Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Ô-RÔ CÓC-KÈN



-         Mầy rảnh ghé thăm anh ba Nguyên, nghe nói ảnh
yếu lắm rồi. Tuổi tám mươi tính bằng giờ thôi, nhanh lên kẻo muộn!
     Tôi thẩn thờ, mới hôm nào anh Ba điện thoại:”Thu xếp về chơi, đẹp nhất chiều thứ bảy. Có mấy tay chú biết đó, nhớ nghe!”. Tôi: Dạ, nhưng…
     Chữ “nhưng” khiến tôi không còn cơ hội để nghe anh ba kể chuyện ô rô, cóc kèn. Ổ rô mọc bãi nước lợ, cửa sông. Anh ba Nguyên thọ đến bây giờ, nhờ gội đầu bằng lá Ô-rô nên tóc còn đen mượt. Một lần anh ba đi tát đìa, bị rắn cạp nong to bằng cổ tay, khoang màu vàng đen óng ả, độc không thua gì rắn hổ mang cắn trúng bắp chân tưởng tiêu đời, nhưng nhờ lá Ô-rô giã ra đắp lên vết thương mới qua khỏi:
-         Loại cây tưởng chừng mọc hoang, nhưng trị bệnh
 thiệt hay nghe chú em! Thân cây sắc uống trị bệnh đường ruột, đái buốt, đái dắt. Hạt  Ô-rô trị giun mới hay, nhất là con nít bụng ỏng bụng eo xanh xao, gầy guộc.
     Còn cây Cóc-kèn ở rừng ngập mặn trị sưng, bong gân. Giã dập lá, ép lấy nước trị kiết lỵ mãn tính hay lá cóc kèn xay nhuyễn đổ xuống ao, đìa bắt cá, bắt tôm thì thôi rồi. Cá  nổi lững lờ trên mặt nước như say rượu, tha hồ vợt gom vô bao mang về. Nhưng nước ao, đìa sau đó trở lại trong sạch nhờ chất độc của cây lá cóc kèn phân huỷ rất nhanh.

     Nhưng anh ba Nguyên nói Ô-rô, Cóc-kèn là nói chuyện khác.
     Năm đó, ở cửa sông có đám người bí ẩn, ban ngày không thấy tăm hơi, nhưng ban đêm nhất là những đêm trăng hạ huyền, những tiếng huỵch đụi rõ mồn một như họ đang đấu võ. Những bụi Cóc-kèn trong rừng ngập mặn như những đoàn quân đang lom khom tiến dần về bãi cửa sông.     
     Ánh sáng lân tinh phát quang, khi những con sóng lao xao từ ngoài khơi lùa vào bãi cạn. Có lúc đám Cóc-kèn vươn lên đầu ngọn sóng, chấp chới.
     Tiếng tù và sắc, gọn. Tất cả đứng như trời trồng rồi đồng loạt quỳ xuống, hai tay vòng lên trán cung nghinh vị thần mặc áo dài đen, thắt dải lụa vàng ngang bụng phất phơ trong gió. Không biết ông đến từ đâu, có lẽ nào Long Vương giáng thế?
     Khi mắt đã quen với bóng đêm, vị thần hiển linh là cô gái đẹp như Tiên sa, thiên kiều bá mị. Đôi mắt rực sáng sao sa, ra dấu cho lũ bộ hạ bình thân.
     Anh ba Nguyên nhớ lại “Kho tàng truyện cổ tích” của Nguyễn Đổng Chi: “Cao Biền dậy non - Tản đậu thành binh” (Rấm đậu thành binh). Sau khi đọc thần chú, mỗi hạt đậu biến thành một người lính, nhưng lính Cao Biền chưa đủ ngày tháng, còn non nên đi đứng run lẩy bẩy, lăn đùng ra chết.
     Nhưng đây lại không, vị nữ thần dang hai tay như đôi cánh phượng hoàng, bỗng tất cả rừng Cóc-kèn chuyển mình vươn lên thành những chiến binh hàng hàng, lớp lớp oai hùng. Tiếng va chạm của binh khí và tiếng hô “Nưgar”(Quê hương/Quốc gia – Tiếng Chăm) trầm hùng vang dậy một góc trời.
     Từ ven bãi cửa sông, những cây Ô-rô cũng đã biến thành đoàn hùng binh, nhất tề đứng dậy. Những chiếc lá xẻ trở  thành mũi giáo nhọn hoắt, ngời ngời dưới ánh trăng hình lưỡi liềm, mờ mịt trong mây.

     Từ trước đến nay: Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã tàn sát và đẩy dân Chiêm Thành về mãi tận phương Nam, thành người vong quốc. Thành Đồ Bàn đã thành phế tích vang vọng tiếng than van, từng mảnh “vàng Hời” trong lòng đất đêm đêm loé lên những tia sáng mỏng manh, nhớ về thời hoàng kim xưa, một thời lẫy lừng của đế chế Chăm-pa.
     Trước thế kỷ thứ VII, vương quốc Lâm Ấp đã xây tháp Ân giáo và dựng bia tiếng Phạn. Các tên  khác của Chiêm Thành quốc như Lâm Ấp quốc, Hoàn Vương quốc. Năm 865, một phần đất Đồng Nai và lãnh thổ đông-bắc Angkor (cao nguyên Rattanakiri và Mondolkiri) dưới quyền kiểm soát của Chiêm Thành.
     Từ thế kỷ XV, triều đại Vijaya dần suy tàn bởi quân xâm lược nhà Minh, Đại Việt (Trần) và Đại Ngu (Hồ).
     Những chiến thuyền băng băng lướt sóng, mặt biển bừng lên những con sóng hung hãn, tung bọt trắng xoá như giao long giận dữ, đang tiến vào bờ. Nữ thần cất tiếng cười vang lanh lảnh và lạnh lùng như tiếng xé vải, tiếng thép chạm nhau.
     Những chiến binh đầu vấn khăn trắng theo lối chữ nhân, thêu hoa văn màu bạc, quấn thả ra hai bên mang tai. Mặc áo màu lá, cánh xếp chéo và thắt lưng trắng bên hông. Quần váy xếp màu da cây Ô-rô, Cóc-kèn khiến những mũi giáo và gươm sắc sáng loá dưới nền trời trong xanh màu biển. Riêng nữ thần uy nghi và kiêu dũng, tua lụa vàng tung bay theo gió. Tiếng hô “Nưgar” như sấm rền vang….
     Anh ba Nguyên dẫn lời cụ Phan Bội Châu khi viết “Việt Nam vong quốc sử”:

  “Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không
 có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước!
    Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao
 phen lệ  cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi chữ
nào. Nay nhân Ẩm Băng Thất (Lương Khải Siêu, 1873-
1929) nói:”Than ôi! Tôi với ông thật là đồng bệnh.
Những việc tàn ác của người Pháp thi hành ở Việt Nam,
 cả thế giới chưa ai biết đến. Ông hãy nói cho tôi rõ, tôi
 sẽ vì ông mà truyền bá, may ra có thể kêu gọi được dư
 luận của thế giới”… Tôi nghe nói lấy làm cảm động,
 gạt nước mắt mà viết cuốn: Việt Nam vong quốc sử
 này.”
……
     Bãi cát trắng mờ ven cửa sông lặng ngắt, rừng Ô-rô và Cóc-kèn trên bãi, trong đầm biến mất, sóng biển lùa vào như kẻ thù xoá tan dấu vết. Đàn chim sâu tan tác, nhìn về tổ ấm trong bụi Ô-rô, Cóc-kèn ngơ ngác kêu than.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...