Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

THIÊN DI


     Lão Trạc nhìn quanh, không có gì! Những gì có thể bán được dù ve chai cũng không còn. Vợ đã bỏ lão về với ông bà gần năm năm nay sau cơn bạo bệnh. Bốn đứa con có nếp có tẻ, hai đứa con gái ra riêng từ ngày thành gia thất, lão sống vò võ một mình trong căn nhà gần như hoang phế bởi trái cà-nông mồ côi lạc đường trong chiến tranh.
     Hai đứa con trai bương chải tận trong Saigon, làm ăn kiểu gì đến Tết cũng không thấy ló đầu về. Đứa con gái kế theo chồng vào tận Bình Định, hắn sống có hạnh phúc hay không mà biên thư cho lão:”Công đâu công uổng công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan!”. Còn lại con Xí Út ở gần cùng làng nhưng cũng ít khi về, thi thoảng thằng rể vác về biếu lão bao gạo lúa mới hay xâu cá rô, cá diếc ướp muối phơi khô nó bắt ngoài đồng. Mỗi lần con bồng cháu ngoại về thăm lão nhìn không ra Xí Út, hắn gầy nhom lại đen nhẻm như mọi núi, cười cười méo xệch chỉ thấy hai hàm răng!
     Lão chăm chút hai con gà mái đẻ dắt bầy con tròn vo vàng ươm chạy lăng xăng quanh hai chân gà mẹ bươi nát gốc trầu hương, miêng kêu túc túc. Lão Trạc quơ tay ném cái chổi cùn, gà mẹ xù lông mặt đỏ gay lửng thửng dắt bầy con lon ton chíu chít. Hình ảnh vợ lão lom khom bên giàn trầu ngày nào hiện về trong tâm trí lão, hàm răng nhuộm đen từ thời con gái mỗi ngày một sáng bóng, đôi môi hồng thắm bả trầu. Bà về làm vợ lão năm mười bảy tuổi.
     Tục lệ ngày xưa cưới hỏi nhiêu khê, những ngày đi làm rể bên nhà bà, từ lăn lộn với ruộng đồng cùng con trâu cái cày đến lợp lại mái tranh chái bếp đều phải qua tay lão.     
     Ông cụ thân sinh của bà thuộc dòng nho gia thất cơ lỡ vận, hành nghề thầy lang bốc thuốc lẫn thầy địa lý xem giờ hung giờ cát, xem giò gà ngày mồng chín tháng Giêng để đoán vận mệnh an nguy cho gia chủ. Lộc cho thầy có khi đĩa xôi với nguyên con gà giò.
     Vợ lão dấm dúi mang ra ngoài đồng cho lão nhưng bà chẳng dám ăn chung, những ngày ấy lão đã cảm được tình của vợ. Mãi đến bây giờ bà đã quy tiên, lão cũng chưa hề nghe bà nói với lão những lời tình tứ yêu thương ngoài sự chăm sóc và lo toan phụng sự nhà chồng.
     Con bốn Loan chạy ào vào nhà như giặc đuổi:
-         Cha, Cha… Cha có nhà hông?
-         Tổ cha mi, tao không ở nhà thì đi đâu?
     Nhìn thân hình tiều tụy của lão Trạc, bốn Loan ôm cha khóc ngất.
-         Tết nhứt tới nơi mi không ở nhà lo chuyện ông bà bên
nớ, về đây làm chi?
-         Ông nội mấy cháu gởi về biếu cha chục bánh tráng.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan - Bình Định ngon lắm đó cha, tự tay ổng tráng… Còn đây mấy chục nem Chợ Huyện của thằng rể cha, để cha nhâm nhi với rượu Bàu Đá của làng Cù Lâm, An Nhơn.
-         Còn mi cái chi?
-         Con mang thân xác cha đẻ ra về thăm cha đây nì, hì
hì…
     Lão Trạc cảm thấy lòng mình ấm lại nhưng rưng rưng, lão dọn bàn thờ bày hết lên trước di ảnh của bà:
-         Bà về đây mà chứng kiến tấm lòng hiếu thảo của vợ
chồng con gái bà, hắn về…
     Rồi lão bật khóc hu hu, bốn Loan ôm cha thổn thức hai hàng nước mắt thấm đẩm vào vai áo lão gầy gò.
-         Mi có tin gì của tụi nó không?
-         Ai cha? À, anh Hai anh Ba hả cha?
-         Tụi hắn đi biền biệt, không nhớ chi hết trơn là răng?
-         Hai ảnh bao lâu rồi không về hả cha?
-         Gần cả năm ni…
............
     Hai Long trải tấm hải đồ giữa sàn con tàu gỗ, chiếc hải bàn lắc lư theo nhịp sóng vỗ nhẹ, con tàu lướt êm trôi trên dòng sông Hậu, tiếng máy nổ đều đều như loãng tan vào trời nước mênh mông xuôi ra cửa Định An – Vĩnh Bình (Trà Vinh). Hai Long đi cải tạo gần ba năm, vốn rành nghề sông nước được mời làm tài công. Hai Long hỏi ba Lân:
-         Lòng anh rối bời, cha già một bóng ở quê nhà. Nhưng
em không sống ở đây được, một là về quê với cha hai là theo anh. Nhưng cơ hội ngàn năm một thuở, mình không có vàng bạc chi, họ cho anh mang theo…
-         Tùy anh, em học hành dang dở.
     Đêm không trăng sao, vùng biển phương Nam ngày cuối đông gió êm sóng lặn, những chiếc lá dừa nước như hàng người thầm lặng đưa hai cánh tay lên trời  tiễn biệt, chiếc tàu lặng lẽ cùng đoàn người băng mình ra khơi như những cánh chim thiên di tìm về miền đất ấm…
……..
     Xí Út dừng tay quét dọn ngước nhìn bụi tre sau nhà, những chiếc lá tre khô bay bay trong gió la đà rơi rơi như những chiếc thuyền nan nhỏ bé xoay tròn trên mặt hồ. Hai Long cởi trần trùng trục mò lặn bỏ vào chiếc giỏ tre mang sau lưng những con ốc bưu đen thui, bốn Loan chạy theo trên bờ vói tay ngắt bông súng khoe nhụy vàng, cánh hoa viền tím ngát làm xao động mặt nước xanh trong. Bà Trạc cốc đầu Xí Út:
-         Tết nhứt tới nơi rồi không lo dọn dẹp, đứng đó mà
ngó. Mi bưng rỗ chóc (dong) qua nhà thím Xê, nghèo mà đẻ cho hung.
-         Chú Sinh nằm bệnh viện nửa tháng ni, con Phụng bỏ
học rồi chừ con đi học một mình. Hôm kia mưa giông sét đánh chết con trâu, may hắn không chết. Cha nói: “Họa vô đơn chí!”
-         Bà bắt con gà xúc thêm ô gạo cho thím với mấy cháu.
Không biết thời buổi chi làm lụng tối mặt tối mày mà ngóc đầu không lên. Nhà có thằng đàn ông chừ nằm một chỗ…
Ông Trạc vứt tàn thuốc lá, lấy chân dí dí. Không biết ông nói đến chú Sinh hay ông nói với ông.
-         Còn mấy ang lúa gánh nộp cho Hợp tác xã hết rồi,
gạo đâu mà cho. Nửa bồ sắn lát dành ăn cho qua mùa giáp hạt. Ông không thấy…
     Bà bỏ giữa chừng, lấy khăn chặm mắt. Thằng Lân đi đâu về mặt lấm lét đưa cho ông Trạc cái túi màu đen:
-         Con lượm cái ni…
     Ông bà Trạc ngạc nhiên khi thấy xấp tiền với giấy tờ lẫn lộn, ông đổ hết ra trên mặt bàn lại rơi thêm những chiếc nhẫn và đôi bông tai vàng óng. Mảnh giấy biên nhận của nhà may V.H và tên người đặt hảng cùng xã với ông.
     Ông gọi hết bốn đứa con, mắt đứa nào cũng sáng rực. Con Xí Út tính chồm lấy đôi bông tai, ông Trạc dịu dàng nói với con:
-         Nhà mình nếu có chừng ni cha sẽ mua cho mỗi đứa
một bộ đồ mặc Tết, mình sẽ mua thêm bánh tét thịt heo vui ba ngày xuân cho rôm rả, nhưng…
     Ông nhìn bà và chính ông cũng đang “đấu tranh tư tưởng” trong lúc gia cảnh ông ngặt nghèo, những khuôn mặt đen đúa gầy nhom của con ông với đôi mắt háo hức ước ao mong được như những đứa trẻ con nhà sung túc. Bà nhìn ông rồi bỏ ra sau bếp, chính bà cũng đang nghĩ ngợi mông lung, bà đốt nén nhang lên bàn thờ ông Táo rồi lên ngồi đối diện với ông, bà buông lời:
-         Của phi nghĩa để ngoài sân, của phù vân để ngoài
ngõ”. Rồi bà hắng giọng:
-         Ông coi người mất ở mô, trả cho người ta.
-         Tui cũng nghĩ vậy, nếu mình mất của có tiếc không
con?
     Thằng Long góp lời:
-         Con biết chị ni, con ông Chủ nhiệm Hợp tác xã…
     Ông Trạc khoác thêm chiếc áo dắt Long, Lân đến nhà người mất. Vừa thấy chiếc túi, con ông chủ nhiệm giật phắt trên tay ông Trạc, xỉa xói:
-         Đồ ăn cắp…
     Vợ ông chủ nhiệm từ trong nhà chạy ra nhìn con gái khư khư ôm chiếc túi vào lòng, giọng đẩy đưa mời cha con ông Trạc vào nhà. Giọng ông từ tốn chỉ tay vào thằng Lân:
-         Con tui lượm được, tui đem trả lại cho mẹ con bà. Bà
hỏi cháu có thiếu gì không?
-         Đủ rồi! Thằng ni học lớp với tui. Con bé chanh chua
chỉ tay vào mặt thằng Long.
     Ông Trạc dắt hai con ra về không hề nghe một lời đáp lễ từ bà chủ nhiệm…
………
     Hai Long nhấp nháy đôi mắt dưới ánh nắng chói chang, lòng anh bồi hồi phơi phới niềm vui nhưng còn e ngại. Anh hồi hộp kéo va-li chậm rãi băng qua khu hải quan ở sân bay. Anh bỏ passport vào túi áo khoác, dòng người đón đưa huyên náo sảnh khách đến ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khiến lòng anh cũng rộn rã lây. Hai Long lững thững đón taxi về khách sạn, anh cố dõi mắt mong tìm một khuôn mặt thân quen, nơi này là quê hương anh hay anh như những người khách lạ?
     Chiếc taxi vòng vèo ra khỏi trạm thu phí băng băng theo đường Nguyễn Văn Trỗi qua cầu Công Lý theo Nam Kỳ  Khởi Nghĩa về Lê Lợi. Anh muốn đi một vòng qua khu chợ cũ Tôn Thất Đạm, chợ chim chợ chó… Ngày hai Long “chạy chợ” Huỳnh Thúc Kháng không vốn liếng, chỉ làm “cò” mua đi bán lại Tivi, máy lạnh, quạt máy, cassette  cả đường, cả sữa… nuôi ba Lân ăn học.
     Những căn nhà một thời của chú Hỏa (Jean Baptiste Hui Bon Hoa) khởi nghiệp từ buôn bán ve chai trở nên giàu có: Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố, công trình kiến trúc cổ kính nằm ở khu tứ giác với bốn mặt đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Saigon… nay đã thuộc về tài sản nhà nước.
     Khung cảnh đã khác xưa, đêm nay anh sẽ lang thang in lại dấu chân mình trên những con đường quen thuộc, ngày mai anh sẽ bay về quê… Cha anh, chỉ mới thoáng nghĩ sẽ được ôm cha, niềm cảm hoài dã dâng ngập lòng anh…
     Ánh nắng vàng ươm phản chiếu trên cánh bay chiếc Boing màu bạc, ngoài kia những tầng mây trắng như bông lướt qua, màu xanh da trời hòa lẫn màu ngọc bích của đại dương mênh mông, dòng sông quê hương anh như dãi lụa  viền quanh rặng núi xanh lam nhấp nhô dưới kia gợi trong anh sự kỳ vỹ và tình yêu tha thiết quê nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...