Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

ĐỊA LINH

     Ông Cả Trị tánh tình cương nghị, giọng nói oang oang đầu làng cuối xóm đều nghe, tóc búi tó như ông đạo xứ đàng trong. Hội đồng hương chức không ưa ông.
     Vùng đất thiêng sinh nhiều bậc kỳ tài, chuộng văn hơn võ. Hai Văn - con trai lớn đam mê thơ phú  nhưng bất bình, đi làm quốc sự. Con thứ: Ba Chương  ương bướng từ nhỏ, khí khái hơn nguời, “kiến ngãi bất vi vô dõng giả” như Lục Vân Tiên.
     Ông Cả Trị hỏi Lý trưởng Bông:”- Ông ở tầng nào trong giếng Thủ Bộ?”. Giếng Thủ Bộ là ao làng. Lý trưởng Bông dộng ba-ton khảm bạc xuống nền gạch sân đình cạch cạch, quắc mắt:”- Ý ông là sao?”. Là ba ba, rùa, lương, chạch, cá trê, cá lóc, cá mại, còng gió hay bèo? Mỗi loại chịu được tầng nước nông sâu khác nhau! Lý trưởng Bông giận dữ bỏ đi một mạch, nhưng không hiểu ông Cả Trị nói gì.
     Anh Rân xé hai mép lá thuốc, vấn lại thành điếu đưa lên liếm xoay xoay, chép miệng:”- Ông Cả cuồng chữ, có ngày điên!”. Ông không dạy, nhưng các bài vè đám chăn trâu nghêu ngao ngoài biền vô tư lự là của ông, nhưng nhói lòng đám hội tề trong làng. Triền sông bên lở bên bồi, hơi đâu.
     Hai Văn chán làm cách mạng, về làng. Nghe đâu Tôn Thất Thuyết tập kích vào thành Mang Cá (Trấn Bình đài) ngoài Huế, nhưng thất bại. Bị quân Pháp phản công nên  phải đưa vua Hàm Nghi chạy về Tân Sở, hạ chiếu Cần Vương.
     Lý trưởng Bông nghĩ kế trả thù, nhưng ngại ba Chương đang theo học cụ Nghè An. Tính hắn cứng đầu, ngang ngạnh nhưng thông minh, cụ Nghè yêu quý còn định gã con gái cho.
     Ông Cả Trị tra hỏi hai Văn:” – Tại sao mi về? Mi có nhớ tấm gương lẫm liệt của quan phụ chính Trần Văn Kỷ theo hầu vua Cảnh Thịnh không? Khi chúa Nguyễn không dụ dỗ được ông, trọng tài nên cho hưởng “tam ban triều điển”. Trước khi chết, ông xin về quê bái yết từ đường, nhưng đến ngã ba Sình, ông hô to:” Trung thần bất sự nhị quân”, rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Mi hãy tự xử”.
     Dòng sông Thu Bồn lững lờ trôi, ánh trăng hạ tuần gợn lên ánh bạc, biền dâu xanh ngắt thì thầm trong gió. Hai Văn nhìn về hướng tây nam, mờ mờ dãy Trường Sơn. Căn cứ Tân Tỉnh, Trung Lộc núi non hiểm trở, hào sâu vực thẳm, nơi ẩn mình của nghĩa hội. Những người chí sĩ yêu nước như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La Nguyễn Thành… đang ngày đêm quên ăn bỏ ngủ, tìm mưu kế chống giặc.
     Tiếng chim ăn đêm bay ngang trước mặt hai Văn, rồi mất hút trong bụi tre ngà bên kia sông. Anh nhìn đình làng mái ngói thâm đen, bức bình phong lân mã trước sân bái đình nghinh đón linh khí trời đất, cầu cho quốc thái dân an.
     Lũ cường hào thẳng tay o ép, dân tình ly tán nơm nớp quằn mình như con giun, con gián. Anh Rân cùng tráng  đinh bị bắt đi phu làm đường từ Lăng Cô băng qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng.
     Hai Văn giã biệt làng quê yêu dấu, khoác túi lên vai. Từ Hương An qua phà Tân An, xuyên Phú Bình đến sơn phòng Dương Yên. Đến nơi hay tin chủ soái Trần Văn Dư bị bắt và bị xử trảm. Đèo Đá Bon hiểm trở, một bên là núi, một bên là ruộng bậc thang. Lưng chừng đèo có một hòn đá rất to và có lỗ hổng bên trong, khi gõ vào đá kêu bon, nên gọi là đèo Đá Bon, đây là căn cứ phòng thủ của Nghĩa hội Quảng Nam. Toàn bộ khu căn cứ được bao bọc bởi hàng rào bằng tre, đầu vót nhọn, đan chéo vào nhau như những bàn chông.
     Hai Văn cùng anh em nghĩa hội tập kích vào đồn công binh của Pháp dưới chân đèo Hải Vân. Người Pháp gọi là "một biến cố đau thương vừa xảy ra ở Trung Ky" nên ra sức đàn áp, Nguyễn Thân xua quân càn quét rất ngặt. Thất trận ở căn cứ Phước Sơn (thuộc Tiên Phước) Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến chạy thoát nhưng thế cùng lực tận, nghe lời thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự sát. Không thể để nghĩa quân toàn ba tỉnh bị giết hại, Nguyễn Duy Hiệu thủ tiêu toàn bộ danh sách, tài liệu liên quan đến nghĩa hội.
     “Chứng kiến  cái chết của người đồng sự tâm phúc, Nguyễn Duy Hiệu trở về quê thăm viếng mẹ già. Xong, ông ra miếu thờ Quan Công ở giữa bãi cát Thanh Hà, mặc áo dài đen, đầu vấn khăn cẩn thận, ngồi xếp bằng trước bàn thờ, rồi sai người đi báo cho Nguyễn Thân đến bắt ông…”     
     Nghĩa hội Quảng Nam tan rã.
     Anh Rân về làng, thân hình tiều tụy  như con cò ma. Không bao lâu, lý trưởng Bông sung anh cùng tráng đinh trong làng vào lính khố xanh.
     Sau khi đàn áp phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, Nguyễn Thân được triều đình Huế cho lãnh chức Binh bộ thượng thư kiêm Tổng đốc Bình Định. Sau đó, được trao chức Khâm mạng tiết chế quân vụ, lùng diệt cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Do thế yếu cùng binh tướng tan rã, Phan Đình Phùng uống thuốc độc tự tử. Nguyễn Thân cho quật mồ Phan Đình Phùng, thiêu đốt thành tro, rồi trộn với thuốc súng, bắn xuống sông La.
     Hai Văn biệt vô âm tín. Ba Chương được bổ đi làm Giáo thụ. Vốn tính khí khái và lòng ái quốc vô biên, anh truyền thụ cho môn sinh những tấm gương sáng chói lòng yêu nước. Ca tụng phong trào khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi:    
         Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.”
     Thêm việc tát tai tri huyện N. do thói nịnh trên đạp dưới. Ba Chương giũ áo từ quan về làng, mở trường dạy học.
     Lũ sâu dân mọt nước hả hê, chúng dấu truyền đơn kêu gọi chống chính quyền Bảo hộ, chống độc quyền bán thuốc phiện và rượu trong lu nước cạn khô của nhà Cả Trị.
     Ông Cả Trị cười như điên, tay vuốt chòm râu bạc, nói với  hương quản Trọng:”- Mi nhìn đi, dấu mấy ngón tay mi rành rành trên miệng lu. Bó truyền đơn này cũng có, tau cho mi mọt gông!”. Hương quản Trọng mặt tái mét, giấu hai bàn tay sau lưng, ấp a ấp úng.“- Tau thương mi ngu dại, vợ khờ con đông. Mi cầm lên, đem ra ngõ đốt liền trước mặt bà con ở đây. Tổ cha mi!”. Ngọn lửa bùng lên soi rọi khuôn mặt hắn, thớ thịt run run theo ánh sáng bập bùng.
     Ông Cả Trị đưa tờ giấy hồng điều, lật mặt sau biểu hương quản Trọng điểm chỉ bằng tro than trộn mồ hôi của hắn. Hắn chưa nhìn ông, đã sợ, riu ríu nghe lời, không cần biết ông viết gì.
     Lý trưởng Bông nghe xong, đập bàn cái rầm. Kiểu này chẳng khác chi gậy ông đập lưng ông, hương quản Trọng tay chân run như cầy sấy. “- Vậy chớ hắn viết cái chi mà mi điểm chỉ?”.
     Lý trưởng Bông tái người khi thấy ông Cả Trị chống gậy đến trước sân, lão xăng xái ra đón, giọng đẩy đưa:”- Chớ ông Cả đi mô mà tạt qua đây? Xin mời, xin mời…”. Cả Trị lật vạt áo, lấy tờ giấy hồng điều. Lý trưởng Bông rót trà, tay run run liếc nhìn ông Cả,  lão cố lên giọng trấn áp của quan phụ mẫu:”- Tình hình trị an dạo này ngặt lắm nghe ông Cả, tui nghe bọn nghĩa hội trốn về nằm quanh đâu đây”.
     Cả Trị bật cười ha hả, tay búng nhẹ con sâu róm đang uốn mình bò lên mép bàn, chậm rãi:”- Hắn lông lá thấy ghê, nọc độc đầy mình, nhưng thoát xác thành loài bướm đêm đẹp mê hồn. Nó khác với các ông, đem lời ma mị ngọt như mía lùi, nhưng chết người lúc nào không hay. Ông Lý hay chọn nhầm người, dụng nhân như dụng mộc, cái thằng quá thật thà như Hương quản Trọng, không làm chuyện thất  đức được đâu. Đời mà, ngưu tầm ngưu mã tầm mã!”.
     Lý trưởng Bông cười giả lả mà như á khẩu. Cả Trị bước ra sân nghêu ngao:
“Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.”
                  (Văn tế Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu)

     Thành bại do thiên mệnh, xuất phát từ nhân tâm. Nhân tâm là thiên đạo, tồn vong cũng chính từ đây.
     Cả Trị kéo chéo áo lau giọt nước mắt ứa ra tự lúc nào, dáng liêu xiêu cố rướn về đàng trước như mong tìm vừng hồng của buổi bình minh. Tia nắng hiếm hoi của tiết đông chí làm bừng sáng mái đầu bạc trắng của ông.
     Ba Chương vân vê thông tri của quan đốc học, đình chỉ hoạt động trường làng của anh. Cấm chỉ “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.”(Phan Chu Trinh). Bọn làm giặc toàn là bọn có chữ nghĩa. Lý Bông vỗ vai hương sư Trịnh:”- Có vậy chớ! Lũ dân ngu khu đen dễ sai, dễ dạy. Thật là quan trên sáng suốt!”
     Cánh đồng làng không màu xanh, năm ni chắc đói. Mùa màng sâu rầy đen nghịt, đậu đen đui ngọn, giàn đậu đũa trái dài thòng nhưng không có hạt. Thiên không thời, địa không lợi, lòng người mất hoà hiếu, ly tán.
     Ba Chương ngậm ngùi nhìn ông Cả Trị, ngày mỗi hom hem, chỉ còn đôi mắt nhưng đã mờ dần. Anh mong cha anh mù hẳn, tai điếc đặc, có khi cha anh còn sống được lâu dài cùng con cháu.
     Chữ Nho đã hết thời:“Nào có ra gì cái chữ nho/ Ông nghè, ông Cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm ông Phán/ Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò”(Chữ nho – Trần Tế Xương).
     Ba Chương ngán ngẫm, đời như lá úa, lộng giả thành chân.
     “Đạo học ngày nay đã chán rồi/ Mười người đi học, chín người thôi/ Cô hàng bán sách lim dim ngủ,/ Thầy khoa tư lương nhấp nhổm ngồi/ Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo/ Văn trường liều lĩnh, đấm ăn xôi.”(Than đạo học – Trần Tế Xương).

     Đốc học T. trật chánh ngũ phẩm văn giai, xuất thân từ trường hậu bổ, vốn chỉ là ấm sinh con nhà quan được đặc cách. Lão ngồi chễm chệ, trong đầu chứa toàn đất đá, mưu mô và tư lợi. Lão ra thông tư cấm triệt học sinh các trường trong phủ mặc quốc phục. Phải chào cờ “tam tài” và hát quốc ca Pháp. Các quan Nam triều khăn xếp áo dài, riêng quan đốc học oai phong trong bộ comple – cà vạt. Quan không cận thị, nhưng cặp kính trắng lồ lộ luôn hiện hữu trên khuôn mặt tai tái, môi thâm như nghiện thuốc phiện của lão.
     Người ta phát hiện Cả Trị chết cong queo dưới gốc trâm già, vì ăn bả chó. Lạ một điều, da ông không tím tái, miệng không sùi bọt mép như người nhiễm độc. Quan đốc-tờ khám nghiệm qua loa, cho gia đình lãnh về chôn. Ông Cả chưa được hưởng chữ thọ.
     Sau cái chết của cha, ba Chương bỏ đi biệt xứ, ruộng vườn hoang hoá, cỏ mọc lút đầu. Những đêm trăng, nghe tiếng kêu gào của lũ mèo hoang động đực, càng rợn người. Dân làng khiếp vía, mùa màng thất bát, sưu thuế lại tăng.
     Lý trưởng Bông thở phào, như nhổ được cái gai trong mắt.



     Hướng tây nam, trông về Hòn Kẽm đá dừng mù mịt, sấm chớp liên hồi. Cơn mưa dữ dội từ Trường Sơn kéo về đồng bằng. “Cơn đằng Tây chẳng mưa dây cũng bão giật”. Bỗng sét đánh đinh tai, kèm theo tiếng gì rạn vỡ khô khốc. Bức bình phong lân rồng của đình làng nứt toác, như nhát gươm chém ngang, lìa đầu rồng lân. Điềm trời báo hiệu bất tường: Thần hoàng đã bay về trời. Địa bất linh, nhân kiệt cũng tiêu vong.

ĐÔI DÒNG

     Lão Lan trầm ngâm, ý tưởng thánh thiện phớt qua đầu lão chợt tan biến, trong lão nẩy lên sự so sánh lợi hại. Tánh cẩn thận của lão lâu nay vẫn vậy mà, không có cái kiểu tình cho không biếu không. 
     Ngày xưa, tình yêu đầu đời của lão thơ mộng như trăng, trắng tinh và mặn mà như hạt muối Cà Ná quê hương lão. Vậy mà lão đành đoạn xa lìa để sang bến khác: Vợ lão bây giờ. Cô Dung con một, nhà giàu. Căn lầu ba tầng mặt phố, ngon lành hơn mái tole vách ván ở làng chài cuối dòng sông Cà Ty.
     Không biết ai đã thêm “Thủ” đệm vào tên lão: Lan Thủ. Thủ thế đã đành, thủ đây là dành cái lợi cho riêng mình, ai có gì đẹp lão cũng xin, gọi là kỷ niệm.
Lão Bùi ngược lại. Có khi lão vỗ tay, hoan hô ai đó nói thay nỗi lòng của lão. Lão chỉ thầm thì nói sau lưng bọn chó má giết người, lão cũng biết căm hận lũ bạo tàn nhưng không bao giở nhìn thẳng mặt người đối diện, trao lời tâm tình hay tri ân.
    Để tỏ lòng thù ghét, lão vẽ lên cát những cái tên, nguệch ngoạc khuôn mặt không ra hình nguời, mặt ngẩng lên trời cất giọng cười khoái trá, rồi vạch cu ra đái xoá nhoà tác phẩm của lão.
……….
     “Nếu liệt kê từ nhỏ đến giờ, mình cũng có mấy trăm người bạn ấy chớ! Đồng môn, đồng nghiệp, xã hội, văn chương thơ phú, hàng xóm láng giềng… Thời nào cũng có bạn tâm giao, nối khố. Vậy mà mỗi thời mỗi khác ông ạ, ai không biết chuyện Lưu Bình – Dương Lễ, Bá Nha – Tử Kỳ. Lại có chuyện Thạch Sanh – Lý Thông, Tôn Tẩn – Bàng Quyên…”. Lão Bùi than thở.
     “Nhưng thời nay Thạch Sanh thì ít, Lý thông thì nhiều!”. Lão Lan nhắp chén trà ướp hương lài, nghe mùi lạ hoắc, chậm rãi góp lời.
     Hai ông biết nhau hơn năm mươi năm, thời tiểu học. Cùng một làng quê vùng bán sơn địa miền trung, chó ăn đá gà ăn muối. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, hai ông rẽ ngang rồi lạc mất nhau, mới gặp lại chục năm trở lại đây.
Với bạn chung chung, chỉ biết trên đời bạn hiện hữu như cái nhà, bổn xứ, con mắt, cái tay. “Tri nhân tri diện bất tri tâm”.
     Hai ông giao kết khi tâm sự, không bao giờ đề cập và tranh luận đến chính trị, tôn giáo, thẩm mỹ. Đời nhiều ngã rẽ, khó đồng quy. Tuổi già khó kết bạn, có lẽ do tư tưởng bảo thủ. Tâm niệm buông bỏ nhưng cố chấp, khác với thời trẻ trung dễ quên, dễ tha thứ.
     Lão Bùi ngước nhìn lão Lan:“Tui với ông như Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm. Ngày ông mang ba lô về tiếp thu, tui lại sống trong vô vọng...”.
………
     Lão Lan lùa hết tiền vào giữa chiếu bạc, hô to:“tắp-pi”. Lão ngồi rung đùi quan sát những khuôn mặt đối thủ. Ông Giang chống cằm nhìn lão Bùi lẩm bẩm:“- Đè con cẩu cũng làm phách”. Nhưng trong lòng lại nghĩ:“Lão này mưu mô đầy mình, không chừng như trận Xích Bích giữa liên quân Tôn – Ngô và Tào Tháo, cháy túi không kịp ngáp!”.
     Mặt lão Lan lạnh tanh, hai ngón tay kẹp điếu thuốc run run, bật lửa trên tay, nhưng không vội đốt. 
     Canh bạc “xì tẩy”, lộ tẩy tiêu đời. Phải nhuần nhuyễn tam thập lục kế, phải tố. Tố phải ra tiền, tiền đi có khi không về. 
     Lão Bùi nhìn lại cọc tiền, móng ngón tay cái vàng khè bật lên thả xuống cọc tiền còm cỏi nhất trong bốn người, quay sang ông Giang:”- Không vô thì úp bài”. Ông Giang nóng máu nhưng bài ông không “sáng”, con đầm Rô chênh hênh trên mặt đĩa, lão Mỹ thủ một, còn hai con ở tì, ông đang mua “suốt”. Nhưng ông kết con cẩu đáy của lão Lan, mặt bài của lão Lan láng tưng, nhưng khoác veston mặc quần đùi, chẳng qua lão liều. Ông không ngại bài lão Bùi, chỉ còn mấy đồng bạc lẽ. Ông ngán lão Mỹ, nãy giờ im thin thít. 
     Nhìn đống tiền ù ụ của lão Lan gom được từ mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu của lão Bùi. Lão Giang tin chắc sẽ về tay mình. Đột nhiên ông Mỹ nhìn ông Giang nháy mắt. Cái nháy chớp giật, rồi lặng lẽ xếp bài.
Lão Bùi úp bài theo, ngâm nga:“Cờ đương dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng…”(Tự trào – Nguyễn Khuyến).
     Giang hồ “song kiếm hợp bích”. Hai ông Giang – Mỹ như gắn chặt keo sơn, quơ sạch bách.
………..
     Tượng Trần Hưng Đạo uy nghi, đã ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông trong thế kỷ 13 (1258-1288).
Lời Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương rền vang trong gió:
“… Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng, khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau…”


     
     Sông Cà Ty là hợp lưu của sông Ta Da và sông Móng, lững lờ chảy qua thành phố Phan Thiết thân thương, rồi đổ ra cửa biển Cồn Chà. Con sông lạ lùng, đôi khi mặn lợ đôi dòng.

HE HE HE…!!!

     “Tui đã câm miệng như hến rồi nghe ông, thậm chí ở nhà tui như con gián. Đôi khi đọc mấy cái status trên facebook, tui điên ông ạ, muốn chửi thề nhưng may tui bụm miệng kịp. Bà mẹ nó, nó tưởng tụi mình ngu. Nhân tâm, đạo lý nó cũng ma mị, làm màu!”
     Thì ông làm theo kiểu ông thường làm: “Để tỏ lòng thù ghét, vẽ lên cát những cái tên, nguệch ngoạc khuôn mặt không ra hình nguời, ngẩng lên trời cất giọng cười khoái trá, rồi vạch cu ra đái xoá nhoà đi là xong.”
He he he…
     Ông không nhớ chuyện Lập luận của Lỗ Tấn à?
“ Mơ thấy mình đang chuẩn bị bài tập làm văn, tôi xin ý kiến thầy giáo về phương pháp lập luận:
- Khó đấy! 
Từ ngoài vòng kính, ánh mắt nhìn chếch sang tôi, thầy nói:
- Thầy kể cho em nghe:
Gia đình sinh được một đứa con trai, cả nhà vui sướng tột đỉnh. Khi đầy tháng bế ra cho khách xem.
Một người nói:
     - Cậu bé này về sau sẽ phát tài.
     Vậy là vị khách đó được cảm ơn rối rít. Một người khác nói:
     - Cậu bé này tương lai sẽ làm quan.
Vị khách này nhận được những lời khen. Một người nữa nói:
- Cậu bé này về sau sẽ chết.
     Vậy là ông này bị cả nhà xúm lại đánh cho một trận nên thân.
Nói sẽ chết là sự thật, quy luật tất nhiên, nói giàu sang, làm quan là nói dối. Nhưng nói dối được đối xử tử tế, nói sự thật thì bị đánh. Em….
     - Em muốn vừa không nói dối, vừa không bị đánh, vậy em sẽ nói như thế nào, thưa thầy?
     Vậy thì em phải nói: "Chà chà, cậu bé này! Ngài xem... chà chà.... he he he. Coi kìa! Đó đó thấy không ! Chà chà, he he he…!!"

THÂN PHẬN

   Anh chị Hai: chồng chính, vợ phụ. Nghề thợ xây như dân Digan, “người đi xây những công trình, nhà cao cửa rộng là mình ra đi”. Ba đứa con ở quê nhà, con Hạnh lớp mười, thằng út lớp ba. Thằng Minh ở giữa, chưa xong lớp tám bỏ ngang, làm công nhân lò gạch.
     Không như cánh thợ trẻ, chiều thứ bảy lãnh lương, góp nhau nhậu đã đời, gọi là bồi dưỡng sau một tuần cật lực.
     Anh Hai chở chị về ngang chợ, mua vội bó rau, ký thịt mỡ nhiều hơn nạc, kho mặn chát với tiêu. Dành cho tuần tới.
     Căn phòng mười hai mét vuông hình như quá rộng, chỉ có chiếc giường đôi, bếp lò cùng mấy cái nồi cũ kỹ. Anh bắc ghế ngồi trước phòng trọ, đôi mắt buồn hiu nhìn xa xăm. Mùi xào nấu ngào ngạt thơm, băng qua cửa sổ, xộc vào mũi anh. Anh thở dài nhớ về các con, “nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.
     Chị đứng sau lưng anh lúc nào không hay, mắt đỏ hoe. Chị lấy chéo khăn lau, cười méo xẹo:”Nấu xong bữa ăn, khói trộn lẫn mồ hôi cay xè!”. Chị rụt rè:”Tui định hết tháng về với mấy đứa nhỏ, sắp khai giảng rồi. Đầu năm học “căng” thiệt à ông! Hơn nữa, tui…”. Chị kéo tay anh, má ửng hồng pha trộn ráng chiều, mặt trời khuất dần bên kia con kênh, nước đen ngòm.
     Con đã vào trường, bụng chị nhô lên lum lúp. Thằng Minh chạy về như cơn lốc, hơ hải:”Ổng bị sập giàn giáo, té gãy xương…”. Chị như Từ Hải, chết đứng.
     Chưa kịp dặn dò con Hạnh, hàng xóm đã đến đầy nhà, ai cũng xăng xái cho chị mượn tiền, người nhiều lắm cũng chưa tới năm trăm, nhà quê lấy đâu. Chú Tam lột chiếc nhẫn một chỉ, định để dành đám cưới cho con trai. Bà Năm “kẹo” thường ngày khó ưa, lẳng lặng mở túi yếm gài hai lần kim băng, lôi ra xấp tiền đủ loại, đếm hơn một triệu.
     Thằng Minh đèo mẹ ra quốc lộ, đường làng qua mấy cơn mưa, trơn như thoa mỡ, chị bấu chặt lưng con. Xa xa, ánh đèn pha của những chuyến xe xuôi ngược, quét trên mặt đường nhựa còn đọng nước mưa, phản chiếu vệt sáng chói mắt. Thằng Minh loạng choạng, quăng mẹ hắn cái ịch trên bụi cỏ ven đường còn ướt đẩm. Chị Hai chống hai tay vào eo, cúi gập người thở dốc. Cơn đau tức từ bên hông lan dần xuống bụng dưới, chị nghe như có dòng điện nóng hổi, nhơn nhớt lăn dài theo đùi chị.
     “Hoạ vô đơn chí”. Chú Tam ngồi rầu rỉ nhìn con Hạnh. Ngoài trời trắng xoá cơn mưa dầm. Ông tha mà bà không tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười. Mọi năm quê mình chỉ có lụt, lụt mang phù sa bồi đắp ruộng đồng, hạt gạo còn thơm mùi lúa mới. Bây giờ mới có lũ, lũ của lũ không có trái tim người, phù sa cuốn theo hoa màu và sinh linh ra biển.
…….
     Anh Giáp, con bà Năm “kẹo” bàn với mẹ bán nhà, cả vườn với mấy sào ruộng, ra thành phố sống. Dầu gì ở phố vẫn hơn, không lo mất mùa, không lo bão lũ, nhất là tình trạng an ninh thôn xóm. Bầy gà mái với hai con gà trống, chuẩn bị giổ cha, một đêm tụi nó quất sạch, không một tiếng kêu. Làng quê không còn yên bình.
     Bà Năm nhìn lên bàn thờ:“Nỡ nào bỏ ông bà, tổ tiên mà đi hả con. Bảy Lung xóm trên, đùm đế nhau đi rồi cũng về bám mảnh đất này đó thôi!”. Mẹ nghĩ coi, từ việc nước, việc làng đến khuyến nông, khuyến học đều nhờ “những người con xa quê”, mang tiền về đóng góp. Quê mình ai cũng quanh năm đầu tắt mặt tối. Có ai khá không, có ai nghĩ ra phương kế gì để thoát nghèo hay chỉ trông chờ như chờ viện trợ?
     Xã thuần nông mà hạt giống trời ơi, phân bón lại gặp phân giả, phá nát ruộng đồng. Thuốc trừ sâu thì sâu không chểt, chỉ cây lúa chết. Ông Tỉnh, ông huyên có qưởn đâu mà về nghe mẹ kể chuyện tào lao.

     Trời sang đông, mưa phùn gió bấc. Không rét lắm nhưng khó chịu, mùa này chỉ ngồi chơi rồi quơ đại củ khoai, củ sắn lót bụng. Hồi trước, mấy bụi tróc (dong riềng) trồng  đầy ranh vườn, bây giờ mất giống. Cứ nghe ai trồng cây gì, nuôi con gì phất lên, từ huyện đến xã hô hào tìm mua giống cho bằng được, không cần biết có phù hợp thổ nhưỡng, tập quán, khí hậu quê mình hay không. Nông nghiệp lụi tàn dần, dòng sông ô nhiễm không còn trong xanh. Cá tôm cũng tìm đường thoát nạn.
     Chú Tam dắt thằng Minh vào thăm cha nó. Vừa xuống bến xe, người đông như kiến cỏ, ông cháu lớ ngớ bị giật mất túi xách đựng mấy bộ đồ đã cũ, may không mất tiền.
     Anh Hai bị gãy mấy xương sườn, tay cầm bay bó bột treo lên cổ. Nhà thầu cũng có lương tâm, chăm lo cho anh qua cơn nguy kịch. Chú Tam xin xuất viện, đưa hai cha con anh Hai về quê. Chị Hai sau ngày hư thai, sức khoẻ kém đi thấy rõ, da xanh tái như thiếu máu, càng ngày sợ gần đàn ông.
     Không biết cơ trời thay đổi tốt lên hay không. Bờ  sông bên lở bên bồi, biền đất bồi đắp cả trăm năm nay bỗng bị xói mòn dần, trôi tuột theo dòng nước đục ngầu, hung hãn.    
     Bên kia sông mọc lên khu du lịch sinh thái, ruộng đất bị thu hồi, đền bù rẽ mạt. Dân làng Tây như gà mắc tóc, ôm mớ tiền vào khu tái định cư ngồi bó gối ăn dần, vô công rỗi nghề sinh ra lắm chuyện đau lòng. Anh Thắng, thằng Minh được nhận vào chân bảo vệ của công ty Huỳnh Hoang – chủ đầu tư. Thằng dốt khi có quyền hành đâm ra hống hách dễ sợ, cặp mắt thằng Minh hất lên trời. Ông thầy Phú già xin bứng cây khế bằng tuổi ông sang nơi ở mới, hắn quát tháo như hắn là chủ nhân ông:”Tất cả đã được đền bù, lấy tiền rồi, bây giờ là của nhà nước”.
     Anh Hai đã khoẻ, được tuyển vào đội thi công. Đội thi công của chủ đầu tư có khác, mặc đồ lao động có phù hiệu sau lưng, bao tay, nón bảo hộ vàng kệch. Lỡ té giàn giáo cũng không sao, không bị chấn thương sọ não.
     Con Hạnh được cho đi học khoá kế toán ngắn ngày, phụ trách tiền lương. Từ khi ăn trắng mặc trơn, Hạnh xinh đẹp lên thấy rõ, chị Hai nhìn con mà đâm lo.
     Một lần anh Hai được mời đi nhậu, xe hơi đón tận nhà. Thằng mặt chuột, mắt ti hí nghe đâu bà con gì của ông Huỳnh Hoang đon đả:”Chà chà, nhà bác nhỏ quá, mai mốt dọn vào dãy biệt lập trong khu sinh thái, cháu phụ một tay!”. Hắn tặng riêng cho Hạnh chiếc xe máy cáu cạnh.
     Với linh tính của người mẹ, chị Hai quyết liệt từ chối dù món quà giá trị rất lớn, so với gia đình chị.
     Lần đầu tiên anh Hai đến chốn phù hoa, men rượu khiến anh như con người khác. Anh cười nói huyên thuyên và tự hào nhìn quanh, khi thằng mặt chuột gọi anh là bố. Anh say khướt, chân nam đá chân chiêu. Anh vất ra giữa bàn cọc tiền mới cáu, chưa bao giờ cả nhà anh thấy nhiều tiền như vậy.
     Hai bên bờ tả, hữu ngạn sông Sinh như hai thế giới. Bên kia sông, tiếng động cơ ầm ì suốt ngày đêm, sáng trưng ánh đèn cao áp. Nghe đâu sẽ có cầu nối hai bờ , con đường dẫn sẽ cắt ngang ranh nhà anh chị Hai. Thằng Minh tuyên bố:”Nhà mình sẽ ra mặt tiền, con đường nhựa nối khu du lịch sinh thái và chạy về thành phố, đổi đời rồi!”. Mà quả thật, anh chị Hai khá lên thấy rõ.
     Ngược lại, lòng bà con hoang mang. Sự bất an hằn lên thành rãnh dọc ngang trên những khuôn mặt già nua, khốn khổ. Chú Tam lý sự:”Người ta mở mang giao thông để phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hoá vùng miền, nâng cao đời sống, tiến dần đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Nhưng tui e rằng đây là ý đồ mở rộng, chiếm đất  của thằng  Huỳnh Hoang!”.
     Đúng y như lời, hơn hai mươi hecta hữu ngạn sông Sinh bị giải toả trắng bốc. Mơ ước nhà mặt tiền của thằng Minh theo mây theo khói. Anh chị Hai cũng như bao người dân khác trong làng cùng chung số phận với bà con bờ tả ngạn, bên kia sông.
     Gia đình anh chị Hai, chú Tam từ khi có đồng tiền đền bù, chỉ đủ làm nhà trên mảnh đất gò tái định cư khang trang, nhưng chỉ gần trăm mét vuông, nông nghiệp mấy đời nhưng không có đất canh tác. Ngày xưa chợ làng quanh năm nhộn nhịp, đổi trao con gà, trái bí, bó hành, con heo, con vịt, xấp vải, cái nồi… Quy hoạch khu du lịch sinh thái người ta quên làm trường, trạm y tế, làm chợ.
     Anh Hai còn có nghề thợ hồ, chú Tam và bà con làng Đông ngồi bó gối nhìn nhau, lũ trẻ chưa đến mức “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng rảnh rỗi sinh nông nổi, cà phê cà pháo suốt ngày, tập tành đua đòi ăn chơi, nhậu nhẹt. Thằng Minh dính vô vụ buôn bán heroin, tù chung thân. Con Hạnh có bầu mất việc, thằng bé sinh ra giống hệt thằng mặt chuột.

MÙA XUÂN NGOÀI KHUNG CỬA

      Lão Tâm lẩm nhẩm:”Giáp Ất Bính Đinh Mậu…”. Năm Mậu Tuất sắp đến, lão 61. "Lục thập nhi nhĩ thuận", nhưng sao lão nghe chuyện gì cũng trái tai, gai mắt. Tuổi này rồi, đúng ra, khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng, mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ. Lão cũng  có học, thấm nhuần đạo đức, kiến văn, kinh nghiệm phong phú cuộc sống. Không nhẽ…
     Hình như bây giờ cái gì cũng ngược đời. Thằng ranh con rú ga ầm ầm, lão hoảng hồn nép vào lề đường, hắn còn quay lại cười rú lên, kèm theo:”Đồ già dịch!”.
     Lão đâm ra nghi ngờ cả lời nói, ngôn ngữ hàm chứa ý nghĩa tệ hại chưa từng có:“Lão khốt này hay nhỉ! Già khọm chưa đủ lớn”. Lão rụt rè, xưa nay lão học đạo thánh hiền: Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh/ Thoái nhất bộ hải khoát thiên không” (Nhịn được cái nóng nhất thời thì gió lặng sóng yên/ Lùi lại một bước nhường người thì biển trời bát ngát). Nhưng mặt lão Tâm phừng phừng, ngao ngán thế sự, nhân tâm. Lão muốn chửi. Bỗng dưng lão sợ con người.
     Ông Sâm nhìn lão thương hại:“Tụi mình đúng là Khottabych - cổ hủ, lạc hậu quá rồi!”.
……….
     Tiết lập đông, khí trời se lạnh nhưng khô hanh, lá bàng chuyển sang màu vàng nâu, ửng đỏ. Hai ông già như hai cây bàng già cô đơn, trong sân trường trống vắng, càng hiu quạnh hơn với phố phường nhộn nhịp, đông vui. Những “vật thể” phô trương ngồn ngộn, những tượng đài vô tri nhìn xuống dòng đời không cảm xúc. Những công trình công ích bị lạm dụng, cả lũ hân hoan hút cạn dòng máu nóng hổi rỉ ra từ “vật thể”. “Ông thấy ít ai quan tâm đến phi vật thể không? Giá trị lịch sữ, văn hóa, khoa học, tiếng nói, chữ viết, tác phẩm nghệ thuật, khoa học, ngữ văn, nghề thủ công, y dược học cổ truyền... Vì văn hoá không có máu!.
     Từ bệnh viện, những dây truyền, xilanh tái chế thành ống hút, thìa nhựa, hộp sữa chua… Thịt, cá, tôm, rau không còn sạch như xưa. Tội lắm ông ơi! Dân nghèo chỉ chết thôi. Những thằng có quyền hành, cố tình đui, “Đa kim ngân phá luật lệ” mất rồi.”
     Ông Sâm buông lời như sấm sét, lão Tâm giật nẩy mình. Người thông tuệ như ông, còn mù mờ với những thông tin sống chết như chơi, huống gì bà con quanh ông đầu tắt mặt tối, sớm hôm mưu sinh trong môi trường nhiễm độc, bể khổ đời người?
    Thiện ác không còn lằn ranh. Khái niệm tâm linh nhắm  vào lợi lộc, cầu vinh. Không quá khứ vị lai, lương tâm bị thui chột giữa bộn bề dối gian, ma mị.
     Cơn mưa rả rích buồn nẫu ruột. Bầu trời trắng đục màu sương. Con chim lẻ loi ẩn mình trong ngọn cây rậm lá, tiếng kêu chim chíp mơ hồ gợi lão Tâm nhớ về một thời không xa lắm, một làng quê...
…….
     Bà Tám – mẹ lão, khoan thai nhai trầu, đôi môi cắn chỉ, hai tay khoanh đầu gối, nhìn ra ngoài đồng mênh mông xanh màu lúa, chìm trong mưa giăng. Cơn mưa như rơi từng hạt, tiếng mưa rơi như nhặt như khoan, như gieo vào lòng người nỗi nhớ nhung không tên, không họ.
     Những con cá rô nhảy rồn rột, khi chiếc lờ được nhấc  lên. Màu xanh đen thân cá với hàng vi xoè đẹp mắt. Chiếc đủa tre vót nhọn, xuyên dọc. Mùi thơm toả ra trên bếp than rực lửa, chén nước mắm gừng với cơm lúa mới.
     Bà Tám vén cao ống quần, vác cuốc ra đồng, chiếc tơi lá không đủ che thân. Bà quay nhìn lão:”Mẹ bứt mấy cọng bông súng, về luộc con ăn. Nồi cá kho lá gừng treo trên giàn, ăn rồi đi học!”.
     Tiếng chim non chíp chíp đầu hồi, căn nhà tranh của hai mẹ con lão trơ vơ trên gò giữa đồng, dưới cây trâm già. Bà Tám không chồng mà chửa. Làng phạt vạ, may không cạo trọc bôi vôi. Bà tảo tần sớm hôm, nuôi lão nên người.
…….
     Lão Tâm nhẹ nhàng đi vào chỗ mẹ nằm. Bà Tám đã gần tám mươi, nhưng minh mẫn, da dẻ hồng hào. Lão quỳ xuống bên mẹ, cầm tay đưa lên môi hôn, giọt nước ứa ra từ khoé mắt bà. Mãi gần mười năm trở lại đây, lão khuyên mãi bà mới chịu ra thành phố sống với gia đình lão. Nhưng hình như bà không vui, bà chỉ thích sống với luống rau, vườn cà, con gà, con vịt… nơi quê nhà nghèo khổ của bà.

     Lão ngạc nhiên thấy mẹ lật gối, lấy thư mời của hội người cao tuổi. Có lẽ hội chuẩn bị làm lễ thượng thọ, nhưng không. Thư mời dự hội thảo của các chuyên gia nước ngoài về sức khoẻ của các cụ. Ơn trời, chưa chắc con cháu lo được thế này. Lão dìu mẹ dậy, chải tóc cho bà, chiếc áo lụa màu mỡ gà từ ngày mua về, bà chưa mặc lần nào. Lão sung sướng đi chầm chậm bên mẹ như thời còn thơ ấu, nhưng tâm trạng hân hoan, hãnh diện vì mẹ.
     Lướt qua danh sách các loại thuốc, thực phẩm chức năng dành cho người lớn tuổi. Toàn thuốc quý, nhưng mua một, tặng một. Lão Tâm nhẩm số tiền mang theo, cô phiên dịch nhanh nhẹn:”Bác chỉ cần ký vào, cháu sẽ giúp bác!”. Người đâu mà xinh đẹp và lịch sự quá thể!
     Cháu nội ôm túi thuốc, nhìn bà trìu mến:”Bà sướng nhé. Bà khoẻ hơn, cháu sẽ đưa bà về quê!”. Bà tiếc tiền,  nhưng lòng rộn rã niềm vui, vì sự hiếu thảo của con cháu.
     Cô mân mê từng hộp thuốc, bỗng tái mặt:“Thuốc quá date bố ơi!”, lão vội lấy kính, mặt nghệch ra. Lão Tâm dắt tay con gái ra ngoài hiên:”Đừng nói với bà con nhé!”. Ông vội bỏ vào thùng rác, may mà bà nặng tai không nghe.
     “Một lũ khốn nạn, đem ngôn từ bác ái, toa rập lừa đảo những kẻ bần cùng. Một lũ vô lương tâm, sâu mọt làm người, một lũ…”. Ông Sâm nghe qua giận dữ, tuôn ra những lời chửi rủa. Nhưng ông ngắt ngứ, không còn từ nào tệ hơn để diễn đạt sự uất ức trong ông.
……..
      Bà cụ Tám nghe thoảng thoảng mùi trầm hương, không gian vắng lặng. Thời khắc giao thừa mãi thiêng liêng đối với bà, năm mới sẽ mang lại hạnh phúc, lòng tin yêu, niềm hy vọng thái hoà. Những lo âu, phiền muộn, bất hạnh của gia đình bà, của nhân gian sẽ rời xa, tan chìm theo năm cũ.
     Bàn thờ không di ảnh, không biết ai đã sinh ra bà. Bà chỉ nhớ mơ hồ cô nhi viện H. với bóng dáng các dì phước nghiêm khắc, đã dày công nuôi dưỡng. Hơn mười tuổi, bà trốn ra ngoài lang thang đầu đường xó chợ. Sau hiệp định Genève, bước chân vô định đưa bà đến một miền quê lạ hoắc. Ngày làm thuê, đêm về ngủ góc miếu Thần hoàng. Một đêm mưa gió bão bùng, sét đánh tan hoang cây đa già bên miếu. Bà bị cưỡng hiếp, bỡi người đàn ông không rõ mặt. Lão ra đời từ đó.
     Gương mặt lão Tâm khôi ngô, người ta gọi lão là đứa con rơi của Thần hoàng. Những bà mẹ đôn hậu, đùm bọc mẹ con lão như những người thân máu mủ. Kỷ niệm thời ấu thơ, nơi bà cụ Tám nhận làm quê ngoại, vương vấn mãi trong lòng lão khôn nguôi.
      Trên mảng tường dọc phòng khách, lão Tâm treo bức tranh khổ lớn, phong cảnh đồng quê, hai con trâu nhởn nhơ gặm cỏ. Xa xa, đàn cò trắng tung cánh la đà, hàng cau trước căn nhà tranh đơn sơ, đổ bóng mỏng manh theo ánh nắng ráng đỏ còn sót lại của hoàng hôn. Lão Tâm nhờ hoạ sĩ vẽ thêm cây trâm già, bầy gà để mẹ nhìn đở nhớ.
……..
     Năm Đinh Dậu sắp qua. Mùa xuân chỉ gieo vào lòng lão nỗi bất an. Tết Mậu Thân năm nào đã ghi đấu ấn tang thương trong lòng lão. Năm Đinh Dậu - 157 các châu quận Cửu Chân và Nhật Nam khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Chu Đạt, đánh chiếm các thành ấp, làm tan rã chính quyền đô hộ của nhà Hán. Năm Đinh Dậu – 1837, vua Minh Mạng sai người đóng 10 bài gỗ trên đảo Hoàng Sa, đổi tên nước ta là Đại Nam. Quyết giữ toàn vẹn giang sơn cha ông để lại.
     Lão nhớ năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền giết tên nội phản Kiều Công Tiễn và đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Khởi nghĩa Lam Sơn, năm Mậu Tuất (1418), quân Minh đánh úp, Lê Lợi rút quân về Chí Linh. Quân Minh cướp các loại sách quí, ngà voi, đồi mồi, trầm hương, vàng, bạc... mang về.
     Thật hiếm triều đại nào có chính sách dùng người cởi mở, bao dung như thời kỳ nhà Mạc, không chỉ dám dùng người cựu triều thù địch, nhà Mạc còn trọng dụng cả những người từng theo địch trở về.
     Chính sách dùng người của nhà Mạc còn được đời sau ca ngợi. Sách "Vũ trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ cuối thời Lê trung hưng ghi: "cái đức chính của thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ) và Đại Chính (niên hiệu của Mạc Thái Tông) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết...”.
     Tiếng chuông nhà thờ ngân vang trong đêm trừ tịch. Lão Tâm đã sống trọn một lục thập hoa giáp. Lão sẽ bắt đầu chu kỳ mới, nhưng nhân tâm suy đồi, bạo lực man trá lên ngôi đều do sự giáo dục lệch hướng mà ra, lòng lão u uẩn. Chính lão cũng thờ ơ, khiếp nhược, cam phận cho cuộc sống riêng mình, lão đang sám hối trước vong linh tiên tổ. Ngước nhìn những vì sao long lanh trên bầu trời xanh thăm thẳm, lão thành kính cầu mong năm Mậu Tuất, mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

TRUYỀN THUYẾT

      Anh vừa lúi húi mang giày vừa gọi:”-Vào đây! Mình vừa đọc về Trọng Thuỷ - Mỵ Châu. Chuyện Mỵ Châu bứt lông ngỗng trên chiếc áo của mình, rải chỉ đường cho Trọng Thuỷ đuổi theo. Lông ngỗng nhẹ hều, lông bay theo gió mất hút còn đâu… chừ mình mới thấy, cũng lạ!”. Anh vừa nói vừa cười, nụ cười “thàng hậu” hết sức.

     Có những điều tưởng tượng kì ảo, các nhân vật, sự kiện liên quan đến lịch sử đã tồn tại trong văn học dân gian và không thể đổi thay, đã trở thành truyền thuyết.
      Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ “Ta vốn là con cháu thủy thần, nàng thuộc loài tiên, nước lửa khắc nhau, không thể kết hợp lâu dài được. Vậy xin chia tay để giữ lấy dòng giống. Nàng nên đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển, cùng nhau khai cơ mở nghiệp, tạo thế cho con cái và dân chúng dài lâu”.
     Yết Kiêu với biệt tài thuỷ chiến, giúp nhà Trần chống Nguyên Mông. Một hôm thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, ông dùng đòn gánh phang, cả hai con trâu chạy biến xuống nước. Ông mới biết hai con trâu mình vừa đánh là trâu thần, sờ lại đầu đòn gánh thì thấy còn dính vài cọng lông, ông liền nuốt lấy, từ đó mà ông bơi lặn giỏi. Ông lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất.
     Nguyễn Trãi sai người lấy mỡ viết vào lá cây rừng:”Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Côn trùng khoét thành chữ, lá trôi theo dòng nước, phân tán khắp nơi. Ai cũng cho là ý trời nên kéo nhau về Lam Sơn tụ nghĩa.
     Lê Thận quăng chài được mảnh sắt. Lê Lợi thấy chữ “Thuận thiên”“Lợi”. Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi thành gươm thần. Hoàng hậu ra vườn nhặt được quả ấn báu cũng có chữ “Thuận thiên” cùng chữ “Lợi”. Khi đã lên ngôi, Lê Thái Tổ cùng quần thần ra hồ Tả Vọng ngoạn cảnh. Ông rùa nổi lên xin vua hoàn gươm cho Long Quân. Từ đó hồ Tả Vọng mang tên hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. (Lam Sơn thực lục – Nguyễn Trãi).
     Trong "Tây Sơn lược thuật", người ta miêu tả Nguyễn Huệ "Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...".
     Tương truyền, trước khi ra quân đánh quân Thanh, tại lễ đăng quang ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập kế để động viên quân sĩ. Sau lúc làm lễ, Quang Trung sai mang đến cái mâm, trên để các đồng tiền, có phủ vải điều, rồi tuyên bố với quân sĩ:
“Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.”
    Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, bưng mâm tiền, cung kính dâng cao, rồi hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra bắc sẽ thắng quân Thanh. Kỳ thực, Nguyễn Huệ đã sai đúc 200 đồng tiền có cả hai mặt đều là mặt sấp.
……..
     Không khơi dậy lòng ái quốc với ngôn từ yêu thương, trung nghĩa, đạo học của thánh hiền. Không noi theo những tấm gương sáng chói, hy sinh vì quyền lợi dân tộc. Không  tự hào vì  sự vẹn toàn giang sơn gấm vóc của cha ông, mà bằng sự dối trá, bạo lực, lý tưởng hảo huyền. Chỉ lo vun đắp cho mình, cho mộng bá đồ vương.
     Tâm hình dung những người dân tội nghiệp dễ tin lời ma mị, đã đem thân làm bia đở đạn cho bao cuộc chiến cốt nhục tương tàn.     
     Đôi khi “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Nhưng dù mục đích nào, thân phận nhỏ bé của của người dân vẫn đáng thương. Mê muội và áp bức dẫn đến sự cam chịu và dìm chết niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng, khiến họ tin vào thần thánh hơn ở lòng người. Người người sống trong hoài niệm, những khung trời  thanh bình ngày cũ, vụt sáng như sao băng để rồi ngụp lặn trong thăm thẳm của đêm truờng tăm tối.
     Thời xưa, các triều đại dần hồi suy vong do sự thối nát  của giai cấp thống trị (cha truyền con nối). Sĩ phu thờ ơ thời cuộc, văn hoá suy đồi. Đời sống người dân cơ cực sưu thuế tăng cao, thiên tai đói kém khiến họ phải lưu vong. Cường hào ác bá  tha hồ o ép chiếm đoạt ruộng đất, khiến lòng người mất niềm tin.
     Gần trăm năm trước, cụ Phan Chu Trinh đã chủ trương:“Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”.
     Cụ viết: “Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường...
… Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan, biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm sao thì làm mà mình không hành động, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường”.
   

     Anh vỗ vai làm Tâm giật mình. Thời đại cả thế giới vo tròn trong lòng bàn tay, thông tin được cập nhật và phổ biến nhanh chóng toàn cầu, chuyện hoang đường mang lời phủ dụ của thần thánh, ru ngủ những tâm hồn đôn hậu lương thiện, sẽ không còn đất sống. Tâm nhìn lên màng hình, trang https://vi.wikipedia.org/wiki/ đang chờ:[sửa|sửa mã nguồn] về truyền thuyết “Dân làm chủ - Đất đai là sở hữu của toàn dân”.

CHỊ EM

     Chị Thắm không nhìn em, vỗ vai Thịnh nhè nhẹ. Chị quay lưng chậm rãi bước vào khu vực cách ly. Anh nhìn theo bóng dáng chị gầy gò, mái tóc bạc trắng nhấp nhô trong dòng người, rồi khuất hẳn. Lòng anh nhói lên niềm thương cảm vô bờ.
     Ngày đón chị sang, sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta chìm trong sương mù, miền Đông Nam Hoa Kỳ mang khí hậu bán nhiệt đới dễ chịu, Thịnh chị đưa về nhà.
………
      Mẹ mất sớm khi Thịnh mới lên năm, chị cả Nhu đôn hậu như tên chị, nhưng nghiêm khắc giống tính bố, thay mẹ chăm sóc các em. Gà con không mẹ nên chị Thắm ý thức tự lập từ sớm, đôi lúc chị giận dỗi chị cả Nhu vì xem chị trẻ con như cu Thịnh.
     Cụ phó bảng làng Lương được bổ làm đốc học Nam Định, việc quan bận tíu tít, năm chị em được giao cho bõ An, người đầy tớ già trung hậu nhưng hay lú lẫn.
     Chỉ nhìn tia mắt không bằng lòng của chị cả Nhu, Thịnh đã ríu ríu buông ngay trò nghịch ngợm, chạy ù vào bàn học. Ngày bé, Thịnh nhớ mẹ thường chui vào góc lõm cây rơm sau nhà, rưng rức khóc. Chị Thắm chạy quanh tìm em, ôm Thịnh vào lòng dỗ dành, nhưng nước mắt chị cũng rơi. Chị Thắm ít nói, chăm sóc cho Thịnh từ miếng ăn giấc ngủ, học hành. Chị còn nghiêm hơn thầy giám thị ở trường.
………
      Cụ phó bảng làng Lương bị khép tội làm quốc sự, chống Pháp. Cụ bị bắt và chết trong tù.
      Hiệp định đình chiến chia đôi đất nước. Ngày di cư vào Nam chỉ có năm chị em, chị Thắm dắt Thịnh chạy theo đoàn người xuống Kiến An, Hải Phòng. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, đến Vũng Tàu chị cả Nhu đưa các em theo xe về Hố Nai, Biên Hoà và định cư tại đấy. Nhờ giáo xứ bảo bọc, năm chị em được học hành tử tế.
     Khi Thịnh xong tiểu học, chị Thắm lập gia đình, theo chồng về Saigon. Chị cả Nhu cứ ở vậy, khi các em đã trưởng thành chị từ bỏ mọi sự, rẽ vào con đường dâng hiến, dấn thân theo tiếng gọi yêu thương của Giêsu. Chị được đính hôn và kết ước với Đấng Tình Quân để thuộc trọn về Chúa. Từng lời bài hát “Khúc ca ngày tận hiến” reo lên niềm vui, thiêng liêng và làm xao xuyến tâm hồn Thịnh. Chị cả Nhu cũng là Mẹ.
     Sau hai mươi năm rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, một lần nữa soeur Maria Nguyễn Thanh Nhu đành xa quê hương, theo dòng Mến Thánh Giá di tản sang Hoa Kỳ. Sau đó mười năm, Thịnh vượt biên cũng sang đất Mỹ.
……
     Hai chị em ngỡ ngàng nhìn nhau, đôi mục kỉnh như muốn rời sống mũi, Soeur Nhu ôm chầm lấy em. Chị Thắm không nói một lời, nhưng đôi mắt long lanh ngấn nước. Gần năm mươi năm rồi còn gì, hai người đã qua ngưỡng tám mươi. Sự trùng phùng dù đã được chuẩn bị nhiều năm, nhưng sau lần này có khi chị không còn gặp lại Soeur Nhu.
     Chị Thắm suốt một đời, theo nghề giáo của cha. Nề nếp gia phong, tôn ty trật tự đối với chị là kim chỉ nam trong cuộc sống.
     Thịnh xúc động đăm đăm nhìn hai chị. Tận trong sâu thẳm tâm hồn, chị Thắm vẫn buồn lòng vì từng ấy năm Soeur Nhu không về thăm quê cha đất tổ, mộ phần bố mẹ. Riêng Thịnh vài ba năm dành dụm chút đỉnh lại về. Sợi dây yêu thương gắn bó hai chị em từ bé, cứ khắng khít mãi không rời, đến nỗi chị Thắm biết rành từng món ăn, nết ở của Thịnh. Mỗi lần về muốn đi đâu, không báo chị biết, chị dỗi Thịnh ngay và không thèm nói một lời! Ông già Thịnh gần bảy mươi, chị vẫn xem như cu Thịnh ngày nào.
-         - Soeur về chứ?
-         - Không, không đời nào!
     Chị Thắm nghe đắng ngắt trong lòng, chị vào phòng khẽ khàng khép cửa. Soeur Nhu đoán thầm chị thấm mệt, có lẽ hành trình dài lê thê và chưa hợp khí hậu nơi này. Nhưng không, chị chỉ lặng lẽ buồn. Hơn nữa đời người, chị em mới gặp lại nhau và chỉ hai câu nói ấy thôi ư?
     Thịnh ngồi bên chị, ánh đèn ngoài hiên hắt tia sáng trắng vẽ lên tường sơn màu tím nhạt bóng những chiếc lá đong đưa, như bàn tay vẫy gọi. Thịnh an ủi chị, bất ngờ chị Thắm nói nhẹ nhàng nhưng nghe ra như mắng:”- Cậu không cần dạy khôn tôi!”. Chị xoay mặt vào trong, Thịnh nghe như sự thổn thức, nỗi buồn tự lòng chị ùa vào tâm hồn anh.
……..


     Chị Thắm không nhìn em, vỗ vai Thịnh nhè nhẹ. Chị quay lưng chậm rãi bước vào khu vực cách ly. Anh nhìn theo bóng dáng chị gầy gò, mái tóc bạc thoáng nhấp nhô trong dòng người, rồi khuất hẳn. Lòng anh nhói lên niềm thương cảm vô bờ.

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

(Kính nhớ các Thầy & Cô) Ngày ấy (1961) trường bán công Nguyễn Duy Hiệu do thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám học. N...