Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

ĐÔI DÒNG

 Chú Dũng ôm tập vở, ngồi lắng nghe tiếng kinh tụng đều đều phát ra từ chiếc loa gắn trên cổng tam quan chùa Thiên Vân Tự, thỉnh thoảng tiếng chuông bon làm chú giật mình.

....
Người đàn bà đẻ rơi và cuộn đứa con mình trong bốn trang báo lớn, lảo đảo bước đi không hề ngoảnh lại, đứa bé được vợ thầy giáo Sinh cắt rốn và cho bú mớm. Gia cảnh thầy nghèo túng đông con, khi chú được bảy tuổi thầy giáo Sinh đưa vào chùa ăn nhờ cơm Phật, thọ giới Sa-di.
Xong tiểu học, chú đã thuộc lòng kinh kệ. Thầy trụ trì ngạc nhiên và thầm khen sự thông minh của chú, ngoài học văn hóa chú được thầy cho học thêm ngoại ngữ và võ thuật. Sự sinh hoạt lẫn lộn đạo, đời khiến chú ngộ ra nhiều điều.
Người mệnh phụ sang trọng bước ra từ chiếc xe hơi màu bạc, lấy từ trong giỏ chiếc áo lam khoác vội vào người, xăm xăm bước lên chánh điện. Chú Dũng chắp tay cúi đầu chào, chú gõ chuông để bà lễ Phật, đồng thời cũng là tín hiệu báo sư phụ có khách.
Đôi mắt bà lim dim cầu khấn điều gì, chú không nghe rõ. Chỉ nghe “Nam Mô A Di Đà Phật” liên hồi, bà quỳ xuống ngước mặt nhìn đấng chí tôn với lòng thành kính vô biên.
Tiếng chào “A Di Đà Phật” của thầy trụ trì khiến bà quay lại, chú Dũng nhìn thấy sự thảng thốt trong đôi mắt và bà vội vàng quay lui, không chào từ giã thầy như những thiện nam, tín nữ vào chùa.
Chú bước vào hậu liêu, lòng bâng khuâng không hiểu việc gì vừa xãy ra. Thầy đang quỳ trì chú và niệm Phật, có lẽ mong tiêu trừ khổ nạn, chướng ngại trên con đường đạo hạnh của thầy.
Mười năm về trước, thầy qui cố hương với mảnh bằng tiến sĩ “Triết học Đông Phương”. Thầy say mê khám phá kinh tạng Nikàya Pàli và A-hàm thuộc Phật giáo truyền thống, những gì đức Phật đã dạy suốt 45 năm truyền giáo, gồm những giáo lý căn bản như Tứ Diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã…
Thầy được Thượng tọa Thích Như Tuệ trụ trì chùa Thiên Vân Tự nhận làm đệ tử và xuất gia từ đó.
Chú lặng lẽ quỳ sau lưng Thầy, tiếng mõ nhẹ nhàng thanh thoát đưa tâm hồn chú phiêu linh, chú nghe tiếng gọi từ cõi mơ hồ, một giọng nữ ngân vang:
- Hãy theo ta! Nơi của con không ở chốn này...
Chú như mộng du lùi dần ra cửa, chú bước theo vầng sáng lung linh xoáy tròn giữa hai con mắt. Chú chạy băng băng qua rừng bạch đàn sau chùa, đường mòn như có lân tinh sáng màu trăng, trải vàng phía trước. Người mệnh phụ ban chiều như sương như khói, đưa tay vẫy, chú bước càng nhanh. Con sông lấp lánh, gợn sóng lăn tăn, ánh lên màu bạc. Mặt nước rẽ đôi, chú lầm lũi bước theo vầng sáng ma mị.
Chú Dũng nghe nhiều giọng rất trẻ, gào lên than van nhớ mẹ, họ đã chết khi chưa đủ lớn nay thành hồn ma bóng quế, sống vất vưởng không nơi nương tựa. Họ chỉ còn biết ngưỡng vọng tôn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, họ nương theo để hưởng chút hương hoa ngày vía.
Thầy Thích Như Tuệ đã viên tịch, hệ thống chùa chiền bị phân hóa, quan niệm “Tôn giáo phi chính trị” đã lỗi thời, người đời không còn nơi bám víu. Phật, Chúa và Thượng đế mơ hồ, đức tin chỉ còn trong lòng những người hiền lương nhưng khốn khó.
Mẫu Thượng Ngàn rùng mình khi nhìn những khuôn mặt nung núc phủ phê no đầy, đang lim dim tụng kinh ê a mà đạo hạnh buông thả theo dục vọng đời thường.
Tiếng trống cầm canh mơ hồ đội về từ cõi thiên thai hay địa ngục, những cô hồn lầm lũi cúi đầu đi về nơi họ đã nằm xuống: Rừng sâu núi thẵm, sông rạch ao hồ, trên những con đường gồ ghề đầy vết đạn bom hay trên đồi cao mịt mù sương khói...
Lời cầu siêu nào dành cho những oan hồn vô danh tính? Nếu đời không còn chân, thiện, mỹ sẽ đưa ta đến chốn trầm luân. Sự dốt nát dễ bị lừa mị nhưng cũng dễ ngộ ra chân lý, khi không còn niềm tin.
………
Người mệnh phụ sang trọng kia vẫn không quên được tình yêu thánh thiện của mình, càng không thể quên nên nỗi oán thù càng dậy sóng đeo đẳng theo bà. Đôi khi bà tự vấn lòng mình và lặng người nghiền ngẫm chân lý muôn đời, sự hiễn linh đã minh định:“Khổ hải mang mang/ Hồi đầu thị ngạn”(Biển khổ mang mang/ Quay đầu lại là bờ).
Đã biết vậy, nhưng lòng tiếc nuối khôn nguôi những ngày thơ mộng đầu đời. Oan gia cho bà gặp lại người xưa nay thay hình đổi dạng, sự ân hận và quay về bến giác của người có chuộc lại lỗi lầm đã đẩy đưa bước chân bà đến chốn khổ đau và bà có ray rức khi quay lưng với giọt máu của mình vì sự hào nhoáng của gia đình danh gia vọng tộc?
Sự sang trọng và nét đẹp quý phái kia không mang lại niềm an lạc cho bà, tất cả vật chất trên đời, lầu son gác tía chỉ là mảnh phù vân, chỉ có tình yêu trong bà là vĩnh cửu. Khi chạm mặt, lòng bà dâng lên niềm ai oán nhưng bà đành lòng quay lưng.
Thầy trụ trì lim dim lần tràng hạt, tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian tịch mịch, nắng chiều còn sót lại những tia nắng vàng chói xuyên qua tàn cây kẽ lá đồi thông, như ánh hào quang từ cõi Tây phương cực lạc. Thầy thở dài nhớ về mối tình trong tuyệt vọng năm xưa, chàng sinh viên nghèo đã gieo vào lòng cô tiểu thư khuê các niềm tin yêu và ngưỡng mộ, nhưng không hề biết đã để lại trong cô một sinh linh đã tượng hình khốn khổ trên thế gian này.
Chú Dũng quay về, màn đêm tím sẩm, ánh trăng lưỡi liềm và những vì sao long lanh soi sáng lối mòn giữa rừng bạch đàn, thấp thoáng bóng dáng ngôi chùa Thiên Vân Tự lúc ẩn lúc hiện trong sương. Người đàn bà sang trọng như có ma lực, hình ảnh của bà không hề rời khỏi tâm trí của chú.
Chú nhớ lời Phật dạy: “Nếu không nợ nhau, làm sao gặp gỡ”. Người tình kiếp này là vợ chồng kiếp trước, nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này, là anh em kiếp trước, sẻ chia cho hết nợ. Nhân quả luân hồi, duyên nợ tiền kiếp khiến chú gặp lại bà nhưng duyên khởi chưa tàn, chỉ là số kiếp mà thôi!
Đứa con trai oan nghiệt bà đã bỏ lại trước cổng nhà vị cư sĩ năm xưa, nay đã theo bước chân tu hành của người cha, vị đại đức đạo hạnh đáng kính trong ngôi chùa thâm nghiêm kia.
Chú Dũng dừng chân giữa mênh mông sóng nước tách đôi dòng, những vì tinh tú lấp lánh diệu ảo Tây phương thấp thoáng hào quang đức Thế tôn từ bi, độ lượng. Dòng bên kia, những lâu đài điện ngọc lơ lửng trong chín tầng mây, sương mù giăng kín lối, lập lòe ánh đuốc ma trơi, lũ quỷ sứ nhởn nhơ hát vang bài ca ngày tận thế.
Chúng bóc trần những linh hồn khô máu, đày đọa đến tứ cố vô thân những oan hồn rách nát. Chúng sống bê tha như loài không tri giác, để lãng quên nỗi khổ làm người hay cố quên thân phận ngu si, lầm đường lạc lối của mình?
Nguyễn Châu
(Trích tập truyện Đôi Dòng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...