Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

NHỚ VỀ NGƯỜI ĐÃ ĐI XA


Nguyễn Xuân Thống sinh ngày 01 tháng 5 năm 1949 (Kỷ Sửu). Quê quán Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở nhỏ, học trường trung học Nguyễn Duy Hiệu cùng lớp với tôi, tên Nguyễn Xuân B (vì có hai bạn trùng tên).
………
Gặp lại nhau sau hơn bốn mươi năm
Từ Bình Mỹ, réo lúc nào cũng có
Ngồi bên nhau mi kể chuyện đời
Từ làm gạch, sửa máy, ăn chơi
Ngao du với các nhà văn, thơ cổ thụ
Mi đọc thơ ngậm ngùi buồn tủi
Không lẽ đời cũng chìm nổi như thơ ?
(PNCU)
…..
bốn mươi tuổi rồi đây
vợ năm con không no không đói
nợ nần chưa thoát nổi
càng nợ càng hăng vay
thiếu cái danh nhưng không thiếu bạn bè
đi đâu cũng có phần rượu tặng
bốn mươi tuổi rồi
hai lăm năm uống đắng
(giỏi nghể rượu từ thuở mười lăm)
học hành thì lăng nhăng
thân tự lập thân từ năm bảy tuổi
không nhớ hết nghề đã trải
bán báo, đánh giày, ở đợ
đánh trống phòng trà, dạy học, làm thơ
phó giám đốc nuôi trẻ bơ vơ
còn cả chục nghề thôi khỏi kể
ham đọc sách chẳng phải vì ham học
thần thánh trăm ông chẳng phục ông nào
ông nào cũng tốt
ông nào cũng tào lao
có lắm thánh nhân thì đời chỉ rối mù
nhiều triết học thêm tối mù đa sự
không có ông thầy dẫn lối
chỉ có quỷ ma đưa đường
làm thơ chỉ thuộc bậc thường
nhưng biết quý thơ
như nhà nông quý lúa
chẳng hề luận về tài giỏi
chỉ mê man với cái chân tình
không thích thằng háo danh
chẳng sợ phường học vị
suốt đời thèm đi thèm thấy
thèm nghe thèm học cuộc đời
bốn mươi năm khoảng dăm lần tù
câu hỏi lớn thế nào là tội lỗi
văn chương thế mà trôi nổi
ta chẳng buộc thơ sao thơ lại buộc mình
làm thơ cho vợ hết tình
cách xin lỗi của người có lỗi
……
(Vũ Hữu Định - Bài thơ năm bốn mươi)
…….
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
…..
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."
…….
(Hoàng Cầm - Về bên kia sông Đuống)
Những bài thơ trên, Nguyễn Xuân Thống thường thích “đọc”, giọng ngâm nghe nổi da gà, khi trà dư tửu hậu.
Sáng 21.5.2016, chiếc xe Inova của Hùng chở theo A.Ngọc và tôi theo QL51 vun vút, chưa biết tình trạng của Thống ra sao. Mặc dù trước đây, thỉnh thoảng năm ba ngày, Hùng, BS Trãi cùng tôi ghé qua Bình Mỹ, lúc cà phê, lúc ngao du cùng Thống, có lúc lai rai nhưng cho Thống “dự thính”, để đở nhớ không khí yêu ma trước đó.
Thèm rượu mà ta không uống được
Bạn thì xa tri kỷ cũng đi rồi
Tay với trời cao không thấu nổi
Tuổi già mất bạn cũng mồ côi
Những câu thơ của Lữ Quỳnh sao nghe buồn da diết.
Không lẽ…
Đến ngã ba rẽ trái, thấp thoáng bóng Lư Châu đã ra chờ sẳn, dẫn đường. Bên phải hiện ra phiến đá cẩm thạch với hàng chữ thư pháp:”Tịnh Viện Bát Nhã”.
Hai bên hàng thông lặng im không gió. Thống đã đi rồi…
Ni sư Thích Nữ Lạc Hiện (Tục danh cô Mười – em ruột nhà thơ Thái Bá Lợi) kể:
“Trước khi anh Thống đi khoảng hơn hai mươi ngày, anh có xuống thăm Thầy Thích Nguyên Thiện (Trụ trì Tịnh Viện Bát Nhã) nhưng Thầy đi vắng, sau đó anh vê Bình Mỹ, Củ Chi. Anh Thống nói: “Cô Mười, tôi về đây ở luôn, nhưng tôi sợ không kịp lập thất”.
Khi Thầy về có điện thoại cho anh Thống. Anh Thống xin Thầy về Thiền Viện ở. Thầy đồng ý và sắp xếp để anh Thống cùng gia đình có nơi sinh hoạt. Anh Thống ít dám gặp Thầy, vì sợ Thầy la cái tật nhậu nhẹt và ngông nghênh, “thần thánh trăm ông chẳng phục ông nào, ông nào cũng tốt, ông nào cũng tào lao” (Thơ Vũ Hữu Định)
Ngày 18.5.2016 (12. 4 âm lịch), anh Thống thọ Sa di với pháp danh Thích Giác Thiện Nhiếp. Anh ngồi thọ giới mười mấy tiếng đồng hồ không mệt.
Tôi đùa với anh Thống:
- Này Sa di Thích Giác Thiện Nhiếp! có thuộc bài kệ Đắp Y không?
- Không, cô chép ra đi, chép lẹ lên chớ không kịp!
Tôi chép xong, anh Thống nói để trên đầu giường, cái y treo ngang tầm nhìn, tôi hỏi:
- Anh Thống có sợ chết không ?
- Sợ gì, tôi đã xin Thầy xuất gia.
Trưa 20.5.2016 (14.4 âm lịch) anh Thống bắt đầu đau, bác sĩ cho uống thuốc. Cháu Tươi về Saigòn mua thuốc đặc trị giảm đau.
Khoảng 20g, tôi nói với anh Thống:
- Để tôi ra khỏi phòng rồi ông mới chết nghe, nơi nào có người chết,tôi không tới đâu.
Anh Thống nói lấy chiếc gối vàng thay cho gối ở nhà mang theo, sửa lại ngay ngắn. Cháu Thuỷ thấp người, cô Chín lại cao, hai người đở hai bên anh Thống, anh còn nói:
- Giờ này mà còn giỡn!
Sau đó anh mời mọi người ra ngoài, rồi nằm xuống, hai tay để trên bụng.
Chị Lý, cháu Thuỷ và cô Chín bắc ghế ngồi ngoài cửa phòng.
Đến khoảng 23g30 mọi người nhìn vào, thấy anh Thống nằm im như ngủ, quan sát kỹ, anh không còn thở nữa…
Nguyễn Xuân Thống đã ra đi vào lúc 23g30 ngày 20 tháng 5 năm 2016 (14/4 âm lịch, Bính Thân). Khi mất, anh Thống mắt còn he hé.
Bảy giờ sáng hôm sau, Thầy qua thăm, cầm tay anh Thống, Thầy nói:
- Đi được rồi…
Anh Thống liền nhắm mắt”.
Như vậy, Nguyễn Xuân Thống đã xuất gia ba ngày, trước khi Sa di Thích Giác Thiện Nhiếp đi vào cõi Vĩnh hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...