Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

ĐỐI THOẠI

 Phan Khôi kể chuyện " Tình già...

Hai mươi năm sau hai mái đầu xanh..."

- Cùng lắm chỉ bốn mươi chứ mấy !

Ta bảy mươi mà con tim vẫn vậy

Háo hức mong chờ như thuở mới hai mươi !

- Lão già ơi còn máu chảy trong người

Còn thổn thức là đam mê cháy bỏng

Lão cứ  như chưa bao giờ được sống

Lão cứ yêu nếu rung động vì yêu...

Ta hom hem như cành khô nắng hạn 

Răng đã rụng rồi móm mém cùng ai ?

- Lão già ơi thân trâu ngựa một thời

Phần còn lại lão dành cho lão với

Lão hãy hồn nhiên như hồi trẻ dại

Hãy nhìn mặt trời để bóng ngã sau lưng

Tai đã nặng, mắt mờ mây trắng đục

Ta cô đơn đối diện với lòng ta...

- Lão già ơi phúc lão mấy mươi đời

Nên tai điếc để không nghe dối trá

Mắt lão mờ để không còn xa lạ

Dáng yêu kiều một thuở trong tim...


NC

15/01/2012

NƠI ĐÓ...

 Nơi đó cho tôi bình yên. Sau triền miên ủ dột.

Cảm giác nín thở, chân tay bất động dễ chịu làm sao! Nhưng rồi dồn dập thở. Thở hắt ra, lại kéo nỗi buồn vào lòng.

Xa tít cuối đường tàu, hai thanh ray chập một, le lói ánh đèn vàng hiu hắt. Nơi đó đó, có em chờ tôi.

Dù em và tôi song song trên đường đời, nhưng không hề cách biệt. Dan díu bỡi những thanh ngang. Thanh ngang nghiệt ngã.

Nơi đó đó, hang ổ cuối cùng. Êm ấm, không gai nhọn chọc lưng. Tất cả phiền muộn hoảng sợ, khi em nhìn tôi. Mọi âu lo vụt tắt.

Em nhặt nắng mai, hương hoa trời đất tặng tôi. 

Nhưng tôi mụ mị, khi đã ngộ tình em. 

NC

VĂN TẾ HẢI ÂU XA KHƠI

 VĂN TẾ NHỮNG HẢI ÂU ĐÃ XA KHƠI...

Đỉnh Hải Vân mây ám nặng nề 

Dòng sông Hậu nước ròng như muốn kiệt 

Cuộc tang thương dâu bể trăm năm 

Kiếp phù thế nhân sinh ly biệt 

Âm dương từ đây cách trở 

Trách ông trời sao gieo nỗi biệt ly

Oán tạo hoá tạo mầm bạo liệt 

Nhớ linh xưa !

Lớn lên bằng công cha nghĩa mẹ

Đỗ tú tài cố học thành danh

Thấm nhuần chữ vinh quy xã tắc an bình

Chẳng sợ khó nên chuyên cần học tập 

Đất nước loạn ly không ngại tài hèn sức mọn

Quyết giã từ giảng đường, cha mẹ, em thơ

Nắng Nha Trang gian khổ không nề

Hít đất, thăng thiên sá chi máu đổ

Vượt Trùng dương sợ gì bão tố 

Đem thân trai trả nợ tang bồng

Than ôi!

Nợ nước thù nhà chưa trả 

Cất bước lên đường theo tiếng gọi non sông 

Sông rạch hiểm nghèo lẫm liệt hiên ngang

Cửa Việt, Năm Căn, Bồ Đề, Chương Thiện

Tuần dương,Tuần thám, Xung phong

Tango, Alpha, PBR Thuỷ bộ

Duyên hải dọc ngang

Coi thường hòn tên mũi đạn

Trong bão lửa vẫn hào hùng xung trận 

Dọn bãi, đổ quân khiếp vía quân thù (*)

Nhớ bạn hiền xưa!

Ra dáng hào hoa

Đời thủy thủ nào đâu sánh được

Tàu về bến dìu em bát phố

Áo lụa tung bay quyện sắc tím hoa cà

Không hề mộng mơ quyền quý kiêu sa

Dâng tuổi trẻ cho quê hương Tổ quốc

"Tang bồng hồ thỉ" vì dân vì nước

Chuyện yêu đương đành hẹn buổi bình minh 

Nhớ linh xưa !

Nhà chật hẹp nhưng lòng người rộng mở 

Chén rượu nhạt chung trà thơm cùng tri kỷ tri âm  

Nào ngờ! 

Dẫu biết:"Sinh hữu hạn, tử bất kỳ" nhưng lòng người ai thấu?

Hỡi ôi! 

"Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh"

Tử biệt sinh ly đau xót vô ngần

"Sinh ký tử quy" lẽ trời định phận

Một nén tâm nhang của  lòng người ở lại

Thành kính nghiêng mình tiễn hạc quy tiên

Sống khôn thác thiêng vẫn nghĩa bạn hiền

Dòng tâm huyết hương hoa kính bái !


Nguyễn Châu

(*) Hải chiến Hoàng Sa 19.01.1974

KHOẢNH KHẮC

Ta mượn lời

“Nhất nhật bất kiến…”

để nhớ về em

những ngày xưa cũ

Ta già nua

khoảnh khắc tựa trăm năm

gang tấc thôi

đã thấy xa xăm

Dù quờ quạng tay chân

vẫn ôm lòng hồ thỉ

Lá tàn phai

Lòng chưa phỉ chí

hào hoa kia

rụng mất bên thềm

Khoảnh khắc thôi

ngày cũng dài thêm

Thời gian không đủ

linh hồn ta giẫy chết

Chỉ khoảnh khắc

đã là diễm tuyệt

Đàn buông dây

tơ phím lỡ làng

Khoảnh khắc thôi

không còn vọng tiếng ngân

vang

của 

ngày xưa cũ...


PNCU

(Nguyễn Châu)

RƯỚC EM VỀ

Ta muốn rước

em về dưới mộ

Ngắm thân ta tàn tạ 

rã rời

Đôi tay từng

vuốt tóc buông lơi

Làn môi ngọt ngất ngây tình da diết

và ánh mắt

đam mê lòng tha thiết

Trái tim hồng thổn thức lúc trăng vơi


Ta muốn đón em về dưới mộ

Đêm cô đơn giun dế hát quanh mồ

Lòng đất ấm sưởi ân tình hoa cỏ

Ta chỉ còn xương trắng với da khô


Ta muốn đưa em về dưới mộ

Để đêm mơ ta cứ nghĩ đồng sàng

Không dị mộng như dòng đời ma mị

Phiêu du cùng những kẻ lang thang


Đêm u tịch nghe hồn ta lắng đọng

Bao oan hồn nhảy múa điệu ly hương

Em hãy đến

Âm u lời thương xót

cõi trần gian xảo trá khôn lường


PNCU

(Nguyễn Châu)

CON KÉT

     Thằng Cự xuất thân thuộc hạng bần cùng, nghĩa là nghèo mạt rệp. Làng tôi có tục kỳ lạ: Ai nghèo khổ quá đều gọi bằng “thằng”. Khác với thời ông Ngô Tất Tố, chị Dậu do hoàn cảnh ma chay cha mẹ tốn kém, bệnh tật hiểm nghèo dẫn đến túng thiếu nên bị liệt vào hạng cùng đinh, nhưng vẫn được ông gọi là “chị”.

     Thằng Cự giữ trâu cho nhà năm Pháo, hắn lớn tồng ngồng ra dáng thanh niên, nhưng chỉ mặc độc chiếc quần đùi vải tám đen mốc thếch. Trời nắng nóng hắn thích trầm mình dưới ao, thấy mấy bà mấy cô đi ngang qua, hắn vụt đứng lên làm cái quần đùi tụt xuống dưới đầu gối. Bà nào cũng cười ré lên, mấy cô mắc cở mặt đỏ lựng lấy nón che nghiêng, không biết có thấy gì không?

   Thằng Cự thích chim, nuôi chim không tốn cơm gạo như chó với mèo. Đặc biệt hắn giành hết tâm trí cho con két, từ khi nó còn đỏ hỏn.

  Một hôm con két hét vào tai thằng Cự:

- Dắt trâu, dắt trâu… két…két…két!

  Rõ ràng con két biết nói, có lẽ nó nghe quen tai từ năm Pháo. Thằng Cự phấn khởi, bắt đầu dạy từng câu cho két. Dần dà con két nói thay lời thằng Cự:

- Đ. má năm Pháo, đ. má năm Pháo… két… két…

  Ban đầu năm Pháo tức cười, ai cũng biết nó “nói như vẹt”, nhưng nghe con két nói riết lão đâm ra bực bội. Làm người như thằng Cự không học không hành, ai nói chuyện gì nghe xuôi tai cũng nhập tâm, huống gì con két.

  Năm Pháo biết thằng Cự đầu bò dễ dụ. Một hôm lão kéo hắn vào nhà, tỉ tê:

- Mi ráng siêng năng, mai mốt con Mận lơn lớn, tao gả cho. Miếng đất kế bên chuồng trâu tao cho mi làm nhà…

  Khỏi phải nói, thằng Cự sướng như lên mây, hắn ra sức dạy con két:

- Hoan hô năm Pháo, tri ân năm Pháo… két… két.

  Thằng Cự nhìn lom lom bộ ngực và cái mông của con Mận núng na núng nính, chỉ tội hơi lùn. Con Mận e thẹn cúi mặt, tầm nhìn của Mận trúng ngay cái vật lợn cợn bị cái quần đùi ướt nhẹp dính chặt vào da của thằng Cự, con Mận lúng túng buông rơi cái nồi nhôm nấu cám heo, làm thằng Cự giật mình.

   Con két hét lên:

- Hoan hô năm Pháo, tri ân năm Pháo… két… két.

  Đêm về mệt mỏi ngủ say vùi, thằng Cự nằm mơ thấy con Mận dẫn hắn lên Thiên đường, tòa nhà nguy nga đồ sộ dát vàng, những vì sao là những hạt kim cương lóng lánh trên bầu trời xanh lơ, ánh sáng bàn bạc bởi vầng trăng mờ ảo lung linh tròn vành vạnh. Bầy tiên nữ múa khúc nghê thường, nhạc cung đình réo rắc ngân vang… Con Mận với trang phục hoàng hậu kiêu sa như trong tuồng hát bội. Các cung nữ quỳ dâng mỹ tửu, ngự thiện tràn trề “nem công chả phượng” được xếp thành hình chữ “vạn niên”, “Phúc như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn”…

  Mặt trời lên đã quá ngọn sào, thằng Cự chợt tỉnh giấc. Con két vỗ cánh, kêu vang:

- Đ. má năm Pháo, đ. má năm Pháo… két…

két… Dắt trâu, dắt trâu… két… két.

    Thằng Cự dụi mắt, ngoài đồng thấp thoáng đám thợ cấy trên mặt ruộng. Con Mận mặc áo bà ba xẻ tà, hai tay giữ  thúng lúa đội trên đầu, đưa ngấn bụng trắng ngần bước qua mặt thằng Cự, cặp mông đong đưa thấy ghét. Qua giai đoạn cày bừa, con trâu cùng Cự cũng thảnh thơi hơn, hắn sà đến chỗ cối xay lúa, hai tay đỡ giùm con Mận. Cái thằng vô ý vô tứ, ngực con Mận cạ sát vào bụng thằng Cự, con nhỏ hai má ửng hồng thở hổn hển thiếu điều muốn hụt hơi, làm như thúng lúa nặng cả tạ.

   Cũng nói sơ qua con Mận, nó mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên mười, vợ chồng năm Pháo ra tay tế độ đem về nuôi như kẻ ăn người ở trong nhà. Cả ngày lầm lầm lì lì, làm đủ thứ chuyện không hở tay. Lúc rêm mình, năm Pháo còn bắt con Mận đấm lưng hay bóp tay bóp chân.

   Vợ năm Pháo chẳng cần quan tâm, mụ có sạp tạp hóa dưới chợ huyện, ăn trắng mặc trơn nên người mụ đẩy đà. Có lần mụ định đưa thằng Cự xuống chợ giúp mụ, nhưng năm Pháo gạt phắt.

  Tháng chạp trời se lạnh, vụ chiêm đưa mạ xuống ruộng, tết Nguyên Đán cũng gần kề. “Đói thì ăn ráy ăn khoai, chớ thấy lúa trổ tháng Hai mà mừng”, ra Giêng gặp đợt rét chỉ có nước ăn cám. Năm Pháo cho thằng Cự cái áo trấn thủ bằng vải ka-ki màu cứt ngựa ở giữa lót bông, ngắn đến thắt lưng, vật kỷ niệm của lão thời chống Pháp. Nhìn thằng Cự giống như con cào cào cồ, mọc chưa đủ cánh, lòi cái bụng lổ rún đen thui với chiếc quần đùi cố hữu. 

    Năm Pháo vỗ về:

- Năm tới mi sung vào tráng đinh thực thụ rồi, ăn

mặc cho ra vẻ với ngươi ta, ai đời cứ “tròng” cái quần củn cởn, lúc la lúc lắc cái sự đời, thiệt ngứa con mắt! Ráng mần siêng năng, tao gả…

   Tự nhiên năm Pháo ho sù sụ. Lão sai thằng Cự sửa chuồng trâu, đánh tranh lợp lại mái. Cự nhắc cái vụ cho nền nhà, lão khoát tay nói:“từ từ…”.

   Tiếng mõ cầm canh vọng về từ cuối xóm, trăng lưỡi liềm thượng tuần chênh chếch, bỗng con Mận cầm đuốc chạy sang nhà thằng Cự:

- Ông Năm kêu ông kìa, lẹ lên!

 Ánh đuốc bập bùng, đôi mắt con Mận lúng liếng

phản chiếu hai đốm sáng long lanh. Thằng Cự quay lưng, lật đật choàng vội chiếc áo trấn thủ, con Mận đăm đăm nhìn thân hình lực điền vạm vỡ của Cự, trong lòng nó dâng lên niềm thương cảm lẫn khát khao…

   Năm Pháo ngồi bên mâm rượu đĩa gà xé phay đầy ụ, ra dấu cho Cự:

- Mi ngồi xuống đây, uống rượu với tao!

- Dạ, lạy ông, con không dám!

- Trước khi nói chuyện trọng đại với mi, tao cho

phép.

  Thằng Cự run như cầy sấy, riu ríu ngồi xuống mép ghế.

- Thằng thiệt lạ, trai tráng gì mới hai ly cỏn con

mà mặt đỏ như trái gấc!

 - Rót!

    Đêm đã dần khuya, tiếng dế nỉ non xen lẫn tiếng ếch kêu ồm ộp, thằng Cự nằm quay lơ sùi bọt mép. 

    Khoảng giờ Dần tiếng gà gáy sang canh, con Mận hoảng hồn thấy đống thịt lù lù của thằng Cự nằm bên mình lúc nào không hay, nó lùi dần xuống cuối chiếc giường tre, ngồi bó gối nhìn thằng Cự nằm thẳng cẳng như chết rồi.

    Năm Pháo xô cửa phên buồng con Mận, đưa đầu gậy gõ gõ vô hai ống quyển của thằng Cự. Hắn co giò mở choàng mắt, thấy con Mận ngồi ôm mặt, tóc tai rũ rượi lại thêm năm Pháo một tay chống nạnh, tay kia cầm ba-tong nhịp nhịp…

   Thằng Cự nhảy lẹ xuống giường, mặt tái mét.

-  Mi là thằng phản chủ, nuôi ong tay áo. Đi lên

nhà trên, rồi tao nói chuyện. Cả con kia nữa, tụi bay là thứ vô ơn, bôi tro trát trấu nhà tao!

   Hai đứa như con mèo ướt, khoanh tay cúi đầu chờ cơn thịnh nộ. Nhưng không, giọng năm Pháo khoan hòa, phủ dụ:

- Chớ tụi bay nôn nóng điều chi? Tao đã hứa một

lời như đinh đóng cột, “tứ mã nan truy”. Cớ sao lại làm điều dại dột, tao còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ? Dòng họ mấy đời nhà tao, dù không khoa bảng cũng thuộc hàng danh gia vọng tộc. Cớ sự rành rành, bay tính làm sao? Nói…

   Con Mận thiếu điều muốn quỵ, thằng Cự mặt cắt không còn giọt máu. Tay vân vê hạt nút áo trấn thủ mà nghe lòng lạnh ngắt.

    Y như lời, năm Pháo thông báo làng trên xóm dưới ngày thành hôn của hai trẻ mồ côi. Đời này ít ai có lòng độ lượng và tử tế như ông, râm ran trong nhà ngoài ngõ bà con bàn tán xôn xao, ai cũng hả hê mừng cho hai đứa nghèo hèn tốt phước.

    Mảnh đất kế chuồng trâu, năm Pháo không cho như đã hứa, bù lại sai thằng Cự đốn chục cây tre và vác trăm tấm tranh sen về để sửa lại căn nhà tranh rách nát của hắn. Công việc hằng ngày vẫn y như cũ, thỉnh thoảng con Mận đấm lưng, bóp tay bóp chân cho năm Pháo khi trái gió trở trời.

   Cưới nhau mới hơn sáu tháng, con Mận đẻ được thằng cu. Mụ năm Pháo nựng nựng bìu thằng nhỏ, xởi lởi:

- Mồ cha nó, sao giống thằng Cự quá thể! Củ này lớn lên phải biết, chết người chớ chẳng chơi!

    Chỉ có Cự là hồn nhiên, lòng hắn dâng tràn niềm cảm khái, tự nhiên có vợ có con. Nó tu mấy kiếp mới được năm Pháo ra tay cưu mang, đùm bọc. Công xá từ ngày giữ trâu đến giờ hay làm đầy tớ suốt đời như con Mận, đâu thấm tháp gì so với tấm lòng vĩ đại của năm Pháo giành cho vợ chồng hắn. Năm Pháo là tiên là Phật, hắn thề đời đời ghi nhớ công ơn.

   Con két nghiến rệu rạo từng hạt bắp khô đét, hét vang:

- Hoan hô năm Pháo, tri ân năm Pháo… két…

két.


Nguyễn Châu

TỈNH NGỘ

 Chỉ còn hai ngày nữa

Sẽ đến đầu tháng mười

Nhà nước cho mở cửa

Sao hồi hộp quá trời 


Đầu tiên sẽ đi thăm

Người thân cùng bè bạn

Chung nhau bên ly rượu

Mừng như bắt được vàng 


Rồi ngậm ngùi đau xót

Những mảnh đời không may

Ra đi không tiễn biệt

Âm thầm theo bụi bay 


Gõ vào lòng thảng thốt

Sao không quý những ngày

Khi ta còn hiện hữu

Dẫu men đời đắng cay 


Saigon mưa về sáng

Rả rích kinh chiêu hồn

Cầu hương linh tịnh độ

Phiêu du cõi thiền môn 


A ! Nghiệm ra chân lý

Giãn cách như ở tù

Không tu mà nhập thất

Ngẫm lại còn quá ngu 


Chắt chiu từng sợi nhỏ

Của tình thương bao la

Dành cho mẹ cho cha

Cho muôn loài đau khổ 


Bình minh sẽ rạng rỡ

Xóa mây mù tang thương

Ta nhìn em hớn hở

Ôm cặp sách đến trường

Như bầy chim vỡ tổ

Cùng chao lượn muôn phương... 


NC 28.9.21

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

GIỌT NẮNG TRONG SƯƠNG

  Cuối tháng lãnh lương dạy kèm, tôi được tặng thêm con chó Mi-lu. Mi-lu thuộc giống chó Nhật lai phốc, đôi tai dài cụp với bộ lông trắng tinh mượt mà. Em Mi-lu nhìn tôi không thân thiện nhưng nhẫn nhục nằm im trong chiếc giỏ gắn trước xe đạp, chiếc giỏ có em lắc lư theo tay lái quanh co tránh những vũng nước còn đọng lại trên con đường đất gồ ghề, sau cơn mưa đầu mùa.

Em ngoan ngoãn đứng yên cho tôi kỳ cọ, mẹ bê nồi nước bồ kết đã gội đầu còn lại bảo tắm cho em. Dòng nước màu nâu nhạt hương bồ kết lan tỏa khiến em ngạc nhiên đưa đôi mắt tròn vo ngây dại nhìn tôi. Mi-lu hích hích chiếc mũi xinh xinh đen bóng, liếm liếm tay tôi. Ôi! Khuôn mặt em thánh thiện làm sao…
Mẹ chỉ có mình tôi, cha đã chết – mẹ nói tôi giống cha, dù trên bàn thờ không có di ảnh của cha tôi. Tôi thi đỗ đại học Bách khoa, nhưng thành phần nhà ngoại tôi thuộc dòng khoa bảng quan lại, người ta nói tôi không cần đi học, địa phương không cắt chuyển hộ khẩu nên tôi không có giấy báo nhập trường.
Mẹ tôi tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng không được lưu dung, sau ngày đất nước hòa bình. Mẹ tần tảo ruộng vườn nuôi tôi khôn lớn, cậu Ban sau ngày đi “cải tạo” về được làm thư ký Đội A của hợp tác xã nông nghiệp, cậu chấm công điểm cho mẹ con tôi, mẹ được lãnh thêm sáu mươi ký lúa “điều hòa” nhờ dạy bổ túc văn hóa.
Cậu Ban nói:
- Nhà có con Ki-ki rồi, nuôi Mi-lu lại thêm miệng ăn
hay là giảm bớt “cẩu khẩu”?
Ki-ki là con chó đực được nuôi ở nhà ngoại từ khi tôi còn bé, có lẽ Ki-ki bằng tuổi tôi không chừng.
- Nghĩa là sao hở cậu?
- Nhà không có gì để “cải thiện” cậu định thịt Ki-ki,
luôn tiện đãi “quan viên” hợp tác xã, từ lúc cậu về chưa có…
Cậu dụ Ki-ki chạy ra ao làng đầy bông súng trắng lung linh viền cánh hoa tím ngát. Tôi theo sau Ki-ki, Ki-ki quay đầu nhìn tôi vẫy đuôi tíu tít, ghé chân đái vào lùm cỏ rồi hớn hở chạy theo chân cậu. Cậu Ban để nguyên áo quần lội nhanh xuống ao, Ki-ki không ngại ngần nhảy theo cậu, nó còn quay đầu đưa mắt nhìn tôi như thầm khuyến khích tôi bơi…
Cậu Ban quay lại kéo ghì hai chân sau Ki-ki, tiếng ặc ặc từ cổ họng Ki-ki nhỏ dần, bong bóng nước trồi lên đong đưa những cọng rong xanh…
Cậu và tôi ngồi bên thi thể Ki-ki, từng giọt nước mắt xót xa ứa ra chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ của cậu. Chắc chắn Ki-ki không thể ngờ người mình tin yêu lại cố tình đưa mình sang bên kia thế giới trong tức tưởi đớn đau, đôi mắt Ki-ki trợn trừng nhìn vào cõi thinh không…
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ giận dữ la mắng cậu như lần này, mẹ đấm ngực và gào lên rồi buông những lời bi thiết tắc nghẹn.
Cậu vun rơm bên bờ ruộng khô, ánh lửa bùng lên, màu lông vàng úa cháy nám khét lẹt, con Ki-ki nhe hàm răng trắng nhởn. Cậu sai tôi chạy đi mua hai lít rượu và bánh tráng nướng, khi về đã thấy các vị “chức sắc” của hợp tác xã đang ngồi vây quanh nồi thịt chó um với dầu phụng (lạc) bốc lên mùi thơm khó tả, nước miếng tôi ứa ra. Chiếc đầu con Ki-ki đã lìa thân nằm chơ vơ trên bờ ruộng mắt đã nhắm
nghiền, mép nhếch lên nửa như giận dữ nửa như cam chịu cho số phận đời mình.
Ông Long ngửa cổ hớp tợp rượu, triết lý:
- Chó già cũng như thân phận lính già, buông tay súng
trở về, đời sẽ lãng quên. Nhưng chó càng sống lâu với người nó càng có nghĩa, chẳng thà để chúng chết già…
Cậu Ban lặng thinh, tôi không nỡ trách cậu, nếu gia cảnh không nghèo túng có lẽ nào cậu hy sinh con Ki-ki, hay cậu cầu danh nhờ xác thân con chó?
- Lý sự đếch gì, “vật dưỡng nhơn”! Lão Dương chủ
nhiệm không khá lên nhờ chó là gì, sân sau nhà lão đủ loại chó, chó nhớn chó bé, tiệc tùng trên chó dưới chó. Từ chó mà lão đi lên…
Trời đã sang đông, đêm nằm mẹ ho khúc khắc. Tôi thay mẹ đi dạy bổ túc văn hóa, các em học viên lẫn cán bộ xã, thôn từ xóm trên xóm dưới sau khi buông tay cái cuốc, cái liềm kéo nhau về trường học. Những cây đèn dầu hột vịt lập lòe như đom đóm, em Mi-lu chạy theo tôi và nằm nép dưới bàn nghếch mõm chờ tôi xong tiết dạy.
Cậu Ban dạy tôi đàn guitar, cậu càng tài hoa hơn với tiếng sáo dặt dìu trong những đêm khuya vắng. Những ngón tay trái bấm hợp âm ban đầu khiến tôi tê buốt khó chịu, nhưng những nốt nhạc ngân vang và thánh thót khiến tôi say mê bên cung đàn huyền ảo. Tôi phát hiện ra em Mi-lu biết thưởng thức làn điệu du dương, đôi mắt em nhìn tôi không chớp. Một lần tôi mang đàn ra sau vườn, ngồi dưới gốc ngọc lan già, Mi-lu lặng lẽ nằm mơ màng nghe tôi chơi bài Romance – Bản tình ca muôn thuở. Mi-lu cạ mõm vào tay tôi khi nốt nhạc cuối cùng lặng dần vào không gian tỉnh mịch của buổi trưa hè.
Mẹ giục cậu Ban lấy vợ, cậu hơn tôi mười tuổi nhưng không nhắc gì đến chuyện lứa đôi của tôi, dù tôi đã hơn hai mươi. Người yêu của cậu đã xa vời, cô Nhung lạc mất cậu hay cậu đánh mất cô Nhung chỉ mình cậu biết.
Ngày ngoại còn sống đã tính chuyện trăm năm cùng cô Nhung với cậu, nhưng rồi cậu bị mất tích khi không còn bao nhiêu ngày nữa lịch sử sẽ sang trang.
Bên kia bờ đại dương, cô Nhung như bóng chim tăm cá chưa một lần về. Cậu gởi gắm vào phím đàn hay tiếng sáo nỗi niềm riêng trong nhiều đêm thanh vắng, để bay vào hư không.
Mẹ định mai mối chị Thuận với cậu, cậu cười khà khà:
- Thuận đáng thương, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng nghèo quá mà chị, thân phận em lại có ra gì…
Nói thì nói vậy, nhưng đã nhiều lần tôi bắt gặp cậu đến nhà chị Thuận, lúc thì giúp chị đánh tranh lợp lại mái nhà, lúc cậu ngồi thừ tư lự…
Chị Thuận dạy học ở trường thôn, chị không đẹp nhưng nết na thuần hậu, nay đã lỡ thì quá lứa, chị học trên tôi ba lớp. Tôi tình cờ nghe lén mẹ ân cần khuyên cậu:
- Thôi đành vậy, tùy cậu. Ngày xưa chị không nghe lời mẹ, tuổi mới lớn yêu say đắm để rồi lỡ làng thân phận chị. Anh ấy cũng như Nhung, biệt vô âm tín…
Tôi giật mình, nghĩa là cha tôi chưa chết. Ông đang lẩn khuất đâu đó trong cuộc đời này, nhưng đã bao năm mẹ vẫn mãi ôm hình bóng cũ để ngậm ngùi hay ân hận vì mối tình đã lỡ?
Dù không “đăng ký” kết hôn nhưng cậu ra riêng, về sống với chị Thuận. Căn nhà ngói ba gian cũ kỹ và mảnh vườn của ngoại, cậu dành cho tôi.
Bỗng một hôm nghe tin cô Nhung về, mẹ mừng khôn xiết. Tôi ước mong những hình bóng thân yêu đã chìm vào quên lãng như ông bà ngoại, như cô Nhung, biết đâu cha tôi nữa, bỗng hiện về bằng xương bằng thịt, không phải là mơ.
Người đàn bà đài các ngày xưa nay đã thành nữ tu. Cô Nhung từ ngày thất lạc cậu, cô đã yêu người đàn ông khác và cô yêu say đắm. Người đàn ông thánh thiện mang tên Giê-su đã ban phép lành khoác lên cô tấm áo nữ tu. Tràng chuỗi Mân Côi mang ơn cứu rỗi hay tràng xích buộc chặt đời mình để cô mong quên đi hình bóng cũ?
Nhưng không, cô vẫn để cậu Ban trong ngăn tim thầm kín của đời mình. Cách đây mười năm, từ nước ngoài về, cô đã thành lập trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ ngơi còn lại của cha mẹ cô ở Bình Dương. Cô chuyển giao cho cậu, ban đầu cậu không muốn tiếp nối những gì đã chìm vào quá khứ nhưng khi chứng kiến những em bé tật nguyền nhỏ dại được ân cần chăm sóc, lòng cậu dâng lên niềm cảm xúc và ngưỡng mộ vô biên tấm lòng của các Soeur.
Mẹ cũng bỏ tôi ở lại một mình đi theo cậu, chị Thuận và Soeur Nhung. Mẹ được trở về nghề cũ, hạnh phúc dâng tràn trong đôi mắt mẹ…
Tôi vẫn mãi dõi tìm người đàn ông của đời mình. Một nơi nào đó trên thế gian này, cha có tình cờ đọc được những giòng chữ hẩm hiu này, cha hãy một lần tìm về.
Nhà vắng, Mi-lu nghếch mõm nhìn tôi, đôi mắt buồn rười rượi
Nguyễn Châu

CON NGỰA MÙ

Trong tác phẩm: "Ở theo thời" của nhà văn Hồ Biểu Chánh: "... Từ ngày được xây dựng, trường đua Phú Thọ thu hút rất nhiều người đổ về xem đua ngựa và cá cược.
Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm (...) Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa. (...) Trước khi cuộc đua bắt đầu, các "nài lang" dắt ngựa vài vòng chào khán giả, cho dân cá cược so chân. Nài ngựa không được nặng quá 40 kg, mặc đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Nài ngựa phải có tính can đảm, gan lì và kinh nghiệm trận mạc. Khi lượt đua bắt đầu, nài oai phong với áo màu, quần trắng... cầm roi quất liên tục giục ngựa lao về trước. Chỉ trong vòng hơn một phút, ngựa cán đích. Nài chiến thắng được tung hô. Dân "tuyệt phích", chủ ngựa săn đón nài như một ngôi sao..."
Nài Hường nhớ thời hoàng kim xưa, đố có thằng nào qua được. Vừa nghe hiệu lệnh, nài Hường nhanh nhẹn ra roi, ngựa cất vó chồm lên, Phi Long không hổ danh ngựa chiến.
Chủ giao Phi Long cho Hường chăm nom. Đêm về, Hường treo chiếc võng đong đưa nhìn con ngựa chậm rãi nhai cỏ, Hường mơ màng nhớ lúc khán giả hét vang tung nài lên trời, Hường nhìn quanh tìm Mai đang đứng đâu đó trong biển người hâm mộ, Hường hãnh diện quá sá!
Đôi mắt lá răm của Mai mơ màng, hàng mi dài như liễu rủ đa tình mà đằm thắm quyến rũ. Mỗi lần nhìn, hồn phách nài Hường như lên mây, tê buốt tâm can. Chiếc áo bà ba căng bóng, muốn bứt tung mấy cái nút bóp, lồ lộ đôi vú tràn nhựa sống của Mai khiến Hường tê điếng, háo hức muốn bóp nát trong đôi bàn tay quen ghì cương ngựa. Mai hiện ra trong điệu bộ e thẹn nhưng lã lơi chết người. Những chùm hoa cau vàng ươm rơi lác đác trên lộ đất đỏ về "Mười tám thôn Vườn Trầu" (Thập bát phù viên hay Thập bát phù lưu viên). Ngang qua nhà Mai, Nài Hường chậm rãi cho Phi Long thảnh thơi gặm cỏ. Tiếng "lộc cộc" từ chiếc xe ngựa ngược chiều nghe âm vang một nỗi buồn man mác.
Phi Long ngẫng cao đầu, cất tiếng hí vang đột ngột trong bóng chiều êm ả. Mùa động dục khiến dương vật cương cứng của Phi Long đang hướng về con ngựa cái kéo xe bị đôi mo cau che mắt đang rượng đực, bầu vú no tròn ửng hồng đột ngột dừng lại bên Phi Long mặc cho xà ích Hai Bươn ra roi tróc tróc! Ngựa kéo xe bị che hai mắt như mù, cứ theo dây cương xà ích mà chạy bạt mạng nhưng cái "xạ" của mùa giao phối khiến bản năng muôn loài rậm rực đố ai ngăn cấm được.
Nài Hường ghì cương kéo Phi Long sang ngõ nhà Mai, Hai Bươn gọi với theo, sau tiếng cười ha hả:
- Mầy làm thay cho nó được rồi đó, nghe nài Hường!
........
Cột ngựa bên gốc cây mít, bà Tư - mẹ Mai, miệng đang nhai trầu vỗ vai Hường:
- Chèn đéc ơi! Nhỏ con như vầy mà giỏi quá! Vô nhà uống nước đi mầy!
Hường không biết bả khen hay chê! Cái hào quang chói lọi đã bỏ ở trường đua, nơi đây chỉ có thằng Hường giữ ngựa. Tự nhiên Hường tủi thân, nghe như có luồng gió lạnh buốt đang len lỏi vào thân phận ở đợ của mình.
Nghề nào nghiệp nấy, ráng ăn vô cho mập là hết làm nài, nài càng nhẹ cân càng được giá. Mai đang ngồi xếp liễng trầu, ngước nhìn Hường với đôi má đỏ hây hây, mĩm cười:
- Tui nghe nói ông sắp dìa bên giồng Ông Tố hả?
- Ông "Đu-boi"(Dubois) có tàu ngựa bên đó, biểu tui qua bển.
- Vậy ông bỏ cái làng Bà Điểm rồi há?
Nghe Mai nói, Hường tê tái trong lòng, cũng vì thân phận mồ côi đành buông xuôi theo dòng đời như lục bình trôi theo con nước lớn ròng.
Không biết ai se dây cột chỉ mà Mai đâm ra có cảm tình với Hường, mặc dù Mai to con, cao hơn Hường hẳn cái đầu. Bà Tư nhìn hai đứa đứng bên nhau mà tức cười:
- Con Mai to như ếch bà còn thằng Hường như con nhái bén! Hay là mầy dìa đây tao nuôi, nghề "nài" ép xác mai mốt mầy không ra đàn ông đâu nghe con.
Mai nghe mẹ nói đã không mắc cở mà còn phụ họa:
- Thôi, ông bỏ nghề "nài" của ông đi, phụ má tui làm vườn sống được mà. Tui cũng mồ côi cha, có sao đâu!
Đúng là con gái "Mười tám thôn vườn trầu", Bà Điểm, Hóc Môn. Cọp, lợn lòi còn không ngán, hơi đâu...
Hường nghe bùi tai, xin nghỉ làm nài. Ông chủ Dubois tử tế cho tiền sắm chiếc xe ngựa (thổ mộ - Tây gọi là Boite d' allumettes).
Bà Tư coi tuổi, Hường mới chớm mười bảy trong khi Mai đã gần mười tám.
Bà Tư ưng cái tính tình thật thà, ít nói của Hường. Nhưng ít nói là cộc đó nghe, không dễ chịu đâu đó! Nhất "gái hơn hai, trai... thua một" có sao đâu.
Nhưng chuyện lứa đôi chờ đó, bây giờ lo mần ăn cái đã.
Có xe nhưng chưa có ngựa. Hai Bươn môi giới mua lại con ngựa ô trường đua đã thải ra nhưng còn sung sức. Mai lo tẩm bổ cho Hường, Hường lo tẩm bổ cho ngựa ô. Xà ích gốc nài đố ai qua được, tiếng lục lạc treo cổ ngựa kêu leng keng, Mai làm "lơ" đón khách, cái miệng dẻo quẹo dễ thương của Mai bù lại tánh ít khi tỏ ra vồn vả của Hường đã có nhiều mối, đôi khi chở hàng đến tận Bà Chiểu, Bến Thành...
Gái miệt vườn ra nơi đô hội, thấy cái gì cũng lạ. Một lần trên chuyến xe về chợ Phú Nhuận có ông khách nhìn như thầy ký, trắng trẻo đẹp trai mang kính, ôm cặp da sang trọng cứ nhìn Mai đăm đăm, cô mắc cở cúi nhìn xuống chiếc áo phin trắng của mình bị hở ngực tại cái nút bóp mắc dịch, nhưng anh chàng "thầy ký" ngó ra bên ngoài, giả bộ như không nhìn thấy.
Đêm về, Mai cứ nghĩ vẩn nghĩ vơ...
Hường lui cui cắt miếng vỏ xe hơi tròng ngoài hai bánh thổ mộ tiện bằng gỗ giáng hương đã đóng niềng sắt. Mai đem chiếc chiếu bông lót dưới sàn xe để khách ngồi cho êm.
Hai Bươn đánh xe ngang qua, quay nhìn Hường tủm tỉm cười rồi xướng lên bản vọng cổ: "Tình anh bán chiếu"... nghe não lòng, tê tái buốt tâm can, mùi tận mạng hơn Nghệ sĩ Út Trà Ôn.
Tiếng vó ngựa gõ trên đường lót đá "lộc cộc" như tiếng song lang.
Nhưng tâm hồn Mai không còn hứng thú, háo hức như khi đi xem nài Hường rạp mình trên lưng con Phi Long trong trường đua ngựa Phú Thọ ngày nào.
Ở gần bên nhau, va chạm hằng ngày, Mai thấy lộ dần tâm tư của Hường khó hiểu. Nhiều lần Hường ra sau vườn ngồi một mình, mắt đăm đăm nhìn về nơi xa vắng, Mai nấp sau giàn trầu định nhảy ra hù cho Hường giật mình chơi...
Đột nhiên Mai nghe tiếng thút thít, Hường đang khóc, âm thanh như ứ nghẹn.
Cô thở dài lui gót.
Từ ngày tình cờ gặp anh "thầy ký" trên xe, Mai đâm ra so sánh với Hường. Một đằng bảnh bao, cao to trắng trẻo, một đằng ốm nhách đen đúa nhỏ thó như cò ma.
Ngày còn thơ dại, tâm hồn vô tư lự. Hai đứa cùng xóm, học một trường, thi xong tiểu học cùng nghỉ. Hường hiền lành như cục bột, bà Tư và Mai coi như người nhà. Qua tuổi dậy thì, Mai phổng phao ra dáng thiếu nữ, ngược lại Hường như bị "đẹt" không chịu lớn.
Được tập làm nài, Hường nhanh nhẹn hơn lên, oai phong trong bộ đồ kỵ sĩ và được cưỡi trên lưng con ngựa trường đua.
Tâm lý của các cô gái đến tuổi cập kê khó hiểu bội phần. Không, phải nói khó hiểu trăm lần chưa đủ.
Nhiều lúc bà Tư nằm võng đu đưa, nói như nói lối:
“Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng”
Bà ngâm nga cho vui hay muốn nhắn gởi gì ở cô con gái yêu quý của bà và "nài" Hường?
Sau này, mỗi lần bà Tư "ca" kiểu như vậy, Mai đâm ra mơ mộng nhưng lại "chọc quê" nài Hường:
- Ông có đi học đâu mà đi thi, để "vinh quy bái tổ"?
Nài Hường làm gì có bạn thân nào như Dương Lễ đã cho vợ mình là nàng Châu Long chăm sóc, giúp đở để Lưu Bình thi đỗ đại khoa?
Hường nhìn hoàng hôn tím thẩm màu mây, ửng lên tia nắng cuối ngày...
.....
Những đêm khuya thanh vắng, bà Tư thỉnh thoảng nghe tiếng hự hự nho nhỏ ngoài vườn. Ánh trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên nền trời xanh trong, dưới giàn trầu xanh um rậm lá, bóng dáng nhỏ con của Hường tấn, thối... trong bài:"Hùng Kê Quyền":(*)
"Lưỡng kê giao thủ thỉ tranh hùng.
Song túc tề phi trảo thượng xung.
Trấn ải kim thương như bạch hổ.
Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long"...
Từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình, Hường nung ý chí vươn lên. Hoàn cảnh mồ côi, không có điều kiện thoát nghèo bằng con chữ. Khi Hường lên bảy được ông tám Dậu đem về làm nghĩa tử. Ông tám Dậu tóc búi tó, nghe nói ông từ núi Tà Lơn hạ sơn. (Núi Tà Lơn (người Khmer gọi là núi Bokor thuộc tỉnh Kampot - Vương quốc Campuchia).Không hiểu ông theo đạo gì, quanh năm chỉ mặc bộ bà ba trắng, tướng tá quắc thước hiên ngang, không nghe nói đến vợ con.
Ông dạy cho Hường, hy vọng những thế võ truyền đời không bị mai một, mong một ngày mai Hường đem những gì lãnh hội được từ ông giúp ích cho đời, bảo vệ non sông và góp phần diệt lũ cường hào ác bá.
Hoài bão của ông tám Dậu chưa thành, năm Hường gần mười hai tuổi ông đã quy tiên. Một lần nữa mồ côi cùng mảnh vườn con ông tám để lại. Ngày ấy, đến trường chỉ tốn tiền sách vở, bút mực. Ngoài thời gian đi học, Hường tầm sư học thêm võ. Hường như cây cỏ dại giữa trời, phần số nào sẽ đẩy đưa Hường làm "quất (quýt) Hoài Nam hay Hoài Bắc?"(**)
.....
Con ngựa ô gầy còm kéo xe thổ mộ, người ta cố tình che mắt nhưng không mù, còn ráng ngẩng cao đầu cất vang tiếng hí dù phải chạy theo hướng giật của dây cương. Hường nhìn quanh bốn bề yên ắng, mặt nước hồ trong xanh không gợn sóng, nhưng phản chiếu những tầng mây u ám. Vầng ráng đỏ báo hiệu mưa giông đang kéo về, tiếng ùng oàng từ đằng kia, xa tít tắp.
Thế hệ Hường đang bơi trong sương mù, không định hướng. Chiến sự lan dần, miền quê thân yêu của Hường không còn yên bình.
Lòng phân vân với tuổi đời vừa chớm đôi mươi, ngơ ngác "tấn thối lưỡng nan". Thân trai thời buổi loạn ly như chiếc lá giữa dòng, "biết chọn một dòng hay để nước trôi"? Hay làm con ngựa mù chăng?

(**)Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc 

ĐI TÌM HÀNH TRÌNH CỦA CHA TÔI

 Ông nội tôi là thầy đồ, con đông. Cha tôi thứ bảy.

Cha sinh năm 1918 (Mậu Ngọ), nhưng khai sinh ghi 1916.
Trước năm 1939, người ta nhìn thấy những tấm áp-phích: "Mẫu quốc đang gặp nguy. Nghĩa vụ của bạn là giúp đỡ mẫu quốc”.
Cha tôi tình nguyện đi “Tây” thay bác tôi, đã có gia đình. Mỗi nhà ít nhất, phải một người đi. Trước ngày lên đường, ông tôi đem trầu cau hỏi vợ cho cha. Mong sự ràng buộc này, cha tôi sẽ trở về, dù cha chưa biết mặt người hôn thê của mình.
Làng Hạ Nông tôi thuần nông, lúc đó rất nghèo. Chỉ có bác Sáu, chú Mười và cha tôi học được chữ Nho từ ông nội. Các cô không ai biết chữ...
“Năm 1939, nước Pháp đã đưa 20.000 người từ thuộc địa Đông Dương sang Pháp để làm những công việc cực nhọc, như trộn thuốc súng. Phần lớn họ bị tuyển mộ cưỡng bức.
Tàu cập bến Marseille, họ bị đưa vào nhà tù Baumettes, rồi được phân bổ đi khắp nước Pháp, đến những xí nghiệp thuộc ngành quốc phòng và được gọi là “lính thợ không chuyên” – ONS (Ouvriers Non Spécialisés)
Có người bị sung vào lính chiến đấu ở Pháp, đánh nhau với quân Đức. Từ năm 1946, họ được đưa trở về Việt Nam một cách nhỏ giọt và mãi đến năm 1952, những người cuối cùng mới được trở về tổ quốc. Khi đó, cũng có khoảng một nghìn người đã chọn định cư tại Pháp”(1)
Cha tôi làm lính thợ. Một lần nhà máy bị ném bom, cha bị thương, mảnh đạn xuyên qua phổi. Bệnh viện Marseille đã cứu cha tôi, nhưng đã để lại di chứng nặng nề khi trái gió trở trời.
Ở quê nhà, mỗi tháng nội tôi được lãnh tiền. Nhận được tiền, ai không mừng, ông bà tôi yên lòng vì cha tôi còn sống.
Đệ nhị thế chiến (1939-1945) kết thúc, cha tôi sống cuộc đời lưu vong, không được hồi hương. Cha tôi học nghề sửa đồng hồ và hành nghề lưu động. Tôi mường tượng trên con đường hoa lệ của kinh đô ánh sáng Paris, một người da vàng thuộc địa là cha tôi, đang lang thang với chiếc thùng gỗ “sửa đồng hồ”. Tôi ứa nước mắt.
Mãi đến 1948. Chuyến tàu buôn của Pháp cập bến sông Hàn đưa cha tôi trở về quê hương với thân hình tiều tuỵ. Nhưng cha không thể về thăm ông bà tôi. Những người nông dân hiền lành, chất phác quê tôi đã được trang bị căm hờn. Nhất là đối với những gia đình có người làm tay sai cho thực dân, đế quốc.
Cha nhắn cô Lan ra Đà Nẵng. Cô đi từ lúc gà chưa gáy sáng, đôi chân trần vượt hơn hai mươi cây số. Đã mười năm qua, anh em mới có dịp trùng phùng, cô ôm cha tôi khóc ngất.
Lần đầu tiên trong đời, cô thấy cây lụa Lãnh Mỹ A. (Lụa được dệt từ tơ tằm hảo hạng, nhuộm đi nhuộm lại hàng trăm lần nhựa trái mặc nưa, trong suốt gần nửa năm trời. Lụa trơn, đen láng, mặc vào người như được vuốt ve trên da thịt. Mùa hè mát rượi, mùa đông ấm áp. Càng mặc, càng giặt, càng đen huyền). Lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Vải sợi bông, vải tơ tằm… Cha nhìn cô Lan, áo quần vải tám thâm đen, ống quần cao hơn mắt cá. Hai anh em nước mắt dâng tràn.
Cô gánh oằn vai, món quà quá xa xỉ đối với nhà nội tôi. Ông nội chưa kịp mặc quần áo mới, ông mất. Được tin, cha tôi băng đồng, chạy bộ về quê. Trăng lên đến đỉnh đầu, cha về lại mái nhà xưa. Bà nội mắt đã mờ, không nhìn rõ mặt cha tôi, sờ đầu sờ cổ, hết khóc lại cười. Đám tang nội tôi to nhất làng, cúng tế linh đình hơn ba ngày trời.
Bạn chăn trâu với cha tôi nay là cán bộ Việt Minh. Không ai thù hằn, không ai bắt bớ cha tôi.
An dưỡng ít lâu, cha gặp mẹ tôi. Bà đã có một đời chồng, chồng bà theo Việt Minh bị Tây bắn chết. Người đàn bà nội tôi đi hỏi cho cha ngày xưa, nay không biết lưu lạc phương nào.
Cha mua đất cất nhà ở Đà Nẵng, láng giềng của ngoại. Mẹ theo ghe bầu của ông ngoại ngược xuôi vào tận Phan Thiết, Saigon. Lâm thổ sản: tơ lụa Duy Xuyên, quế rừng Trà My, mật ong, vỏ cây chay (ăn trầu) được đổi trao với hàng nông, hải sản phương Nam.
Ngày cha thành hôn với mẹ không có họ hàng bên nội. Ông ngoại chỉ cần tính cần cù và tấm lòng của cha tôi làm sính lễ.
Cha không biết tiêu tiền, ông chắt chiu từng đồng xu nhỏ. Nhưng ông tiêu tiền cho người khác.
Mẹ tôi có nhiều áo dài thời trang lúc bấy giờ. Cha tôi chỉ có một bộ veston và đôi giày từ thời bên Pháp mang về. Những gì tốt nhất, cha dành cho mẹ tôi.
Mỗi cuối tháng cha ra ngân khố lãnh tiền trợ cấp từ chính phủ Pháp. Các dì gọi cha tôi: "Anh Bảy kiều bào”. Mẹ tôi hãnh diện lắm, mỗi lần có tiền mẹ tôi chi xài thoải mái và hào phóng như “Tây”. Cha tôi chỉ nói:”- Đàn ông như cái nhà, đàn bà như cái cửa”, vậy thôi.
Năm 1949, cha tôi được điều động làm cai “lục lộ” ở Mỹ Chánh, Quảng Trị. Chị An, con riêng của mẹ được hai tuổi, chị mất. Tôi được hoài thai.
Cha đưa mẹ ra Huế, tiện bề chăm sóc và an ủi.
Mùa đông năm ấy rét đậm, cha ho dữ dội, bệnh phổi tái phát. Cha đưa mẹ về Đà Nẵng rồi theo tàu lửa vào Saigon vào bệnh viện Grall. Qua tết Canh Dần (1950), cha tôi vẫn chưa về. Tôi ra đời tại “nhà thương” Bà Quế.
Cha được chuyển sang Pháp. Ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa trị như ngày nay. Các bác sĩ Pháp, nơi ông điều trị chẩn đoán ông không thể sống hơn một năm.
Trong thời gian dưỡng bệnh ở Pháp, ông tình cờ biết được phương pháp hít thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:
“ Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được“
Nhưng đã hơn một năm, cha tôi chưa chết. Lần này ông được chính phủ Pháp cho về bằng máy bay của hãng hàng không Air France. Cha đã khoẻ mạnh hơn xưa.
Quê hương tôi không bình yên.
“Tại miền trung, Việt Minh kiểm soát từ Hội An đến Mũi Đại Lãnh, gần như ngăn đôi đất nước. Người Pháp chưa bao giờ tỏ ra muốn "giải thoát" cho thuộc địa cũ.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945,Việt Minh cướp chính quyền. Bảo Đại đọc Tuyên ngôn thoái vị trước cửa Ngọ Môn, Huế.
Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam, hội viên trong khối Liên hiệp Pháp đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Đầu năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu chính thức gửi viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương.
Mỹ tuyên bố "ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á" trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện "lãnh đạo của những nhà nước mới không phải là người cộng sản".(2)
Người dân quê tôi như kiến bò quanh lòng chảo, không biết lửa đốt nóng lúc nào. Đất nước ngả nghiêng, trầm mình mang thân phận nhược tiểu đớn đau.
Cuối năm 1951, chú Chín tôi cõng bà nội tránh càn của Tây. Chạy vừa đến gốc đa, chưa kịp xuống hầm đã bị bắn chết. Bà tôi già và mù nên được tha. Cha từ Quảng Trị hay tin, về đến nhà, bà tôi cũng đã qua đời.
Cha tôi cũng là con kiến, người dân đất nước tôi không còn đồng lòng như loài kiến, loài ong. Sự phân hoá thê thảm, thù nghịch bởi những luận điệu ghê tởm đã len lỏi vào sự cả tin của đồng bào tôi, từ nhiều nguồn, nhiều hướng.
Cha tôi mắt trừng trừng, phẫn uất. Sự hoang mang, chông chênh phận người lênh đênh giữa dòng nước xoáy, hai bờ mờ mịt mù sương.
Ngóng trông về quê nhà tan hoang lửa khói. Các cô tôi chưa chồng di cư ra thành phố ở với mẹ tôi. Chú Mười và các dượng theo Việt Minh làm du kích. Bác tôi nối nghiệp ông nội làm thầy địa lý, tụng kinh cầu siêu cho những vong hồn bất đắc kỳ tử.
Mùa thu năm 1953, khi tu bổ đường quốc lộ từ Quảng Trị vào Huế, cha tôi bị mìn, trọng thương. Cả nhà ngoại tôi an ủi: "Vậy cũng còn may!"
Hội nghị Genève khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954 để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương, nhưng đau lòng vì chia đôi đất nước.
Tại miền Nam, thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại. “Ngô Đình Diệm là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Một số sử gia coi ông chỉ là công cụ chính trị trong tay người Mỹ, trong khi đó một số sử gia khác coi ông là nhà chính trị độc lập mang nặng truyền thống phong kiến Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây còn cho biết rằng Ngô Đình Diệm là người tự cho mình đang gánh vác một "Sứ mệnh từ thiên đàng" (Mandate of Heaven) và ông có viễn kiến riêng về hướng phát triển của miền Nam Việt Nam” (3)
Bác tôi bỏ vợ con, tập kết ra Bắc. Gia đình chú Mười bị tố “cộng sản nằm vùng”. Cha tôi được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mời tham gia “thân hào nhân sĩ” tại địa phương. Nhờ đó, gia đình bác tôi, chú Mười được an thân.
Quê nội tôi yên ả nhất, có lẽ từ sau hiệp định Genève 1954 đến cuối năm 1960! Đúng là thái bình thật, không trộm cắp, cửa thường bỏ ngõ trong những đêm hè. Tiếng hò khoan trong mùa cấy tháng tám, tháng ba thoang thoảng theo làn gió bay xa.
Rồi một ngày những người không phải lính, nhưng mặc đồ màu đen mang súng, vào ở chung với dân làng…
“…Mùa xuân năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược mục tiêu căn bản là tách rời du kích, quân sự của Cộng Sản còn cài cắm ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn phải ra hồi chánh hoặc bị tiêu dịêt…”(3)
Mùa hè lại về, cái nắng như thiêu như đốt, kèm theo gió hạ Lào khô khốc thịt da.
Xóm Nga Tiền khoảng mươi nóc nhà, có đến bốn bà góa. Những người chồng đã hy sinh hoặc bị bắn chết như chú Chín tôi trong thời kỳ chống Pháp. Tây càn, ông Nhì ôm súng leo lên cây đa, ông ra đi khi bà Nhì chưa đến tuổi ba mươi. Rồi những năm sáu ba, sáu bốn, hưởng ứng phong trào "ba sẵn sàng" thế hệ tiếp nối như anh Đông, Diên, Dần, Cật, Bảy… lần lượt vào du kích và hy sinh khi chưa đủ lớn.
Tôi là ai? Lịch sử đất nước tôi bị quay vòng trở lại như ngày cha tôi bị cưỡng bức lên tàu sang Pháp làm cu-li cho mẫu quốc hay bỏ xác nơi hoang địa xứ người. Hai mươi năm tương tàn, cũng đủ cho thế hệ chúng tôi trở về nơi xuất phát của cha tôi.
Nguyễn Châu
Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_%C4%90%C3%ACnh_Di%E1%BB%

QUAY ĐẦU LẠI LÀ BỜ

    Mười bảy tuổi Kiều đẹp mê hồn, biết bao người ngưỡng mộ. Ngoài thời gian đi học, những tụ điểm ca nhạc một thời hoàng kim không thể vắng bóng dáng nàng, tiếng hát của nàng cao vút như chim sơn ca nhưng Thịnh “du côn” khinh khỉnh xem Kiều như cỏ rác. Kiều thề quyết cho thằng du côn Thịnh gục, gục đâu không thấy mà Kiều mang bầu con Loan bây giờ.
Thương thân bạc phận, Kiều thầm trách cha trách mẹ lẫn oán ông Nguyễn Du sao đặt tên Kiều. Tên vận vào người, có mụn con gái tên Loan mong được đẹp đẽ như mình, ai ngờ số phận cũng long đong.
Những đêm khuya rời nơi phồn hoa đô hội, ánh đèn sân khấu sau lưng, Kiều thui thủi về căn nhà cô đơn của mình. Tình nghệ sĩ chan chứa biết bao, nhưng tri âm dễ có mấy người, tiếng hát lời ca đã nuôi sống mẹ con nàng.
Loan chưa xong trung học, nghiệp dĩ giống mẹ Kiều ngày trước, thằng Hanh ra đời. Con gái đẹp không bình yên, sự xưng tụng của nhân gian đã khiến em ngộ nhận. Cha mẹ cho em hương sắc, trời lại không ban cho em đủ thông minh để tránh né sự điêu ngoa, gian dối của cuộc đời.
Mẹ Kiều có kinh nghiệm dạn dày trong tình ái nhưng không giữ nổi con mình. Thầy Ba lắc đầu:
- Nhìn sắc diện hai mẹ con, qua biết đời các em “hồng nhan đa truân” lắm lắm! Cả hai đều có sao hồng loan, đào hoa chiếu mệnh nên tình duyên ngang trái, dở dở dang dang…
Khỏi phải nói, căn nhà cuối xóm của mẹ con Kiều dập dìu ong bướm. Đời người nghệ sĩ ăn trắng mặc trơn, đi đi về về có người đưa đón, toàn bậc vương tôn. Mụ Tư tạp hóa ngoài mặt tỏ ra ân cần tử tế, nhưng sau lưng lại thì thầm nhỏ to khắp xóm:
- Loại đàn bà “Đưa người cửa trước rước người cửa
sau” chớ tốt đẹp gì! Mấy bà thấy ai làm đĩ mà xấu không nà?
Mà lạ thiệt, cô nào cũng trắng da dài tóc xinh đáo để. Chồng mụ Tư thậm thụt muốn ặn tươi nuốt sống mẹ con Kiều, nhưng khi “chộ” nàng trước mặt vợ lại tỏ ra đứng đắn như bậc chân tu, quay lui lật đật bước lên lầu đóng cửa nhìn trộm thân hình bốc lửa của Kiều, rồi tưởng tượng ra cảnh ái ân, tâm hồn phơi phới lơ lửng như được lên cõi thần tiên.
Lão Tư đang thời sung mãn, dư ăn dư để rửng mỡ. Bia ôm gái gú đủ điều, nhưng lão thật sự chết mê chết mệt em Kiều. Có lần vợ lão nằm bệnh viện mấy ngày, không biết ma xui quỷ ám thế nào mà lão cầu mong mụ vợ chết phứt cho rồi!
Lão tìm cách tán tỉnh Kiều bằng tấm lòng tỏ ra hữu hảo:
- Thấy mẹ con em đơn chiếc, nếu có gì cần anh sẳn sàng giúp một tay! Tiền bạc anh không thiếu, nếu em…
Nói xong lão ôm đại Kiều để thỏa lòng thương nhớ ấp ủ bấy lâu nay. Kiều từ tốn ấn thân hình phì nộn của lão xuống ghế nệm dài êm ái, vòng tay thô bạo của lão ghì chặc chiếc eo thon rồi xoa dần xuống bờ mông khêu gợi chết người, nhìn đôi vú trắng hồng lồ lộ như hỏa diệm sơn của nàng, khiến lão đê mê ngây ngất. Cơn hưng phấn bùng lên dữ dội, trời sập cũng không ngăn được lão…
Lão ngất ngây dư hương, mơ màng nhớ những nụ hôn gợi cảm, tiếng rên siết gợi dục không thành lời, chỉ còn ú ớ bản năng, lão buông mình theo cảm xúc, mặc kệ đời. Lão choáng ngợp trong hào quang mông muội, ngu si chạy theo dục vọng, khát khao mê đắm…
Nhưng chiếc trâm cài đầu trong bàn tay mượt mà của Kiều ấn vào bụng lão, mũi kim nhọn hoắt thốn tận tâm can. Nàng nhìn lão bằng đôi mắt nhung, hồn nhiên dịu vợi. Dáng đi kiêu sa của nàng đến bên quầy rượu, đôi ly thủy tinh chạm nhau, thoang thoảng hương nồng rượu Martell khiến lão tỉnh người. Ánh mắt nàng thân thiện ngọt ngào, lão như lạc vào thiên la địa võng càng khiến lão mụ mị cả người.
Lão đã từng hùa theo lũ ngợm nhân danh công lý, một lũ bất tài công kênh sản phẩm văn nghệ thối tha, đồng tình hò reo vinh danh. Một lũ nịnh nọt tệ lậu vây quanh, một lũ hài nhảm nhí làm băng hoại, tiêm ảo giác khiến bao người trẻ trung viêm não. Đến nỗi từ kẻ vô thần, lão sùng kính thần quyền mê đắm.
Lão Tư sửa lại thế ngồi, nhìn quanh phòng khách. Bức tranh nàng Mona Lisa đang nhìn lão với nụ cười bí hiểm. Trong tủ, những cuốn sách cả đời lão chưa hề biết: “Tập truyện ngắn” của A. Chekhov, “những mẫu chuyện ở Peterburg” của Nicolai Vasilyevich Gogol, “Tội ác và trừng phạt”,“Anh em nhà Karamazov” của F.M.Dostoevsky, tập truyện ngắn của Guy De Maupassant…
Lão như lạc vào mê cung, nhìn lão chúi đầu vào những trang sách giống con ếch bà hai tay đở đầu, mồ hôi rịn ướt đẫm trên vầng trán thấp lòa xòa mái tóc đã chớm ngả màu, nhưng càng đọc lão càng không hiểu.
Ý nghĩ về Kiều đã xoay chiều, lão đâm vị nể nàng. Lão nghe đâu đó:”Hơi thở giống nhau, giàu nghèo do số mệnh nhưng nhân cách hơn nhau là nhờ có văn hóa!”.
Mụ Tư tạp hóa ngạc nhiên quá, lâu nay mụ không thấy “Tư mập” đọc sách báo gì, bỗng dưng ôm về một mớ toàn sách dày cộm. Tên những tác giả lão thấy trong tủ sách nhà Kiều chỉ nhớ lỏm bỏm, lão tìm khắp nhà sách to bự trong thành phố nhưng không thấy cuốn nào từa tựa, lão đành mua đại.
Nhưng đọc sách phải có niềm đam mê, học được ở sách vô vàn điều lý thú. Nhưng đọc và cảm thụ một tác phẩm văn học lại là điều không dễ dàng gì, những tác giả vĩ đại đã trao tặng cho người đọc “đôi hài vạn dặm”, “thiên lý nhãn” tuyệt vời.
Tư “mập” ngồi nghiêm chỉnh lật từng trang sách, mùi mực in còn thơm nồng trên giấy trắng trinh nguyên, những con chữ nhảy múa thách thức, quả thật lão gặm không vô.
Ngày trước lão chán ngấy khi trà dư tửu hậu, mà nghe đàm đạo văn chương. Đôi khi lão cũng tỏ ra mình có máu văn nghệ, bằng cách kể các chuyện đời tư không hay ho gì của ai đó lão nghe lóm được, rồi cười hề hề tự tán thưởng. Đối với lão tiền là quan trọng nhất, đề tài ưa thích là khoe khoang thành tích và sự giàu có của mình.
Cái tôi là mẫu số đáng nguyền rủa, mẫu số càng lớn giá trị nhân cách càng bé.
Tư “mập” vớ đại tác phẩm của một nhà văn nữ, nghe tên đã thấy mê rồi: Nhã Tiên, lời văn bình dị mà sâu lắng nghe chừng như tự sự. Chuyện kể về một người con gái đồng bằng sông Cửu Long, qua bao thăng trầm, gian khó của cuộc đời nhưng vẫn giữ cốt cách của người dân miệt vườn bao dung và đầy lòng nhân ái. Đã lâu rồi lão mới thấy lòng mình bồi hồi thương cảm và tiếc nuối gấp sách. Chân dung tác giả ở bìa sau trông rất quen thuộc, lão la lên: Cô Kiều!
Nhà Kiều bị vườn cây che khuất, chỉ thấy được ánh đèn như sao mai trên mái vòm, lúc bình minh chưa lên. Phương đông ửng hồng, cũng là lúc ánh đèn mờ dần trong sương sớm. Những đám mây bay qua rõ nét, trên nền trời xanh thẳm, chớp mắt đã biến dạng.
Áng mây hình con ngựa đang tung vó, bỗng chốc nhạt nhoà mang theo cả ký ức xa xôi ngày nào mới chợt hiện về, đã bay theo làn gió.
Trong những lần theo đoàn quân hướng về Tây Bắc, lão đã từng gặp những người con gái cưỡi ngựa trên đồi, chiếc khăn piêu ngan ngát hương, đẹp tinh khôi như hoa ban nở trắng núi rừng. Lão đã từng tưởng tượng mình là chàng Khum lang thang đi tìm nàng Ban...
Có lần trong lúc cao hứng, Tư “mập” kể:
- Em đưa tôi về mường, nhà sàn bề thế của dòng họ Xa danh giá một thời, em chưa “tằng cẩu”(búi tóc). Em “khắp”(ngâm, đọc thơ) và múa say mê, lòng tôi ngẫn ngơ :
Người đi Châu Mộc chiều ương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Tây tiến - Quang Dũng)
Phảng phất đâu đây mùi hương hoa cỏ dại, từ những cánh rừng xanh bạt ngàn. Những ngôi nhà sàn thấp thoáng ven bờ suối, hoa ngũ sắc bay bay trong gió. Em mời “láu xá”(rượu cần), chưa nhắp mà lòng tôi đã say men!
Lão Tư giật mình, không lẽ chốn quan trường đã làm thui chột tâm hồn trắng trong và tình yêu thi ca thánh thiện của lão? Niềm tin yêu và cuộc sống đích thực lâu nay bị chôn vùi bỗng bùng lên mạnh mẻ, quyền năng nào đã chế ngự và dìm chết tâm hồn yêu văn chương của lão? Đã lâu rồi lão đâm ra hèn nhát, cảnh giác không dám bộc lộ tư tưởng và bản chất phóng khoáng của mình, dù với người thân cận nhất.
Phong cách và nhân sinh quan của Kiều đã làm sống lại tâm hồn người của lão. Lão thấy lòng lâng lâng muốn giã từ sự hào nhoáng giả tạo đã đi qua trong cuộc đời mình. Cả đời lão Tư “mập” gom lại chỉ toàn là sự dối trá, đối phó với chính những người đồng liêu của mình. Đôi khi lão áp dụng kế “kim thiền thoát xác” của Tôn Tử để che dấu hành tung nhưng cuối cùng chỉ còn là hư ảo, không giá trị bằng vài giòng chữ trong chiếc tủ sách kia của Kiều. Có khi:”Quay đầu lại là bờ…”
Nguyễn Châu

LY HƯƠNG

 Năm năm làm lính, trú đóng nơi heo hút đồi mây, núi đá. Sống chết dễ như trò chơi sấp ngữa. Những ngày phép thường niên ngắn ngủi, chỉ dành cho người tình, bạn bè bù khú…

Tuổi hai lăm cộng năm năm tù đày, bây giờ gần được mẹ cha. Cha hom hem vì bệnh phổi kinh niên, mẹ còm cỏi chưa quen nghề ruộng đồng, nuôi heo, thả vịt.
Dù gì quê hương mình vẫn là máu thịt. Đui què mẻ sứt vẫn cố quay về.
Thành ngước nhìn ngôi nhà ngói cũ bị đạn bom, chỉ còn ba mặt tường nham nhở. Những tấm tole được chằng buộc bởi những cây tre già, thân mốc meo buồn thảm.
Ngày vợ Thành sinh con thứ ba, cũng là ngày mẹ anh qua đời đột ngột vì tai biến, vỡ động mạch não. Mẹ vừa qua tuổi năm mươi.
Tấm thân bệnh hoạn của cha anh suy sụp hẳn. Nỗi đớn đau mất người thân yêu nhất, xé nát tâm hồn anh. Đêm trời trở gió, anh lang thang trên cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Hình ảnh mẹ quấn quýt bên anh, bóng dáng tiều tuỵ vì thiếu ăn, lom khom trên ruộng lúa ngày nào, bừng lên niềm hân hoan khi anh được tha về bất chợt.
Thành tập tành làm y tá thay mẹ, chích thuốc cho cha. Mũi tiêm đâm vào mông khô héo chỉ còn da. Tay anh run run, tựa hồ như ai bóp nghẹn tim mình. Cha quay nhìn anh, đôi mắt buồn hiu kèm theo tràng ho dữ dội.
Thành vẫn không yên với cảnh đời đã quá ư nghèo khó. Sự đố kỵ và lằn ranh vô hình đen đỏ tách biệt gia đình anh với những người trong làng, kể cả người thân, khiến người cha cô đơn và cả bản thân anh trở thành cô độc.
Xa xa về hướng Tây Nam, dãy Ngọc Linh mờ mịt. Thành nhớ những đêm hè, ánh lửa bập bùng xa tít trên lưng chừng núi, khói quyện vào trong mây. Tiếng đạn nổ bom rơi dội về nghe âm vang mơ hồ lẫn trong mưa giông mù mịt, vừng sáng hoả châu như ánh trăng huyền ảo pha sắc máu trong đêm, khiến làng quê anh chao đảo, không thể yên bình.
Thành ôm con chó của cha, đôi mắt nó nhìn anh không chớp, đuôi ngoe nguẩy cầu thân. Sự cùng quẩn khiến anh chợt có ý định man rợ. Đứa con gái lên ba, ghẻ lở đầy mình khóc ri rỉ như mèo hoang trong đêm khuya vắng. Không có gì để đãi quan viên, từ ngày anh vác chiếc ba-lô con cóc rách nát về quê.
Con chó ngoan ngoãn theo anh. Mương thuỷ lợi lững lờ, dòng nước trong veo soi bóng anh mờ ảo, nhưng đôi mắt Thành rực lửa. Không một tiếng kêu, chỉ nghe ặc ặc đuối nước của con vật thân yêu, lịm dần mềm nhủn trong bàn tay anh.
Rừng phi lao xanh tươi, hồ nước phẳng lặng trong lành. Từ trên đỉnh đồi nhìn về hướng Nam, phong cảnh quê hương anh như dải lụa xanh trải dài trong nắng. Thành nghe đâu đó, một con mối chúa có hàm lượng dinh dưỡng bằng ký thịt bò, tăng cường sinh lý, bổ thận. Anh đào, anh phá tan hoang gò mối. Đất tổ mối chai cứng khiến anh vã mồ hôi, chân tay bủn rủn vì đói. Những con mối lính đưa hai càng nâu đen, găm vào da thịt anh căm phẩn. Thành xới đào từng hang hốc nhỏ bé truy lùng. Đòn gánh trên vai anh nặng trĩu, những củ khoai mì da mốc thếch cứu đói, nhân sâm của gia đình anh.
Thằng Cu đen cùng thời tiểu học – bây giờ là ông Y, cán bộ xã, gởi giấy mời, hắn còn lạ gì lý lịch ba đời nhà anh. Ông nội anh: Thầy dạy chữ nho cho ông nội hắn và cả cha hắn.
Hắn làm như không hề quen biết. Sự đối kháng hằn trong ý nghĩ và mặc cảm thân phận, khiến mắt hắn đỏ rực những tia máu. Hắn đẩy tờ giấy, hất hàm:
- Ký vào, đi gỡ bom mìn! Tụi mầy gieo thì tụi mầy dọn.
Tiếng nổ gần đâu đó, tiếng kêu rên của các bạn đồng cảnh ngộ khiến lòng anh đau đớn. Anh xé miếng vải áo buộc vội ngăn dòng máu oan nghiệt, di hại của thời chiến tranh tàn khốc vẫn còn chảy mãi trên phận người khốn khổ và quê hương nghèo khó của anh.
…..
Mụ Bình – hội phụ nữ xã khuyến khích phá thai. Thời nay chuyện phá bỏ dễ ợt, nhau thai ngâm rượu bồi bổ sức khoẻ, chữa được bách bệnh. Anh Đồng quay mặt ghê tởm những lời phát ra từ miệng mụ. Anh quát đuổi mụ ra khỏi nhà, mụ cầm nón đi te te, còn ngoái lại phun miếng bả trầu đỏ lòm như máu.
Những linh hồn thai nhi lượn lờ như những cánh hoa bay vật vờ trong gió, vô diện, vô danh.
Mụ Bình gọi những hủ rượu ngâm nhau thai (đông y gọi tử hà xa) là mỹ tửu. Mụ chỉ dành biếu tặng cho quan chức trong làng, xã. Gò Găng phía sau nhà mụ, những chiếc hủ sành cỏn con nằm lăn lóc. Xác những thai nhi bị đào bới bởi những con chuột rụng hết lông.
Vợ anh Đồng đã đặt vòng tránh thai nhưng lại có thai. Thai ngoài tử cung, suýt chết. Từ đó vợ anh thay đổi tính tình, mất thiên chức làm vợ. Trước đây dịu dàng, nhu mì bao nhiêu nay càng mạnh mẽ, đàn ông tính bấy nhiêu.
Anh chia sẻ với Thành từng củ khoai, củ sắn. Đám con liu chiu lít chít, gầy tong teo và đen nhẻm như đám trẻ Somali. Ba đứa con của Thành chẳng khác gì hơn.
Anh tốt nghiệp phó đốc sự, quốc gia hành chánh. Nghề giáo như Thành còn mất dần chữ nghĩa, huống gì anh.
Anh mưu sinh bằng nghề đan giỏ. Đôi tay như có mắt, thoăn thoắt điệu nghệ. Những chiếc lạt tre múa vặn mình thành những hình lục giác đều đặn, đẹp mắt. Anh Đồng là anh vợ Thành.
Anh bàn: “Quê mình không sống nổi đâu, em thu xếp đưa vợ con vào trong Nam. Miền Đông Nam bộ dễ sống, nhân tâm rộng lượng, hơn nữa đa số bà con hoàn cảnh giống tụi mình đã vào trong đó, họ dễ cảm thông và sẳn sàng giúp đở…”.
Thôi đành giã từ bản làng, quê quán. Hai gia đình xếp gọn hành trang, cất bước ly hương.
…….
Những ngày giáp tết, mưa rả rích thật lạ. Mùa cao su rụng lá cũng bắt đầu mùa khô ở miền Đông Nam bộ. Hàng cao su thẳng tắp, lá vàng nâu reo trong gió, đẹp như rừng phong Bắc Âu. Năm nay thời tiết đỏng đảnh, có lẽ đã gần hết mùa mưa.
Hoa đào hoang màu hồng phớt, phả vào lòng người tha hương nỗi niềm cô quạnh. Bàn thờ tổ tiên không thể ấm lên, khi lòng người ly tán. Tiếng chuông chùa Diệu Pháp ngân vang trong đêm giao thừa lạnh lẽo, càng nghe quạnh hiu xa vắng.
Thành nhìn sang nhà anh. Căn nhà bên bìa rừng cao su reo khẽ tiếng lá buông xác xơ trên vách. Ánh đèn tù mù như đom đóm lập loè trong đêm, điểm xuyết những chấm lửa lẻ loi của tàn hương.
Đã từng đón năm mới trên đèo heo hút gió, trong rừng lau lách nghe tiếng đạn reo, nhưng Thành không có cảm giác cô đơn như đêm nay.
……
Anh Đồng không tin thượng đế, trời Phật cũng không. Vậy mà anh muốn đi tu hay anh muốn giải thoát cho chính vợ con mình? Anh nghêu ngao, ngâm nga thơ phú tràn cung mây. Nghêu ngao cho quên đời hay ngâm nga để ngậm ngùi?
Thành gom hai gia đình làm một. Anh Đồng chắc lưỡi:
- Một ông, hai bà bảy đứa nhóc!
Chị Dung – vợ anh, tốt nghiệp trường sư phạm Qui Nhơn. Niên khoá đầu tiên, chị được phân công về dạy ở trường tiểu học Phước Sơn, dưới chân núi Ngọc Linh. Ngày giã từ quê hương, chị mang theo cả nỗi niềm và tình yêu của những đứa học trò bé bỏng ở miền quê nghèo Phước Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc.
Hằng ngày chị đi chặt lá buông về đan hàng thủ công mỹ nghệ, chiếc áo cũ dài quá khổ, bê bết mủ cây rừng xám đen, tạo thành bức tranh đời buồn thảm.
Cộng buông như tàu dừa nhưng có hàng răng cưa nhọn bén. Chị vót những đôi đũa trắng tinh, có đường vân rất đẹp. Lá buông dùng lợp nhà, dừng vách và buộc bằng sợi lạt sóng lá, để che gió mưa. Lá buông non được chằm thành tấm hoặc rọc thành nan để đan túi ví, làm nón làm hàng thủ công mỹ nghệ…
Cũng từ bắp lá non tơ, đã xa lắm rồi, những cánh buồm đan lá căng gió lướt sóng biển khơi, trở thành hình ảnh phiêu bạt và thơ mộng của một thời.
Tiếng trẻ thơ cười nói, nghịch ngợm, nô đùa. Tiếng ê a ngọng nghịu của đám học trò nhỏ thành dư âm trong lòng chị, vang vọng mãi…Trong giấc ngủ mệt nhoài, chị nghe văng vẳng tiếng trống vào lớp, chị giật mình bật dậy…
Trời đã tối dần, đường về còn xa. Tiếng vượn hú não nuột từ rừng sâu, cơn mưa bất chợt khuấy động bầy vắt, bung ra bám đầy tay chân, mặt mũi của những người đi rừng như chị, vừa gánh vừa kéo lê bó lá dài quét đất. Mớ dây leo ngớ ngẩn buông lơi, vướng víu như trêu ghẹo những người tha phương cầu thực. Mồ hôi chị chảy dài pha trộn mưa rừng, không làm chị bớt cay mắt.
………..
Không ai hiểu tâm trạng của anh Đồng. Anh ngán ngẩm thế nhân, lên rừng. Đời gì thế? Nhìn đâu cũng thấy nghi kỵ, thủ thế.
Rừng miền Đông Nam bộ bạt ngàn. Những giọt dầu tươm tinh tuý, thân cây dầu thẳng đụt. Càng thẳng càng dễ bị hạ. Những cánh “muồng hoa đào” nở rộ, anh phát rừng làm rẫy. Chỉ có anh với những đàn chim, sóc, heo rừng…
Thanh âm của chúng, anh thấy vui. Anh sợ tiếng người, ghê sợ giọng cười giả lả. Những ánh mắt như có sắc nhọn của mũi tên, của gươm… Anh tự nhận mình là con chim cun cút. Anh sợ lưới.
Tiếng mưa rừng tí tách, lộp độp buồn hiu. Nhưng lòng anh thảnh thơi kỳ lạ. Đàn chim bay về trú ngụ bên anh, cánh ướt tả tơi, đang rỉa lông cho nhau. Anh lại nghĩ về loài người, đang nhổ lông nhau.
Ánh nắng hiếm hoi xuyên qua tàn lá. Đàn heo rừng chạy ngang căn lều, tiếng khịt khịt và giọng hót lảnh lót của con chim lạ, khiến tâm hồn anh bùi ngùi thương cảm vô cớ.
Nhìn con sóc chít chít trên xà nhà, anh ôm lá khô vun tròn thành tổ ấm. Bếp lửa khói um ngột ngạt, khiến bầy chim bay vụt ra ngoài. Anh hối hận, nơi nào có bàn tay con người, cũng gây tệ hại.
Bếp lửa bừng sáng, gió dìu dịu làm lá cọ khô trên vách, run lên khe khẻ. Tiếng còi tàu sắp đến ga Trảng Táo vang vọng ngân dài, gợi nhớ miền đô hội xa xôi. Đường tàu như mũi tên xuyên qua cánh rừng, rồi mất hút về hướng Gia Huynh, Suối Kiết.
Anh Đồng nói đúng. Quê nhà mình, đến gò mả cũng đào xới để trồng khoai mì, rau đậu. Bờ tre lụi tàn vì đào hết gốc, tấc đất tấc vàng… nhưng xác xơ vẫn hoàn xơ xác.
Nhưng nơi này, vùng đất ba-dan đỏ au màu mỡ. Rẫy ngô xanh ngát, hoa màu tốt tươi, trù phú bạt ngàn ven lô cao su. Đất cũng rộng lượng và bao dung như tấm lòng người dân Nam bộ.
Anh Đồng giao hết cơ ngơi cho Thành. Thành trở thành anh giáo làng bất đắc dĩ, hai gia đình bảy đứa học trò đủ loại, nhưng chẳng đứa nào có khai sinh.
……
Hơn nửa tháng rồi, anh Đồng không về. Khi Thành đạp xe băng rừng đến nơi, anh đã chết. Xác anh nằm cong queo trên võng, khô đét. Rừng mùa khô, trảng tranh cháy nham nhở, chiếc lá to bản của cây dầu truớc hiên, khô cong bay vòng vèo đậu xuống ngực anh, như an ủi và tống tiễn một linh hồn ra đi trong cô quạnh.
Thành nghẹn ngào nhớ lời anh:”Một ông, hai bà bảy đứa nhóc!”.
Chị Dung thành lập tổ “thủ công mỹ nghệ”. Tận dụng lao động tối đa. Thành liên hệ nhận hợp đồng từ HTX mây tre lá Ba Nhất. Ngày đầu khởi nghiệp Ba Nhất cũng:“Không nghề, không vốn, không kinh nghiệm làm ăn”.
Chị Dung phân công cho mấy đứa lớn lên Bình Dương học nghề đan lát. Từ ngày mấy đứa nhỏ được nhận vào trường, Thành rảnh tay hơn, anh khai thác nguyên liệu dồi dào từ rừng. Những chuyến xe đầy ắp mây, tre, lá đã thành chất đốt vì mốc meo và không có điều kiện bảo quản. Kinh nghiệm đổi bằng máu, mồ hôi lẫn nước mắt.
…..
Bảy nhóc ngày nào, đã có bốn đứa đi du học các nước Tây Âu. Đứa lớn nâng dần đứa nhỏ tiếp bước trên con đường tìm đến với tri thức. Sự gắn kết của những chiếc lá buông, song mây, tre nứa bình thường trở thành hàng thủ công mỹ nghệ.
Chúng sẽ làm gì cho đẹp lòng quê hương hay mang nỗi buồn viễn xứ của người tha phương ngay trên đất nước mình và trên cõi đời này?
Nguyễn Châu

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...