Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

MÂY TRẮNG


     Tôi gặp nàng trong phòng khách Rose Massage – Xông hơi, khuôn mặt nàng dễ nhìn với thân hình hơi gầy, làn da trắng hồng nhờ ánh đèn ne-on. Nàng nhìn thoáng qua những người khách như chờ đợi một bàn tay vẫy, An phẩy tay:
-         Mầy có quyền chọn lựa, thiếu gì…!
     Tôi gật, đi theo nàng. Căn phòng nhỏ kín đáo, nàng kéo tấm ri-đô che khuất phần kính trong gắn trên khung cửa, chiếc giường trải nệm – drag trắng, khoét lỗ tròn vừa úp khuôn mặt để thở. Nàng khoan thai cởi từng chiếc nút áo của tôi vời nụ cười gượng gạo:
-         Xông hơi đi anh, em đi lấy thêm bó lá… !
     Tiếng sè sè của hơi nước từ từ lan tỏa mịt mù, trong ánh sáng mờ mịt như sương hình bóng nàng chập chờn trong bộ áo khoác đồng phục trắng tinh thấp thoáng ngoài kia như huyễn hoặc, mơ hồ.
     Mồ hôi bắt đầu rịn ra từ lỗ chân lông chảy dài trên lưng, trên ngực. Những giọt tiết ra từ vầng trán xếp đầy nếp nhăn xuôi theo sống mũi, gò má len vào khóe môi tôi mặn chát. Tôi sẽ ngồi đây, mồ hôi sẽ tống ra khỏi thân thể tôi những dòng bỉ cực, như tẩy uế tâm hồn bệnh hoạn của tôi lúc nào cũng nghĩ đến đàn bà…
     Bồn tắm pha nước ấm thơm tho, tôi ngâm mình kỳ cọ cựa quậy để có cảm giác thân thể của mình sẽ hết sạch bụi trần ai. Nàng hỏi:
-         Anh gội đầu loại gì: Tresemme Keratin Smooth, L'
Oreal, Clear, Dove, Pantene, Sunsilk….?
     Hình như nàng phát âm tên các nhãn dầu gội đầu nước ngoài rành rọt quá quen thuộc với nàng, có khi nó trở thành câu nói cửa miệng, không chỉ để dành cho riêng tôi. Chưa bao giờ có ai gội đầu cho tôi, ngoại trừ mẹ.
     Từ phương Nam, tôi đến thành phố xa xôi này tìm gặp An, mục đích để có một công việc gì khả dĩ kiếm cơm ngày hai bữa và biết đâu gặp cơ hội tốt đẹp hơn không chừng. Tôi đâu mong gì được lọt vào chốn phù hoa…
     Tôi ngượng ngập buông lời vô duyên hết chỗ nói:
-         Loại dầu gì em… thích!
     Nàng phì cười, lộ hai hàm răng trắng ngà dễ thương vô cùng. Mười ngón tay nàng ân cần miên man trên tóc tôi, hơi ấm không rõ từ lòng nàng hay từ làn nước ấm khiến tôi dễ chịu. Nhìn thân mình trần truồng trước mặt nàng tôi cảm thấy bất lịch sự, co vội hai chân che khuất của nợ đời.
     Nàng bảo tôi nằm sấp úp mặt vào lỗ, xuôi hai tay. Tôi cảm thấy yên lòng nhờ chiếc khăn lông trắng tinh che khuất cặp mông sần sùi đen nhẻm của tôi. Đôi tay nàng có vẻ mạnh bạo so với thân hình mảnh khảnh của nàng, hai ngón tay cái như có thần lực “miết” vào cơ thịt còm cõi khiến tôi co rúm người. Mùi nước hoa hay mùi tóc nàng phả lên dìu dịu, tôi có cảm giác nàng nhẹ tênh như bông khi ngồi trên lưng tôi, sự va chạm xác thịt từ nàng lạnh mát lại dâng lên trong tôi nỗi ham muốn lạ kỳ.
     Con thú trong người tôi bừng lên mạnh mẽ, tôi ngữa người ôm nàng, bầu ngực mơn mởn áp sát trên da thịt tôi ngây ngất, nhưng nàng nhẹ nhàng trườn thoát khỏi đôi tay hung bạo và khiếm nhã của tôi. Tôi cảm thấy mình vừa thất lễ và thô bỉ với nàng.
     Tôi không cam lòng nhìn nàng ra sức masage cho tôi. Những giọt mồ hôi khiến tóc mai của nàng bết vào đôi má trắng xanh xao. Đôi mắt nàng u uẩn dù được ngụy trang bằng những nụ cười. Nàng vuốt tóc, ngồi bên tôi:
-         Anh làm nghề gì? Trông anh hơi khắc khổ…
     Tôi im lặng nhìn nàng. Mồ hôi tẩy xóa lớp phấn hồng lộ ra đôi mắt hằn dấu chân chim, nàng không còn trẻ nữa…
     Tiếng chuông báo hết giờ, nàng ấn tôi nằm xuống. Chiếc điện thoại Nokia rung lên khe khẻ, âm thanh vang lên chói tai trong căn phòng im ắng. An vừa mới mua tặng tôi, tôi xin nàng số điện thoại. Nàng lấy trên bàn nhỏ kê sát đầu giường chiếc điện thoại giống tôi, nàng hỏi:
-         Điện thoại anh số mấy?
     Tôi ngớ người, mới sáng nay An chỉ hướng dẫn tôi “bấm nút” để nghe và trả lời. Nàng giật lấy và bấm số nàng, tiếng chuông thánh thót vang lên bài ca vọng cổ:“…Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong… chờ!”. Nàng lưu giúp tôi, tên nàng: Bạch Vân.
     An đã ra về bỏ tôi ở lại, tiếc gì một suất “phụ trội” để nghe nàng kể chuyện đời:
     Quê hương nàng từng là thủ phủ Diên Khánh xưa kia, vùng đồng bằng được bồi lấp bởi sông Cái Nha Trang (sông Phú Lộc, sông Cù), nhưng số phận nàng bị đẩy đưa như mảnh ván thuyền chài sau cơn bão tố…
     Trước khi vào đây, An đã dặn dò:“Đừng nghe ca-ve kể chuyện, chớ nghe thằng nghiện trình bày” nhưng “Ở đâu cũng có anh hùng, nơi đâu cũng có thằng khùng thằng điên”.
     Những người khách không dành ưu ái cho nàng, nhiều lần nàng tủi thân khi được chọn là người cuối cùng, dù sao cũng còn may. Thời gian nghiệt ngã và sự đào thải là quy luật bất biến, phấn son không thể che lấp vết hằn năm tháng ở tuổi hơn ba mươi như nàng. Nơi này, những đóa hồng mơn mởn tươi mát, trang phục khiêu gợi tăng thêm vẻ kiều diễm, rực rỡ dưới ánh đèn ma quái và hơi nồng men rượu của những vị khách phè phởn, lắm của nhiều tiền.
     Đôi lúc nàng phản đối và phẩn nộ vì những hành vi nham nhở của những người đàn ông mang tâm hồn dã thú, bóp véo thô bạo đến tím bầm đùi, ngực của những thân thể non tơ. Nơi đây, nàng như người chị cả của đàn em gái thơ ngây bị đẩy đưa từ miền sông nước xa xôi lang bạt đến vùng đất được mệnh danh “Kỳ quan của thiên niên kỷ mới”.
     Sau giờ làm việc, nàng ngồi đếm những đồng tiền “bo” và tic-kê rồi lăn ra ngủ như chết với thân thể rã rời. Sự vận động thường ngày của hai bàn tay khiến cơ vai và ngực nàng săn chắc lồ lộ. Sau khi tiệm massage đóng cửa, các em thay nhau tự nguyện tẩm quất cho nàng, nghịch ngợm “bú tí” khiến nàng co rúm người và các em vô tư cười thoải mái quên mình đang xa cách ngút ngàn mái ấm gia đình có mẹ có cha có bầy em thơ dại. Nước mắt nàng chảy dài nhớ về đứa con gái bé bỏng ở quê nhà, có bãi thùy dương cát trắng cùng bà ngoại không còn được khỏe.
     Điện thoại của tôi đổ chuông, An gọi:
-         Chết dí rồi phải không, khuya rồi về đi!
     Ánh đèn đường len vào con hẻm nhỏ pha trộn ánh đèn màu nhấp nháy của bảng hiệu “Rose Massage – Xông Hơi” khiến tôi nhức mắt, lòng miên man nhớ về gia đình bé nhỏ của tôi trong kia, tôi cũng đang tha phương cầu thực đâu khác gì em.
     Đường phố vắng tênh, mùa đông miền Bắc lạnh thấu xương, chiếc áo bông An để lại cùng chiếc “mũ ni che tai” không  đủ ấm khiến tôi run lên sau mỗi cơn gió lùa, lá bàng rụng đầy lăn tròn trên vĩa hè xào xạc khiến lòng tôi cũng đở cô đơn.
     Ngã tư “Loong-Toòng” nơi giao cắt giữa QL18 và đường Trần Hưng Đạo – Cao Xanh cũng là nơi giáp ranh của bốn phường trung tâm thành phố Hạ Long: Cao Thắng, Cao Xanh, Trần Hưng Đạo và Yết Kiêu.
     “…Loong – Toòng xuất xứ từ tiếng Pháp: Plantont nghĩa là nhân viên “sai vặt”, người Hoa kiều thì đọc là loong - toòng. Chuyện kể rằng thời Pháp còn khai thác than, ở khu vực phường Cao Xanh, Cao Thắng có một văn phòng mỏ, ông già làm chân loong toong không gia đình sống tại khu đồi và chết tại đây. Những người Hoa kiều đồn rằng ông già rất linh thiêng nên đã lập đền thờ và gọi là đền Loong Toòng… Sau này, khu đồi đã bị san gạt để mở rộng đường vào Hà Lầm mà ngày nay gọi là đường Cao Thắng, cái tên Loong Toòng tồn tại đến bây giờ.”(Nguyễn Gia Phong-Báo Quảng Ninh).
     Bóng đêm loang ra, trải dài chiếc bóng tôi vào cõi tối tăm mơ hồ, không còn chiếc xe ôm nào chờ khách. Tôi định gọi An, nhưng chân rẽ vào nhà nghỉ bên kia đường Trần Hưng Đạo, người bảo vệ nghe giọng “trọ trẹ” của tôi mở cửa đưa tôi vào phòng và bật đèn sưởi – loại đèn có resistant tỏa nhiệt của Trung quốc, hơi ấm lan tỏa khiến tôi dễ chịu.
     Tay run run đốt điếu thuốc, chợt nghĩ đến và tôi điện thoại cho nàng, tiếng chuông vang lên bài ca vọng cổ: “…Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ, xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong… chờ!”. Tôi hồi hộp như thuở còn đi học, lần đầu hò hẹn…
     Giọng Bạch Vân trong vắt:
-         Anh hả! Về đến nhà chưa?
     Không hề ngất ngây vì men rượu, nhưng tôi bỗng dưng dạn dĩ thì thầm:
-         Nghe bài “Đêm đông” thấm thía làm sao, anh cách
em chỉ một con đường… Em đến với anh không?
     Nàng im lặng, thời gian trôi đi từng khắc chậm chạp, tôi nghe rõ nhịp đập hồi hộp của con tim. Tôi cho số phòng và tên nhà nghỉ KL. Buông lời vào áng mây bay, nhưng không hiểu sao tôi tin nàng sẽ đến.
     Chiếc áo khoác nhung đen dài tay làm nổi bật làn môi và đôi má tím tái của nàng, đôi mắt nàng nhìn tôi ngạc nhiên nhưng không e ngại, có lẽ dáng dấp “quê mùa” và “cà quỷnh” của tôi khiến nàng yên lòng hay đồng cảnh tương lân?
     Sau khi nhận tiền “trà nước”, người bảo vệ mỉm cười.
     Tôi ôm nàng vào lòng chuyền chút hơi ấm từ tôi, nàng khẽ khàng treo chiếc áo khoác. Nhìn từ sau lưng, thân hình nàng thật đẹp, màu da trắng hồng đã trở lại trên khuôn mặt nàng, đôi mắt nhìn tôi như dò hỏi:
-         Em không biết gì về anh, nhưng nghe giọng miền
Nam em đã có cảm tình, anh có coi thường em không?
-         Em biết không, lòng nhân ái hay lòng ái quốc cũng
lớn dần lên theo từng bước chân người. Có khi gặp nhau ở Nha Trang, chắc gì anh và em có sự niềm nở và tin cậy như ở nơi đây?
-         Anh ra đây làm gì? Em chỉ thấy từ Bắc vào Nam tìm
kế sinh nhai, ra đây chỉ có bọn em…
-         Hạ Long dễ sống em ạ! Em lên nghĩa trang Đèo Sen
mà xem, những ai nằm ở đó? Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang… Những người phu mỏ than năm xưa nằm lại nơi này, bây giờ con cháu họ là người Hạ Long, Quảng Ninh. Nơi giao lưu và hội tụ văn hóa nhiều vùng miền sẽ không còn sự kèn cựa và cục bộ.
-         Nhưng nơi đây đâu phải quê nhà?
-         “Trên trái đất này đâu cũng là nhà, ai mong chờ ta
đó là quê hương. Ai thương ai nhớ đó là quê hương…” (Người xứ Quảng xa quê – Trần Tiến).
     Tôi ngượng ngập để nguyên áo quần nằm xuống, vòng cánh tay ôm thân hình mảnh dẻ nhưng đôi mông đầy đặn của nàng. Nàng rướn người đưa tay nghịch ngợm hàm râu tôi lởm chởm đã mấy ngày chưa cạo, bỗng nàng ngồi bật dậy:
-         Quần áo anh hôi qua, anh cởi hết ra đi để em giặt, mai
khô.
     Nàng tự nhiên như người vợ hiền thục. Tôi cởi áo nàng, đôi vú trắng mịn vồng lên sau coóc-xê… ánh đèn ngủ soi hai chiếc bóng khỏa thân trên vách lờ mờ. Tôi bế nàng lên giường, nàng cong người lọt thỏm trong lòng tôi. Tôi tham lam xoa nhẹ khắp làn da tươi mát của nàng, bỗng tay tôi chạm phải vết sẹo sần sùi trên hai bắp đùi, tôi và nàng cùng ngồi bật dậy. Dưới ánh đèn ne-on sáng trưng, Bạch Vân ngậm ngùi:
-         Cũng vì “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/
Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”. Cha em theo các “điệu” tìm trầm mất tích, mẹ em hóa điên. Mười sáu tuổi em theo chú vào sâu trong rừng núi âm u tìm Trầm hương, Kỳ nam mong được đổi đời và biết đâu em tìm gặp được cha, dù sống hay chết. Thằng cha con em ở cùng làng, biết nhau từ ngày còn nhỏ cũng phu đi trầm. Trong một lần say rượu hắn đột nhập vào lều định hiếp dâm, em chống cự bị hắn chém ngang đùi. Ngất đi, nhưng hắn cũng đã để lại trong em đứa con gái bây giờ, sau đó hắn trốn biệt…  
     Em thù ghét và ghê sợ đàn ông. Em đã sống trong đêm trường trầm cảm, đôi khi tiếng khóc bé thơ đánh thức tình mẫu tử le lói trong em nhưng hình ảnh man rợ đầy thú tính của hắn cứ ám ảnh, khiến em nhạt nhẽo ngay cả chính con mình. Em không còn cảm xúc khi gần gũi đàn ông, trong em đã thay đổi giới tính từ lúc nào không hay. Không hiểu sao em lại nằm đây…!
     Ánh sáng của buổi bình minh từ bên kia Lán Bè, Cẩm Phả hồng lên rực rỡ. Dãy núi đất Ba Đèo từ hướng Bắc của Hòn Gai nhìn ra vịnh Hạ Long mờ mịt trong sương. Trên hai đỉnh đồi cao nhất của dãy núi đất này quân Pháp đã xây hai lô cốt để kiểm soát hướng tây có bến phà Bãi Cháy, Cửa Lục và kiềm chế hướng đông từ Cẩm Phả về trung tâm Hòn Gai. Chính các lô cốt này đã từng nã súng xuống các phố Hòn Gai và đầu phố Lán Bè. Người Pháp cũng cho xây Nhà thờ xứ họ Hòn Gai, cùng với Lán Đạo (phố Nhà Thờ ngày nay) là cụm dân cư theo công giáo toàn tòng của Nam Định tản cư ra Hòn Gai.
     Tiếng thạch sùng chắt lưỡi buồn tênh, hình như tiếc nuối thời gian đi quá nhanh, Bạch Vân đã ngủ thiếp đi từ lúc nào, vầng trán gợn nếp, khuôn mặt em lộ vẻ đăm chiêu trong giấc nồng, không bóng dáng của an nhiên.
     Tôi viết vội lời giã từ nàng. Đường phố vắng tênh, Hòn Gai chỉ thức giấc và nhộn nhịp sau khi mặt trời đã hắt ánh sáng ban mai làm tan những giọt sương long lanh trên cành lá của đỉnh núi Bài Thơ.
     “Núi Bài Thơ xưa kia có tên là núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên đỉnh núi khi phát hiện có giặc đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng.
     Năm 1468 - Quang Thuận thứ 9, vua Lê Thánh Tông  đi tuần du ở vùng Đông Bắc, dừng thuyền dưới chân núi Truyền Đăng để uống rượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá tạm dịch ý như sau:
Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào
Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời
Có tráng trí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ Hàm hào cửu tam (đã định)
Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió
Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên
Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt
Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững
Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn.
     Bài thơ được khắc trên vách đá. 261 năm sau, vào năm 1729 chúa An Đô Vương Trịnh Cương cũng đem quân đi tuần qua đây. Ông cho đóng quân dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú. Bản dịch của Hà Minh:
Biển rộng mênh mang, nước dâng đầy
Núi chìm xuống nước, nước tràn mây
Bàn tay tạo hóa sao khéo dựng
Cảnh đẹp thần tiên một chốn này.
Mùi tanh giặc thác còn đâu đó
Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây
Ba quân tướng sĩ đều vui vẻ
Bữa tiệc biển khơi chén rượu đầy.”
(https://vi.wikipedia.org/wiki/)
………..
     Ánh đèn Laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation) từ khu đô thị và vui chơi giải trí Tuần Châu quét tia sáng vòng cung trên nền trời xanh thẳm, khu du lịch Bãi Cháy cũng là nơi lưu trú và dịch vụ tàu thuyền tham quan vịnh Hạ Long sáng rực một góc trời, những con đường dốc quanh co ven đồi bạt ngàn phi lao vi vu trong gió dọc theo bờ biển trông ra vịnh Hạ Long, tưởng chừng như cả Đà Lạt và Nha Trang được thu nhỏ ở nơi này. Bãi Cháy còn có tên cổ gọi là Vạ Cháy.
     Chuyện kể rằng: Bãi Cháy là nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược nước ta đã bị Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần thiêu cháy và bị dạt vào bờ. Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió mùa Đông Bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Chính vì vậy mà khu rừng bị cháy đó có tên Bãi Cháy.
     Những ngày cuối đông gió hắt từng cơn rét buốt thịt da, khu du lịch Bãi Cháy đã vắng thưa người không còn cảnh nhộn nhịp dập dìu tài tử giai nhân như những ngày xuân hè vui nhộn. Chuyến phà đêm lặng lẽ băng qua sông Cửa Lục thông ra vịnh Hạ Long đưa tôi về bến Hòn Gai.
     Năm 1883, Pháp chiếm vịnh Hạ Long, có thể các đảo ở đây có nhiều cây gai nên người Pháp gọi là lle des brouilles, phiên âm là Hon Gai hay Hon Gay, sau đổi thành Hòn Gai. Hòn Gai ngày xưa thuộc tỉnh Quảng Yên. Sau hiệp định Genève, thị xã Hồng Gai – nay là thành phố Hạ Long là thủ phủ của khu Hồng Quảng.
     Tôi sực nhớ đến Bạch Vân, không biết cuối năm em có về không? Lời bài ca vọng cổ vang lên quen thuộc, tôi cảm thấy ấm lòng:
-         Gần Tết rồi, em định khi nào về?
-         Không anh ạ, em đã nghỉ việc ở “Rose Massage –
Xông hơi” rồi,  có dịp em mời anh đến thăm “cơ ngơi” của bọn em.
     Tiếng gió rít kèm theo con sóng lớn vỗ vào mạn phà tung bọt trắng xóa, giọng em xa vắng loãng trong cơn gió lạnh lùng se thắt lòng tôi.
     Tôi đi bộ dọc theo con đường mịt mù bụi than, hàng cây bàng trơ trụi đứng im lìm trơ cành khô khốc trên lề đường từ bến phà về trung tâm thị xã, đến quán café Eden phố Cây Bàng, Bạch Vân đã hẹn chờ tôi. Những căn nhà thấp thoáng ánh đèn ở lưng chừng đồi núi Ba Đèo hắt vào bóng đêm như những vì sao le lói trong khung trời trong xanh hiếm hoi của tiết Đông chí.
     Bạch Vân đã tươi tắn hơn ngày tôi gặp lần đầu, chiếc khăn len màu tím nhạt vòng quanh cổ buông lơi, nàng nhỏ nhoi lọt thỏm trong chiếc ghế bành. Tôi bất ngờ khi nghe nàng thổ lộ:
-         “Bọn” em đã vận động và thành lập “ngôi nhà chung”
giúp đở cho phụ nữ cơ nhỡ và các cháu không cha. “Hiệp hội” hành nghề như bọn em đã hình thành và tồn tại thông qua những người quen biết có lòng từ tâm. Bọn em đã đọc, nghiên cứu và phổ biến cách thức tránh sự lừa mị và giữ mình. Các tổ chức “bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền” phi chính phủ nước ngoài lên tiếng hỗ trợ…
     Em kêu gọi cộng đồng và truyền thông gióng tiếng chuông báo động, không để những bé gái thơ ngây vì hoàn cảnh khó khăn và thiếu ý thức dấn thân vào “cạm bẩy người”… Anh không biết đâu, bọn em đã sống nhờ vào nhan sắc cùng thân xác của mình trong sự không chế bởi bọn “chăn dắt” với sự bóc lột và ma túy.
     Xã hội thừa nhận một nhu cầu có thật hiển nhiên, một nghề đã được tồn tại từ ngàn xưa đã bị bọn đạo đức “giả cầy” liệt vào hạng “không ra gì” đáng bị phỉ nhổ và lên án!
     Tôi cảm thấy hổ thẹn với lòng mình, Bạch Vân thở dài:
-         Em chưa đủ lớn để cảm nhận hết nỗi bi ai nhưng em
rất yêu cuộc đời này anh ạ! Chúng ta hàn huyên chỉ nhắc chuyện “ngày xưa”, tại sao những gì ngày xưa cũng tốt đẹp hở anh? Truyền thống đạo đức Á Đông đã lụi tàn dần theo ánh chớp phù hoa, sự im lặng với cái xấu là đồng lõa và thỏa hiệp...
Từng cơn sóng vỗ vào bờ kè ở Bến Đoan gợi vào trong tôi nỗi buồn không tên họ. Trên chuyến xe tốc hành Hạ Long – Long Biên, Hà Nội tôi mang theo cả nỗi niềm em. Cuối đông, những chiếc lá bàng vàng úa mang theo bụi than xỉn màu rơi tan tác trong cơn mưa bụi. Núi đồi Yên Tử mờ mịt trong mây, lời bài kệ của Mãn Giác Thiền Sư vang vọng đâu đây:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Mùa xuân lại về, Bạch Vân hãy an nhiên và em sẽ bình yên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...