Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

ĐI TÌM HÀNH TRÌNH CỦA CHA TÔI

 Ông nội tôi là thầy đồ, con đông. Cha tôi thứ bảy.

Cha sinh năm 1918 (Mậu Ngọ), nhưng khai sinh ghi 1916.
Trước năm 1939, người ta nhìn thấy những tấm áp-phích: "Mẫu quốc đang gặp nguy. Nghĩa vụ của bạn là giúp đỡ mẫu quốc”.
Cha tôi tình nguyện đi “Tây” thay bác tôi, đã có gia đình. Mỗi nhà ít nhất, phải một người đi. Trước ngày lên đường, ông tôi đem trầu cau hỏi vợ cho cha. Mong sự ràng buộc này, cha tôi sẽ trở về, dù cha chưa biết mặt người hôn thê của mình.
Làng Hạ Nông tôi thuần nông, lúc đó rất nghèo. Chỉ có bác Sáu, chú Mười và cha tôi học được chữ Nho từ ông nội. Các cô không ai biết chữ...
“Năm 1939, nước Pháp đã đưa 20.000 người từ thuộc địa Đông Dương sang Pháp để làm những công việc cực nhọc, như trộn thuốc súng. Phần lớn họ bị tuyển mộ cưỡng bức.
Tàu cập bến Marseille, họ bị đưa vào nhà tù Baumettes, rồi được phân bổ đi khắp nước Pháp, đến những xí nghiệp thuộc ngành quốc phòng và được gọi là “lính thợ không chuyên” – ONS (Ouvriers Non Spécialisés)
Có người bị sung vào lính chiến đấu ở Pháp, đánh nhau với quân Đức. Từ năm 1946, họ được đưa trở về Việt Nam một cách nhỏ giọt và mãi đến năm 1952, những người cuối cùng mới được trở về tổ quốc. Khi đó, cũng có khoảng một nghìn người đã chọn định cư tại Pháp”(1)
Cha tôi làm lính thợ. Một lần nhà máy bị ném bom, cha bị thương, mảnh đạn xuyên qua phổi. Bệnh viện Marseille đã cứu cha tôi, nhưng đã để lại di chứng nặng nề khi trái gió trở trời.
Ở quê nhà, mỗi tháng nội tôi được lãnh tiền. Nhận được tiền, ai không mừng, ông bà tôi yên lòng vì cha tôi còn sống.
Đệ nhị thế chiến (1939-1945) kết thúc, cha tôi sống cuộc đời lưu vong, không được hồi hương. Cha tôi học nghề sửa đồng hồ và hành nghề lưu động. Tôi mường tượng trên con đường hoa lệ của kinh đô ánh sáng Paris, một người da vàng thuộc địa là cha tôi, đang lang thang với chiếc thùng gỗ “sửa đồng hồ”. Tôi ứa nước mắt.
Mãi đến 1948. Chuyến tàu buôn của Pháp cập bến sông Hàn đưa cha tôi trở về quê hương với thân hình tiều tuỵ. Nhưng cha không thể về thăm ông bà tôi. Những người nông dân hiền lành, chất phác quê tôi đã được trang bị căm hờn. Nhất là đối với những gia đình có người làm tay sai cho thực dân, đế quốc.
Cha nhắn cô Lan ra Đà Nẵng. Cô đi từ lúc gà chưa gáy sáng, đôi chân trần vượt hơn hai mươi cây số. Đã mười năm qua, anh em mới có dịp trùng phùng, cô ôm cha tôi khóc ngất.
Lần đầu tiên trong đời, cô thấy cây lụa Lãnh Mỹ A. (Lụa được dệt từ tơ tằm hảo hạng, nhuộm đi nhuộm lại hàng trăm lần nhựa trái mặc nưa, trong suốt gần nửa năm trời. Lụa trơn, đen láng, mặc vào người như được vuốt ve trên da thịt. Mùa hè mát rượi, mùa đông ấm áp. Càng mặc, càng giặt, càng đen huyền). Lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Vải sợi bông, vải tơ tằm… Cha nhìn cô Lan, áo quần vải tám thâm đen, ống quần cao hơn mắt cá. Hai anh em nước mắt dâng tràn.
Cô gánh oằn vai, món quà quá xa xỉ đối với nhà nội tôi. Ông nội chưa kịp mặc quần áo mới, ông mất. Được tin, cha tôi băng đồng, chạy bộ về quê. Trăng lên đến đỉnh đầu, cha về lại mái nhà xưa. Bà nội mắt đã mờ, không nhìn rõ mặt cha tôi, sờ đầu sờ cổ, hết khóc lại cười. Đám tang nội tôi to nhất làng, cúng tế linh đình hơn ba ngày trời.
Bạn chăn trâu với cha tôi nay là cán bộ Việt Minh. Không ai thù hằn, không ai bắt bớ cha tôi.
An dưỡng ít lâu, cha gặp mẹ tôi. Bà đã có một đời chồng, chồng bà theo Việt Minh bị Tây bắn chết. Người đàn bà nội tôi đi hỏi cho cha ngày xưa, nay không biết lưu lạc phương nào.
Cha mua đất cất nhà ở Đà Nẵng, láng giềng của ngoại. Mẹ theo ghe bầu của ông ngoại ngược xuôi vào tận Phan Thiết, Saigon. Lâm thổ sản: tơ lụa Duy Xuyên, quế rừng Trà My, mật ong, vỏ cây chay (ăn trầu) được đổi trao với hàng nông, hải sản phương Nam.
Ngày cha thành hôn với mẹ không có họ hàng bên nội. Ông ngoại chỉ cần tính cần cù và tấm lòng của cha tôi làm sính lễ.
Cha không biết tiêu tiền, ông chắt chiu từng đồng xu nhỏ. Nhưng ông tiêu tiền cho người khác.
Mẹ tôi có nhiều áo dài thời trang lúc bấy giờ. Cha tôi chỉ có một bộ veston và đôi giày từ thời bên Pháp mang về. Những gì tốt nhất, cha dành cho mẹ tôi.
Mỗi cuối tháng cha ra ngân khố lãnh tiền trợ cấp từ chính phủ Pháp. Các dì gọi cha tôi: "Anh Bảy kiều bào”. Mẹ tôi hãnh diện lắm, mỗi lần có tiền mẹ tôi chi xài thoải mái và hào phóng như “Tây”. Cha tôi chỉ nói:”- Đàn ông như cái nhà, đàn bà như cái cửa”, vậy thôi.
Năm 1949, cha tôi được điều động làm cai “lục lộ” ở Mỹ Chánh, Quảng Trị. Chị An, con riêng của mẹ được hai tuổi, chị mất. Tôi được hoài thai.
Cha đưa mẹ ra Huế, tiện bề chăm sóc và an ủi.
Mùa đông năm ấy rét đậm, cha ho dữ dội, bệnh phổi tái phát. Cha đưa mẹ về Đà Nẵng rồi theo tàu lửa vào Saigon vào bệnh viện Grall. Qua tết Canh Dần (1950), cha tôi vẫn chưa về. Tôi ra đời tại “nhà thương” Bà Quế.
Cha được chuyển sang Pháp. Ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa trị như ngày nay. Các bác sĩ Pháp, nơi ông điều trị chẩn đoán ông không thể sống hơn một năm.
Trong thời gian dưỡng bệnh ở Pháp, ông tình cờ biết được phương pháp hít thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:
“ Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được“
Nhưng đã hơn một năm, cha tôi chưa chết. Lần này ông được chính phủ Pháp cho về bằng máy bay của hãng hàng không Air France. Cha đã khoẻ mạnh hơn xưa.
Quê hương tôi không bình yên.
“Tại miền trung, Việt Minh kiểm soát từ Hội An đến Mũi Đại Lãnh, gần như ngăn đôi đất nước. Người Pháp chưa bao giờ tỏ ra muốn "giải thoát" cho thuộc địa cũ.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945,Việt Minh cướp chính quyền. Bảo Đại đọc Tuyên ngôn thoái vị trước cửa Ngọ Môn, Huế.
Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam, hội viên trong khối Liên hiệp Pháp đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Đầu năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu chính thức gửi viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương.
Mỹ tuyên bố "ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á" trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện "lãnh đạo của những nhà nước mới không phải là người cộng sản".(2)
Người dân quê tôi như kiến bò quanh lòng chảo, không biết lửa đốt nóng lúc nào. Đất nước ngả nghiêng, trầm mình mang thân phận nhược tiểu đớn đau.
Cuối năm 1951, chú Chín tôi cõng bà nội tránh càn của Tây. Chạy vừa đến gốc đa, chưa kịp xuống hầm đã bị bắn chết. Bà tôi già và mù nên được tha. Cha từ Quảng Trị hay tin, về đến nhà, bà tôi cũng đã qua đời.
Cha tôi cũng là con kiến, người dân đất nước tôi không còn đồng lòng như loài kiến, loài ong. Sự phân hoá thê thảm, thù nghịch bởi những luận điệu ghê tởm đã len lỏi vào sự cả tin của đồng bào tôi, từ nhiều nguồn, nhiều hướng.
Cha tôi mắt trừng trừng, phẫn uất. Sự hoang mang, chông chênh phận người lênh đênh giữa dòng nước xoáy, hai bờ mờ mịt mù sương.
Ngóng trông về quê nhà tan hoang lửa khói. Các cô tôi chưa chồng di cư ra thành phố ở với mẹ tôi. Chú Mười và các dượng theo Việt Minh làm du kích. Bác tôi nối nghiệp ông nội làm thầy địa lý, tụng kinh cầu siêu cho những vong hồn bất đắc kỳ tử.
Mùa thu năm 1953, khi tu bổ đường quốc lộ từ Quảng Trị vào Huế, cha tôi bị mìn, trọng thương. Cả nhà ngoại tôi an ủi: "Vậy cũng còn may!"
Hội nghị Genève khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954 để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương, nhưng đau lòng vì chia đôi đất nước.
Tại miền Nam, thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại. “Ngô Đình Diệm là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Một số sử gia coi ông chỉ là công cụ chính trị trong tay người Mỹ, trong khi đó một số sử gia khác coi ông là nhà chính trị độc lập mang nặng truyền thống phong kiến Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây còn cho biết rằng Ngô Đình Diệm là người tự cho mình đang gánh vác một "Sứ mệnh từ thiên đàng" (Mandate of Heaven) và ông có viễn kiến riêng về hướng phát triển của miền Nam Việt Nam” (3)
Bác tôi bỏ vợ con, tập kết ra Bắc. Gia đình chú Mười bị tố “cộng sản nằm vùng”. Cha tôi được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mời tham gia “thân hào nhân sĩ” tại địa phương. Nhờ đó, gia đình bác tôi, chú Mười được an thân.
Quê nội tôi yên ả nhất, có lẽ từ sau hiệp định Genève 1954 đến cuối năm 1960! Đúng là thái bình thật, không trộm cắp, cửa thường bỏ ngõ trong những đêm hè. Tiếng hò khoan trong mùa cấy tháng tám, tháng ba thoang thoảng theo làn gió bay xa.
Rồi một ngày những người không phải lính, nhưng mặc đồ màu đen mang súng, vào ở chung với dân làng…
“…Mùa xuân năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược mục tiêu căn bản là tách rời du kích, quân sự của Cộng Sản còn cài cắm ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn phải ra hồi chánh hoặc bị tiêu dịêt…”(3)
Mùa hè lại về, cái nắng như thiêu như đốt, kèm theo gió hạ Lào khô khốc thịt da.
Xóm Nga Tiền khoảng mươi nóc nhà, có đến bốn bà góa. Những người chồng đã hy sinh hoặc bị bắn chết như chú Chín tôi trong thời kỳ chống Pháp. Tây càn, ông Nhì ôm súng leo lên cây đa, ông ra đi khi bà Nhì chưa đến tuổi ba mươi. Rồi những năm sáu ba, sáu bốn, hưởng ứng phong trào "ba sẵn sàng" thế hệ tiếp nối như anh Đông, Diên, Dần, Cật, Bảy… lần lượt vào du kích và hy sinh khi chưa đủ lớn.
Tôi là ai? Lịch sử đất nước tôi bị quay vòng trở lại như ngày cha tôi bị cưỡng bức lên tàu sang Pháp làm cu-li cho mẫu quốc hay bỏ xác nơi hoang địa xứ người. Hai mươi năm tương tàn, cũng đủ cho thế hệ chúng tôi trở về nơi xuất phát của cha tôi.
Nguyễn Châu
Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_%C4%90%C3%ACnh_Di%E1%BB%

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...