Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

BÈO DẠT MÂY TRÔI

      Hùng "gấu" lừ đừ cộc cằn, to con vạm vỡ, đi lại hai tay khuỳnh khuỳnh, lưng khòm khòm như con gấu, cặp mắt lộ tròng trắng trợn trừng.

Chỉ riêng Diễm có uy với Hùng "gấu", sai gì làm nấy. Đi học về Hùng "gấu" gò lưng trên chiếc xe đạp giàn ngang không gac-đờ-bu, không phanh, chậm rãi theo sau đưa Diễm về tận nhà như "garde corps".
Vậy mà Diễm coi nó như thằng gù dị dạng Quasimodo trong tiểu thuyết "Nhà thờ Đức Bà Paris" của Victor Hugo, Diễm tránh né nhưng Hùng "gấu" vẫn lừ đừ đưa cặp mắt cú vọ quan sát từ xa.
Thậm chí có lần thầy Hai giám thị quở phạt Diễm vì đi học trễ, Hùng "gấu" đứng ngoài cửa sổ văn phòng gờm gờm nhìn thầy như sẵn sàng nhảy xổ vào...
Thi tú tài hỏng, đến tuổi bị động viên, cha nó chạy chọt cho làm lính "văn phòng" để khỏi đi tác chiến.
Nhìn tướng nó trong bộ treilli không ra làm sao. Tan trường, đã thấy nó ngồi trên chiếc xe SS67 ngoài cổng chờ Diễm.
Diễm kéo theo đám bạn gái đứng bao quanh thằng Hùng, phang một câu nghe rụng rời:
- Đúng lý ra, làm trai thời chiến phải hiên ngang ra sa trường, thỏa chí nam nhi. Ai đời tướng tá như ông lại làm lính... kiểng. Ông làm nhục cái tên "Hùng... gấu" quá đi!
Lần đầu tiên trong đời nó gục mặt xấu hổ trước bạn bè. Bà mẹ, ai đời đi dợt le với con gái mà khoe bộ dạng chẳng ra gì...
Sau đó không lâu, Hùng "gấu" xuất hiện với bộ đồ rằn ri "Thủy quân lục chiến", mũ bê-rê xanh lẫm liệt oai hùng. Hình như ai tên Hùng cũng có cái gì đó "khác người" thì phải?
Biết bao trai tráng đã xông vào hòn tên mũi đạn bảo vệ non sông, không lên đường cũng bị bắt phải lên đường. Cái thời nó thế! Biết bao người...
Vậy mà trong bộ chiến y oai hùng, nó cũng làm lính... cậu.
Bạn bè cùng lứa rơi rớt dần, đến ngày thi đại học chỉ còn mười mấy mống. Tú tài toàn, Diễm đỗ hạng ưu, được đi du học ở Nhật.
.....
Lịch sử sang trang, cha Hùng "gấu" chết trong tù, gia đình nó xuống dốc thê thảm hơn những người đồng cảnh ngộ. Nó đưa mẹ và hai em về quê nội miệt Gò Công, tỉnh Mỹ Tho (nay Tiền Giang)
Thời bỉ cực sau chiến tranh, sự đói nghèo khiến tướng võ biền cục mịch của Hùng thích nghi với ruộng vườn, cày sâu cuốc bẩm để tìm cái ăn.
Tiếng lòng của Hùng không có nghệ thuật đãi bôi, nó bàng bạc mông lung chỉ gieo vào thinh không những nỗi buồn khắc khoải, khác xa con gà rừng khoe mẽ, con công đực rùng mình xòe lông đuôi rực rỡ. Tiếng lòng của Hùng tự ngân, thổn thức, có lúc con tim nó bị bóp nghẹn vài giây khi nó nghĩ, nhớ về mái tóc buông lơi, tà áo trắng thướt tha bay bay theo cơn gió vô tình lướt qua của Diễm.
Cuộc sống đã đẩy đưa Hùng sang hoàn cảnh khác, chữ "gấu" đúng nghĩa đen trong xã hội mà từng cá nhân, gia đình bị phân biệt "chính, tà".
Với sức vóc và dáng đi như đười ươi, đôi mắt trắng dã nhưng cách hành xử tử tế đã khiến anh em bốc vác ở bến xe Mỹ Tho ngưỡng mộ, đồng lòng tôn Hùng làm "xếp".
Hùng "gấu" tìm về Saigon, căn nhà của gia đình Diễm đã sang tay người khác, khu vườn hoa xinh tươi ngày trước đã lụi tàn, thay vào đó những vồng khoai lang, rau dền, rau muống...
Giàn bông giấy trước cổng chỉ còn trơ gốc xù xì, lưa thưa vài ba đọt non vừa nhú, đang cố vươn mình.
Hùng "gấu" quày quả ra bến xe Chợ Lớn, tình cờ gặp Lân - bạn cùng lớp, đi "cải tạo" mới về rao bán mũ, lại là mũ tai bèo. Lân ôm vai Hùng "gấu" hỏi đủ thứ chuyện, Hùng định hỏi thăm Diễm nhưng nghĩ sao lại thôi.
Lân tặng Hùng chiếc mũ rộng vành may bằng vải dù, màu rằn ri khiến Hùng chợt nhớ cái thời làm lính... kiểng, dù cùng binh chủng nhưng Lân là lính tác chiến.
Lân thở dài:
- Dù kiểng hay thiệt, tao với mày cùng một lũ trời đày. Tao định tìm đường đi...
- Đi đâu ?
Câu hỏi ngô nghê của Hùng khiến Lân cụt hứng.
Giã từ bạn ra về, Hùng miên man nghĩ đến những lời của Lân...
Sau đó không lâu, Hùng vượt biên. Những ngày đầu được định cư ở Mỹ, người được nó nghĩ đến là Diễm...
.......
Cuối năm 1974 Diễm tốt nghiệp, về làm việc tại nhà máy dệt Vinatexco, Diễm được "lưu dung". Sau cải tạo "công thương nghiệp" nhà máy dệt bị quốc hữu hóa thành nhà máy dệt Thắng Lợi, Diễm cùng gia đình đi kinh tế mới...
Dù nữ nhi nhưng tính tình Diễm ngang ngạnh, ngay thẳng. Nàng lao vào cánh rừng bạt ngàn, cùng những người đồng cảnh ngộ phát hoang làm rẫy, những thân gỗ xanh tươi chỉ còn trơ lại gốc đen sì, cháy nham nhở.
Sau cơn mưa đầu mùa, cỏ cây vươn lên như tấm thảm xanh non trên nền đất đỏ, gieo vào lòng Diễm nghị lực sống mạnh mẽ. Nhưng gia đình nàng không thể thích nghi với môi trường sống mới, nàng tìm cách quay về thành phố.
……
Tôi quen nàng trong một lần đi "công ích”. Chiếc cuốc của nàng vụng về băm vào bàn chân tôi tóe máu. Mặt nàng trắng bệch lo sợ, quýnh quíu ôm mặt ngồi khóc. Tôi an ủi nàng rồi lấy thuốc rê đắp vết thương.
Tôi nhìn nàng, mồ hôi thấm sau lưng áo như rễ cây ngoằn ngoèo. Tôi vấn điếu thuốc bằng giấy báo to đùng, bật lửa phả ra làn khói khét lẹt. Có lẽ thấy bộ dạng tôi kỳ quái, nàng nhe răng cười trong nước mắt.
Tôi không biết nàng từ đâu đến, nàng "trang điểm' kiểu gì lạ quá, khuôn mặt của nàng loang lổ vết đen nám dưới chiếc mũ vải màu trắng đã cũ, tương phản kỳ cục.
Nàng ngước mắt nhìn tôi. Ôi! đôi mắt đẹp, sâu thăm thẳm khiến tôi buông lời khi tâm hồn đang ngớ ngẩn:
- Đi qua bên kia...
Nàng lẳng lặng lui gót, tôi nhìn theo ái ngại. Thật ra, tôi vừa nhìn thấy thùng nước uống trên bờ đê và cũng sắp đến giờ nghỉ "giải lao". Tôi đã dùng ngôn ngữ vụng về khi lòng đang bối rối...
Tôi định chạy theo, nhưng nhìn lại cách ăn mặc của mình, bê bối quá...
Từ hôm đó, tôi dõi mắt tìm trong đám đông chiếc mũ trắng của nàng. Như mặc định, trước giờ lao động, sáng nào cũng nơi ấy, dưới gốc cây đa già có nàng đứng đó.
Dù chưa tỏ bày hay tâm sự điều gì, nhưng linh tính cho tôi hay: Nàng cũng đang dõi mắt tìm tôi.
Mùi mồ hôi tôi chua lè nhưng mùi con gái từ nàng như hương hoa kỳ diệu. Lúc giao thời, cộng đồng không giai cấp, hòa điệu cùng khốn khó, lầm than.
Ngồi bên cầu nhìn dề lục bình trôi, không biết nước lớn hay ròng. Đừng quay lại, cố quên đi quá khứ. Tôi và nàng đang chờ vầng dương sẽ nhô dần lên chói lọi, ngóng chờ ánh bình minh rạng rỡ.
Dành dụm được chút vốn liếng, tôi buôn thuốc tây ở chợ trời Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định. Những gói quà từ chân trời xa xôi gởi về cho người thân chủ yếu là thuốc tây.
Ngày ấy, thuốc tây là xa xí phẩm, từng Viên Aspirin, lọ Penicillin, streptomycin… là thần dược, không có thuốc giả như bây giờ. Các loại thuốc đặc trị mắc hơn vàng.
Đầu thập niên 80s, tôi đã tìm được chỗ làm "gia sư"(précepteur) nhưng vẫn mua đi bán lại thuốc tây. Tôi hy vọng khi gặp lại, sẽ hướng dẫn nàng theo nghề buôn lậu của tôi.
Tôi thầm trách mình đã đánh mất cơ hội khi không hỏi rõ địa chỉ của nàng. Có lần loáng thoáng nghe nàng nói cư xá Đô Thành...
Tôi hăm hở đạp xe đi tìm nàng, đến gốc cây phượng nàng thường ngồi nhưng không thấy chiếc mũ trắng và bóng dáng nàng đâu, tôi quay xe hướng về cư xá, nhưng bây giờ vật đổi sao dời, đa số cửa đóng then cài, tôi cũng không biết tên ba mẹ nàng là ai để hỏi.
Đang chán nản, bỗng tôi nghe tiếng ai gọi:
- Hiền... Hiền "sữa"!
Chỉ có "thằng" nào cùng khóa ở quân trường NT. mới gọi tôi với biệt danh này vì tuổi tôi nhỏ nhất khóa, "trốn cha trốn mẹ" đi lính kia mà.
Đang ngơ ngác, Hảo "solo" chạy tới vỗ vai tôi đau điếng. Gọi Hảo "solo" vì nó chơi trong ban nhạc "Nam Dương" ở Nha Trang. Tôi quá mừng khi gặp lại cố nhân, biết đâu thông qua Hảo tôi biết tin tức của nàng.
- Sao mầy vẫn còn "được" ở đây à?
Hảo vén ống quần vỗ vỗ vào đùi chân phải:
- Tao còn cây "bạch kim" (platin) trong này, đang tìm mối bán.
Tôi chợt nhớ đến chuyện của B. Chuyến hành quân cuối cùng trước khi được nghỉ phép về cưới vợ, Hảo và B. gặp nhau trên sông Saigon, gần cầu Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Hai chiếc chiến đỉnh vừa cặp nhau bị vướng thủy lôi, B. tử thương chìm theo giang tốc đỉnh PBR (Patrol Boat River). Vậy là:"Đám cưới tang thương cử nhạc quân hành". Hảo bị gãy giò.
Hảo "solo" tâm sự:
- Tao có ông bác tập kết về làm to, gia đình tao đã có công "kinh tài cho cách mạng"... Bên ly cafe nghe điệu nhạc "hùng hồn" mà lòng tôi tê tái.
- Mầy ở đây có biết nhà Diễm không? Tao nghe nói Diễm học trường TB...
- À, ông già nó làm ở Bộ TTM, Trung tá... tên gì tao không rõ.
Tôi chồm lên, hỏi như điên:
- Nhà nào? Số mấy? Khu nào...?
Hảo chỉ tay vào căn nhà đối diện sơn màu xanh nhạt, có giàn hoa giấy trắng pha hồng...
- Đi kinh tế mới rồi, Bù Đăng Bù Đốp...
Hảo trả lời bằng giọng chừng như vô cảm, tôi chán nản nốc cạn ly cafe đen mà nghe mặn chát.
Tà tà đạp xe dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu vắng ngắt, cổng chợ Bàn Cờ bày la liệt đủ loại hàng như chợ trời...
Cơn gió chiều cuốn lá vàng bay dọc hè phố nghe xào xạc buồn hiu...
Tôi vất tàn thuốc Vàm Cỏ qua song sắt bị dội ngược, dù khoảng không rộng hơn hàng song nhiều lần, tôi lượm lên nhắm mắt vất đi lại lọt ra đường. Vậy mà... khung trời ngoài kia, nơi nào yên bình dành cho gia đình nàng và các thân phận đồng cảnh ngộ?
Chiếc cyclo ủi mạnh vào sau xe đạp, tôi bóp phanh cùng hai chân ghì trên mặt đường. Tên đạp xyclo đã không xin lỗi lại còn kèm theo tiếng cười ngạo nghễ:
- Hiền "sữa", mầy nhớ tao không? Tao là... đao phủ thủ!
Quay nhìn khuôn mặt, tôi lật đật đưa tay theo phản xạ chào "niên trưởng". Hưng khóa "đệ nhị Nhân Mã", đàn anh tôi. Trong quân trường Hưng "quay" đàn em bá thở, nghe danh Hưng "đao phủ thủ" là đàn em chết rét.
Hưng kéo tôi ngồi lên cyclo, ôm chiếc xe đạp vào lòng. Tôi ngồi lắng nghe Hưng nhắc chuyện ngày xưa kèm tiếng thở phì phò khi lên dốc cầu chữ Y.
- Nhà tao ở Hưng Phú, gần lò heo Chánh Hưng...
Sau ngày cải tạo về, Hưng sống với mẹ. Mẹ Hưng vồn vã:
- Bạn Hưng hả, ngồi đây con...
Tôi kể Hưng nghe cuộc sống của mình, không quên nhắc đến Diễm...
Bỗng Hưng chồm lên:
- Diễm nào? Diễm cư xá Đô Thành à? Sao mầy biết?
- Gặp nhau tình cờ thôi, bây giờ không biết ở đâu!
Hưng nhìn mẹ, tôi ngạc nhiên thấy bà lấy ống tay áo chặm nước mắt...
Hưng cũng ngậm ngùi nói nhỏ:
- Nó là em họ tao! Ba nó, em ruột mẹ tao. Tao kêu bằng cậu... Cha nó bị cải tạo, đưa ra ngoài Bắc không biết sống chết ra sao. Từ kinh tế mới, mẹ con Diễm dắt díu nhau về thành phố. Nhà đã bị niêm phong…
Hèn chi khi gặp tôi, nàng đã cố tình để khuôn mặt lọ lem, che đi dung nhan của cô tiểu thư khuê các ngày nào.
Hưng kể:
- Trước đây mẹ con Diễm dọn về ở chung với gia đình tao gần một năm, sau đó thuê nhà gần chợ Hòa Hưng. Mẹ Diễm bán thuốc lá lẽ, Diễm chạy chợ trời mua đi bán lại đủ thứ "hầm bà lằng"...
Tôi mừng thầm tình cờ đã tìm ra manh mối.
Hưng tế nhị:
- Ngon, mầy chở tao qua bển, tao chỉ cho!
Tôi đèo Hưng sau xe đạp, ì ạch thồ tướng tá to con béo ị của Hưng nhưng không cảm thấy nặng nhọc chút nào.
Qua bùng binh rẽ vào đường Lê Văn Duyệt (CMT8), Hưng rà chân mắt nhìn dáo dác hai bên đường, có lẽ tìm tủ thuốc lá của mẹ Diễm.
Hưng hướng dẫn tôi quẹo vào cống Bà Xếp, nơi ngày xưa tôi từ miền Trung vào ở trọ đi học. Vùng đất vang danh một thời với nhiều huyền thoại anh hùng hảo hớn không thua gì Khánh Hội, Q.4
Căn nhà trong hẻm Nguyễn Thông nối dài của mẹ con Diễm khóa cửa. Bao nhiêu háo hức trong tôi xì hơi như bong bóng, bây giờ mới cảm thấy mồ hôi ướt đẫm chiếc áo tôi đang mặc.
Hưng châm điếu thuốc Dalat, ngửa cổ hít hơi dài, phả khói mù mịt, kéo tôi ngồi dựa vào gốc cây trứng cá trước cổng.
Ánh nắng gay gắt sau trưa, cây im hơi lặng ngắt, không gió.
Tôi thở dài, tự an ủi mình dù sao cũng đã biết nơi mẹ con nàng ở.
Tôi kéo Hưng vào quán cháo lòng đầu hẻm, cố ý ngồi chờ bóng dáng Diễm. Đĩa lòng non kèm bia Chương Dương khiến gợi mở bao nhiêu kỷ niệm xa xưa...
Hưng gật gù:
- Tao còn mẹ già, mấy lần người ta nhờ làm tài công nhưng đành chối từ. Tao khuyên con Diễm ghép vào thằng ngoại quốc nào bất kể trắng, đen, Phi, Mẽo, Chà Và... để ra đi. Học hành giỏi như nó ở nước ngoài có đất dụng võ nhưng còn hai đứa em nhỏ xíu, mợ tao không quen tảo tần...
Tôi ngậm ngùi nhìn lại thân phận mình đang ở nhờ nhà bà con, nhưng dù sao tôi cũng là đàn ông.
Tiếng xe đạp rít phanh quẹo vào đầu hẻm, Diễm hiện ra trong chiếc áo treilli dài tay, mồ hôi ướt đẫm lưng nàng. Tôi đứng bật dậy gọi ơi ới chạy theo nàng quên cả tính tiền chầu nhậu.
Nhìn căn nhà thuê tuềnh toàng, mái tole hắt hơi nóng ngột ngạt của mẹ con Diễm lòng tôi dâng lên niềm thương cảm.
Từ ngày ấy, Diễm theo tôi học nghề buôn... lậu.
Hưng cùng chiếc xích lô hợp tác hành nghề. Một lần tìm được mối thuốc tây ngon, chúng tôi hùn hết vốn, quyết chơi canh bạc lớn. Dưới đáy chỗ ngồi của xe xích lô, Hưng đã "cải tiến" thêm chỗ chứa hàng. Những loại thuốc trị tim mạch, lao phổi, sốt rét, viêm gan của nước ngoài thời đó rất hiếm và đắt.
Hưng khòm lưng đạp xe cyclo chở "hàng" và Diễm, tôi đi sau đẩy phụ qua dốc cầu Kiệu, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Bỗng tiếng tu huýt của quản lý thị trường đầu chợ Phú Nhuận vang lên như tiếng sét, Diễm ôm bụng kêu la, nàng hóa trang thành người đàn bà chuyển bụng sắp sinh thần kỳ lúc nào không rõ, đã cứu chúng tôi thoát khỏi sạt nghiệp.
Hưng chịu trách nhiệm về cuộc sống của mẹ con Diễm, đưa gia đình nàng về sống chung với mẹ mình. Lâu nay giành dụm được hơn hai cây vàng, tôi và Diễm quyết định để lại cho mẹ nàng. Chúng tôi ra đi khi tôi được mời làm tài công.
Trưa Noel năm ấy lại có mưa, có lẽ cơn mưa cuối mùa. Diễm co ro nép mình dưới chân cầu Hiệp Ân, quận 8 chờ lên "taxi", chiếc ghe nhỏ có mái cót uốn cong cùng tay chèo là người đàn ông trung niên đen đúa. Tôi đưa tay sờ vào giỏ lát có chiếc hải bàn PCF, kính nhô tròn như quả trứng đại bàng rồi giao cho Diễm ôm vào lòng. Khởi hành từ lúc sau trưa, đến Rừng Sác trời đã vào đêm, ánh trăng non phản chiếu loang loáng ánh bạc theo chiếc dầm khua trên mặt nước sông Saigon. Anh chèo ghe đưa chúng tôi ẩn vào con rạch nhỏ, chờ tín hiệu đèn từ con cá lớn. Tiếng côn trùng nỉ non trong khu rừng ngập mặn mênh mông gieo vào lòng tôi nỗi buồn khó tả. Từ xa vẳng lại tiếng súng nổ giòn, đã quá giờ G. Tàu phải ra khỏi cửa Cần Giờ trước khi thủy triều lên, nhưng không gian im lìm vắng ngắt. Tôi biết ra đi không thành nên năn nỉ anh chủ ghe chèo ngược lại đưa chúng tôi về, hứa tặng anh chỉ vàng đang đeo trên tay. Đến bến phà Bình Khánh, trời đã sáng tỏ, tìm đường ra bến xe lam, tôi dắt tay Diễm ôm giỏ lát như đôi vợ chồng đi chợ sớm.
Cả nhà Hưng ngỡ ngàng khi nhìn thấy chúng tôi, mẹ và hai em ôm Diễm khóc òa.
Khoảng giữa thập niên 80s, tôi và Diễm đã quá ba mươi, "tam thập nhi lập" nhưng hai đứa vẫn trắng tay.
Những lần bên nhau, Diễm hồn nhiên kể về những kỷ niệm thân thương thời đi học, những Hùng "gấu", Thiên Hương, thầy cô dưới mái trường yêu dấu... nhưng chúng tôi chưa hề bàn đến chuyện lứa đôi.
Tôi mua lại xe máy cũ Suzuki chạy xe ôm, chiếc mũ rộng vành che mặt, tôi hé nhìn khung trời bao la chờ khách.
Chuyến đi Lái Thiêu tôi bị tai nạn giao thông gãy chân và tổn thương hạ bộ. Hơn hai tháng trong bệnh viện, Diễm chăm sóc tôi ân cần, chu đáo như người vợ hiền. Ngày ra viện Hưng chở tôi về nhà anh an dưỡng, khi tôi đã đi đứng lại bình thường, mọi người trong nhà vui mừng chúc tôi tai qua nạn khỏi nhưng chỉ riêng tôi gặm nhấm nỗi u uất đời mình, tai nạn khiến tôi mất khả năng làm đàn ông.
Tôi để lại cho mẹ con Diễm phân nửa số tiền được chủ xe tải đền bù, tôi âm thầm giã từ, không báo cho ai biết tôi đi đâu, kể cả Diễm.
Tên chuyến xe khách về quê sau bao năm xa cách nhưng không còn ai thân thích, lòng tôi bồi hồi ngần ngại. Anh Ngân, người đồng hành lân la trò chuyện, gợi ý cùng theo anh lên khai thác gỗ rừng Đaklak.
Rừng Tây Nguyên bạt ngàn, những cây gỗ dầu thẳng tắp ứa nhựa hăng hắc, gỏ đỏ, dỗi, pơ mu… ở vùng sâu Cư San, huyện M’Đrắk đã lôi cuốn, hấp dẫn tính lang bạt kỳ hồ và tôi cũng muốn tìm quên nỗi bất hạnh đời mình.
Trong chuyến áp tải gỗ về giao cho khách hàng tại Tiền Giang, ông chủ vựa gỗ SL. dáng người cục mịch nhưng tử tế ân cần đãi khách.
Nghe nói ông từ nước ngoài về, đang đầu tư nhà máy làm hàng gỗ xuất khẩu. Gọi ông Hùng nhưng chỉ trạc tuổi tôi. Trực giác khiến tôi nhớ lại nhiều lần Diễm kể chuyện Hùng "gấu" khi còn đi học. Trước khi về lại Đaklak, Hùng mời tôi nhậu, trong lúc trò chuyện tôi cố ý dẫn dắt đến những kỷ niệm thời còn đi học...
Đôi mắt Hùng mơ màng nhìn ra khu vườn sầu riêng đang mùa ra bông thơm ngát.
Giọng anh trầm xuống, như nói với chính mình:
- Tôi say mê cô bạn gái cùng lớp đến nỗi chểnh mảng học hành, thi rớt lên rớt xuống. Ngày ấy mình khờ khạo nhút nhát... nên đã mất nàng.
Như phản xạ, tôi bật lên tên: “Diễm...”.
Hùng trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi, rồi chồm lên:
- Sao anh biết?
Tôi kể cho Hùng nghe về hoàn cảnh, cuộc sống của gia đình Diễm khi tôi còn ở Saigon.
Tôi thật lòng và cũng đầy mâu thuẩn khi muốn Hùng được gặp lại người xưa, một thời khiến anh điêu đứng trong tình yêu đơn phương nhưng đồng thời mong cho Diễm có cuộc sống tốt đẹp hơn những ngày tôi còn ở bên nàng.
Không lâu sau ngày Hùng gặp lại Diễm, nàng lặn lội lên Daklak, vào tận lâm trường tìm tôi. Nhưng tôi lánh mặt.
Ngồi nhìn giòng nước róc rách len theo khe đá nhỏ sau cơn mưa, lòng tôi cuộn lên đau đớn. Nàng có hiểu được lòng tôi?
Khi viết những dòng chữ này, gia đình Hùng – Diễm đã định cư ở Hoa Kỳ, nàng cố gắng học thêm và rất thành đạt nơi chân trời mới.

MIÊN TRƯỜNG

 Đêm cô tịch gieo buồn khắc khoải

Ánh trăng khuya vàng úa mông mênh

Người đi không hẹn bao giờ lại

Thác đổ buồn hiu nỗi gập ghềnh

Nhân dáng mơ hồ cơn mộng mị

Cố hương mờ khuất bước chông chênh

Hoàng hôn tím thẫm màu ly biệt

Dặm trường một bóng mãi lênh đênh

VỊNH THẰNG KIẾN


Thằng kiến chơi gì ác rứa mi
Tự nhiên chui tọt bịch đường ni ?
Bé xíu kết bè ai chịu nổi
To đùng xé lẻ cọp thua đi
Chơi trò cố đấm ăn xôi hả ?
Học thói biển người họa có khi
Chỉ tiếc ký đường ta cố nhịn
Đành lượm từng thằng há sợ chi !

29.8.21

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

LINH MIÊU

     Vụ nổ bể chứa khí biogas, cháy lan chái bếp khiến hai Thiện bị đui. Sau thời gian nằm bệnh viện, đứa con gái duy nhất của anh muốn bỏ học làm nghề. Nghề gì với con bé tuổi mới mười bốn? Nghe câu hỏi đã rụng rời, thói thường gặp hoàn cảnh bi đát con gái đẹp dễ hư, dễ sa ngã nhưng Hồng Nhung được bà con xóm nghèo đùm bọc. Thiện đui giậm chân tủi thân oán trách ông trời. Cửu trùng còn xa vời vợi huống gì gặp được ông thượng đế. Thời buổi gì ông trời chỉ sai thiên lôi đánh kẻ hiền lương. Mới đây thôi bà tư Mành còn kể chuyện cho con nít nghe trong đêm Trung Thu:

    - Xóm Bắc Giang bên kia sông có thằng con bất hiếu được cha mẹ tảo tần nuôi cho khôn lớn, đã hổn láo không phụ giúp lại quay ra tróc nả tiền bạc của cha mẹ để ăn chơi, bị ông trời sai thiên lôi đánh chết đứng như trời trồng, cháy đen thui.

    Lũ trẻ sợ quá, co rúm người. Tiếng đì đùng, chớp lóe báo hiệu trận mưa giông, mây kéo từ đâu về đen nghịt bầu trời. Hồng Nhung không tin lời bà tư Mành kể, sự bất công hiển hiện rành rành đã giáng xuống gia đình cô, cha cô bị mù không phải do tầm sét đánh bậy mà vì mưu sinh trong cuộc sống an bài.

    Ánh nắng mặt trời lấp lánh sau vòm lá như những con mắt chiếu rọi vào tâm tưởng đang cô đơn trống rỗng của cô. Tai nạn của gia đình cô lại là cơ may cho lão xã trưởng Nghè. Theo nhân tướng học, khuôn mặt như quả trứng  phình ra hai bên má như mặt chuột của lão thể hiện tính tham lam, tự mãn, hách dịch. Người lâu nay ngấp nghé tơ tưởng đến bóng dáng yêu kiều của mẹ cô. Quan phụ mẫu phải biết lo đến cái ăn cái mặc, hạnh phúc của bá tánh, "Dân dĩ thực vi thiên" (Dân lấy ăn làm trời), dân đói thì nước suy vi. Từ ngày cha cô gặp nạn, không thấy mặt mốc nào đại diện chính quyền đến ủy lạo thăm hỏi.
    Bà tư Mành cho chục trứng và dề mỡ cá thiều, chép miệng:
    - Dầu cá bổ mắt, rán ra mỡ để dành cho cha mi ăn cơm. Mi đẹp người đừng nghe bọn đầu trâu mặt ngựa xúi giục đi làm đĩ. Hồng Nhung ngạc nhiên nhìn bà, không hiểu bà nói gì.
    Xóm Ninh Giang mấy hôm nay chộn rộn bất an, nghe đâu có lịnh trên điều dân công lên mạn ngược xây hồ đắp đập. Cái rủi thành may, kiểu "Tái ông thất mã", nhân tai di họa nhưng ông trời lại ban cho anh Thiện "thong manh" được nhìn lờ mờ, không đến nỗi cha con cô cầm gậy dắt đi ăn mày.

    Ngồi bên con mương nhìn chiếc lá theo giòng nước róc rách trôi xuôi sau cơn mưa, lòng Hồng Nhung bỗng dịu đi, dòng đời đẩy đưa thân phận cô về đâu trong cảnh đời nghiệt ngã này.

    Hớp ngụm cafe rồi rít bi thuốc lào đầu tiên trong ngày là cái thú vị ngất ngây của hai Thiện. Ngoài trời hơi sương còn bảng lảng lùa vào khung cửa se se lạnh, anh kéo cao cổ áo. Nhìn khung trời xám mờ của đêm về sáng, chợt tia phản quang từ đôi mắt của con mèo mướp dội ngược khiến anh chớp mắt, ứa ra hai giọt nước lăn dài ánh lên màu bạc trên đôi gò má khắc khổ. Con mèo cựa mình vào chân anh, hơi ấm lan dần, bất chợt anh nhớ chuyện "Linh Miêu nhà bá hộ Sang" được ông nội kể từ thời thơ dại:

    "Các cụ kể rằng: Làng Ninh Giang xưa kia do sông Phù Lai bồi đắp, tên con sông mang hàm ý phù thịnh ngày sau cho con cháu đời đời, dù Ninh Giang là làng "trẻ" được bồi đắp bởi phù sa, nhưng thế đất "địa linh nhân kiệt" đã sản sinh bao anh hùng liệt nữ. Tổ tiên đã khai mở dần về phương Nam nên làng ta ngày càng trù phú, hiếu hòa. Ngược lại, làng Thọ Giang bị lũy tre già trên bờ đê sông Phù Lai ngăn trở, càng suy vi lụn bại. Thói đời bần cùng sinh đạo tặc, lòng người cũng nghiêng ngả theo hướng tối tăm, nhân tâm ly tán.

    Nhà bá hộ Sang lại có điều kiện cho con cháu học thành tài, trong nhà có nuôi bầy mèo không biết mấy con, nhưng một hôm mấy con mèo đẻ cùng một lượt, lạ một điều đều tha nhau dâng lên chỗ bàn trà của ông bá hộ. Ông cho là điềm lạ, các loài thú thường ăn lại nhau khi con lọt lòng. Ông gói ghém phơi khô xem như bảo vật, người xưa cho rằng nhau mèo đem lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Nhưng sau đó ít lâu, trước khi bá hộ Sang qua đời, ngoài gia tài ông còn chia cho các bà vợ, mỗi bà một bọc gấm nhau mèo.

     Đời sau con cháu đều thành đạt và giàu có cả.
Nhưng một hôm làng Ninh Giang náo động vì bị bọn bịt mặt cướp của giết người tra khảo, gia sản không ai mất gì chỉ riêng nhà con cháu ông bá hộ mất túi nhau mèo.
Sau đêm hôm ấy, mưa to gió lớn, nước từ thượng nguồn đổ về xuôi gây ra lụt lớn khiến rìa làng Thọ Giang sụt lở, cả lũy tre già bị cuốn trôi ra biển Đông thành bàu cạn bây giờ.
Từ đó, làng Ninh Giang cũng tiêu điều, trai tráng tha phương cầu thực chỉ còn lại những người già yếu, ruộng nương dần hoang hóa.

    Vợ hai Thiện không chịu nỗi cảnh nghèo đã bỏ rơi cha con anh, ôm cầm sang thuyền khác. Nghe nói chị ngấm lời đãi bôi của xã trưởng Nghè xuống phố huyện mở cửa hàng tơ lụa, vốn chị đã đẹp người lại thêm phần điệu đà lơi lả khiến bao quan chức si tình, có người đánh đổi cả sự nghiệp vì nhan sắc của chị.

    Hồng Nhung càng lớn càng xinh đẹp cũng đã bỏ rơi cha về sống với mẹ.

    Các cụ nhớ chuyện xưa cho rằng linh miêu nhà bá hộ Sang đã hóa cáo ẩn vào thân xác mỹ miều của mẹ con chị. Rồi đây, truyền thống văn hóa, đạo đức muôn đời của làng Ninh Giang sẽ điêu đứng nghiêng ngả vì sự dối trá, ma mị lên ngôi.

    Hai Thiện trầm ngâm nhớ về những ngày êm đềm xưa cũ đâm ra chán đời, trong lòng anh hằn lên nỗi căm thù lũ linh miêu quái quỉ đã gây ra cảnh chia lìa, khốn khổ đời anh.

KHÓC VỢ


Dịch covid lây lan thống khổ

Lò hóa thân bày vẽ thê lương

Người đi lòng có vấn vương
Sao đành bỏ nghĩa tìm đường vân du

Tiếng còi hụ nghe lòng nặng trỉu
Kinh cầu siêu tiễn bước nhẹ tênh
Phu thê tình nghĩa vững bền
Đâu ngờ ly biệt chiếu mền còn hương

Mảnh trăng khuyết sẽ tròn bóng nguyệt
Tình vợ chồng nay vắng hiền thê
Bàng hoàng chợt tỉnh cơn mê
Dáng ai như dáng em về bên song

Nghĩa tào khang một đời lận đận
Nợ phu thê muôn thuở đa đoan
Hiếu trung son sắt lo toan
Công dung ngôn hạnh vẹn toàn trước sau

Mưa nặng hạt gió lùa khe cửa
Mây phiêu bồng nắng quái vườn hoang
Người đi bỏ lại tro tàn
Quạnh hiu một bóng lỡ làng tình nhau.

RẮN MẮT

 Anh Điền con bác Hương Biền lớn hơn tôi ba tuổi. Ảnh tuổi Tý, tôi tuổi Mẹo. Các cụ thường cho rằng hai thằng tuổi này "tứ hành xung" không hợp, vậy mà chúng tôi chơi thân với nhau từ ngày để chỏm.

Anh Điền sau giờ đi học về thường dắt trâu ra đồng gặm cỏ, cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng, những bông lúa vươn mình trong nắng chiều màu hồng phớt đang xòe ra ngậm sữa, chiếc lá yếm vừa bung vươn lên trời như những ngọn giáo không còn màu xanh non lá mạ thì con gái. Anh Điền ngồi lên lưng trâu nhẩn nha nhấm từng hạt lúa non mang hương vị ngọt thơm đang kỳ chín tới.
Một lần chú Nhiêu Cần ra thăm đồng thấy rải rác những bông lúa tươi non trên bờ thửa ruộng nhà chú. Nhìn quanh thấy anh Điền đang dắt trâu quay về, chú tóm lấy anh vung tay tát liền mấy cái, má anh đỏ lựng. Chú giận dữ:
- Đồ "rắn mắt", tao đã tìm ra mi là thủ phạm! Thứ con hoang, cha con Hương Biền mất dạy!
Làng tôi ai nghe hai tiếng "mất dạy" là nặng lắm, xúc phạm đến tông môn, dòng họ. Chuyện đến tai bác Lý Bửng, trưởng tộc họ Trần tôi, bác sai thằng Đệ đi mời chú Nhiêu Cần để ông hỏi cho ra ngô ra khoai.
Chú Nhiêu, tá điền của nhà bác Lý, quê tôi gọi là cấy rẽ, thường nộp tô hết phân nửa sản lượng sau khi thu hoạch cho chủ đất.
Chú Nhiêu Cần khép nép:
- Thằng Điền nhà Hương Biền tút bông lúa cho trâu ăn, tui canh me riết mới tìm ra thủ phạm, ông nghĩ có tức không ?
Bác Lý vỗ bàn cái rầm:
- Con hư tại mẹ nhưng sao chú nói cha con nó "mất dạy"? Cha nó lú còn chú nó khôn, dù gì chú cũng phải nể mặt tộc họ nhà tôi chớ! Đường đường là tộc họ lớn nhất làng ni, chú ăn nói phải ra đàng ra lối!
Chú Nhiêu thuộc phận tôi đòi, thấp cổ bé miệng ú ớ:
- Con xin lỗi ông Lý, con chừa...
- Mai làm mâm xôi, gà thêm lít rượu ra nhà thờ tộc dâng hương tạ lỗi.
Chú Nhiêu Cần vốn học trò nghèo. Đạo thánh hiền lễ nghĩa là căn gốc của cửa Khổng sân Trình. Cha mẹ chú Nhiêu ngậm đắng nuốt cay vì thân phận của kẻ cùng đinh, dù khó khăn cũng cố mua cho con chức Nhiêu để đở bề lao dịch.
Thỉnh thoảng khoảng độ canh năm, bầu trời chưa hừng đông, anh Điền lén xúc trộm lúa ông Lý vác qua để trước sân nhà chú Nhiêu, không phải anh đền bù vụ tút bông lúa ngậm sữa ngày trước, không phải riêng cho anh Nhiêu, mà nhiều lần cho những gia đình khác. Ông Hương phát hiện cầm gậy đánh đuổi anh Điền chạy quanh làng, miệng la chửi thằng con "mất dạy, rắn mắt".
Giữa thập niên 60s, chiến tranh lan dần, anh Điền hưởng ứng phong trào "ba sẳn sàng" xung phong vào quân "Giải phóng", nghe nói sau này anh được biên chế vào tiểu đoàn 1(R20) thuộc lực lượng vũ trang tỉnh đội Quảng Đà.
Trận tết Mậu Thân (1968) anh cùng đồng đội tấn công vào sân bay Đà Nẵng.
Anh kể cuộc chiến ác liệt chưa từng có, không như thời còn du kích, mình ẩn trong bóng tối thấy địch đi ngời ngời, đưa súng ngắm tắc cù, trúng trật kệ mẹ, rồi chạy xuống hầm. Đôi khi thực hiện kế nghi binh cho quân chủ lực.
Cuộc tấn công thất bại, đồng đội hy sinh gần hết chỉ còn anh gãy xương ở đùi, bị bắt làm tù binh đưa vào bệnh viện điều trị.
Lòng tận tụy của các bác sĩ, y tá Mỹ không phân biệt địch hay ta. Theo luật quốc tế về tù binh họ đối xử rất nhân đạo với thương binh. Giường anh nằm kế bên một người lính hay sĩ quan gì đó ở đại đội trinh sát thuộc trung đoàn 51 biệt lập của Quảng Nam. Anh ta kể: "Những địa danh như Cẩm Hải, Phong Thử, Phù Kỳ, Gò Nổi, Thanh Trường, Hà Nha nổi tiếng mìn bẫy, hầm chông. Bằng những cuộc hành quân diều hâu chớp nhoáng chúng tôi đã đột nhập ngay tận sào huyệt địch, đập tan những đơn vị lừng danh như Đội nữ Pháo Binh Phù Kỳ, du kích Cẩm Hải, Đội Pháo 122 ly Hòa Đa (chuyên pháo kích phi trường Đà Nẵng)".
Anh giật mình nhớ lại thời du kích ở Điện Bàn, có khi đã "tao ngộ chiến" không chừng.
Anh thề chí vẫn kiên trung, một lòng vì sứ mạng giải phóng dân tộc, đánh cho "Mỹ cút Ngụy nhào". Sau khi lành vết thương anh sẽ tìm về đơn vị cũ chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh.
Cô Thơm làm xã đội phó, con gái Gò Nổi đẹp mà lì, đã khiến trái tim anh Điền và bao người xao xuyến. Sau đó không lâu, cô đã hy sinh vào khoảng tháng 3 năm 1969 khi bảo vệ đoàn văn nghệ có nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1941-1969) phu nhân nhà thơ Bùi Minh Quốc tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Sau ngày ký kết hiệp định Paris (1973), anh Điền được trao trả tù binh. Anh xin về khu tạm cư An Hải ở cùng vợ con, đạp xích lô để mưu sinh.
Không biết ai khai báo điều gì, sau năm 1975 địa phương quy kết anh vào diện chiêu hồi. Cuộc đời anh lên bờ xuống ruộng từ đó, chú năm H, bí thư xã là anh vợ cũng không dám ra mặt minh oan cho anh, anh buồn lòng tìm vui bằng rượu. Mỗi lần ban chủ nhiệm hợp tác xã họp hành, anh say khướt chửi từ trên xuống dưới. Điều này khiến địa phương gán thêm tội phá hoại cho anh, có khi do CIA cài lại không chừng.
Khoảng giữa năm 1979, không biết anh đi Tây Ninh làm gì lại bị bắt, nghi có ý định vượt biên. Anh được dẫn giải về địa phương.
Chiến tranh biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Khmer đỏ do Pol Pot cầm đầu đã lấn sang biên giới sát hại dân ta. Anh khẳng định:
- Biết con mẹ gì mà vượt biên, chẳng qua anh muốn "đầu quân giết giặc". Ở đây tụi nó nghi anh phản bội, anh làm cho tụi nó trắng mắt ra.
Công đâu không thấy lại mang thêm tội gán vào đời anh.
Xã hội đã vậy, trong nhà vợ con càng không hiểu đã khiến anh Điền khổ tâm, đỉnh điểm mâu thuẩn khi con trai lớn thi đỗ đại học y khoa ngoài Huế nhưng không được nhập trường.
Anh muốn ra thành phố chạy xe ôm, địa phương cũng không cho, sợ anh "móc nối" với kẻ địch.
Buổi sáng kia, tiếng kẻng báo ra đồng, dân làng phát hiện anh đã treo cổ lên cành đa gần miếu Thổ thần, xác thân còm cỏi của anh đong đưa giữa cõi trời hiu quạnh. Tôi hoàn toàn tin những lời bộc bạch, tâm sự và lòng trung thành chế độ của anh. Anh chàng "rắn mắt" trong cõi nhân sinh giả trá khôn lường, nhưng tôi là lính "Ngụy".

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...