Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

CON NGỰA MÙ

Trong tác phẩm: "Ở theo thời" của nhà văn Hồ Biểu Chánh: "... Từ ngày được xây dựng, trường đua Phú Thọ thu hút rất nhiều người đổ về xem đua ngựa và cá cược.
Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm (...) Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa. (...) Trước khi cuộc đua bắt đầu, các "nài lang" dắt ngựa vài vòng chào khán giả, cho dân cá cược so chân. Nài ngựa không được nặng quá 40 kg, mặc đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Nài ngựa phải có tính can đảm, gan lì và kinh nghiệm trận mạc. Khi lượt đua bắt đầu, nài oai phong với áo màu, quần trắng... cầm roi quất liên tục giục ngựa lao về trước. Chỉ trong vòng hơn một phút, ngựa cán đích. Nài chiến thắng được tung hô. Dân "tuyệt phích", chủ ngựa săn đón nài như một ngôi sao..."
Nài Hường nhớ thời hoàng kim xưa, đố có thằng nào qua được. Vừa nghe hiệu lệnh, nài Hường nhanh nhẹn ra roi, ngựa cất vó chồm lên, Phi Long không hổ danh ngựa chiến.
Chủ giao Phi Long cho Hường chăm nom. Đêm về, Hường treo chiếc võng đong đưa nhìn con ngựa chậm rãi nhai cỏ, Hường mơ màng nhớ lúc khán giả hét vang tung nài lên trời, Hường nhìn quanh tìm Mai đang đứng đâu đó trong biển người hâm mộ, Hường hãnh diện quá sá!
Đôi mắt lá răm của Mai mơ màng, hàng mi dài như liễu rủ đa tình mà đằm thắm quyến rũ. Mỗi lần nhìn, hồn phách nài Hường như lên mây, tê buốt tâm can. Chiếc áo bà ba căng bóng, muốn bứt tung mấy cái nút bóp, lồ lộ đôi vú tràn nhựa sống của Mai khiến Hường tê điếng, háo hức muốn bóp nát trong đôi bàn tay quen ghì cương ngựa. Mai hiện ra trong điệu bộ e thẹn nhưng lã lơi chết người. Những chùm hoa cau vàng ươm rơi lác đác trên lộ đất đỏ về "Mười tám thôn Vườn Trầu" (Thập bát phù viên hay Thập bát phù lưu viên). Ngang qua nhà Mai, Nài Hường chậm rãi cho Phi Long thảnh thơi gặm cỏ. Tiếng "lộc cộc" từ chiếc xe ngựa ngược chiều nghe âm vang một nỗi buồn man mác.
Phi Long ngẫng cao đầu, cất tiếng hí vang đột ngột trong bóng chiều êm ả. Mùa động dục khiến dương vật cương cứng của Phi Long đang hướng về con ngựa cái kéo xe bị đôi mo cau che mắt đang rượng đực, bầu vú no tròn ửng hồng đột ngột dừng lại bên Phi Long mặc cho xà ích Hai Bươn ra roi tróc tróc! Ngựa kéo xe bị che hai mắt như mù, cứ theo dây cương xà ích mà chạy bạt mạng nhưng cái "xạ" của mùa giao phối khiến bản năng muôn loài rậm rực đố ai ngăn cấm được.
Nài Hường ghì cương kéo Phi Long sang ngõ nhà Mai, Hai Bươn gọi với theo, sau tiếng cười ha hả:
- Mầy làm thay cho nó được rồi đó, nghe nài Hường!
........
Cột ngựa bên gốc cây mít, bà Tư - mẹ Mai, miệng đang nhai trầu vỗ vai Hường:
- Chèn đéc ơi! Nhỏ con như vầy mà giỏi quá! Vô nhà uống nước đi mầy!
Hường không biết bả khen hay chê! Cái hào quang chói lọi đã bỏ ở trường đua, nơi đây chỉ có thằng Hường giữ ngựa. Tự nhiên Hường tủi thân, nghe như có luồng gió lạnh buốt đang len lỏi vào thân phận ở đợ của mình.
Nghề nào nghiệp nấy, ráng ăn vô cho mập là hết làm nài, nài càng nhẹ cân càng được giá. Mai đang ngồi xếp liễng trầu, ngước nhìn Hường với đôi má đỏ hây hây, mĩm cười:
- Tui nghe nói ông sắp dìa bên giồng Ông Tố hả?
- Ông "Đu-boi"(Dubois) có tàu ngựa bên đó, biểu tui qua bển.
- Vậy ông bỏ cái làng Bà Điểm rồi há?
Nghe Mai nói, Hường tê tái trong lòng, cũng vì thân phận mồ côi đành buông xuôi theo dòng đời như lục bình trôi theo con nước lớn ròng.
Không biết ai se dây cột chỉ mà Mai đâm ra có cảm tình với Hường, mặc dù Mai to con, cao hơn Hường hẳn cái đầu. Bà Tư nhìn hai đứa đứng bên nhau mà tức cười:
- Con Mai to như ếch bà còn thằng Hường như con nhái bén! Hay là mầy dìa đây tao nuôi, nghề "nài" ép xác mai mốt mầy không ra đàn ông đâu nghe con.
Mai nghe mẹ nói đã không mắc cở mà còn phụ họa:
- Thôi, ông bỏ nghề "nài" của ông đi, phụ má tui làm vườn sống được mà. Tui cũng mồ côi cha, có sao đâu!
Đúng là con gái "Mười tám thôn vườn trầu", Bà Điểm, Hóc Môn. Cọp, lợn lòi còn không ngán, hơi đâu...
Hường nghe bùi tai, xin nghỉ làm nài. Ông chủ Dubois tử tế cho tiền sắm chiếc xe ngựa (thổ mộ - Tây gọi là Boite d' allumettes).
Bà Tư coi tuổi, Hường mới chớm mười bảy trong khi Mai đã gần mười tám.
Bà Tư ưng cái tính tình thật thà, ít nói của Hường. Nhưng ít nói là cộc đó nghe, không dễ chịu đâu đó! Nhất "gái hơn hai, trai... thua một" có sao đâu.
Nhưng chuyện lứa đôi chờ đó, bây giờ lo mần ăn cái đã.
Có xe nhưng chưa có ngựa. Hai Bươn môi giới mua lại con ngựa ô trường đua đã thải ra nhưng còn sung sức. Mai lo tẩm bổ cho Hường, Hường lo tẩm bổ cho ngựa ô. Xà ích gốc nài đố ai qua được, tiếng lục lạc treo cổ ngựa kêu leng keng, Mai làm "lơ" đón khách, cái miệng dẻo quẹo dễ thương của Mai bù lại tánh ít khi tỏ ra vồn vả của Hường đã có nhiều mối, đôi khi chở hàng đến tận Bà Chiểu, Bến Thành...
Gái miệt vườn ra nơi đô hội, thấy cái gì cũng lạ. Một lần trên chuyến xe về chợ Phú Nhuận có ông khách nhìn như thầy ký, trắng trẻo đẹp trai mang kính, ôm cặp da sang trọng cứ nhìn Mai đăm đăm, cô mắc cở cúi nhìn xuống chiếc áo phin trắng của mình bị hở ngực tại cái nút bóp mắc dịch, nhưng anh chàng "thầy ký" ngó ra bên ngoài, giả bộ như không nhìn thấy.
Đêm về, Mai cứ nghĩ vẩn nghĩ vơ...
Hường lui cui cắt miếng vỏ xe hơi tròng ngoài hai bánh thổ mộ tiện bằng gỗ giáng hương đã đóng niềng sắt. Mai đem chiếc chiếu bông lót dưới sàn xe để khách ngồi cho êm.
Hai Bươn đánh xe ngang qua, quay nhìn Hường tủm tỉm cười rồi xướng lên bản vọng cổ: "Tình anh bán chiếu"... nghe não lòng, tê tái buốt tâm can, mùi tận mạng hơn Nghệ sĩ Út Trà Ôn.
Tiếng vó ngựa gõ trên đường lót đá "lộc cộc" như tiếng song lang.
Nhưng tâm hồn Mai không còn hứng thú, háo hức như khi đi xem nài Hường rạp mình trên lưng con Phi Long trong trường đua ngựa Phú Thọ ngày nào.
Ở gần bên nhau, va chạm hằng ngày, Mai thấy lộ dần tâm tư của Hường khó hiểu. Nhiều lần Hường ra sau vườn ngồi một mình, mắt đăm đăm nhìn về nơi xa vắng, Mai nấp sau giàn trầu định nhảy ra hù cho Hường giật mình chơi...
Đột nhiên Mai nghe tiếng thút thít, Hường đang khóc, âm thanh như ứ nghẹn.
Cô thở dài lui gót.
Từ ngày tình cờ gặp anh "thầy ký" trên xe, Mai đâm ra so sánh với Hường. Một đằng bảnh bao, cao to trắng trẻo, một đằng ốm nhách đen đúa nhỏ thó như cò ma.
Ngày còn thơ dại, tâm hồn vô tư lự. Hai đứa cùng xóm, học một trường, thi xong tiểu học cùng nghỉ. Hường hiền lành như cục bột, bà Tư và Mai coi như người nhà. Qua tuổi dậy thì, Mai phổng phao ra dáng thiếu nữ, ngược lại Hường như bị "đẹt" không chịu lớn.
Được tập làm nài, Hường nhanh nhẹn hơn lên, oai phong trong bộ đồ kỵ sĩ và được cưỡi trên lưng con ngựa trường đua.
Tâm lý của các cô gái đến tuổi cập kê khó hiểu bội phần. Không, phải nói khó hiểu trăm lần chưa đủ.
Nhiều lúc bà Tư nằm võng đu đưa, nói như nói lối:
“Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng”
Bà ngâm nga cho vui hay muốn nhắn gởi gì ở cô con gái yêu quý của bà và "nài" Hường?
Sau này, mỗi lần bà Tư "ca" kiểu như vậy, Mai đâm ra mơ mộng nhưng lại "chọc quê" nài Hường:
- Ông có đi học đâu mà đi thi, để "vinh quy bái tổ"?
Nài Hường làm gì có bạn thân nào như Dương Lễ đã cho vợ mình là nàng Châu Long chăm sóc, giúp đở để Lưu Bình thi đỗ đại khoa?
Hường nhìn hoàng hôn tím thẩm màu mây, ửng lên tia nắng cuối ngày...
.....
Những đêm khuya thanh vắng, bà Tư thỉnh thoảng nghe tiếng hự hự nho nhỏ ngoài vườn. Ánh trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên nền trời xanh trong, dưới giàn trầu xanh um rậm lá, bóng dáng nhỏ con của Hường tấn, thối... trong bài:"Hùng Kê Quyền":(*)
"Lưỡng kê giao thủ thỉ tranh hùng.
Song túc tề phi trảo thượng xung.
Trấn ải kim thương như bạch hổ.
Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long"...
Từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình, Hường nung ý chí vươn lên. Hoàn cảnh mồ côi, không có điều kiện thoát nghèo bằng con chữ. Khi Hường lên bảy được ông tám Dậu đem về làm nghĩa tử. Ông tám Dậu tóc búi tó, nghe nói ông từ núi Tà Lơn hạ sơn. (Núi Tà Lơn (người Khmer gọi là núi Bokor thuộc tỉnh Kampot - Vương quốc Campuchia).Không hiểu ông theo đạo gì, quanh năm chỉ mặc bộ bà ba trắng, tướng tá quắc thước hiên ngang, không nghe nói đến vợ con.
Ông dạy cho Hường, hy vọng những thế võ truyền đời không bị mai một, mong một ngày mai Hường đem những gì lãnh hội được từ ông giúp ích cho đời, bảo vệ non sông và góp phần diệt lũ cường hào ác bá.
Hoài bão của ông tám Dậu chưa thành, năm Hường gần mười hai tuổi ông đã quy tiên. Một lần nữa mồ côi cùng mảnh vườn con ông tám để lại. Ngày ấy, đến trường chỉ tốn tiền sách vở, bút mực. Ngoài thời gian đi học, Hường tầm sư học thêm võ. Hường như cây cỏ dại giữa trời, phần số nào sẽ đẩy đưa Hường làm "quất (quýt) Hoài Nam hay Hoài Bắc?"(**)
.....
Con ngựa ô gầy còm kéo xe thổ mộ, người ta cố tình che mắt nhưng không mù, còn ráng ngẩng cao đầu cất vang tiếng hí dù phải chạy theo hướng giật của dây cương. Hường nhìn quanh bốn bề yên ắng, mặt nước hồ trong xanh không gợn sóng, nhưng phản chiếu những tầng mây u ám. Vầng ráng đỏ báo hiệu mưa giông đang kéo về, tiếng ùng oàng từ đằng kia, xa tít tắp.
Thế hệ Hường đang bơi trong sương mù, không định hướng. Chiến sự lan dần, miền quê thân yêu của Hường không còn yên bình.
Lòng phân vân với tuổi đời vừa chớm đôi mươi, ngơ ngác "tấn thối lưỡng nan". Thân trai thời buổi loạn ly như chiếc lá giữa dòng, "biết chọn một dòng hay để nước trôi"? Hay làm con ngựa mù chăng?

(**)Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...