Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

THẰNG CU LỚN


Bà nội ngóng chờ ngày nó ra đời. Ngày thôi nôi, cả nhà lom lom nhìn nó thích gì trên mâm đủ thứ đồ lỉnh kỉnh, cha nó vội rút cây viết trên túi áo dứ dứ rồi đặt trước mặt nó, nó chồm lên chộp vào bình vôi ăn trầu của bà nội. Cha nó lắc đầu:
- Cái thằng...
Bà nội lấy tay quệt vết trầu ứa trên khóe miệng, cười hỉ hả nâng nhẹ bìu dái nó, rồi phán một câu xanh rờn:
- Đặt tên hắn là Cu Lớn !
Cả nhà cười vang, ông nội chép miệng:
- Thằng ni sau này làm
quan to. Đâu có đứa nào dám "chụp" ông bình vôi. Đích tôn của ông có khác… !
Mẹ nó hích cùi chỏ vào hông cha nó thì thầm:
- Sao là Cu… lớn ?
Bà nội thính tai nghe được, liếc xéo con dâu:
- Mi chỉ đẻ có một thằng
thôi sao? Nhà tao ba đời "nam đa nữ thiểu", còn thằng Cu em, Cu tam, Cu tứ… mi hiểu không hả?
Ông nội nhìn xa xôi ra ngoài đồng, tay vấn điếu thuốc lá miệng buông từng lời rành rọt:
- Tam nam bất phú, bốn
thằng là tứ quý. Lão Chánh Môn có bốn thằng con đều đỗ đại khoa.
Nhưng cha mẹ nó học xong tiểu học thì nghỉ, nó lớn như thổi, được cái ít nói nhưng lì số một. Bà nội cưng như cưng trứng, bất kể ai nói đụng đến nó là bà chửi tắt bếp, riết rồi nó muốn gì được nấy. Đến tuổi đi học, cha nó lật tung tủ thờ tìm giấy khai sinh, không thấy, chỉ mẹ nó nhớ tên: Nguyễn Văn Đại. Tên này do ông nội tra trong phổ hệ, không sợ kỵ húy mới đặt cho. Bà nội nhổ bã trầu, nói lớn:
- Khai sinh dưới đáy lư hương. Tao cất ở đó để ông bà phù hộ cho nó !
Nghe được đi học nó mừng rơn, lon ton theo cha lên trường. Cha nó về, ngồi chưa nóng đít đã thấy nó, quần áo lấm lem, nước mắt nước mũi tèm lem. Nó gào lên:
- Đ. má nhớ bà nội quá !
Khỏi phải nói, bà nội xúc động cũng khóc, ôm nó vào lòng vỗ về an ủi:
- Thôi ! Ở nhà với nội. Tổ
tiên sư cha hắn chớ học với hành !
Lớn hơn chút nữa, đích thân bà nội đưa đón. Cô giáo nói nó chểnh mảng, không chăm chỉ học hành, cứ dòm ra ngoài bụi tre, nơi có bà nội ngồi thong thả nhai trầu chờ nó.
Nó có biệt tài bẫy chim, đặc biệt thích chào mào. Miệng nó ngậm chiếc lá tre buông ra tiếng hót véo von như chim gọi bạn tình, những cánh chim chào mào chao liệng đáp xuống cây khế trước nhà, nghiêng đầu hòa điệu. Mỗi lần cha nó phùng mang trợn mắt quát tháo những trò nghịch ngợm, nó ngước nhìn rồi thản nhiên như không. Chắc nó nhập tâm lời bà nội:
- Không được la rầy con
trẻ ! Nó biết cứt gì.
Trong nhà, nó không tin ai ngoài bà nội. Thậm chí cha nó hứa mua áo quần cho năm học mới, lớp năm rồi. Nó quay sang hỏi bà nội, nói trổng:
- Ổng nói mà có hay không ?
Nó không chấp nhận những cái gì khác với tầm nhìn và hiểu biết của nó. Không có ai tốt trên đời này kể cả cha mẹ nó, ngoại trừ bà nội.
Đôi mắt rậm mi và hàng lông mày như sâu róm của nó nhìn ai cứ như kẻ thù. Trong dòng họ, ít ai có thiện cảm với thằng cháu đích tôn của ông bà Sửu.
Đặc biệt nó thương con trâu vì bà nội nó tuổi trâu, từ ngày nó có chút hiểu biết thấy ai trong nhà cũng sung sướng, chỉ có bà nội cực thân vì nó.
Ráng bò lên lớp tám nó bỏ học, xin tiền bà nội mua trăm vịt con về nuôi. Đàn vịt lông tơ vàng như bông cải, tung tăng tíu tít con nào cũng giống con nào, nhưng nó cưng nhất là con vịt què nhảy từng bước xiêu vẹo ngộ nghĩnh. Nó ôm vịt con vào lòng đặt vào chiếc thau nhôm méo mó rồi đổ nước vào cho vịt bơi, vì nó nghĩ vịt con sẽ không còn đau đớn.
Nhưng vịt con mắc dịch cứ muốn nhảy ra theo bầy đàn, bắt vào rồi lại nhảy ra. Nó điên lên chửi vịt què ỏm tỏi:
- Đồ ngu, tụi nó giành ăn hết phần mày, có đứa nào quan tâm đến mầy mà mày theo...
.......
Cũng năm con trâu, bà nội nó quy tiên, tròn trịa một "lục thập hoa giáp". Cha nó định giết heo làm đám, nó vác heo thả lại vào chuồng. Hỏi, nó lầm lì không nói. Mẹ nó khóc than:
- Nghĩa tử là nghĩa tận con ơi ! Phải cho tròn đạo hiếu ! Chớ để hàng xóm chê cười.
Nó lẳng lặng xuống bếp nấu nồi cháo lươn, lươn đồng bắt được do nó đặt ống trúm ở tận cánh đồng ven sông Cổ Cò. Nó lầm bầm:
- Sống không có ăn, chết làm đám rình rang đãi ruồi !
Ông nội nó đã già lụ khụ, ngồi nhìn đám con cháu lăn xăn, khăn tang quấn khéo quanh đầu nhưng mắt ráo hoảnh, riêng chỉ mình nó ra sau nhà ngồi khóc thút thít.
Trước khi mấy ông thầy tu tụng kinh gõ mõ cúng cầu siêu cho bà nó, nó bưng tô cháo lươn nóng hổi thổi phù phù đút từng muỗng cho ông nội ăn. Miệng ông móm mém, mắt nhìn vô hồn vào đám đông bà con đến phúng điếu.
Bất cứ già trẻ lớn nhỏ, nó thấy có điều gì sai theo quan niệm "đạo đức" của nó, nó không kiêng dè, nói thẳng thừng, lý luận như ông cụ non:
- Đừng có nói "xã hội nó rứa" (vậy) mà làm càn. A dua theo đám đông tầm bậy. Mình phải là mình chớ ! Những hủ tục lạc hậu phải bỏ, già đầu sao chưa đủ lớn ?
Ai nghe qua cũng tức cành hông nhưng không nói gì được.
Sau ngày ông nội mất, nó bỏ vào Nam. Saigon đô hội phồn hoa khiến nó lóa mắt, nhưng tình người thờ ơ không vồn vã thân thiện như làng quê nghèo của nó. Những đôi mắt nhìn nó cảnh giác, người giàu sang thì "phong thái đỉnh đạt' ai nhìn cũng e dè kiêng nể, lại coi thường cái 'cốt cách hai lúa" chân chất, thật thà của nó ! Người thành phố đi như chạy, hối hả giành giật nhau từng miếng cơm, manh áo khác xa tình làng nghĩa xóm quê nhà.
Với nó, không có gì đáng để học ở nơi này, ra đường gặp nhiều cảnh bặm trợn, đầu trâu mặt ngựa không biết nhường nhịn, lừa đảo gian manh.
Hắn bỏ về. Lão Khang 'giang hồ" nói nó đến không đúng chỗ. Giới thượng lưu người ta hào sảng sẳn sàng ra tay tế độ bố thí khắp nơi, hay như giới "trí thức" họ ăn nói hòa nhã, lịch sư...
Nó trừng mắt đốp chát:
- Thiếu gì '"thằng" giàu nghìn tỷ đi tù, thiếu gì "thằng" giáo sư tiến sĩ mua bằng, nhân cách chẳng ra chi...
Đối với nó, những loại đó là "thằng" tuốt !
.......
Cha nó sính thơ, khách đến thăm nhà, trà dư tửu hậu. Có mấy lão say ngất ngưởng mặt đỏ như Quan Công tự ngâm thơ mình sang sảng. Nó buông cái mo-lết, lau tay dầu nhớt. Nói trổng:
- Thơ gì rứa (vậy) mà thơ ! Thơ phải đi vào lòng người, nghe chán thấy mẹ !
Lão nhà thơ cụt hứng, quắt mắt nhìn thằng thanh niên đang đà trổ mã mặt đầy mụn, buông lời khinh khỉnh:
- Ếch ngồi đáy giếng thấy bao lăm trời...
Nó sực nhớ thơ Lục Vân Tiên bà nội hay ngâm nga khi dỗ nó ngủ, ngày còn thơ ấu, nó đọc liền một hơi:
"Quán rằng: Ghét việc tầm phào
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
Ghét đời Ngũ bá phân vân
Chuộng bể dối trá làm dân nhọc nhằn.
Ghét đời thúc quí phân băng,
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân".
Cả bàn nhậu trố mắt ra nhìn. Nó lửng thửng bỏ ra sau hè ngắm bầy chim thiên di đang bay về cõi xa mờ...
Nắng trải ánh vàng trên nền xanh thẳm màu lúa. Đàn vịt kêu vang ùa về phía nó, đôi cánh đã trổ lông cán bút. Tháng ba lúa trỉu bông nặng hạt cúi đầu, vịt sắp được thả đồng. Nó đắm say nhìn về bên kia sông, nơi có bóng dáng diễm kiều nó hằng mong nhớ, mẹ nó không nghe lời bà nội lại đẻ em Thúy, con bé dễ thương hết sức. Với em, nó dịu dàng chăm sóc từng li từng tí nghiêm nghị ít lời, nhưng ru em ngủ bằng những lời ca dao thắm đậm tình quê.
Sau mùa gặt tới, cha nó định làm đám cưới cho nó, mẹ nó đang đăm chiêu tư lự dự tính cho ngày trọng đại của một đời người...
Nó chở ở đâu về ổ gà cả mẹ lẫn bầy con ríu ra ríu rít. Thoáng nhìn, nó buông lời chắc nịch:
- Tui lo hết trơn rồi ! Bà đừng suy nghĩ đau đầu.
Nó không nghĩ gì đến ơn cha nghĩa mẹ. Nó chỉ biết ông bà nội nuôi nó bằng đồng tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ. Nó dư được đồng tiền nào lại chạy đi mua gạo giúp cho bà tám Thơm, già bằng bà nội nó, bà cũng là cô nhi quả phụ của của chế độ cũ, nay nghèo khó rớt mùng tơi !
Cha nó nói nó làm chuyện trời ơi. Mong ước của ông bà nội có con đàn cháu đống nhưng cha mẹ nó chỉ sinh được hai mống. Thời buổi lạ kỳ, đất nước giàu lên thênh thang cao tốc, phố xá phồn vinh, xe hơi nhà lầu nhưng cha mẹ nó chỉ lo làm nuôi em Thúy đã bở hơi tai, học phí học thêm, đồng phục, bỏ ống heo ăn, kế hoạch lớn nhỏ, đủ thứ tiền tiền...
May nó mới bán bầy vịt định mua hai con bê, ông nội nhập viện không tiền đóng "thế chân" dù có bảo hiểm y tế, không thì cha nó cỏng ông nội về rồi. Nó không hiểu vì sao cái gì cũng tiền đi trước mới được việc, nó phản đối lời cha nó:"Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Khôn con mẹ gì cái kiểu mua chuộc lòng người bằng tiền ? Cứu người hơn cứu hỏa, xe cứu thương hú còi inh ỏi ưu tiên nhưng đến phòng "cấp cứu" đành khựng lại vì không có tiền. Nó ra ngoài hành lang bệnh viện chửi đổng: "Tổ cha mẹ thằng bệnh viện".
Ông già cụt một chân chống tó nhìn nó nói to:
- Cậu đừng có chửi chung chung như Chí phèo chẳng ăn thua, phải chửi đích danh tụi hắn mới ngán !
Nó có biết tên "thằng" nào mà chửi !
......
Con bé bên kia sông tên Thụy hỏi nó:
- Anh có nhớ tui không ?
Nó quay mặt, hình như "mắc tịt" (mắc cở) nói:
- Làm thấy mụ nội có rảnh đâu mà nhớ ! Nhưng tui...
Thụy hiểu lòng nó, nên không giận hờn chi mà còn toét miệng cười, rụt rè cầm tay nó:
- Tui nói chi mô (đâu) ! Tui biết mà...
Nó nghe mà thương quá chừng chừng !
Thụy e dè:
- Bữa mô (nào) anh dắt tui về thăm cha mẹ.
- Chưa cưới hỏi mà dắt đi mô ?
Nhìn con bé mặt đỏ tẻn tò mà thương quá !
Khi cha nó nhờ lão Khang "giang hồ" làm ông mai, đưa cha con nó qua nhà Thụy, hẹn ngày hỏi cưới chung một lần cho đở tốn kém. Nó liếc nhìn con nhỏ hình như bốn con mắt có đuôi.
Cưới xong vợ nó có mang liền, cha mẹ nó hoan hỉ báo bà con làng xóm:
- Thằng Cu lớn sắp có con, không phụ lòng tui với ông bà nội nó.
Mẹ nó lặp lại y chang lời bà nội với con dâu mới:
- Nhà tao ba đời "nam đa nữ thiểu" nhớ đó nghe mi !
Thụy "nhéo" hông cu lớn, nói nhỏ:
- Ông bà chờ đó, tui đẻ cả chục...
Nó lùa bầy vịt về gần đến nhà, nó thấy vợ lom khom cấy ngoài ruộng, không nói không rằng bồng vợ về nhà, Thụy la ơi ới nhưng kệ mẹ. Thụy xấu hổ chữa thẹn:
- Anh làm cái gì chướng rứa anh ?
Nó lấy gáo dừa múc nước trong lu dội vào đôi chân vợ, nói tỉnh bơ:
- Tui bồng thằng cu trong bụng...
- Cu lớn hay Cu nhỏ ?
........
Nó lý sự:
- Ai nói tình yêu khó hiểu. Dễ ợt ! Ngó thấy liền. "Bả" (mẹ nó) càng già càng mong những lời dịu ngọt, gừng càng già càng cay, khó tính trăm bề. Khi xưa đã một thời yêu nhau đắm đuối, có thể chết vì nhau mà nay như vỏ dừa với nước cốt ?
Cha nó nghe góp lời:
- Đêm qua tao tính sang phòng "bả" hỏi đôi lời, cửa đóng then cài gõ hoài không mở. Tao nghĩ chắc bả đã ngủ say ! Nhưng sao nghe tiếng nhạc âm vang lời người "viễn xứ" cứ như tiếng nấc nghẹn, thổn thức một dư âm ? Đời người khổ tâm vì so đo. Nhàm phải chán thôi, khó có ai quen mãi một lối về ! "Bả" hiện hữu nhưng hình như "bả"đã chết ! Như tao đã "chết" trong lòng mẹ mi !
- "Ông" trôi ngược về chốn hồng hoang... Ông cứ thơ với thẩn, bả làm không hở tay còn "ông" cứ như người cõi trên...
Nó nói với cha nó như nói với ông hàng xóm, cha nó bực mình gắt:
- Cái thằng...
Càng lớn nó càng đẹp người, dáng phong trần như tay anh chị. Con nít nhìn thấy nó dù đang khóc cũng nín khe, đám thanh niên cùng lứa tỏ ra kính nễ vì cách chơi anh hùng mã thượng của nó. Nó bán cặp bò tơ lấy tiền giúp thằng bạn có vốn đi buôn trầm, một vốn bốn lời.
Lời đâu không thấy lại bị sốt rét ác tính suýt đi đong, may nhờ cùng loại máu O tiếp sức lọc máu. Từ bệnh viện nó liêu xiêu về nhà, vợ nó cười toe dìu nó vào nhà:
- Cu lớn hết máu !
Nói xong, ra vườn dụ con gà mái tơ hầm cháo đậu xanh cho nó bồi dưỡng lại sức.
Nó sờ bụng vợ lum lúp, nói bâng quơ:
- Siêu âm cũng con trai hả ?
Nó chỉ con gà trong nồi cháo:
- Ăn đi !
Thời đại 4.0 người ta ăn nói anh anh em em ngọt xớt, nó nói không có chủ ngữ, cộc lốc, nhưng vợ nó hiểu. Yêu thương đâu chỉ bằng lời, trái tim không biết nói nhưng biết rung động, thổn thức, nhớ nhung...
Gần tết, cải ra hoa vàng rực, sáng cả khu vườn. Vợ nó đem nong củ kiệu ra phơi, nghe tiếng lạch bạch của chiếc honda cà tàng mẹ chồng đi máy gạo mới về, liền lăn xăn chạy ra đầu ngõ đẩy phụ vào sân. Mồ hôi chảy dài thấm ướt chiếc khăn màu cháo lòng của mẹ. Thằng Cu lớn đứng nhìn bằng ánh mắt chứa chan niềm thương cảm, nhưng nó vội quay đi, không muốn ai biết nó bi lụy như mấy mụ đàn bà...
.....
Nó bắt con vit xiêm đực đi tết thầy H. ngày xưa là thầy chủ nhiệm năm lớp 8, cũng là năm nó chán ngấy học vì những chuyện ở trường. Cô thầy nào cũng bắt học thêm, dù các môn đó nó không thích, chỉ riêng thầy H. nói trong buổi sinh hoạt:
- Bộ môn của thầy các em học trên lớp là đủ nếu chịu khó nghe lời thầy giảng và làm bài tập ở nhà. Thì giờ còn lại cứ vui chơi hay giúp ba mẹ. Đó là học sinh ngoan và người con hiếu thảo.
Chỉ bấy nhiêu mà nó nhớ mãi đến bây giờ. Sau khi nó nghỉ học thầy H. cũng nghỉ dạy. Nghe nói bây giờ cuộc sống của thầy cũng khó khăn...
Nhìn con vịt xiêm có mồng đỏ chói, thầy H. hỏi nó:
- Em nuôi mấy tháng mới lớn như vầy ? Mỗi ký giá bao nhiêu ?
Nó không hiểu ý thầy muốn nói gì. Lần đầu tiên sau ngày biết ý thức làm người, mặt nó đỏ lên, ấp úng như ngày xưa nó không thuộc bài.
Nó ra sau nhà thầy cột con vịt vào gốc cây mít rồi trèo qua hàng rào dâm bụt về nhà.
Thầy H. thở dài, cũng nhủ thầm lời như cha nó:
- Cái thằng...
Sau Noel không khí lạnh tràn về. It khi trời rét dưới 20 độ, nhưng năm nay hơi bất thường, đàn vịt co ro nằm cạnh nhau tìm hơi ấm,. Nó mở cửa vào nhà cha mẹ, cha nó độc ẩm với chai rượu gần cạn, nó không ngờ cha nó già nhanh quá. Đôi mắt ông nhìn về cõi xa xăm, mơ hồ nào đó, nó ngồi xuống đối diện, nhìn vào khuôn mặt ông như lâu lắm rồi cha con không gặp. Nó nghe tựa như trong sâu thẳm lòng mình dâng lên một niềm yêu thương vô hạn. Nó chồm lên:
- Cha !
Đôi mắt cha nó như vô hồn, dại đi rồi gục xuống bàn. Cha nó đã đi rồi...
.....
Nó ngậm ngùi nghĩ về những người thân, ông bà cha mẹ mới ngày nào, nay ba người đã không còn nữa. Nó sực tỉnh bừng vui trong niềm đau xót: Mình vẫn còn mẹ. Nó chạy ào vào nhà tìm mẹ, mẹ nó ngồi ủ rủ bên bàn thờ cha nó nghi ngút khói hương. Mẹ gầy sộp đi sau ngày ra đi đột ngột của chồng, hình như bà đang nhớ về những ngày xưa cũ...
Nó lặng lẽ đứng nhìn mẹ, nó thầm nhủ lòng mình hãy biết nói lời an ủi và chăm sóc cẩn thận mẹ hơn trong những ngày còn lại, nước mắt tự dưng ứa ra trên đôi má phong trần bụi bặm của nó. Thằng Cu lớn cũng biết khóc hở trời ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...