Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

MẸ CHẾT

-         Ông có bao giờ gặp cảnh này chưa?
     Hắn là thằng lãng tử, thằng phá của. Cha hắn đã từng đay nghiến. Chưa hề trả nợ ơn nghĩa sinh thành, sách đèn dang dở, bị động viên vào lính, rồi đi biền biệt.
     Có khi:” Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất…”(Tây Tiến – Quang Dũng)
     Thằng Trung tử trận trên đèo Hải Vân, chỉ vì một viên đạn bắn sẻ “tắc cù”. Trung đã vào trường bộ binh Thủ Đức, sau khi thi hỏng tú tài.
     Cả trung đội chỉ mình Trung chết, viên đạn lẻ loi tìm người, xuyên qua vầng trán rộng rám nắng, mồ hôi đang đẩm ướt mái tóc xanh non.
     Nghe tin dữ, với 24 giờ phép hắn băng rừng, bám theo chiếc xe GMC về hậu cứ. Đến nhà, em Trung chỉ còn là di ảnh. Khói hương quyện theo làn gió phả mùi trầm u uất, nước mắt hắn ứa ra hoà lẫn mồ hôi. Hắn khóc như mưa.
     Ngày ấy, mẹ hắn đã ngất đi, tưởng chết.
……..
     Hơn nửa năm, từ ngày thôi tiếng súng. Mẹ hắn trông ngóng thằng con trai lưu linh lạc địa. Từ quê nhà nghe tin hắn bị tù, nhốt trong rừng U Minh, Năm Căn xa tít. Nghe nói hắn bị sốt rét ác tính, chết cong queo trong rừng đước xanh um, không có đất chôn.
     Ngày ấy, mẹ hắn đã ngất đi, lại tưởng chết.
……..
     Hắn đang ngồi chằm lại chiếc nôi tre “gia bảo”. Chiếc nôi từ ngày mẹ sinh thằng Trung - em út. Hắn ngẩn ngơ, không thể nào tin khi nghe mẹ mất. Mới chiều hôm qua, trước khi đưa vợ ra Đà Nẵng chờ sinh đứa con thứ, mẹ còn dấm dúi mấy chục bạc vào tay hắn. Thế mà…
     Hắn cắm cổ đạp chúi mũi chúi lái. Chiếc xe đạp không phanh, không ba-ga trơ khất. Cơn mưa đầu mùa đường bùn đất trơn tuột, đưa cả xe và hắn xuống ruộng.
     Cha hắn như mất hồn, ngồi nhìn khung cảnh trống trước trống sau. Những cây tre già nâng mái tole cũ rích, tựa vào tường gạch đổ nát nham nhở của căn nhà ngói bề thế ngày nào còn sót lại, sau những trận bom tan nát cả làng quê. 
     Những khuôn mặt đôn hậu của bà con, chòm xóm không dấu được vẻ thảng thốt, khiến lòng hắn càng tê điếng, bùi ngùi.
     Rồi hắn khóc, khóc nức khóc nở. Ruột hắn quặn đau, hắn ôm ghì lấy mẹ. Từ khi lên trung học, hắn chưa hề ôm mẹ hay được mẹ ôm. Hắn như ngây dại ngữi mùi bồ kết trên mái tóc mẹ, hắn chợt nhận ra đôi cánh tay gầy, da mẹ nhăn nheo, đôi chân mẹ còn bám đất nhão nhoẹt ngoài vườn.
     Mẹ nằm đó như ngủ. Mẹ trúng gió, mẹ chết.

“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đoá hồng
Mẹ nhớ cài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông”

(BS Đỗ Hồng Ngọc – Đỗ Nghê)

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

ẾCH THÁNG BA

     Chị Ếch nhảy ra khỏi hang, chớp chớp đôi mắt nhìn vầng dương chói lọi. Không lẽ “ếch nằm đáy giếng” chỉ thấy khung trời xanh trong, tròn vo xa tít trên kia, chỉ bằng miệng bát là thật?
     Cánh đồng bao la, mùa lúa tháng ba đang thì con gái mượt mà, nước mát róc rách như suối reo từ bờ ruộng cao xen qua đám cỏ ven bờ, bọt nước trắng xoá gọi mời đàn lia thia long lanh sắc màu, cá rô bí bé tí tung tăng…
     Nhớ hồi đầu mùa mưa, vào nửa đêm trăng sáng, chị Ếch đã cho ra đời từng cái trứng kết dính liền nhau, như cầu mong ngày sau chúng chớ chia lìa. Anh Ếch lo lắng nhìn bụng no tròn, đang quặn thắt và ôm chị vào lòng, từng dòng tinh khiết phun trào vào bọc trứng tươi non, tạo lớp màng nhày ôm ấp, không lũ cướp nào có thể xâm phạm đến đàn con thân yêu.
     Chiếc bọc bám vào gốc lúa, những sinh linh bé bỏng được chở che bởi chiếc áo trong suốt, long lanh dưới ánh mặt trời.
     Thằng rắn nước trườn quanh co dưới đám ruộng nước đã hâm hấp nóng, chiếc lưỡi tàn độc theo ánh mắt điêu ngoa loè ra thèm thuồng vì đói. Bỗng hắn dừng lại, ngẩng cao đầu lủi nhanh vào bờ ruộng rậm cỏ xanh um. Chị diều hâu đã nhìn thấy hắn.
     Anh lia thia cong mình, xoè đuôi đỏ tía pha vàng lượn lờ bên cô nàng mặc áo sọc xanh non đọt chuối, vây màu ngũ sắc. Hai chiếc râu dài lượn lờ điệu nghệ, như hai thanh kiếm bạc của các chàng hiệp sĩ thời ngự lâm quân.
     Lũ người bao đời nay tham lam và tàn nhẫn, mưu tìm của ngon vật lạ: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”. Sự kết luận có thật hay không, đã giết chết gia đình chị ếch.
     Lưới càn khôn mênh mông mà bao dung, đất trời lồng lộng  nhưng tha thiết, lưới của con người vô ảnh, vô minh.
     Ngày xưa mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nhưng không có màng thương yêu bảo bọc đàn con như anh chị ếch, nên đã chia lìa, dù ai kia từng thề non hẹn biển.
     Anh chị ếch bị đập đầu, lột da. Dù hai tay đã van xin,  gọi với Trời xanh.

     Đã qua rồi mùa xuân, ruộng đồng chỉ còn gốc rạ. Những nhánh lúa rài khẳng khiu, ngơ ngác dưới ánh nắng tháng Tư gay gắt. Đàn nòng nọc tan tác, trôi giạt về những vũng nước đục ngầu còn sót lại, đang khô dần teo tóp phơi bụng trắng hếu dù đuôi chưa rụng, mong được làm ếch như cha mẹ chúng.

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

DIỆP BẤT LY CHI – HOA VÔ LẠC ĐỊA

      Đã chiều 30, chợ sắp tàn. Chị Dung gom dần lại hàng hoá của mình, chuẩn bị đóng cửa tiệm. Bỗng người khách lạ bước vào nhìn quanh, người đàn ông trạc năm mươi, áo quần tơi tả ra dáng phong trần nhưng khuôn mặt thanh tú và nhất là đôi mắt cương nghị, ẩn chứa một tâm hồn đáng tin cậy.
     Chị chợt nhớ đến anh Trang – chồng chị đang ngồi co ro đâu đó với những chậu hoa cúc Vạn Thọ, không biết có bán được hết hay như năm ngoái, gần giao thừa ì ạch kéo xe bò về cùng với loài cây thuỷ chung son sắc, luôn nhớ cội nguồn: “Diệp bất ly chi – Hoa vô lạc địa”. Dù khô héo nhưng lá không lìa cành, hoa không chạm đất.
-         Chị có nhang hương trầm không tăm?
-         Dạ, chỉ có nhang trầm nụ.
     Nhang trầm hương không tăm toả ra mùi thơm của hương trầm, không lẫn với bất cứ mùi nào.
     Người đàn ông phân vân, nắng chiều cũng đồng loã với năm sắp tàn, làn gió bất chợt mơn man mái tóc bềnh bồng. Ánh mắt anh đăm chiêu, hình như nhớ về thời xa vắng.
……
     Trong một lần cùng phu “ngậm ngãi tìm trầm” miền ngược. Vùng rừng già Ngọc Linh âm u, nắng cũng đành chịu không thể xen qua kẻ lá, chiếc ba lô vướng víu bỡi những dây leo hoang, gai mọc đầy cành. Con đường mòn dần thu hẹp lại, thời chiến tranh có lẽ đã in dấu bao bước chân người. Đàn khỉ gọi nhau chí choé, chuyền cành như trêu ngươi. Ánh lân tinh ma trơi, loé lên những chiếc đầu lâu trắng đục. Đám phu hoảng hốt thối lui, anh quỳ xuống bên nghĩa địa lộ thiên, lòng bồi hồi khó tả.
     Chiếc vòng bạc xạm màu, đôi mắt kính pilot, chiếc túi màu cam loang lổ vết đạn, áo phao, gương báo hiệu, súng bắn pháo hiệu…
     Anh thừ người, hình ảnh đồng đội cùng những chuyến bay đêm, chiếc áo bay màu cam sáng bừng lên dưới ánh đèn phi đạo. Anh dùng dao đi rừng moi tìm chung quanh, không tìm thấy chiếc thẻ bài.
     Ánh nắng hình ống sáng hiếm hoi, xuyên qua tàn lá bên kia suối. Những đốt xương ống dài khẳng khiu nhô lên bên những viên đá cụi bám đầy rêu. Cũng những chiếc đầu lâu  hai hốc mắt tối om nhìn về nơi đâu không rõ trong mịt mù rừng già. Đôi dép cao-su không chịu mục nát  theo thời gian, như cừ gợi mong muốn tìm về cố hương xa vời.
…….
     Chị Dung nhìn quanh, còn gì buồn hơn trong cảnh chợ chiều, nhất là chiều 30 Tết. Chị nhìn theo người đàn ông dắt theo chiếc xe đạp cũ mềm, hình như đang tìm hương trầm không tăm. Không tăm hơi biết đâu mà tìm?

     Anh Trang trông theo đoàn người nam thanh, nữ tú. Họ chỉ thích những loài hoa đắt tiền, hoa hướng dương xoè sắc vàng bắt mắt hay hoa trạng nguyên cầu danh cầu lộc. Những chiếc xe hơi bóng loáng dừng lại bên kia đường, những chậu mai vươn lên đủ thế rực rỡ vàng ươm. Chỉ những người lam lũ như vợ chồng anh, mới để mắt đến những loài hoa rẽ tiền: Hoa Cúc Vạn Thọ, loài hoa “Diệp bất ly chi – Hoa vô lạc địa”.

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

NƠ LỤA MÀU HOÀNG YẾN

-         A! Tui nhớ ông rồi.
    Có phải là Nàng? Hai mươi năm trước tôi yêu Nàng, trống trường vang lên đột ngột giờ ra chơi, không rộn rã trong buồng tim bằng khi tôi đối diện với Nàng.
     Nàng không đẹp, nhưng thần thái của Nàng lôi cuốn tôi kỳ lạ, đến say mê.
     Mùa đông năm ấy, nước sông theo thuỷ triều duyềnh lên mặt lộ, Nàng sợ. Tôi dìu Nàng băng qua con đường nham nhở đầy ổ gà, cày xới bởi những đoàn xe nhà binh ra mặt trận. Trời rét buốt hơn mọi năm, nhưng lòng tôi thật ấm. Nàng trượt chân, tôi bế Nàng trên tay băng qua vũng nước đầy lá tre khô rụng, như những chiếc thuyền nan. Sự hoảng hốt khiến da mặt Nàng tái đi, nhưng tôi hân hoan  nghe nhịp đập rộn rã của trái tim Nàng.
     Có lẽ e thẹn, nàng quay ngoắc không một lời tạm biệt. Nhà Nàng bên kia, qua cánh đồng vàng ươm màu lúa chín, hàng tre xanh ngắt che khuất những ngôi nhà mái ngói đã rêu phong, tôi chưa một lần dám đặt chân đến nhà Nàng.
     Ông nội nàng đồng môn với ông tôi, từng là môn sinh của  cụ Cử Mạnh. Tết Nguyên Tiêu là Tết Thượng Nguyên hay Tết Trạng nguyên các cụ đối ẩm, tôi theo hầu. Ngày xưa, đây là dịp vua mời các quan Trạng vào vườn Thượng Uyển để ban yến, thưởng trăng, ngắm hoa và làm thơ, “Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt”.
     Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ của Phật giáo: “Lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng giêng”. Vì ngày rằm tháng Giêng cũng là ngày vía của Phật tổ A-Di-Đà.
     Nàng theo ông nội sang nhà tôi, mái tóc chẻ đôi buộc đuôi gà bởi hai chiếc nơ lụa màu hoàng yến. Nàng vô tư nhìn tôi không nói năng gì, nhưng tôi đã để ý đến Nàng từ dạo ấy, dù tôi chỉ mới mười hai cùng tuổi với Nàng. Thầy Nguyên Sa nhớ “Tuổi mười ba”:
“Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn.”
     Nhưng với tôi, nàng vẫn mãi là cô bé “mái tóc chẻ đôi buộc đuôi gà, thắt nơ màu hoàng yến”. Những đề tài trong tranh của tôi là “Nàng”, tôi dùng bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm mẫu, nhưng tô màu hoàng yến lên tà áo lụa và khuôn mặt của… Nàng.
     Tôi sống như kẻ mộng du dù cả ban ngày, nghề hội hoạ giúp tôi thăng hoa trong vai trò tạo hoá, hằng trăm bức tranh về “Nàng” lăn lóc khắp nơi, dưới gầm giường, trong tủ, trên tường, cả trong valy trên bước đường lãng du…

     Hai mươi năm sau, một lần tình cờ gặp lại. Nàng đi bên chồng và hai con trai kháu khỉnh, niềm hạnh phúc viên mãn bộc lộ từ ánh mắt, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt thanh tú và dáng điệu đài các của mệnh phụ. Tôi ngờ ngợ không phải là Nàng, từ giọng nói đến nhân dáng hoàn toàn khác lạ. Tôi  đâm ra nghi ngờ có sự mạo nhận kỳ khôi người tôi đã tôn thờ. Tôi hét lên: “- Gian trá!”. Tôi khẳng định: Không phải là Nàng, không ai có thể thay thế Nàng từ thẳm sâu ký ức của tôi. Nàng mãi mãi vẫn là “mái tóc chẻ đôi buộc đuôi gà, bởi hai chiếc nơ lụa màu hoàng yến”.

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

ĐÔI MẮT

     Cha mẹ sinh ra tôi, nhưng các bậc sinh thành có khi không hiểu hết tâm tính con gái mình. Tôi ra đời ở thị trấn nhỏ, nửa quê nửa tỉnh. Mẹ nói quê tôi thật thanh bình từ ngày tôi ra đời đến tuổi lên năm, khói lửa chiến tranh lớn dần lên theo sự trưởng thành của tôi, ngày càng khốc liệt.
     Thị trấn V.Đ. thân yêu của tôi nằm trên QL.1, có bốn ngã đường: Vào Nam ra Bắc xuống biển lên rừng. Theo hướng Đông xuôi về Hội An, cửa Đại. Hướng Tây ngậm ngãi tìm trầm, rừng quế bạt ngàn, trường sơn lộng gió.
     Cha nói con gái đằng mình hiền ngoan mà đáo để, tính khí cương cường như đàn ông xứ Quảng. Nên thường khuyên nhủ tôi: “Cơm sôi bớt lửa”.
     Năm mười hai tuổi, tôi đã biết điệu đà, má hồng lên e thẹn với đám con trai cùng lứa. Nhưng trong mắt tôi, chúng nó như  những đứa em, kể cả lớn hơn tôi vài tuổi, tôi cũng gọi bằng thằng.
     Một ngày đoàn xe nhà binh chạy rầm rập qua thị trấn, mang theo những khuôn mặt đen sạm bụi đường. Nhìn thoáng qua, ai cũng giống như ai. Một đôi mắt trên xe jeep xen giữa lại khác, lạ lắm, cứ mãi ám ảnh tôi sau buổi tan trường. Đêm về tôi nghệch ngoạc vẽ trên giấy cả đoàn xe nhà binh với con mắt ấy. Tôi tô đậm tròng đen với con ngươi sáng quắt. Cây bút chì theo tôi vào giấc ngủ.
     Trong đêm, một quả đạn pháo, có lẽ bay vòng qua nhà tôi rơi vào chi khu. Mẹ đem ổ gà đang ấp xuống hầm, tiếng túc túc túc nghe đồng âm với tiếng súng tắc-cù đâu đó.
     Anh hơn tôi mười tuổi, quen với thầy dạy toán của tôi. Tôi rắn mắt nhìn anh không chớp, đôi mắt ấy đã vào tôi trong chiêm bao.
     Hai bông mai đen trên ve áo trận không làm tôi ngạc nhiên, tôi hình dung tôi là người em gái nhỏ bé trong bài thơ  “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, nhưng tôi không có “hai người anh đi bộ đội”. Tôi là con gái lớn nhất của ba mẹ tôi.
      Anh nhìn tôi không nói gì, tôi cũng không nói gì. Rồi anh bắt tay thầy tôi quay ngoắc, tôi nghe như con tim rưng rưng…
     Mẹ nói, nhìn bên ngoài tôi như vô tâm nhưng nghịch ngầm và đa cảm. Hình như tôi làm bộ vô tình như lớp áo, nhưng ẩn chứa tâm hồn muốn nổi loạn trong tôi?
     Chưa xong đệ Tứ (lớp 9), tôi đã thất tình. Anh đi biền biệt, tôi cũng chẳng biết tên anh.
     Không có mùa xuân nào đẹp trong tôi. Thị trấn quê tôi như co quắp lại, mẹ cấm tôi đi chơi xa. Sân trường thỉnh thoảng tập trung nhiều người lính dáng vẻ suy tư đạn dược đầy mình, miệt mài lau chùi những khẩu súng pha màu thép lạnh lùng.
     Tôi đăm đăm dõi mắt tìm anh. Ai biết anh ở đơn vị nào, lính gì mà tìm? Tôi chỉ nhớ anh vì đôi mắt ấy…
     Thầy gọi tôi lên bảng, chứng minh hai tam giác đồng dạng. Sự đồng dạng trong tôi chỉ còn là những hình ảnh người lính, họ giống nhau từ màu áo treilli, đôi giày cao cổ lấm bùn đen và nón sắt, cả cây súng nữa. Họ ngoài kia, những đôi mắt u uẩn nhìn trời mây như vô hồn, có khi:

“Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui”
….
(Mật khu Lê Hồng Phong – Nguyễn Bắc Sơn)

      Thị trấn V.Đ. của tôi ngập tràn sắc lính và mùi thuốc súng, những chiếc xe bọc thép gầm gừ xích sắt vẽ thành hình  tròn méo mó trên con đường nhựa nham nhở trước cổng trường. Chiếc áo dài trắng không còn trắng nữa, tôi dừng lại giữa cầu nhìn dòng nước đục ngầu. Sông Vĩnh Điện  tách dòng Thu Bồn chảy băng qua Tứ Câu, nhập với  sông Hàn, nhưng lòng tôi chơi vơi không xuôi không ngược. Đôi mắt những người lính nhìn tôi, con bé gầy gò mái tóc mới chấm ngang vai, nhưng đã mang trong lòng nỗi ưu tư thời thế. Thị trấn tôi không gái điếm, không có chốn ăn chơi, chỉ có những xác người thỉnh thoảng bị trói ké, úp mặt trôi theo dòng sông ra biển.
     Một ngày ba tôi bị băm nát khuôn mặt, mẹ chỉ nhận dạng bằng nốt ruồi đen thầm kín. Đến khi chết, ba cũng không dành đôi mắt cho tôi. Tôi tưởng tượng trong hai lỗ  sâu trống hốc, đôi mắt dịu hiền của ba tôi đang nhìn đâu đó, có khi nhìn lên trái hoả châu trên kia đang lung linh và toả ra vệt khói trắng đục mù sương, tiễn đưa những linh hồn trần thế về cõi vô cùng.

     Mùa xuân lại về, thị trấn quê tôi đã vươn mình thành thị xã. Nét phồn hoa đô thị đã xoá mất dấu chân tôi, tôi lạc lõng giữa bao người son trẻ. Tôi đứng nhìn dòng sông lửng lờ trôi, nhưng không còn xanh mát thuở nào. Những con đò ngang xuôi ngược, đưa tôi về bãi dâu xanh ngút ngàn Gò Nổi đã chìm sâu vào lòng tôi thăm thẳm. Tơ lụa Duy Xuyên óng ánh nắng chiều phai,  mênh mông tình người đã bay theo gió bụi.
      Nhưng đôi mắt ấy đã theo tôi gần suốt cuộc đời. Tôi vẫn không biết tên họ của Người.

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH

     Vĩnh Long – Vùng đất không núi đồi, địa hình lòng chảo, đất đai màu mỡ, những con sông và kênh rạch ngang dọc tạo giao thông thuận lợi, hun đúc linh khí đất trời.  
     Năm 1698 Lễ Thành Hầu vào kinh lược, toàn bộ đất mới phương Nam mang tên Gia Định phủ, đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu đặt Vĩnh Long là thủ phủ của Châu Định Viễn (1714) bao gồm Bến Tre, Trà Vinh thuộc Dinh Long Hồ. Đến năm Đinh Sửu (1757) chuyễn đến xứ Tầm Bào, xây dựng Thành Long Hồ, nay là Thành phố Vĩnh Long. Dinh Long Hồ dân cư đông đúc, giao thương phát đạt trở thành trung tâm quan trọng thời bấy giờ ở phương Nam.
     Vĩnh Long từng là chiến trường ác liệt suốt mười năm giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân chúa Nguyễn (1776-1787). Tại sông Mang Thít (Vĩnh Long) Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút do Nguyễn Ánh cầu viện.
     Sau đó Vĩnh Long được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh. Từ năm 1806 (Gia Long) được gọi là tỉnh Vĩnh Long cho đến ngày nay.

***
     Tôi cầm trên tay “Tuyễn tập thơ văn TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH”, quyển sách thứ hai của trang nhà: tongphuochiep-vinhlong.com, do các cựu học sinh trường Trung học Tống Phước Hiệp sáng tác, gởi trọn nỗi niềm về trường xưa, thầy cũ thông qua Hội đồng biên soạn: Phong Tâm – Lê Thân Hồng Khanh – Phạm Thị Trí và nhà báo Lương Minh thực hiện.
“Tình cờ rất đỗi tình cờ
Dáng em thiếu phụ ai ngờ tương tư”
(Rất đỗi tình cờ - Phạm Tương Như)

     Ngôi trường Tống Phước Hiệp đã nỗi danh từ xa xưa, khi còn mang tên Elémentaire Superieur , bên hông tiểu chủng viện Xuân Bích, đối diện Thánh Thất Cao Đài Vĩnh Long trên đường Nguyễn Thái Học. Đến năm 1949, trường được mang tên Collège de Vinhlong (Trường Cao Tiểu Vĩnh Long), rồi Trung học Nguyễn Thông (1954). Đến năm 1961 trường Trung Học Nguyễn Thông chính thức mang tên vị công thần nhà Nguyễn: Tống Phước Hiệp.

     Biết bao người ly hương, nhớ về ngày cũ, nơi xưa:
Em về chợ nổi Phong Điền
Mong vơi đi những ưu phiền tháng năm
……
Lục bình theo nước lênh đênh
Cuối chiều tắc ráng mông mênh giữa dòng”
(Em về chợ nổi Phong Điền – Loan Anh)

     Ngoài kia trời đã sang mùa, những ngày cuối năm Đinh Dậu nghe lòng bâng khuâng, nhớ nhung gì đâu không tên, không họ. Ký ức tuổi thơ chợt ùa về, Cầu Ngang, Trà cú,  Vũng Liêm, Long Hồ, Tiểu Cần, Mang Thít, Cầu Kè, Trà Ôn, cà phê Đan Thanh, rạp hát Vũ Đông … Chỉ chừng ấy thôi, khiến bao tấm lòng xao xuyến.
     Những thế hệ học trò trường Tống Phước Hiệp có người đã qua thời “lục thập nhi nhỉ thuận”, nhưng tâm hồn như vẫn tuổi đôi mươi. Tình thầy trò, tình đồng môn vương vấn, thuỷ chung  mãi khôn nguôi:

TÌNH GIÀ

Rồi một ngày chúng ta sẽ già đi
Tóc không còn đen da không còn mịn nữa
Dẫu thời gian hằn lên từng bậc cửa
Nhưng chắc chắn một điều em vẫn ở bên anh
Chỉ mong anh đừng để lại một mình
Em lặng lẽ bên cuộc đời cô độc
Dù chỉ là niềm vui trong thoáng chốc
Vẫn mong rằng ta yên giấc bên nhau
Mất một người… người còn lại rất đau
Ai có thể yêu anh hơn em nữa?
Trái tim yêu chưa bao giờ tắt lửa
Nó chỉ chờ để cháy bùng lên
Tuổi già mà lúc nhớ nhớ quên quên
Có những thứ chẳng bao giờ nhớ hết
Nhưng sẽ có một điều… Cho dù là cái chết
Chẳng thể làm em quên được bóng hình anh
(Tình già – Hồng Yến)

     “Tuyễn tập thơ văn TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH” đã giúp tôi hiểu sâu hơn về nghề đất nung: Gốm đen, “thì ra gốm cũng có linh hồn như người, cũng do Tứ Đại hợp lại mà thành, chỉ những ai thật lòng với nó thì mới mong chạm được trái tim của nó mà thôi…”(Xứ gốm đen – Hoạ sĩ Lâm Chiêu Đồng).
     Đọc đến gần trang cuối cùng, tôi giật mình vì lý giải của thiền sinh Thích Đạo Tâm:”Nếu bạn muốn uống được chung trà của thiền sư Triệu Châu hãy lắng tâm thức xuống, bạn mới thưởng thức được hương vị của trà. Nghĩa là trong tất cả mọi lúc mọi nơi, bất cứ ở đâu, tâm bạn rỗng rang không phân biệt mà nhà thiền gọi là vô tâm, thì bạn đã uống được trà Triệu Châu rồi đó.
…..

Ở Việt Nam đời Lý, Thiền sư Viễn Chiếu (999-1090), khi trả lời một vị thiện tri thức đến tham vấn đạo lý, ngài nói rằng:”Tiễn anh đi ngàn dặm, cười trao một ấm trà” Ấm trà mà ngài Viên Chiếu trao cho người lữ khách hôm qua cũng như bây giờ là ấm trà vô niệm, vô ưu, cho nên dù có đi đến bất cứ phương trời nào cũng không hề bị lầm lạc. (Ấm trà thiền – Phổ Tâm)

     Khép lai trang sách lòng còn bịn rịn. Mùa xuân đã về, gợi từ cơn gió thoang thoảng mùi hoàng lan trước ngõ. Tôi chỉ là độc giả yêu văn nghệ, kính chúc “TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH”- tongphuochiep-vinhlong.com:”Tiễn anh đi ngàn dặm, cười trao một ấm trà”

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

LY TÁN

     Tiếng chuông chùa Viễn Giác sáng nay nghe thanh âm thật lạ, tiếng ngân như nghẹn nửa chừng. Mặt trời chưa nhô lên khỏi rừng bạch đàn, chỉ ửng sáng những chòm mây vàng nhạt lững lờ bay trong biến đổi diệu kỳ, le lói tia nắng rực rỡ xuyên qua tàn lá của bình minh.
     Thầy Hương chờ hồi chuông đổ dồn như mọi lần, nhưng lặng lẽ thinh không, cây lá trong vườn không lay động, đàn cò trắng như tan vào trong mây, vỗ cánh hướng vể nơi xa tít…
     Tất cả như ngưng đọng trong thời khắc lạ lùng.
     Tiếng còi xe cứu thương bỗng khuấy động không gian tỉnh lặng, Thầy Hương chợt nhớ về những người bạn rất cũ, dĩ vãng vàng son của một thời trai trẻ, những kỷ niệm gắn chặt vào nhau khó thể xa lìa. Vậy mà càng già càng khó tính hay giận trách, thậm chí ganh tị trong lối sống lẫn phong cách của nhau. Hay từng sở thích, chiêm nghiệm cuộc đời và quan niệm sống của mỗi người nay đã đổi thay?
     Nhưng tình văn nghệ  lại khác, tình thiêng liêng không biên giới, không tuổi tác, “kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình” nhưng đã thành tri kỷ.
     Tư duy vị kỷ không biết tự lúc nào, đã bào mòn lòng nhân ái, dững dưng như cỏ cây chỉ cẩn chút nước chút phân, để bảo tồn sự sống. Ý nghĩ đầu tiên trong sinh hoạt đời thường: “Ta nhận được gì?” đã ngự trị, ăn sâu vào tâm thức, khi từng hành động vang lên như chuông ngân của chùa Viễn Giác, mang danh nghĩa phúc lợi cho người.
     Thầy Hương nhìn đám lục bình trôi dật dờ trên dòng kênh trước ngõ, váng nước ánh lên băng hoại của môi trường sống. Những chiếc lá không còn xanh, màu vàng loang lổ nâu đen dội ngược về hướng mặt trời van xin niềm vui sống. Không lẽ chuyện ngày xưa “quýt Giang Nam, Giang Bắc” là đây?
     Lòng người đã đổi thay chăng? Có còn giữ lại khí tiết hay buông xuôi theo dòng nước như đám lục bình kia? Sự e dè nghi kỵ hoá thành phản trắc, vô ơn. Nhân tâm đã ly tán trong lòng những người bạn cũ? Hay chính Thầy đã không còn là mình?
     Những chiếc bong bóng từ đáy kênh trồi dần lên mặt nước, vỡ ra mang theo mùi hôi thối. Đàn cá di cư dần ra cửa sông, dòng nước lợ đã khiến những chiếc vây, vi mềm mại thành dao nhọn hầu chống chọi với phong ba. Bỗng một chiều chúng không còn nhận ra mình đã từng tung tăng trong giòng sông trong vắt ngày nào.
     Thầy Hương cảm thấy thương xót những người bạn rất cũ, Thầy cảm thấu nỗi lòng của đám lục bình lềnh bềnh trên dòng kênh đục ngầu dơ bẩn kia và những con cá đã thích nghi với môi trường không ra mặn, ngọt.
     Sự đố kỵ, ý thức hệ và cực đoan phải chăng đã tách rời những người bạn rất cũ của Thầy? Tính dân tộc và tình yêu tổ quốc chỉ còn là khái niệm xa hoa, mơ hồ. Những khái niệm “nhục quốc thể”, “công xúc tu sĩ”(Indecent Exposure) đã không còn tồn tại trong ý thức của những người cầm cân nẩy mực.
     Nguồn gốc Nho giáo đã phai mờ trong chính gia đình Thầy hay Thầy không thể chống chọi được ảnh hưởng của sự suy đồi trong môi trường đang sống?
     Sách Đại học viết:” Muốn trị quốc tốt phải chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình. Người trong gia đình, gia tộc mình mà không giáo dục được thì sao có thể giáo dục được người khác… Một nhà thực hiện nhân ái có thể dấy lên cả nước một phong trào nhân ái. Một nhà thực hiện khiêm nhường có thể dấy lên cả nước một phong tục khiêm nhường. Còn nếu một người tham lam tàn bạo, tất dấy lên cả nước phạm thượng, làm loạn…
     Vậy mà những suy tư của Thầy như giọt nước mát trong vắt  nhưng đã tan loãng theo dòng nước đen ngòm.
     Thầy Hương mong những dòng sông quê hương không còn nhiễm mặn, con kênh hôi thối kia đã xanh lên màu nước yên bình. Khi triều lên, đàn cá tung tăng bơi về tận nguồn suối ngọt.

     Ngoài kia, tíêng pháo đì đùng của nhà ai đang sum vầy trong đêm giao thừa rộn rã. Có phải Thầy đang mơ?

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...