Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

ÔNG BỐ - BÀ CHIỂU

    Chị Ba xếp gọn mấy bó rau, gánh ra chợ. Rau muống xanh um nhưng cộng gầy guộc, nhìn không bắt mắt.
     Ruộng rau trước nhà chị nay đã bạc màu, ngày anh Ba còn sống, cả chị, rau và đàn con cũng tươi tốt theo anh.
     Thằng Đặng chở bao phân NPK về đến sân, xô ngã cả xe. Hắn bực mình, nhăn nhó với mẹ:”- Má coi nhà ông Rân kìa, cứ nhớt thải pha nước rửa chén trộn thuốc trừ sâu đổ tràn, vậy mà rau muống cộng nào cộng nấy mập ù, xanh mướt. Có tốn tiền mua phân như mẹ đâu?”.
     Chị Ba thở dài, nhìn con rồi nhỏ nhẹ:”- Mình trồng mình không dám ăn, bán cho ai hở con? Thất đức lắm”.    
     Thằng Đặng nhìn bộ áo quần cũ rích của mẹ, mắt rơm rớm. Gian trá lại mau giàu, ngay thẳng như mẹ lại đói.
     Nhưng rau muống nhà chị dù không “mập ú” như của người ta nhưng dòn, cắt không đủ bán. Quán lẩu vịt nấu chao nhà tám Dụng bao tiêu “sản phẩm”. Ăn lẩu này chỉ dùng rau muống. Thịt vịt chặt miếng cỡ ba ngón tay, ướp chao đỏ với gừng, cho vào chảo dầu đang sôi với khoai môn sọ, thịt vừa săn thêm nước và gia vị. Khi vừa chín tới vớt thịt, khoai ra. Nước dùng cho lẩu, nước thấm vào cộng rau đậm đà, ăn ngậm mà nghe. Nhưng anh em thằng Đặng chưa bao giờ biết món lẩu vịt nấu chao là gì.
     Anh Ba bị đâm chết vì ra tay nghĩa hiệp. “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, thời Lục Vân Tiên “kiến ngãi bất vi vô dũng dã” còn có người tiếp tay dẹp bọn lâu la. Anh Ba cô thế chết gục bởi lưỡi dao oan nghiệt cùng với những đôi mắt vô cảm, vô hồn. Người dân lành chỉ biết cô đơn tự vệ, có khi bị no đòn, tan trận cướp bóc mới xuất hiện ông cò, ông hương quản.
     Mẹ con chị Ba đành nín nhịn. Nếu anh Ba có súng, chưa chắc anh Ba đã chết. Thằng Đặng thề sẽ trả thù, phải gì như bên Mỹ, hắn sẽ mua khẩu súng. Nghe qua tưởng như xã hội Mỹ loạn lắm, nhưng nhờ vậy mà lũ khốn nạn dè chừng, biết lễ độ, nhân phẩm được tôn trọng. Giáo dục góp công vũ khí góp của, bọn đầu trộm đuôi cướp không dám manh động. Thời nay, đất nước ngàn năm văn hiến phải tự cứu lấy mình.
     Đêm nằm nhớ chồng, chị rơi nước mắt. Trăng đêm nay lung linh huyền ảo, tuổi thơ chị gắn liền với mảnh đất này.
Vùng Bình Mỹ - Củ Chi kênh rạch ngang dọc, những bến đò ngang, cây cầu đơn sơ lắc lẻo. Con đường đất đỏ băng qua phà Rạch Tra, cầu Chu Cua, Ông Huyện, Mười Lến, Bình Thuận, Thi Đua, Bà Đội, Cây Điệp… phà Phú Cường, đến Thủ Dầu Một – Bình Dương.
     Rừng cây mọc hoang xanh ngắt chạm ngọn, che mát con kênh sau nhà chị. Những đám bạc hà vươn cao cộng lá, hành ngò, rau thơm, rau diếp… đàn cá rô, cá lóc tung tăng yên bình, nguồn sống vô tận của gia đình chị cũng như bà con đã bao đời. Thời chiến tranh, đạn bom nổ cái “ùynh” nhưng môi sinh không nhiễm độc, bây giờ thỉnh thoảng cá tôm chết nổi lên mặt kênh trắng phớ. Đường sá rộng mở, những chiếc xuồng ngược xuôi sông nước từ Bình Mỹ về tận Mộc Hoá, Bình Dương ngược lên Trảng Bàng, xuôi về Hóc Môn, Saigon… ngày nào chỉ còn là hoài niệm. Ánh sáng đô thị mang đến lợi lộc cho loài phù du, đàn mối ăn đèn choáng ngợp rồi rẩy chết trong mê muội.
     Văn minh nửa vời như kiểu trưởng giả học làm sang, không thấy sự kệch cởm còn vênh váo dạy đời, quên mất cội nguồn dân tộc, truyền thống đạo đức Á Đông bao đời của cha ông.
     Thằng Đặng mấy ngày nay sốt li bì, con Mỵ chống cằm,  ngồi nhìn anh mắt rưng rưng, Đặng đã uống mấy liều thuốc tây, không thấy thuyên giảm chút nào. Mỵ đứng bật dậy, le te chạy ra mảnh vườn nhỏ bên bờ kênh, quơ vội lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, lá gừng, cây cứt lợn, lá nghệ, hương nhu…
     Nồi lá xông thơm ngát, con bé mười tuổi khệ nệ bưng  lên cho anh. Nồi nhôm đã cũ sứt quai gãy ngang, hai chân em hứng trọn nồi nước đang nghi ngút khói, những chiếc lá chín sẩm màu, tung toé trên nền đất ngơ ngác nhìn em đang khóc thét lên vì bỏng.
     Chị Ba như điên như dại, cõng con trên lưng chạy ra trạm xá, thằng Đặng mặt đỏ ửng hớt ha hớt hải chạy theo sau. Cô y tá vội cho vòi nước lạnh chảy tràn lên đôi chân, rồi lấy kéo rạch dọc hai ống quần mới mua của con Mỵ. Thằng Đặng ngồi thở dốc, mắt dại đi…
      Nghe nói chuyển lên khoa bỏng của bệnh viện thành phố, chị Ba hoảng hồn. Không phải hoảng hồn vì con Mỵ phỏng nước sôi, mà hoảng vì không tiền đóng viện phí. Bà hai Căn mới đưa về nhà đó, nằm chờ chết vì không có tiền.
     Thằng Đặng mê tiếng đàn bầu của thầy Hớn Nghĩa. Tiếng đàn sao lạ quá, nghe như quặn thắt ruột gan. 
Đàn bầu ai gảy thì nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu
(Ca dao)
     Tiếng độc huyền cầm nhấn nha buông lơi, nhưng dội vào lòng thằng Đặng những nỗi buồn man mác. Thầy Hớn Nghĩa rành chuyện đời xưa, thầy kể:
     “Tên cầu toàn là “Bà”, như cầu Bà Hồng, Bà Năm ở Nhị Bình, cầu Bà Hai, Bà Hên, Bà Bếp ở Bình Mỹ. Tên Ông thì ít à nghen, chỉ có cầu ông Đành, cầu Ông Thìn ở Bình Dương và cầu Ông Bố ở Lái Thiêu. Cầu Ông Bố nằm trên hương lộ từ Lái Thiêu đi Thủ Đức, Khi chưa có cầu, rừng Cò Mi xanh um, những ông Ba Mươi (cọp) nhởn nhơ  bên  dòng suối trong xanh, róc rách. Nghĩa trang Gò Cát (nay là Bệnh Viện Quốc Tế Miền Đông) quạnh hiu…
     Ông Bố vốn là quý tử nhà Hương Chanh, giàu có bậc nhất ở Lái Thiêu, ruộng vườn bạt ngàn cây trái. Một ngày, ông Bố cưỡi ngựa ngao du sang vùng Gia Định gặp bà Chiểu. Trai tài gái sắc, mới gặp nhau đã bén duyên đời, Bà Chiểu con nhà gia thế, trâm anh nhưng đam mê thơ phú, cả hai đều yêu quê hương tha thiết và không màng danh lợi. Mê say tiếng đàn bầu, hoà cùng tiếng gọi bi thiết của chim quốc quốc kêu sương. Kiếp người là cuộc rong chơi, mộng bá đồ vương, sang giàu như phấn thổ, tựa giấc Nam Kha.
     Lời thề sắt son dành cho nhau của hai ông bà là phải làm gì để lại công ích cho đời, dù tình duyên trắc trở như Ngưu Lang – Chức Nữ hay kẻ mất người còn. Ông Bố quay về Lái Thiêu xây cây cầu cho bá tánh thuận đường xuôi ngược, Bà Chiểu dâng cúng gia sản để xây chùa, lập chợ để thiên hạ mưu sinh, hướng thiện.”

     Thằng Đặng lắng nghe say mê, tự dặn lòng mình dù nghèo cũng sống sao cho phải đạo làm người. Hắn đâu biết thầy Hớn Nghĩa “phịa” ra để dạy đời và an ủi hắn. Thật ra, theo nhà văn Sơn Nam, tên Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ nơi vùng đất linh thiêng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...