Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

RẮN MẮT

 Anh Điền con bác Hương Biền lớn hơn tôi ba tuổi. Ảnh tuổi Tý, tôi tuổi Mẹo. Các cụ thường cho rằng hai thằng tuổi này "tứ hành xung" không hợp, vậy mà chúng tôi chơi thân với nhau từ ngày để chỏm.

Anh Điền sau giờ đi học về thường dắt trâu ra đồng gặm cỏ, cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng, những bông lúa vươn mình trong nắng chiều màu hồng phớt đang xòe ra ngậm sữa, chiếc lá yếm vừa bung vươn lên trời như những ngọn giáo không còn màu xanh non lá mạ thì con gái. Anh Điền ngồi lên lưng trâu nhẩn nha nhấm từng hạt lúa non mang hương vị ngọt thơm đang kỳ chín tới.
Một lần chú Nhiêu Cần ra thăm đồng thấy rải rác những bông lúa tươi non trên bờ thửa ruộng nhà chú. Nhìn quanh thấy anh Điền đang dắt trâu quay về, chú tóm lấy anh vung tay tát liền mấy cái, má anh đỏ lựng. Chú giận dữ:
- Đồ "rắn mắt", tao đã tìm ra mi là thủ phạm! Thứ con hoang, cha con Hương Biền mất dạy!
Làng tôi ai nghe hai tiếng "mất dạy" là nặng lắm, xúc phạm đến tông môn, dòng họ. Chuyện đến tai bác Lý Bửng, trưởng tộc họ Trần tôi, bác sai thằng Đệ đi mời chú Nhiêu Cần để ông hỏi cho ra ngô ra khoai.
Chú Nhiêu, tá điền của nhà bác Lý, quê tôi gọi là cấy rẽ, thường nộp tô hết phân nửa sản lượng sau khi thu hoạch cho chủ đất.
Chú Nhiêu Cần khép nép:
- Thằng Điền nhà Hương Biền tút bông lúa cho trâu ăn, tui canh me riết mới tìm ra thủ phạm, ông nghĩ có tức không ?
Bác Lý vỗ bàn cái rầm:
- Con hư tại mẹ nhưng sao chú nói cha con nó "mất dạy"? Cha nó lú còn chú nó khôn, dù gì chú cũng phải nể mặt tộc họ nhà tôi chớ! Đường đường là tộc họ lớn nhất làng ni, chú ăn nói phải ra đàng ra lối!
Chú Nhiêu thuộc phận tôi đòi, thấp cổ bé miệng ú ớ:
- Con xin lỗi ông Lý, con chừa...
- Mai làm mâm xôi, gà thêm lít rượu ra nhà thờ tộc dâng hương tạ lỗi.
Chú Nhiêu Cần vốn học trò nghèo. Đạo thánh hiền lễ nghĩa là căn gốc của cửa Khổng sân Trình. Cha mẹ chú Nhiêu ngậm đắng nuốt cay vì thân phận của kẻ cùng đinh, dù khó khăn cũng cố mua cho con chức Nhiêu để đở bề lao dịch.
Thỉnh thoảng khoảng độ canh năm, bầu trời chưa hừng đông, anh Điền lén xúc trộm lúa ông Lý vác qua để trước sân nhà chú Nhiêu, không phải anh đền bù vụ tút bông lúa ngậm sữa ngày trước, không phải riêng cho anh Nhiêu, mà nhiều lần cho những gia đình khác. Ông Hương phát hiện cầm gậy đánh đuổi anh Điền chạy quanh làng, miệng la chửi thằng con "mất dạy, rắn mắt".
Giữa thập niên 60s, chiến tranh lan dần, anh Điền hưởng ứng phong trào "ba sẳn sàng" xung phong vào quân "Giải phóng", nghe nói sau này anh được biên chế vào tiểu đoàn 1(R20) thuộc lực lượng vũ trang tỉnh đội Quảng Đà.
Trận tết Mậu Thân (1968) anh cùng đồng đội tấn công vào sân bay Đà Nẵng.
Anh kể cuộc chiến ác liệt chưa từng có, không như thời còn du kích, mình ẩn trong bóng tối thấy địch đi ngời ngời, đưa súng ngắm tắc cù, trúng trật kệ mẹ, rồi chạy xuống hầm. Đôi khi thực hiện kế nghi binh cho quân chủ lực.
Cuộc tấn công thất bại, đồng đội hy sinh gần hết chỉ còn anh gãy xương ở đùi, bị bắt làm tù binh đưa vào bệnh viện điều trị.
Lòng tận tụy của các bác sĩ, y tá Mỹ không phân biệt địch hay ta. Theo luật quốc tế về tù binh họ đối xử rất nhân đạo với thương binh. Giường anh nằm kế bên một người lính hay sĩ quan gì đó ở đại đội trinh sát thuộc trung đoàn 51 biệt lập của Quảng Nam. Anh ta kể: "Những địa danh như Cẩm Hải, Phong Thử, Phù Kỳ, Gò Nổi, Thanh Trường, Hà Nha nổi tiếng mìn bẫy, hầm chông. Bằng những cuộc hành quân diều hâu chớp nhoáng chúng tôi đã đột nhập ngay tận sào huyệt địch, đập tan những đơn vị lừng danh như Đội nữ Pháo Binh Phù Kỳ, du kích Cẩm Hải, Đội Pháo 122 ly Hòa Đa (chuyên pháo kích phi trường Đà Nẵng)".
Anh giật mình nhớ lại thời du kích ở Điện Bàn, có khi đã "tao ngộ chiến" không chừng.
Anh thề chí vẫn kiên trung, một lòng vì sứ mạng giải phóng dân tộc, đánh cho "Mỹ cút Ngụy nhào". Sau khi lành vết thương anh sẽ tìm về đơn vị cũ chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh.
Cô Thơm làm xã đội phó, con gái Gò Nổi đẹp mà lì, đã khiến trái tim anh Điền và bao người xao xuyến. Sau đó không lâu, cô đã hy sinh vào khoảng tháng 3 năm 1969 khi bảo vệ đoàn văn nghệ có nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1941-1969) phu nhân nhà thơ Bùi Minh Quốc tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Sau ngày ký kết hiệp định Paris (1973), anh Điền được trao trả tù binh. Anh xin về khu tạm cư An Hải ở cùng vợ con, đạp xích lô để mưu sinh.
Không biết ai khai báo điều gì, sau năm 1975 địa phương quy kết anh vào diện chiêu hồi. Cuộc đời anh lên bờ xuống ruộng từ đó, chú năm H, bí thư xã là anh vợ cũng không dám ra mặt minh oan cho anh, anh buồn lòng tìm vui bằng rượu. Mỗi lần ban chủ nhiệm hợp tác xã họp hành, anh say khướt chửi từ trên xuống dưới. Điều này khiến địa phương gán thêm tội phá hoại cho anh, có khi do CIA cài lại không chừng.
Khoảng giữa năm 1979, không biết anh đi Tây Ninh làm gì lại bị bắt, nghi có ý định vượt biên. Anh được dẫn giải về địa phương.
Chiến tranh biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Khmer đỏ do Pol Pot cầm đầu đã lấn sang biên giới sát hại dân ta. Anh khẳng định:
- Biết con mẹ gì mà vượt biên, chẳng qua anh muốn "đầu quân giết giặc". Ở đây tụi nó nghi anh phản bội, anh làm cho tụi nó trắng mắt ra.
Công đâu không thấy lại mang thêm tội gán vào đời anh.
Xã hội đã vậy, trong nhà vợ con càng không hiểu đã khiến anh Điền khổ tâm, đỉnh điểm mâu thuẩn khi con trai lớn thi đỗ đại học y khoa ngoài Huế nhưng không được nhập trường.
Anh muốn ra thành phố chạy xe ôm, địa phương cũng không cho, sợ anh "móc nối" với kẻ địch.
Buổi sáng kia, tiếng kẻng báo ra đồng, dân làng phát hiện anh đã treo cổ lên cành đa gần miếu Thổ thần, xác thân còm cỏi của anh đong đưa giữa cõi trời hiu quạnh. Tôi hoàn toàn tin những lời bộc bạch, tâm sự và lòng trung thành chế độ của anh. Anh chàng "rắn mắt" trong cõi nhân sinh giả trá khôn lường, nhưng tôi là lính "Ngụy".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...