Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

MỴ NƯƠNG


     Thuở xa xưa, Mỵ Nương chỉ danh xưng con gái các vua Hùng thời Hồng Bàng. Thời vận đảo điên, cha mẹ đặt tên cho nàng: Mỵ Nương, không rõ lòng nàng như Tiên Dung đem lòng yêu Chữ Đồng Tử hay nàng như Mỵ Nương nghe tiếng sáo véo von của Trương Chi mà thầm thương trộm nhớ mang bệnh tương tư, có khi nàng là Mỵ Nương Ngọc Hoa tạo ra sóng gió ba đào để Sơn Tinh – Thủy Tinh tranh giành gây ra bão lũ điêu đứng nhân gian hoặc nàng là Mỵ Châu vì si tình phụ nghĩa quân vương đã dâng hết cơ đồ cho giặc?
     Năm đó, Mỵ Nương mới tuổi mười lăm nhưng xinh đẹp lạ thường, vóc dáng điệu đà như tranh tố nữ, đàn thiên nga bay về từ biển Bắc cùng nhau nhảy múa ca ngợi dáng liễu, đàn chim hồng hạc thiên di về phương Nam hân hoan ca tụng dung nhan thiên kiều bá mị của nàng.
     Tiếng đồn hương sắc khuynh thành của Mỵ Nương cùng đến tai hoàng thái tử Lê Duy Vỹ, con của vua Lê Hiển Tông và thế tử Trịnh Sâm nhưng Mỵ Nương đã được tấn cung, từ đó Trịnh Sâm càng đem lòng thù oán Lê Duy Vỹ. Sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Sâm lập mưu tống giam Lê Duy Vỹ vào ngục và giết chết. Chúa Trịnh Sâm lập Lê Duy Cận – em Lê Duy Vỹ lên làm thái tử. Sau khi Trịnh Sâm mất, quân lính tam phủ làm loạn kiêu binh, mở ngục rước Lê Duy Khiêm con Lê Duy Vỹ về cung. Chúa Trịnh Khải cùng quần thần trong triều xin vua Lê Hiển Tông lập Lê Duy Khiêm làm hoàng thái tôn. 
     Vua Lê Hiển Tông băng hà, Lê Duy Khiêm được nối ngôi đổi tên là Duy Kỳ, đặt niên hiệu Chiêu Thống.
Sau khi Lê Duy Vỹ bị hãm hại, Mỵ Nương bị triệu về phủ Chúa. Chúa Trịnh bị quân Tây Sơn tiêu diệt, Mỵ Nương được Trịnh Bồng đưa về quân doanh. Lê Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng nên dựa vào binh lực của Trịnh Bồng để mong khôi phục vương triều. Mỵ Nương đêm ngày cùng Trịnh Bồng mê say trong hoan lạc nhưng đôi mắt u uẩn của nàng khiến Trịnh Bồng tức giận:
- Ta đã cứu nàng thoát nạn binh đao, hà cớ gì đêm ngày nàng thở vắn than dài?
- Thế nước loạn lạc thù trong giặc ngoài, thiếp e cảnh nồi da xáo thịt chỉ tạo cơ hội cho giặc đàng trong. Vua Lê đang dựa vào Người, sao ngài không thỉnh nguyện nhà vua phong vương để danh chính ngôn thuận hầu mong đời đời họ Trịnh nhà ta rạng danh với non sông và tiên tổ?
     Trịnh Bồng nghe bùi tai dâng sớ xin phong vương nhưng Lê Chiêu Thống vỗ về:
- “Trước kia cơ nghiệp nhà ta giữa chừng đổ nát, chính quyền do trong tay họ Trịnh, việc tế tự thì về quả nhân. Đấy là một thời kỳ. Nhưng nay lòng trời oán ghét họa loạn, phó thác quyền bính cho một mình ta. Một nước hai vua, có lẽ nào cứ giữ làm thể lệ được?” (*)
     Nhưng thế chẳng đặng đừng, vua Lê Chiêu Thống đành phong cho Trịnh Bồng làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Yến Đô Vương.
     Trịnh Bồng ngày càng dấu ái Mỵ Nương và để nàng kề cận như mưu sĩ. Trịnh Bồng bày tiệc mừng công và phong cho Mỵ Nương làm Võ tuyên phi. Mỵ Nương quỳ lạy tạ và thỏ thẻ cùng Yến Đô Vương:
- Thiếp nghe chuyện xưa Hoài Âm Hầu Hàn Tín không nghe lời chia ba thiên hạ tạo thế chân vạc để ngày sau bị Lã Hậu nhà Hán giết hại và bị tru di tam tộc. Chỉ còn than được một lời: “Ta hối hận không dùng mưu kế của Khoái Triệt, cho nên mới bị bọn đàn bà con nít lừa dối. Há chẳng phái là vì trời muốn thế hay sao?”
     Trịnh Bồng y lời cùng Dương Trọng Khiêm bàn chuyện phế lập, Lê Chiêu Thống vội gởi chiếu thư cho Nguyễn Hữu Chỉnh – Trấn thủ Nghệ An, đưa quân về cứu giá đánh tan quân Trịnh Bồng. Trong cơn loạn lạc can qua, Mỵ Nương cùng đoàn tùy tùng chạy theo Trịnh Bồng lên Cao Bằng nương nhờ vào chốn thiền môn.
     Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng lộng hành, vốn là người phản trắc “sớm đầu tối đánh”. Khi quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm đưa quân ra Bắc Hà, vua Lê Chiêu Thống nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ Thăng Long chạy về Kinh Bắc, đoàn ngự giá như bầy ong vỡ tổ bị bọn vô lại cướp mất áo bào, thị nữ hộ vệ tan tác, vua tôi nhà Lê giả làm sư sải ẩn náu mạn Thái Nguyên, Cao Bằng.
     Tiếng chuông chùa ngân nga trong không gian u tịch của núi rừng Đông Bắc lan dần trên đồi cây ngọn cỏ, vua Lê bùi ngùi nhớ về thời hoàng kim tiên tổ, vua Lê Thái Tổ đã nằm gai nếm mật để “Mười năm bình định giặc Minh”. Thác Bản Giốc loang loáng nước dưới ánh thiều quang như dãi lụa bạc trắng xóa bên dòng sông Quây Sơn, Ni cô Mỵ Nương dõi mắt về bên kia sông đồi núi nhấp nhô viền mây trắng bềnh bồng như vành khăn tang đời cô phụ. Xa xa về phía hạ lưu thấp thoáng bóng người cùng tiếng ngựa hí trong ánh hoàng hôn, vọng lại âm vang uy quyền của đoàn quân Tây Sơn - Vũ Văn Nhậm đang truy lùng vua Lê và Nguyễn Hữu Chỉnh.
- Nam Mô A Di Đà Phật! Ni cô có thấy đoàn quân nào lai vãng gần đây?
- Mô Phật! Tiếng thác ầm ì khó nghe động tỉnh. Am Bạch Vân ẩn giữa đại ngàn, thế sự tiêu diêu…

     Sau khi bắt giết Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại có ý đồ phản lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ ra Bắc Hà giết Vũ Văn Nhậm, giao binh quyền cho Ngô Văn Sở. Bầy tôi nhà Lê bảo vệ thái hậu và con trai Lê Chiêu Thống qua cửa ải Thủy Khẩu sang nhà Thanh cầu xin cứu viện.
Cương mục viết:
     “Thái hậu đưa nguyên tử (con trai Chiêu Thống) đến yết kiến ở trong sân, gào khóc xin cứu viện. Bọn Sĩ Nghị tâu với vua Thanh rằng tự hoàng nhà Lê đương phải bôn ba, đối với đại nghĩa, ta nên cứu viện. Vả lại, An Nam là đất cũ của Trung Quốc, sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam, thật là làm một chuyến mà được hai lợi”.(*)
     Ni cô Diệu An – Mỵ Nương, ngước nhìn trời mây u ám, trăng thượng tuần chênh chếch từ hướng kinh thành Thăng Long mờ mịt trong màn sương đêm lan tỏa dưới chân đồi. Dòng sông Quây Sơn lặng lẽ trôi xuôi về trung du mang bao nỗi niềm vọng về cố lý. Mỵ Nương ngâm lên khe khẻ:
     Thương nữ bất tri vong quốc hận
     Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
     Tà áo lam phất phới theo làn gió đêm se lạnh, Mỵ Nương gieo mình xuống dòng sông Quây Sơn mịt mù khói sóng.
Núi rừng Đống Bắc về đêm, trời trở gió.

Nguyễn Châu
(*) Tham khảo: Lê Chiêu Thống – Wikipedi

THIÊN DI


     Lão Trạc nhìn quanh, không có gì! Những gì có thể bán được dù ve chai cũng không còn. Vợ đã bỏ lão về với ông bà gần năm năm nay sau cơn bạo bệnh. Bốn đứa con có nếp có tẻ, hai đứa con gái ra riêng từ ngày thành gia thất, lão sống vò võ một mình trong căn nhà gần như hoang phế bởi trái cà-nông mồ côi lạc đường trong chiến tranh.
     Hai đứa con trai bương chải tận trong Saigon, làm ăn kiểu gì đến Tết cũng không thấy ló đầu về. Đứa con gái kế theo chồng vào tận Bình Định, hắn sống có hạnh phúc hay không mà biên thư cho lão:”Công đâu công uổng công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan!”. Còn lại con Xí Út ở gần cùng làng nhưng cũng ít khi về, thi thoảng thằng rể vác về biếu lão bao gạo lúa mới hay xâu cá rô, cá diếc ướp muối phơi khô nó bắt ngoài đồng. Mỗi lần con bồng cháu ngoại về thăm lão nhìn không ra Xí Út, hắn gầy nhom lại đen nhẻm như mọi núi, cười cười méo xệch chỉ thấy hai hàm răng!
     Lão chăm chút hai con gà mái đẻ dắt bầy con tròn vo vàng ươm chạy lăng xăng quanh hai chân gà mẹ bươi nát gốc trầu hương, miêng kêu túc túc. Lão Trạc quơ tay ném cái chổi cùn, gà mẹ xù lông mặt đỏ gay lửng thửng dắt bầy con lon ton chíu chít. Hình ảnh vợ lão lom khom bên giàn trầu ngày nào hiện về trong tâm trí lão, hàm răng nhuộm đen từ thời con gái mỗi ngày một sáng bóng, đôi môi hồng thắm bả trầu. Bà về làm vợ lão năm mười bảy tuổi.
     Tục lệ ngày xưa cưới hỏi nhiêu khê, những ngày đi làm rể bên nhà bà, từ lăn lộn với ruộng đồng cùng con trâu cái cày đến lợp lại mái tranh chái bếp đều phải qua tay lão.     
     Ông cụ thân sinh của bà thuộc dòng nho gia thất cơ lỡ vận, hành nghề thầy lang bốc thuốc lẫn thầy địa lý xem giờ hung giờ cát, xem giò gà ngày mồng chín tháng Giêng để đoán vận mệnh an nguy cho gia chủ. Lộc cho thầy có khi đĩa xôi với nguyên con gà giò.
     Vợ lão dấm dúi mang ra ngoài đồng cho lão nhưng bà chẳng dám ăn chung, những ngày ấy lão đã cảm được tình của vợ. Mãi đến bây giờ bà đã quy tiên, lão cũng chưa hề nghe bà nói với lão những lời tình tứ yêu thương ngoài sự chăm sóc và lo toan phụng sự nhà chồng.
     Con bốn Loan chạy ào vào nhà như giặc đuổi:
-         Cha, Cha… Cha có nhà hông?
-         Tổ cha mi, tao không ở nhà thì đi đâu?
     Nhìn thân hình tiều tụy của lão Trạc, bốn Loan ôm cha khóc ngất.
-         Tết nhứt tới nơi mi không ở nhà lo chuyện ông bà bên
nớ, về đây làm chi?
-         Ông nội mấy cháu gởi về biếu cha chục bánh tráng.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan - Bình Định ngon lắm đó cha, tự tay ổng tráng… Còn đây mấy chục nem Chợ Huyện của thằng rể cha, để cha nhâm nhi với rượu Bàu Đá của làng Cù Lâm, An Nhơn.
-         Còn mi cái chi?
-         Con mang thân xác cha đẻ ra về thăm cha đây nì, hì
hì…
     Lão Trạc cảm thấy lòng mình ấm lại nhưng rưng rưng, lão dọn bàn thờ bày hết lên trước di ảnh của bà:
-         Bà về đây mà chứng kiến tấm lòng hiếu thảo của vợ
chồng con gái bà, hắn về…
     Rồi lão bật khóc hu hu, bốn Loan ôm cha thổn thức hai hàng nước mắt thấm đẩm vào vai áo lão gầy gò.
-         Mi có tin gì của tụi nó không?
-         Ai cha? À, anh Hai anh Ba hả cha?
-         Tụi hắn đi biền biệt, không nhớ chi hết trơn là răng?
-         Hai ảnh bao lâu rồi không về hả cha?
-         Gần cả năm ni…
............
     Hai Long trải tấm hải đồ giữa sàn con tàu gỗ, chiếc hải bàn lắc lư theo nhịp sóng vỗ nhẹ, con tàu lướt êm trôi trên dòng sông Hậu, tiếng máy nổ đều đều như loãng tan vào trời nước mênh mông xuôi ra cửa Định An – Vĩnh Bình (Trà Vinh). Hai Long đi cải tạo gần ba năm, vốn rành nghề sông nước được mời làm tài công. Hai Long hỏi ba Lân:
-         Lòng anh rối bời, cha già một bóng ở quê nhà. Nhưng
em không sống ở đây được, một là về quê với cha hai là theo anh. Nhưng cơ hội ngàn năm một thuở, mình không có vàng bạc chi, họ cho anh mang theo…
-         Tùy anh, em học hành dang dở.
     Đêm không trăng sao, vùng biển phương Nam ngày cuối đông gió êm sóng lặn, những chiếc lá dừa nước như hàng người thầm lặng đưa hai cánh tay lên trời  tiễn biệt, chiếc tàu lặng lẽ cùng đoàn người băng mình ra khơi như những cánh chim thiên di tìm về miền đất ấm…
……..
     Xí Út dừng tay quét dọn ngước nhìn bụi tre sau nhà, những chiếc lá tre khô bay bay trong gió la đà rơi rơi như những chiếc thuyền nan nhỏ bé xoay tròn trên mặt hồ. Hai Long cởi trần trùng trục mò lặn bỏ vào chiếc giỏ tre mang sau lưng những con ốc bưu đen thui, bốn Loan chạy theo trên bờ vói tay ngắt bông súng khoe nhụy vàng, cánh hoa viền tím ngát làm xao động mặt nước xanh trong. Bà Trạc cốc đầu Xí Út:
-         Tết nhứt tới nơi rồi không lo dọn dẹp, đứng đó mà
ngó. Mi bưng rỗ chóc (dong) qua nhà thím Xê, nghèo mà đẻ cho hung.
-         Chú Sinh nằm bệnh viện nửa tháng ni, con Phụng bỏ
học rồi chừ con đi học một mình. Hôm kia mưa giông sét đánh chết con trâu, may hắn không chết. Cha nói: “Họa vô đơn chí!”
-         Bà bắt con gà xúc thêm ô gạo cho thím với mấy cháu.
Không biết thời buổi chi làm lụng tối mặt tối mày mà ngóc đầu không lên. Nhà có thằng đàn ông chừ nằm một chỗ…
Ông Trạc vứt tàn thuốc lá, lấy chân dí dí. Không biết ông nói đến chú Sinh hay ông nói với ông.
-         Còn mấy ang lúa gánh nộp cho Hợp tác xã hết rồi,
gạo đâu mà cho. Nửa bồ sắn lát dành ăn cho qua mùa giáp hạt. Ông không thấy…
     Bà bỏ giữa chừng, lấy khăn chặm mắt. Thằng Lân đi đâu về mặt lấm lét đưa cho ông Trạc cái túi màu đen:
-         Con lượm cái ni…
     Ông bà Trạc ngạc nhiên khi thấy xấp tiền với giấy tờ lẫn lộn, ông đổ hết ra trên mặt bàn lại rơi thêm những chiếc nhẫn và đôi bông tai vàng óng. Mảnh giấy biên nhận của nhà may V.H và tên người đặt hảng cùng xã với ông.
     Ông gọi hết bốn đứa con, mắt đứa nào cũng sáng rực. Con Xí Út tính chồm lấy đôi bông tai, ông Trạc dịu dàng nói với con:
-         Nhà mình nếu có chừng ni cha sẽ mua cho mỗi đứa
một bộ đồ mặc Tết, mình sẽ mua thêm bánh tét thịt heo vui ba ngày xuân cho rôm rả, nhưng…
     Ông nhìn bà và chính ông cũng đang “đấu tranh tư tưởng” trong lúc gia cảnh ông ngặt nghèo, những khuôn mặt đen đúa gầy nhom của con ông với đôi mắt háo hức ước ao mong được như những đứa trẻ con nhà sung túc. Bà nhìn ông rồi bỏ ra sau bếp, chính bà cũng đang nghĩ ngợi mông lung, bà đốt nén nhang lên bàn thờ ông Táo rồi lên ngồi đối diện với ông, bà buông lời:
-         Của phi nghĩa để ngoài sân, của phù vân để ngoài
ngõ”. Rồi bà hắng giọng:
-         Ông coi người mất ở mô, trả cho người ta.
-         Tui cũng nghĩ vậy, nếu mình mất của có tiếc không
con?
     Thằng Long góp lời:
-         Con biết chị ni, con ông Chủ nhiệm Hợp tác xã…
     Ông Trạc khoác thêm chiếc áo dắt Long, Lân đến nhà người mất. Vừa thấy chiếc túi, con ông chủ nhiệm giật phắt trên tay ông Trạc, xỉa xói:
-         Đồ ăn cắp…
     Vợ ông chủ nhiệm từ trong nhà chạy ra nhìn con gái khư khư ôm chiếc túi vào lòng, giọng đẩy đưa mời cha con ông Trạc vào nhà. Giọng ông từ tốn chỉ tay vào thằng Lân:
-         Con tui lượm được, tui đem trả lại cho mẹ con bà. Bà
hỏi cháu có thiếu gì không?
-         Đủ rồi! Thằng ni học lớp với tui. Con bé chanh chua
chỉ tay vào mặt thằng Long.
     Ông Trạc dắt hai con ra về không hề nghe một lời đáp lễ từ bà chủ nhiệm…
………
     Hai Long nhấp nháy đôi mắt dưới ánh nắng chói chang, lòng anh bồi hồi phơi phới niềm vui nhưng còn e ngại. Anh hồi hộp kéo va-li chậm rãi băng qua khu hải quan ở sân bay. Anh bỏ passport vào túi áo khoác, dòng người đón đưa huyên náo sảnh khách đến ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khiến lòng anh cũng rộn rã lây. Hai Long lững thững đón taxi về khách sạn, anh cố dõi mắt mong tìm một khuôn mặt thân quen, nơi này là quê hương anh hay anh như những người khách lạ?
     Chiếc taxi vòng vèo ra khỏi trạm thu phí băng băng theo đường Nguyễn Văn Trỗi qua cầu Công Lý theo Nam Kỳ  Khởi Nghĩa về Lê Lợi. Anh muốn đi một vòng qua khu chợ cũ Tôn Thất Đạm, chợ chim chợ chó… Ngày hai Long “chạy chợ” Huỳnh Thúc Kháng không vốn liếng, chỉ làm “cò” mua đi bán lại Tivi, máy lạnh, quạt máy, cassette  cả đường, cả sữa… nuôi ba Lân ăn học.
     Những căn nhà một thời của chú Hỏa (Jean Baptiste Hui Bon Hoa) khởi nghiệp từ buôn bán ve chai trở nên giàu có: Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố, công trình kiến trúc cổ kính nằm ở khu tứ giác với bốn mặt đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Saigon… nay đã thuộc về tài sản nhà nước.
     Khung cảnh đã khác xưa, đêm nay anh sẽ lang thang in lại dấu chân mình trên những con đường quen thuộc, ngày mai anh sẽ bay về quê… Cha anh, chỉ mới thoáng nghĩ sẽ được ôm cha, niềm cảm hoài dã dâng ngập lòng anh…
     Ánh nắng vàng ươm phản chiếu trên cánh bay chiếc Boing màu bạc, ngoài kia những tầng mây trắng như bông lướt qua, màu xanh da trời hòa lẫn màu ngọc bích của đại dương mênh mông, dòng sông quê hương anh như dãi lụa  viền quanh rặng núi xanh lam nhấp nhô dưới kia gợi trong anh sự kỳ vỹ và tình yêu tha thiết quê nhà.

MẢNH TRĂNG KHUYA


     Bà Hằng mở cửa sổ nhìn sang nhà chị Tám, giờ này lũ trẻ im ắng dưới ngọn đèn điện tù mù nghĩa là chị vẫn chưa về.
     Bà Hằng cũng theo chồng ra Quảng Trị, ông là cấp chỉ huy của chồng chị Tám. Thị xã Đông Hà  chìm trong màn sương ẩm đục xen lẫn gió rét tàn đông. Những ngày giáp Tết Tân Hợi – 1971 thật bình yên, dòng sông Thạch Hãn xanh trong  lững lờ trôi xuôi về Cửa Việt. Sông Thạch Hãn nối với sông Bến Hải qua sông Cánh Hòm, đến ngã ba Cổ Thành chảy vào sông Vĩnh Định gặp sông Nhùng (Mai Đàn) đến huyện lỵ Phong Điền hòa vào dòng sông Ô Lâu (Thác Mã) ra phá Tam Giang.
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang... (Ca dao)
……..
     Bà Hằng vốn là cô giáo thời tiểu học của chị Tám, từ quê nhà miền Nam xa xôi gặp nhau nơi tuyến đầu Tổ quốc. Bà bước sang nhìn hai đứa con chị Tám mặt mũi lem luốc khóc như ri:
-         Bà tắm cho các con, Hồng Nhi lấy áo quần bà thay.
-         Áo quần mẹ chưa mua, chỉ còn đồ cũ thôi!
-         Mai bà dắt ra chợ mua đồ mới cho con áo đầm thật
đẹp, cho em Trung bộ quần áo lính như ba.
     Căn nhà khu gia binh đơn sơ, ánh đèn điện vàng ệch. Đơn vị đã hành quân về hướng Khe Sanh từ mấy ngày trước, chị Tám buôn bán đồ Mỹ từ khẩu phần lương khô, gạo sấy, thịt hộp, ba-tê, thuốc lá, cà phê…
     Nghe tin chồng mất tích trong trận Hạ Lào, từ hậu cứ Đông Hà chị gởi con rồi tất tả lên Cam Lộ chờ tin. Đoàn xe nhà binh hối hả chạy ngược về hướng chị chở theo thương binh cùng những người tù binh Việt Cộng đã được băng bó ngồi xen lẫn bên nhau.
     Hồng Nhi ôm lấy bà méo mó:
-         Ba con không về hả bà?
     Thằng Trung chạy lon ton, chiếc áo lính dù quá khổ,  không mặc quần, hắn cùng đám trẻ con chơi trò “bịt mắt bắt dê”. Chú Rân “hậu cứ” nhìn ra bãi đáp trực thăng hét lên với  lũ nhỏ:
-         Đại bàng về rồi, ba tụi bay sắp về rồi! Tết muôn năm,
hoan hô Tết muôn năm.
     Từ trên trực thăng chuyền xuống chiếc băng ca với một thân hình đầu cổ quấn băng loang máu đỏ đã sậm màu. Chú Rân chạy ào đến nhìn mặt rồi đưa hai tay lên trời chới với:
-         Ôi “đại bàng”!
     Bà Hằng chết điếng khuỵu xuống bên thi thể của chồng, bà ôm choàng thân thể của ông rồi dụi đầu vào mái tóc và khuôn mặt bất động, hai má bà hồng lên vì màu máu.
     Khu Vĩnh biệt không chỉ có chồng bà, băng gỗ không còn đủ chỗ cho những người đã nằm xuống từ chiến địa. Thị xã Đông Hà đìu hiu trong ngày đầu xuân, chiếc cầu bắc qua sông Thạch Hãn oằn mình dưới đoàn xe nhà binh chuyển quân ra mặt trận, phía tây về hướng Lao Bảo bừng lên ánh chớp sáng lòa của đạn pháo và tiếng rít lao đi của những chiếc phản lực cơ vang lên trong đêm đen mờ mịt.
     Bà chợt nhớ đến lần đi ủy lạo ở bệnh viện dã chiến Đông Hà, những người lính Việt cộng bị thương lẫn chiến hữu của chồng bà đang được điều trị tại đây rên la đau đớn. Lòng bà bồi hồi xúc đông, nhưng dù sao họ cũng được may mắn hơn chồng chị Tám, anh đã bị bắt hay thân xác đã chôn vùi nơi đâu! Chị lại bỏ con thơ đi tìm chồng và chờ tin trong vô vọng.
     Nơi đây bà Hằng và chị Tám đã không còn gì, bà ngồi bên chồng trong chiếc trực thăng bay vào sân bay Phú Bài, từ đó theo máy bay quân sự về Saigon. Ông đã ra đi bỏ lại đồng đội ngoài kia trong sự chiến đấu kiêu hùng lẫn bi thiết của cuộc chiến đẫm máu tương tàn.  Giọng ca Thái Thanh như nức nở xé nát trái tim bà, lời bài ca “Kỷ vật cho em” của nhà thơ Linh Phương được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc:
…………
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…em ơi…
………….
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăng trối… em ơi…
……………
     Có bao nhiêu quả phụ như bà, dù tan nát cõi lòng vẫn còn được ôm thân xác chồng khi ông nằm xuống, được ngồi  nhìn di ảnh của chồng. Bà như bừng tỉnh vì được may mắn hơn biết bao người, sự an ủi trong đớn đau và chia sẻ. Những người chiến sĩ vô danh của cả hai miền mãi mãi vùi xác thân trong rừng già, trong hầm hố hay trên chiến địa hoang tàn
     Bà Hằng tình cờ gặp chị Tám ở chợ thuốc tây chui Tân Định, chồng chị bị bắt làm tù binh và sử dụng như dân công hỏa tuyến, anh được thả về sau ngày tàn cuộc chiến.
     Anh Tám gặp lại bà mừng mừng tủi tủi lẫn xót xa khi nhớ đến cái chết anh dũng của người chỉ huy năm nào trên mặt trận Hạ Lào. Anh vẫn cung kính với bà như xưa, tình huynh đệ chi binh anh nguyện suốt đời gắn bó. Hồng Nhi xinh xắn với tuổi dậy thì nhanh nhẹn phụ mẹ phân loại thuốc tây,  những gói quà gởi về từ nước ngoài. Em khựng lại khi ngờ ngợ đọc tên người gởi: Lê Trọng Rân…
-         Mẹ! Có phải chú Rân “hậu cứ” không mẹ?
     Chị Tám nhìn tên và địa chỉ người nhận từ tay Hồng Nhi, chị bỗng nghẹn ngào thảng thốt:
-         Ôi trời! Địa chỉ cũ của cô Hằng…
     Ký ức khu Bàn Cờ năm xưa gợi vào tâm trí chị con đường đi học len lỏi vào từng khu dân cư nghèo nàn nhưng thắm tình của người di cư. “Chợ Bàn Cờ” trưng bày hàng hóa dọc theo những con hẻm nhỏ, tan trường chị theo cô Hằng về nhà. Cô ở với mẹ, thỉnh thoảng chị mới gặp chồng cô, ông đi lính xa nhà…
     Sự rộn rã niền vui và an bình trong những ngày Noel của ngày thơ ấu đã khiến chị ngạc nhiên khi nghĩ về hiện tại. Những người hàng xóm hiền hòa quanh chị bỗng trở thành con người khác sau ngày đất nước hòa bình. Ông tám Lân chạy xe ba gác hay chị năm Na bán chuối chiên trở thành cán bộ, đã “động viên” gia đình chị và mẹ con cô Hằng đi kinh tế mới và hứa hẹn đủ điều. Họ không còn thân thiện như khi gia đình chị hoặc cô Hằng giúp đở họ trong những lần khốn khó. Bà Hằng không thể “ù lì” như chị, họ sợ đến cái “di ảnh” của ông, dù chồng bà đã mất. Chị hối hận khôn cùng khi không hỏi địa chỉ rõ ràng của bà, chỉ nghe loáng thoáng khu kinh tế mới Bù Đăng – Bù Đốp… Chị sai Hồng Nhi gọi cha về gấp. Anh Tám đang thiu thiu trên xe cyclo chờ khách, giật mình khi nghe con réo giật ngược:
-         Mẹ kêu ba về gấp! Về lẹ lên ba…
     Hồng Nhi leo lên xe, thân hình nhỏ bé của anh Tám vẹo qua vẹo lại trên yên xe cyclo trông như làm xiếc.
-         Anh thu xếp đi liền, lên Bù Đăng – Bù Đốp! Đường
sá ở trong miệng…
     Chị nói như ra lịnh, anh ngẩn người khi nghe rõ nguyên do rồi đạp xe trả lại cho chủ anh đã thuê ngày, vội vàng mang theo gói quà ra bến xe Chợ Lớn.
     Bù Đăng thuộc quận Đức Phong của tỉnh Phước Long (Nay là Bình Phước). Anh Tám dùng đủ loại phương tiện, từ Saigon xuống Thủ Dầu Một – Bình Dương lên Tân Uyên qua Đồng Xoài băng qua con đường đất đỏ ven rừng cao su bạt ngàn tìm về Bình Long. Anh đã từng cùng đơn vị trấn thủ nơi này, vùng chiến địa đã đi vào quân sử, máu xương của đồng đội anh và những người lính bên kia lẫn người dân Stiêng – Sóc Bom-Bo đã vun xới cho cây cỏ rừng Cát Tiên đượm xanh màu hoa lá…
     Từng dãy nhà tranh nhấp nhô xa tít trên vùng đất bạt ngàn đã được khai hoang, những đoàn người đi ngược chiều anh râm ran chuyện trò bằng giọng Saigon chính hiệu nhưng đen đúa và lam lũ như người Stiêng! Không có ấp nào mang tên “Bàn Cờ”, chỉ có những tên nghe hào hùng như khi còn chiến tranh: Thống Nhất, Anh Dũng, Toàn Thắng, Vinh Quang…
     Cuối cùng anh cũng đến được nơi cần tìm. Ven con đường xe be cạnh lô cao su, cỏ tranh vươn lên che khuất hai nấm mộ đất hoang sơ. Ai đó đã khắc vào gốc cây cao su già: “Mộ phần mẹ con bà Lê Thị Lệ Hằng, tạ thế ngày 20.3”  nhưng không ghi năm nào.
     Anh Tám quỳ lạy hương hồn người đã khuất, rồi dùng  tay đào giữa hai ngôi mộ hố nhỏ và trịnh trọng đặt gói quà của người đồng đội năm xưa từ bên trời Tây gởi về cho bà. Anh lẩm bẩm:
-         Dù sao bà cũng có nơi để về, “Sinh ký tử quy” và
được sum họp cùng ông!
     Gió đông về hiu hắt, lá cao su vàng úa rơi lác đác trên thảm cỏ xanh như những oan hồn còn nằm đâu đó giữa mênh mông rừng, dưới màu trời u ám của chiến địa năm nào.

GIÓ CUỐN BAY ĐI


     Út Nga vô tư cười ha hả, hình như suốt đời chị được sống trong lầu son gác tía. Ba Dân xì một tiếng, ngó lơ mà đôi mắt như rưng rưng:
-         Đến bây giờ mầy cũng còn làm đầy tớ cho con mẹ
“lựu đạn” đó hả? Trả dìa cho thằng con trời ơi của bả. Mầy không nghe lời, tao bỏ mầy luôn!
     Ba Dân nói xong cầm luôn cái giỏ lát, phủi đít nói đi về dưới.
-         Anh chưa nghe tui kể chuyện ni mới dzui…
     Bà già “lựu đạn” là vợ nhỏ của ông Sum - ông già anh em ba Dân. Hồi trước ổng làm thầu khoán ăn nên làm ra, mẹ ba Dân thường đi buôn gạo ra tận miền Trung, có khi nửa tháng chưa về. Trong nhà tôi tớ đôi ba đứa, nhưng hai Thơm siêng năng được ông bà chủ tin cậy hơn hết, nghe đâu quê hai Thơm ở tận Châu Đốc – An Giang, gái miền Tây gạo trắng nước trong, làn da trắng bóc. Dáng hai Thơm thon thả mình dây thanh tú, dù không đẹp lắm nhưng khuôn mặt dễ nhìn, nhất là cặp mắt đen huyền với làn mi rậm, lại ít nói ít cười. Từ ngày có hai Thơm nhà cửa như sạch hẳn ra, đồ đạc áo quần ngăn nắp đâu vào đó.
     Đôi khi ông Sum so sánh hai Thơm với bà vợ đen đúa tảo tần khuya sớm của ông. Ý nghĩ chợt thoáng qua vậy thôi, nhưng khi nhìn hai đứa con lòng ông ngậm ngùi thương cảm bà. Hai Thơm ân cần chăm sóc cho ông Sum như con gái lớn trong nhà, biết từng sở thích khi ông đi sớm về khuya, miếng chanh, trái ớt đến cộng hành ngò trong tô mì bốc khói. Có lần hai Thơm đứng sau lưng ông Sum vói tay để ly café đen trên bàn, vô tình hay hữu ý cạ bộ ngực đẫy đà của gái một con vào lưng, khiến tay ông nổi da gà.
      Thằng Khôi con lớn ông Sum mới vào lớp sáu, hắn khôn tổ trời nhưng nghịch ngợm có tiếng ở khu cống Bà Xếp – Hòa Hưng. Một lần đi học về vô tình hắn thấy ông Sum đè ngữa hai Thơm trên lan can cầu thang, mái tóc hai Thơm buông xỏa, chiếc áo vải phin đen bật tung khuy áo lộ ra làn da trắng nõn nà. Hắn sè sẹ nhón gót quay lui…
     Hắn không dám kể cho ai, mỗi lần bà Sum về hai anh em tụi nó chỉ được gần mẹ đôi ba ngày. Khôi ngần ngừ định kể cho mẹ nghe nhưng nhìn mẹ hắn thấy lòng không nỡ. Ánh mắt mẹ luôn đăm chiêu suy nghĩ chuyện gì lung lắm thường ít tỏ ra âu yếm anh em nó, Dân mới lên hai, mẹ lại tất tả ra đi.
     Bà Sum mở cổng, đêm đã vào khuya ánh đèn đường vàng úa xuyên qua cành lá cây hoàng lan tỏa hương thơm dịu mát. Con chó berger to lớn choàng hai chân lên vai bà gừ gừ, lắc đuôi mừng rỡ, bà nhẹ nhàng đi vào phòng…
     Cảnh tượng trước mắt khiến bà xây xẩm mặt mày, ông Sum và hai Thơm lõa lồ nằm bên nhau trên chiếc giường đệm lò xo trong phòng ngủ của bà. Bà như điên dại, tiếng hét và tiếng vỡ của lọ hoa như cộng hưởng thành tiếng sấm trong đêm. Bà cầm phần đế lọ thủy tinh định đâm nát mặt hai Thơm nhưng cái đạp phủ phàng của ông Sum bắn bà vào góc phòng, đầu va vào cạnh chiếc tủ gỗ lim, bà ngất đi với dòng máu phun trào…
     Vừa ra khỏi nhà thương, bà về tìm lại hộp nữ trang bằng vàng và hột xoàn trên chiếc tủ đầu giường, tất cả đều là giả. Điều kỳ lạ, hai Thơm không hề tỏ ra ngại ngùng hay sợ sệt khi giáp mặt với bà, còn tỏ ra thách thức. Cơn giân dữ và uất ức trào dâng khi ông Sum và hai Thơm vu khống bà đem của cho trai khiến bà như điên như cuồng. Bà cầm dao phay chém vào vai hai Thơm, vết chém bằng sống dao không chạm vào xương nhưng công lý đã quy tội cho bà cố sát. Bà bị tống giam vào khám Chí Hòa khi Út Nga mới được hoài thai sáu tháng.
     Những ngày sắp lâm bồn, bà xin tại ngoại nhưng không
được phép. Cơn đau âm ỉ kèm theo chấn thương lần trước khiến bà như người mất trí, Út Nga ra đời trong sự hoảng loạn của mẹ và tình thương của các bạn tù.
-         Mầy có biết anh Khôi đi đâu biệt xứ vì sao không?
Sắp thi tú tài anh Khôi bênh vực mầy khi mầy bị mụ già “lựu đạn” hành hạ vì mấy trái chuối. Mầy đi học về không có cơm ăn, tau cũng đói nhưng lại sợ ông già, tau bị mấy cái đá…
-         Bả khóc bù lu bù loa nói tụi mình hổn! Em đi học về
đói bụng lại phải lau nhà, nải chuối chín vàng ươm em ăn trộm một trái, mới nuốt ngang cổ họng bả dộng luôn vô miệng, em muốn ngạt thở. Mấy trái còn lại bả quăng xuống đất chẹp bẹp nhưng em lén gói vô tờ nhựt trình cho anh ăn đó!
-         Anh Khôi bị ông già đày hay tại ảnh buồn tình bỏ học
đăng lính rồi mất tích. Dzậy sao bây giờ mầy đem bả về nuôi?
-         Tui xuống Châu Đốc thăm, thằng con riêng trời ơi
của bả trách bả bỏ rơi hắn khi còn đỏ hỏn, đẩy bả ra ngoài đường ăn xin. Thương tình tui rước về nuôi…
………..
     Không biết có phải vì mình không có con với ông Sum hay ganh ghét bà Sum mà hai Thơm ra tay hành hạ Út Nga thậm tệ. Dù thương con nhưng không thể bênh vực Út Nga trước mặt hai Thơm, ông đành gởi Út Nga vào trường Nội Trú Bác Ái của các Soeur. Mới mười lăm tuổi hai Khôi ra vẻ đàn anh thấy rõ, đám cô hồn choi choi khu Nguyễn Thông nối dài ngưỡng mộ tánh lầm lì nhưng hào hiệp và song phẳng của hai Khôi, sẳn sàng bênh vực và giúp đở kẻ thế cô nhưng đành bất lực nhìn hai Thơm ngược đãi em mình mà không làm gì được, Khôi nghiến răng cầm dao chặt đứt nửa ngón tay giữa của mình trước mặt hai Thơm. Nhìn Khôi cầm phần ngón tay đầy máu bỏ vào miệng nhai trệu trạo, hai Thơm kinh hồn ngất xỉu.
     Nghe kể lại chuyện nhà, ông Sum vò đầu bứt tóc. Với thế lực của ông, chuyện xã hội ông giải quyết cái rụp nhưng đầu óc ông rối bời khi hai Thơm trách móc ông không biết dạy con và nằn nặc thu dọn hành trang ra đi. Dân đang gào khóc gọi mẹ, ông Sum trút nỗi bực dọc bằng cái tát tai nổ đom đóm lên má, khiến Dân lăn cù xuống bậc tam cấp…
-         Mầy có thấy mặt tau bên to bên nhỏ không Út Nga?
Cú trời giáng đó tau bị bể quai hàm. Mẹ nghe tin bồng tau về gởi cho cậu. Chà, con nhà cậu sáu đứa cộng tau là bảy, miền sông nước chẳng có đứa nào học hành chỉ quen tát đìa, suốt ngày vùi mình đi bứt cộng súng, ăn cá nhiều hơn cơm…
-         Ừ, trên này mấy người giúp việc cũng bỏ đi hết, ba
nghe lời bả không cho tui nội trú nữa. Mới mười ba tui làm hết chuyện nhà, con nhà giàu nhưng đố tui biết gói xôi là gì. Khi nào hết việc tui quay nước mía cho cô Xíu Xẩm kiếm tiền. Mèn đét ơi! cuốn luôn mấy đầu ngón tay tui, đau thấy mụ nội nhưng tui không nói ai hay. Ngày nào cũng phải giặt thau đồ chà bá! Nghĩ lại cũng dzui thiệt anh Ba… ha ha.
-         Cuối cùng rồi mầy với tau cùng tá túc nhà cậu, đến
bây giờ tau cũng không biết lỗi do đâu, tại ba hay tại mẹ! Tờ báo Tin Sáng có đăng chuyện nhà mình. Nhưng thôi, mình phận làm con…
-         Anh ba nhớ không, tui ra chợ bán bông súng, bà Tư
Ngây – Bà già chồng tui bây giờ, cứ dòm tui lom lom, bữa kia bả hỏi “- Mầy muốn dìa ở nhà tau không?”. Tui thấy cảnh nhà cậu nghèo quá muốn đi cho bớt miệng ăn. Tui nói: “- Nhà bác đông con hôn?”, bả nói: “- Có một mống thằng con trai, lớn hơn mầy mấy tuổi, nếu ưng sáng mai con tau chèo ghe ra đón!”. Tui về thưa với cậu, cậu nói: “- Mầy muốn ở đâu thì ở, vùng này ai cũng nghèo nhưng tốt bụng. Tau biết bà Tư Ngây…”.
     Sáng ra tui thay bộ bà ba, đứng bến sông chờ. Tui thấy có cậu học trò bảnh tỏn, ôm cặp bước lên bờ. Tui chạy tới cầm tay: “- Anh đón tui hả, mình dìa!”. Anh học trò mặt tái xanh, nhảy xuống ghe, giọng lắp bắp: “ – Tui đi học mờ…”.
Tui tức cười đâm ra dạn dĩ: “- Không phải con bà Tư hả?”
Ảnh chèo ghe đi tuốt.
-         Thằng chồng mầy cũng hiền đó chớ, chỉ hơi lù đù…
-         Dìa nhà bà Tư Ngây tui cũng làm đủ thứ mệt muốn
hụt hơi, tui với thằng chả giành nhau ăn thiếu điều muốn uýnh lộn, nhưng tối nào cũng ngủ chung. Hơn một năm sau, quen nước quen cái tui mới cho thằng chả làm chuyện vợ chồng. Cái thứ chi mà ham, đeo như sam…
……….
     Bà già “lưu đạn” tám mấy tuổi rồi, đêm nào cũng lần tràng hạt, tụng kinh. Trời cho bà minh mẩn để nhớ hay ăn năn chuyện đời? Đêm đã dần khuya, bóng chim ăn đêm bay vụt qua sân như ánh chớp khiến bà giật mình. Đời bà cũng vậy thôi, mới ngày nào… đứa con không mong muốn được sinh ra, đã gieo vào lòng bà bao khốn khổ. Một đêm mưa gió tối trời bà cuộn tròn thằng bé trong chiếc khăn rằn để trong chòi của thằng cha nó. Bà theo chuyến xe đò sớm lên Saigon…
     Cơ ngơi nhà ông Sum khiến thân phận như bà lóa mắt, ông Sum không cho bà an phận tôi đòi. Sự rạo rực và thèm khát trong cơ thể đã một lần sinh nở của bà cứ trào dâng nhất là những đêm về sáng. Sự mơ ước chiếm hữu theo bản năng lớn dần cho đến ngày ông Sum đồng lõa đưa bà vào vòng oái ăm của cuộc đời. Đến bây giờ bà cũng không hiểu vòng vàng, hột xoàn của bà Sum tại sao là giả! Vết chém dù còn nương tay của bà Sum đã tạo thêm động lực để bà quyết tâm chiếm trọn vai trò bà chủ bên ông Sum. Nói có trời, sau những lần dan díu bà yêu ông Sum thật sự. Sự ghê tởm và căm thù đàn ông từ sự hiếp dâm thô bạo đã nhường chỗ cho sự êm ái và thăng hoa cảm xúc bởi ông Sum, người đàn ông lịch lãm, mạnh mẽ và tế nhị trong tình trường khiến nhiều lần bà kêu rú lên, hai tay bắt chuồn chuồn...
     Ý nghĩ “cướp chồng” khiến đôi lần tâm hồn bà chao đảo, sự thật thà và lương thiện của người con gái miền sông nước khiến bà cảm thấy tội lỗi với các đứa trẻ, càng tỏ ra chăm sóc lại nhận ngược về mình những tia mắt khó chịu và hằn học, bà có cảm giác chúng nó theo mẹ và căm thù bà. Từ đó, bà không còn tình yêu thương gì với những đứa con của ông Sum, chính bà cũng không hiểu được lòng bà.
     Út Nga đi đâu về mặt mày tươi rói, tay cầm bịch hủ tiếu Nam Vang, cười hề hề:
-         Má ăn rồi đi ngủ. Người ta nói ăn khuya, khỏe!
-         Cha mầy, đi “nhậu” về hả con? Đàn bà con gái tối
nào cũng nhậu!
-         Dzui mà má, khi mấy đứa còn nhỏ con đâu chăm sóc
má được, con cũng già gần bằng má rồi đây nè. Có nhiều điều mình không định được cho chính bản thân mình, kể cả cái chết. Chơi dzui đi má, mình còn sống được bao lâu!
    Bà già “lựu đạn” lần tràng hạt, đôi mắt lim dim hướng về cõi tịnh yên, sự ấm áp từ tấm lòng của Út Nga lan tỏa len vào tâm khảm bà sự dịu ngọt của tình người. Dây tràng hạt bỗng đứt tung, những hạt gỗ màu nâu sậm rơi rơi lăn tròn, xoáy vào tim bà nỗi niềm ray rức khôn nguôi.   

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...