Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

MỴ NƯƠNG


     Thuở xa xưa, Mỵ Nương chỉ danh xưng con gái các vua Hùng thời Hồng Bàng. Thời vận đảo điên, cha mẹ đặt tên cho nàng: Mỵ Nương, không rõ lòng nàng như Tiên Dung đem lòng yêu Chữ Đồng Tử hay nàng như Mỵ Nương nghe tiếng sáo véo von của Trương Chi mà thầm thương trộm nhớ mang bệnh tương tư, có khi nàng là Mỵ Nương Ngọc Hoa tạo ra sóng gió ba đào để Sơn Tinh – Thủy Tinh tranh giành gây ra bão lũ điêu đứng nhân gian hoặc nàng là Mỵ Châu vì si tình phụ nghĩa quân vương đã dâng hết cơ đồ cho giặc?
     Năm đó, Mỵ Nương mới tuổi mười lăm nhưng xinh đẹp lạ thường, vóc dáng điệu đà như tranh tố nữ, đàn thiên nga bay về từ biển Bắc cùng nhau nhảy múa ca ngợi dáng liễu, đàn chim hồng hạc thiên di về phương Nam hân hoan ca tụng dung nhan thiên kiều bá mị của nàng.
     Tiếng đồn hương sắc khuynh thành của Mỵ Nương cùng đến tai hoàng thái tử Lê Duy Vỹ, con của vua Lê Hiển Tông và thế tử Trịnh Sâm nhưng Mỵ Nương đã được tấn cung, từ đó Trịnh Sâm càng đem lòng thù oán Lê Duy Vỹ. Sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Sâm lập mưu tống giam Lê Duy Vỹ vào ngục và giết chết. Chúa Trịnh Sâm lập Lê Duy Cận – em Lê Duy Vỹ lên làm thái tử. Sau khi Trịnh Sâm mất, quân lính tam phủ làm loạn kiêu binh, mở ngục rước Lê Duy Khiêm con Lê Duy Vỹ về cung. Chúa Trịnh Khải cùng quần thần trong triều xin vua Lê Hiển Tông lập Lê Duy Khiêm làm hoàng thái tôn. 
     Vua Lê Hiển Tông băng hà, Lê Duy Khiêm được nối ngôi đổi tên là Duy Kỳ, đặt niên hiệu Chiêu Thống.
Sau khi Lê Duy Vỹ bị hãm hại, Mỵ Nương bị triệu về phủ Chúa. Chúa Trịnh bị quân Tây Sơn tiêu diệt, Mỵ Nương được Trịnh Bồng đưa về quân doanh. Lê Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng nên dựa vào binh lực của Trịnh Bồng để mong khôi phục vương triều. Mỵ Nương đêm ngày cùng Trịnh Bồng mê say trong hoan lạc nhưng đôi mắt u uẩn của nàng khiến Trịnh Bồng tức giận:
- Ta đã cứu nàng thoát nạn binh đao, hà cớ gì đêm ngày nàng thở vắn than dài?
- Thế nước loạn lạc thù trong giặc ngoài, thiếp e cảnh nồi da xáo thịt chỉ tạo cơ hội cho giặc đàng trong. Vua Lê đang dựa vào Người, sao ngài không thỉnh nguyện nhà vua phong vương để danh chính ngôn thuận hầu mong đời đời họ Trịnh nhà ta rạng danh với non sông và tiên tổ?
     Trịnh Bồng nghe bùi tai dâng sớ xin phong vương nhưng Lê Chiêu Thống vỗ về:
- “Trước kia cơ nghiệp nhà ta giữa chừng đổ nát, chính quyền do trong tay họ Trịnh, việc tế tự thì về quả nhân. Đấy là một thời kỳ. Nhưng nay lòng trời oán ghét họa loạn, phó thác quyền bính cho một mình ta. Một nước hai vua, có lẽ nào cứ giữ làm thể lệ được?” (*)
     Nhưng thế chẳng đặng đừng, vua Lê Chiêu Thống đành phong cho Trịnh Bồng làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Yến Đô Vương.
     Trịnh Bồng ngày càng dấu ái Mỵ Nương và để nàng kề cận như mưu sĩ. Trịnh Bồng bày tiệc mừng công và phong cho Mỵ Nương làm Võ tuyên phi. Mỵ Nương quỳ lạy tạ và thỏ thẻ cùng Yến Đô Vương:
- Thiếp nghe chuyện xưa Hoài Âm Hầu Hàn Tín không nghe lời chia ba thiên hạ tạo thế chân vạc để ngày sau bị Lã Hậu nhà Hán giết hại và bị tru di tam tộc. Chỉ còn than được một lời: “Ta hối hận không dùng mưu kế của Khoái Triệt, cho nên mới bị bọn đàn bà con nít lừa dối. Há chẳng phái là vì trời muốn thế hay sao?”
     Trịnh Bồng y lời cùng Dương Trọng Khiêm bàn chuyện phế lập, Lê Chiêu Thống vội gởi chiếu thư cho Nguyễn Hữu Chỉnh – Trấn thủ Nghệ An, đưa quân về cứu giá đánh tan quân Trịnh Bồng. Trong cơn loạn lạc can qua, Mỵ Nương cùng đoàn tùy tùng chạy theo Trịnh Bồng lên Cao Bằng nương nhờ vào chốn thiền môn.
     Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng lộng hành, vốn là người phản trắc “sớm đầu tối đánh”. Khi quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm đưa quân ra Bắc Hà, vua Lê Chiêu Thống nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ Thăng Long chạy về Kinh Bắc, đoàn ngự giá như bầy ong vỡ tổ bị bọn vô lại cướp mất áo bào, thị nữ hộ vệ tan tác, vua tôi nhà Lê giả làm sư sải ẩn náu mạn Thái Nguyên, Cao Bằng.
     Tiếng chuông chùa ngân nga trong không gian u tịch của núi rừng Đông Bắc lan dần trên đồi cây ngọn cỏ, vua Lê bùi ngùi nhớ về thời hoàng kim tiên tổ, vua Lê Thái Tổ đã nằm gai nếm mật để “Mười năm bình định giặc Minh”. Thác Bản Giốc loang loáng nước dưới ánh thiều quang như dãi lụa bạc trắng xóa bên dòng sông Quây Sơn, Ni cô Mỵ Nương dõi mắt về bên kia sông đồi núi nhấp nhô viền mây trắng bềnh bồng như vành khăn tang đời cô phụ. Xa xa về phía hạ lưu thấp thoáng bóng người cùng tiếng ngựa hí trong ánh hoàng hôn, vọng lại âm vang uy quyền của đoàn quân Tây Sơn - Vũ Văn Nhậm đang truy lùng vua Lê và Nguyễn Hữu Chỉnh.
- Nam Mô A Di Đà Phật! Ni cô có thấy đoàn quân nào lai vãng gần đây?
- Mô Phật! Tiếng thác ầm ì khó nghe động tỉnh. Am Bạch Vân ẩn giữa đại ngàn, thế sự tiêu diêu…

     Sau khi bắt giết Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại có ý đồ phản lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ ra Bắc Hà giết Vũ Văn Nhậm, giao binh quyền cho Ngô Văn Sở. Bầy tôi nhà Lê bảo vệ thái hậu và con trai Lê Chiêu Thống qua cửa ải Thủy Khẩu sang nhà Thanh cầu xin cứu viện.
Cương mục viết:
     “Thái hậu đưa nguyên tử (con trai Chiêu Thống) đến yết kiến ở trong sân, gào khóc xin cứu viện. Bọn Sĩ Nghị tâu với vua Thanh rằng tự hoàng nhà Lê đương phải bôn ba, đối với đại nghĩa, ta nên cứu viện. Vả lại, An Nam là đất cũ của Trung Quốc, sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam, thật là làm một chuyến mà được hai lợi”.(*)
     Ni cô Diệu An – Mỵ Nương, ngước nhìn trời mây u ám, trăng thượng tuần chênh chếch từ hướng kinh thành Thăng Long mờ mịt trong màn sương đêm lan tỏa dưới chân đồi. Dòng sông Quây Sơn lặng lẽ trôi xuôi về trung du mang bao nỗi niềm vọng về cố lý. Mỵ Nương ngâm lên khe khẻ:
     Thương nữ bất tri vong quốc hận
     Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
     Tà áo lam phất phới theo làn gió đêm se lạnh, Mỵ Nương gieo mình xuống dòng sông Quây Sơn mịt mù khói sóng.
Núi rừng Đống Bắc về đêm, trời trở gió.

Nguyễn Châu
(*) Tham khảo: Lê Chiêu Thống – Wikipedi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...