Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

ÔNG BA BỚP

   Sáng nào ông cũng chống gậy ngang nhà tôi, đến quán cà phê bên cạnh. Châm điếu thuốc, ông khề khà kể về đời ông. Khi thì tham gia kháng chiến chống Pháp, lúc mười tuổi, còn chăn trâu. Lúc thì cùng đoàn quân Tây tiến, hành quân sang tận Viên Chăn...

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm”(QD)
Ai đó ngồi bên kia “đế” vào. Ông ngơ ngác, nghe không rõ, hỏi dồn:
    - Ở đâu? Ở đâu?
  Ông đã bước sang tuổi đại thọ. Làng quê Duy Xuyên thời vàng son tơ lụa, bãi dâu xanh mơn mởn… “Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ” mãi còn trong ký ức của ông.
   Ngày tập kết, mới đến Sầm Sơn - Thanh Hóa, ông bị gãy chân. Sau thời gian an dưỡng, được bố trí đúng nghề cố hữu của ông là chăn bò. Vậy mà ông được cô dân công xứ “Hoa Thanh quế” kết duyên giai ngẫu. Sinh cho ông một loạt: bốn trai, ba gái. Người nào ngày nay cũng danh phận ngút trời.
   Ngày lễ tết, xe ô tô thay nhau đến rước ông đi trẩy hội. Đời ông không tin thánh, thần. Ông chỉ trung thành với những gì đã tạo cho ông cuộc sống viên mãn ngày nay.
  Dù đủ đầy, nhưng vốn quen cần kiệm, ông đi quanh xóm nhặt nhạnh từng bao nylon, chai nước ngọt, lon bia hay bới quanh thùng rác để bán ve chai. Đặc biệt ông nuôi bầy chó bằng cơm thừa canh cặn của bà con chòm xóm. Khi chúng lớn, ông bán cho quán nhậu X. nổi tiếng thịt cầy bảy món. Tiền hưu ông cho những người cơ nhỡ vay trả góp, lãi suất trên trời.
   Vậy mà vợ ông đành đoạn bỏ ông, về sống với thằng con trai cả. Bà không chịu nổi cảnh “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” và mùi chó của ông.
    Dù bị nghễnh ngãng nhưng ông cố lắng tai nghe mọi thứ. Ông chống gậy đi quanh, nhà nào chuẩn bị xây dựng, cơi nới hay nói chuyện "phản động"... Ông báo cáo với tổ trưởng, khu phố ngay. Gia chủ không năn nỉ được, đành phải biết điều.
Người đồng hương tha phương cầu thực, tụ về xóm ngoại ô này khá đông. Ông Dưỡng, trước làm thầy giáo, dọn về đây gần chục năm nay. Ông Ba Bớp lúc nào gặp ông Dưỡng cũng cúi đầu, vì dáng ông Dưỡng quắc thước, râu ba chòm đạo mạo như tiên ông.
  Hỏi ra, ông Ba Bớp không hề biết chữ. Vốn văn hoá bình dân học vụ của ông, bị rơi rớt từ những ngày còn giữ bò. Thấy ai có chữ, ông tỏ vẻ kính trọng, nhưng ông lom lom dòm ngó, cảnh giác. Ông không tin những người có chữ, họ quá ư bí hiểm trong mắt ông.
  Ông Dưỡng gọi chủ quán tính tiền, nói khơi khơi:
    - Ở đây tai vách mạch rừng, lũ cú lũ diều nơi nào cũng có, đừng lắm lời, thần khẩu hại xác phàm…
 Rồi ngao ngán nhìn ông ba Bớp:
    - Người như ông còn thua con chó ngao Tây Tạng, nó còn biết bảo vệ cuộc sống của đồng loại, còn ông…
    Ông ba Bớp không nghe được gì nhưng nhìn thái độ của ông Dưỡng, biết mình không được thiện cảm của bà con. Vốn bản tính quen nhẫn nhịn và chịu lép vế, nên ông lẳng lặng đứng lên đến thùng rác lấy đầu gậy bươi bươi mong tìm những thứ có thể đem về bán ve chai.
  Ông tỉ tê tâm sự:
    - Mình "hy sinh đời bố củng cố đời con" anh ạ. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.  Không có thằng chăn bò như tôi làm sao có ông to bà lớn, ai nói gì cũng mặc kệ. Thời khó khăn nhờ sữa bò đẻ mà tôi khỏe nhưng phải lén lút như ăn cắp, bắt được là mắc tội tham ô "tài sản xã hội chủ nghĩa", đi tù mọt gông.
  Giọng ông chùng xuống, thở dài:
    - Đám con tôi đứa nào cũng làm ăn được nhưng hỏng hết anh ạ. Không biết của nả ở đâu mà thằng nào cũng giàu. Thời này làm ăn dễ thiệt, không như...
Ông bỏ lửng nhưng tôi hiểu ông muốn so sánh với cái thời ngày xưa nghèo khó của ông. Cống hiến hết mình để mong nước nhà tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, rồi cộng sản chủ nghĩa. Ông vẫn trung thành tuyệt đối với lý tưởng đời ông, ngày nào còn sống là còn hy vọng "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" sẽ thực sự đến với người dân của đất nước Việt Nam anh hùng, đi đầu chống Mỹ và đã thắng oanh liệt hai tên đầu sỏ thực dân và đế quốc to lớn mang danh sen đầm quốc tế.
   Ông không hề có bạn tâm giao, kinh nghiệm bao năm trời chơi với cái loại đồng lân đồng chí tráo trở của ông, chúng nó sẵn sàng đấu tố ông để lập công.
   Thằng bạn chí cốt của ông sau ngày hòa bình được cất nhắc từ quân đội chuyển ngành về làm giám đốc công ty lương thực tỉnh B. thủ tục hành chính không rành, cứ lấy của công cung phụng cho đám quan chức bề trên, đến khi thanh tra bị quy tội thâm lạm công quỹ, tức khí rút súng tự sát.
    Ông chớp chớp đôi mắt đã mờ, cười cười tự mãn:
    - Ba Bớp tui cứ lượm nhặt những thứ người ta bỏ ra, canh thừa cá cặn về nuôi bầy chó cũng sống một đời thong dong.
    Ông quay nhìn tôi, chân tình khuyên nhủ:
- Chú cứ sống như tui, không nghe, không biết, không thấy là an nhàn vô sự.
    Tôi hỏi:
    - Tại sao ông hay đem chuyện sinh hoạt, cải thiện đời sống của bà con như sửa nhà, làm lại toillet... đi báo cáo với tổ, với phường?
    - Ấy, ấy... làm gì cũng phải có phép tắc, tôn trọng sự nghiêm minh của chế độ chớ.
    Ngày mai đây, đất nước Việt Nam sẽ tươi sáng, xã hội sẽ dần phồn vinh và nhân dân no ấm, cuộc sống những người như ông ba Bớp sẽ được ổn định và sung túc nhờ đi lượm ve chai và nhặt thức ăn dư thừa của người giàu có về nuôi chó.

Nguyễn Châu

NGHÈO RỚT MỒNG TƠI

 Cách đây hơn năm mươi năm. Quê tôi nghèo, nhiều nhà nghèo "rớt mồng tơi” (1) như nhà chú tám Cừ, bà ba Cật, ông hai Đấu, thím Thông, chị Tiếp.... Nghèo mà lại con đông, con đông nên nghèo.
    Ông mười Tâm là học trò của ông nội tôi, nho học thời “vứt bút lông đi giắt bút chì”, ông đi lính khố Đỏ. Tây đã đem ông qua Pháp để chiến đấu với quân Đức trong đệ nhị thế chiến, ông bị thương, được Pháp trả tiền hưu, thoát nghèo. Làng cử ông đi đạc điền, đo đo tính tính, diện tích méo vuông, tôi phục ông sát đất. Ông mười Tâm nghêu ngao: “Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.     
    Nghèo quá không có đất cắm dùi, phải làm thuê, quê nghèo chẳng có ai thuê, đành đi mót, mùa nào mót nấy cũng chỉ lúa sót, khoai sắn qua ngày. Hết mùa gặt, chưa cày bừa cho vụ tới, những gốc rạ còi cọc đẻ lúa rài, lại đi mót lúa rài.
    Áo mưa nylon ra đời, hết thời nghèo rớt mồng tơi quay ra nghèo mạt rệp, nghèo trơ xương, rệp cũng mạt vì người không còn máu để hút. Chú tám Cừ, ông hai Đấu cùng mấy trai làng rủ nhau đi lên rừng tìm trầm, có khi qua tận Ai Lao, Cao Miên. Họ mang về những cơn sốt rét, da bủng beo trắng chạch, tong têu. Lại càng “nghèo sặc gạch”.
   Quân Nhật cho in giấy bạc mới tung ra thị trường, vơ vét hàng hóa, lương thực, làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, cuộc sống người dân điêu đứng, cùng quẫn. Tình trạng đó đã dẫn đến nạn đói Ất Dậu (1945) khiến gần hai triệu người ở miền Bắc bị chết đói. Quê tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề, dân làng tôi lại “nghèo tận mạng”.
   Cách Mạng mùa Thu 1945. Thầy giáo Phẩm, chú tám Cừ, ông hai Đấu tham gia Uỷ Ban Dân Tộc Giải Phóng làng. Nhưng chẳng bao lâu quân Anh, Pháp vào giải giáp quân Nhật. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, tái khởi động chiến tranh. Quê tôi trở thành vùng xôi đậu.
  Thầy giáo Phẩm thoát ly, rồi tập kết ra Bắc. Thầy có chữ nghĩa. Đêm nằm nhớ vợ, thương con thầy ngâm nga:
"Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ..."
(Trường tương tư – Lương Ý Nương)
"Chàng ở đầu sông Tương.
Thiếp ở cuối sông Tương.
Nhớ nhau mà không  gặp.
Cùng uống nước sông Tương"
(Hoàng Nguyên Chương dịch)
  Thầy bị phê bình:”trí thức tiểu tư sản”. Thầy lén về đưa tang thầy cũ là cụ Phan Khôi. Rồi thầy được đưa đi chăn bò ở nông trường heo hút. Đêm trở gió, thầy lang thang dọc theo bờ cỏ hoang vu, thầy nhớ về miền quê nghèo xa vắng…Nghe nói, khi nước nhà thống nhất, thầy trở về quê, cũng chỉ cái ba-lô con cóc, kèm theo bệnh sốt rét kinh niên.
  Sau hiệp định Genève, chú tám Cừ và ông hai Đấu bị tố “cộng sản nằm vùng”, không làm chi được. Nhưng những đứa con lại học hành quá giỏi!
Thằng Hiệp – con chú tám Cừ - được cấp học bổng đi du học Nhật Bản, về nước làm tới chức giám đốc Hải Học Viện Nha Trang thời trước 1975. Ông hai Đấu có tám đứa con , nhưng khi hưởng ứng phong trào “Ba sẳn sàng”, một nửa bỏ học theo giải phóng quân, đến ngày thống nhất chỉ có thằng Diên – bạn tôi trở về. Nhưng ông hai Đấu là “cha” Việt Kiều vì có ba đứa con ở Mỹ.

Nguyễn Châu

1. "Nghèo rớt mồng tơi" chỉ cái nghèo đến cùng cực, nghèo đến nỗi không thể nghèo hơn được nữa, "mồng tơi" là phần trên của cái áo mưa bằng lá cọ mà người miền Trung hay mặc, gọi là "áo tơi".  Thường thì phần dưới có thể bị rách, nhưng phần trên rất khó hư. Vì vậy, "nghèo rớt mồng tơi" có nghĩa là nghèo đến độ cái mồng tơi cũng sờn, cũ đến nỗi rớt ra.

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...