Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

THIÊN DI



     Cô Hương lắc đầu, cô không thể ngờ người cô từng xem như vầng thái dương của đời cô, lại như vậy. Người ta “đo ni đóng giày”, ông làm ngược lại. Ông uốn éo tấm thân phì nộn trườn qua mọi ngóc ngách như lươn, đôi lúc trầy vi tróc vảy, chỉ có cô mới hiểu được nội tình.
      Có đôi lần trong cơn hưng phấn lúc ái ân, ông thì thầm bên tai những lời như gợi ý ai đó muốn làm tình với cô. Lạ thật, cô lại sướng ngất lên, buông mình theo cơn mê ngẫu hứng. Sự đồng lõa đi vào giấc ngủ, sự thăng tiến của ông trên đường hoạn lộ lại nhiều cơ may thuận lợi.
     Phùng – Nghệ sĩ, búng bốn ngón tay, thanh âm đồ, mi, fa, sol… như gieo vào lòng cô Hương dòng suối mát ngất ngây. Ly rượu mạnh khiến cô bừng hồng đôi má, cuộn lên nỗi rạo rực khó tả. Dáng người thanh tú, lịch lãm và tài hoa của Phùng – Nghệ sĩ khác xa sự kệch cởm, quê mùa của ông Mạnh – chồng Hương, dù được khoác lên bộ veston thường ngày, vẫn không dấu được cái đuôi bần cố nông.
     Một ngày kia, Hương – Tử Kỳ biến mất, Phùng – Bá Nha không đập đàn nhưng tìm quên bên nhan sắc khác. Hắn sống bằng nghệ thuật mồi chài, những thân hình mệnh phụ nung núc mỡ, son phấn và “viện thẩm mỹ” không thể xóa dấu thời gian. Giàu có bất chợt phất lên mau chóng, vun cao sự hãnh tiến ngờ nghệch đến ngu ngốc. Những con vịt bầu hả hê nuốt từng lời nịnh nọt qua những vần thơ được Phùng – Nghệ sĩ phổ nhạc và say mê hát trong niềm si mê giả tạo.
     Không biết học từ đâu, ông Mạnh đập bàn cay cú:”- Có cả thiên hạ cũng không đong đầy đôi mắt mỹ nhân!”. Nhìn đàn thiên nga trắng muốt lượn lờ trên mặt hồ, ông hình dung đến đám mỹ nữ dưới trướng, có khác gì tam cung lục viện thời vua chúa, nhưng chúng nó chỉ có xác không hồn. Tiền tài, xe hơi nhà lầu là kim chỉ nam của cuộc sống.
     Ông nhìn lại mình chỏng chơ, đi như đi cà kheo. Không có gốc, gốc rạ cũng không còn nói gì gốc đạo lý. Nền tảng văn hóa như rễ lục bình hời hợt, trôi tuột. Trách gì đám hậu duệ mông muội.
     Sự hào nhoáng phồn vinh của bề mặt xã hội như bọt tuyết trời đông dưới ánh đèn sắc màu Hollywood. Chính đám dân đen kia, một thời nuôi dấu ông đang khốn khổ, không còn một mảnh ruộng vườn, đang kêu gào đòi công lý. Ngày trước, ông không vì dân nghèo mà dấn thân đó sao?
     Trong đầu ông cái tư duy nghiệt ngã, ma xui quỷ ám: “Ta sẽ được gì?” xuất hiện đầu tiên trong vai trò “kinh bang tế thế”. Đôi lúc ông tự hào vì được cung phụng, những người đồng liêu của ông cũng vậy, chỉ hiểu nghĩa đen:”Làm quan nhất thời…” nên ra sức vơ vét, vinh thân phì da.
     Cô Hương bên trời Tây điện về bảo ông nên “cải tà quy chánh”. Ban đầu ông sửng cồ, khi xưa nghe hồi chánh là phản bội, ôm chân đế quốc thực dân. Nhưng khi đã chán chê với đấu đá quan trường và đang được sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quý, ông lại nghĩ đến loài chim thiên di bay về phương Nam nắng ấm, về miền đất hứa…
Những lời của cô Hương như nhát dao xoáy vào lòng ông:
     Thật ra chính ông là người có tội, ông đã đánh mất niềm tin với người đầu ấp tay gối và thế hệ kế tục sau ông. Ông dung dưỡng để thành phần bất hảo len lỏi và làm băng hoại đạo đức trong lý tưởng một đời của ông, đến hôm nay gần như đã đi vào ngõ cụt. Ông hãy tạt nước vào vách đá xem sao, chỉ nhưng giọt nước li ti dội ngược vào mặt ông, còn lại rơi theo nơi nó hằng có. Không thể trái quy luật tự nhiên của trời đất. Ông cố cưỡng làm gì, đến nỗi khi chết mộ phần còn chẳng được yên.
     Ngày ấy tôi là con bé ngờ nghệch, những lời hoa mỹ đã đánh động từ sâu thẳm trái tim khát khao được làm người. Người ta chết cũng vì những lời vỗ về ngon ngọt, ngưỡng vọng ánh trăng lung linh trên bầu trời xanh thẵm, không bao giờ với tới, mà quên thực tại của mình, để rồi một ngày nào đó hoài niệm về nó, tiếc thương và ngậm ngùi, có ích gì cho con cho cháu?
     Chẳng thà làm đây tớ đứa khôn hơn làm thầy thằng dại, có ngày nó quay lưng đào mồ tổ cha ông. Người ta ngộ nhận truyền thống dân tộc là nền tảng văn hóa, nhưng truyền thống nào? Truyền thống của con mối lính dương hai càng bén ngọt sẳn sàng cắt đứt đầu những mối thợ lơ đễnh không tuân theo lối mòn đi trước, không ngay hàng thẳng lối hay bầy ong  cần cù bay đi tìm hoa thơm cỏ lạ, miệt mài hút mật về xây tổ ấm cho đồng loại, cho đời?”
     Phùng – Nghệ sĩ cất cao giọng trầm hùng của bài hát một thời bừng bừng khí thế, băng băng tiến tới không lùi, thề quyết chiến giết sạch lũ sài lang. Không gian khán thính phòng nóng rực lên, nhưng lòng ông Mạnh lạnh ngắt. Ông đưa mắt nhìn những khuôn mặt dưới kia, đượm màu mỏi mệt, thờ ơ. Ông đăm chiêu nhớ về những buổi chiều gần tắt nắng, trong khu rừng già mênh mông, ông cùng chiến sĩ hòa ca, tiếng hát hăng say vang dội và bừng sáng một góc trời, không hề sợ máy bay, tàu bò, đạn bom của địch.
     Những bài hát hào hùng một thời ấy, e bây giờ tác dụng ngược không chừng. Giáo khoa lịch sử cũng không còn dạy sự hà khắc của thực dân đế quốc, sưu thuế và quản lý xã hội ngày nay có khi còn nghiệt ngã hơn xưa?

      Người đón cô Hương tại phi trường lại là người lái xe cũ của ông Mạnh: Hai Nhum. Hiện nay là giám đốc của một công ty kinh doanh bất động sản bề thế. Khu du lịch sinh thái SPRING ZONE rộng hằng ngàn hecta, nằm xen giữa dòng sông thơ mộng, chảy băng qua phía đông thành phố và biển. Nơi đây ngày trước vốn là làng chài, cũng là vùng chiến lược. Cô Hương bị ám ảnh bởi những hình ảnh đau lòng, xác thân của những người dân vô tội tan tác bay lên ngọn cây, vùi dưới bãi cát trắng phau, bỡi bom mìn. Thời chiến tranh là vùng oanh kích tự do, tranh tối tranh sáng.
     Hàng cây nghiêng ngả bóng dưới ánh đèn cao áp, con đường vành đai tráng nhựa thênh thang, chạy vòng quanh ngọn núi nhô ra biển, nơi có đồn tiền tiêu được xây dựng từ thời Lê, Nguyễn. Những mái villa màu ngói đỏ ươm, nổi bật giữa vườn cây nhiệt đới xanh um. Rì rào tiếng sóng biển vọng về nghe chừng như tiếng thở than, vì bị cách ly với người dân hiền hòa đã bị di dời, tái định cư thô bạo.    
     Quê hương thân yêu của họ, nay đã thành lãnh địa của giai cấp một thời là tôi tớ, được che chắn, nuôi dấu để đi làm cách mạng.
     Người tài xế dừng xe, Hai Nhum chỉ tay về đền thờ có mái cong vút lên trời như móc câu:”- Chị còn nhớ nơi này không?” Không chờ cô Hương trả lời, hai Nhum nói tiếp:”-  Đây là sân bay dã chiến của địch, hằng trăm dân quân đã nằm xuống ở đây, không lấy được xác!”.
     Hàng dương liễu vi vu trong gió, như tiếng khóc than của những sinh linh hồn xiêu phách lạc, kêu gào công lý cùng đám dân đen đã bị cưỡng bức xa lìa, để các lãnh chúa thời nay xây dựng nên hoàng cung xương máu mang tên Khu Du lịch Sinh thái SPRING ZONE.
     Cô Hương cảm nhận sự phân tầng giai cấp rõ rệt quá, đối lập có thân thiện bao giờ. Nhìn những người dân thập thò, không dám bén mảng về nơi chôn nhau cắt rốn. Họ cũng đã thiên di ngược với những người quyền thế về nơi lạnh lẽo tối tăm, đến những nơi không còn phương tiện để  mưu sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...