Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

BÊN LỞ BÊN BỒI



     Chú Dũng ôm tập vở, ngồi lắng nghe tiếng kinh tụng đều đều phát ra từ chiếc loa gắn trên cổng tam quan chùa Thiên Vân Tự, thỉnh thoảng tiếng chuông bon làm chú giật mình.

     Người đàn bà đẻ rơi và cuộn đứa con mình trong bốn trang báo lớn, lảo đảo bước đi không hề ngoảnh lại. Đứa bé được vợ thầy giáo Sinh cắt rốn và cho bú mớm. Gia cảnh nghèo túng đông con, khi chú được bảy tuổi, thầy giáo Sinh đưa vào chùa ăn nhờ cơm Phật, thọ giới Sa-di.
     Xong tiểu học, chú đã thuộc lòng kinh kệ. Thầy trụ trì ngạc nhiên và thầm khen sự thông minh của chú, ngoài học văn hóa chú được thầy cho học thêm sinh ngữ và võ thuật. Sự sinh hoạt lẫn lộn đạo, đời khiến chú ngộ ra nhiều điều.

     Người mệnh phụ sang trọng bước ra từ chiếc xe hơi màu bạc, lấy từ trong giỏ chiếc áo lam khoác vội vào người, xăm xăm bước lên chánh điện. Chú Dũng chắp tay cúi đầu chào, chú gõ chuông để bà lễ Phật, đồng thời cũng là tín hiệu báo sư phụ có khách.
     Đôi mắt bà lim dim cầu khấn điều gì, chú không nghe rõ. Chỉ nghe “Nam Mô A Di Đà Phật” liên hồi, bà quỳ xuống ngước mặt nhìn đấng Chí tôn với lòng thành kính vô biên.
     Tiếng chào “A Di Đà Phật” của thầy trụ trì khiến bà quay lại, chú Dũng nhìn thấy sự thảng thốt trong đôi mắt  và bà vội vàng quay lui, không chào từ giã thầy như những thiện nam, tín nữ vào chùa.
     Chú bước vào hậu liêu, lòng bâng khuâng không hiểu việc gì vừa xãy ra. Thầy đang quỳ trì chú và niệm Phật, có lẽ mong tiêu trừ khổ nạn, chướng ngại trên con đường đạo hạnh của thầy.

     Mười bốn năm về trước, thầy qui cố hương với mảnh bằng tiến sĩ “Triết học Đông Phương”. Thầy say mê khám phá kinh tạng Nikàya Pàli và A-hàm thuộc Phật giáo truyền thống, những gì đức Phật đã dạy suốt 45 năm truyền giáo hay còn gọi là kinh tạng nguyên thủy, gồm những giáo lý căn bản như Tứ Diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã…
Thầy được Thượng tọa Thích Như Tuệ trụ trì chùa Thiên Vân Tự nhận làm đệ tử và xuất gia từ đó.
     Chú lặng lẽ quỳ sau lưng Thầy, tiếng mõ nhẹ nhàng thanh thoát đưa tâm hồn chú phiêu linh, chú nghe tiếng gọi từ cõi mơ hồ, một giọng nữ ngân vang:
-         Hãy theo ta! Nơi của con không ở chốn này.
     Chú như mộng du lùi dần ra cửa, chú bước theo vầng sáng lung linh xoáy tròn giữa hai con mắt. Chú băng băng qua rừng bạch đàn sau chùa, đường mòn như có lân tinh sáng màu trăng, trải vàng phía trước. Người mệnh phụ ban chiều như sương như khói, đưa tay vẫy, chú bước càng nhanh. Con sông lấp lánh, gợn sóng lăn tăn, ánh lên màu bạc. Mặt nước rẽ đôi, chú lầm lũi bước theo vầng sáng ma mị.

     Chú Dũng nghe nhiều giọng rất trẻ, gào lên than van nhớ mẹ, họ đã chết khi chưa đủ lớn nay thành hồn ma bóng quế, sống vất vưởng không nơi nương tựa. Họ chỉ còn biết ngưỡng vọng tôn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, họ nương theo để hưởng chút hương hoa ngày vía.
     Thầy Thích Như Tuệ đã viên tịch, hệ thống chùa chiền bị phân hóa,  quan niệm “Tôn giáo phi chính trị” đã lỗi thời, người đời không còn nơi bám víu. Phật, Chúa và Thượng đế mơ hồ, đức tin chỉ còn trong lòng những người hiền lương nhưng khốn khó.

     Mẫu Thượng Ngàn rùng mình khi nhìn những khuôn mặt nung núc phủ phê no đầy, đang lim dim tụng kinh ê a mà đạo hạnh buông thả theo dục vọng đời thường.
     Tiếng trống cầm canh mơ hồ đội về từ cõi thiên thai hay địa ngục, những cô hồn lầm lũi cúi đầu đi về nơi họ đã nằm xuống: Rừng sâu núi thẳm, sông rạch ao hồ, trên những con đường gồ ghề đầy vết đạn bom hay trên đồi cao mịt mù sương khói...
     Lời cầu siêu nào dành cho những oan hồn vô danh tính? Nếu đời không còn chân, thiện, mỹ sẽ đưa ta đến chốn trầm luân? Sự dốt nát dễ bị lừa mị nhưng cũng dễ ngộ ra chân lý, khi không còn niềm tin.
………
     Người mệnh phụ sang trọng kia vẫn không quên được tình yêu thánh thiện của mình, càng không thể quên nên nỗi oán thù càng dậy sóng đeo đẳng theo bà. Đôi khi bà tự vấn lòng mình và lặng người nghiền ngẫm chân lý muôn đời, sự hiển linh đã minh định:“Khổ hải mang mang/ Hồi đầu thị ngạn”(Biển khổ mang mang/ Quay đầu lại là bờ).    
     Đã biết vậy, nhưng lòng tiếc nuối khôn nguôi những ngày thơ mộng đầu đời. Oan gia cho bà gặp lại người xưa nay thay hình đổi dạng, sự ân hận và quay về bến giác của người có chuộc lại lỗi lầm đã đẩy đưa bước chân bà đến chốn khổ đau và bà có ray rứt khi quay lưng với giọt máu của mình vì sự hào nhoáng của gia đình danh gia vọng tộc?
     Sự sang trọng và nét đẹp quý phái kia không mang lại niềm an lạc cho bà, tất cả vật chất trên đời, lầu son gác tía chỉ là mảnh phù vân, chỉ có tình yêu trong bà là vĩnh cửu. Khi chạm mặt, lòng bà dâng lên niềm ai oán nhưng bà đành lòng quay lưng.

     Thầy trụ trì lim dim lần tràng hạt, tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian tịch mịch, nắng chiều còn sót lại những tia nắng vàng chói xuyên qua tàn cây kẽ lá đồi thông, như ánh hào quang từ cõi Tây phương cực lạc. Thầy thở dài nhớ về mối tình trong tuyệt vọng năm xưa, chàng sinh viên nghèo đã gieo vào lòng cô tiểu thư khuê các niềm tin yêu và ngưỡng mộ, nhưng không hề biết đã để lại trong cô một sinh linh đã tượng hình khốn khổ trên thế gian này.

     Chú Dũng quay về, màn đêm tím sẫm, ánh trăng lưỡi liềm non và những vì sao long lanh soi sáng lối mòn giữa rừng bạch đàn, thấp thoáng bóng dáng ngôi chùa Thiên Vân Tự lúc ẩn lúc hiện trong sương. Người đàn bà sang trọng như có ma lực, hình ảnh của bà không hề rời khỏi tâm trí chú.  
     Chú nhớ lời Phật dạy: “Nếu không nợ nhau, làm sao gặp gỡ”. Người tình kiếp này là vợ chồng kiếp trước, nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này, là anh em kiếp trước, sẻ chia cho hết nợ. Nhân quả luân hồi, duyên nợ tiền kiếp khiến chú gặp bà nhưng duyên khởi chưa tàn, chỉ là số kiếp mà thôi!

     Đứa con trai oan nghiệt bà đã bỏ lại trước cổng nhà vị cư sĩ năm xưa, nay đã theo bước chân tu hành của người cha, vị đại đức đạo hạnh đáng kính trong ngôi chùa thâm nghiêm kia.
     Chú Dũng dừng chân giữa mênh mông sóng nước tách đôi dòng, những vì tinh tú lấp lánh diệu ảo Tây phương thấp thoáng hào quang đức Thế tôn từ bi, độ lượng. Dòng bên kia, những lâu đài điện ngọc lơ lửng trong chín tầng mây, sương mù giăng kín lối, lập lòe ánh đuốc ma trơi, lũ quỷ sứ nhởn nhơ hát vang bài ca ngày tận thế.

     Chúng bóc trần những linh hồn khô máu, đày đọa đến tứ cố vô thân những oan hồn rách nát. Chúng sống bê tha như loài không tri giác, để lãng quên nỗi khổ làm người hay cố quên thân phận ngu si, lầm đường lạc lối của mình?

QUAY ĐẦU LẠI LÀ BỜ



     Mười bảy tuổi Kiều đẹp mê hồn, biết bao người ngưỡng mộ. Ngoài thời gian đi học, những tụ điểm ca nhạc một thời hoàng kim không thể vắng bóng dáng nàng, tiếng hát của nàng  cao vút như chim sơn ca. Nhưng Thịnh “du côn” khinh khỉnh xem Kiều như cỏ rác. Kiều thề quyết cho thằng du côn Thịnh gục, gục đâu không thấy mà mang bầu con Loan bây giờ.
     Thương thân bạc phận, Kiều thầm trách cha trách mẹ lẫn oán ông Nguyễn Du sao đặt tên Kiều. Tên vận vào người, có mụn con gái tên Loan mong được đẹp đẽ như mình, ai ngờ số phận long đong.
     Những đêm khuya rời nơi phồn hoa đô hội, ánh đèn sân khấu sau lưng, Kiều thui thủi một mình về căn nhà cô đơn của mình. Tình nghệ sĩ chan chứa biết bao, nhưng tri âm dễ có mấy người, tiếng hát lời ca đã nuôi sống mẹ con nàng.
     Loan chưa xong trung học, nghiệp dĩ giống mẹ Kiều ngày trước, thằng Hanh ra đời. Con gái đẹp không bình yên, sự xưng tụng của nhân gian đã khiến em ngộ nhận. Cha mẹ cho em hương sắc, trời lại không ban cho em đủ thông minh để tránh né sự điêu ngoa, gian dối của cuộc đời.
     Mẹ Kiều có kinh nghiệm dạn dày trong tình ái, nhưng không giữ nổi con mình. Thầy Ba lắc đầu:
-         Nhìn sắc diện hai mẹ con, qua biết đời các em
“hồng nhan đa truân” lắm lắm! Cả hai đều có sao hồng loan, đào hoa chiếu mệnh nên tình duyên ngang trái, dở dở dang dang…
     Khỏi phải nói, căn nhà cuối xóm của mẹ con Kiều dập dìu ong bướm. Đời người nghệ sĩ ăn trắng mặc trơn, đi đi về về có người đưa đón, toàn bậc vương tôn. Mụ Tư tạp hóa ngoài mặt tỏ ra ân cần tử tế, nhưng sau lưng lại thì thầm nhỏ to khắp xóm:
-         Loại đàn bà “Đưa người cửa trước rước người cửa
sau” chớ tốt đẹp gì! Mấy bà thấy ai làm đĩ mà xấu không nà?
     Mà lạ thiệt, cô nào cũng trắng da dài tóc xinh đáo để. Chồng mụ Tư thậm thụt muốn ặn tươi nuốt sống mẹ con Kiều, nhưng khi “chộ” nàng trước mặt vợ lại tỏ ra đứng đắn như thầy tu, quay lui lật đật bước lên lầu đóng cửa nhìn trộm thân hình bốc lửa của Kiều, rồi tưởng tượng ra cảnh ái ân, tâm hồn phơi phới lơ lửng như lên mây.
     Lão Tư đang thời sung mãn, dư ăn dư để rửng mỡ. Bia ôm gái gú đủ điều, nhưng lão thật sự chết mê chết mệt em Kiều. Có lần vợ lão nằm bệnh viện mấy ngày, không biết ma xui quỷ ám thế nào mà lão cầu mong mụ vợ chết phứt cho rồi!
     Lão tìm cách “gạ” Kiều bằng tấm lòng tỏ ra hữu hảo:
-         Thấy mẹ con em đơn chiếc, nếu có gì cần anh sẵn
sàng giúp một tay! Tiền bạc anh không thiếu, nếu em…
     Nói xong lão ôm đại Kiều để thỏa lòng ấp ủ bấy lâu nay. Kiều từ tốn ấn thân hình phì nộn xuống ghế nệm dài êm ái, vòng tay thô bạo của lão ghì chặt chiếc eo thon rồi xoa dần xuống bờ mông khêu gợi chết người, nhìn đôi vú  trắng hồng lồ lộ như hỏa diệm sơn của nàng, khiến lão đê mê ngây ngất. Cơn hưng phấn bùng lên dữ dội, trời sập cũng không ngăn được lão…
     Lão ngất ngây dư hương. Lão mơ màng nhớ những nụ hôn gợi cảm, tiếng rên siết gợi dục không thành lời, chỉ còn ú ớ bản năng, lão buông mình theo cảm xúc, mặc kệ đời. Lão choáng ngợp trong hào quang mông muội, ngu si, chạy theo dục vọng, khát khao mê đắm…
     Nhưng chiếc trâm cài đầu trong bàn tay mượt mà của Kiều ấn vào bụng lão, mũi kim nhọn hoắt thốn tận tâm can. Nàng nhìn lão bằng đôi mắt nhung, hồn nhiên dịu vợi. Dáng đi kiêu sa của nàng đến bên quầy rượu, đôi ly thủy tinh chạm nhau, thoang thoảng hương nồng rượu Martell khiến lão tỉnh người. Ánh mắt nàng thân thiện ngọt ngào, lão như lạc vào thiên la địa võng, càng khiến lão điên người.
     Lão đã từng hùa theo lũ ngợm nhân danh công lý, một lũ bất tài công kênh sản phẩm văn nghệ thối tha, đồng tình hò reo vinh danh. Một lũ nịnh nọt tệ lậu vây quanh, một lũ hài nhảm nhí làm băng hoại, tiêm ảo giác, khiến bao trẻ thơ viêm não. Đến nỗi từ kẻ vô thần, lão sùng kính thần quyền mê đắm.
    Lão Tư sửa lại thế ngồi, nhìn quanh phòng khách. Bức tranh nàng Mona Lisa đang nhìn lão với nụ cười bí hiểm. Trong tủ, những cuốn sách cả đời lão chưa hề biết: “Tập truyện ngắn” của A. Chekhov, “những mẩu chuyện ở Peterburg” của Nicolai Vasilyevich Gogol, “Tội ác và trừng phạt”,“Anh em nhà Karamazov” của F.M.Dostoevsky, tập truyện ngắn của Guy De Maupassant…
     Những tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như Đường Xưa Mây Trắng, Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, Am Mây Ngủ, Trái Tim Mặt Trời… gáy sách mạ vàng, trang trọng và hàng loạt các tác giả từ sâu trong đáy lòng, lão đã từng kính ngưỡng…
     “Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mọi nghi thức và lý luận về giáo pháp. Hãy tọa thiền để kiến tính… Đặc trưng của thiền tông: Giáo ngoại biệt truyền (truyền giáo pháp ngoài kinh điển), Bất lập văn tự (không lập văn tự), Trực chỉ nhân tâm (chỉ thẳng tâm người), Kiến tính thành Phật (thấy chân tính thành Phật)…”
     Lão như lạc vào mê cung, nhìn lão chúi đầu vào những trang sách giống con ếch bà hai tay đỡ đầu, mồ hôi rịn ướt đẫm trên vầng trán thấp lòa xòa mái tóc đã chớm ngả màu, nhưng càng đọc lão càng không hiểu.
     Ý nghĩ về Kiều đã xoay chiều, lão đâm vị nể nàng. Lão nghe đâu đó: “Hơi thở giống nhau, giàu nghèo do số mệnh nhưng nhân cách hơn nhau là nhờ có văn hóa!”.
     Mụ Tư tạp hóa ngạc nhiên quá, lâu nay mụ không thấy “Tư mập” đọc sách báo gì, bỗng dưng ôm về một mớ toàn sách dày cộm. Lão không biết đọc tiếng tây, nên những tác giả lão thấy trong tủ sách nhà Kiều chỉ nhớ lõm bõm, lão tìm khắp nhà sách to bự trong thành phố, không thấy cuốn nào từa tựa, lão đành mua đại.
     Nhưng đọc sách phải có niềm đam mê, học được ở sách vô vàn điều lý thú. Nhưng đọc và cảm thụ một tác phẩm văn học lại là điều không dễ dàng gì, những tác giả vĩ đại đã trao tặng cho người đọc “đôi hài vạn dặm”, “thiên lý nhãn” tuyệt vời.
     Tư “mập” ngồi nghiêm chỉnh lật từng trang sách, mùi mực in còn thơm nồng trên giấy trắng trinh nguyên, những con chữ nhảy múa thách thức, quả thật lão gặm không vô.
     Lão chán ngấy khi trà dư tửu hậu, mà nghe đàm đạo văn chương. Đôi khi lão cũng tỏ ra mình có máu văn nghệ, bằng cách kể các chuyện đời tư không hay ho gì của ai đó lão nghe lóm được, rồi cười hề hề tự tán thưởng. Đối với lão tiền là quan trọng nhất, đề tài ưa thích là khoe khoang thành tích và sự giàu có của mình.
     “Cái tôi” là mẫu số đáng nguyền rủa, mẫu số càng lớn giá trị phân số “nhân cách” càng bé.
     Tư “mập” vớ đại tác phẩm của một nhà văn nữ, nghe tên đã thấy mê rồi: Nhã Tiên, lời văn bình dị mà sâu lắng nghe chừng như tự sự. Chuyện kể về một người con gái đồng bằng sông Cửu Long, qua bao thăng trầm, gian khó của cuộc đời nhưng vẫn giữ cốt cách của người dân miệt vườn bao dung và đầy lòng nhân ái. Đã lâu rồi lão mới thấy lòng mình bồi hồi thương cảm và tiếc nuối gấp sách. Chân dung tác giả ở bìa sau trông rất quen thuộc, lão la lên: Cô Kiều!
    Nhà Kiều bị vườn cây che khuất, chỉ thấy được ánh đèn như sao mai trên mái vòm, lúc bình minh chưa lên. Phương đông ửng hồng, cũng là lúc ánh đèn mờ dần trong sương sớm. Những đám mây bay qua rõ nét, trên nền trời xanh thẳm, chớp mắt đã biến dạng.
    Áng mây hình con ngựa đang tung vó, bỗng chốc nhạt nhoà. Mang theo cả ký ức xa xôi ngày nào mới chợt hiện về, đã bay theo gió.
     Trong những lần theo đoàn quân hướng về Tây Bắc, lão đã gặp người con gái cưỡi ngựa trên đồi, chiếc khăn piêu ngan ngát hương, đẹp tinh khôi như hoa ban rừng. Lão đã từng tưởng tượng mình là chàng Khum lang thang đi tìm nàng Ban, hoa ban nở trắng núi rừng.
     Có lần trong lúc cao hứng, Tư “mập” kể:
-         Em đưa tôi về mường,  nhà sàn bề thế của dòng
họ Xa danh giá một thời, em chưa “tằng cẩu”(búi tóc). Em “khắp”(ngâm, đọc thơ) và múa say mê, lòng tôi ngẩn ngơ :
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Tây tiến - Quang Dũng)
     Phảng phất đâu đây mùi hương hoa cỏ dại, từ những cánh rừng xanh bạt ngàn. Những ngôi nhà sàn thấp thoáng ven bờ suối, hoa ngũ sắc  bay bay trong gió. Em mời “láu xá”(rượu cần), chưa nhắp mà lòng tôi đã say men!
     Lão Tư giật mình, không lẽ chốn quan trường đã làm thui chột tâm hồn trắng trong và tình yêu thi ca thánh thiện của lão? Niềm tin yêu và cuộc sống đích thực lâu nay bị chôn vùi bỗng bùng lên mạnh mẻ, quyền năng nào đã chế ngự và dìm chết tâm hồn thực sự yêu văn chương của lão? Đã lâu rồi lão đâm ra hèn nhát, cảnh giác không dám bộc lộ tư tưởng và bản chất phóng khoáng của mình, dù với người thân cận nhất.
     Phong cách và nhân sinh quan của Kiều đã làm sống lại tâm hồn người của lão. Lão thấy lòng lâng lâng muốn giã từ sự hào nhoáng giả tạo đã đi qua trong cuộc đời mình. Cả đời lão Tư “mập” gom lại chỉ toàn là sự dối trá, đối phó với chính những người đồng liêu của mình. Đôi khi lão áp dụng kế “kim thiền thoát xác” của Tôn Tử để che dấu hành tung, nhưng cuối cùng chỉ còn là hư ảo, không giá trị bằng vài dòng chữ trong chiếc tủ sách kia của Kiều. Có khi: “Quay đầu lại là bờ…”

THỨC TỈNH



     Có bao giờ tâm trạng bạn như tôi bây giờ? Nghĩa là không biết làm gì, đầu óc trống rỗng. Tệ hại thật, với con người luôn năng động như tôi, chưa bao giờ tôi đầu hàng số phận, thế mà hôm nay chán chường mọi thứ.
     Bìa rách, mối gặm đã từ lâu nằm sâu trong ngăn sách, những gì đã cũ thường chịu số phận hẩm hiu. Truyện ngắn “Ông già và biển cả”(The old Man and the Sea) của Ernest Hemingway, tác phẩm đã nhận được giải Pulitzer và giải Nobel văn học năm 1954. Sự liên tưởng bất chợt, nhớ đến ông già Cuba khốn khổ: Santiago đã câu được con cá kiếm khổng lồ và ba ngày đêm quay cuồng với nó trên biển. Đến ngày thứ ba, sau khi đâm chết được con cá, ông buộc nó vào mạn thuyền nhưng đàn cá mập đánh hơi mùi máu, ông lại đem sức tàn chống lại lũ cá hung dữ. Ông giết được nhiều con, nhưng khi nhìn lại con cá kiếm của mình chỉ còn trơ lại bộ xương. Ông cũng không ngờ tiềm năng dũng mãnh trong thân thể già nua lại ghê gớm đến vậy.

     Tôi cảm thấy mình hèn nhát. Ngoài kia, bão tố đã tàn phá đớn đau quê hương tôi như những mảnh vụn thịt xương con cá kiếm bị bầy cá mập cắm phập vào hai hàm răng tàn bạo, chia năm xẻ bảy. Sự bất công và nhân tâm ly tán là hệ quả của nhận định nhầm lẫn về tính dân tộc và tình yêu thương đất nước. Tôi tự nguyền rủa mình, tôi hát vang lời ca:
 “… Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà/ Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà/ Dậy mà đi/ Dậy mà đi/ Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi…”.
     Bài ca hào hùng năm xưa, trong những lần xuống đường tranh đấu của thời trai trẻ đầy nhiệt huyết, sẳn sàng hy sinh để giành lại tự do, độc lập cho đất nước mình, bây giờ tôi hát trong căn phòng kín. Tôi sợ…

     Đã bao lần vườn không nhà trống, tổ tiên tôi đã chấp nhận hy sinh thân mình, gia tộc mình để chống lại ngoại xâm. Đã đôi ba phen những kẻ khốn nạn rước voi về dày mả tổ, số phận của những kẻ phản bội đời đời nhục nhã còn lưu dấu mãi trong trang sử Việt kiêu hùng.

    Sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào tôi, cốt nhục tương tàn bao năm qua. Máu xương của dân tộc tôi được đánh đổi để giành đặc quyền, đặc lợi cho một nhúm người? Tổ quốc này đâu phải của riêng ai, tại sao tôi lại thờ ơ với những gì xảy ra chính nơi tôi đang sống?

NGOẠI TÔI


     Bà quẹt nước trầu đỏ thắm rịn khóe môi, tuổi chưa già nhưng mắt đã hom hem, bừng sáng mừng rỡ:
-          Tổ cha mi!
     Tôi ôm chầm lấy ngoại, bà nắm cả hai tay sợ tôi chạy mất, dắt vô nhà. Ngoại chỉ có mình thím tôi. Quê nội tôi bên kia sông, biền dâu xanh ngắt, đò ngang cách trở thím ít khi về. Tôi mồ côi mẹ khi chớm lên ba. Ngày thím chưa có thằng Mẹo, thím cưng chìu tôi hết mực thường dắt tôi về thăm bà, tôi có bà ngoại, ngoại cũng thương tôi.
     Chú thím tôi, như bao nhiêu người nông dân chất phác khác ở quê tôi. Không đẩy đưa, không biết khách sáo là gì.
    Thằng Mẹo, con chú. Nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Làng tôi có tục gọi cha mẹ theo tên đứa con đầu lòng. Cha tôi gọi là anh Tí. Chú thím tôi, gọi chú thím Mẹo. Riết rồi tôi cũng không biết tên thật của chú thím tôi là gì.

     Cha tôi ở xa – tôi ở với ông bà nội. Đất hương hoả giao cho chú canh tác, lấy hoa lợi cúng giỗ, chạp mả hằng năm. Nhà chú đơn sơ, tre bụi sau nhà, rạ sau mùa gặt. Hầu như các vật dụng bằng tre trong nhà đều do chú làm, từ cái chõng, mành mành, cái bồ, phên (cót) dựng quanh nhà, trét cứt trâu phơi khô, sọt tre, đòn gánh…
     Có khi hơn mười ngày, thím mới quảy gánh đi chợ. Cõng theo vài con gà, trái bí, trái mít xuống chợ huyện, mua về các thứ cần dùng. Những đứa con chú tôi, cứ vô tư ra đời. Ba năm hai đứa. Từ thằng Mẹo, con Tỵ, con Hà, bé lớn, bé nhỏ, thằng Hợi anh, thằng Hợi em (hai đứa sinh đôi). Ông nội tôi trầm ngâm : “tam nam bất phú, bay ráng đẻ thêm một thằng hay con chi cũng được. Bốn thằng thì tứ hổ, năm con thì ngũ long công chúa, bay mới phát ”. Đến ngày ông nội tôi quy tiên, chú tôi vẫn nghèo. Ngày càng nghèo hơn xưa.

    Thằng Mẹo xong tiểu học, thi vô trường công lập hỏng. Chú nói: “Văn chương chữ nghĩa chẳng hay, trở về làng cũ học cày cho xong”. Không có thằng Mẹo cặp kè đến trường, không có thằng bặm trợn là nó, hay bênh vực tôi. Tôi năn nỉ ông nội cho nó đi học, ông nội la chú quá trời. Ông nói :”Học dã hảo ? Bất học dã hảo ? Học giả như hoà như đạo, bất học giả như cảo như thảo” (Học là tốt hay không học là tốt, kẻ có học như lúa như thóc, kẻ không học như rác như cỏ - Khuyến học).
     Cha tôi có dì Nhung, ngày thành hôn cha với dì tôi được mặc đồ đẹp, mang giày. Dì Nhung ôm tôi vào lòng, nhưng lòng tôi không ấm. Ánh mắt sắc và những móng tay dài sơn màu đỏ chót của dì làm tôi sợ.
     Chưa bao giờ tôi thấy chú thím to tíếng với nhau, tôi tò mò rình chú có hôn thím như cha với dì Nhung không. Tôi thấy hai người ngủ riêng hai chỏng mà sao…
     Dù hôn, nhưng cha và dì Nhung hay to tiếng với nhau, ông bà nội thở dài. Ông nói:”hai trái tim xa nhau quá, nên phải nói to mới nghe”.
    Rồi một ngày bà nội tôi đau nặng, thím tôi tất tả chăm sóc, thuốc men. Có những đêm rất khuya, bà nội trở mình rên rẩm, đã thấy thím. Tôi không biết thím ngủ lúc nào?
    Ông nội nhắn cha tôi về. Cha vào buồng, cầm tay bà nội, nhìn quanh, rồi la lối om sòm:
-         Thím làm gì không lau rửa cho mẹ? Hôi quá, đau
 nhẹ cũng thành nặng!
    Thím tôi rơm rớm nước mắt, bụm mặt, chạy ra sau hè.
    Cha lấy tiền đưa cho ông nội, ông nội không cầm. Rồi cha và dì Nhung lại đi.
    Mấy ngày sau, bà nội tôi qua đời.
……

     Nghỉ hè, tôi giục thím về thăm ngoại. Bến đò đã lở sâu vào biền dâu hơn trước, những rễ tre trắng muốt dập dềnh theo con sóng vỗ bờ, chiếc đò ngang mỏng manh tròng trành  lướt nhẹ theo tay chèo sang bến Cửu Đàm. Mái ngói đỏ au nhà ông Cửu nổi bật sau hàng cau, bầy chim sẻ líu ríu trong không gian tĩnh mịch của buổi trưa yên ắng. Thím tôi không biết cha mình. Tôi hỏi bà về ông ngoại, bà chậm rãi nhai trầu, mắt đăm đăm nhìn về cõi nào xa vắng, vứt bả trầu bà ôm choàng lấy tôi hôn lên tóc, rồi buột niệng:
-         Tổ cha mi!
     Ngoại tôi mới gần năm mươi, nhưng với tôi ngoại đã quá già, vò võ một mình trong căn nhà tranh lụp xụp, bước vào tôi phải cúi đầu. Mảnh vườn con với vài cây mít, cây ổi, rau thơm… Hàng cau cao vút không biết trồng tự thuở nào, hoa cau vàng ươm trong nắng. Nhìn ngoại, lòng tôi dâng lên nỗi thương cảm vô bờ và tự hứa khi công thành danh toại, tôi sẽ về đón ngoại tôi, cùng sống với tôi và tôi tự hào rằng tôi có ngoại.
……..
     Ông nội tôi - ông Tú trẻ của làng quê nghèo hiếu học thương ngoại. Vì môn đăng hộ đối, ngoại tôi không thể với đến mâm son. Nội thiết tha đêm mong ngày nhớ ngoại, có những đêm nội bơi qua sông, dưới gốc mù u trái chín rụng lăn tròn, ngoại khóc hết nước mắt. Tóc ngoại thơm trinh nguyên mùi bồ kết, không thể kết tóc se duyên nội ngoại tôi viên mãn tròn trịa như trái mù u.
     Nội tôi theo kháng chiến, ngoại lấy chồng…
     Ông ngoại cũng đi biền biệt, nghe đâu ông hy sinh trong trận càn năm 49, mất xác. Thím mồ côi cha bằng tuổi tôi mồ côi mẹ. Dù bà nội không bằng lòng, nhưng ông nhất quyết chọn thím làm dâu, có khi nào ông nội tôi chuộc lại lỗi lầm xưa?

     Công chưa thành danh chưa toại, tôi đã vào quân đội. Đời lính ngược xuôi theo chiến trường dậy lửa, tôi không còn định hướng được cuộc đời mình. Tôi quên mất lũy tre làng, quên luôn cả ngoại.

     Những ngày trong quân y viện, vết thương bắp chân sưng tấy, tôi bị cưa mất hai chân. Ngoại tôi ngồi đó, lưng đã còng thấp hơn xưa, đưa mắt u uẩn nhìn tôi, đôi môi run run như định nói điều gì. Tôi uất ức, muốn hét lên trong nước mắt:”Con không nuôi được ngoại nữa rồi!” 

BÀ NỘI TÔI



     Tôi còn nhớ rất ít về bà, nhưng những gì tôi nhớ bây giờ không còn thấy nữa!
Trong nhà bà có quyền uy tuyệt đối, từ bác Hai đến cô Út ai cũng nhắc về bà với tấm lòng yêu kính thật sự.
     Ông nội tôi là nhà nho lỡ thời, chuyển sang học nghề Đông y của cụ Tú Nhì, nhưng chỉ được trả công bằng cặp gà, cặp vịt hay nải chuối, buồng cau… Chuyện nông tang, nội trợ bà tôi lo tất, thậm chí lễ nghĩa gia phong cũng lại là bà.
     Ông nội răn đe bác Hai và cha tôi:
-         Vợ chồng phải tương kính như tân, đàn bà là nội
tướng tề gia nội trợ. Đàn ông như cái nhà, đàn bà như cái cửa. Liệu mà ăn ở cho phải đạo.
     Bác cả đã có râu, vậy mà khoanh tay cúi đầu, kính cẩn lắng nghe lời nội dạy, hỏi sao cha và các chú tôi không sợ. Huống gì con trẻ như tôi?

     Tôi được yêu quý nhất nhà, nhưng bà tôi chưa hề tỏ lời âu yếm với tôi như mẹ và cô út. Bà lặng lẽ quan sát, nghiêm nghị dạy bảo tôi nhiều điều. Có lần bà gọi bác dâu và mẹ tôi ngồi lại bàn ăn sau bữa cơm chiều. Nội nói:
-         Gái có công, chồng không phụ. Phụng sự gia tiên
nhà này là bổn phận của ta và các con. Ta chỉ cần các con cố giữ nề nếp gia phong tộc Lê nhà ta. Với con cháu: Thương yêu nhưng không được nuông chìu.
     Hình ảnh ông bà nội còn lại trong  tôi thời ấu thơ bình dị biết bao. Dấu ấn đầu đời của tôi nhớ về bà: Bà nghiêm nghị nhưng bao dung, bà là gà mẹ vĩ đại, bà như những cây cột cái trong căn nhà ngói cổ ba gian của nội dưới hàng cau cao vút, là bức bình phong chè tàu, là hàng tre gai rậm rì chắn gió sau nhà. Đứa cháu nào chuẩn bị gia thất, bà cũng có món quà nhiều ý nghĩa tặng riêng cho cháu rể hay cháu dâu. Không biết bà dành dụm từ lúc nào, nhưng lần nào cũng một chỉ vàng y.
     Còn ông nội là người đàn ông tài tử phong lưu, xướng họa ngâm thơ, đọc sách thánh hiền. Hình như ngoài bàn thờ gia tiên, án thư, bắt mạch bốc thuốc khi có ai đến nhờ vả hoặc dạy bác chú cô tôi học hành, ông không hề biết đến cái gì trong nhà. Kể cả gần đến ngày giỗ chạp ông bà, ông cũng không nhớ. Nhưng bà nội tôi không quên ngày nào…
     Đôi khi tôi nghĩ bà nội tôi mồ côi. Đến năm lên mười, tôi được  theo cha về chạp mả bên ngoại của người, tôi mới biết bà nội tôi cũng có anh em, dòng họ. Vậy mà quanh năm suốt tháng, bà nội tôi quần quật với ruộng đồng, chuông heo, ao cá… lo toan công việc nhà chồng!

     Ngày nay, chế độ mẫu hệ chỉ còn ở người Chăm và một số dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên. Dù phải sống trong môi trường cô lập khắc khổ, nghèo đói nhưng bản sắc dân tộc của họ còn được bảo tồn thông qua trang phục truyền thống, quan hệ cộng đồng và tập quán lâu đời.
     Xã hội càng văn minh nhưng nền tảng văn hóa dân tộc ngày càng mai một, chỉ sản sinh giống người vong bản, lai căng.
     Hình như những gì không có thực luôn được đề cao và xưng tụng. Nam nữ bình quyền thật sao hay chồng chúa vợ tôi? Giá trị của người phụ nữ dân tộc tôi chưa bao giờ lại tệ hại và đáng thương như lúc này. Họ không có gì để ước ao về tương lai, chỉ mong chờ rủi may của phận gái thuyền quyên mười hai bến nước.
     Đàn ông là tôi, có còn là hình tượng đáng ngưỡng mộ và tự hào của “phái yếu” dân tộc tôi hay là những robot ngu ngơ và hèn nhát?

     Nhìn di ảnh ông bà nội, tôi xấu hổ với bề trên và với chính mình. Gia đình là tế bào của xã hội ư? Con cháu tôi học được gì trong môi trường học đường ngoài con chữ, nhưng con chữ còn ngả nghiêng theo vũ điệu kim tiền. Có học được gì khi xã hội ngày càng băng hoại về đạo đức và truyền thống tổ tiên? Những tế bào ung thư ngày càng di căn vào tâm não mất rồi.

     Bà nội tôi nếu được tái sinh có lẽ sẽ đầu thai làm ánh trăng rằm, lung linh trên nền trời xanh thẳm, chỉ để chúng tôi ngưỡng vọng và dát vàng những con đường làng quanh co của quê nội tôi thôi.

SƯỚNG “CÙ LẦN”



     Hai Sướng cố cạy hòn đá nằm ngăn mạch nước, ai dè cả tảng đổ sụp đè hai chân gãy ngang ống quyển. Đời chó đẻ, đùm đế vợ con lên cái xứ khỉ ho cò gáy cũng không yên.
     Sáu Sướng nghe tin anh mình bị nạn vội bỏ hết chuyện nhà, lận lưng tiền bán mấy con heo lên bệnh viện thăm nuôi anh. Ông bà cả Di không biết có ý gì mà đặt tên con toàn chữ S: Hai Sương, ba Sanh, bốn Sự, năm Sung, sáu Sướng…
     Ra đời cách nhau năm một, ngũ hổ tướng thời Thục Hán dũng mãnh ít ai bì nhưng năm thằng con nhà cả Di hiền khô. Chậm chạp nhất trong nhà, ít nói siêng làm là sáu Sướng, nên ông cả Di gọi là Sướng “cù lần”!
     Cù lần là động vật hiền lành, khờ khạo hay còn gọi con cu li, xấu hổ, khỉ gió. Sống vào ban đêm, ngày ngủ. Khi gặp tiếng động hay người chỉ biết cuộn tròn thân mình, dùng hai tay che kín đôi mắt. Đối với cù lần khi không thấy gì, nghĩa là không có gì nguy hiểm cả.

     Từ hai Sương đến năm Sung, khi đủ lông đủ cánh thì bay, đứa vào tận Saigon đứa lên cao nguyên đứa ra miền Bắc. Hầu như từ chăm sóc cha mẹ đến việc trong nhà ngoài ngõ, chỉ mình sáu Sướng “cù lần” lui cui quán xuyến.
     Nhiều lúc bà Cả than thầm:“Trong nhà suốt ngày không nghe tiếng nói!”. Ông Cả chúi mũi vào mấy cuốn sách với bình trà, còn không thì vác cuốc ra đồng hoặc khề khà với mấy ông bạn già. Nhưng chỉ cần nghe bà ho nhẹ một tiếng hay rêm mình rêm mẩy là hai cha con quýnh quáng như gà mắc đẻ.

     Từ hôm Sướng “cù lần” đi, hai ông bà than ngắn thở dài. Đêm nằm cứ trở mình khó ngủ, ông cả chắp tay sau đít đi tới đi lui, làm bà sốt ruột:
-         Thằng Sương có chi không hè? Hắn đi ba tám
ngày rồi, ông có nghe hắn nói gì không?
     Ông Cả chỉ tay vào cái điện thoại cùi bắp của Sướng “cù lần” để lại ở nhà:
-         Hắn nói không sao!
     Thật ra lòng ông cũng lo ngay ngáy, ngày nào ông cũng lật qua lật lại cái điện thoại, nhưng nó như cục gạch nằm êm ru. Có khi nó hết pin rồi không chừng!
     Bà Cả không biết ổng nói “hắn” là thằng nào, thằng Sương hay thằng Sướng? Hồi còn nhỏ cũng lo, đến khi có vợ có con lại càng lo hung! Không biết chết rồi có còn mang nỗi lo theo không? Càng nghĩ lung, bà càng nhớ mấy đứa cháu nội quay quắt…

     Năm kia Sương dắt hai đứa con lớn về, gầy nhom đen như mọi núi. Bà Cả dụ ở lại với bà, nhưng hình như chúng nó học thói cù lần, lấy hai tay che hai con mắt không nói không rằng.
     Thời ông bà còn trẻ, cả làng nổi đình nổi đám quanh năm. Chuyện đồng áng mỗi năm chỉ có hai mùa tháng ba, tháng tám vậy mà vẫn sung túc an vui. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè…”. Bà con cả làng như gia đình lớn, tình làng nghĩa xóm thắm đượm gắn bó keo sơn. Tình người đáng lý ra phải lan tỏa và thăng hoa theo ân tình cuộc sống, nhưng sao cứ nhạt dần như nước ốc luộc lần ba, lần tư…
     Hôm kia, ông Hương Giảng chết không có người khiêng quan tài, trẻ trai “thoát ly” ruộng đồng bỏ lại bọn già như bó củi khô. Bây giờ bếp núc xài Gaz, thân gỗ mục dần lên rêu lên mốc theo nắng theo mưa.
     Mái ngói âm dương của căn nhà sống đã bốn đời, cứ mỗi ngày một tàn tạ, chằm vá đủ kiểu bằng những tấm nylon nhiều màu sắc, nghe như reo phần phật thở than khi trời trở gió. Thế hệ nối tiếp như đám con ông, ngày càng nghèo càng khổ lấy đâu tu bổ từ đường.

     Sáu Sướng “cù lần” bỏ túi xách lên chõng tre, mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo. Bà Cả hỏi dồn hỏi dập:
-         Hắn ra răng? Khỏe chưa, khi mô hắn dzề? Mấy
đứa nhỏ mô, răng mi không dắt về một đứa? Ông ơi là ông, cái thằng…
     Bà khóc bù lu bù loa, ông Cả ngồi lặng thinh vân vê điếu thuốc lá đã tắt ngấm từ lâu.
     Hai Sương đã chết vì nhiễm trùng, qua hai lần mổ ghép xương. Sáu Sướng lấy hai tay che mắt như con cù lần, nuốt nước mắt mặn chát vào trong.

MÀU HOA ĐIÊN ĐIỂN



     Nghe em kể chuyện tình của T. mà rơi nước mắt. Ngày ấy T. mười bảy tuổi…
     Trong lúc đạn bay súng nổ, không sợ. Vậy mà di chứng chiến tranh mới khốn nạn làm sao! Ngày cha lên đường vào chiến trường, mẹ đang mang mầm sống của T.
     Cha về em lên ba, hình ảnh người đàn ông què quặt, mặt cháy nám lòi hai con mắt trắng dã đã khiến em hoảng sợ khóc thét lên giấu mặt vào ngực mẹ, hai bàn tay nhỏ bé bấu cứng.
     Người thương binh ấy sống lây lất với cây nạng gỗ, thân thiết hơn vợ con mình. Mẹ khóc hết nước mắt rồi thôi, lăn xả vào bất cứ nơi nào, công việc gì để có thể mưu sinh. Mẹ nhặt ve chai, mẹ ra ngoài đồng mò tôm bắt ốc, mẹ đi mót lúa…

     Căn nhà cuối xóm Đông bật lên tiếng khóc, em Hoan ra đời. Đầu em to như trái bưởi, đôi mắt lồ lộ tròn vo đen nhánh nhưng không kéo màu mây trắng đục như cha, mẹ chết điếng. Lớn thêm chút nữa em bò quanh nhà và không biết nói, lớn thêm chút nữa em ngô nghê cười nhưng em không biết khóc.
     Mẹ bồng em Hoan, mẹ dắt cha con T. bỏ xứ. Đường xa vạn dặm đưa bước chân hành khất của mẹ, của T. xuôi về  phương Nam bạt ngàn rừng tràm, mênh mông sông nước.
     Đất cũ trải lòng chở che người mới, rừng U Minh bao dung ấm đậm tình người. Chất phèn loãng pha trong dòng nước của sông Bồ Đề hai chiều lớn, ròng không chịu bám vào da em. Càng lớn, T. càng xinh đẹp và trắng hồng rực rỡ như bông súng, bông sen.

     Mùa nước nổi ba khía bỏ hang, lìa xa gốc đước gốc mắm, cũng là mùa ba khía “hội”. Ba khía leo dần lên nhánh bần, rễ đước để giao hoan. Mẹ lại có thai.
     Cu Lạc ngược lại với anh Hoan, không biết cười chỉ biết khóc. Đôi tay như hai càng ba khía nhưng đôi chân không giống chân người! Cha hân hoan sờ sẩm rồi nụ cười tắt lịm trên môi. Mẹ không còn nước mắt để xót thương cho giọt máu của mình, T. cuộn tròn nỗi buồn vào trong lòng, thả trôi theo dòng nước, thủy triều xuống thật nhanh vừa xuôi đã ngược.
     T. choáng ngợp vì anh kỹ sư lâm nghiệp dễ thương trong đoàn điều tra quy hoạch rừng, anh chàng mang tên Vũ ấy. Vũ cũng không ngờ nơi căn nhà nhỏ lẻ loi, bên con đường đất nhão nhoẹt trong rừng tràm lại có người con gái xinh đẹp là T.
     Thế rồi họ yêu nhau. Nhìn gia cảnh nhà T. Vũ xúc động vô cùng, ngoài thời gian làm việc Vũ luôn ở bên cạnh T. Những lần vào rừng tràm gác kèo ong lấy mật, sự nhanh nhẹn tháo vát lẫn niềm tin yêu cuộc sống và nụ cười luôn nở trên môi của T. đã khiến Vũ càng quý trọng và cảm phục nghị lực của cô gái.
     Vũ là con trai duy nhất của ông Lê Trọng Lân, chủ hãng xe đò Vạn Phước. Ông đã bao lần vận động để con ông được công tác gần nhà, nhưng Vũ vẫn say mê với những cánh rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều loại cá, chim, cua, sò huyết, tôm, ốc, nghêu, hàu, sò huyết, chuột, khỉ, dơi… là nguồn sống của những người dân miền sông nước. Sinh vật phù du sống dưới rễ các cây ngập mặn là nguồn thức ăn dồi dào cho nhiều loại cá. Lá và thân cây ngập mặn bị phân hủy lại cung cấp nguồn thức ăn quý báu cho các loài thủy sinh.
     Vũ đã ý thức rừng ngập mặn được thiên nhiên ưu đãi kia, đã cung cấp sinh kế cho loài người, giảm ô nhiểm, chống tác động của biến đổi khí hậu, giảm xói lở và bảo vệ bờ biển thân yêu trên đất nước này. Anh đã từ chối sự ưu ái  vì đồng tiền của cha anh. Những ngày băng rừng khảo sát, quen với muỗi mòng, bao la sông nước, mênh mông tràm đước, sú, vẹt… đã gieo vào lòng anh tình yêu hồn hậu đất nước và con người Nam bộ.
………
     Thương và mong con hạnh phúc với tình yêu của mình, ông bà Lân không ngại ngùng cùng thân tộc về Năm Căn xin chạm ngõ.
     Mẹ T. ái ngại với gia cảnh tuềnh toàng của mình, nhìn hai con Hoan, Lạc bò ngang bò dọc đứa khóc, đứa cười ngô nghê  trên nền nhà đất nện ẩm mốc, chị thở dài định đưa con sang gởi nhờ nhà hàng xóm.
     Hôm nay T. mặc bộ bà ba lụa màu vàng bông điên điển thật đẹp, càng nổi bật làn da trắng mịn màng. Hai em đứa cười đứa khóc có nhận thức được ngày vui của chị?
     Kể từ ngày quen Vũ, lần đầu tiên T. rơi nước mắt vì chuyện có liên quan đến số phận mình.
     T. mặc cho Hoan, Lạc bộ đồ đẹp nhất. Cài lên ngực hai em chùm bông điên điển vàng tươi. Mẹ nhìn T. ngạc nhiên, không hỏi.
     Họ nhà trai đã xôn xao ngoài ngõ, mẹ dìu ba ra tận ngoài sân đón khách. Ông bà Lân cũng đã hình dung gia cảnh của T. qua lời kể của Vũ, nhưng không ngờ sau bao nhiêu năm đất nước hòa bình vẫn còn những xóm nghèo xác xơ bên bìa rừng ngút ngàn tràm. Bên kia, ánh đèn rực rỡ của thị trấn Năm Căn phản chiếu những tia sáng lung linh trên mặt nước êm đềm của dòng sông đang thì nước đứng.
……..
     Chuyện cưới hỏi không thành. Ông bà Lân không chê cái nghèo cái khổ của T., thậm chí họ có thể giúp đỡ cho gia đình em qua cơn khốn khó, bà Lân thở dài:
-         Anh nói cho con hiểu, mình chỉ có nó để nối dõi
tông đường…
     Ông Lân thừ người, nếu không có tấm lòng bao dung và hào hiệp của bà con nơi xóm nghèo Ngã Ba Tam Giang trên sông Bồ Đề ngày ấy, ông đâu có ngày hôm nay. Sự giàu nghèo do số mệnh, thiện căn ở tại lòng người, ông nguyện sống đời đạo hạnh, ăn chay trường để phúc cho con, nhưng trời chỉ cho ông một đứa con duy nhất trên đời. Ông không thể nói gì với Vũ…
     Chú Tám và cô Năm kéo Vũ ra bờ sông, gió hiu hiu đong đưa những cành lá bần xanh ngát, chú Tám mở lời:
-         Con thấy hoàn cảnh gia đình T. ra sao?
-         Con quý trọng nghĩa tình và nghị lực của cô ấy.
Con chấp nhận tất cả!
     Cô Năm sụt sùi than thở:
-         Gia cảnh cô ấy thật đáng thương, chiến tranh đã
để lại hậu quả khủng khiếp, bao nhiêu đời nữa sẽ còn mang di chứng của nó và của “chất độc màu da cam”?
-         Không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời! Tuy
nhiên con là cháu đích tôn, anh chị Hai chỉ có mình con. Con có nghĩ rằng rồi đây khi thành vợ thành chồng, T. sẽ sinh cho dòng họ nhà mình… Chú Tám bỏ lửng nửa chừng.

     Ngày hẹn hỏi cưới đã không được nhắc lại, mẹ
xót xa nhìn T. đang ôm hai em Hoan - Lạc vào lòng. Mẹ chỉ cầu mong Trời, Phật ban cho gia đình ta hoan lạc, niềm mong mỏi dung dị của bao người. T. không buồn, không khóc. Hạnh phúc của gia đình T. dù đơn sơ nhưng ấm tình người, mẹ đã chịu cam khổ cả cuộc đời mình. Trào dâng trong lòng T. nghị lực sống mạnh mẽ và tin yêu cuộc đời này.

     Mặt trời lặn dần phía rừng U Minh, đàn cò trắng
bay về từ cánh đồng xanh um màu lúa.

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...