Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

THẰNG TRỨ PHÁ ĐỀN


     Những giai thoại về cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cứ ám ảnh anh mãi khôn nguôi. Có khi nào người đời sau muốn thần thánh hóa cụ hay “sáng tác” để trải lòng mình vì  thời thế nhiểu nhương gọi là “ôn cố tri tân” hầu mong  ngăn ngừa và giáo dục?
     Nguyễn Văn Đạt sau khi bỏ qua 9 kỳ đại khoa (6 khoa thời Lê sơ và 2 khoa đầu nhà Mạc). Năm 1534 thời Mạc Thái Tông ông mới đi thi, đổi tên thành Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Bỉnh Khiêm” nghĩa là giữ trọn tính khiêm nhường, ông đỗ trạng nguyên nhà Mạc. Sau khi xảy ra mâu thuẩn giữa Trịnh Kiểm (con rể của Nguyễn Kim) và Nguyễn Hoàng, ông đã khuyên Nguyễn Hoàng:“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” và lịch sử đã chứng kiến “Nam-Bắc phân tranh” giữa Trịnh-Nguyễn kéo dài gần 50 năm (1627-1775) cuối cùng bị nhà Tây Sơn tiêu diệt.
     Năm Minh Mạng thứ 14, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được điều đi khẩn hoang ở Hải Dương, Nguyễn Công Trứ ra lệnh phá đền thờ Trạng Trình để đào sông. Dưới lư hương thờ cụ Trạng có tấm bia đá phủ vải điều khắc dòng chữ: “Minh Mạng thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền thì phải làm đền/ Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay”. Hoảng kinh, Nguyễn Công Trứ không dám “quy hoạch” và cho sửa lại nơi thờ phụng khang trang.
     Bạng tên đầy đủ là Phan Thành Bạng, hồi nhỏ lêu lổng biếng học ham chơi, trong một lần ra tắm sông gặp hai Mân giỏi nghề câu tôm. Tướng hai Mân dị dạng nhưng được khoa ăn nói, chứng nghiệm bằng hành động thực tế với những con tôm càng xanh như hạt ngọc long lanh dưới ánh mặt trời, đưa hai càng búng tanh tách khi rời khỏi mặt nước, Bạng khoái tỉ xin học bí kíp, bái hai Mân làm sư phụ. Từ đó Bạng tâm phục khẩu phục, tự nguyện làm cảnh giới và bảo vệ an toàn cho hai Mân. Bạng ngạc nhiên khi thấy ông thầy mình thiên biến vạn hóa, xuất quỷ nhập thần hành tung vô định như Dương Tiễn với 72 phép thần thông biến hóa trong truyện Phong Thần.
     Thời thế đổi chủ thay ngôi, hai Mân ra làm quan to với  Tây Sơn, sư phụ cất nhắc đệ tử trung thành Phan Thành Bạng, đổi tên là Phạm Trung Hiếu và được hai Mân nhận làm nghĩa tử để phù hợp với họ Phạm của hai Mân – Phạm Trung Mân.
     Sự dốt nát và dựa dẫm quyền thế khiến Phạm Trung Hiếu huênh hoang tự đắc, gây ra nhiều điều tệ hại, dã man với bá tánh. Hắn ngang tàn hoang dâm vô đạo hơn Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Tuyên Phi của chúa Trịnh Sâm. Đặng Thị Huệ đã liên kết với Huy quận công Hoàng Đình Bảo triệtTrịnh Khải giành ngôi cho con mình là Trịnh Cán (1777-1782}, gây nên nạn kiêu binh làm sụp đổ chính quyền Lê-Trịnh.
     Phạm Trung Hiếu cùng lũ tay chân ngưu đầu mã diện bày ra kế sách bóc lột tàn tệ dân đen, đền đài miếu mạo càng tan hoang hơn khi đoàn quân của Phạm Trung Hiếu “bình định” các thành trì được chiếm giữ từ quân Nguyễn Ánh.
     Lòng dân ta thán khôn nguôi, sự mất mát điêu tàn vì giao tranh không bằng sự cướp bóc trắng trợn và ngang ngược của Phạm Trung Hiếu và đám tham quan ô lại, hay tính bất nghì đã vận vào tên Phạm Trung Hiếu đã được cha nuôi quyền thế đặt cho?
……….
     “Từ năm 1795 nội bộ Tây Sơn xảy ra mâu thuẫn,Tư khấu Võ Văn Dũng giết thái sư Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở trong khi Quang Toản bất lực không làm gì được.
      Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?". Sau đó ông cho người trao Trần Quang Diệu một bức thư, xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Ông sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, rồi châm ngòi tự vẫn. Tiếp theo, Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn. Đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801”.(*)
     Trước cái chết anh dũng của Võ Tánh, người dân Bình Định đã lưu truyền câu hát dưới đây:
Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm!
Vợ Võ Tánh là công chúa Ngọc Du, khóc ông bằng bài thơ:
Những tưởng ra tay giúp nước nhà
Ai dè bình địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa
     Sau khi thành Bình Định thất thủ, Phạm Trung Hiếu cho triệu tập những người trước đây hợp tác với chúa Nguyễn, ra sức o ép dọa nạt, vu khống rồi tịch thu gia sản, kẻ bị giết hại thủ tiêu, kẻ bị đày lên mạn ngược. Mặc dù Trần Quang Diệu tỏ ra xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã không cho giết hại hàng binh.
    Phạm Trung Hiếu nâng cằm Cẩm Tú - con quan Đốc học – Chánh ngũ phẩm Trương Nho Bảo:
-         Nàng là cành vàng lá ngọc, ta không nỡ dập liễu vùi
hoa, nên thuận lời theo ta về làm tì thiếp, ta tha…
     Cẩm Tú quắc mắt, chỉ tay vào mặt hắn:
-         Lũ chúng bay đê tiện còn hơn thảo khấu. Cụ nội ta là
Trương Văn Hiến đã từng khuyên chúa các ngươi:“Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Đại nghiệp chưa thành, lòng người  chưa định, can qua máu ngập đầu rơi, dân tình ly tán vậy mà các ngươi không động lòng còn tha hồ vơ vét đến tận xương tủy. Cơ nghiệp nhà Tây Sơn chỉ một sớm một chiều, ta thà chết nơi này. Nói xong nàng cắn lưỡi tự sát.
     Phạm Trung Hiếu giận dữ sai quân mang thây Cẩm Tú ném xuống giếng, từ lòng giếng một luồng khói trắng như mây bay vút lên trời, quan quân Tây Sơn hoảng kinh trố mắt nhìn đất chung quanh giếng lún dần, những tản đá ong vun lên thành gò…
     Phạm Trung Hiếu cấu kết với Trương Nghị - tùy tướng của Ngô Quang Diệu đem quân truy sát và bắt quan binh nhà Nguyễn đang sa cơ thất thế làm lao dịch. Quan Đốc học Trương Nho Bảo uất hận vì sự tàn độc của bè lũ man rợ Phạm – Trương và cái chết oan khốc của con gái mình, không kể hiểm nguy quỳ trước lầu bát giác nay thành đống tro tàn khấn nguyền trước anh linh hai vị anh hùng Võ, Ngô đã tuẩn tiết:
-         Trời sẽ không dung, đất sẽ không tha. Chúng bay
nhân danh những người cùng khổ và lợi dụng cảnh nồi da xáo thịt Trịnh - Nguyễn đã tạm an bài, khuấy động can qua gây ra bao cảnh đời lầm than cơ cực. Dung nạp thảo khấu, trọng dụng kẻ cầm gươm bày trò lừa mị…
     Chưa nói dứt lời, Trương Nghị đã xỉa gươm vào cổ:
-         Ta cũng là môn sinh của ngươi, nhưng nay thế cờ đã
khác, tình sư đệ không bằng đường công danh ta đang rộng mở, ta chém đầu ngươi cho ngọt gọi là trả nợ ân sư.
     Hắn vừa dứt lời, đầu Trương Nho Bảo đã lăn lông lốc. Mái tóc chớm bạc của quan Đốc học xõa tung ra cuộn tròn quanh vầng trán mênh mông, che khuất đôi mắt mở to căm uất. Hai hàm răng còn kịp há ra để ngậm chặt vào bụi cỏ gú như ghìm lại bởi nhát gươm quá hung bạo của Trương Nghị.
     Không những Trương Nghị là môn đồ của quan Đốc học mà còn là con cháu của dòng họ Trương, hắn gọi Trương Nho Bảo là chú họ. Khi hay tin Trương Nghị chém chết quan Đốc học, thân mẫu của hắn ngữa mặt kêu rú như người điên, quỳ lạy như tế sao trước bàn thờ tiên tổ, nhận lỗi cho thằng con vô nghì rồi chạy ra bờ sông nhảy xuống trầm mình.
     Sau khi lục soát, Trương Nghị cho quân phong tỏa dinh thự quan Đốc học. Lạ một điều, ngoài những cuốn sách Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Sơ học vấn tân, Minh đạo gia huấn,Minh tâm bảo giám, các sách nghiên cứu kinh, truyện (Tứ thư, Ngũ kinh) và đặc biệt các sách khảo cứu về  sử ký, địa lý của Lê Quý Đôn như Toàn Việt Thi Lục, Đại Việt thông sử , Quốc triều tục biên, Bắc sứ thông lục, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục…và của các học giả khác, gia sản quan Đốc học không có gì đáng giá, hắn tức giận sai quân đốt sạch. Các miếu mạo, đền thờ, lăng tẩm bị phá tan hoang.
     Cả bọn Phạm Trung Hiếu và Trương Nghị hung hăng tàn bạo, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Lũ quan quân dưới quyền chúng tha hồ vơ vét, dân tình đói khổ một cổ hai tròng cam chịu cảnh màn trời chiếu đất, tang thương.
     Người dân vùng Thuận - Quảng trông ngóng mong chờ quân của chúa Nguyễn từ Gia Định tiến ra tiêu diệt Tây Sơn: “Lạy trời cho cả gió nồm, Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra”...
     Triều Tây Sơn kể từ vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đến hết Cảnh Thịnh tồn tại được 24 nǎm (1778-1802). Những lời sấm của cụ Trạng Trình đã linh ứng trước hơn năm mươi năm, những người dân đã một thời dâng hết gia sản kể cả thân mình cho Tây Sơn cảm thấy mình vừa thoát khỏi cơn mê, lòng uất hận như sóng triều dâng. Bọn Phạm Trung Hiếu và Trương Nghị như rắn mất đầu run như cầy sấy, quỳ gối hèn hạ van xin. Sau khi tài sản bị tịch thu sung công và bị xử lăng trì, chúng không còn cơ hội để ăn năn và ngẫm lại lời người xưa để “ôn cố tri tân”, tất cả là phù du và quá muộn màng.
     “Vua Gia Long đã thống nhất sơn hà, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm. Trận đánh cuối cùng của vua Gia Long và tàn quân Tây Sơn là tại đảo Giang Bình thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 7/1802. Quân chúa Nguyễn đã chém đầu Đại Tư Mã Trịnh Thất-Thủ lĩnh hải tặc Trung Hoa trong hàng ngũ Tây Sơn và kết thúc hoàn toàn cuộc nội chiến đã kéo dài gần 30 năm”.(*)

 “Quang Trung ơi! vó ngựa người ngang dọc
Thất đởm kinh hồn quân xâm lược Càn Long
Ơn mưa móc nơi người là điêu tàn khốn khổ
Áo vải và anh hùng sao bàn chuyện an dân”


 (*)Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...