Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

LÀNG AN LẠC



     Lọt thõm giữa bốn bề núi đá. Nhìn từ trên cao, làng An Lạc được bao bọc bởi hai dãy núi hình cánh cung úp mặt vào nhau. Tiếng suối reo róc rách liên hồi, từ hai hướng Đông Tây đổ vào hồ nước trong xanh, rồi len lỏi qua bao ghềnh đá đổ vào thác Pongour hay còn gọi thác Bảy tầng tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Thác Pongour được tặng mỹ danh “Nam thiên đệ nhất thác”. (Pongour là tên cho người Pháp phiên âm từ tiếng K’Ho. Pongour có nghĩa là ông chủ vùng “đất sét trắng”)
     “Chuyện xưa kể rằng: Vùng đất màu mỡ này do nữ tù trưởng K’Ho xinh đẹp tên Kanai cai quản. Nàng có tài chinh phục thú dữ, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường, luôn tuân lệnh Kanai và cùng nàng dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, gieo lúa và sẵn sàng xung trận chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng.

    Rằm tháng giêng, ngày đầu xuân trăm hoa đua nở, nàng nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Ngạc nhiên thay, bốn con tê giác quanh quẩn đêm ngày không rời thân chủ nửa bước, chẳng buồn ăn uống cho đến chết. Bỗng một sáng bình minh vừa hé, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ, sừng sững hiện ra ngọn thác Pongour đẹp tuyệt trần giữa thiên nhiên.
      Thì ra, suối tóc Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xoá, còn những phiến đá bàn xanh rêu xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác Pongour đổ, chính là các cặp sừng của đàn tê giác hoá thạch mà người dân cho đó là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la. Từ đó hình ảnh nữ tù trưởng Kanai luôn sống mãi trong tim mỗi người dân bộ tộc K’Ho.
     Và mỗi dịp trăng tròn đầu tiên của mùa xuân ấm áp, núi rừng khởi sắc đã trở thành ngày tưởng niệm của bộ tộc K’Ho. Nam thanh nữ tú khắp nơi rộn rã du xuân, mong vượt qua bảy tầng thác Pongour, được vào chốn Thiên Thai, không phân biệt trai gái, sang giàu hay bất cứ dân tộc nào. Họ cùng trao đổi tâm tình, tìm hiểu và yêu nhau bên thác Pongour. Cũng vào dịp lễ hội mùa xuân này, những đôi trài tài gái sắc thường cùng nhau cầm hoa đăng quỳ dưới chân thác Pongour cầu nguyện nàng Kanai để mong có được một tình yêu chân thành, thủy chung và viên mãn”.
     Làng An Lạc của người K’Ho là Bon An Lac, theo “thị tộc mẫu hệ” những căn nhà dài kế cận nhau theo dòng họ. Đứng đầu là già làng (Kuang Bon), hiện thân của truyền thống và sự thống nhất cộng đồng. Chủ làng, chủ rừng (Tombri), thầy cúng và các gia trưởng hợp thành tầng lớp trên của người K’Ho, nhưng họ không có khái niệm giàu nghèo.
     Người phụ nữ chủ động trong hôn nhân. Sau hôn lễ, người đàn ông về nhà vợ ở, con cái theo họ mẹ, con gái là người thừa kế. Tập tục cổ truyền của người K’Ho tuyệt đối cấm kỵ việc kết hôn giữa những người có cùng một dòng họ, nhất là ở cùng một địa phương. Con chú, con bác, con dì, không được lấy nhau. Trái lại, con cô, con cậu từ hai phía có thể có quan hệ hôn nhân với nhau theo luật tục.     
     Sau khi vợ chết, người chồng có thể kết hôn với người em gái của vợ. Và ngược lại, nếu chồng chết, người vợ góa có thể kết hôn với người em trai của chồng, nếu đôi bên ưng thuận. Hôn nhân của người K’Ho không có chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, trai gái yêu nhau được quyết định chuyện trăm năm của đời mình.
     Thơ ca người K’Ho phong phú, đậm chất trữ tình và giàu nhạc tính, bộ nhạc cụ cồng chiêng, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr) có khả năng hoà âm hay độc tấu. Sử thi người K’Ho có trường ca “Gơ-Plom-Kòn-Yồi” dài hơn 6.000 câu.
     Tết của người K’Ho vào khoảng tháng 12 dương lịch, sau khi thu hoạch mùa màng. Tết có ý nghĩa đưa lúa về nhà (Nhô-Lirvong). Theo tập quán, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để cả “Bon” tổ chức lễ đâm trâu (Nho-sa-rơ-bu), mọi người nhảy múa theo tiếng cồng chiêng, máu trâu bôi vào trán của những người dự lễ như sự cầu phúc, thịt trâu chia đều cho các gia đình trong “Bon”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...