Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

KHÔNG CHÂN KHÔNG



      Ông Hâm quay sang Nhị Nguyên:”- Có khi hắn điên!”. Hắn đây là lão Tam, trong mắt ông Hâm, những gì liên quan đến “Tam” đều đáng tin cậy, nhưng đừng tam sao thất bổn…
     Lão Nhị Nguyên không tán đồng cũng không phản đối, kiểu không gù, không gật có khi lại đắc nhân tâm. Chỉ cần phán đoán “có khi”, có khi lại chết người.
     Nhà triết học người Đức: Immanuel Kant cho rằng nhận thức của con người chỉ biết được hiện tượng bề ngoài, không thể thâm nhập, phán xét được gì về sự tồn tại, vào bản chất đích thực của sự vật. Trong nhận thức cần hạn chế “vòng kim cô” của lý tính để dành cho đức tin và Kant đã đi đến thuyết “bất khả tri”.
     Lão Tam chán thế sự đã đành, lão chán ngấy ông Hâm. Chuyện gì cũng cho là biết, chuyện gì ổng cũng làm thầy thiên hạ. Chán nhưng vẫn là bạn của nhau, vẫn cố “tương kính như tân” để giữ hoà khí, nhưng đôi khi giận hờn nhau tưởng chừng không thể hàn gắn được.
     Cuộc đời của mỗi người như ba chi lưu từ một dòng sông. Địa thế hiểm trở, khiến thân phận ông Hâm uốn mình qua bao thác ghềnh, đồi nương. Có lúc êm ái xuôi về đồng bằng, rồi tách ra trăm dòng nhập vào biển cả. Đang học giữa chừng, lão nhảy ra đăng lính. Sắc lính nào kiêu hùng lão cũng thử, chiến trường nào ác liệt lão đào ngũ. Có lúc lão bị tóm cho ra lao công chiến trường (LCĐB).
     Lão Hâm phân bua lão không hèn nhát, nhưng lão không thích chiến tranh, lão không thích bị nướng. Cái chảo gang to đùng, những con kiến thế hệ lão bò quanh, thỉnh thoảng chạm râu vào nhau để ngậm ngùi thân phận, không biết chảo bị đốt nóng lúc nào, cũng không hề biết ai đun củi vào lò.
     Trong một lần hành quân, lão đi theo tải đạn. Những trái đạn vàng ối phản chiếu tia nắng mặt trời, dội vào mắt lão nổ đom đóm, lão thấy những tia hào quang chói lọi mang hình lưỡi hái của tử thần. Tiếng hô xung phong đột ngột vang lên trong đêm khiến lão bủn rủn chân tay, lão hoảng hồn lùi dần về phía sau. Không biết viên đạn từ đâu, lão bị thương, cắt cụt một chân. Cha mẹ lão tạ ơn trời phật, kiểu “Tái ông thất mã”, hân hoan đãi tiệc mừng lão hồi cư.
     Hoàn cảnh lão Nhị Nguyên lại khác, sinh ra và lớn lên ở vùng đất nửa xôi nửa đậu, cha ông đã mấy đời làm cách mạng, mong chấn hưng đạo đức suy đồi, quốc thái dân an. Chưa đủ lớn, lão đã nhảy rừng, ba phen bốn bận tưởng chừng mất xác.  May nhờ âm đức, ngày hoà bình lão về làng vinh quy bái tổ.
     Cái tên Nhị Nguyên cha mẹ đặt, lại gây khốn đốn cho lão. Bề trên suy luận, Nhị Nguyên nghĩa là hai mang khó xài, nên nói gì đến chuyện lão được tin cậy. Thuyết Nhị Nguyên xem vật chất và tinh thần là nguồn gốc của thế giới, nhưng không ai biết cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào. Từ đó, lão đâm ra bất mãn ngấm ngầm, nhụt ý chí, chỉ nghe mà tịnh khẩu.
     Càng già, lão Nhị Nguyên cực đoan hết chỗ nói. Những triết thuyết hổ lốn xâm thực sâu dần thành hoang tưởng. Sự hoang tưởng khiến lão mụ mị mê tín, bám víu vào đồng bóng vì mất đức tin. Nhưng những gì đã nhập vào tâm trí lão là chân lý, là kinh điển.
     Một ngày lão sực tỉnh, ôm mối “vạn cổ sầu”: Sinh lão bệnh tử, thời gian như cánh chim bay, ân oán biệt ly, danh lợi như giấc Nam Kha, sang hèn giàu nghèo, dân tình khốn khổ, non nước đảo điên… Lão kháng cự lý thuyết cách tân, sự văn minh chỉ làm hư hỏng tinh hoa dân tộc. Lão tôn sùng nền văn hóa của các dân tộc miền ngược, truyền thống lâu đời từ cách ăn mặc đến sinh hoạt cộng đồng, mang sắc thái nhân bản rõ nét. Nhìn lại thấy mình lố lăng quá cỡ, lão đâm ra tự thẹn.
     Lão Tam thuộc dòng dõi con nhà danh gia vọng tộc, khoa bảng. Ông nội từng làm Thượng thư triều Nguyễn. Khi Bảo Đại thoái vị, cụ giũ áo từ quan, mang theo chút ít gia sản lên thượng nguồn lập chùa, thí phát quy y. Cha lão  xưa kia từng làm quan ngự y, hiệu thuốc Bắc: An Nhiên Đường lừng lẫy, phát đạt một thời ở kinh thành Huế. Lão Tam xuất thân từ trường Thiên Hựu (Institut de la Providence – sau đổi tên thành trường Đại học Khoa học Huế) danh giá. Nhưng số lão không có ơn thiên triệu, xong Bac II (tú tài) lão vào Saigon theo học Văn Khoa. Đời nhà giáo thanh bần nhưng mang danh trí thức, lão bị liệt vào thành phần gia đình quan lại, trí thức tiểu tư sản.
     Ông Hâm thấy đầu óc lão Tam lơ mơ, cho rằng lão uống nhầm thuốc. Ông gãi gãi cùi chân cụt, ngước nhìn lão Tam:”- Tôi thấy ông đang sống trên mây! Gió chiều nào ngã theo chiều ấy cho an vui cuộc sống. Thời nào không có kẻ sầu đời hoài cổ… Tôi thuê thợ xây tượng đài cho phần chân bị cắt, nhờ nó tôi được sống…”.
     Lão Tam lẩm bẩm:”- Sự đảo ngược chính là sự dịch chuyển của đạo, Thái cực tạo ra âm dương, khi dương cực đại chuyển hóa thành tĩnh. Trên nền tĩnh tại, thái cực tạo ra âm. Khi âm cực đại chuyển hóa thành động. Sự tuần hoàn của động và tĩnh là nguồn gốc của nhau. Từ sự chuyển hóa của dương và sự kết hợp của âm sinh ra ngũ hành, tương sinh tương khắc…”.
     Ông Hâm trố mắt, với tầm hiểu biết “thờ chân cụt” làm sao có thể hiểu lão Tam nói gì. Lão Nhị Nguyên lại gật gù.   
     Chính nhờ không được tin cậy nên lão được đi học, càng có tri thức lão ngộ ra nhiều điều trái ngược hẵn với mớ lý thuyết, một thời mê muội.
     Bất kỳ quan niệm sống nào không dựa vào nền tảng đạo đức lâu đời của cha ông đều bị lệch lạc. Người có trí nhưng không có đức là kẻ ác, sự lợi dụng dân trí thấp kém để mưu toan lừa lọc, hại nước hại dân đáng đem tùng xẻo.

      Nhớ thời gia cảnh nghèo rớt mồng tơi, hơn sáu mươi năm về trước. Ông thân sinh của Nhị Nguyên làm tá điền cho gia đình cậu Tam, lãnh thêm bầy trâu năm con về “nuôi rẽ”, trâu sinh nghé được chia đôi. Năm Ất Dậu, nạn đói hoành hành, nông dân làm ra hạt lúa mà không có gạo ăn, cả ba trâu nái nhà Nhị Nguyên đẻ cùng một lượt. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”,  nhưng tuồn ra thằng cu. Ông xin quan Thượng thư ban cho cái tên: Nhị Nguyên ra đời từ đó.
     Thời ấu thơ lam lũ, Nhị Nguyên vui cùng bầy trâu suốt ngày lêu lổng, nhưng vốn tính hiền lành được cả nhà quan Thượng thương mến, bảo bọc cho đi học cùng cậu Tam. Gần xong tiểu học, đất nước chia đôi, cha tập kết ra Bắc, mẹ con Nhị Nguyên được quan Ngự y thương tình đem về phụ giúp việc nhà. Nhị Nguyên được ăn trắng mặc trơn phổng phao ra dáng công tử. Lạ đời, so với cậu Tam èo uột như thầy với tớ.
     Đầu thập niên 60, miền quê nghèo đượm tình làng nghĩa xóm không còn bình yên, Nhị Nguyên lên rừng. Một đêm gần sáng, Nhị Nguyên dẫn  quân giải phóng về làng xử tử hình ông thôn trưởng, giết luôn cả người em đang bắt cá ngoài đồng, hốt hoảng chạy về vì nghe tiếng súng. Gia đình cậu Tam lật đật dọn ra thành phố, bỏ cả cơ ngơi nhà ngói ruộng vườn…
     Ngày hòa bình, không nhờ Nhị Nguyên cản ngăn thì ân thành oán. Người tá điền đã quên tình cũ nghĩa xưa, chỉ còn đọng lại trong đầu nỗi căm thù giai cấp. Tuy tha, nhưng tài sản hiệu thuốc Bắc: An Nhiên Đường của quan Ngự y bị sung công, cậu Tam đưa gia đình lên thượng nguồn nương nhờ cửa Phật, ngôi chùa do cụ Thượng lập nên và quy y trước đó, nay đã viên tịch.
     Thời thế đã đổi ngôi, chủ thành tớ thằng lên ông. Dân Tây học, nhưng cậu Tam rành hán nôm, kinh kệ hơn chữ quốc ngữ. Cậu nghiền ngẫm “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” sao mà thấy mình như “Tỉnh để chi oa”(Ếch ngồi đáy giếng)…

     Nhị Nguyên được chuyển ngành về nông trường dứa. Anh mang ba-lô đi tìm cậu Tam, vùng đồi núi nhấp nhô đưa  anh đến ngôi chùa nằm lặng im dưới chân ngọn  Lam-Heo, Thường Đức. Những con đường mòn một thời khói lửa, rừng nguyên sinh Phước Sơn đã xóa dấu chân người, tiếng chim lảnh lót phá tan không gian tịch mịch của rừng thiêng núi thẵm.
      Quan Ngự y tiên ông đạo cốt, râu tóc bạc phơ như cước. Vơ chồng cậu Tam và bốn đứa con lại lam lũ, từ quần áo  đến nếp sinh hoạt mưu sinh theo dân tộc Cơ-Tu, Xơ-Đăng… nhưng được ông nội dạy dỗ cẩn thận: Văn chương và đạo lý làm người, bên cạnh các môn khoa học kỷ thuật và ngoại ngữ từ cha mẹ chúng. Không đứa nào có khai sinh, nói gì đến học bạ và bằng cấp.
     Nhị Nguyên đưa hai cha con cậu Tam về thành phố. Tất cả đã đổi thay, những tà áo dài trắng thướt tha rộn rã tiếng cười, bừng sáng cả cổng trường ngày nào, kể cả chiếc áo dài màu mỡ gà đã cũ của các dì, các cô gánh hàng rong đã biến mất. Nhị Nguyên  xin cho cậu Tam làm công nhân ở công trường dứa, chạy chọt cho cháu Tam Tòng vào trường dạng “bổ túc công nông” của nông trường như thập niên 60 ngoài Bắc. Nhưng với trình độ của cháu, không thầy cô nào dạy nổi, nên đành cho cháu làm công nhân.

     Sóng dội vào vách đá dưới chân đèo Hải Vân tung bọt  trắng xóa, mưa phùn rỉ rả kèm theo gió bấc len vào lạnh buốt thịt da. Ngoài khơi xa, chiếc tàu xám đen đang lầm lũi hải hành, in trên nền chân trời trắng xóa chấm đen cô đơn như thân phận Tam Tòng.
     “Năm Bính Ngọ (1306) vùng đất có đèo Hải Vân thuộc hai châu Ô, Rí của vương quốc Champa. Sau khi vua Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần vào năm 1306, Đèo Hải Vân trở thành ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Phía bắc giáp chân núi có Hang Dơi, gọi là bãi Tiêu, thuyền qua đó hay bị lật chìm:
Đường bộ thì sợ Hải Vân
Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi
     Từ đó, vua Trần cho xây dựng cửa ải gọi là Hải Vân quan. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) sai trùng tu. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ: “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề:”Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
     Tam Tòng leo dần lên cửa ải hoang phế, mây trắng bay ngang đầu, rơi những hạt nước long lanh trên ngàn cây nội cỏ, trên tớc em bay. Trông về dãy núi xa xa, Sơn Trà như con sư tử già bờm dựng ngược, nhìn về Hải Vân quan ngậm ngùi cho sứ mệnh thiêng liêng phòng thủ sơn hà.
    Đêm kia, Tam Tòng lang thang trên bãi biển Thanh Khê. Nhìn ra vịnh Đà Nẵng, biển phẳng lặng ánh lên màu mù sương đêm không trăng sao. Em bị khống chế lên tàu vượt biên…

     Ông Hâm đưa cây “tó” mòn đế cao su lên trời:”- Tui đâm ra sợ người, cái thằng người hôm kia còn cười giả lả với mình, sáng nay nó trừng mắt. Tui chống tó quay lui, hắn còn muốn đạp!”.
     Quan Ngự y đã quy tiên, ngôi chùa dưới chân núi được các sư thầy về tiếp quản. Tứ Đức – em gái Tam Tòng đưa cha mẹ sang Mỹ định cư. Lão Nhị Nguyên gật gù:”- Nhân tâm, nhân tâm… Thiện tai, Thiện tai. Không thành danh cũng thành nhân!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...