Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

MÂY TRẮNG


     Tôi gặp nàng trong phòng khách Rose Massage – Xông hơi, khuôn mặt nàng dễ nhìn với thân hình hơi gầy, làn da trắng hồng nhờ ánh đèn ne-on. Nàng nhìn thoáng qua những người khách như chờ đợi một bàn tay vẫy, An phẩy tay:
-         Mầy có quyền chọn lựa, thiếu gì…!
     Tôi gật, đi theo nàng. Căn phòng nhỏ kín đáo, nàng kéo tấm ri-đô che khuất phần kính trong gắn trên khung cửa, chiếc giường trải nệm – drag trắng, khoét lỗ tròn vừa úp khuôn mặt để thở. Nàng khoan thai cởi từng chiếc nút áo của tôi vời nụ cười gượng gạo:
-         Xông hơi đi anh, em đi lấy thêm bó lá… !
     Tiếng sè sè của hơi nước từ từ lan tỏa mịt mù, trong ánh sáng mờ mịt như sương hình bóng nàng chập chờn trong bộ áo khoác đồng phục trắng tinh thấp thoáng ngoài kia như huyễn hoặc, mơ hồ.
     Mồ hôi bắt đầu rịn ra từ lỗ chân lông chảy dài trên lưng, trên ngực. Những giọt tiết ra từ vầng trán xếp đầy nếp nhăn xuôi theo sống mũi, gò má len vào khóe môi tôi mặn chát. Tôi sẽ ngồi đây, mồ hôi sẽ tống ra khỏi thân thể tôi những dòng bỉ cực, như tẩy uế tâm hồn bệnh hoạn của tôi lúc nào cũng nghĩ đến đàn bà…
     Bồn tắm pha nước ấm thơm tho, tôi ngâm mình kỳ cọ cựa quậy để có cảm giác thân thể của mình sẽ hết sạch bụi trần ai. Nàng hỏi:
-         Anh gội đầu loại gì: Tresemme Keratin Smooth, L'
Oreal, Clear, Dove, Pantene, Sunsilk….?
     Hình như nàng phát âm tên các nhãn dầu gội đầu nước ngoài rành rọt quá quen thuộc với nàng, có khi nó trở thành câu nói cửa miệng, không chỉ để dành cho riêng tôi. Chưa bao giờ có ai gội đầu cho tôi, ngoại trừ mẹ.
     Từ phương Nam, tôi đến thành phố xa xôi này tìm gặp An, mục đích để có một công việc gì khả dĩ kiếm cơm ngày hai bữa và biết đâu gặp cơ hội tốt đẹp hơn không chừng. Tôi đâu mong gì được lọt vào chốn phù hoa…
     Tôi ngượng ngập buông lời vô duyên hết chỗ nói:
-         Loại dầu gì em… thích!
     Nàng phì cười, lộ hai hàm răng trắng ngà dễ thương vô cùng. Mười ngón tay nàng ân cần miên man trên tóc tôi, hơi ấm không rõ từ lòng nàng hay từ làn nước ấm khiến tôi dễ chịu. Nhìn thân mình trần truồng trước mặt nàng tôi cảm thấy bất lịch sự, co vội hai chân che khuất của nợ đời.
     Nàng bảo tôi nằm sấp úp mặt vào lỗ, xuôi hai tay. Tôi cảm thấy yên lòng nhờ chiếc khăn lông trắng tinh che khuất cặp mông sần sùi đen nhẻm của tôi. Đôi tay nàng có vẻ mạnh bạo so với thân hình mảnh khảnh của nàng, hai ngón tay cái như có thần lực “miết” vào cơ thịt còm cõi khiến tôi co rúm người. Mùi nước hoa hay mùi tóc nàng phả lên dìu dịu, tôi có cảm giác nàng nhẹ tênh như bông khi ngồi trên lưng tôi, sự va chạm xác thịt từ nàng lạnh mát lại dâng lên trong tôi nỗi ham muốn lạ kỳ.
     Con thú trong người tôi bừng lên mạnh mẽ, tôi ngữa người ôm nàng, bầu ngực mơn mởn áp sát trên da thịt tôi ngây ngất, nhưng nàng nhẹ nhàng trườn thoát khỏi đôi tay hung bạo và khiếm nhã của tôi. Tôi cảm thấy mình vừa thất lễ và thô bỉ với nàng.
     Tôi không cam lòng nhìn nàng ra sức masage cho tôi. Những giọt mồ hôi khiến tóc mai của nàng bết vào đôi má trắng xanh xao. Đôi mắt nàng u uẩn dù được ngụy trang bằng những nụ cười. Nàng vuốt tóc, ngồi bên tôi:
-         Anh làm nghề gì? Trông anh hơi khắc khổ…
     Tôi im lặng nhìn nàng. Mồ hôi tẩy xóa lớp phấn hồng lộ ra đôi mắt hằn dấu chân chim, nàng không còn trẻ nữa…
     Tiếng chuông báo hết giờ, nàng ấn tôi nằm xuống. Chiếc điện thoại Nokia rung lên khe khẻ, âm thanh vang lên chói tai trong căn phòng im ắng. An vừa mới mua tặng tôi, tôi xin nàng số điện thoại. Nàng lấy trên bàn nhỏ kê sát đầu giường chiếc điện thoại giống tôi, nàng hỏi:
-         Điện thoại anh số mấy?
     Tôi ngớ người, mới sáng nay An chỉ hướng dẫn tôi “bấm nút” để nghe và trả lời. Nàng giật lấy và bấm số nàng, tiếng chuông thánh thót vang lên bài ca vọng cổ:“…Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong… chờ!”. Nàng lưu giúp tôi, tên nàng: Bạch Vân.
     An đã ra về bỏ tôi ở lại, tiếc gì một suất “phụ trội” để nghe nàng kể chuyện đời:
     Quê hương nàng từng là thủ phủ Diên Khánh xưa kia, vùng đồng bằng được bồi lấp bởi sông Cái Nha Trang (sông Phú Lộc, sông Cù), nhưng số phận nàng bị đẩy đưa như mảnh ván thuyền chài sau cơn bão tố…
     Trước khi vào đây, An đã dặn dò:“Đừng nghe ca-ve kể chuyện, chớ nghe thằng nghiện trình bày” nhưng “Ở đâu cũng có anh hùng, nơi đâu cũng có thằng khùng thằng điên”.
     Những người khách không dành ưu ái cho nàng, nhiều lần nàng tủi thân khi được chọn là người cuối cùng, dù sao cũng còn may. Thời gian nghiệt ngã và sự đào thải là quy luật bất biến, phấn son không thể che lấp vết hằn năm tháng ở tuổi hơn ba mươi như nàng. Nơi này, những đóa hồng mơn mởn tươi mát, trang phục khiêu gợi tăng thêm vẻ kiều diễm, rực rỡ dưới ánh đèn ma quái và hơi nồng men rượu của những vị khách phè phởn, lắm của nhiều tiền.
     Đôi lúc nàng phản đối và phẩn nộ vì những hành vi nham nhở của những người đàn ông mang tâm hồn dã thú, bóp véo thô bạo đến tím bầm đùi, ngực của những thân thể non tơ. Nơi đây, nàng như người chị cả của đàn em gái thơ ngây bị đẩy đưa từ miền sông nước xa xôi lang bạt đến vùng đất được mệnh danh “Kỳ quan của thiên niên kỷ mới”.
     Sau giờ làm việc, nàng ngồi đếm những đồng tiền “bo” và tic-kê rồi lăn ra ngủ như chết với thân thể rã rời. Sự vận động thường ngày của hai bàn tay khiến cơ vai và ngực nàng săn chắc lồ lộ. Sau khi tiệm massage đóng cửa, các em thay nhau tự nguyện tẩm quất cho nàng, nghịch ngợm “bú tí” khiến nàng co rúm người và các em vô tư cười thoải mái quên mình đang xa cách ngút ngàn mái ấm gia đình có mẹ có cha có bầy em thơ dại. Nước mắt nàng chảy dài nhớ về đứa con gái bé bỏng ở quê nhà, có bãi thùy dương cát trắng cùng bà ngoại không còn được khỏe.
     Điện thoại của tôi đổ chuông, An gọi:
-         Chết dí rồi phải không, khuya rồi về đi!
     Ánh đèn đường len vào con hẻm nhỏ pha trộn ánh đèn màu nhấp nháy của bảng hiệu “Rose Massage – Xông Hơi” khiến tôi nhức mắt, lòng miên man nhớ về gia đình bé nhỏ của tôi trong kia, tôi cũng đang tha phương cầu thực đâu khác gì em.
     Đường phố vắng tênh, mùa đông miền Bắc lạnh thấu xương, chiếc áo bông An để lại cùng chiếc “mũ ni che tai” không  đủ ấm khiến tôi run lên sau mỗi cơn gió lùa, lá bàng rụng đầy lăn tròn trên vĩa hè xào xạc khiến lòng tôi cũng đở cô đơn.
     Ngã tư “Loong-Toòng” nơi giao cắt giữa QL18 và đường Trần Hưng Đạo – Cao Xanh cũng là nơi giáp ranh của bốn phường trung tâm thành phố Hạ Long: Cao Thắng, Cao Xanh, Trần Hưng Đạo và Yết Kiêu.
     “…Loong – Toòng xuất xứ từ tiếng Pháp: Plantont nghĩa là nhân viên “sai vặt”, người Hoa kiều thì đọc là loong - toòng. Chuyện kể rằng thời Pháp còn khai thác than, ở khu vực phường Cao Xanh, Cao Thắng có một văn phòng mỏ, ông già làm chân loong toong không gia đình sống tại khu đồi và chết tại đây. Những người Hoa kiều đồn rằng ông già rất linh thiêng nên đã lập đền thờ và gọi là đền Loong Toòng… Sau này, khu đồi đã bị san gạt để mở rộng đường vào Hà Lầm mà ngày nay gọi là đường Cao Thắng, cái tên Loong Toòng tồn tại đến bây giờ.”(Nguyễn Gia Phong-Báo Quảng Ninh).
     Bóng đêm loang ra, trải dài chiếc bóng tôi vào cõi tối tăm mơ hồ, không còn chiếc xe ôm nào chờ khách. Tôi định gọi An, nhưng chân rẽ vào nhà nghỉ bên kia đường Trần Hưng Đạo, người bảo vệ nghe giọng “trọ trẹ” của tôi mở cửa đưa tôi vào phòng và bật đèn sưởi – loại đèn có resistant tỏa nhiệt của Trung quốc, hơi ấm lan tỏa khiến tôi dễ chịu.
     Tay run run đốt điếu thuốc, chợt nghĩ đến và tôi điện thoại cho nàng, tiếng chuông vang lên bài ca vọng cổ: “…Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong… chờ!”. Tôi hồi hộp như thuở còn đi học, lần đầu hò hẹn…
     Giọng Bạch Vân trong vắt:
-         Anh hả! Về đến nhà chưa?
     Không hề ngất ngây vì men rượu, nhưng tôi bỗng dưng dạn dĩ thì thầm:
-         Nghe bài “Đêm đông” thấm thía làm sao, anh cách
em chỉ một con đường… Em đến với anh không?
     Nàng im lặng, thời gian trôi đi từng khắc chậm chạp, tôi nghe rõ nhịp đập hồi hộp của con tim. Tôi cho số phòng và tên nhà nghỉ KL. Buông lời vào áng mây bay, nhưng không hiểu sao tôi tin nàng sẽ đến.
     Chiếc áo khoác nhung đen dài tay làm nổi bật làn môi và đôi má tím tái của nàng, đôi mắt nàng nhìn tôi ngạc nhiên nhưng không e ngại, có lẽ dáng dấp “quê mùa” và “cà quỷnh” của tôi khiến nàng yên lòng hay đồng cảnh tương lân?
     Sau khi nhận tiền “trà nước”, người bảo vệ mỉm cười.
     Tôi ôm nàng vào lòng chuyền chút hơi ấm từ tôi, nàng khẽ khàng treo chiếc áo khoác. Nhìn từ sau lưng, thân hình nàng thật đẹp, màu da trắng hồng đã trở lại trên khuôn mặt nàng, đôi mắt nhìn tôi như dò hỏi:
-         Em không biết gì về anh, nhưng nghe giọng miền
Nam em đã có cảm tình, anh có coi thường em không?
-         Em biết không, lòng nhân ái hay lòng ái quốc cũng
lớn dần lên theo từng bước chân người. Có khi gặp nhau ở Nha Trang, chắc gì anh và em có sự niềm nở và tin cậy như ở nơi đây?
-         Anh ra đây làm gì? Em chỉ thấy từ Bắc vào Nam tìm
kế sinh nhai, ra đây chỉ có bọn em…
-         Hạ Long dễ sống em ạ! Em lên nghĩa trang Đèo Sen
mà xem, những ai nằm ở đó? Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang… Những người phu mỏ than năm xưa nằm lại nơi này, bây giờ con cháu họ là người Hạ Long, Quảng Ninh. Nơi giao lưu và hội tụ văn hóa nhiều vùng miền sẽ không còn sự kèn cựa và cục bộ.
-         Nhưng nơi đây đâu phải quê nhà?
-         “Trên trái đất này đâu cũng là nhà, ai mong chờ ta
đó là quê hương. Ai thương ai nhớ đó là quê hương…” (Người xứ Quảng xa quê – Trần Tiến).
     Tôi ngượng ngập để nguyên áo quần nằm xuống, vòng cánh tay ôm thân hình mảnh dẻ nhưng đôi mông đầy đặn của nàng. Nàng rướn người đưa tay nghịch ngợm hàm râu tôi lởm chởm đã mấy ngày chưa cạo, bỗng nàng ngồi bật dậy:
-         Quần áo anh hôi qua, anh cởi hết ra đi để em giặt, mai
khô.
     Nàng tự nhiên như người vợ hiền thục. Tôi cởi áo nàng, đôi vú trắng mịn vồng lên sau coóc-xê… ánh đèn ngủ soi hai chiếc bóng khỏa thân trên vách lờ mờ. Tôi bế nàng lên giường, nàng cong người lọt thỏm trong lòng tôi. Tôi tham lam xoa nhẹ khắp làn da tươi mát của nàng, bỗng tay tôi chạm phải vết sẹo sần sùi trên hai bắp đùi, tôi và nàng cùng ngồi bật dậy. Dưới ánh đèn ne-on sáng trưng, Bạch Vân ngậm ngùi:
-         Cũng vì “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/
Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”. Cha em theo các “điệu” tìm trầm mất tích, mẹ em hóa điên. Mười sáu tuổi em theo chú vào sâu trong rừng núi âm u tìm Trầm hương, Kỳ nam mong được đổi đời và biết đâu em tìm gặp được cha, dù sống hay chết. Thằng cha con em ở cùng làng, biết nhau từ ngày còn nhỏ cũng phu đi trầm. Trong một lần say rượu hắn đột nhập vào lều định hiếp dâm, em chống cự bị hắn chém ngang đùi. Ngất đi, nhưng hắn cũng đã để lại trong em đứa con gái bây giờ, sau đó hắn trốn biệt…  
     Em thù ghét và ghê sợ đàn ông. Em đã sống trong đêm trường trầm cảm, đôi khi tiếng khóc bé thơ đánh thức tình mẫu tử le lói trong em nhưng hình ảnh man rợ đầy thú tính của hắn cứ ám ảnh, khiến em nhạt nhẽo ngay cả chính con mình. Em không còn cảm xúc khi gần gũi đàn ông, trong em đã thay đổi giới tính từ lúc nào không hay. Không hiểu sao em lại nằm đây…!
     Ánh sáng của buổi bình minh từ bên kia Lán Bè, Cẩm Phả hồng lên rực rỡ. Dãy núi đất Ba Đèo từ hướng Bắc của Hòn Gai nhìn ra vịnh Hạ Long mờ mịt trong sương. Trên hai đỉnh đồi cao nhất của dãy núi đất này quân Pháp đã xây hai lô cốt để kiểm soát hướng tây có bến phà Bãi Cháy, Cửa Lục và kiềm chế hướng đông từ Cẩm Phả về trung tâm Hòn Gai. Chính các lô cốt này đã từng nã súng xuống các phố Hòn Gai và đầu phố Lán Bè. Người Pháp cũng cho xây Nhà thờ xứ họ Hòn Gai, cùng với Lán Đạo (phố Nhà Thờ ngày nay) là cụm dân cư theo công giáo toàn tòng của Nam Định tản cư ra Hòn Gai.
     Tiếng thạch sùng chắt lưỡi buồn tênh, hình như tiếc nuối thời gian đi quá nhanh, Bạch Vân đã ngủ thiếp đi từ lúc nào, vầng trán gợn nếp, khuôn mặt em lộ vẻ đăm chiêu trong giấc nồng, không bóng dáng của an nhiên.
     Tôi viết vội lời giã từ nàng. Đường phố vắng tênh, Hòn Gai chỉ thức giấc và nhộn nhịp sau khi mặt trời đã hắt ánh sáng ban mai làm tan những giọt sương long lanh trên cành lá của đỉnh núi Bài Thơ.
     “Núi Bài Thơ xưa kia có tên là núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên đỉnh núi khi phát hiện có giặc đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng.
     Năm 1468 - Quang Thuận thứ 9, vua Lê Thánh Tông  đi tuần du ở vùng Đông Bắc, dừng thuyền dưới chân núi Truyền Đăng để uống rượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá tạm dịch ý như sau:
Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào
Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời
Có tráng trí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ Hàm hào cửu tam (đã định)
Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió
Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên
Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt
Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững
Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn.
     Bài thơ được khắc trên vách đá. 261 năm sau, vào năm 1729 chúa An Đô Vương Trịnh Cương cũng đem quân đi tuần qua đây. Ông cho đóng quân dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú. Bản dịch của Hà Minh:
Biển rộng mênh mang, nước dâng đầy
Núi chìm xuống nước, nước tràn mây
Bàn tay tạo hóa sao khéo dựng
Cảnh đẹp thần tiên một chốn này.
Mùi tanh giặc thác còn đâu đó
Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây
Ba quân tướng sĩ đều vui vẻ
Bữa tiệc biển khơi chén rượu đầy.”
(https://vi.wikipedia.org/wiki/)
………..
     Ánh đèn Laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation) từ khu đô thị và vui chơi giải trí Tuần Châu quét tia sáng vòng cung trên nền trời xanh thẳm, khu du lịch Bãi Cháy cũng là nơi lưu trú và dịch vụ tàu thuyền tham quan vịnh Hạ Long sáng rực một góc trời, những con đường dốc quanh co ven đồi bạt ngàn phi lao vi vu trong gió dọc theo bờ biển trông ra vịnh Hạ Long, tưởng chừng như cả Đà Lạt và Nha Trang được thu nhỏ ở nơi này. Bãi Cháy còn có tên cổ gọi là Vạ Cháy.
     Chuyện kể rằng: Bãi Cháy là nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược nước ta đã bị Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần thiêu cháy và bị dạt vào bờ. Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió mùa Đông Bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Chính vì vậy mà khu rừng bị cháy đó có tên Bãi Cháy.
     Những ngày cuối đông gió hắt từng cơn rét buốt thịt da, khu du lịch Bãi Cháy đã vắng thưa người không còn cảnh nhộn nhịp dập dìu tài tử giai nhân như những ngày xuân hè vui nhộn. Chuyến phà đêm lặng lẽ băng qua sông Cửa Lục thông ra vịnh Hạ Long đưa tôi về bến Hòn Gai.
     Năm 1883, Pháp chiếm vịnh Hạ Long, có thể các đảo ở đây có nhiều cây gai nên người Pháp gọi là lle des brouilles, phiên âm là Hon Gai hay Hon Gay, sau đổi thành Hòn Gai. Hòn Gai ngày xưa thuộc tỉnh Quảng Yên. Sau hiệp định Genève, thị xã Hồng Gai – nay là thành phố Hạ Long là thủ phủ của khu Hồng Quảng.
     Tôi sực nhớ đến Bạch Vân, không biết cuối năm em có về không? Lời bài ca vọng cổ vang lên quen thuộc, tôi cảm thấy ấm lòng:
-         Gần Tết rồi, em định khi nào về?
-         Không anh ạ, em đã nghỉ việc ở “Rose Massage –
Xông hơi” rồi,  có dịp em mời anh đến thăm “cơ ngơi” của bọn em.
     Tiếng gió rít kèm theo con sóng lớn vỗ vào mạn phà tung bọt trắng xóa, giọng em xa vắng loãng trong cơn gió lạnh lùng se thắt lòng tôi.
     Tôi đi bộ dọc theo con đường mịt mù bụi than, hàng cây bàng trơ trụi đứng im lìm trơ cành khô khốc trên lề đường từ bến phà về trung tâm thị xã, đến quán café Eden phố Cây Bàng, Bạch Vân đã hẹn chờ tôi. Những căn nhà thấp thoáng ánh đèn ở lưng chừng đồi núi Ba Đèo hắt vào bóng đêm như những vì sao le lói trong khung trời trong xanh hiếm hoi của tiết Đông chí.
     Bạch Vân đã tươi tắn hơn ngày tôi gặp lần đầu, chiếc khăn len màu tím nhạt vòng quanh cổ buông lơi, nàng nhỏ nhoi lọt thỏm trong chiếc ghế bành. Tôi bất ngờ khi nghe nàng thổ lộ:
-         “Bọn” em đã vận động và thành lập “ngôi nhà chung”
giúp đở cho phụ nữ cơ nhỡ và các cháu không cha. “Hiệp hội” hành nghề như bọn em đã hình thành và tồn tại thông qua những người quen biết có lòng từ tâm. Bọn em đã đọc, nghiên cứu và phổ biến cách thức tránh sự lừa mị và giữ mình. Các tổ chức “bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền” phi chính phủ nước ngoài lên tiếng hỗ trợ…
     Em kêu gọi cộng đồng và truyền thông gióng tiếng chuông báo động, không để những bé gái thơ ngây vì hoàn cảnh khó khăn và thiếu ý thức dấn thân vào “cạm bẩy người”… Anh không biết đâu, bọn em đã sống nhờ vào nhan sắc cùng thân xác của mình trong sự không chế bởi bọn “chăn dắt” với sự bóc lột và ma túy.
     Xã hội thừa nhận một nhu cầu có thật hiển nhiên, một nghề đã được tồn tại từ ngàn xưa đã bị bọn đạo đức “giả cầy” liệt vào hạng “không ra gì” đáng bị phỉ nhổ và lên án!
     Tôi cảm thấy hổ thẹn với lòng mình, Bạch Vân thở dài:
-         Em chưa đủ lớn để cảm nhận hết nỗi bi ai nhưng em
rất yêu cuộc đời này anh ạ! Chúng ta hàn huyên chỉ nhắc chuyện “ngày xưa”, tại sao những gì ngày xưa cũng tốt đẹp hở anh? Truyền thống đạo đức Á Đông đã lụi tàn dần theo ánh chớp phù hoa, sự im lặng với cái xấu là đồng lõa và thỏa hiệp...
Từng cơn sóng vỗ vào bờ kè ở Bến Đoan gợi vào trong tôi nỗi buồn không tên họ. Trên chuyến xe tốc hành Hạ Long – Long Biên, Hà Nội tôi mang theo cả nỗi niềm em. Cuối đông, những chiếc lá bàng vàng úa mang theo bụi than xỉn màu rơi tan tác trong cơn mưa bụi. Núi đồi Yên Tử mờ mịt trong mây, lời bài kệ của Mãn Giác Thiền Sư vang vọng đâu đây:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Mùa xuân lại về, Bạch Vân hãy an nhiên và em sẽ bình yên.


Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

THẰNG TRỨ PHÁ ĐỀN


     Những giai thoại về cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cứ ám ảnh anh mãi khôn nguôi. Có khi nào người đời sau muốn thần thánh hóa cụ hay “sáng tác” để trải lòng mình vì  thời thế nhiểu nhương gọi là “ôn cố tri tân” hầu mong  ngăn ngừa và giáo dục?
     Nguyễn Văn Đạt sau khi bỏ qua 9 kỳ đại khoa (6 khoa thời Lê sơ và 2 khoa đầu nhà Mạc). Năm 1534 thời Mạc Thái Tông ông mới đi thi, đổi tên thành Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Bỉnh Khiêm” nghĩa là giữ trọn tính khiêm nhường, ông đỗ trạng nguyên nhà Mạc. Sau khi xảy ra mâu thuẩn giữa Trịnh Kiểm (con rể của Nguyễn Kim) và Nguyễn Hoàng, ông đã khuyên Nguyễn Hoàng:“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” và lịch sử đã chứng kiến “Nam-Bắc phân tranh” giữa Trịnh-Nguyễn kéo dài gần 50 năm (1627-1775) cuối cùng bị nhà Tây Sơn tiêu diệt.
     Năm Minh Mạng thứ 14, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được điều đi khẩn hoang ở Hải Dương, Nguyễn Công Trứ ra lệnh phá đền thờ Trạng Trình để đào sông. Dưới lư hương thờ cụ Trạng có tấm bia đá phủ vải điều khắc dòng chữ: “Minh Mạng thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền thì phải làm đền/ Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay”. Hoảng kinh, Nguyễn Công Trứ không dám “quy hoạch” và cho sửa lại nơi thờ phụng khang trang.
     Bạng tên đầy đủ là Phan Thành Bạng, hồi nhỏ lêu lổng biếng học ham chơi, trong một lần ra tắm sông gặp hai Mân giỏi nghề câu tôm. Tướng hai Mân dị dạng nhưng được khoa ăn nói, chứng nghiệm bằng hành động thực tế với những con tôm càng xanh như hạt ngọc long lanh dưới ánh mặt trời, đưa hai càng búng tanh tách khi rời khỏi mặt nước, Bạng khoái tỉ xin học bí kíp, bái hai Mân làm sư phụ. Từ đó Bạng tâm phục khẩu phục, tự nguyện làm cảnh giới và bảo vệ an toàn cho hai Mân. Bạng ngạc nhiên khi thấy ông thầy mình thiên biến vạn hóa, xuất quỷ nhập thần hành tung vô định như Dương Tiễn với 72 phép thần thông biến hóa trong truyện Phong Thần.
     Thời thế đổi chủ thay ngôi, hai Mân ra làm quan to với  Tây Sơn, sư phụ cất nhắc đệ tử trung thành Phan Thành Bạng, đổi tên là Phạm Trung Hiếu và được hai Mân nhận làm nghĩa tử để phù hợp với họ Phạm của hai Mân – Phạm Trung Mân.
     Sự dốt nát và dựa dẫm quyền thế khiến Phạm Trung Hiếu huênh hoang tự đắc, gây ra nhiều điều tệ hại, dã man với bá tánh. Hắn ngang tàn hoang dâm vô đạo hơn Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Tuyên Phi của chúa Trịnh Sâm. Đặng Thị Huệ đã liên kết với Huy quận công Hoàng Đình Bảo triệtTrịnh Khải giành ngôi cho con mình là Trịnh Cán (1777-1782}, gây nên nạn kiêu binh làm sụp đổ chính quyền Lê-Trịnh.
     Phạm Trung Hiếu cùng lũ tay chân ngưu đầu mã diện bày ra kế sách bóc lột tàn tệ dân đen, đền đài miếu mạo càng tan hoang hơn khi đoàn quân của Phạm Trung Hiếu “bình định” các thành trì được chiếm giữ từ quân Nguyễn Ánh.
     Lòng dân ta thán khôn nguôi, sự mất mát điêu tàn vì giao tranh không bằng sự cướp bóc trắng trợn và ngang ngược của Phạm Trung Hiếu và đám tham quan ô lại, hay tính bất nghì đã vận vào tên Phạm Trung Hiếu đã được cha nuôi quyền thế đặt cho?
……….
     “Từ năm 1795 nội bộ Tây Sơn xảy ra mâu thuẫn,Tư khấu Võ Văn Dũng giết thái sư Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở trong khi Quang Toản bất lực không làm gì được.
      Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?". Sau đó ông cho người trao Trần Quang Diệu một bức thư, xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Ông sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, rồi châm ngòi tự vẫn. Tiếp theo, Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn. Đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801”.(*)
     Trước cái chết anh dũng của Võ Tánh, người dân Bình Định đã lưu truyền câu hát dưới đây:
Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm!
Vợ Võ Tánh là công chúa Ngọc Du, khóc ông bằng bài thơ:
Những tưởng ra tay giúp nước nhà
Ai dè bình địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa
     Sau khi thành Bình Định thất thủ, Phạm Trung Hiếu cho triệu tập những người trước đây hợp tác với chúa Nguyễn, ra sức o ép dọa nạt, vu khống rồi tịch thu gia sản, kẻ bị giết hại thủ tiêu, kẻ bị đày lên mạn ngược. Mặc dù Trần Quang Diệu tỏ ra xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã không cho giết hại hàng binh.
    Phạm Trung Hiếu nâng cằm Cẩm Tú - con quan Đốc học – Chánh ngũ phẩm Trương Nho Bảo:
-         Nàng là cành vàng lá ngọc, ta không nỡ dập liễu vùi
hoa, nên thuận lời theo ta về làm tì thiếp, ta tha…
     Cẩm Tú quắc mắt, chỉ tay vào mặt hắn:
-         Lũ chúng bay đê tiện còn hơn thảo khấu. Cụ nội ta là
Trương Văn Hiến đã từng khuyên chúa các ngươi:“Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Đại nghiệp chưa thành, lòng người  chưa định, can qua máu ngập đầu rơi, dân tình ly tán vậy mà các ngươi không động lòng còn tha hồ vơ vét đến tận xương tủy. Cơ nghiệp nhà Tây Sơn chỉ một sớm một chiều, ta thà chết nơi này. Nói xong nàng cắn lưỡi tự sát.
     Phạm Trung Hiếu giận dữ sai quân mang thây Cẩm Tú ném xuống giếng, từ lòng giếng một luồng khói trắng như mây bay vút lên trời, quan quân Tây Sơn hoảng kinh trố mắt nhìn đất chung quanh giếng lún dần, những tản đá ong vun lên thành gò…
     Phạm Trung Hiếu cấu kết với Trương Nghị - tùy tướng của Ngô Quang Diệu đem quân truy sát và bắt quan binh nhà Nguyễn đang sa cơ thất thế làm lao dịch. Quan Đốc học Trương Nho Bảo uất hận vì sự tàn độc của bè lũ man rợ Phạm – Trương và cái chết oan khốc của con gái mình, không kể hiểm nguy quỳ trước lầu bát giác nay thành đống tro tàn khấn nguyền trước anh linh hai vị anh hùng Võ, Ngô đã tuẩn tiết:
-         Trời sẽ không dung, đất sẽ không tha. Chúng bay
nhân danh những người cùng khổ và lợi dụng cảnh nồi da xáo thịt Trịnh - Nguyễn đã tạm an bài, khuấy động can qua gây ra bao cảnh đời lầm than cơ cực. Dung nạp thảo khấu, trọng dụng kẻ cầm gươm bày trò lừa mị…
     Chưa nói dứt lời, Trương Nghị đã xỉa gươm vào cổ:
-         Ta cũng là môn sinh của ngươi, nhưng nay thế cờ đã
khác, tình sư đệ không bằng đường công danh ta đang rộng mở, ta chém đầu ngươi cho ngọt gọi là trả nợ ân sư.
     Hắn vừa dứt lời, đầu Trương Nho Bảo đã lăn lông lốc. Mái tóc chớm bạc của quan Đốc học xõa tung ra cuộn tròn quanh vầng trán mênh mông, che khuất đôi mắt mở to căm uất. Hai hàm răng còn kịp há ra để ngậm chặt vào bụi cỏ gú như ghìm lại bởi nhát gươm quá hung bạo của Trương Nghị.
     Không những Trương Nghị là môn đồ của quan Đốc học mà còn là con cháu của dòng họ Trương, hắn gọi Trương Nho Bảo là chú họ. Khi hay tin Trương Nghị chém chết quan Đốc học, thân mẫu của hắn ngữa mặt kêu rú như người điên, quỳ lạy như tế sao trước bàn thờ tiên tổ, nhận lỗi cho thằng con vô nghì rồi chạy ra bờ sông nhảy xuống trầm mình.
     Sau khi lục soát, Trương Nghị cho quân phong tỏa dinh thự quan Đốc học. Lạ một điều, ngoài những cuốn sách Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Sơ học vấn tân, Minh đạo gia huấn,Minh tâm bảo giám, các sách nghiên cứu kinh, truyện (Tứ thư, Ngũ kinh) và đặc biệt các sách khảo cứu về  sử ký, địa lý của Lê Quý Đôn như Toàn Việt Thi Lục, Đại Việt thông sử , Quốc triều tục biên, Bắc sứ thông lục, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục…và của các học giả khác, gia sản quan Đốc học không có gì đáng giá, hắn tức giận sai quân đốt sạch. Các miếu mạo, đền thờ, lăng tẩm bị phá tan hoang.
     Cả bọn Phạm Trung Hiếu và Trương Nghị hung hăng tàn bạo, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Lũ quan quân dưới quyền chúng tha hồ vơ vét, dân tình đói khổ một cổ hai tròng cam chịu cảnh màn trời chiếu đất, tang thương.
     Người dân vùng Thuận - Quảng trông ngóng mong chờ quân của chúa Nguyễn từ Gia Định tiến ra tiêu diệt Tây Sơn: “Lạy trời cho cả gió nồm, Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra”...
     Triều Tây Sơn kể từ vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đến hết Cảnh Thịnh tồn tại được 24 nǎm (1778-1802). Những lời sấm của cụ Trạng Trình đã linh ứng trước hơn năm mươi năm, những người dân đã một thời dâng hết gia sản kể cả thân mình cho Tây Sơn cảm thấy mình vừa thoát khỏi cơn mê, lòng uất hận như sóng triều dâng. Bọn Phạm Trung Hiếu và Trương Nghị như rắn mất đầu run như cầy sấy, quỳ gối hèn hạ van xin. Sau khi tài sản bị tịch thu sung công và bị xử lăng trì, chúng không còn cơ hội để ăn năn và ngẫm lại lời người xưa để “ôn cố tri tân”, tất cả là phù du và quá muộn màng.
     “Vua Gia Long đã thống nhất sơn hà, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm. Trận đánh cuối cùng của vua Gia Long và tàn quân Tây Sơn là tại đảo Giang Bình thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 7/1802. Quân chúa Nguyễn đã chém đầu Đại Tư Mã Trịnh Thất-Thủ lĩnh hải tặc Trung Hoa trong hàng ngũ Tây Sơn và kết thúc hoàn toàn cuộc nội chiến đã kéo dài gần 30 năm”.(*)

 “Quang Trung ơi! vó ngựa người ngang dọc
Thất đởm kinh hồn quân xâm lược Càn Long
Ơn mưa móc nơi người là điêu tàn khốn khổ
Áo vải và anh hùng sao bàn chuyện an dân”


 (*)Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/

SỐNG CÁI NHÀ, GIÀ CÁI MỒ


     Dù sau ngày quê hương thôi đạn nổ bom rơi, nhưng ông bà cùng đàn con lít nhít đành tìm nơi khác ngụ cư. Chiều nay ông Lân lên xe đò về nơi mấy mươi năm trước: Miền Đông Nam bộ - miền “đất dung nạp”, ông chìu theo ý của bà:“Sống cái nhà, già cái mồ”.
            Rừng cao su ngủ yên dưới làn mưa bụi, bùn đất đỏ bazan như níu chân người. Ngôi trường xưa, nay đã đổi khác và người cũng lạ lẫm nhau hơn. Những khuôn mặt non tơ, hồn nhiên nô đùa dưới hàng phượng xanh um màu lá khiến lòng ông Lân nhớ về những ngày xưa cũ…
     Cuối thập niên 79, đầu những năm 80. Người tứ xứ tụ về từ miền trung xa xôi: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng… Họ đã rời xa làng quê yêu dấu. Dù nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng không thể dung thân. Tha phương cầu thực, rồi gặp nhau  nơi vùng đất hứa: Ngã ba Dầu Giây (Xã Bàu Hàm 2, Thống Nhất, Đồng Nai)
     Mùa mưa miền đông Nam bộ, chỉ thấy đất ba-dan nâu đỏ nhão nhoẹt, vườn chôm chôm, sầu riêng xơ xác.
     Bên bìa rừng cao su, thấp thoáng những mái nhà tre, lá. Ngã ba Dầu Giây – Giao lộ QL1A-QL20, từ đây ngược hướng bắc về miền trung, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… Hà Nội. Ngược lại, Hưng Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà, Saigon, Bình Dương, miền Tây Nam Bộ... Ai về Đà Lạt, Lâm Đồng, Tây nguyên theo QL.20.
     Rừng cao su trơ cành, xếp hàng thẳng tắp, mùa cao su lá rụng là mùa cảm sốt. Chưa hết mùa mưa nhưng cũng là mùa tựu trường, học trò ông từ ấp Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Ngô Quyền, 97, Gia Nhan... Những đứa trẻ ngơ ngác, chân không dép, theo đường mòn băng ngang rừng cao su. Những chiếc xe đạp trơ khung, bùn đất đỏ bám đầy hai bánh xe lăn trượt. Các em nhịn ăn sáng, buổi sáng chẳng có gì ăn. Cha mẹ đã ra lô cao su từ sớm.
     Tuổi mười hai, mười ba thay cha mẹ. Đi chợ, nấu ăn, ru em… đi học. Học trò ông không có khai sinh, không hộ khẩu. Gia tài cỏn con đã tôi tuột, từ ngày di tản.
      Tiếng còi lê thê của nông trường cao su Dầu Giây, bật dậy những đôi vai còm cỏi. Mủ cao su theo vết cạo chầm chậm ứa, nhỏ từng giọt âm thầm như những giọt nước mắt thời bỉ cực.
     Những gia đình một thời đã sống nơi “Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn”, nhưng an bình, thắm đượm tình người. Chiến tranh đã đi qua lại ngậm ngùi giã từ. Đến những nơi còn đầy bom mìn, lạ lẫm. Mưu sinh bằng nghề làm rẫy, phu cao su…
……….
   Cứ vào khoảng cuối thu, lá cao su chuyển từ  xanh sang vàng, rồi màu đỏ trước khi rụng. Đẹp và thơ mộng hơn rừng phong Bắc Âu.
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
                                (Kiều-Nguyễn Du).
          Dọc hai bên đường, hoa đào hoang tím nhạt, lung linh trong gió.
         Ông bạn già Khang dừng xe đạp:
-         Ông Lân hử! Chớ về hồi nào?
         Nghe tiếng “về” lòng ông ấm áp lạ thường, ông mỉm cười:
-         “Sinh ký tử quy” mà! Dù sống hay chết, biết nơi mình
sẽ về là ổn rồi. Vào đây đã…
            Ông Khang ngớ người không hiểu ông Lân nói gì, theo chân ông Lân vào quán bà Năm:
-         Lâu dữ nghen thầy! Có “cô” về không?
            Làm nghề giáo cũng vui, già khú đế vẫn còn được gọi “cô”. Ông Lân quay sang ông Khang:
-         Làm mấy “ve” hỉ?
-         Tui bỏ rượu bia rồi, lên “tăng-xông” suýt chết!
    Không chờ ông Lân có ý kiến, ông quay sang bà Năm:
-         Một ly bạc xỉu, một ly café đen nóng! Tui vẫn nhớ cái
“gu” của ông mà.
-         Nhớ cái hồi kèm theo điếu Samit, mới đó mà nghe
chừng xa lắc. Bà Năm góp lời.
    Ông Khang khoe:
-         Tui cũng được địa phương phân cho hai cái đã xây
kim tỉnh đàng hoàng. Sống đồng sàn, chết không đồng quan cũng đồng nghĩa địa. Tui nói với mấy đứa nhỏ đừng ma chay rình rang tốn kém, thiêu xong bỏ chút tro cốt vô hủ gởi chùa hay rắc hết xuống sông, nhưng con tui hổng chịu.
-         Nằm xuống rồi, mọi sự theo ý của người sống. Bà tui
nghĩ cũng phải, thời bây giờ kiếm được chỗ “nằm” tốn kém lắm, con cái đứa nào cũng còn chật vật, thôi mình lo trước phần mình. Đôi khi tôi nghĩ, sống hay chết gì con cháu có chỗ để về nghe cũng ấm áp ông ạ! Mình dân tha hương, con cháu trưởng thành nơi đất khách quê người, đây là quê hương chớ ở đâu ông? Tui nhớ hình như lời Lão Tử:       
“Con người sinh ra trên đời theo lẽ tự nhiên, chết cũng tự nhiên, sống trên đời thuận theo lẽ tự nhiên, có như vậy bản tính mới không loạn, không thuận theo tự nhiên, bận bịu chìm đắm trong nhân và nghĩa, bản tính lúc nào cũng bị gó bó, trói buộc, khó có thể thảnh thơi.
Trong đầu lúc nào cũng cánh cánh suy nghĩ về công danh, tâm vì thế mà bất an, mưu lợi trong tâm, chỉ rước thêm phiền não”.
-         Nghĩa trang xã mới “quy hoạch” giống như hoa viên,
chia từng khu vuông vức, đường sá rộng rãi đẹp thiệt ông à. Nghe nói địa phương cũng chiếu cố đến những thầy cô giáo cũ, một thời…
-         Vì vậy mà tui về đây! Tụi tui thích “nằm” bên ông,
không biết còn chỗ trống không?
-         Để rồi xong giờ dạy rủ nhau nhậu hử? Tui nhớ chiều
Nào trước sân nhà ông dưới tán bạch đàn, tụi mình chỉ cần mấy xị rượu với cốc, ổi mà nói chuyện văn chương, thơ phú  tràn cung mây, nhưng thi tứ chưa thoát khỏi chữ ngậm ngùi…
-         Tui nghĩ cũng lạ! Khi nhậu ông như thầy giáo, đứng
trên bục giảng ông lại say. Tinh hoa của ông phát tiết cực độ và bi phẫn lẫn cuồng nộ theo những thân phận bất hạnh, bần cùng. Cũng có đôi lần ông trích giảng không có trong sách giáo khoa… Nhưng tui ủng hộ!
-         Chính điều đó tui quý trọng ông. Có lần tui hỏi
ông:“Dạy học trò cái gì?” – Ông trả lời: “Tình thương!”. Chỉ có vậy thôi mà sau bao nhiêu năm, nhiều thế hệ học sinh của ông vẫn nhớ đến thầy…
     Ông Lân nhìn ông Khang, rồi nhìn lại mình. Dù đồng niên nhưng tóc ông đã bạc phơ, ông đã rời xa bục giảng trước ông Khang khá lâu chuyển sang nghề khác cũng vì sinh kế, để các con ông có điều kiện học hành…  Cuộc đời ông thăng trầm như nốt nhạc, nhưng những nốt nhạc buồn thánh thót như hạt mưa rơi của chiều đông lạnh lẽo tha phương…
     Chiếc xe hơi đen bóng loáng dừng trước quán bà Năm, bốn khuôn mặt trung niên rạng rỡ chạy ùa vào như lũ trẻ, tay mắt mặt mừng chào thầy rối rít, miệng hỏi liên hồi. Hai ông không biết trả lời câu nào trước câu nào sau…
-         Nghe nói thầy về tụi em đi tìm, may quá!
-         Bắt cóc hử? Thầy vừa xuống xe đò, gặp thầy Khang...
-         Trưa nay nhà Bảo giổ thầy Hân - ba bạn ấy, tụi em
kính mời hai thầy lên xe.
     Ông Lân thảng thốt, thầy Hân cũng là thầy dạy những ngày ở trường sư phạm của ông, biết bao thế hệ giáo sinh mang theo tấm lòng và ảnh hưởng lớn từ tính mô phạm của thầy tỏa về muôn hướng. Sau ngày đất nước thống nhất có triệu triệu người đổi đời, thầy Hân lại ở trong triệu triệu người mất việc đi làm cu-li hay dắt díu nhau về miền đất ba-zan ngút ngàn cao su này làm rẫy, cạo mủ cao su…
     Ngày thầy mất ông Lân không hề hay biết, ông cảm thấy mình quá vô tình lại càng cảm thấy xấu hổ với mấy em học sinh của ông. Ông thừ người trầm ngâm tưởng nhớ về người thầy khả kính năm nào, ngay tại vùng đất này nhiều lần ông bỏ dỡ công việc như đang sửa hay vá xe đạp cho khách, chạy ra đẩy chiếc xe thồ chất đầy lá chuối của thầy Hân lên con dốc ngoài kia…
     Cơn sóng dữ dội cuốn phăng những “tàn dư” cũ vào dòng nước xoáy hung hản rồi vất tung hê vào rừng sâu. Sự đố kỵ và ngộ nhận làm ngất ngư những tinh hoa dân tộc được đào tạo bài bản, đẩy thân phận họ lên bờ xuống ruộng, lãng phí chất xám một cách ngô nghê. Tính tự hào của chiến thắng đã tạo ra những thế hệ kế tiếp sống trong tự mãn và ảo mộng của thời bình, đua nhau hưởng thụ. Vật chất hóa lý tưởng sống, khiến nhân sinh quan méo mó và ngày càng hụt hẫng với những gì đã được nhồi nhét bằng mớ lý luận mơ hồ.
     Sự phồn hoa không từ căn cơ thu nhập quốc dân, chúng đồng lòng gặm nhấm tài nguyên đất nước đến cạn kiệt để tô vẽ bộ mặt xã hội thêm hào nhoáng, lừa mị.
     Ông Lân giật mình như tỉnh cơn mơ, nhà thầy Hân vẫn như xưa. Đôi mắt thầy trong di ảnh hiền từ nhưng cương nghị, ông Lân cảm thấy hổ thẹn với lòng mình. Trong cuộc sống bôn ba mưu sinh, hình như ông đã nhiều lần e ngại và tránh né khi đối mặt với những bất công và đê tiện của lũ bợm người. Sự lừng khừng thủ thế là thỏa hiệp tồi tệ nhất, không xứng đáng với tinh thần “kiến ngãi bất vi vô dõng giả” của cụ Đồ Chiểu và một đời thanh lương, khẳng khái của thầy Hân.
………
     Ông Khang đi rồi, ông đi bất thình lình sau cơn đột quỵ. Ông Khang đã về trước ông…
     Những cơn mưa cuối mùa dữ dội, nước tràn vào huyệt mộ khoáy trộn màu đất nâu đỏ xen lẫn những chiếc lá cao su úa vàng xoay tròn như bàn tay đang vẫy tạ từ. Nước cũng rút đi thật nhanh, để lại lớp váng bùn lóng lánh như kim nhủ dưới ánh mặt trời đứng bóng. Ông Lân đứng trên tấm đan phần mộ của mình, ông sẽ “nằm” bên ông Khang, kế bên là của bà. Ông liếc nhìn vợ, khuôn mặt bà Lân không tỏ cảm xúc gì sau cặp kính đen, nhưng ông biết lòng bà đang rộn lên niềm u hoài khó tả. Đột nhiên ông muốn ôm bà vào lòng, vuốt mái tóc đã chớm bạc bay bay theo cơn gió hiếm hoi của buổi trưa nồng. Lòng ông chợt nghĩ:
Bóng ngả về chiều, trời sao mau tối
Ta bất an với đời ta nông nổi
Lá quen cành bối rối lúc lìa xa
Vắng con tàu ngơ ngác một sân ga
Mới chợt nghĩ mà thương em quá đỗi

Tóc ngả màu đông, da hằn vết rối
Nhưng trong ta em vẫn mãi ngu ngơ
Em vẫn là em của thuở ấy dại khờ
Nên nếu một mai...bỗng ta về với núi
Làm sao nâng niu khi ta là cát bụi!

Lá quen cành bối rối lúc lìa xa
Vắng con tàu ngơ ngác một sân ga...
(Bóng Ngả Về Chiều – PNCU)
     Lòng ông đầy mâu thuẩn, vừa muốn không thể mất bà lại vừa muốn bà đi trước để ông có thể thực hiện những sở thích của bà như những gì bà ao ước lúc sinh thời…
     Khi đang còn hiện hữu, ông đã làm gì để bà vui? Trong tình chồng vợ, ông đã bao lần đem lại muộn phiền, tủi thân trong tâm khảm của bà. Bà đã âm thầm chịu đựng tính trăng hoa bay bướm của ông, tính nghệ sĩ nửa mùa như hạt sạn trong chén cơm nồng hương lúa mới đã dìm chết một phần tình yêu thương bà vốn chỉ để dành cho ông từ ngày mới lớn.
     Ông Khang mất, ông như sực tỉnh cơn mê. Tuổi bảy mươi chỉ dành cho ông từng năm một, có khi từng tháng không chừng, có khi không có một sớm mai!

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...