhì” mà đưa câu “mái đẩy” của Mụ, như uất nghẹn:
“Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”
(Ưng Bình Thúc Giạ Thị)
Ông Giáo lại nhớ chuyện kể hai anh hùng ở quê ông: Thái Phiên và Trần Cao Vân giả ngồi câu cá trước bến Phu Văn Lâu, bí mật gặp vua Duy Tân để bàn chuyện khởi nghĩa, nhưng đại cuộc không thành. Vua Duy Tân bị đày biệt xứ, hai ông bị chém rơi đầu.
Chiều cuối năm, những phần thịt lợn cuối cùng đã được bán sạch. Mụ Tám định mua ký tôm càng xanh về kho rim, nhưng loài tôm cứt lộn lên đầu không cúng kiếng được.
Mụ giữ lại đầu heo, dù ngu như heo vẫn hơn những thằng vong ơn bội nghĩa.
“Giang sơn di cải bản tính nan di”(Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời).
Gần giao thừa rồi mà vẫn nghe Mụ Tám chửi, không biết có phải Mụ chửi thằng… ôn dịch ?

ĐÔI MẮT

Cha mẹ sinh ra tôi, nhưng các bậc sinh thành có khi không hiểu hết tâm tính con gái mình. Tôi ra đời ở thị trấn nhỏ, nửa quê nửa tỉnh. Mẹ nói quê tôi thật thanh bình từ ngày tôi ra đời đến tuổi lên năm, khói lửa chiến tranh lớn dần lên theo sự trưởng thành của tôi, ngày càng khốc liệt.

Thị trấn V.Đ. thân yêu của tôi nằm trên QL.1, có bốn ngả đường: Vào Nam ra Bắc xuống biển lên rừng. Theo hướng Đông xuôi về Hội An, cửa Đại. Hướng Tây ngậm ngãi tìm trầm, rừng quế bạt ngàn, trường sơn lộng gió.
Cha nói con gái đằng mình hiền ngoan mà đáo để, tính khí cương cường như đàn ông xứ Quảng. Nên thường khuyên nhủ tôi: “Cơm sôi bớt lửa”.
Năm mười hai tuổi, tôi đã biết điệu đà, má hồng lên e thẹn với đám con trai cùng lứa. Nhưng trong mắt tôi, chúng nó như những đứa em, kể cả lớn hơn tôi vài tuổi, tôi cũng gọi bằng thằng.
Một ngày đoàn xe nhà binh chạy rầm rập qua thị trấn, mang theo những khuôn mặt đen sạm bụi đường. Nhìn thoáng qua, ai cũng giống như ai. Một đôi mắt trên xe jeep xen giữa lại khác, lạ lắm, cứ mãi ám ảnh tôi sau buổi tan trường. Đêm về tôi nghệch ngoạc vẽ trên giấy cả đoàn xe nhà binh với con mắt ấy. Tôi tô đậm tròng đen với con ngươi sáng quắc. Cây bút chì theo tôi vào giấc ngủ.
Trong đêm, một quả đạn pháo, có lẽ bay vòng qua nhà tôi rơi vào chi khu. Mẹ đem ổ gà đang ấp xuống hầm, tiếng túc túc túc nghe đồng âm với tiếng súng tắc-cù đâu đó.
Anh hơn tôi mười tuổi, quen với thầy dạy toán của tôi. Tôi rắn mắt nhìn anh không chớp, đôi mắt ấy đã vào tôi trong chiêm bao.
Hai bông mai đen trên ve áo trận không làm tôi ngạc nhiên, tôi hình dung tôi là người em gái nhỏ bé trong bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, nhưng tôi không có “hai người anh đi bộ đội”. Tôi là con gái lớn nhất của ba mẹ tôi.
Anh nhìn tôi không nói gì, tôi cũng không nói gì. Rồi anh bắt tay thầy tôi quay ngoắc, tôi nghe như con tim rưng rưng…
Mẹ nói, nhìn bên ngoài tôi như vô tâm nhưng nghịch ngầm và đa cảm. Hình như tôi làm bộ vô tình như lớp áo, nhưng ẩn chứa tâm hồn muốn nổi loạn trong tôi?
Chưa xong đệ Tứ (lớp 9), tôi đã thất tình. Anh đi biền biệt, tôi cũng chẳng biết tên anh.
Không có mùa xuân nào đẹp trong tôi. Thị trấn quê tôi như co quắp lại, mẹ cấm tôi đi chơi xa. Sân trường thỉnh thoảng tập trung nhiều người lính dáng vẻ suy tư đạn dược đầy mình, miệt mài lau chùi những khẩu súng pha màu thép lạnh lùng.
Tôi đăm đăm dõi mắt tìm anh. Ai biết anh ở đơn vị nào, lính gì mà tìm? Tôi chỉ nhớ anh vì đôi mắt ấy…
Thầy gọi tôi lên bảng, chứng minh hai tam giác đồng dạng. Sự đồng dạng trong tôi chỉ còn là những hình ảnh người lính, họ giống nhau từ màu áo treilli, đôi giày cao cổ lấm bùn đen và nón sắt, cả cây súng nữa. Họ ngoài kia, những đôi mắt u uẩn nhìn trời mây như vô hồn, có khi:
“Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui”
….
(Mật khu Lê Hồng Phong – Nguyễn Bắc Sơn)
Thị trấn V.Đ. của tôi ngập tràn sắc lính và mùi thuốc súng, những chiếc xe bọc thép gầm gừ xích sắt vẽ thành hình tròn méo mó trên con đường nhựa nham nhở trước cổng trường. Chiếc áo dài trắng không còn trắng nữa, tôi dừng lại giữa cầu nhìn dòng nước đục ngầu. Sông Vĩnh Điện tách dòng Thu Bồn chảy băng qua Tứ Câu, nhập với sông Hàn, nhưng lòng tôi chơi vơi không xuôi không ngược. Đôi mắt những người lính nhìn tôi, con bé gầy gò mái tóc mới chấm ngang vai, nhưng đã mang trong lòng nỗi ưu tư thời thế. Thị trấn tôi không gái điếm, không có chốn ăn chơi, chỉ có những xác người thỉnh thoảng bị trói ké, úp mặt trôi theo dòng sông ra biển.
Một ngày ba tôi bị băm nát khuôn mặt, mẹ chỉ nhận dạng bằng nốt ruồi đen thầm kín. Đến khi chết, ba cũng không dành đôi mắt cho tôi. Tôi tưởng tượng trong hai lỗ sâu trống hốc, đôi mắt dịu hiền của ba tôi đang nhìn đâu đó, có khi nhìn lên trái hoả châu trên kia đang lung linh và toả ra vệt khói trắng đục mù sương, tiễn đưa những linh hồn trần thế về cõi vô cùng.
Mùa xuân lại về, thị trấn quê tôi đã vươn mình thành thị xã. Nét phồn hoa đô thị đã xoá mất dấu chân tôi, tôi lạc lõng giữa bao người son trẻ. Tôi đứng nhìn dòng sông lững lờ trôi, nhưng không còn xanh mát thuở nào. Những con đò ngang xuôi ngược, đưa tôi về bãi dâu xanh ngút ngàn Gò Nổi đã chìm sâu vào lòng tôi thăm thẳm. Tơ lụa Duy Xuyên óng ánh nắng chiều phai, mênh mông tình người đã bay theo gió bụi.
Nhưng đôi mắt ấy đã theo tôi gần suốt cuộc đời. Tôi vẫn không biết tên họ của Người.

NHỚ VỀ NHÀ THƠ KHẮC MINH VÀ NHỮNG NGƯỜI NẰM XUỐNG

Hè 1968 tôi vào Quảng Ngãi thăm cậu út tôi là Lê Văn Nghĩa tức nhà thơ Tô Yên/ Lê Việt Nguyên. Ngày ấy Quảng Ngãi chỉ là một thị xã nhỏ của miền Trung Trung bộ, phố xá nằm dọc hai bên đường Quang Trung (cũng là QL1), nhưng lại là nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ miền Trung. Café Diễm Xưa âm vang giai điệu buồn tênh của Trịnh Công Sơn. Tôi ngỡ ngàng và ngưỡng mộ những nhà thơ Phan Nhự Thức, Chu Trầm Nguyên Minh. Luân Hoán, Khắc Minh, Hà Nguyên Thạch, Vương Thanh, họa sĩ Nghiêu Đề… Tôi xin lược trích bài viết của nhà thơ Luân Hoán về sinh hoạt văn nghệ tại Quảng Ngãi cuối thập niên 60s và anh Khắc Minh về Phan Nhự Thức và Tạp chí Trước Mặt.

“Khoảng năm 1958, Phan Nhự Thức từ Đà Nẵng theo gia đình vào Quảng Ngãi. Anh chuyển trường và học tại Trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Anh chủ động đến thăm tôi, từ đó chúng tôi trở thành bạn bè văn nghệ của nhau. Phan Nhự Thức ấp ủ nhiều mơ ước, tính tình cởi mở, hết mình vì bạn bè, thông minh và đa tài: viết vẽ đẹp, làm thơ hay. Hồi đó, tôi có chiếc xe gắn máy cũ của Pháp thường đưa anh đi chơi, giới thiệu một số thắng cảnh như Thiên Ấn niêm hà, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn… Tôi đưa anh đến giới thiệu với tác giả Non nước xứ Quảng – Phạm Trung Việt, nhà thơ Trào Phúng ở Cửa Đông.
Tôi hơn Phan Nhự Thức khoảng 3 tuổi song anh em chơi rất thân như anh em ruột. Khu vườn nhà tôi nằm ven thị xã, rộng có nhiều cây lâu niên, vừa đẹp vừa thoáng mát nên anh em thường tổ chức họp mặt đọc thơ, tán gẫu. Có lần Phan Nhự Thức ngẫu hứng đọc hai câu thơ trong bài Tình buồn:
Người qua nhà tôi mỗi ngày bốn bận
Nón nghiêng che nên chẳng thấy tôi buồn
Cả bọn đều cười ồ lên. Từ đó, anh mới chịu khai cuộc tình đơn phương của mình. Nhà anh nằm bên Quốc lộ 1 phía trong cầu Trà Khúc. Người đẹp nữ sinh ngày bốn bận đi qua nhà anh nhưng rất nghiêm (hay cố ý làm nghiêm?) anh rất thích làm quen nhưng e ngại không dám. Người đẹp nữ sinh của anh nghe nói sau nầy cũng làm phát thanh viên cho Đài Phát thanh Quảng Ngãi và đi lấy chồng. Phan Nhự Thức tiếp tục học ở Trường Trung học Trần Quốc Tuấn, đậu tú tài và tốt nghiệp sĩ quan khóa 23 Trường Sĩ quan Thủ Đức.
Năm 1968, anh về phục vụ tại Tiểu khu Quảng Ngãi rồi ra ứng cử Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi. Hồi này, tôi đang công tác tại khối Chiến tranh Chính trị Tiểu khu Quảng Ngãi (Nhà thơ Nam Lai (1) làm Trưởng khối). Tôi được phân công dạy một số giờ văn tại Trường Lê Trung Đình trên núi Long đầu hý thủy. Trường nầy thuộc Tiểu khu do anh Nguyễn Sang làm hiệu trưởng, tôi còn nhớ có nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích được mời dạy.
Bản chất rất đam mê văn nghệ, thích sinh hoạt ngành báo chí, Phan Nhự Thức đứng ra mời một số nhà thơ, nhà văn là quân nhân, giáo chức có mặt tại Quảng Ngãi chung tay góp sức hình thành tạp chí Trước Mặt. Tôi được nhà thơ Nam Lai đồng ý vừa dạy học vừa tham gia làm báo. Bản thân ông cũng giữ mục bình thơ Đường trên tạp chí. Sau một cuộc họp, cái tên “Trước Mặt” ra đời từ đó.
Để Trước Mặt sớm trình làng, những cuộc họp được liên tục tổ chức tại khu nhà trọ Trùng Khánh tại 43 Phan Bội Châu cũ, nay là Đại lộ Hùng Vương để phân công việc. Thực sự phân công chỉ là cái hướng chung, tất cả anh em vì tờ báo đều chung tay góp sức để tạp chí sớm hình thành.
Sau gần nửa thế kỷ, bằng ký ức, tôi ghi lại những người góp một chút gì cho 17 số Trước Mặt trong một thời gian ngắn ngủi từ năm 1968 đến 1969:
Phan Nhự Thức chủ biên chịu trách nhiệm tổng quát kể cả phép tắc và tài chính
Dịch: Nam Lai, Nguyễn Nguyên Phương.
Văn: Vương Thanh, Lê Văn Nghĩa, Trần Cao Bằng.
Biên khảo: Phạm Trung Việt, Đào Đức Nhuận.
Thơ: Minh Đường, Vũ Hồ, Trần Thuật Ngữ, Lê Vinh Ninh, Trần Anh Lan, Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Lâm Anh, Xuân Thao, Lê Văn Trung, Hoàng Ngọc Châu, Đynh Hoàng Sa, Triệu Duy Gia.
Họa: Nghiêu Đề, Phạm Cung, Hoàng Trọng Bân.
Tạp chí Trước Mặt ra mắt bạn đọc tháng 5 năm 1968, khổ lớn như tờ Khởi hành trước 1975, sau đó đổi thành khổ nhỏ như Văn học của nhà văn Phan Kim Thịnh làm chủ bút tại Sài Gòn. Sau ngày phát hành, một số bạn bè quen thân đã gửi thư về động viên, góp ý hoặc trực tiếp ủng hộ bằng cách gửi bài về cộng tác như nhà văn Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt…, nhà thơ Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Lê Vĩnh Thọ…
Tôi và Nghiêu Đề cùng đảm trách công việc từ in ấn, phát hành đến chuẩn bị cho các số kế tiếp. Mỗi số phát hành khoảng 500 bản. Chúng tôi tự gửi đến một số bạn bè ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn nhờ phân phối cho các đại lý.
Tháng 12 năm 1969, Trước Mặt dừng bước vì thiếu nguồn tài trợ.
Sau đó, Phan Nhự Thức vận động ra được tạp chí Tập Họp nhưng chỉ được một số cũng đành phải đóng cửa vì không đủ tài chính.
Năm 1969, anh em văn nghệ, bạn bè khuyến khích ủng hộ, Phan Nhự Thức in tập thơ Đốt Tuổi – tập thơ đầu tay của anh do Nhà xuất bản Ngưỡng Cửa, Đà Nẵng ấn hành.
Trên Trước Mặt số 16, tháng 10 năm 1969, tác giả Nguyễn Thanh Đông đã giới thiệu tập thơ Đốt Tuổi của Phan Nhự Thức:
“Hầu hết 36 bài thơ in trong Đốt tuổi đều mang hình ảnh, tiếng động và màu sắc của một cuộc vây quanh đang chuyển biến đến đau thương tàn nhẫn. Phan Nhự Thức đã không ngừng mô tả thực trạng của mình đang dấn thân. Nếu xem một trong những khả năng thi ca là trao gởi thì Phan Nhự Thức đã khéo léo hoàn thành khả năng đó cho ngôn ngữ mình sử dụng…”
Để khép lại trang viết nhớ gì viết nấy này, cho phép tôi được thắp lại một nén hương để tưởng nhớ người bạn thân đáng quí trọng và xin cùng nhớ đến điếu văn tang lễ Phan Nhự Thức của nhà văn Cung Tích Biền do nhà thơ Hà Nguyên Thạch đọc cách đây hơn 13 năm (ngày 23 tháng 01 năm 1996) tại Bình Chánh, Sài Gòn:
Sống tuy quẩn mà lòng thanh sạch, nơi lao lung vẫn giữ gìn chữ sĩ. Chúng ta nào có nhục?
Vui với thơ anh nghèo hơn bần cố, rách tận cùng mà trọn vẹn thủy chung. Kẻ giàu mấy khi vinh?
Khắc Minh
.........
“… Nhớ lại với những ngày đầu tôi biết danh Đinh Cường, vào những năm đầu của thập niên 60. Thời ấy Huế có nhiều người sinh hoạt văn học nghệ thuật, đang trên đường lập danh. Tên tuổi những người đã vượt đèo Hải Vân vào đến Đà Nẵng của chúng tôi có Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Trần Quang Long... nhiều nữa. Riêng Đinh Cường, anh đã tham dự một cuộc triển lãm chung, trong đó có Hoàng Trọng Bân, Nguyên Hạo của Đà Nẵng. Phòng tranh này tôi được hai bạn Lam Hồ và Tô Yên Lê Văn Nghĩa cho biết. Lúc đầu tôi dự trù sẽ đi xem nhưng không hiểu sao, giờ chót tôi cùng Châu Văn Tùng vào Hội An”.(*)
“… Cũng trong thập niên 60, khởi từ lực lượng học sinh, đã đẻ ra nhiếu bút nhóm, sinh hoạt văn học khá khởi sắc . Ðáng kể nhất là nhóm "Cùng Ði Một Ðường" của trường trung học Phan Chu Trinh. Nhóm này qui tụ :
· Nguyễn Hữu Nuối, bút hiệu Lam Hồ. tác phẩm: Tiếng Ðộng Trong Khu Phố Nhỏ (truyện)
· Phan Chánh Dinh bút hiệu Phan Duy Nhân, Dương Phù Sao
· Nguyễn Ðăng Trừng, bút hiệu Huy Giang,
· Lê Văn Nghĩa, bút hiệu Tô Yên
· Hồ Cư không dùng bút hiệu.
· Tôn Thất Chân Tu, bút hiệu Chu Tân
· Vương Thanh: Khu Rừng Mùa Xuân, truyện Văn Học 1964” (**)
“… Căn phòng thứ 2 của khu Trùng Khánh như vậy vẫn có đến 3 nhân khẩu. Thật ra tôi và Vương Thanh đi đi về về không nhất định giờ giấc. Dẫu vậy, tôi cũng không quên một thói quen dễ thương được lặp lại mỗi ngày. Vào khoảng 4 giờ chiều hoặc sâu hơn chút đỉnh, không có tiếng còi, nhưng đội ngũ của những người mê văn thơ, trình diện gần đầy đủ trong một phòng nào đó, hoặc ngay trên hành lang hẹp của chung cư. Ngoài những khách trọ của Trùng Khánh, nếu quan sát từ cửa sổ khách sạn Việt Nam, gần như chiều nào cũng gặp được những nhân dạng: Lê Văn Nghĩa, đại úy Thiết giáp, bạn học từ thời đệ ngũ với tôi ở Phan Châu Trinh Đà Nẵng, anh làm thơ dưới bút hiệu Tô Yên. Khắc Minh, anh chàng binh nhì địa phương quân, con của một đại phú gia của thị xã Quảng Ngãi, làm thơ khi đứng cai quản quán sách Quang Trung trước trường Trần Quốc Tuấn. Phan Nhự Thức, thiếu úy Địa phương quân, luôn luôn mang bên mình một cái cặp da nhẹ hều. Trần Thuật Ngữ, thư sinh nhưng không đến trường vì ngại bị bắt quân dịch, làm thơ vững vàng. Anh nhút nhát như con gái. Trần Anh Lan, trung úy Pháo binh, cười và uống nhiều hơn nói. Phạm Cung, lầm lì, lừng khừng như những mẩu vẽ lập thể của anh. Logo “con nai” tôi dùng cho nhà xuất bản Thơ, từ tay anh mà ra. Đynh Hoàng Sa, viết truyện, dịch truyện, làm thơ, dạy học đề huề chừng mực. Những buổi tụ họp đông vui như thế, thường thường để tường trình, thông tin đủ thứ chuyện trên đời. Dĩ nhiên không thiếu rượu, bia. Chúng tôi học đòi cách uống rượu đổ ra thau, mạnh ai nấy múc. Rượu tương đối xịn, thường do quan ba Nghĩa mang tới. Chuyện say sưa cũng có nhưng rất hạn chế và đằm thắm. Duy có một lần tưởng đã nổ súng. Lần đó một anh chàng ở khách sạn Việt Nam cao hứng thế nào, góp chuyện với chúng tôi bằng một tàn thuốc từ trên lầu ném xuống. Cuộc vui bị xúc phạm, dù có thể vô ý, tình cờ. Chúng tôi không bỏ qua. Đồng loạt ùa qua khách sạn Việt Nam, lên lầu. Oái ăm thay, người hung hăng nhất là tôi. Với khẩu colt 45 có đạn sẵn trong nòng, tôi lầm lì tiến như đang thanh toán mục tiêu. Rất may, hai anh bạn có mặt trong phòng khách sạn hôm ấy kịp thời khôn khéo vờ ngủ say, nằm im. Cơn giận của tôi như một quả bong bóng gặp gai đâm, xì xuống mau lẹ. Sự nhũn nhặn biết người biết ta đúng lúc, nhiều khi là một vũ khí hữu hiệu để chế ngự đối phương. Nếu chạm phải một đối thủ sừng sỏ, chắc ngón tay trên cò súng của tôi khó giữ được bình tĩnh, hú hồn. Lê Văn Nghĩa đá một cái vào đít anh chàng nằm trên sàn nhà và chúng tôi...rút quân. Về đến phòng tôi bắt gặp Nghiêu Đề mặt xanh như tàu lá, anh ngồi sát vách phòng. Ú ớ một hồi anh mới khuyên tôi đừng nên quá võ biền. Triết lý sống của anh rất đơn giản: chén kiểu đừng nên chọi với chén đất, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ai là chén kiểu, ai là chén đất ? Anh bạn họa sĩ của tôi đúng là một người lành. Ngoài tài hoa về hội họa và văn thơ, anh còn là tay bông đùa duyên dáng vào bậc nhất trong hàng ngũ văn nghệ sĩ miền Nam. Chuyện đùa chuyện thật với Nghiêu Đề luôn luôn lẫn lộn. Anh dí dỏm lạc quan ngay cả khi tôi ngã ngựa sau này:
“Mày giỏi lắm, mày chỉ dùng có bàn chân trái mà đá nát được kỷ luật giấy phép, để muôn năm về với vợ con, võ công đó tao muốn học vô cùng...”
(trong 1 lá thư của Nghiêu Đề) (***)
"..... Hà Nguyên Thạch là cựu học sinh trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng cũng như Trương Duy Hy, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhật Nam, Vũ Ngự Chiêu, Lệ Hằng, Nguyễn Hưng Quốc, Trần Gia Phụng, Huy Giang, Phan Duy Nhân, Lê Hân, Phạm Vũ Thịnh, Vương Ngọc Long, Võ Ý, Vô Tình, Tôn Thất Phú Sĩ, Nguyễn Hữu Viện, Trương Đức Thủy, Nguyễn Nam An, Thành Tôn, Nguyễn Nho Sa Mạc, Trần Vinh Anh, Nguyễn Đức Cung, Thùy An, Lam Hồ, Hoàng Trọng Bân, Châu Văn Tùng, Lê Mạnh Trùy, Tô Yên, Luân Hoán...và còn nhiều nữa, những người vui chơi trong thế giới văn học nghệ thuật, mà tôi chưa biết hết, chưa kịp nhớ ra. (****)
“… Khởi từ đầu thập niên sáu mươi, tại thành phố Đà Nẵng, lớp sinh hoạt thơ văn trung niên và sắp về già như: Thái Can, Vũ Hân, Quốc Dân,Việt Trữ, Hồ Mộng Thiệp, Trần Gia Thoại, Tô Như, Thanh Phương, Anh Đô, Hoàng Trọng Thược... hình như chỉ thu hẹp sinh hoạt trong địa bàn thành phố. Cùng lúc đó, trong đám học sinh, nở rộ việc thành lập thi đàn, bút nhóm. Có vóc dáng và nghiêm chỉnh nhất trong những tập họp này là nhóm Cùng Đi Một Đường. Tôi không rõ ai khởi xướng, ai giữ chân nhóm trưởng. Nhưng thành viên của nhóm, hết thảy, với tôi, đều bạn thân tình : Phan Duy Nhân, Huy Giang, Lam Hồ, Tô Yên, Hồ Cư. Trong năm tay viết, có đến ba nhân vật tập tành... khuynh tả. Và cả năm đều có bài đăng khá đều đặn trên các tuần báo, nguyệt san, tạp chí tại Sài Gòn.
Huy Giang tên thật Nguyễn Đăng Trừng, hiện hành nghề luật tại Sài Gòn.
Lam Hồ tên thật Nguyễn Hữu Nuối, viết mạnh và đều nhất thời bấy giờ, nhưng đã sớm gác bút khi hành nghề dạy học, hiện vẫn ở Đà Nẵng.
Tô Yên tên thật Lê Văn Nghĩa, trở thành cố thiếu tá binh chủng Thiết giáp VNCH, đã hy sinh ở mặt trận Quế Sơn Quảng Nam năm 1972.”

KHÔNG CHÂN KHÔNG

      Ông Hâm quay sang Nhị Nguyên:

- Có khi hắn điên !
Hắn đây là lão Tam, trong mắt ông Hâm, những gì liên quan đến “Tam” đều đáng tin cậy, nhưng đừng tam sao thất bổn…
Lão Nhị Nguyên không tán đồng cũng không phản đối, kiểu không gù, không gật có khi lại đắc nhân tâm. Chỉ cần phán đoán “có khi”, có khi lại chết người.
Nhà triết học người Đức: Immanuel Kant cho rằng nhận thức của con người chỉ biết được hiện tượng bề ngoài, không thể thâm nhập, phán xét được gì về sự tồn tại, vào bản chất đích thực của sự vật. Trong nhận thức cần hạn chế “vòng Kim cô” của lý tính để dành cho đức tin và Kant đã đi đến thuyết “bất khả tri”.
Lão Tam chán thế sự đã đành, lão chán ngấy ông Hâm. Chuyện gì cũng cho là biết, chuyện gì ổng cũng làm thầy thiên hạ. Chán nhưng vẫn là bạn của nhau, vẫn cố “tương kính như tân” để giữ hoà khí, nhưng đôi khi giận hờn nhau tưởng chừng không thể hàn gắn được.
Cuộc đời của mỗi người như ba chi lưu từ một dòng sông. Địa thế hiểm trở, khiến thân phận ông Hâm uốn mình qua bao thác ghềnh, đồi nương. Có lúc êm ái xuôi về đồng bằng, rồi tách ra trăm dòng nhập vào biển cả. Đang học giữa chừng, lão nhảy ra đăng lính. Sắc lính nào kiêu hùng lão cũng thử, chiến trường nào ác liệt lão đào ngũ. Có lúc lão bị tóm cho ra lao công chiến trường.
Lão Hâm phân bua lão không hèn nhát, nhưng lão không thích chiến tranh, lão không muốn bị nướng. Cái chảo gang to đùng, những con kiến thế hệ lão bò quanh, thỉnh thoảng chạm râu vào nhau để ngậm ngùi thân phận, không biết chảo bị đốt nóng lúc nào, cũng không hề biết ai đun củi vào lò.
Trong một lần hành quân, lão đi theo tải đạn. Những trái đạn vàng ối phản chiếu tia nắng mặt trời, dội vào mắt lão nổ đom đóm, lão thấy những tia hào quang chói lọi mang hình lưỡi hái của tử thần. Tiếng hô xung phong đột ngột vang lên trong đêm khiến lão bủn rủn chân tay, lão hoảng hồn lùi dần về phía sau. Không biết viên đạn từ đâu, lão bị thương, cắt cụt một chân. Cha mẹ lão tạ ơn trời phật, kiểu “Tái ông thất mã”, hân hoan đãi tiệc mừng lão hồi cư.
Hoàn cảnh lão Nhị Nguyên lại khác, sinh ra và lớn lên ở vùng đất nửa xôi nửa đậu, cha ông đã mấy đời làm cách mạng, mong chấn hưng đạo đức suy đồi, quốc thái dân an. Chưa đủ lớn, lão đã nhảy rừng, ba phen bốn bận tưởng chừng mất xác. May nhờ âm đức, ngày hoà bình lão về làng vinh quy bái tổ.
Cái tên Nhị Nguyên cha mẹ đặt, lại gây khốn đốn cho lão. Bề trên suy luận: "Nhị Nguyên nghĩa là hai mang khó xài", nên nói gì đến chuyện lão được tin cậy. Thuyết Nhị Nguyên xem vật chất và tinh thần là nguồn gốc của thế giới, nhưng không ai biết cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào. Từ đó, lão đâm ra bất mãn ngấm ngầm, nhụt ý chí, chỉ nghe mà tịnh khẩu.
Càng già, lão Nhị Nguyên cực đoan hết chỗ nói. Những triết thuyết hổ lốn xâm thực sâu dần thành hoang tưởng. Sự hoang tưởng khiến lão mụ mị mê tín, bám víu vào đồng bóng vì mất đức tin. Nhưng những gì đã nhập vào tâm trí lão là chân lý, là kinh điển.
Một ngày lão sực tỉnh, ôm mối “vạn cổ sầu”: Sinh lão bệnh tử, thời gian như cánh chim bay, ân oán biệt ly, danh lợi như giấc Nam Kha, sang hèn giàu nghèo, dân tình khốn khổ, non nước đảo điên… Lão kháng cự lý thuyết cách tân, sự văn minh chỉ làm hư hỏng tinh hoa dân tộc. Lão tôn sùng nền văn hóa của các dân tộc miền ngược, truyền thống lâu đời từ cách ăn mặc đến sinh hoạt cộng đồng, mang sắc thái nhân bản rõ nét. Nhìn lại thấy mình lố lăng quá cỡ, lão đâm ra tự thẹn.
Lão Tam thuộc dòng dõi con nhà danh gia vọng tộc, khoa bảng. Ông nội từng làm Thượng thư triều Nguyễn. Khi Bảo Đại thoái vị, cụ giũ áo từ quan, mang theo chút ít gia sản lên thượng nguồn lập chùa, thí phát quy y. Cha lão xưa kia từng làm quan ngự y, hiệu thuốc Bắc: An Nhiên Đường lừng lẫy, phát đạt một thời ở kinh thành Huế. Lão Tam xuất thân từ trường Thiên Hựu (Institut de la Providence – sau đổi tên thành trường Đại học Khoa học Huế) danh giá. Nhưng số lão không có ơn thiên triệu, xong Bac II (tú tài) lão vào Saigon theo học Văn Khoa. Đời nhà giáo thanh bần nhưng mang danh trí thức, lão bị liệt vào thành phần gia đình quan lại, trí thức tiểu tư sản.
Ông Hâm thấy đầu óc lão Tam lơ mơ, cho rằng lão uống nhầm thuốc. Ông gãi gãi cùi chân cụt, ngước nhìn lão Tam:
- Tôi thấy ông đang sống trên mây ! Gió chiều nào nên ngã theo chiều ấy cho an vui cuộc sống. Thời nào không có kẻ sầu đời hoài cổ… Tôi thuê thợ xây tượng đài cho phần chân bị cắt, nhờ nó tôi được sống… !
Lão Tam lẩm bẩm:
- Sự đảo ngược chính là sự dịch chuyển của đạo, Thái cực tạo ra âm dương, khi dương cực đại chuyển hóa thành tĩnh. Trên nền tĩnh tại, thái cực tạo ra âm. Khi âm cực đại chuyển hóa thành động. Sự tuần hoàn của động và tĩnh là nguồn gốc của nhau. Từ sự chuyển hóa của dương và sự kết hợp của âm sinh ra ngũ hành, tương sinh tương khắc…
Ông Hâm trố mắt, với tầm hiểu biết “thờ chân cụt” làm sao có thể hiểu lão Tam nói gì. Lão Nhị Nguyên lại gật gù.
Chính nhờ không được tin cậy nên lão được đi học, càng có tri thức lão ngộ ra nhiều điều trái ngược hẵn với mớ lý thuyết, một thời mê muội.
Bất kỳ quan niệm sống nào không dựa vào nền tảng đạo đức lâu đời của cha ông đều bị lệch lạc. Người có trí nhưng không có đức là kẻ ác, sự lợi dụng dân trí thấp kém để mưu toan lừa lọc, hại nước hại dân đáng đem tùng xẻo.
Nhớ thời gia cảnh nghèo rớt mồng tơi, hơn sáu mươi năm về trước. Ông thân sinh của Nhị Nguyên làm tá điền cho gia đình cậu Tam, lãnh thêm bầy trâu năm con về “nuôi rẽ”, trâu sinh nghé được chia đôi. Năm Ất Dậu, nạn đói hoành hành, nông dân làm ra hạt lúa mà không có gạo ăn, cả ba trâu nái nhà Nhị Nguyên đẻ cùng một lượt. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, nhưng tuồn ra thằng cu. Ông xin quan Thượng thư ban cho cái tên: Nhị Nguyên ra đời từ đó.
Thời ấu thơ lam lũ, Nhị Nguyên vui cùng bầy trâu suốt ngày lêu lổng, nhưng vốn tính hiền lành được cả nhà quan Thượng thương mến, bảo bọc cho đi học cùng cậu Tam. Gần xong tiểu học, đất nước chia đôi, cha tập kết ra Bắc, mẹ con Nhị Nguyên được quan Ngự y thương tình đem về phụ giúp việc nhà. Nhị Nguyên được ăn trắng mặc trơn phổng phao ra dáng công tử. Lạ đời, so với cậu Tam èo uột như thầy với tớ.
Đầu thập niên 60, miền quê nghèo đượm tình làng nghĩa xóm không còn bình yên, Nhị Nguyên lên rừng. Một đêm gần sáng, Nhị Nguyên dẫn quân về làng xử tử ông thôn trưởng, giết luôn cả người em đang bắt cá ngoài đồng, hốt hoảng chạy về vì nghe tiếng súng. Gia đình cậu Tam lật đật dọn ra thành phố, bỏ cả cơ ngơi nhà ngói ruộng vườn…
Ngày hòa bình, người tá điền còn nhớ tình cũ nghĩa xưa. Tuy tha, nhưng tài sản hiệu thuốc Bắc: An Nhiên Đường của quan Ngự y bị sung công, cậu Tam đưa gia đình lên thượng nguồn nương nhờ cửa Phật, ngôi chùa do cụ Thượng lập nên và quy y trước đó, nay đã viên tịch.
Thời thế đã đổi ngôi, chủ thành tớ thằng lên ông. Dân Tây học, nhưng cậu Tam rành hán nôm, kinh kệ hơn chữ quốc ngữ. Cậu nghiền ngẫm “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” sao mà thấy mình như “Tỉnh để chi oa”(Ếch ngồi đáy giếng)…
Nhị Nguyên được chuyển ngành về nông trường dứa. Anh mang ba-lô đi tìm cậu Tam, vùng đồi núi nhấp nhô đưa anh đến ngôi chùa nằm lặng im dưới chân ngọn Lam-Heo, Thường Đức. Những con đường mòn một thời khói lửa, rừng nguyên sinh Phước Sơn đã xóa dấu chân người, tiếng chim lảnh lót phá tan không gian tịch mịch của rừng thiêng núi thẳm.
Quan Ngự y tiên ông đạo cốt, râu tóc bạc phơ như cước. Vơ chồng cậu Tam và bốn đứa con lại lam lũ, từ quần áo đến nếp sinh hoạt mưu sinh theo dân tộc Cơ-Tu, Xơ-Đăng… nhưng được ông nội dạy dỗ cẩn thận: Văn chương và đạo lý làm người, bên cạnh các môn khoa học kỹ thuật và ngoại ngữ từ cha mẹ chúng. Không đứa nào có khai sinh, nói gì đến học bạ và bằng cấp.
Nhị Nguyên đưa hai cha con cậu Tam về thành phố. Tất cả đã đổi thay, những tà áo dài trắng thướt tha rộn rã tiếng cười, bừng sáng cả cổng trường ngày nào, kể cả chiếc áo dài màu mỡ gà đã cũ của các dì, các cô gánh hàng rong đã biến mất. Nhị Nguyên xin cho cậu Tam làm công nhân ở công trường dứa, chạy chọt cho cháu Tam Tòng vào trường dạng “bổ túc công nông” của nông trường như thập niên 60 ngoài Bắc. Nhưng với trình độ của cháu, không thầy cô nào dạy nổi, nên đành cho cháu làm công nhân.
Sóng dội vào vách đá dưới chân đèo Hải Vân tung bọt trắng xóa, mưa phùn rỉ rả kèm theo gió bấc len vào lạnh buốt thịt da. Ngoài khơi xa, chiếc tàu xám đang lầm lũi hải hành, in trên nền chân trời chấm đen cô đơn như thân phận Tam Tòng.
“Năm Bính Ngọ (1306) vùng đất có đèo Hải Vân thuộc hai châu Ô, Rí của vương quốc Champa. Sau khi vua Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần vào năm 1306, Đèo Hải Vân trở thành ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Phía bắc giáp chân núi có Hang Dơi, gọi là bãi Tiêu, thuyền qua đó hay bị lật chìm:
Đường bộ thì sợ Hải Vân
Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi
Từ đó, vua Trần cho xây dựng cửa ải gọi là Hải Vân quan. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) sai trùng tu. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ: “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề:”Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Tam Tòng leo dần lên cửa ải hoang phế, mây trắng bay ngang đầu, rơi những hạt nước long lanh trên ngàn cây nội cỏ, trên tớc em bay. Trông về dãy núi xa xa, Sơn Trà như con sư tử già bờm dựng ngược, nhìn về Hải Vân quan ngậm ngùi cho sứ mệnh thiêng liêng phòng thủ sơn hà.
Đêm kia, Tam Tòng lang thang trên bãi biển Thanh Khê. Nhìn ra vịnh Đà Nẵng, biển phẳng lặng ánh lên màu mù sương đêm không trăng sao. Em bị khống chế lên tàu vượt biên.
.......
Ông Hâm đưa cây “tó” mòn đế cao su lên trời:
- Tui đâm ra sợ người, cái thằng người hôm kia còn cười giả lả với mình, sáng nay nó trừng mắt. Tui chống tó quay lui, hắn còn muốn đạp !
Quan Ngự y đã quy tiên, ngôi chùa dưới chân núi được các sư thầy về tiếp quản. Tứ Đức – em gái Tam Tòng đưa cha mẹ sang Mỹ định cư. Lão Nhị Nguyên gật gù:
- Nhân tâm, nhân tâm… Thiện tai, Thiện tai ! Không thành danh cũng thành nhân !

NGƯỜI THẦY GIÁO GIÀ


 

     Tiếng phanh gấp rít lên rợn người, cày trên mặt đường nhựa vệt dài bốc khói giữa buổi trưa nắng gắt hiếm hoi của vùng cao nguyên. Người đàn ông bị hất tung lên, sóng soài trên mặt kính chắn gió, rồi trượt dần xuống trước đầu xe ô tô.

     Tuấn xe ôm quay nhìn người bị nạn, bỗng anh hét lên:

-         Đ. má, thầy tui…

     Anh chạy đến ôm người đàn ông bị nạn, máu đã ướt đẫm ngực chiếc áo semi trằng, trên vầng trán mênh mông hằn lên vết nứt, những giọt máu tươi ứa ra lăn dài...

     Anh dạng hai chân, đón những chiếc xe xuôi ngược, gào lên:

-         Cấp cứu, cứu… cứu…

     Xe taxi lách anh đi qua, xe khách bóp còi lách anh đi qua, xe tải, xe máy hiếu kỳ dừng lại rồi lách anh đi qua...

Người cảnh sát giao thông xuất hiện đột ngột, tiếng còi ré lên, vòng người bao quanh Tuấn quay tròn như đèn cù.

     Tuấn cúi nhìn, người đàn ông trên tay anh ưỡn người rồi mềm nhũn như sợi bún, nặng trịch.

     Mới hôm qua, người đàn ông kia còn lơ ngơ đón xe về dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập trường. Anh xe ôm đon đả:

-         Chú về đâu? Về đâu? Ơ kìa! Thầy Nh. phải không?

Thầy nhớ em không, em là Tuấn, 12c đây thầy…

     Người thầy giáo già đăm chiêu cố gợi lại để nhớ những ngày năm tháng cũ nhưng không thể hình dung người xe ôm lam lủ kia là học trò mình. 

-         Để từ từ thầy… nhớ, hơn ba mươi năm rồi phẳi

không?

-         Dạ, em ngồi cuối bàn, gần cửa sổ đó thầy! Nhà em

gần sân banh, ba em là ông S. sửa đồng hồ… 

     Người thầy giáo già chưa thể nhớ, nhưng cảm thấy ấm lòng, ông vổ vai Tuấn:

-         Cho thầy về nhà nghỉ nào đó…

-         Dạ, gần thôi thầy…

    Chiếc xe máy hình như đuối hơi khi lên con dốc nhà thờ, Tuấn chòi chân tiếp sức, những cây thông già u nần tươm nhựa màu hổ phách, tiếng chuông lễ chiều mênh mông buồn như gợi cho ông nhớ về một thời xưa cũ…

-         Đến rồi thầy! Dạ, nhà em, kính mời thầy nghỉ tạm…

    Căn nhà mái tole, vách ván chồng mí đơn sơ, Hàng cây mimosa lá xanh non xen màu trắng bạc, những chùm hoa cánh nhỏ li ti vàng rực khiến ông nhớ đến một thời đẹp nhất đời ông.

………. 

     Nhiệm sở đầu tiên đưa ông đến thành phố cao nguyên này, bỡ ngỡ ban đầu đã nhường chỗ cho lòng say mê nghề nghiệp và yêu mến con người hiền hòa, chơn chất nơi đây, thành phố ngàn hoa: Đà Lạt, cao nguyên Lâm Viên. "Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Từ một địa điểm hoang vu, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương"(Wikipedia)

     Cô học trò Julie Lê giới thiệu cho ông ở trọ trong căn biệt thự xinh xắn trên đồi Cù, kế hồ Xuân Hương. Bà chủ xinh đẹp Helen An cũng là giáo sư  dạy nhạc của trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, ba mẹ Helen đã định cư ở Pháp. Tình đồng nghiệp dễ cảm thông và dần thân thiện. 

     Không gian im lắng trong màn sương, đêm sâu ngào ngạt mùi hương. Tiếng đàn piano dồn dập: "Le Beau Danube Bleu" của Johann Strauss II từ phòng khách của Helen khiến lòng ông bâng khuâng nhớ về dòng sông hiền hòa ở vùng quê miền Trung xa lắc, ông hình dung đôi thiên nga trắng muốt đang say mê múa lượn ven hồ. Bỗng nhiên ông đưa hai tay như dìu giai nhân lướt đi theo điệu valse huyền hoặc. Tiếng đàn ngưng bặt, rơi vào đêm không trăng lặng ngắt. Em đâu rồi hỡi Pansée tím ngát trong đêm trăng Vĩ Dạ mờ ảo, đất Thần kinh…

     Chàng sinh viên Đại học sư phạm Huế không bao giờ quên được bóng dáng yêu kiều của Linh, ông đặt tên nàng là Pansée - màu hoa thương nhớ, nơi nàng đã được sinh ra. Họ đã sống bên nhau, nơi con sông Hương uốn mình trước khi xuôi về cửa Thuận An mênh mông trời biển… Nhưng Linh đã lặng lẽ rời xa không một lời từ biệt. 

     Hai năm sau, ra trường ông đã chọn nhiệm sở xứ hoa Anh Đào, ông hy vọng sẽ được gặp lại nàng. Helen An ngạc nhiên vì khách trọ chỉ về nhà khi đồi Cù đã chìm vào bóng đêm, cô thầm đoán ông dạy thêm đâu đó. Nhưng không, ngày nghỉ cũng thế, sinh hoạt bất bình thường lẫn sự hờ hững của ông khiến cô từ ngạc nhiên dẫn đến hiếu kỳ. Không biết tự lúc nào, cô đứng trông chờ bước chân về nhà trọ của ông.

     Tiếng chuông nhà thờ Chánh tòa (nhà thờ con Gà) vang lừng giục giã trong đêm Noel, Hellen An ngạc nhiên thấy người khách trọ thành kính quỳ nguyện cầu nơi góc giáo đường. Nàng lặng lẽ đến sau lưng người khách trọ…

     Đêm thiêng liêng, bên tách trà ngát hương ông kể cho Helen An nghe về Linh. Đôi mắt Helen An sáng rực trong đêm, đôi dòng nước mắt lấp lánh phản chiếu ánh sáng chớp tắt của lồng đèn ngôi sao in hình đức Chúa Kito.

     Nàng lặng yên lắng nghe, Helen An mời ông lên gác, trong căn phòng xinh xắn có cửa sổ nhìn ra vườn hoa Pansée tím ngát, hướng về đồi Cù. Ông giật mình lùi bước khi nhìn thấy bức chân dung…

     Ngẫu nhiên hay Thiên Chúa an bài, Linh là em ruột Helen An. Linh đã mất trong một tai nạn giao thông, sau ngày nàng từ giả ông, về lại Đà Lạt.

     Linh nằm đó, trong ngôi mộ đìu hiu cuối vườn ngập tràn màu hoa Pansée tím ngát. Chuyện tình của ông và Linh như một thoáng trong mơ…

……….

      Ngôi trường giờ đã khác xưa, bề thế với ba dãy lầu tạo hình chữ U sơn màu vàng nhạt, nổi bật sau hai hàng phượng vỹ đang độ chớm hè lung linh những chùm hoa tím ngát.

     Tiếng trống rộn rã chào mừng theo bước chân quan khách. Những thầy cô giáo tóc đã hoa râm nhiều năm gắn bó với trường, tay bắt mặt mừng. Từ ngày về hưu, họ không có dịp về lại trường xưa và những người kế tục quá bận rộn, không có thời gian để nhớ đến họ?

     Mặt trời lên cao, các em đã ngồi ngay ngắn theo từng khối lớp, đợi chờ từ sớm. Những cánh tay đưa lên gạt mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt non tơ.

     Thầy hiệu trưởng nóng ruột xem giờ, những vị khách quan trọng của buổi lễ chưa đến. Đã gần chín giờ, chương trình văn nghệ lấp đầy khoảng trống không còn tiết mục.

     Buỗi lễ diễn ra trong không khí tưng bừng, những lời phát biểu thành tích, những lời tri ân đến với các vị quan chức được đề cập, kết thúc bằng những tràng pháo tay vang dội.

     Gần cuối chương trình, các thầy cô giáo già ngơ ngác nhìn nhau, không nghe lời nào nhắc đến họ, ông dõi mắt tìm những khuôn mặt đã một thời cùng dạy với mình nhưng hôm nay vắng bóng.

 

 

 

Hai lão là bạn chí cốt, dù quê hương bản quán cả hai chẳng ăn nhập gì với địa phương mang cái tên Dầu Giây.

1.   Xưa kia, vùng này có rất nhiều cây Dầu, trên thân của nó có nhiều dây leo chằng chịt. Người địa phương theo thời gian phát âm trại đi "Dây" thành "Giây", lâu ngày thành tên.

2.   Năm 1954, một số giáo dân theo hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào khu vực miền Nam, đã an cư lạc nghiệp ở nơi này, họ đem theo mình những tập tục, thói quen trồng cây trầu tại khu mình sống. Vì thế ở đây xuất hiện rất nhiều cây trầu dây nhưng người Hà Nam Ninh phát âm "tr" thành "d, gi", do vậy trầu dây đọc thành Dầu Giây.

Đồn điền cao su Suzannah được khởi công xây dựng khoảng đầu năm 1900 trên vùng đất Dầu Giây. Nơi đây đã thu hút nhiều công nhân cao su thuộc các tỉnh: Quảng Trị, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong số các công nhân cao su này có khoảng 300 người công giáo.

Năm 1905, Cha R. P. Artif thuộc Hội Thừa Sai Paris (M.E.P) đã đến đây lập nên một họ đạo nhỏ với một nhà nguyện được xây bằng đá để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. Một năm sau, nhà thờ Giáo xứ Dầu Giây được xây dựng bằng đá vôi tôi, mái ngói theo kiểu kiến trúc Pháp.

Già Lin

 

http://www.giaoxugiaohovietnam.com/XuanLoc/01-Giao-Phan-XuanLoc-DauGiay.htm

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...