Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

MÀU HOA ĐIÊN ĐIỂN


      Nghe em kể chuyện tình của T. mà rơi nước mắt. Ngày ấy T. mười bảy tuổi…
     Trong lúc đạn bay súng nổ, không sợ. Vậy mà di chứng chiến tranh mới khốn nạn làm sao! Ngày cha lên đường vào chiến trường, mẹ đang mang mầm sống của T.
     Cha về em lên ba, hình ảnh người đàn ông què quặt, mặt cháy nám lòi hai con mắt trắng dã đã khiến em hoảng sợ khóc thét lên dấu mặt vào ngực mẹ, hai bàn tay nhỏ bé bấu cứng.
     Người thương binh ấy sống lây lất với cây nạng gỗ, thân thiết hơn vợ con mình. Mẹ khóc hết nước mắt rồi thôi, lăn xả vào bất cứ nơi nào, công việc gì để có thể mưu sinh. Mẹ nhặt ve chai, mẹ ra ngoài đồng mò tôm bắt ốc, mẹ đi mót lúa…
     Căn nhà cuối xóm Đông bật lên tiếng khóc, em Hoan ra đời. Đầu em to như trái bưởi, đôi mắt lồ lộ tròn vo đen nhánh nhưng không kéo màu mây trắng đục như cha, mẹ chết điếng. Lớn thêm chút nữa em bò quanh nhà và không biết nói, lớn thêm chút nữa em ngô nghê cười nhưng em không biết khóc.
     Mẹ bồng em Hoan, mẹ dắt cha con T. bỏ xứ. Đường xa vạn dặm đưa bước chân hành khất của mẹ, của T. xuôi về  phương Nam bạt ngàn rừng tràm, mênh mông sông nước.
     Đất cũ trải lòng chở che người mới, rừng U Minh bao dung ấm đậm tình người. Chất phèn loãng pha trong dòng nước của sông Bồ Đề hai chiều lớn, ròng không chịu bám vào da em. Càng lớn, T. càng xinh đẹp và trắng hồng rực rỡ như bông súng, bông sen.
     Mùa nước nổi ba khía bỏ hang, lìa xa gốc đước gốc mắm, cũng là mùa ba khía “hội”. Ba khía leo dần lên nhánh bần, rễ đước để giao hoan. Mẹ lại có thai.
     Cu Lạc ngược lại với anh Hoan, không biết cười chỉ biết khóc. Đôi tay như hai càng ba khía nhưng đôi chân không giống chân người! Cha hân hoan sờ sẩm rồi nụ cười tắt lịm trên môi. Mẹ không còn nước mắt để xót thương cho giọt máu của mình, T. cuộn tròn nỗi buồn vào trong lòng, thả trôi theo dòng nước, thủy triều xuống thật nhanh vừa xuôi đã ngược.
     T. choáng ngợp vì anh kỹ sư lâm nghiệp dễ thương trong đoàn điều tra quy hoạch rừng, anh chàng mang tên Vũ ấy. Vũ cũng không ngờ nơi căn nhà nhỏ lẻ loi, bên con đường đất nhão nhoẹt trong rừng tràm lại có người con gái xinh đẹp là T.
     Thế rồi họ yêu nhau. Nhìn gia cảnh nhà T. Vũ xúc động vô cùng, ngoài thời gian làm việc Vũ luôn ở bên cạnh T. Những lần vào rừng tràm gác kèo ong lấy mật, sự nhanh nhẹn tháo vát lẫn niềm tin yêu cuộc sống và nụ cười luôn nở trên môi của T. đã khiến Vũ càng quý trọng và cảm phục nghị lực của cô gái.
     Vũ là con trai duy nhất của ông Lê Trọng Lân, chủ hãng xe đò Vạn Phước. Ông đã bao lần vận động để con ông được công tác gần nhà, nhưng Vũ vẫn say mê với những cánh rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều loại cá, chim, cua, sò huyết, tôm, ốc, nghêu, hàu, sò huyết, chuột, khỉ, dơi… là nguồn sống của những người dân miền sông nước. Sinh vật phù du sống dưới rễ các cây ngập mặn là nguồn thức ăn dồi dào cho nhiều loại cá. Lá và thân cây ngập mặn bị phân hủy lại cung cấp nguồn thức ăn quý báu cho các loài thủy sinh.
     Vũ đã ý thức rừng ngập mặn được thiên nhiên ưu đãi kia, đã cung cấp sinh kế cho loài người, giảm ô nhiểm, chống tác động của biến đổi khí hậu, giảm xói lở và bảo vệ bờ biển thân yêu trên đất nước này. Anh đã từ chối sự ưu ái  vì đồng tiền của cha anh. Những ngày băng rừng khảo sát, quen với muỗi mòng, bao la sông nước, mênh mông tràm đước, sú, vẹt… đã gieo vào lòng anh tình yêu hồn hậu đất nước và con người Nam bộ.
………
     Thương và mong con hạnh phúc với tình yêu của mình, ông bà Lân không ngại ngùng cùng thân tộc về Năm Căn xin chạm ngõ.
     Mẹ T. ái ngại với gia cảnh tuềnh toàng của mình, nhìn hai con Hoan, Lạc bò ngang bò dọc đứa khóc, đứa cười ngô nghê  trên nền nhà đất nện ẩm mốc, chị thở dài định đưa con sang gởi nhờ nhà hàng xóm.
     Hôm nay T. mặc bộ bà ba lụa màu vàng bông điên điển thật đẹp, càng nổi bật làn da trắng mịn màng. Hai em đứa cười đứa khóc có nhận thức được ngày vui của chị?
     Kể từ ngày quen Vũ, lần đầu tiên T. rơi nước mắt vì chuyện có liên quan đến số phận mình.
     T. mặc cho Hoan, Lạc bộ đồ đẹp nhất. Cài lên ngực hai em chùm bông điên điển vàng tươi. Mẹ nhìn T. ngạc nhiên, không hỏi.
     Họ nhà trai đã xôn xao ngoài ngõ, mẹ dìu ba ra tận ngoài sân đón khách. Ông bà Lân cũng đã hình dung gia cảnh của T. qua lời kể của Vũ, nhưng không ngờ sau bao nhiêu năm đất nước hòa bình vẫn còn những xóm nghèo xác xơ bên bìa rừng ngút ngàn tràm. Bên kia, ánh đèn rực rỡ của thị trấn Năm Căn phản chiếu những tia sáng lung linh trên mặt nước êm đềm của dòng sông đang thì nước đứng.
……..
     Chuyện cưới hỏi không thành. Ông bà Lân không chê cái nghèo cái khổ của T., thậm chí họ có thể giúp đở cho gia đình em qua cơn khốn khó, bà Lân thở dài:
-         Anh nói cho con hiểu, mình chỉ có nó để nối dõi tông đường…
     Ông Lân thừ người, nếu không có tấm lòng bao dung và hào hiệp của bà con nơi xóm nghèo Ngã Ba Tam Giang trên sông Bồ Đề ngày ấy, ông đâu có ngày hôm nay. Sự giàu nghèo do số mệnh, thiện căn ở tại lòng người, ông nguyện sống đời đạo hạnh, ăn chay trường để phúc cho con, nhưng trời chỉ cho ông một đứa con duy nhất trên đời. Ông không thể nói gì với Vũ…
     Chú Tám và cô Năm kéo Vũ ra bờ sông, gió hiu hiu đong đưa những cành lá bần xanh ngát, chú Tám mở lời:
-         Con thấy hoàn cảnh gia đình T. ra sao?
-         Con quý trọng nghĩa tình và nghị lực của cô ấy. Con chấp nhận tất cả!
     Cô Năm sụt sùi than thở:
-         Gia cảnh cô ấy thật đáng thương, chiến tranh đã để lại hậu quả khủng khiếp, bao nhiêu đời nữa sẽ còn mang di chứng của nó và của “chất độc màu da cam”?
-         Không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời! Tuy nhiên con là cháu đích tôn, anh chị Hai chỉ có mình con. Con có nghĩ rằng rồi đây khi thành vợ thành chông, T. sẽ sinh cho dòng họ nhà mình… Chú Tám bỏ lửng nửa chừng.
     Ngày hẹn hỏi cưới đã không được nhắc lại, mẹ xót xa nhìn T. đang ôm hai em Hoan - Lạc vào lòng. Mẹ chỉ cầu mong Trời, Phật ban cho gia đình ta hoan lạc, niềm mong mỏi dung dị của bao người. T. không buồn, không khóc. Hạnh phúc của gia đình T. dù đơn sơ nhưng ấm tình người, mẹ đã chịu cam khổ cả cuộc đời mình. Trào dâng trong lòng T. nghị lực sống mạnh mẽ và tin yêu cuộc đời này.
     Mặt trời lặn dần phía rừng U Minh, đàn cò trắng bay về từ cánh đồng xanh um màu lúa.


Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Đ. CHÓT LÀ TÔI


      Tên tôi là Lê Đ. Chót. Trong khai sinh ghi rõ ràng như vậy. Tôi đi học, cô giáo thấy chữ lót lạ lùng, tôi ấp úng không giải thích được. Ngày tôi sắp ra đời, mẹ hỏi cha đặt tên tôi là gì, Cha nói gọn lỏn:“Lê Đ. (đê chấm), còn tên tùy bà…”.
     Lớn lên tôi suy luận: Có thể Lê Đình, Lê Đức, Lê Đắc… Nhưng họ nhà Lê tôi, không ai có tên lót bắt đầu bằng chữ Đ.
    Tra gia phả từ đời cụ, kỵ và ngược lên mười đời trước nữa, toàn là Lê Trung… cho đến các anh trai tôi cũng vậy.   
     Cha tôi tên: Lê Trung Hưng.
     Lâu lắm rồi, có lần uống rượu một mình say, cha kể:
“Trong lịch sử Việt Nam, nhà Lê Trung Hưng được hình thành tiếp nối Lê Sơ. Sau khi Lê Trang Tông với sự phò tá của cựu thần Nguyễn Kim, được đưa lên ngôi báu. Đây là triều đại dài nhất so với các triều đại trong lịch sử Việt Nam với 256 năm và đây cũng là thời kỳ lãnh thổ Việt Nam được mở rộng nhiều lần nhất.
     Nhưng rồi khi Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà, Lê Chiêu Thống hoảng hốt cầu viện quân Thanh khiến lòng người dân bấy giờ chán ghét hơn trước và sụp đổ, dù sau này nhiều thế lực khác nổi dậy đòi khôi phục nhà Lê cũng đều thất bại…”.
     Tôi hỏi lại:”- Đ. Là gì cha? Cha tự nhiên cười lăn cười lộn, tôi hoảng hồn chạy mất.
……….
     Tôi là con út trong chín anh chị em. Anh cả tôi sinh nhằm ngày chia đôi đất nước (20.7.1954), chị Hai ra đời trùng ngày Quốc Khánh Đệ nhất Cộng hòa (26.10.1956), chị Ba sinh vào ngày thành lập Mặt trận GPMN (20.12.1960), anh Tư lại sinh đúng ngày đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm (01.11.1963), anh Năm bây giờ ở Hoa Kỳ, ra đời khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng (08.3.1965), chị Sáu đẻ rơi dọc đường khi mẹ tôi di tản từ Hương Trà chạy về Huế, ngày Tết Mậu Thân (1968), anh Bảy “chà và” vì da ảnh đen thui, ra đời không mang dâu ấn nào của lịch sử (1970), anh Tám tưởng chết rồi khi mẹ tôi chạy theo đoàn xe nhà binh từ Ái Tử, Quảng Trị về Huế mùa hè đỏ lửa 1972. Nhưng may thay, khai sinh của anh ghi ngày ký kết Hiệp Định Paris (27.01.1973).
    Riêng tôi, không biết được hay bị sinh vào buổi sáng 30.4.1975.
     Bây giờ đã hơn nửa đời người, cha tôi đã mất, đôi lần tôi định hỏi mẹ về chữ lót Đ. của tôi, nhưng mẹ móm mém cười bí hiểm như nàng Mona Lisa, Tôi lại càng vắt óc suy nghĩ về cái tên tôi, không những chữ lót Đ. mà còn tên CHÓT. Có lẽ tôi là đứa con cuối cùng chăng?
     Nghĩ đi nghĩ lại, tôi phục cha tôi quá! Chỉ hai mươi năm trời, cha cho ra đời chín đứa. Anh cả tôi tính nhu mì hiền lành như con gái, nhưng khuôn mặt sần sùi, khắc khổ. Có lẽ khi mang thai anh, mẹ tôi chạy tản cư từ miền xuôi lên miền ngược. Trong lòng cha mẹ tôi chỉ mong đất nước hòa bình. Ngày đình chiến dù đau buồn vì đất nước bị chia đôi, nhưng mẹ cố giành ngày trọng đại để sinh ra anh cả tôi. Nhưng rồi không được bao lâu, gia đình nội tôi tan đàn xẻ nghé. Các chú tôi bỏ lại vợ con, lên đường tập kết.
     Cha tôi được thuyên chuyển về Saigon, thành phố hoa lệ rộn rã, sáng ngời trong niềm hân hoan đón mừng ngày Quốc Khánh đầu tiên, sau gần 100 năm đứng nghiêm chào cờ Tam Tài và hát quốc ca "La Marseillaise”.  
………..
     Chị Hai xinh đẹp như Đức Mẹ Maria. Cha đưa mẹ ra bờ sông Bạch Đằng, hoa đăng ngập tràn xen lẫn những cánh bèo trôi xuôi về biển Đông. Trên đường phố, từng đoàn xe hoa rực rỡ ánh đèn, chân dung Ngô Tổng Thống với khuôn mặt phúc hậu, hình như đang mĩm cười. Bỗng mẹ tôi đau bụng, chị Hai ra đời trong niềm hạnh phúc, yên bình nhất và cũng ngắn ngủi nhất trong đời làm chồng làm vợ của cha mẹ tôi.
          Lúc ra đi, các chú hứa với nội tôi, sau hai năm sẽ tổng tuyển cử, nước nhà thống nhất các chú lại về. Trong tuyên bố cuối cùng của hiệp định Genève ngày 21.7.1954, có ghi:
“Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956”.
     Bà nội tôi sụt sùi than thở: “Nếu có tổng tuyển cử việc gì phải đi đâu? Ưng ai mình bầu, tự do dân chủ… tụi mầy việc gì phải đi, bỏ vợ bỏ con, bỏ hai thân già trông ngóng héo hon!”.
     Ngày mẹ sinh chị Ba tôi, gió bấc lùa về từng cơn lạnh buốt thịt da, mưa phùn giăng trắng xóa. Mùa đông u ám nhưng những cơn giông ùng uỳnh, sấm chớp lóe lên những tia sáng trắng lạ kỳ trên đỉnh Chư Prong. Chị như con nhái bén, ốm nhách tong teo. Đã bao lần mẹ tôi chạy đôn chạy đáo tìm thầy tìm thuốc, vất vả vì chị trăm bề. Nhưng sau này càng lớn, chị không giống ai trong nhà, chỉ biết thụ động sai gì làm nấy. Hơn mười lăm tuổi, chị bỏ chúng tôi về với ông bà…
     Tình hình miền Trung rối như canh hẹ, Phật Giáo xuống đường phản đối chế độ Ngô Đình, dẫn đến Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt ngày 11.6.1963.
     Xe tăng rầm rầm chạy qua đường phố, Dinh Gia Long ngập tràn sắc lính rằn ri. Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh. Cha tôi không có nhà, mẹ tôi gọi xích lô chạy thẳng đến bệnh viện Từ Dũ sinh anh Tư tôi.
     Có khi anh Tư tôi ra đời, khiến chính trường miền Nam nghiêng ngả.
     Cha mang theo cả gia đình cùng bà nội tôi ra Đà Nẵng.     
     Trận lụt năm Giáp Thìn (1964), mưa to gió lớn, nước trên nguồn từ Trà My, Phước Sơn cuồn cuộn đổ về, núi lở từng cụm, ruộng đồng lấp đầy bùn non, làng mạc bị cuốn trôi. Hằng ngàn con người lẫn trâu bò gà chó trôi phăng phăng theo dòng nước hung hãn.
     Người dân từ các vùng “xôi đậu” Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn… lần lượt dắt díu nhau chạy về thành phố, hầu như tất cả gia sản đã bỏ lại sau lưng. Họ được chính quyền bảo trợ, những căn nhà mái tole vách ván được dựng lên vội vàng trên bãi cát trắng rực nắng và gió ở ven biển Mỹ Khê, Hòa Khánh mang tên An Cư 1,2,3…
     Những người tản cư đã có cơ may khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng. các hãng thầu RMK-BRJ tuyển dụng những người nông dân chạy giặc thất nghiệp, nghèo đói. Đời sống của họ dần hồi lại khá hơn xưa.
     Khi anh Năm tôi tròn tuổi, mẹ tôi cũng đi làm sở Mỹ.
     Tháng 3.1966, những người lãnh đạo Phật Giáo kêu gọi đình công bãi thị. Chùa Phổ Đà trên đường Phan Chu Trinh bị phong tỏa, bàn thờ và tăng ni xuống đường cùng dây kẽm gai và cảnh sát dã chiến. Phong trào tranh đấu ở miền Trung bùng lên mạnh mẽ, cha tôi cùng dân quân địa phương được tung ra ngăn chận lính thủy quân lục chiến từ Saigon bị Nguyễn Cao Kỳ điều ra Đà Nẵng. Đôi bên hờm súng nhìn nhau như kẻ thù.
     Cha tôi đi làm về lắc đầu mệt mỏi, chị Ba có vẻ qua “đốt” bà mụ hành, đã cứng cáp hơn xưa, cầm cờ Phật giáo chạy lon ton ra đầu ngõ hò reo…
     Bà nội ở lại với cô Dung. Cha lại mang cả gia đình tôi ra Hương Trà, Thừa Thiên. Hương Trà là vùng đất có lịch sử lâu đời, nơi đây gắn liền với nền Văn hóa Sa Huỳnh. Chiều cuối năm, tiếng pháo nhà ai rước ông bà nổ dòn bên kia đường. Cha dồn hết cả nhà, valy áo quần và chút của cải lên xe jeep định chạy về thành phố Huế. Kinh thành xưa cổ kính  mờ mờ lặng im trong hoàng hôn tím ngắt, tia nắng yếu ớt còn le lói qua rặng lá hướng chùa Thiên Mụ, chuông ngân thanh thoát mơ hồ trong gió…
     Tiếng kêu chới với của mẹ khiến cha phanh gấp, anh cả tôi đập đầu vào thành xe chảy máu. Mẹ đẻ rơi.
     Cha lái xe băng băng lên đèo Hải Vân, Hải Vân Quan mù sương. Quay nhìn về vịnh Lăng Cô, những hàng dừa lắt lay như vẫy tay chào tạm biệt, mây xám đục phiêu bồng lướt qua đầu, rời xa cố đô về Đà Nẵng cùng nội tôi.   
     Chị Sáu ra đời đã tránh cho gia đình tôi kiếp nạn tết Mậu Thân (1968). Ngày đầy tháng, mẹ lấy mảnh vải trắng chít ngang đầu chị, chị khóc thét lên đưa hai tay lên trời như ngậm ngùi tiễn đưa những linh hồn đã chết oan khốc, chưa trọn sum vầy trong buổi đoàn viên, ngày tết Nguyên Đán thiêng liêng… Năm mười bảy tuổi, chị Sáu xuất gia: Ni cô Diệu Hương.
     Sau này, mỗi lần nhà Nước làm lễ kỷ niệm “chiến thắng Mậu Thân”. Ni cô Diệu Hương đưa tôi lên chùa cầu siêu và khuyên nhủ:”- Em hãy tránh xa nơi huyễn hoặc ấy, trần gian lắm nỗi gian tà, không phải nơi chốn em về, hãy theo ta…”.
     Tôi lơ đễnh nhìn ra dòng sông lấp lánh chảy ngang, gợn sóng lăn tăn, ánh lên màu bạc. Một, hai, rồi vô số thân hình tiều tụy đưa hai cánh tay lên trời, những hồn ma bóng quế nghiêng ngả, thanh âm tiếng chuông chùa xa vắng như vọng tiếng kinh gọi hồn.
     Những khuôn mặt trợn trừng căm phẫn, nghiến răng nguyền rủa: “Thế gian chúng mầy toàn lũ vô ơn, khiến hồn ta xiêu phách ta lạc, đường về mù mịt, chịu phận âm hồn tha phương, tứ cố vô thân…”.
     Vô số vong hồn không siêu thoát từ lâu có vẻ trầm tỉnh hơn, chỉ nhoẻn miệng cười. Có lẽ hiểu lẽ đời, trần gian vốn bạc bẻo vô ơn:”Nhất tướng danh thành vạn cốt khô”, thân phận quê hương nhược tiểu đã bao lần khói lửa, bao nhiêu thế hệ đã bỏ mình nơi chân trời góc biển, rừng sâu núi thẵm hay chìm xuống bùn đen nơi sông rạch U Minh.

     Có lẽ trận thư hùng đã gần cạn máu xương. Chính phủ Mỹ chuyển dần trách nhiệm cho người Việt, tương tự như chiến lược “Da vàng hóa chiến tranh” mà quân Pháp đã áp dụng ở Đông Dương. Sự tương tàn, nồi da xáo thịt Trịnh – Nguyễn bị lặp lại nhiều lần trong lịch sử đau thương.
     Các anh chị tôi không ai sinh ra phải mổ, ngoại trừ anh Bảy. Có khi người ta tiếp nhầm máu cho mẹ tôi, nên da ảnh không giống ai, chỗ đỏ chỗ vàng. Cha nhìn về hướng Trung Phước, Đại Bường (Đại Bình) – quê ngoại tôi bên bờ hữu ngạn sông Thu Bồn, trời xanh lơ bát ngát, nhưng không thể về. Những con người hiền lương bị tiêm nhiễm chất độc vô hình, trở thành ác thú. Họ chân quê chất phác đã ngộ nhận đến đau lòng, cùng hò reo treo cổ ông ngoại tôi lên nhánh đa bìa làng. Tự dưng đang yên bình thân thiện, trở thành đối nghịch căm thù.
     Ngó lên “Hòn Kẽm Đá Dừng”, những giọt nước lăn dài theo vách đá dựng đứng không biết tự thuỡ nào, có lẽ lăn mãi không thôi như giọt nước mắt nội tôi.
     Cha tôi tính cương trực, nhưng không thể làm gì khác,  khi mọi sự đã quá tầm tay với. Ngày ấy, cả gia đình đông đúc của tôi sống nhờ vào đồng lương và phụ cấp của cha. Mẹ tôi không có thời gian để nghỉ ngơi, ngoại trừ những lần sinh đẻ. Cha nói con cái là viên ngọc quý trời cho, anh em chúng tôi cùng dòng máu đỏ.
     Buổi chiều kia, anh cả tôi ngây ngô nhìn những chiếc GMC chở đầy xác chết, chân tay nát bấy, máu nhỏ giọt theo vết xe qua đường phố, máu cũng đỏ nhưng đã sẩm màu. Bà nội kín đáo nhìn mặt những người lính việt cộng bị trói gô hay những xác chết bị bỏ xuống dọc đường, biết đâu có hai chú tôi trong đó.
     Chiến sự vẫn tiếp diễn, truyền hình và đài phát thanh ca tụng chiến thắng, nhưng ít khi đề cập thương vong.
     Cha thuê nhà cho anh chị em tôi tạm “định cư” để học hành, mẹ bồng anh Bảy theo cha ra tận Cửa Việt, Đông Hà. Người ta sưu tra và nghi ngờ cha tôi có thân nhân theo địch. Vùng giới tuyến đìu hiu im ắng, hai lá cờ đối nghịch phần phật trong gió, những thanh sắt đã rỉ của cầu Hiền Lương trong cơn mưa phùn, nhỏ xuống dòng sông Bến Hải đang lững lờ trôi, những giọt nước sẩm như màu máu.
     Mẹ ôm bụng bầu lết thếch theo đoàn người chạy giặc, giòng máu lâm bồn ngày sinh anh Tám nhỏ giọt trên con đường kinh hoàng đầy những xác người.
     Gia đình tôi như bầy kiến gặp nước lụt, trôi dạt theo sấm chớp của chiến tranh. Tiếng đại bác dội về từ vùng ven đô cùng tình trạng hổn loạn của thành phố trong cơn giẫy chết, cũng là ngày khánh kiệt nhất của gia đình tôi, cả nhà bị lùa ra khỏi khu gia binh. Tôi lại bị sinh ra.
     Anh Tám èo uột từ ngày ra đời, đã chết trên tay chị Ba tôi.
……….
     Tôi về thăm mẹ, nhà vắng hoe. Con chó còm già nua nhổm lên sủa nhưng giọng thiếu hơi, nghe như hụt hẫng. Lâu không về thăm mẹ, nên chó cũng quên người.
     Anh chị Bảy từ ngoài đồng chạy về, mồ hôi muối loang lổ những vệt trắng mờ mờ sau lưng áo, anh ôm tôi vào lòng:
-         Em khác quá, ốm nhách!
     Da anh bây giờ không còn đỏ đỏ vàng vàng như thời ấu thơ mà đen sạm. Mẹ đi đâu về, miệng nhai trầu cười móm mém:
-         Tổ cha mi, răng không đi luôn?
     Tôi rưng rưng nhìn mẹ, chị Bảy tò mò nhìn thằng em văn nghệ:
-         Nghe nói chú làm thơ đăng báo, tui tìm đọc mà không biết báo gì. Tui lật qua lật lại không mua, con nhỏ bán báo bực mình chửi miết.
-         Chị có đọc báo đời không? Em chỉ đăng báo đời!
     Chị Bảy tưởng thiệt, le te xuống bếp nấu cơm, còn nói vọng lên:
-         Mai tui ra sớm, mua về cả nhà đọc thơ chú, rồi cất để dành.
     Mẹ kể chuyện ngày xưa, nhớ đâu nói đó:
-         Ngày cha mi sắp mất, bầy  chèo bẻo rượt đánh mấy con quạ ngồi chồm hổm, chờ cha mi tắt thở. Tháng bảy mưa ngâu, quạ trọc đầu vì bắc cầu Ô Thước qua sông Ngân Hà cho Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau, vậy mà cha mi đành đoạn bỏ tau đi, đi miết không về.
     Anh Bảy cười hề hề:
-         Mỗi năm tái hợp một lần, đám giỗ cha về với mẹ. Chỉ có cầu Hiền Lương chia cách hơi lâu, mấy chục năm thím hỉ?
      Mẹ tôi run run quệt vôi hồng hồng lên lá trầu xanh, nói bâng quơ:
-         Non sông đã liền một dãy, nhưng dòng sông trong lòng người ngày càng sâu hiểm hơn phá Tam Giang!
     Chú thím tôi giờ quá ngon, mấy chục năm “thoát ly” không trầy vi tróc vẩy chút nào. Ngày đoàn viên chỉ mang về cái “xắc-cốt”,  nhưng nay giàu có lên từng ngày.
    Thím thật thà, mơ chuyện gì cũng kể cho mẹ tôi nghe:
-         Trong cơn mơ, dữ thành hiền phải không chị? Em thấy nhà em đổ sụp, vôi vữa gạch đá đâu không thấy, chỉ thấy mùi tanh tưởi của máu và thịt chảy thành dòng, cột bê-tông rệu rã lòi ra những ống xương trắng hếu. Em ám ảnh quá, giờ tay chân cũng còn run!
-         Của phi nghĩa để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ. Mẹ nhìn lên di ảnh cha tôi, trả lời thím mà như nhủ lòng mình.
     Ngày sinh tiền, cha với chú không gặp nhau thì thôi, chớ gặp nhau là bất đồng mọi sự. Chú nói cha cố chấp, cha nói chú bị “nhồi sọ”. Bà nội may mà điếc nặng, mắt đã lòa nên chỉ ngồi bó gối nhìn ra khoảng trời xanh bao la, không ai biết nội nghĩ gì.
…………
     Cũng vì cái tên Đ. Chót mà đời tôi lên bờ xuống ruộng, một lũ ngu si xuyên tạc và “chụp mũ” lên tên cúng cơm của tôi. Chúng nó nghĩ ra nhiều điều oái ăm và tàn bạo mà người lương thiện không bao giờ dám nghĩ. Tôi đâu có đặt tên mình, tôi còn không biết ý nghĩa vậy mà  chúng truy ngược mấy đời nhà tôi, nhảy vào moi gan móc óc cha tôi để tìm câu trả lời theo lối suy luận giết người của chúng. Cha mẹ sinh con há dễ sinh lòng, ông nội tôi càng mô phạm bao nhiêu thì tôi lại càng lãng tử bấy nhiêu.
     Tôi khoan khoái với tự do tuyệt đối của mình trong ý nghĩ. Dưới bóng mát của bụi tre sau nhà, tôi ngồi bó gối nhìn ra cánh đồng xa, đàn cò trắng bay về sà xuống ruộng lúa xanh ngát thì con gái. Chợt ý nghĩ quái dị phớt qua, tôi cố níu lại: Không lẽ cha mẹ tôi là nhà tiên tri vĩ đại, Đ. Chót là chấm dứt cuộc đời khi tôi đang còn sống hay theo lối suy diễn ma quái của lũ bợm người, cố tình gán ghép cho tôi hay còn có ý nghĩa gì khác đã theo cha tôi về bên kia thế giới?

TÁM DÔ


    Thằng cha nào không nói “dóc”, Tám Dô càng dóc dữ nhưng không xạo. Nhớ hồi tám Dô làm “quản gia” cho ông anh vợ, thời nhà đất dậy sóng phất lên vùn vụt, anh vợ mua năm ba cái nhà, sửa sang tô phết định bán lại kiếm lời. Ổng giao cho vợ chồng tám Dô cai quản cùng bầy chó Phú quốc khôn đáo để, dữ dằn nhưng trung thành hết biết. Con nào cũng có xoáy trên lưng, bàn chân có màng như vịt, chỉ có tật hay đào bới lung tung.
     Một lần đãi thợ có cả nam lẫn nữ, tám Dô nổi hứng đọc thơ: “Con bò có một cái u. làm trai một vợ là ngu hơn bò!”. Ai dè cô vợ đứng sau lưng, đàn bà nổi máu ghen phải biết, chì chiết hành hạ tám Dô thiếu điều muốn nhảy lầu. Tám Dô chỉ vì “Thần khẩu hại xác phàm”, chớ mấy chục năm kết nghĩa phu thê, chưa một lần phụ bạc, đôi khi cũng vớ vẩn trăng hoa đâu đó ngoài đường, chứ không đóng dấu, ký tên như ông anh vợ trời ơi.
     Tám Dô có biệt tài kể chuyện, nghe ai kể hay hay hợp khẩu vị ảnh nhập tâm liền, lúc bù khú với anh em những câu chuyện tám Dô góp vui, ai cũng cười rần rật.
     Năm mười ba tuổi, tám Dô bỏ học theo du kích, làng Hòa Qúy thuộc Hòa Vang, sát nách Đà Nẵng. Cách năm cụm Ngũ Hành không đầy hai cây số, nhìn ra biển Đông xanh ngát màu trời.
     Tám Dô chứng kiến bao cảnh đầu rơi máu chảy, bom đạn cày xới làng quê Hòa Qúy tan hoang. Tám Dô cùng bọn trẻ con trong làng lân la đến đồn lính Mỹ xin đồ hộp, gạo sấy. Lính Mỹ xoa đầu lũ trẻ con, “Baby no Vici!”. Tám Dô “Oke Salem”, anh lính da đen Michael ngây ngô kéo tám Dô vào lòng, quả lựu đạn xanh nghít màu ô-liu phản chiếu tia sáng dịu mát dưới ánh nắng chiều, đẹp như món đồ chơi hấp dẫn bọn trẻ, tám Dô lẹ tay giấu quả lựu đạn vào túi quần treilli  rộng thùng thình đã cắt cụt hai ống.
Chiến lợi phẩm đầu đời đã ghi chiến công và đưa tám Dô cùng lũ trẻ vào đội ngũ du kích, các anh lớn dạy chúng cách gài lựu đạn.
     Trời hừng sáng về phía biển, sau năm ngọn núi Ngũ Hành, đất trời còn đang giao hòa sáng tối, Michael vướng vào dây cước, quả lựu đạn màu ô-liu rùng mình phát nổ, thân hình Michael hứng trọn những mảnh gang vụn chết người. Michael ôm mặt lăn lộn trên đám ruộng khô khốc, gào lên gọi mẹ “Mom, Mom…”, vang dội cả làng quê nghèo xơ xác, hàng tre cũng ngậm ngùi xào xạc lá sẻ chia.
     Tám Dô tham gia nhiều trận chống càn, xém chút nữa bỏ mạng sa trường. Trong mắt tám Dô không có lính nào “ngu” như lính Mỹ, cao lênh khênh,  hành quân như đi dạo bắn chim, mắt xanh lè ngơ ngơ ngác ngác. Nhiều lần tám Dô đưa súng lên định “tắc cù”, nhưng nghĩ về anh lính Mỹ da đen Michael gào lên gọi mẹ ngày nào, nên thôi.
     Cái hầm sau nhà thiệt độc, ông già tám Dô đào tránh bom đạn từ khi thực dân Pháp còn hiện diện, hầm sâu dưới bụi tre già rậm rì, đầy gai nhọn hoắt, thông ra đến hàng tre dọc bờ sông Mân Quang.
     Sông Vĩnh Điện nối từ sông Thu Bồn, Quảng Nam chảy qua Hòa Vang đến Tứ Câu về hạ lưu qua Mân Quang, Hòa Quý. Bà con cũng gọi là sông Tứ Câu hay sông Cái, đến Cổ Mân hợp lưu với sông Cẩm Lệ để tạo nên sông Hàn xuôi về cửa Đà Nẵng ra biển Đông.
     Làng quê Hòa Quý vẫn còn dư âm của Tết năm Ất Tỵ (1965). Một buổi chiều trong giờ ra chơi, tám Dô chứng kiến máy bay Mỹ thả bom trúng trường tiểu học Mân Quang. Chỉ một trái bom đã cướp sinh mạng của 45 mầm non vô tư lự, tám Dô thề quyết trả thù.
     Thù chung chưa trả, thù riêng đã khiến tám Dô càng say máu: Anh trai duy nhất của tám Dô hy sinh trong trận chiến không cân sức, ở miền núi Hòa Vang.
     Tám Dô xung phong vào quân chủ lực. Vừa tròn mười sáu, tám Dô cùng tiểu đội cảm tử tiến công vào sân bay Đà Nẵng, trong đêm giao thừa tết Mậu Thân. Tất cả đều hy sinh, chỉ riêng tám Dô bị bắt sống vì súng hết đạn. Những xác chết cả “ta và địch” nằm vắt lên nhau. Quay nhìn về hướng phi trường, những đụn khói đen nghịt cuộn tròn mang theo biết bao linh hồn máu đỏ da vàng, về nơi xanh thẳm mênh mông
     Không hiểu sao, nhìn bộ mặt non choẹt của tám Dô, tên  lính Mỹ áp tải “Oke Salem”, hắn moi một đống đồ hộp bày ra trước mặt tám Dô. Nhìn tay hắn khui hộp bánh, nước miếng tám Dô ứa ra, bấy giờ mới thấy cái đói cồn cào. Hắn đưa miếng sô-cô-la vào miệng tám Dô, ngoạm miếng quá to, tám Dô nghẹn họng. Hắn hoảng hốt, quay tìm lon cocacola, dòng nước ngọt lịm đả thông cổ họng.    
     Tám Dô như thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên, vài anh lính Cộng hòa vỗ vỗ vai, một anh lôi từ ba-lô chiếc áo lính khoác lên thân hình khô đét, trần trụi của tám Dô.
     Máy bay đưa tám Dô ra Phú Quốc làm tủ binh. Gần hai năm sau, tám Dô được thả. Cha mẹ già khóc hết nước mắt, cho tám Dô học nghề mộc tại xưởng gỗ ông già vợ bây giờ. Duyên nợ kiếp nào, ông già nhận tám Dô làm rể.
     Ông anh vợ cùng tuổi, đâu khác thân phận tám Dô. Chiến trường càng ác liệt, đôn quân càng bạo. Đang học giữa chừng, lệnh tổng động viên đưa ông anh vợ trời ơi vào quân đội.
     Ai dè, Việt cộng cũng bị bắt lính. Tám Dô không một mảnh giấy lận lưng, tống vào Trung tâm 1 nhập ngũ. Sau ngày hòa bình, tám Dô bị quy thành phần hồi chánh.
………
          Tám Dô kể có lần ở trong hầm cùng chị ba Đủ. Chị lớn hơn tám Dô mấy tuổi, chị bị thương nhẹ nhằm ngay ngực phải, máu ra dầm dề. Tám Dô nhìn quanh rồi xé toạc chiếc áo vải tám đen của chị để băng bó, chị lấy hai bàn tay che ngực, mặt đỏ rực trong tranh tối tranh sáng, tám Dô lần đầu tiên nhìn thấy bầu ngực trắng ngần, cặp vú mơn mởn thanh tân của chị đẹp hơn bầu vú mẹ, nhưng lòng tám Dô không hề nghĩ gì hơn.
     Mãi sau này, khi tám Dô biết tin chị ở bên kia sông Hàn, hỏi nhà tìm đến thăm, chị vẫn không chồng lại cụt một chân. Chị nhận con của hai Dư làm con nuôi. Anh hai Dư là anh ruột chị, lính nghĩa quân chết trận trong ngày gần tàn cuộc chiến.
………..
     Tám Dô có tật ai nhờ việc gì, cố làm bán sống bán chết, trời cho sức khỏe hơn người. Tuổi đã “lục thập” vác tạ gạo khỏe re, đi làm phụ hồ chủ nào cũng thương, nhưng không trả nổi tiền thuê nhà và thuốc thang cho vợ. Ông anh vợ trời ơi thương tình mua cho căn nhà cấp 4.
     Đám giổ ông anh liệt sĩ, anh vợ trời ơi lý sự: “Người ta thống nhất đất nước, đâu tốn một giọt máu như Đông và Tây Đức, những người lãnh đạo Đức có trí tuệ và một lòng vì dân vì nước. Phải chi sau hiệp định Genève, hai miền Nam Bắc cùng nhau chăm lo phát triễn, chia sẻ để tiến đến ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai miền, thì đâu đến nỗi hàng triệu người chết oan chết uổng, nhân tâm ly tán, nghèo khó đến bây giờ!”.
     Đang khỏe mạnh, ai ngờ tám Dô mắc bệnh ung thư. Nhìn cái đầu tóc cứng như rễ tre vẫn còn đen mượt giờ trụi lủi, ông anh vợ trời ơi quay mặt khóc thầm. Đã bao năm rồi, đôi lúc tám Dô nhận mình là du kích, đã từng chôn xác đồng đội dưới ruộng đồng, bìa rừng, bãi cát ven sông Thu Bồn, bên bồi bên lở. Tha phương vào tận Saigon, bám víu vào tấm bằng liệt sĩ của ông anh, tìm cách mưu sinh. Ngồi với bạn bè của ông anh trời ơi, thì tự nhận mình là lính trinh sát sư đoàn 3 trong những ngày tan hàng, miền Trung khói lửa. Sao vậy hở trời!
     Được hơn tám tháng, tám Dô về với ông bà…

TẮT NẮNG


      Bà Năm Chao trề môi:
-         Làm màu!.
     Hàng rào loe hoe mấy cây đào rừng, sù sì thân mốc thếch, nhưng xuân về hoa màu hồng phớt rụng đầy, vô tình ngăn ranh rõ rệt giữa hai nhà: Thầy Nhung và cô Sâm.
     Thầy Nhung, vợ mất sớm – không con, cô Sâm lại góa chồng khi em Dung lên mười và cu Thành ba tuổi. Họ cùng về ngụ cư xóm Hố, kẻ trước người sau nhưng đồng cảnh ngộ, chồng cô Sâm mất tích trong trận đánh cuối cùng tại Xuân Lộc, Đồng Nai.
     Thầy Nhung tốt nghiệp Đại học sư phạm Saigon cuối thập niên 70, gõ đầu trẻ được mấy năm, đi tù vì mang danh “sĩ quan biệt phái”. Vợ thầy  không hề là ca nương Liễu thị, nhưng khi thầy về vợ đã “ôm cầm sang thuyền khác”.
     Thầy đã “mất dạy vô lương”, chuyển sang làm rẫy với chiếc xe thồ dính đầy mủ mít, có khi ngồi lề đường hành nghề sửa vá xe đạp.
     Mỗi lần nhớ lại, thầy cười mà rơi nước mắt: Vừa đặt thùng đạn đại liên đồ nghề xuống bên đường, thầy nhận được giấy mời của ban Ấp:“ Mời ông: Sửa xe đạp, đúng 8g có mặt, lý do cho biết sau…”. Thầy phân vân, lòng dạ âu lo lành ít dữ nhiều, thân phận như thầy, biết làm gì hơn.
     Thầy ghé vào quầy rau củ của cô Sâm phân trần, cô gợi ý:
     -  Điếu thuốc miếng trầu là đầu câu chuyện, thầy mua hai điếu thuốc Samit.
     Loại thuốc của Thái Lan đắt nhất thời bấy giờ, mỗi điếu bằng nửa ký gạo, thầy vuốt lại cho thẳng thớm mấy đồng bạc định trưa về đi chợ, trả cô Sâm.       
     Vừa đi thầy đưa tay lên ngực trái như đang thành kính thề thốt điều gì, thật ra thầy chỉ sợ hai điếu thuốc cong veo.
     Ông trưởng ban Ấp cả thọt, hách dịch hất hàm:
     -  Tên họ, ở mô tới?.
     Thầy cẩn thận lấy từ túi áo hai điếu thuốc đặt lên bàn, nhìn ông hội tề điềm nhiên bật lửa, làn khói thơm tho phả ra từ cái miệng đầy răng vẩu ám khói. Thầy bỗng nhiên thèm thuốc, móc từ túi quần gói thuốc rê, hai làn khói hòa quyện vào nhau, thầy dường như ngửi được từ trong hơi thở của mình mùi băng phiến của loại thuốc thơm kia, dù thầy chưa hề được một lần chạm tới.
      Bà Năm Chao - nạ dòng tu xuất, rù rì với mấy bà lối xóm:
     -  Thầy bà gì, thầy giáo sao không đi dạy học? Tui thấy con mẻ (ám chỉ cô Sâm) với thằng chả “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” thôi! Để rồi mấy bà coi...
     -  Tui thấy cô Sâm dung mạo đoan trang, chồng chết lo buôn bán nuôi con, đâu thấy đi ngang về tắt gì đâu!
     -  Bà thấy hai nhà như một, ai biết ma ăn cổ lúc nào.
     Trưa trật rồi, nhà thấy Nhung im ỉm cửa. Cô Sâm gọi với sang:
-         Thầy có đau ốm gì không?
     Cô gọi thằng Thành đang quàng khăn đỏ, chuẩn bị đi học:
-         Con gọi cửa nhà Thầy Nhung, coi thầy dậy chưa?
     Đúng là thầy bịnh thiệt, tiếng ho sù sụ khô ran như ai chẹn ngang cần cổ. Cô Sâm gánh rau ra chợ, lòng dâng lên niềm thương xót thầy Nhung, định trưa về mua bó lá xông. Phải chi không ngại không ngùng, cô cạo gió là khỏe liền thôi.
     Nghĩ về cảnh mình, mẹ góa con côi. Dù không được trọn bề như người xưa: “Liệt nữ bất sự nhị phu” nhưng cô tự hứa với lòng mình thay chồng dạy dỗ, nuôi con đến ngày khôn lớn.
     Thầy Nhung đôi lúc cảm động vì sự quan tâm thân tình của cô Sâm, nhưng hình như thầy chán thế sự nhân tình, gạt phắt ý nghĩ mông lung đôi khi len lén vào tâm tư của thầy, trong những đêm dài khó ngủ. Bù lại thầy đem sở học của mình kèm hai cháu Dung, Thành học hành tấn tới.
     Nhìn nhà cô Sâm bị tốc mái sau cơn lốc, thầy định sang giúp một tay, nhưng không hiểu sao thầy lại lấy xe, đạp đi đâu đó…

     Sáng tinh mơ, hai người đàn ông chở nhau đến nhà thầy Nhung, họ là phụ huynh học sinh của thầy ngày trước. Vùng quê miền Trung khô cằn nghèo khó, thấm đẫm máu xương của bao người, đã chìm sâu trong lòng đất qua những trận chiến ác liệt tương tàn, đã sinh ra những người con cần cù, thông minh và chung tình vẹn nghĩa. Nhưng sau ngày hòa bình, họ đành rời bỏ quê hương, tìm chốn mưu sinh trong rừng cao su bạt ngàn miền Đông Nam bộ.
     Họ không tin được người thầy nho nhã, dáng vẻ thư sinh ngày nào, lại là người trung niên hom hem tội nghiệp kia. Thầy lịch sự mời họ vào nhà, căn nhà mái lá cọ, kèo cột cây rừng. Cơn gió hiếm hoi ngày cuối đông khiến vách lá buông rung lên khe khẻ.
     Hai người đàn ông luống cuống khi không tìm thấy chỗ để ngồi, họ tò mò đi ra sau nhà. Thầy Nhung đang nấu ấm nước để pha trà bằng vỏ hạt cao su khô, khói xông lên cay mắt. Vài chiếc ghế thấp được kết bằng mây tre bên chiếc bàn bằng đá tự nhiên.
     Họ thì thầm chuyện gì không rõ, cùng quay ra xe đạp lấy chiếc giỏ đệm, hai miếng thịt heo tươi hồng vừa mới mua ở chợ, định đem về “cải thiện” cho mấy đứa trẻ con ở nhà, đem vào  biếu thầy.
     Ba người đàn ông cùng ngồi trên chiếc giường bằng gỗ. Thầy Nhung rót trà ra ba chiếc tách sứ, thầy nói vui:
-         Rót trà phải “Tiên chủ hậu khách” để trà ra kịp   đậm đà, ngược lại với rượu, vì rượu là lễ, nên “Tiên khách hậu chủ”.
     Trịnh trọng nâng chén trà mời thầy, họ vặn vẹo hai bàn tay, rụt rè như cậu học trò nhỏ ấp úng, ngập ngừng không thể nói lên nỗi lòng mình với thầy, dù chỉ vài lời đơn sơ.
     Người này liếc nhìn người kia, chưa bao giờ họ dám nghĩ đến việc kính biếu thầy hai ký thịt heo. Họ quyết định giấu thầy và bỏ vào chiếc nồi bằng gang dưới bếp.
     Nghỉ ngơi giữa chừng trên đường về nhà, họ ngạc nhiên khi thấy hai ký thịt vẫn còn trong giỏ đệm.
……
     Bên kia, sáng nay nhà cô Sâm có vẻ chộn rộn, những người đàn ông trông lam lủ, chở theo sau xe mấy bó lá cọ. Họ cũng là phụ huynh của thầy Nhung, đến giúp sửa lại mái nhà cô, đồng thời che chắn lại vách lá buông cho thầy.
     Trời đã vào xuân, nắng hanh vàng như phản chiếu từ rừng cao su rụng lá, đào rừng hai bên đường đất đỏ đã chớm nụ hồng. Thầy Nhung dắt chiếc xe thồ ra đến giữa sân, nhìn lên trời xanh cao thăm thẳm rồi nhìn lại bộ quần áo treilli cũ kỹ của mình, loang lổ các loại mủ cây trái  thâm đen, như vết đời trao tặng cho thầy.

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...