Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

TẮT NẮNG


      Bà Năm Chao trề môi:
-         Làm màu!.
     Hàng rào loe hoe mấy cây đào rừng, sù sì thân mốc thếch, nhưng xuân về hoa màu hồng phớt rụng đầy, vô tình ngăn ranh rõ rệt giữa hai nhà: Thầy Nhung và cô Sâm.
     Thầy Nhung, vợ mất sớm – không con, cô Sâm lại góa chồng khi em Dung lên mười và cu Thành ba tuổi. Họ cùng về ngụ cư xóm Hố, kẻ trước người sau nhưng đồng cảnh ngộ, chồng cô Sâm mất tích trong trận đánh cuối cùng tại Xuân Lộc, Đồng Nai.
     Thầy Nhung tốt nghiệp Đại học sư phạm Saigon cuối thập niên 70, gõ đầu trẻ được mấy năm, đi tù vì mang danh “sĩ quan biệt phái”. Vợ thầy  không hề là ca nương Liễu thị, nhưng khi thầy về vợ đã “ôm cầm sang thuyền khác”.
     Thầy đã “mất dạy vô lương”, chuyển sang làm rẫy với chiếc xe thồ dính đầy mủ mít, có khi ngồi lề đường hành nghề sửa vá xe đạp.
     Mỗi lần nhớ lại, thầy cười mà rơi nước mắt: Vừa đặt thùng đạn đại liên đồ nghề xuống bên đường, thầy nhận được giấy mời của ban Ấp:“ Mời ông: Sửa xe đạp, đúng 8g có mặt, lý do cho biết sau…”. Thầy phân vân, lòng dạ âu lo lành ít dữ nhiều, thân phận như thầy, biết làm gì hơn.
     Thầy ghé vào quầy rau củ của cô Sâm phân trần, cô gợi ý:
     -  Điếu thuốc miếng trầu là đầu câu chuyện, thầy mua hai điếu thuốc Samit.
     Loại thuốc của Thái Lan đắt nhất thời bấy giờ, mỗi điếu bằng nửa ký gạo, thầy vuốt lại cho thẳng thớm mấy đồng bạc định trưa về đi chợ, trả cô Sâm.       
     Vừa đi thầy đưa tay lên ngực trái như đang thành kính thề thốt điều gì, thật ra thầy chỉ sợ hai điếu thuốc cong veo.
     Ông trưởng ban Ấp cả thọt, hách dịch hất hàm:
     -  Tên họ, ở mô tới?.
     Thầy cẩn thận lấy từ túi áo hai điếu thuốc đặt lên bàn, nhìn ông hội tề điềm nhiên bật lửa, làn khói thơm tho phả ra từ cái miệng đầy răng vẩu ám khói. Thầy bỗng nhiên thèm thuốc, móc từ túi quần gói thuốc rê, hai làn khói hòa quyện vào nhau, thầy dường như ngửi được từ trong hơi thở của mình mùi băng phiến của loại thuốc thơm kia, dù thầy chưa hề được một lần chạm tới.
      Bà Năm Chao - nạ dòng tu xuất, rù rì với mấy bà lối xóm:
     -  Thầy bà gì, thầy giáo sao không đi dạy học? Tui thấy con mẻ (ám chỉ cô Sâm) với thằng chả “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” thôi! Để rồi mấy bà coi...
     -  Tui thấy cô Sâm dung mạo đoan trang, chồng chết lo buôn bán nuôi con, đâu thấy đi ngang về tắt gì đâu!
     -  Bà thấy hai nhà như một, ai biết ma ăn cổ lúc nào.
     Trưa trật rồi, nhà thấy Nhung im ỉm cửa. Cô Sâm gọi với sang:
-         Thầy có đau ốm gì không?
     Cô gọi thằng Thành đang quàng khăn đỏ, chuẩn bị đi học:
-         Con gọi cửa nhà Thầy Nhung, coi thầy dậy chưa?
     Đúng là thầy bịnh thiệt, tiếng ho sù sụ khô ran như ai chẹn ngang cần cổ. Cô Sâm gánh rau ra chợ, lòng dâng lên niềm thương xót thầy Nhung, định trưa về mua bó lá xông. Phải chi không ngại không ngùng, cô cạo gió là khỏe liền thôi.
     Nghĩ về cảnh mình, mẹ góa con côi. Dù không được trọn bề như người xưa: “Liệt nữ bất sự nhị phu” nhưng cô tự hứa với lòng mình thay chồng dạy dỗ, nuôi con đến ngày khôn lớn.
     Thầy Nhung đôi lúc cảm động vì sự quan tâm thân tình của cô Sâm, nhưng hình như thầy chán thế sự nhân tình, gạt phắt ý nghĩ mông lung đôi khi len lén vào tâm tư của thầy, trong những đêm dài khó ngủ. Bù lại thầy đem sở học của mình kèm hai cháu Dung, Thành học hành tấn tới.
     Nhìn nhà cô Sâm bị tốc mái sau cơn lốc, thầy định sang giúp một tay, nhưng không hiểu sao thầy lại lấy xe, đạp đi đâu đó…

     Sáng tinh mơ, hai người đàn ông chở nhau đến nhà thầy Nhung, họ là phụ huynh học sinh của thầy ngày trước. Vùng quê miền Trung khô cằn nghèo khó, thấm đẫm máu xương của bao người, đã chìm sâu trong lòng đất qua những trận chiến ác liệt tương tàn, đã sinh ra những người con cần cù, thông minh và chung tình vẹn nghĩa. Nhưng sau ngày hòa bình, họ đành rời bỏ quê hương, tìm chốn mưu sinh trong rừng cao su bạt ngàn miền Đông Nam bộ.
     Họ không tin được người thầy nho nhã, dáng vẻ thư sinh ngày nào, lại là người trung niên hom hem tội nghiệp kia. Thầy lịch sự mời họ vào nhà, căn nhà mái lá cọ, kèo cột cây rừng. Cơn gió hiếm hoi ngày cuối đông khiến vách lá buông rung lên khe khẻ.
     Hai người đàn ông luống cuống khi không tìm thấy chỗ để ngồi, họ tò mò đi ra sau nhà. Thầy Nhung đang nấu ấm nước để pha trà bằng vỏ hạt cao su khô, khói xông lên cay mắt. Vài chiếc ghế thấp được kết bằng mây tre bên chiếc bàn bằng đá tự nhiên.
     Họ thì thầm chuyện gì không rõ, cùng quay ra xe đạp lấy chiếc giỏ đệm, hai miếng thịt heo tươi hồng vừa mới mua ở chợ, định đem về “cải thiện” cho mấy đứa trẻ con ở nhà, đem vào  biếu thầy.
     Ba người đàn ông cùng ngồi trên chiếc giường bằng gỗ. Thầy Nhung rót trà ra ba chiếc tách sứ, thầy nói vui:
-         Rót trà phải “Tiên chủ hậu khách” để trà ra kịp   đậm đà, ngược lại với rượu, vì rượu là lễ, nên “Tiên khách hậu chủ”.
     Trịnh trọng nâng chén trà mời thầy, họ vặn vẹo hai bàn tay, rụt rè như cậu học trò nhỏ ấp úng, ngập ngừng không thể nói lên nỗi lòng mình với thầy, dù chỉ vài lời đơn sơ.
     Người này liếc nhìn người kia, chưa bao giờ họ dám nghĩ đến việc kính biếu thầy hai ký thịt heo. Họ quyết định giấu thầy và bỏ vào chiếc nồi bằng gang dưới bếp.
     Nghỉ ngơi giữa chừng trên đường về nhà, họ ngạc nhiên khi thấy hai ký thịt vẫn còn trong giỏ đệm.
……
     Bên kia, sáng nay nhà cô Sâm có vẻ chộn rộn, những người đàn ông trông lam lủ, chở theo sau xe mấy bó lá cọ. Họ cũng là phụ huynh của thầy Nhung, đến giúp sửa lại mái nhà cô, đồng thời che chắn lại vách lá buông cho thầy.
     Trời đã vào xuân, nắng hanh vàng như phản chiếu từ rừng cao su rụng lá, đào rừng hai bên đường đất đỏ đã chớm nụ hồng. Thầy Nhung dắt chiếc xe thồ ra đến giữa sân, nhìn lên trời xanh cao thăm thẳm rồi nhìn lại bộ quần áo treilli cũ kỹ của mình, loang lổ các loại mủ cây trái  thâm đen, như vết đời trao tặng cho thầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...