Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

ÔNG NỘI “CÀ QUỶNH”


Ông nội “Cà Quỷnh” không phải là tiếng gọi thân thương của đám con cháu ông, nhưng của đám hương chức hội tề. Ông sinh năm 1918 (Mậu Ngọ), tính đến năm nay hơn thế kỷ, ông còn gân guốc khỏe mạnh, minh mẫn lạ thường.
Ông họ Trần, cái họ danh giá làng tôi. Tập tục thường hay gọi cha theo tên con: Ông Cả Ngượng, riết rồi ông quên hẳn tên thật của mình. Ông nhớ rõ ràng cha mẹ ông có đặt tên, nhưng qua bao mùa binh lửa, dâu bể thăng trầm ông không còn giấy tờ gì để chứng minh mình có tên riêng. Hồi mới “giải phóng”, làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thằng con le te khai đại: "Trần Ngượng sinh năm 1908", vậy là ông được thằng con cho thêm mười tuổi. Năm này làm gì có tên “Mậu Ngọ” của ông, nhưng kệ mẹ. Vậy là năm 2009, địa phương tổ chức lễ Thượng Thọ cho ông, tính đưa ông vào danh sách “gui-nét Thọ” của làng.
Ông có tài làm thơ, quê tôi gọi là vè. Ông kể thế chiến thứ 2 (1939-1945) Tây gởi trát về làng “hốt” tráng đinh sung quân, hội tề lập công bắt ông trói gô giải lên huyện. ông tức mình nghêu ngao:
“Vườn nhà không giữ gà bươi, làm thân lính thú bên trời Tây u, có thân tứ đại mà ngu, má trên chó dưới con cu ở ngoài”. Ông nói:
- Tức mình hay chửi chơi, nhưng oan cho con chó. Con chó với con má khác xa. Chó trung thành, có nghĩa nên sủa quang minh chính đại, má cũng giống con chó nhưng là đồ “cẩu trệ” vô ơn chỉ biết cắn trộm và tru!
Thấy ông có chữ nghĩa, quan Tây sung ông vào ban “đạc điền” (cadastrer), dù ông mới có bằng Sơ học Yếu Lược (Primaire Élémentaire), trong làng chỉ có mình ông.
Ông nhớ chuyện xưa xa lắc:
“Một lần, Hương quản Thông cầm gậy đi tuần đêm, mắt dòm lom lom vào nhà, ông ngồi dậy thắp đèn rồi cởi quần ngồi dạng háng, bứt từng sợi lông hơ lửa cong queo, ngâm nga:
“Đốt đèn cháy khét chòm lông, cha con thằng quản chạy rông kiếm… lờ, nạ dòng quen thói lẳng lơ, trộm quần mụ Võ về thờ quan Văn” (Văn là tên cha Hương quản Thông – mụ Võ góa chồng).
Lý trưởng Kim nói với hương quản Thông:
- Thằng Ngượng “cà quỷnh” nghêu ngao phá làng phá xóm, dù hắn chưa làm gì phạm pháp nhưng chú phải coi chừng. Thơ thẩn gì mà “phản động”, có ngày tao gông cổ!
- Hắn mới làm bài vè, bác nghe chưa? Thằng cu Ri giữ trâu cho tui ca múa như hát bội, vầy nè: “Lý đâu có lý lạ đời, Kim không lỗ xỏ mà xơi cả nùi, đáy quần què cũng nuốt trôi, bóp hầu bóp họng cả người lẫn ma. Nghèo, sưu thuế cũng không tha, Cúc cung bái lũ Lang sa làm thầy…”.
Bác thấy chưa, hắn chửi bác đích danh. Hổn, hổn quá!
Mặt Lý trưởng Kim tái ngắt, xanh lè như đít nhái. Lão giận quá, đập tay xuống bàn cái rầm, bình trà sứ đời Tống ngã lăn chiêng. Hương quản Thông hoảng hồn lắp bắp:
- Mấy thằng có chút chữ nghĩa này thiệt là nguy hiểm, có cách gì trị nó không bác Lý?
Ngẫm nghĩ một lúc, Lý trưởng Kim vuốt râu cười khà khà:
- Tề Thiên còn trị được, hắn là cái thớ gì. Mi có biết vòng “Kim Cô” là gì không? Tao mời hắn làm Hương giáo. (Phụ trách công tác giáo dục, thư ký hội đồng hương chính).
- Hắn đã rứa rồi, cho hắn làm Hương giáo mệt hung nghe bác Lý!
- Chú dốt, dốt quá! Biết một mà không biết mười. Khi hắn nằm trong lòng bàn tay, muốn bóp chết lúc nào không được!
Từ ngày ông làm Hương giáo, trẻ nào đến tuổi là phải đến trường, kể cả thằng cu Ri giữ trâu cho nhà Hương quản Thông. Thời buổi Nho học lụi tàn, ông mở lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), lũ con nít ê a khắp làng khắp xóm: “Un, Une Một/ Deux Hai/ Trois Ba/ Quatre Bốn…”. Đứa nào không có tập vở viết trên lá chuối bằng bút… tre (đủa tre vót nhọn).
Có lớp Đồng Ấu, xóm làng loạn hung. Những bài học đánh vần của lũ trẻ như kim chích khiến các quan làng nhột nhạt nhưng không bắt bẻ được gì. Tỉ như: “Hát ư… hư ơ anh rê… ương (HƯƠNG)/ Cu… a qua anh nờ uan (QUAN)/ Quê hương chìm đắm xóm làng xác xơ/ Lờ… y ly sắc (LÝ) ỡm ờ/ Lột Dê… a (DA) róc thịt phỉnh phờ bà con”.
Những buổi trưa hè văng vẳng tiếng ru hờ bay theo gió nồm mát rượi. Lời như ca dao, người ta đồn rằng thơ của ông Trần Ngượng: “Ầu ơ… Chiều chiều ra đứng sau hè/ Không phải thương cha hay nhớ mẹ nhưng lòng nghe bùi ngùi/ Trống làng giục giã liên hồi/ Có thóc nộp thóc không thời đi phu/ Thuế thân thuế ruộng lu bù/ Rình mò như cú, thằng ngu làm thầy…”
Ông nội “cà quỷnh” vỗ đùi cái tróc, cười ha hả:
- Làng ta toàn là những nhà thơ dân gian lỗi lạc, bí bức quá phải xì, xì ra có cánh bay lên thành thơ, rồi gắn tên cho lão. Ngẫm nghĩ đi, lão đã sống trọn gần thế kỷ, nhiễu nhương, bất công thời nào chẳng có. Thời trẻ, lão tốt phước được võ vẽ năm ba chữ của thánh hiền, nên đâm ra ngông. Sóng sau đè lên sóng trước nhưng mang theo toàn rong rêu, ngày càng thúi nực. Điểm lại đời mình lắt lay theo vận nước nổi trôi, chiến tranh liên miên như cơm sôi theo ngọn lửa tàn, lửa cháy. Trồng trộng vấp phải thế chiến thứ 2, rồi chín năm kháng chiến. Đình chiến được mấy năm lại bùng lên cảnh nồi da xáo thịt tang thương. Làng ta biết bao nhiêu thế hệ huynh đệ tương tàn, hai thằng con trai của lão, không biết thằng nào bắn trúng thằng nào mà cả hai đều bỏ mạng!
Cánh đồng lúa chỉ còn trơ gốc rạ, trời cuối thu đầu đông mang theo những cơn mưa dầm dề. Thời tiết năm này trái nết, nhiều năm lũ lụt không về. Ngày xưa, “Ông tha mà bà không tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười” nên ruộng đồng phì nhiêu nhờ con nước mang nặng phù sa.
Đôi mắt ông Trần Ngượng nhìn xa xăm về ngọn núi Ngọc Linh xám mờ trong mưa bụi, khe khẻ ngâm nga: “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Toàn mờ mịt thức mây/ Chín tầng gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh…”. Đã triền miên khói lửa, chinh phụ… chinh phụ… “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi/ Chinh phu tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn…” (Chinh Phụ ngâm).
Tôi vọt miệng:
- Ông không làm thơ nữa sao?
- Cậu không thấy à? “Thơ đã chết và hồn thơ đã chết/ Chuyện môi sinh ta trả lại cho người/ Rêu không bám đá cuội buồn bên suối/ Ngẫn ngơ cười cùng lũ trẻ rong chơi…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...