Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

MẢNH TRĂNG KHUYA


     Bà Hằng mở cửa sổ nhìn sang nhà chị Tám, giờ này lũ trẻ im ắng dưới ngọn đèn điện tù mù nghĩa là chị vẫn chưa về.
     Bà Hằng cũng theo chồng ra Quảng Trị, ông là cấp chỉ huy của chồng chị Tám. Thị xã Đông Hà  chìm trong màn sương ẩm đục xen lẫn gió rét tàn đông. Những ngày giáp Tết Tân Hợi – 1971 thật bình yên, dòng sông Thạch Hãn xanh trong  lững lờ trôi xuôi về Cửa Việt. Sông Thạch Hãn nối với sông Bến Hải qua sông Cánh Hòm, đến ngã ba Cổ Thành chảy vào sông Vĩnh Định gặp sông Nhùng (Mai Đàn) đến huyện lỵ Phong Điền hòa vào dòng sông Ô Lâu (Thác Mã) ra phá Tam Giang.
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang... (Ca dao)
……..
     Bà Hằng vốn là cô giáo thời tiểu học của chị Tám, từ quê nhà miền Nam xa xôi gặp nhau nơi tuyến đầu Tổ quốc. Bà bước sang nhìn hai đứa con chị Tám mặt mũi lem luốc khóc như ri:
-         Bà tắm cho các con, Hồng Nhi lấy áo quần bà thay.
-         Áo quần mẹ chưa mua, chỉ còn đồ cũ thôi!
-         Mai bà dắt ra chợ mua đồ mới cho con áo đầm thật
đẹp, cho em Trung bộ quần áo lính như ba.
     Căn nhà khu gia binh đơn sơ, ánh đèn điện vàng ệch. Đơn vị đã hành quân về hướng Khe Sanh từ mấy ngày trước, chị Tám buôn bán đồ Mỹ từ khẩu phần lương khô, gạo sấy, thịt hộp, ba-tê, thuốc lá, cà phê…
     Nghe tin chồng mất tích trong trận Hạ Lào, từ hậu cứ Đông Hà chị gởi con rồi tất tả lên Cam Lộ chờ tin. Đoàn xe nhà binh hối hả chạy ngược về hướng chị chở theo thương binh cùng những người tù binh Việt Cộng đã được băng bó ngồi xen lẫn bên nhau.
     Hồng Nhi ôm lấy bà méo mó:
-         Ba con không về hả bà?
     Thằng Trung chạy lon ton, chiếc áo lính dù quá khổ,  không mặc quần, hắn cùng đám trẻ con chơi trò “bịt mắt bắt dê”. Chú Rân “hậu cứ” nhìn ra bãi đáp trực thăng hét lên với  lũ nhỏ:
-         Đại bàng về rồi, ba tụi bay sắp về rồi! Tết muôn năm,
hoan hô Tết muôn năm.
     Từ trên trực thăng chuyền xuống chiếc băng ca với một thân hình đầu cổ quấn băng loang máu đỏ đã sậm màu. Chú Rân chạy ào đến nhìn mặt rồi đưa hai tay lên trời chới với:
-         Ôi “đại bàng”!
     Bà Hằng chết điếng khuỵu xuống bên thi thể của chồng, bà ôm choàng thân thể của ông rồi dụi đầu vào mái tóc và khuôn mặt bất động, hai má bà hồng lên vì màu máu.
     Khu Vĩnh biệt không chỉ có chồng bà, băng gỗ không còn đủ chỗ cho những người đã nằm xuống từ chiến địa. Thị xã Đông Hà đìu hiu trong ngày đầu xuân, chiếc cầu bắc qua sông Thạch Hãn oằn mình dưới đoàn xe nhà binh chuyển quân ra mặt trận, phía tây về hướng Lao Bảo bừng lên ánh chớp sáng lòa của đạn pháo và tiếng rít lao đi của những chiếc phản lực cơ vang lên trong đêm đen mờ mịt.
     Bà chợt nhớ đến lần đi ủy lạo ở bệnh viện dã chiến Đông Hà, những người lính Việt cộng bị thương lẫn chiến hữu của chồng bà đang được điều trị tại đây rên la đau đớn. Lòng bà bồi hồi xúc đông, nhưng dù sao họ cũng được may mắn hơn chồng chị Tám, anh đã bị bắt hay thân xác đã chôn vùi nơi đâu! Chị lại bỏ con thơ đi tìm chồng và chờ tin trong vô vọng.
     Nơi đây bà Hằng và chị Tám đã không còn gì, bà ngồi bên chồng trong chiếc trực thăng bay vào sân bay Phú Bài, từ đó theo máy bay quân sự về Saigon. Ông đã ra đi bỏ lại đồng đội ngoài kia trong sự chiến đấu kiêu hùng lẫn bi thiết của cuộc chiến đẫm máu tương tàn.  Giọng ca Thái Thanh như nức nở xé nát trái tim bà, lời bài ca “Kỷ vật cho em” của nhà thơ Linh Phương được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc:
…………
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…em ơi…
………….
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăng trối… em ơi…
……………
     Có bao nhiêu quả phụ như bà, dù tan nát cõi lòng vẫn còn được ôm thân xác chồng khi ông nằm xuống, được ngồi  nhìn di ảnh của chồng. Bà như bừng tỉnh vì được may mắn hơn biết bao người, sự an ủi trong đớn đau và chia sẻ. Những người chiến sĩ vô danh của cả hai miền mãi mãi vùi xác thân trong rừng già, trong hầm hố hay trên chiến địa hoang tàn
     Bà Hằng tình cờ gặp chị Tám ở chợ thuốc tây chui Tân Định, chồng chị bị bắt làm tù binh và sử dụng như dân công hỏa tuyến, anh được thả về sau ngày tàn cuộc chiến.
     Anh Tám gặp lại bà mừng mừng tủi tủi lẫn xót xa khi nhớ đến cái chết anh dũng của người chỉ huy năm nào trên mặt trận Hạ Lào. Anh vẫn cung kính với bà như xưa, tình huynh đệ chi binh anh nguyện suốt đời gắn bó. Hồng Nhi xinh xắn với tuổi dậy thì nhanh nhẹn phụ mẹ phân loại thuốc tây,  những gói quà gởi về từ nước ngoài. Em khựng lại khi ngờ ngợ đọc tên người gởi: Lê Trọng Rân…
-         Mẹ! Có phải chú Rân “hậu cứ” không mẹ?
     Chị Tám nhìn tên và địa chỉ người nhận từ tay Hồng Nhi, chị bỗng nghẹn ngào thảng thốt:
-         Ôi trời! Địa chỉ cũ của cô Hằng…
     Ký ức khu Bàn Cờ năm xưa gợi vào tâm trí chị con đường đi học len lỏi vào từng khu dân cư nghèo nàn nhưng thắm tình của người di cư. “Chợ Bàn Cờ” trưng bày hàng hóa dọc theo những con hẻm nhỏ, tan trường chị theo cô Hằng về nhà. Cô ở với mẹ, thỉnh thoảng chị mới gặp chồng cô, ông đi lính xa nhà…
     Sự rộn rã niền vui và an bình trong những ngày Noel của ngày thơ ấu đã khiến chị ngạc nhiên khi nghĩ về hiện tại. Những người hàng xóm hiền hòa quanh chị bỗng trở thành con người khác sau ngày đất nước hòa bình. Ông tám Lân chạy xe ba gác hay chị năm Na bán chuối chiên trở thành cán bộ, đã “động viên” gia đình chị và mẹ con cô Hằng đi kinh tế mới và hứa hẹn đủ điều. Họ không còn thân thiện như khi gia đình chị hoặc cô Hằng giúp đở họ trong những lần khốn khó. Bà Hằng không thể “ù lì” như chị, họ sợ đến cái “di ảnh” của ông, dù chồng bà đã mất. Chị hối hận khôn cùng khi không hỏi địa chỉ rõ ràng của bà, chỉ nghe loáng thoáng khu kinh tế mới Bù Đăng – Bù Đốp… Chị sai Hồng Nhi gọi cha về gấp. Anh Tám đang thiu thiu trên xe cyclo chờ khách, giật mình khi nghe con réo giật ngược:
-         Mẹ kêu ba về gấp! Về lẹ lên ba…
     Hồng Nhi leo lên xe, thân hình nhỏ bé của anh Tám vẹo qua vẹo lại trên yên xe cyclo trông như làm xiếc.
-         Anh thu xếp đi liền, lên Bù Đăng – Bù Đốp! Đường
sá ở trong miệng…
     Chị nói như ra lịnh, anh ngẩn người khi nghe rõ nguyên do rồi đạp xe trả lại cho chủ anh đã thuê ngày, vội vàng mang theo gói quà ra bến xe Chợ Lớn.
     Bù Đăng thuộc quận Đức Phong của tỉnh Phước Long (Nay là Bình Phước). Anh Tám dùng đủ loại phương tiện, từ Saigon xuống Thủ Dầu Một – Bình Dương lên Tân Uyên qua Đồng Xoài băng qua con đường đất đỏ ven rừng cao su bạt ngàn tìm về Bình Long. Anh đã từng cùng đơn vị trấn thủ nơi này, vùng chiến địa đã đi vào quân sử, máu xương của đồng đội anh và những người lính bên kia lẫn người dân Stiêng – Sóc Bom-Bo đã vun xới cho cây cỏ rừng Cát Tiên đượm xanh màu hoa lá…
     Từng dãy nhà tranh nhấp nhô xa tít trên vùng đất bạt ngàn đã được khai hoang, những đoàn người đi ngược chiều anh râm ran chuyện trò bằng giọng Saigon chính hiệu nhưng đen đúa và lam lũ như người Stiêng! Không có ấp nào mang tên “Bàn Cờ”, chỉ có những tên nghe hào hùng như khi còn chiến tranh: Thống Nhất, Anh Dũng, Toàn Thắng, Vinh Quang…
     Cuối cùng anh cũng đến được nơi cần tìm. Ven con đường xe be cạnh lô cao su, cỏ tranh vươn lên che khuất hai nấm mộ đất hoang sơ. Ai đó đã khắc vào gốc cây cao su già: “Mộ phần mẹ con bà Lê Thị Lệ Hằng, tạ thế ngày 20.3”  nhưng không ghi năm nào.
     Anh Tám quỳ lạy hương hồn người đã khuất, rồi dùng  tay đào giữa hai ngôi mộ hố nhỏ và trịnh trọng đặt gói quà của người đồng đội năm xưa từ bên trời Tây gởi về cho bà. Anh lẩm bẩm:
-         Dù sao bà cũng có nơi để về, “Sinh ký tử quy” và
được sum họp cùng ông!
     Gió đông về hiu hắt, lá cao su vàng úa rơi lác đác trên thảm cỏ xanh như những oan hồn còn nằm đâu đó giữa mênh mông rừng, dưới màu trời u ám của chiến địa năm nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...