Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

GIÓ CUỐN BAY ĐI


     Út Nga vô tư cười ha hả, hình như suốt đời chị được sống trong lầu son gác tía. Ba Dân xì một tiếng, ngó lơ mà đôi mắt như rưng rưng:
-         Đến bây giờ mầy cũng còn làm đầy tớ cho con mẹ
“lựu đạn” đó hả? Trả dìa cho thằng con trời ơi của bả. Mầy không nghe lời, tao bỏ mầy luôn!
     Ba Dân nói xong cầm luôn cái giỏ lát, phủi đít nói đi về dưới.
-         Anh chưa nghe tui kể chuyện ni mới dzui…
     Bà già “lựu đạn” là vợ nhỏ của ông Sum - ông già anh em ba Dân. Hồi trước ổng làm thầu khoán ăn nên làm ra, mẹ ba Dân thường đi buôn gạo ra tận miền Trung, có khi nửa tháng chưa về. Trong nhà tôi tớ đôi ba đứa, nhưng hai Thơm siêng năng được ông bà chủ tin cậy hơn hết, nghe đâu quê hai Thơm ở tận Châu Đốc – An Giang, gái miền Tây gạo trắng nước trong, làn da trắng bóc. Dáng hai Thơm thon thả mình dây thanh tú, dù không đẹp lắm nhưng khuôn mặt dễ nhìn, nhất là cặp mắt đen huyền với làn mi rậm, lại ít nói ít cười. Từ ngày có hai Thơm nhà cửa như sạch hẳn ra, đồ đạc áo quần ngăn nắp đâu vào đó.
     Đôi khi ông Sum so sánh hai Thơm với bà vợ đen đúa tảo tần khuya sớm của ông. Ý nghĩ chợt thoáng qua vậy thôi, nhưng khi nhìn hai đứa con lòng ông ngậm ngùi thương cảm bà. Hai Thơm ân cần chăm sóc cho ông Sum như con gái lớn trong nhà, biết từng sở thích khi ông đi sớm về khuya, miếng chanh, trái ớt đến cộng hành ngò trong tô mì bốc khói. Có lần hai Thơm đứng sau lưng ông Sum vói tay để ly café đen trên bàn, vô tình hay hữu ý cạ bộ ngực đẫy đà của gái một con vào lưng, khiến tay ông nổi da gà.
      Thằng Khôi con lớn ông Sum mới vào lớp sáu, hắn khôn tổ trời nhưng nghịch ngợm có tiếng ở khu cống Bà Xếp – Hòa Hưng. Một lần đi học về vô tình hắn thấy ông Sum đè ngữa hai Thơm trên lan can cầu thang, mái tóc hai Thơm buông xỏa, chiếc áo vải phin đen bật tung khuy áo lộ ra làn da trắng nõn nà. Hắn sè sẹ nhón gót quay lui…
     Hắn không dám kể cho ai, mỗi lần bà Sum về hai anh em tụi nó chỉ được gần mẹ đôi ba ngày. Khôi ngần ngừ định kể cho mẹ nghe nhưng nhìn mẹ hắn thấy lòng không nỡ. Ánh mắt mẹ luôn đăm chiêu suy nghĩ chuyện gì lung lắm thường ít tỏ ra âu yếm anh em nó, Dân mới lên hai, mẹ lại tất tả ra đi.
     Bà Sum mở cổng, đêm đã vào khuya ánh đèn đường vàng úa xuyên qua cành lá cây hoàng lan tỏa hương thơm dịu mát. Con chó berger to lớn choàng hai chân lên vai bà gừ gừ, lắc đuôi mừng rỡ, bà nhẹ nhàng đi vào phòng…
     Cảnh tượng trước mắt khiến bà xây xẩm mặt mày, ông Sum và hai Thơm lõa lồ nằm bên nhau trên chiếc giường đệm lò xo trong phòng ngủ của bà. Bà như điên dại, tiếng hét và tiếng vỡ của lọ hoa như cộng hưởng thành tiếng sấm trong đêm. Bà cầm phần đế lọ thủy tinh định đâm nát mặt hai Thơm nhưng cái đạp phủ phàng của ông Sum bắn bà vào góc phòng, đầu va vào cạnh chiếc tủ gỗ lim, bà ngất đi với dòng máu phun trào…
     Vừa ra khỏi nhà thương, bà về tìm lại hộp nữ trang bằng vàng và hột xoàn trên chiếc tủ đầu giường, tất cả đều là giả. Điều kỳ lạ, hai Thơm không hề tỏ ra ngại ngùng hay sợ sệt khi giáp mặt với bà, còn tỏ ra thách thức. Cơn giân dữ và uất ức trào dâng khi ông Sum và hai Thơm vu khống bà đem của cho trai khiến bà như điên như cuồng. Bà cầm dao phay chém vào vai hai Thơm, vết chém bằng sống dao không chạm vào xương nhưng công lý đã quy tội cho bà cố sát. Bà bị tống giam vào khám Chí Hòa khi Út Nga mới được hoài thai sáu tháng.
     Những ngày sắp lâm bồn, bà xin tại ngoại nhưng không
được phép. Cơn đau âm ỉ kèm theo chấn thương lần trước khiến bà như người mất trí, Út Nga ra đời trong sự hoảng loạn của mẹ và tình thương của các bạn tù.
-         Mầy có biết anh Khôi đi đâu biệt xứ vì sao không?
Sắp thi tú tài anh Khôi bênh vực mầy khi mầy bị mụ già “lựu đạn” hành hạ vì mấy trái chuối. Mầy đi học về không có cơm ăn, tau cũng đói nhưng lại sợ ông già, tau bị mấy cái đá…
-         Bả khóc bù lu bù loa nói tụi mình hổn! Em đi học về
đói bụng lại phải lau nhà, nải chuối chín vàng ươm em ăn trộm một trái, mới nuốt ngang cổ họng bả dộng luôn vô miệng, em muốn ngạt thở. Mấy trái còn lại bả quăng xuống đất chẹp bẹp nhưng em lén gói vô tờ nhựt trình cho anh ăn đó!
-         Anh Khôi bị ông già đày hay tại ảnh buồn tình bỏ học
đăng lính rồi mất tích. Dzậy sao bây giờ mầy đem bả về nuôi?
-         Tui xuống Châu Đốc thăm, thằng con riêng trời ơi
của bả trách bả bỏ rơi hắn khi còn đỏ hỏn, đẩy bả ra ngoài đường ăn xin. Thương tình tui rước về nuôi…
………..
     Không biết có phải vì mình không có con với ông Sum hay ganh ghét bà Sum mà hai Thơm ra tay hành hạ Út Nga thậm tệ. Dù thương con nhưng không thể bênh vực Út Nga trước mặt hai Thơm, ông đành gởi Út Nga vào trường Nội Trú Bác Ái của các Soeur. Mới mười lăm tuổi hai Khôi ra vẻ đàn anh thấy rõ, đám cô hồn choi choi khu Nguyễn Thông nối dài ngưỡng mộ tánh lầm lì nhưng hào hiệp và song phẳng của hai Khôi, sẳn sàng bênh vực và giúp đở kẻ thế cô nhưng đành bất lực nhìn hai Thơm ngược đãi em mình mà không làm gì được, Khôi nghiến răng cầm dao chặt đứt nửa ngón tay giữa của mình trước mặt hai Thơm. Nhìn Khôi cầm phần ngón tay đầy máu bỏ vào miệng nhai trệu trạo, hai Thơm kinh hồn ngất xỉu.
     Nghe kể lại chuyện nhà, ông Sum vò đầu bứt tóc. Với thế lực của ông, chuyện xã hội ông giải quyết cái rụp nhưng đầu óc ông rối bời khi hai Thơm trách móc ông không biết dạy con và nằn nặc thu dọn hành trang ra đi. Dân đang gào khóc gọi mẹ, ông Sum trút nỗi bực dọc bằng cái tát tai nổ đom đóm lên má, khiến Dân lăn cù xuống bậc tam cấp…
-         Mầy có thấy mặt tau bên to bên nhỏ không Út Nga?
Cú trời giáng đó tau bị bể quai hàm. Mẹ nghe tin bồng tau về gởi cho cậu. Chà, con nhà cậu sáu đứa cộng tau là bảy, miền sông nước chẳng có đứa nào học hành chỉ quen tát đìa, suốt ngày vùi mình đi bứt cộng súng, ăn cá nhiều hơn cơm…
-         Ừ, trên này mấy người giúp việc cũng bỏ đi hết, ba
nghe lời bả không cho tui nội trú nữa. Mới mười ba tui làm hết chuyện nhà, con nhà giàu nhưng đố tui biết gói xôi là gì. Khi nào hết việc tui quay nước mía cho cô Xíu Xẩm kiếm tiền. Mèn đét ơi! cuốn luôn mấy đầu ngón tay tui, đau thấy mụ nội nhưng tui không nói ai hay. Ngày nào cũng phải giặt thau đồ chà bá! Nghĩ lại cũng dzui thiệt anh Ba… ha ha.
-         Cuối cùng rồi mầy với tau cùng tá túc nhà cậu, đến
bây giờ tau cũng không biết lỗi do đâu, tại ba hay tại mẹ! Tờ báo Tin Sáng có đăng chuyện nhà mình. Nhưng thôi, mình phận làm con…
-         Anh ba nhớ không, tui ra chợ bán bông súng, bà Tư
Ngây – Bà già chồng tui bây giờ, cứ dòm tui lom lom, bữa kia bả hỏi “- Mầy muốn dìa ở nhà tau không?”. Tui thấy cảnh nhà cậu nghèo quá muốn đi cho bớt miệng ăn. Tui nói: “- Nhà bác đông con hôn?”, bả nói: “- Có một mống thằng con trai, lớn hơn mầy mấy tuổi, nếu ưng sáng mai con tau chèo ghe ra đón!”. Tui về thưa với cậu, cậu nói: “- Mầy muốn ở đâu thì ở, vùng này ai cũng nghèo nhưng tốt bụng. Tau biết bà Tư Ngây…”.
     Sáng ra tui thay bộ bà ba, đứng bến sông chờ. Tui thấy có cậu học trò bảnh tỏn, ôm cặp bước lên bờ. Tui chạy tới cầm tay: “- Anh đón tui hả, mình dìa!”. Anh học trò mặt tái xanh, nhảy xuống ghe, giọng lắp bắp: “ – Tui đi học mờ…”.
Tui tức cười đâm ra dạn dĩ: “- Không phải con bà Tư hả?”
Ảnh chèo ghe đi tuốt.
-         Thằng chồng mầy cũng hiền đó chớ, chỉ hơi lù đù…
-         Dìa nhà bà Tư Ngây tui cũng làm đủ thứ mệt muốn
hụt hơi, tui với thằng chả giành nhau ăn thiếu điều muốn uýnh lộn, nhưng tối nào cũng ngủ chung. Hơn một năm sau, quen nước quen cái tui mới cho thằng chả làm chuyện vợ chồng. Cái thứ chi mà ham, đeo như sam…
……….
     Bà già “lưu đạn” tám mấy tuổi rồi, đêm nào cũng lần tràng hạt, tụng kinh. Trời cho bà minh mẩn để nhớ hay ăn năn chuyện đời? Đêm đã dần khuya, bóng chim ăn đêm bay vụt qua sân như ánh chớp khiến bà giật mình. Đời bà cũng vậy thôi, mới ngày nào… đứa con không mong muốn được sinh ra, đã gieo vào lòng bà bao khốn khổ. Một đêm mưa gió tối trời bà cuộn tròn thằng bé trong chiếc khăn rằn để trong chòi của thằng cha nó. Bà theo chuyến xe đò sớm lên Saigon…
     Cơ ngơi nhà ông Sum khiến thân phận như bà lóa mắt, ông Sum không cho bà an phận tôi đòi. Sự rạo rực và thèm khát trong cơ thể đã một lần sinh nở của bà cứ trào dâng nhất là những đêm về sáng. Sự mơ ước chiếm hữu theo bản năng lớn dần cho đến ngày ông Sum đồng lõa đưa bà vào vòng oái ăm của cuộc đời. Đến bây giờ bà cũng không hiểu vòng vàng, hột xoàn của bà Sum tại sao là giả! Vết chém dù còn nương tay của bà Sum đã tạo thêm động lực để bà quyết tâm chiếm trọn vai trò bà chủ bên ông Sum. Nói có trời, sau những lần dan díu bà yêu ông Sum thật sự. Sự ghê tởm và căm thù đàn ông từ sự hiếp dâm thô bạo đã nhường chỗ cho sự êm ái và thăng hoa cảm xúc bởi ông Sum, người đàn ông lịch lãm, mạnh mẽ và tế nhị trong tình trường khiến nhiều lần bà kêu rú lên, hai tay bắt chuồn chuồn...
     Ý nghĩ “cướp chồng” khiến đôi lần tâm hồn bà chao đảo, sự thật thà và lương thiện của người con gái miền sông nước khiến bà cảm thấy tội lỗi với các đứa trẻ, càng tỏ ra chăm sóc lại nhận ngược về mình những tia mắt khó chịu và hằn học, bà có cảm giác chúng nó theo mẹ và căm thù bà. Từ đó, bà không còn tình yêu thương gì với những đứa con của ông Sum, chính bà cũng không hiểu được lòng bà.
     Út Nga đi đâu về mặt mày tươi rói, tay cầm bịch hủ tiếu Nam Vang, cười hề hề:
-         Má ăn rồi đi ngủ. Người ta nói ăn khuya, khỏe!
-         Cha mầy, đi “nhậu” về hả con? Đàn bà con gái tối
nào cũng nhậu!
-         Dzui mà má, khi mấy đứa còn nhỏ con đâu chăm sóc
má được, con cũng già gần bằng má rồi đây nè. Có nhiều điều mình không định được cho chính bản thân mình, kể cả cái chết. Chơi dzui đi má, mình còn sống được bao lâu!
    Bà già “lựu đạn” lần tràng hạt, đôi mắt lim dim hướng về cõi tịnh yên, sự ấm áp từ tấm lòng của Út Nga lan tỏa len vào tâm khảm bà sự dịu ngọt của tình người. Dây tràng hạt bỗng đứt tung, những hạt gỗ màu nâu sậm rơi rơi lăn tròn, xoáy vào tim bà nỗi niềm ray rức khôn nguôi.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...