Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

HOÀI NIỆM



     Cô em gái hỏi:“Anh có về không? Tối nay mẹ với em đi tàu lửa, về ga Trà Kiệu. Mai anh em mình gặp nhau ở quê nghe anh”.
     Nghe sao mà nôn nao. Thằng Tí gả con gái đầu lòng. Mới ngày nào…
     “Chuyến bay của hãng hàng không Jetstar Pacific sẽ cất cánh trong ít phút nữa. Kính mời những hành khách cuối cùng của chuyến bay BL608 nhanh chóng đến cửa số 6, để làm thủ tục khởi hành. Xin nhắc lại…”
     Chuyến bay đã bị delay hơn ba giờ so với dự định do thời tiết, sân bay quốc tế Đà Nẵng về đêm sáng choang, ông Bình nhìn quanh, không một người quen. Ông cảm thấy cô đơn giữa giòng người đón đưa trên sân ga, rồi vội vã vẫy taxi…
     - Bác về đâu? 
     Ông phân vân, ngập ngừng:
     - Cho bác xuống phố…
     Ông hướng dẫn lái xe chạy vòng vèo, từ sân bay rẽ sang đường Nguyễn Hữu Thọ, căn nhà của ông bên kia cửa đã đóng, ông bảo xe dừng. Cây hoàng lan tỏa vào đêm hương thơm ngát, nhưng nay nhà đã bán đi rồi.
     Rẽ trái, đường Trưng Nữ Vương vắng lặng, đêm đã về khuya. Ngang qua chợ Mới, chợ đã dời vào sâu trong Tứ Bang. Gần ngã ba Hoàng Diệu có nhà sách Mai Hoa, photo Xuân Ảnh, đối diện tiệm bánh mì thịt nguội Tiến Thành nổi tiếng một thời, nhà thờ Hòa Thuận kế bên lối vào trường tiểu học Hòa Vang.
     Ngã ba thịt chó đây rồi! Ngã ba Phan Chu Trinh - Trưng Nữ Vương. Gọi ngã ba thịt chó vì có quán thịt chó của ông Ng. - cha Ngọc - học cùng lớp với ông ở trường Sào Nam - Trường của ông Thị Tý. Sau năm 1954 mới có quán thịt chó này. Ông Bình nhìn vào kiệt 1 Phan Chu Trinh, cây cột điện vẫn còn chỗ cũ, con hẻm cụt mờ mờ ánh đèn vàng hiu hắt, những kỷ niệm thời trai trẻ ùa vào tâm trí ông. 
     Cách nhà ông Ng. hai căn trên đường Trưng nữ Vương là nhà hộ sinh Bà Quế nơi ông được sinh ra thuộc làng Nại Hiên xưa, Đà Nẵng.
     Theo sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776, làng Nại Hiên thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Quảng Nam có Đình tổ Nại Hiên. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Nại là chịu đựng (còn có nghĩa khác là xứ làm muối), Hiên là mái hiên. Như vậy, Nại Hiên là tiền đình, chịu đựng được mưa sa, gió bão.
     Năm 1744 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, Nại Hiên thuộc huyện Tân Phước, đến triều Nguyễn Nại Hiên thuộc huyện Hòa Vang, Quảng Nam. Năm 1888, Pháp buộc vua Đồng Khánh phải giao các xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương, Nại Hiên để hình thành Đà Nẵng. Năm 1901, vua Thành Thái giao tiếp phần đất một số xã thuộc huyện Diên Phước và Hòa Vang để nới rộng thành phố Đà Nẵng.
     Đình Nại Hiên bây giờ vẫn còn haicâu đối:“Nhật xuất đông hiên vạn vật hướng dương hàm cổ sắc/ Long hoàn tây nhạn thiên thu diễn phái ngưỡng văn quang”(Trời mọc hướng đông, vạn vật đều quy ngưỡng, nuôi dưỡng dựng lên muôn màu/ Rồng bay chim nhạn múa nghìn năm phát triển về hướng tây đều không quên nơi xuất phát) -  “Thánh trạch vân nhu văn vật y quan tương thử địa/ Thần thông tạo hóa thái hòa cảnh tượng khí ư thiên” (Đất thánh văn chương êm dịu áo mão cân đai nơi xuất xứ/ Trời cao mầu nhiệm thái hòa tạo nên cảnh tượng chính nơi đây).
     Đà Nẵng “trong “Ô Châu cận lục” không phải là một địa danh hành chính mà chỉ là tên gọi của một cửa biển. Inrasara (tức Phú Trạm, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hoá Chăm) cho rằng Đà Nẵng là biến dạng của từ Chăm cổ Đaknan. Đak có nghĩa là nước, nan hay nưn, tức Ianưng là rộng. Địa danh Đaknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn, tất các biến thể của ngôn ngữ Chăm Pa từ  “Da Năng”  thành Ênang, Ch'nang, R’nang trong ngôn ngữ Chăm, Gia Rai, Ê đê, Raglai ngày nay đêu mang nghĩa là bình yên, thanh bình. Kampong Danang tức là “Bến sông thanh bình”. Từ năm 1888 cho đến hết thời Pháp thuộc, Tourane là tên chính thức của Đà Nẵng
     Con đường Phan Chu Trinh rợp bóng cây kiền kiền cao tít tắp. Những trưa hè cả nhà trải chiếu quây quần dưới gốc cây, người lớn cầm quạt phe phẩy kể chuyện làng chuyện xóm, chuyện đông tây kim cổ,Thạch Sanh Lý Thông…
     Cuối kiệt 1 có con đường nhỏ nép dưới hàng tre râm mát dẫn đến trường tiểu học Sào Nam.
     Từ ngã ba “thịt chó” theo đường Phan Chu Trinh xuôi về trung tâm thành phố, cách nhà ông khoảng hơn trăm mét đến kiệt (hẻm) vào chùa Diệu Pháp thông ra đường Hoàng Diệu. Bên kia đường là nhà thương Phao-lồ, trường Thọ Nhơn của người Hoa. Phía đối diện có chùa Phổ Đà cổ kính với những cây sứ trắng hương thơm ngát, ngã ba Phan Chu Trinh – Chu văn An có quán cà phê Quỳnh Châu với cô chủ quán đẹp ngất trời mây, rẽ phải đường Lê Đình Dương đến trường Sao Mai, cổ viện Chàm, bánh bèo Quan thuế, dọc theo sông Hàn…
     Bà ngoại mỗi đêm hay dắt ông đi coi hát bội tại rạp Hoà Bình (Nguyễn Hiển Dĩnh). Ông khóc theo bà khi gặp cảnh éo le, ông cười ngặt nghẽo khi anh hề làm trò. Qua ngã năm đến rạp ciné Lido, nhà hát Trưng Vương. Tiếp nối là đường Lê Lợi, băng qua Hùng Vương đến trường nữ trung học Hồng Đức, trường Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, bán công Nguyễn Công Trứ thẳng đến đường Đống Đa, khu Thanh Bồ-Đức Lợi của những người Bắc di cư và bờ biển Thanh Bình với ngút ngàn phi lao reo vui trong gió.
     Nhừng đêm trăng cả con trai con gái kéo nhau ra khoảng sân rộng trước nhà ông chơi trò “bịt mắt bắt dê”, có khi ông túm trúng ngực một em, đôi gò bồng đảo mới nhú sao cảm thấy lòng lâng lâng…
     Nơi đây, bà đã tặng ông tình yêu đầu đời. Nhà bà đối diện nhà ông, những lần đón đưa tan trường... Bao người bà con hàng xóm thân thương đâu rồi, ông cảm thấy mình như Từ Thức, xa cách mấy trăm năm.
     Trường Thọ Nhơn đã mang tên khác. Bên kia, chùa Phổ Đà còn vọng tiếng kinh, ru hồn ông bay theo mùi hoa sứ thoang thoảng trong không gian mơ hồ.
     Góc ngã ba Chu Văn An, cà phê Quỳnh Châu không còn dấu tích, nay là nhà trẻ HH.
     Anh lái xe im lặng nhìn ông, lúc dừng lúc chạy. Đôi mắt ông già đăm chiêu đôi lúc thở dài. Anh cảm thông cho kẻ ly hương, hình như đã lâu lắm rồi ông không trở lại chốn xưa, nghe ông lẩm bẩm những cái tên thật lạ lẫm với anh, dù anh sinh ra và lớn lên ngay tại thành phố này. Nỗi u hoài của ông khiến lòng anh cũng thấy bùi ngùi.
    Từ ngã tư Lê Đình Dương rẽ phải về Cổ Viện Chàm, ông bấm cửa kính xe để nhìn cho rõ. Ngôi trường Sao Mai, nơi lưu giữ bao kỷ niệm thời thơ dại của ông đã không còn nữa.
“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”
(Sông lấp - Trần Tế Xương)
     Ông Bình như nhìn thấy chiếc bóng mình lẽ loi trải dài vào tận sân trường, nơi những chiếc áo thụng đen của các Cha, các Thầy phất phơ theo bước chân khoan thai vào lớp.
     Bánh bèo Quan Thuế bên kia đường Bạch Đằng, dòng sông Hàn đục ngầu lững lờ trôi. Cầu Rồng soi bóng lung linh, dưới ánh đèn muôn màu rực rỡ. Anh lái xe ho nhẹ. Ông muốn đi dọc sông Hàn, bên kia sông những tòa nhà cao ốc nguy nga bừng sáng cả một góc trời.
     Những chiếc cầu nối đôi bờ đã thay da đổi thịt cho Hà Thân, An Hải. Làng chài heo hút, nghèo khó năm xưa.
“Đứng bên ni Hàn, Ngó bên tê Hà Thân, Nước xanh như tàu lá,
Đứng bên tê Hà Thân, Ngó về Hàn, phố xá nghênh ngang,
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn, 
Đào sông Cầu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu, 
Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu, 
Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau” (ca dao)
     Bình minh đã ửng hồng, biển Thanh Bình phẳng lì như tấm lụa xanh thẳm, Hải Vân quan mờ mịt trong mây, bên Tiên Sa thấp thoáng những chiếc tàu nhấp nhô trên sóng, ông chợt nhớ những lần tuần duyên...
Em -  chim non - giữa mùa giông bão
Tan tác trời mây run rẩy bay
Đường xa thấp thoáng dòng ly biệt
Quê hương ngậm ngùi trong mắt cay
Mỹ Khê này em - tôi yêu em
Cát trắng hồn nhiên sóng dịu hiền
Ta - cố nhân chừ như khách lạ
Một đời phiêu bạt với truân chuyên

Tiên Sa này em - tôi xa em
Tuần dương sóng bạc nhớ môi mềm
Sao Mai lấp lánh về phương nớ
Bắc đẩu tìm đâu trong sương đêm

Ngũ Hành năm ngọn xa vời vợi
"
Đệ nhất hùng quan" chẵng lối về 
"
Nhật mộ hương quan hà xứ thị..." 
Chập chùng muôn dặm nẽo sơn khê

Lại một Xuân về -  em có hay
Nam Ô này em - rừng dương say
Vi vu thổi mất tình trong mắt
Đà Nẵng  này em - mưa bụi bay
…….
     Ông Bình không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trên cầu vượt ngã ba Huế nhìn về thành phố Đà Nẵng.  Thành phố yêu thương của ông, ông không thể hình dung, mùa đông miền Trung mưa rả rích suốt ngày đêm kèm theo những cơn gió heo may se lạnh, tay ủ trong tà áo trắng bay đã không còn nữa, đường phố hối hả với người và xe vun vút. Lòng người cũng đã vô tình hơn với ngay cả chính mình.
     Chiếc xe mượn được từ V. đã đưa ông thong thả về quê.
Sau 1954, giáo dân công giáo từ miền Bắc di cư vào miền Trung. Họ tạm cư ven quốc lộ 1, giáo xứ Phước Tường với những lán trại từ ngã Ba Huế đến Hòa Cầm.
     Nhà thờ Phước Tường, sau này là sân trường Phaolô Lê Bảo Tịnh (hiện nay cũng đang bị mượn để làm trường cấp 2 Nguyễn Đình Chiểu). Mùa hè năm 1958, Cha Quản xứ Simon Đinh Hưng Lợi cho xây trường Lê Bảo Tịnh. Năm 1963, Cha Simon xây lại nhà thờ họ Đông Phước (tức là nhà thờ giáo họ Thánh Tâm, gần sát cầu vượt Hòa Cầm hiện nay). Nhà thờ họ Thánh Tâm (Đông Phước) nay cũng không còn nữa.
     Ngang cầu vượt ngã ba Hoà Cầm nhìn về Bà Nà núi Chúa mờ mịt trong mây. Qua cầu Đỏ, Phong Nam - Hoà Châu ẩn sau màu xanh của rừng tre bạt ngàn. Làng Phong Lệ (Cẩm Lệ) quê hương ông Ông Ích Khiêm, ông văn võ song toàn, tính tình bộc trực tuy hơi ngang bướng.
“Ngươi (Ông Ích Khiêm) vốn là người học thức mà ra, phải cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người…Việc ngươi đánh dẹp bọn phỉ ở tỉnh Bắc, khí tiết, công lao, trẫm đều rõ hết…Thế mà gần đây được tin là ngươi đến đâu phần nhiều dung túng cho quân sĩ làm càn. Nếu quả thực như vậy thời dân còn trông mong gì nữa!...Nếu ngươi còn hối cải để khỏi phụ cái ơn tri ngộ, thì là điều mà trẫm rất mong mỏi. Bằng cứ còn võ biền, quên lời ân cần dạy bảo, thời trẫm phó mặc ngươi cho công luân triều đình, dù ngươi có tài cũng không tha luôn mãi được...”(Lời vua Tự Đức).
     Cháu nội ông là Ông Ích Đường, con ông Ông Ích Kiền (Tán nhì), một nghĩa sĩ trong Nghĩa hội Cần Vương.
     Ông Ích Đường bị bắt và bị chém chết tại chợ Túy Loan (nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang).Tại nơi hành hình ông ung dung nói: "Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác. Bao giờ hết mía mới hết Đường!". Vì vậy, người dân đã quyên tiền lập miếu thờ "Cậu Đường" với hai câu đối điếu đề trước cửa miếu: "Tinh thần thiên bất tử; Nghĩa khí thế trường sanh" (Tinh thần còn mãi mãi; Nghĩa khí sống đời đời).
     Ngã ba Cẩm Lệ - Chợ Miếu Bông điểm giao giữa QL.1A và đường Phạm Hùng - hướng vào trung tâm thành phố Đà Nẵng qua cầu Cẩm Lệ, thuộc địa phận xã Hòa Phước - huyện Hòa Vang. Nhìn về hướng tây, đường vào thôn Quan Châu nép mình dưới bóng tre xanh, nơi bánh khô mè nổi tiếng của một miền quê đã vang danh xứ người.
     Qua khỏi cầu Quá Giáng, nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng được xây dựng từ năm 1821 thờ Quan Thánh và các vị tiền hiền của bốn tộc Đinh, Lê, Trần, Nguyễn,  những người có công theo chúa Nguyễn vào Nam khai phá lập nên làng Quá Giáng xưa bao gồm vùng Quá Giáng, Giáng Nam, Trà Kiểm, An Lưu và xóm Cồn Mong.
     Ông Bình nhớ thời đi học ở Vĩnh Điện, cuối tuần ông đạp xe về ngoại, quê ngoại ông ở bến đò Xu (nay là cầu Hoà Xuân), những chuyến đò ngang qua sông Cẩm Lệ chở tuổi thơ ông sớm tối đi về.
     Sau năm 1954, Hòa Vang chia làm hai: quận Hiếu Đức và quận Hòa Vang, xã Hoà Đa (Hoà Xuân) trực thuộc quận Hòa Vang, những tên làng thân thương: Lỗ Giáng, Trung Lương, Tùng Lâm, Cổ Mân, Liêm Lạc, Cồn Dầu, Cẩm Chánh… gợi trong ông niềm u hoài một thời xa lắc.
    Thời Pháp thuộc, làng Lỗ Giáng có ông Hồ Đắc Dĩnh làm chánh tổng An Lưu. Năm 1930, ông Dĩnh đã xin Pháp cho huy động dân đắp con đường cái quan từ Quán Đoi (giáp Hòa Châu) xuống cuối làng Lỗ Giáng, từ đó đoạn đường từ cầu Cẩm Lệ xuống Lỗ Giáng đường rộng, xe ô tô đi được. Tại cầu Cẩm Lệ xuống Cồn Dầu ngã rẽ về Lỗ Giáng, Trung Lương qua đò Khuê Đông, con đường chạy từ quán Đoi xuống Lỗ Giáng, qua Tùng Lâm, xuống đò Mân Quang, sang Hòa Quý. Từ Miếu Bông qua Liêm Lạc xuống Cổ Mân qua Lỗ Giáng thẳng xuống Trung Lương qua đò Xu vào Đà Nẵng.
     Quê ngoại ông có những dòng sông: Từ Tuý Loan, Cẩm Lệ xuống Cồn Nổi đổ ra sông Hàn, nhánh kia từ Vĩnh Điện ra sông Cổ Mân qua Tùng Lâm, Trung Lương rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ tại Cồn Nổi.
     Ông ngoại có ghe bầu ngược xuôi thương hồ. Tơ lụa, quế, hồi xứ Quảng đổi trao thổ sản miền Nam, cá mòi Phan Thiết. Đây là loại thuyền mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, nên thuyền có khả năng ra khơi xa. Thuyền dùng loại buồm hình tứ giác hay cánh dơi. Mắt thuyền khắc hình dài, trước tròn, đuôi mắt dài nhọn... Chính nhờ loại ghe bầu này mà người dân Xứ Quảng có thể vươn ra khơi xa để đánh bắt cá, đặc biệt là việc tổ chức đội lính Hoàng Sa, có thể dùng thuyền ra chiếm cứ và canh phòng đảo cách xa đất liền.
     Những người dân đôn hậu, đã quên mất làng nghề. Những cánh đồng ngút ngàn cây trái, lúa ngô, vườn rau biến mất, nhường chỗ cho khu đô thị sinh thái không có  cây xanh. Những người dân tay lấm chân bùn, nhớ cày nhớ cuốc, ngồi bó rọ buồn hiu trong những căn hộ tái định cư, vô công rỗi nghề…
     Ông Bình đi trong mộng mị, nắng trưa gay gắt hình như cũng dịu đi, theo dòng suy tưởng của ông.
     Qua Thanh Quýt, ông nhớ những người bạn cũ, kẻ còn người mất.
“Thanh Quýt là một làng cổ ra đời vào thời Huyền Trân công chúa sang làm dâu Chiêm quốc năm 1306. Từ 1402 khi Hồ Hán Thương cử Phạm Nhữ Dực vào làm Chánh Đô án phủ sứ phủ Thăng Hoa khai khẩn vùng đất mới. Thủy tổ của 7 tộc họ lớn của làng: Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Văn, Nguyễn Bá… đều là các quan đại thần theo Lê Thánh Tông trong cuộc bình Chiêm năm 1471, sau đó ở lại trấn nhậm vùng đất mới, lập nên làng Thanh Quýt.
Dương Văn An trong “Ô châu cận lục” đã cho biết Thanh Quýt là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong với tên gọi là Kim Quất. Đến Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776 thì Thanh Quýt có tên là Thanh Quất, một trong 18 làng thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa”…
     Đô trị bình Chiêm Lê Tự Cường sau thời gian phò vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thắng lợi đã có công khai khẩn xứ Bàn Tràm, làng Thanh Quýt thuộc xã Điện Thắng ngày nay)
(Nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/)
…….

– Gặp anh hùng xin hỏi anh hùng
Cầu chi đi mười hai tháng phân cho cùng thiếp nghe?
– Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu
Quảng Nam ta có mấy cái cầu dài thay!
Chỉ đi chưa tới nửa ngày
Lẽ mô có lẽ đi rày một năm?
Bạn hỏi ta, nghĩ lại cũng nhằm
Cầu chi đi mười hai tháng? Có cầu Giáp Năm đó bạn tề!
 (Ca dao)
      Ông Bình dừng chân, nhìn về cánh đồng làng Phong Ngũ, những gốc rạ sau mùa gặt vàng hoe, xơ xác. Cổng đình làng Phong Lục rêu phong, những người bạn họ Đỗ còn đâu đó, Đỗ Diện còm cỏi trên chiếc xe đạp một thời trơ khung, chân đất. Lăn theo dòng đời, lưu lạc…
      Đến làng Phong Nhị, nhớ ngôi nhà chênh vênh trên gò đất, giữa đồng của Nguyễn Chung (nhà thơ Nguyễn Hàn Chung). Phong Nhứt của Thân Tám (Thân Hùng – đã mất). Làng Đông Hồ với Dương Thanh Thu (Thu Dèo), nay khốn khó ngồi vá xe bên đường, mịt mù khói bụi. Cầu Giáp Ba rẽ trái đến nhà Nguyễn Đình Ký, nhà thơ lặng thầm bên dòng sông lấp, bây giờ đã nặng tai. Làng Ngọc Tam, Ngọc Tứ giáp Hạ Nông, quê ông…
     Ông Bình lặng người nhìn dòng sông Vĩnh Điện lững lờ trôi, bóng mây chìm nổi ẩn hiện bóng dáng tuổi thơ ông, bạn bè ông dưới mái trường trung học Nguyễn Duy Hiệu ngày nào.
    Vĩnh Điện, chính nơi này. Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng một thời như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, La Hối, nhà thơ Luân Hoán, Hoàng Lộc, Phan Duy Nhân, Vương Thanh, Đynh Trầm Ca, Phạm Ngọc Lư, Mang Viên Long, Vũ Hữu Định, Đoàn Huy Giao, Nguyễn Hàn Chung… đã từng được sinh ra hoặc đến dạy học hoặc là điểm dừng chân giữa đường cũng là nơi cư ngụ, sáng tác của hàng chục người cầm bút lúc mười tám, đôi mươi... Trên các tạp chí văn nghệ nổi tiếng của Sài gòn như Văn, Sáng Tạo, Văn học, Đối Diện, Khởi Hành, Ý Thức… đều có đăng sáng tác.
     Thôn Bồng Lai, làng La Qua (Điện Minh, Điện Bàn), nơi có dòng họ Nguyễn Nho tài hoa: Các nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc (Nguyễn Nho Bửu 1944-1964), Nguyễn Nho Nhượn, Nguyễn Nho Khiêm…
      Vườn mai dưới nắng xuân vàng rực của nhà Phạm Văn Đức, cô bé Nguyễn Thị D. tung tăng sớm tối đi về. Ông Bình nhớ thời ngớ ngẫn đạp xe băng băng đến con đường nhỏ có hàng cau cao vút, ngôi nhà ngói cổ kính thâm nâu. Lặng lẽ nhìn, rồi lặng lẽ quay về.
“Rằng xa, ngoài ngõ cũng xa
Rằng gần Vĩnh Điện, La Qua cũng gần”(ca dao)
      Bãi biển Hà My - Điện Dương, Điện Phương nổi tiếng các làng nghề truyền thống như đúc đồng, gốm, gỗ mỹ nghệ, dệt chiếu, mỳ Quảng Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống, khu du lịch Bồ Bồ....
     Giữa hai sông Vĩnh Điện và Thu Bồn, từng là thủ phủ của Quảng Nam xưa. Dinh trấn Thanh Chiêm thời chúa Nguyễn (1558 - 1775) và thành tỉnh Quảng Nam thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), thương cảng Hội An sầm uất và những làng nghề nổi tiếng như đúc đồng - Phước Kiều, mộc - Kim Bồng…
     Ông Bình thẩn thờ quay ngược xe. Qua khỏi cầu Vĩnh Điện, rẽ trái về quê ông. Đối diện cổng trường Nguyễn Duy Hiệu, ngày xưa là cánh đồng Điện An, ruộng lúa xanh ngát, nay đã thành chợ mới Vĩnh Điện. Lồng chợ hai tầng nguy nga, đầy ắp hàng hoá, những con đường nhựa thẳng tắp như phố thị, nhà của chị em Trần Thị… chỉ còn lưu dấu mái tole cũ kỹ, bị che khuất bởi những nhà cao tầng, mất dấu chân người khi đô thị hoá.
     Trường bán công Nguyễn Duy Hiệu được thành lập từ năm 1958, thầy Hồ Đài hiệu trưởng, thầy Lê Văn Đa giám
học. Ngôi trường trung học đầu tiên ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện lỵ Điện Bàn. Như GSTS Trần Văn Thọ đã một lần tâm sự: “Nếu không có trường Nguyễn Duy Hiệu, thế hệ chúng tôi sẽ thất học, đa số con nhà nghèo không thể đi xuống Hội An hay ra Đà Nẵng trọ học…”.
     Ngôi trường chỉ có bốn lớp Thất, Lục, Ngũ, Tứ nhưng đã quy tụ nhiều thầy cô có tấm lòng nhân hậu và mô phạm. Đến bây giờ mỗi lần nhắc đến, ông vẫn một lòng kính mến và trân trọng: Thầy Nguyễn Phú Long (nhà thơ Hoàng Thị Bích Ni - Dịch giả Nguyễn Kim Phượng), thầy Phan Chánh Dinh (nhà thơ Phan Duy Nhân), cô Dương Thị Ngân Hà (Phu nhân thầy Phan Chánh Dinh) dạy văn, thầy Trần Văn Tường, thầy Võ Toàn Trung dạy toán lý hóa, thầy (nhạc sĩ) Lê Trọng Nguyễn dạy âm nhạc, cô Bích Ngọc dạy sử địa, thầy (nhà văn) Vương Thanh, sau này có thầy (nhà thơ) Hoàng Lộc…
     Cuối năm, trường công lập Điện Bàn thành lập (1962) do thầy Dung làm hiệu trưởng. Cha muốn ông thi vào trường công nhưng cả cha và cậu Đa không yên lòng, nên sắp xếp cho anh Tâm (Thùy) – đã học đệ Ngũ – thi thế. Kết quả không thấy tên!
    Năm Đệ Thất (1962 – 1963) thật nhiều kỷ niệm. Lớp Anh văn khoảng hơn bốn mươi đứa, cả gái lẫn trai. Số bạn ông còn nhớ như Nguyễn Đình Ký, Đỗ Diện, Phạm Văn Đức, Lê vĩnh Hoè, Phạm Phú Cừ, Khúc Thừa Thế, Nguyễn Văn Diên, Lê Viết Hoàng, Hồ Nên, Lê Tự Mộng, Lê Tự Trập, Nguyễn Văn Rô (mất 2013), Lê Tự Thắng, Lê Tự Mầu, Nguyễn Trần Thị Xuân Bạch Tuyết, Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Chung (nhà thơ Nguyễn Hàn Chung), Trương Văn Chức, Lê Thị Phước, Nguyễn Thị Diêu, Trần Thị Cương, Nguyễn Thị Mười (Dung), Lê Bá Đại, Trần Lý, Nguyễn Thị Dơi, Phan Tấn Ngọc (Phan Thanh Dũng), Phan Xuân Dũng, Dương Dèo (Dương Thanh Thu), Nguyễn Văn Tục, Trần Thị Thôi, Phan Đức Liên, Nguyến Tám (Hội), Nguyễn Văn Cúc A, Thân Tám, Cù Tân, Thân An, Lê Minh Tá
     Năm Đệ Lục có Phan Thị Tuyết Hoa, cô bé xinh xinh, con gái làng Bảo An. Có lẽ con cháu cụ Phan Khôi!?
     Cuối năm làm bích báo, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Đình Ký và ông gom bài của các bạn, chọn bài, trang trí. Có mấy bạn “đạo” thơ văn, dù lúc đó không biết của ai nhưng rõ ràng không phải của… hắn !
      Cô Ngân Hà đọc bài thơ : “An Ký Chung Mầu Tá Dục Sinh – Châu Diên Diêu Dũng Tuyết, Hoa, Anh …” Cô bảo: Bình làm thơ ghép tên các bạn hay quá! Ông còn định cóp cả thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê nhưng sợ cô biết, nên thôi…
     Ông thích thơ Bích Khê, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương…Trong thời gian này, thầy cô khuyến khích đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Diên cho ông mượn cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” của Dương Hà. Thầy Phan Chánh Dinh ra đề:  Anh chị hãy viết tiếp truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng. Ông bê nguyên cả đoạn kết vào bài văn, ông cho Cái Nhớn đi theo dòng nước lũ sông Hồng:“… Mưa vẫn to gió vẫn lớn, mọi người âm thầm rảo bước để tiễn đưa Cái Nhớn về nơi an nghỉ… nghìn đời“ Thầy Phan Chánh Dinh lấy bút đỏ khoanh tròn!     
     Trưa học về, đạp xe qua tiệm sách Thời Nay bên kia cầu Vĩnh Điện, ông mua giấy pơ-luya hồng, mượn thơ Hàn Mặc Tử viết lưu bút cho bạn gái :
“Chữa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
     Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
      Lưu luyến bên em chẳng nói gì…”
    Ai cũng nói ông có khiếu văn chương!                      
    Thầy Phan Chánh Dinh (Nhà thơ Phan Duy Nhân) trích giảng bài học đầu tiên :
     “Này gã trai tơ, sách chật năm ngăn, mộng ứ rương hòm, tôi xin giao lại cái giang sơn thơ mộng cho người. Mà gọi làm chi khác tình vậy nhỉ! Ở trong tuổi đẹp, chúng ta để là bầu bạn: giang sơn tuổi nhỏ, này anh giao lại cho em. 
Hai tay em đang đầy hoa lộc của đời, những hoa lộc phong một lớp sương mờ, như một trái quà phong màng giấy xanh. Em mở ra cho trân trọng! Em có mười sáu tuổi chỉ một lần, em không có đến hai lần cái tuổi hai mươi, em chẳng bao giờ có lại tuổi mười tám. Em chỉ có một tuổi vui, em sẽ có một trăm năm buồn; tất cả đều tùy em đó, xấu đẹp ở tại lòng em. 
…………
     Em mười lăm tuổi, em tuổi hai mươi! đừng để mất một cái gì mà không hưởng. Em tưởng sau này em lớn, đi chơi bời mà là hưởng sao? Những cái ấy để cho bọn giác quan què quặt, tâm trí ngu đần, ta, thiếu niên, có thể không mất một xu mà hưởng hết của trời. " Say là say nghĩa, say nhơn, say chung Lý Bạch, say đờn Bá Nha " chứ há có say cái thứ rượu tồi mạt của Lưu Linh!”
………….
                                                 (Xuân Diệu – Giao lại)
     Quê ông nghèo, đa số đi học chân không dép, chạy vội về nhà sau giờ tan học. Con trâu, cái cuốc, cái liềm chờ sẵn trong sân. Chỉ có ông Giang Nam mới nghĩ  Ai bảo chăn trâu là khổ”. Chiều mùa đông rét mướt, chiếc tơi lá không che đủ hai tay.  Không ai giao lại tuổi thơ ông, tiếng ùng oàng từ Bà Nà, núi Chúa vọng về, dòng sông Vĩnh Điện đục ngầu bồng bềnh những thân người bị trói ké, úp mặt trôi theo dòng sông ra biển. Tuổi thơ ông nhiều bạn vắng dần, ra đi khi chưa đủ lớn, rồi đi mãi không về.
    “Ông tha mà bà chẳng tha, hành cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Bão Hagupit tàn phá gãy đổ cây đa đầu làng, xiêu vẹo nhà tranh vách đất, chưa kịp chống lại, trận lụt năm Giáp Thìn 1964 cuốn phăng đi. Con sáo yêu thương chết cóng tự lúc nào đưa hai chân co quắp lên trời. Tuổi thơ ông trôi theo dòng lũ dữ. Không ai giao lại tuổi thơ cho ông, chênh vênh giữa hai bờ…
     Rồi một ngày, con đường nhựa quê ông bị băm nát, nham nhở. Những buổi chiều ngóng về như xa xôi ngàn dặm, chỉ còn được nhìn theo những áng mây bay. Nhà ông đâu có “khuất bóng hoàng hôn” mà nghe chừng như “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
         Lễ Phật đản 1963, chùa Hạ Nông không một bóng cờ. Bác Xứng tụng kinh cầu an, cầu siêu.
     Dần – anh em chú bác với ông, rủ về quê ăn khoai lang nướng, mẹ nó mới đào. Hai đứa đạp xe qua khỏi tháp Bằng An, gần đến ngõ Nghè Mai - Chánh Chước đã nghe rộ tiếng súng. Mấy người gánh lá dâu băng qua đường chạy về hướng thôn Nông Sơn… Dần nói đó là quân Giải Phóng.
     Những ngày mùa đông buồn da diết, tan trường Thân Tám (Thân Hùng – đã mất 2009) kéo nhau qua bến xe Vĩnh Điện coi xác Việt Cộng mới bị bắn chết. Bỗng nó khóc oà, nói chú nó! Không khí chiến tranh tràn vào lớp học, Dần, Bảy, Diên theo anh Đông làm du kích, lớp học thưa dần…
     Thầy Phan Chánh Dinh (Phan Duy Nhân) dạy bài cuối cùng, bài thơ: “Nhà tôi” của Yên Thao:
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng
Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lôm lốp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không ?
……….
     Quê ông chìm trong khói lữa, máy bay ném bom tan tành ba cây đa cổ thụ. Cô dượng Ngũ ra đồng, cà nông rơi trúng hầm, xác bốn đứa con không đứa nào còn nguyên vẹn.
    Trời chưa hừng sáng, quân Giải phóng về làng tử hình thôn trưởng Nông Sơn, bắn thêm người em từ ngoài đồng chạy về. Chùa Hạ Nông vắng dần thiện nam tín nữ, bác Xứng vẫn chiều chiều dộng chuông thinh không vang vọng cõi trần ai…    
     Những buổi chiều tan học sân trường vắng hoe. Thỉnh thoảng cô bạn học P.T.T.H xinh xinh, trọ bên kia đường, mang áo quần xuống giặt ở bến sông trước nhà trọ. Lòng ông buâng khuâng, mong đợi, không nói nên lời…
*              Gia đình ông tản cư ra Đà Nẵng, khu An Cư dựng tạm đón dân làng. Gió từ biển Mỹ Khê lùa vào mang theo vị mặn trộn lẫn với nền cát dưới chân hừng hực lửa.
*            Trường lạ, bạn mới. Ngỡ ngàng thua thiệt lúc ban đầu dần hồi tan biến. Các thầy cô đã ân cần dìu dắt, có phần thương yêu hơn dành cho lũ trẻ chạy giặc.
*              Mỗi ngày, từ chiếc đò ngang An Hải, biết bao nhiêu tà áo trắng, học sinh trường Đông Giang, Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Sao Mai, Bồ Đề, Nguyễn Công Trứ… đi về sớm tối. Những lần trễ đò, ông lang thang dọc sông Hàn qua cầu Trịnh Minh Thế (cầu Trần Thị Lý), gió sông lành lạnh, xô dạt đong đưa.
*              ……

     Đầu đường ĐT609, hướng về Ái Nghĩa. Quán cơm, mì Quảng cô Tám ngày xưa, nay đã chuyển giao cho con gái út, bán bún bò Huế. Học xa nhà, ông Bình được mẹ gói cơm lá chuối với cá rô đồng kho mặn hoặc muối mè, đậu phụng ăn trưa. Thỉnh thoảng ông được cùng cậu Lê Văn Đa – Giám thị trường Nguyễn Duy Hiệu, thầy Trần Văn Tường, thầy Phan Chánh Dinh, Cô Dương Thị Ngân Hà, thầy Vương Thanh… dùng cơm trưa quán cô Tám.
     Ông Bình dừng lại - Bến Đá. Ngày ấy, những chiếc ghe thương hồ ngược xuôi, mỏi chân neo đậu nơi này. Tan học, ông cùng Nguyễn Văn Diên (đã mất), Nguyễn Văn Dần (Liệt sĩ), Lê Viết Nem (Hoàng), Phạm Phú Cừ, Khúc Thừa Thế… cởi truồng tắm sông, ngụp lặn có lần suýt chết dưới đáy ghe. Nhà Phan Xuân Dũng đây rồi, nhà trọ của Phan Thị… chỉ còn “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long thành hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan).
     Ngang Tháp cổ Bằng An, tháp Chăm duy nhất còn lại hình bát giác, tháp có hình Linga tượng trưng cho thần Shiva – một trong những hình ảnh thiêng liêng nhất của mặt trời, theo quan niệm của người Chăm-pa. Trước cửa có tượng hai con thú, gọi là Gajasimha, hình nửa như sư tử nhưng lại có vòi ngắn quay lên trên, mỗi con đều có cái diềm đeo cổ. Như các tháp Chăm khác, tháp Bằng An cũng quay cửa về hướng Đông để đón ánh mặt trời.
     Tháp trầm mặc u buồn. Nhìn khung cảnh nhếch nhác tưởng chừng như hoang phế, ông chạnh lòng nhớ về Công chúa Huyền Trân…
“Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo” (ca dao)
     “Năm 1301,Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân mời vào thăm và tiếp đãi nồng hậu. Khi ra về, Thái thượng hoàng có hứa gả con gái cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Vương hậu Tapasi, người Java (Indonesia ngày nay). Sau đó nhiều lần, Chế Mân cử sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng nhiều quan lại nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.
     Năm Bính Ngọ, Hưng Long năm thứ 14 (1306), tháng 6, Chúa Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm hồi môn, vua Trần Anh Tông khi đó mới đồng ý gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Công chúa khi về Chiêm Thành, được phong làm Vương hậu thứ 2 với phong hiệu là Paramecvari.
     Tháng 5, năm Đinh Mùi (1307), quốc vương Chế Mân băng hà. Thế tử Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và báo tang.
     Theo Đại Việt sử ký chép lại, Trần Anh Tông nghe rằng:  Theo tục nước Chiêm, Quốc vương chết thì Vương hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Trần Anh Tông liền cử Hành khiển Trần Khắc Chung sang viếng tang và tìm cách cứu công chúa. Trần Khắc Chung cứu được công chúa và đưa xuống thuyền. Cuộc hải hành kéo dài tới một năm và theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa”.
     Sau khi công chúa Huyền Trân trở về Thăng Long, theo di mệnh của Thái Thượng hoàng, bà xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh). Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.
     Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ đã quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.
     Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Nhớ ngày công chúa mất, hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.
     Các triều đại sau đều sắc phong công chúa Huyền Trân là thần hộ quốc. Nhà Nguyễn ban chiếu ghi nhận công lao của công chúa Huyền Trân "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần".
(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/)
     Ông Bình nhìn về phía đối diện tháp Bằng An, ngôi trường tiểu học Vĩnh Hoà (Điện An) năm xưa, nay là trường Phan Thành Tài bề thế.
     Ông Bình sực nhớ chuyện ông làm chủ hôn “chạy làng” năm 1979. Trong một lần chú D. chở khung xe đạp đi sơn ở Vĩnh Điện gặp cô Tr. Cô Tr. gái thành phố, theo cha mẹ về quê. Cô dạy tại trường tiểu học Điện An (nay là trường Phan Thành Tài), không biết chú D. tán tỉnh thế nào, hôm sau cô đạp xe mini lên nhờ chú D. sửa giúp. Họ đã bén duyên nhau, nhưng mẹ chú D. không tán thành!
     Họ tự tổ chức thành hôn, trên sân trường tiểu học này. Mùa hè vắng hoe, bên nhà gái không người thân. Những thầy cô giáo đồng nghiệp phụ giúp, trang điểm cô dâu bằng màu son hoa phượng. Thầy hiệu trưởng Th. tuyên bố lý do, ánh mắt yêu thương nồng cháy của tân lang và tân giai nhân lấp lánh, hạnh phúc và làm dịu mát những tia nắng của buổi trưa hè.
     Ông Bình đại diện nhà trai, chuẩn bị đáp từ. Bỗng mẹ chú D. xuất hiện bất ngờ, chiếc gậy trong tay bà kéo phăng tấm biển chữ “Tân hôn”, đêm qua ông Bình cắt vội. Thế là tan, ông Bình ôm bà mẹ, chú D. không thấy đâu. Thầy cô giáo hoảng hốt khi phát hiện chú D. định treo cổ trong phòng học… Nhưng bây giờ, cô chú đã vượt qua bao nhiêu phong ba bão táp, con cháu đề huề.
     Vòng bánh xe quay, đưa ông Bình đi theo hoài niệm. Đây rồi cống Cửu Duật, khi nước băng đường cái trong mùa mưa lụt là những ngày nghỉ học. Hương sen thơm ngát, chạy dài về phía xứ Miên La, Đồng Thộn thuộc làng Bất Nhị, ra sông Thu Bồn.
“Sông Thu Bồn xuôi về Cửa Đại/ lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn…”. Từ đây về quê ông, con đường quốc lộ cong cong hình chữ S. Ngõ Nghè Mai, Chánh Chước vào làng Hạ Nông…
     Nhà Nội ông Bình – Thầy Kiều - ở Nga Tiền, thôn Hạ Nông Dưới (Hạ Nông Trung), Kỳ Ngọc (Điện Phước), Điện Bàn, Quảng Nam. Ngôi nhà mái ngói cổ kính, bên cạnh chùa Hạ Nông.
     Nhìn về hướng nam, những hàng tre làng Bất Nhị như bờ viền xanh ngát cánh đồng lúa Nga Tiền.
     Nội ông Bình là cụ đồ nho học kiêm thầy địa lý. Những môn sinh của nội thất cơ, lỡ vận vào thời tây học như bác ông Bình, thí phát quy y trở thành thầy tu,  trụ trì chùa Hạ Nông.
     Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Hạ Nông bị hủy hoại, tan nát. Chỉ còn giữ được đại hồng chung bằng đồng to lớn, hoa văn rất đẹp. Hai con rồng cuộn mình như đuổi bắt, tạo thành đai. Chuông được các nghệ nhân Làng đúc Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) đúc từ thời Minh Mạng (1820-1841)
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều,  có lịch sử hình thành từ khi Dinh trấn Quảng Nam, dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng, đầu thế kỷ 17, tồn tại và phát triển hơn 400 năm qua.
      Dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, những nghệ nhân của làng nghề được triều đình gọi ra Phú Xuân tham gia đúc đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín.
     Nghe nói tiếng chuông vang rất xa, đến Hàn (Đà Nẵng) còn vọng thanh âm. Bác ông Bình hiệu Thích Như Viên, pháp tự Giải Phương, tục danh Nguyễn Văn Đảnh. Lâm tế chánh tông, tứ thập nhất thế, thuộc Tổ đình Chúc Thánh, Hội An.
     Chùa Hạ Nông được trùng tu, do cha cúng dường tam bảo. Ngày khánh thành (Rằm tháng Tư - 1962), ông cùng anh Ngộ, Dần theo đoàn Phật tử chạy tung tăng. Mẹ nấu cơm chay, thiện nam tín nữ thọ trai, ai cũng khen. Nồi chay có khoai lang, mít chín cả xơ lẫn múi, đậu xanh, đậu phụng tươi giả nát, rau sống thơm nồng…

     Hậu bán thế kỷ 15, làng quê ông Bình đã có tên. Chùa Hạ Nông được hình thành gần 300 năm, nhưng nay chỉ còn là phế tích. Cách chùa khoảng 100m, chênh chếch huớng tây-nam có gò Phật và cây thiên tuế cổ thụ, đây là nơi lưu giữ các tượng Phật và những gì còn sót lại của chùa. Xa xa về hướng nghĩa địa Gò Bướm, mộ ông Nghè Trần Quý Cáp (1870-1908) với tháp nhọn lẽ loi, nằm chung với dân làng đã quá vãng.
     Sau hiệp định Genève nội mất, cha ông Bình cùng dân làng trùng tu chùa Hạ Nông (1961). Ngày lễ Phật Đản năm 1962, dù còn nhỏ, nhưng ông không thể nào quên, các thầy về dự lễ khánh thành có Hòa Thượng Thích Thiện Quả, trụ trì Tổ đình Chúc Thánh, Hoà thượng Thích Trí Quang, Hoà Thượng Thích Như Huệ (Hòa Thượng thế danh là Phạm Kim Huệ, sinh năm Giáp Tuất, ngày 02-4-1934 tại làng Cẩm Phô, Điện Bàn, Quảng Nam. Đã thuận thế vô thường thâu thần an nhiên thị tịch vào lúc 9 giờ 25 tối ngày 23/06/2016 - nhằm ngày 19/5/Bính Thân tại Tổ Đình Pháp Hoa Nam Úc. Thọ thế: 83 tuổi, 60 Hạ lạp).
    Năm 1965, quê hương chìm trong khói lửa. Chùa Hạ Nông vắng dần thiện nam tín nữ. Đạn bom cày xới tan tành ngôi chùa cùng ba cây đa cổ thụ. Chỉ còn trơ lại gác chuông. Bác ông vẫn chiều chiều dộng chuông thinh không, vang vọng cõi trần ai.
…………..

     Xã Điện Phước phía Bắc giáp xã Điện Hòa, phía tây giáp Điện Thọ, phía Đông giáp Điện An, phía Nam giáp sông Thu Bồn. Rạch Bình Long nối dòng sông Thu Bồn băng qua làng, xuôi về sông Hàn, Đà Nẵng. Điện Phước là xã thuần nông, đồng bằng màu mỡ, nhờ phù sa của Sông Thu Bồn. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An. Một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện, đổ vào sông Hàn, Đà Nẵng. Trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang, đổ ra vịnh An Hòa Tam Quang, huyện Núi Thành. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia, hợp lưu tại Giao Thuỷ - Đại Lộc, tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn người dân xứ Quảng.
     Ngày xưa…
     “…..có 24 tên làng thuộc huyện Điện Bàn hiện tại: làng Đắc Ký, Hoa Thử (Phong Thử), Kỳ Lam, Giáng La thuộc xã Điện Thọ hiện nay; làng Nông Sơn, Bất Nhị, Hà Khúc (Hà Nông) thuộc xã Điện Phước, làng Đông Bàn thuộc xã Điện Trung, làng Đa Thử (Đa Hòa) Cẩm Đăng (Cẩm Văn), Giáo Ái thuộc xã Điện Hồng, làng Lỗi Sơn (Cẩm Sơn), Diễm Sơn thuộc xã Điện Tiến, làng Hoa Hồ (Đông Hồ), Bích Trâm thuộc xã Điện Hòa, làng Lai Nghi, Phong Hồ, Kim Sa (Cẩm Sa); làng Thị Lại (Thi Lai), Kim Lữ (Cẩm Lậu) thuộc xã Điện Phong; làng Nhân Triêm (Phú Triêm) thuộc xã Điện Phương, làng Uất Lũy, Cúc Lũy (Khúc Lũy) thuộc thị trấn Vĩnh Điện và xã Điện Minh, làng Kim Quất (Thanh Quýt) thuộc xã Điện Thắng.
……
Lê Viết Bang, theo phò vua vào Nam chinh chiến, sau 1471 được vua Lê sai phái ở lại vùng đất Chiêm Động, có công khai khẩn đất hoang, qui dân lập ấp, lập nên làng Bằng An, nay thuộc xã Điện An.
…….
Có rất nhiều dòng Lê Tộc từ Thanh Hóa vào định cư tại đất Điện Bàn như Lê Tấn Viễn định cư tại Điện Dương, Lê Cao Xảo tại Điện Phước, Lê Viết Bảo tại Điện Nam, Lê Đường, Lê Tấn tại Điện Hồng, Lê Văn Đạo tại Đông Bàn, Lê Đắc Sùng tại Giáo Ái, Túy La (Điện Hồng), Lê Đắc Vinh tại Điện Hồng...
……….
     Trong tập san nghiên cứu lịch sử số 5 – 1993 của Viện Sử học Việt  Nam  có công bố một tài liệu gọi là “Bắc địa tấu từ” (bài tấu tâu về đất Bắc). Bài từ được viết ngày 12 – 6-1492 (năm Nhâm Tý Hồng Đức thứ 23) này là của 24 dòng họ từ các tỉnh phía Bắc, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Hải Dương vào khai phá vùng Bắc sông Thu Bồn. Trong số đó có các dòng họ Phan, Hà, Trần, Thân, Nguyễn, Tào, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Trịnh, Mai, Huỳnh, Từ, Mạc, Lê... Bài từ có nói đến các tên làng Nông Sơn, Hạ Nông, Châu Lâu, Đắc Ký...
………..
     “Theo bước chân của vua Lê Thánh Tông đi mở cõi, các bậc tiền nhân đặt chân vào Điện Bàn, xứ Quảng, rồi khẩn hoang, lập làng lập xã. Hạ Nông xã, Câu Nhí xã, Châu Minh xã, Mỹ Á xã… những cái tên xưa cũ đã từng lưu dấu trong “Bắc địa tấu từ”. Và trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553, các làng của Hạ Nông xưa, Điện Phước nay, đã được xác lập như Nông Sơn, Minh Châu, Bất Nhị…
     Những địa danh quê ông đã đi vào thi ca và lịch sử: Bất Nhị, Bình Long, Hạ Nông, Nông Sơn,  nghĩa là không thể có hai:“Bồng em mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An”, “Sông Thu Bồn xuôi về Cửa Đại/ Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn…”,
     Theo đường Quốc lộ Bắc-Nam, đến gần cầu Vĩnh Điện  rẽ theo tỉnh lộ ĐT 605 - nay mang tên nhà chí sĩ Trần Quý Cáp hoặc cách trường PTTH Nguyễn Duy Hiệu khoảng hơn 300m gặp con đường lớn, tráng nhựa phẳng lì mới mở: Nguyễn Thành Ý…
      Chỉ có hơn 11 cây số vuông, nhưng Điện Phước quần tụ đến 12 ngôi làng cổ, 50 tộc họ. Xã được thành lập vào tháng 11.1948, trên cơ sở hợp nhất 4 xã Quý Cáp, Hiệp Lực, Nông Chánh, Liên Châu. Xã Quý Cáp hẳn là lấy tên của người chí sĩ sinh ra ở làng Bất Nhị. Cụ Trần Quý Cáp (1870 – 1908) cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, hợp thành “bộ ba Quảng Nam” nổi tiếng, khởi xướng phong trào Duy tân với triết lý “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” còn giá trị đến vô bờ. Bên cạnh cụ Trần có cử nhân Mai Dị (1880-1928), đỗ đạt nhưng không ra làm quan và lui về quê, cùng các nhà Duy tân mở trường dạy học. Ông từng tham gia sáng lập và dạy học tại trường Diên Phong, bị giặc Pháp nghi án và bắt bỏ tù trong phong trào Kháng thuế năm 1908. Ở Điện Phước còn có tên tuổi vang danh là nhà ngoại giao Nguyễn Thành Ý. Cụ Thành Ý quê từ Túy La qua cư trú tại Bất Nhị, là một trong “Ngũ tử đăng khoa” (5 anh em trong một nhà có 3 người đỗ tú tài, 2 cử nhân). Cụ Nguyễn Thành Ý từng được vua Tự Đức cử làm Tổng lãnh sự tại Sài Gòn - Gia Định”.
………
      Nhà ông Chanh có Lê Viết Hoàng (Nem) học cùng lớp. Nhà bà ba Ra. Vườn ông Cửu Tưởng hiu quạnh, vắng bóng người. Bà Mày có Nguyên, nghèo nhất xóm. Bà Tiếp có chị hai Tiếp, anh Xuyên, anh Đông. Nhà bà Nhì có anh Tam, Cật. Bà Mua có anh Tám Dần, cùng tuổi với chú mười Thi. Chú Liếng có chị hai Liếng, chị Ba, Bảy…  Nhà chú ba Mậu. Bên kia, gần bờ đập, ông Chánh Ba có chị Thông, anh Nga…
     Bác Xứng có anh Tâm (Thuỳ), anh Ngộ, anh Hiệp và mấy chị. Chú Dần có em Dần cùng tuổi, Lại (đã mất), Dân, Nhân, Giai…  Sau này chú Dần làm nhà gần ông ba Mậu. Đi học về, anh Ngộ, Dần cùng ông Bình, cởi áo quần nhảy tỏm xuống “đàng nước”(mương thuỷ lợi), nước trong veo. Chú Bề “mân-te”(đưa nước vào ruộng), ôm gọn áo quần đi thẳng. Anh Ngộ, Dần ngó theo la í ới.
     Xóm Hạ-Nông-Dưới khoảng mươi nóc nhà, có đến năm bà góa. Những người chồng đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Tây càn, ông Nhì ôm súng leo lên cây đa, ông ra đi khi bà Nhì chưa đến ba mươi. Rồi những năm sáu ba, sáu bốn,  thế hệ tiếp nối như anh Đông, Dần, Cật, Bảy lần lượt vào du kích và hy sinh…
      Khi ông Bình được sinh ra, ông bà nội đã mất. Bác ông theo nghề ông nội. Bác giỏi chữ nho, bác dạy tam tự kinh cho lũ trẻ trong nhà:
“Nhân chi sơ, Tính bản thiện,
 Tính tương cận, Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên.”
     Quê nội ông yên ả thanh bình nhất, có lẽ sau hiệp định Genève 1954 đến cuối năm 1960! Đúng là thái bình thật, không trộm cắp, những đêm hè cửa thường bỏ ngõ. Tiếng hò khoan trong mùa cấy tháng tám, tháng ba thoang thoảng theo làn gió bay xa. Ngày xưa,  cái thiếu đói thời kỳ giáp hạt, là nỗi ám ảnh trong lòng người dân quê ông thường trực.
         Rồi một ngày những người không phải lính, nhưng mặc đồ màu đen mang súng, vào ở chung với dân làng…
     “…Mùa xuân năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược mục tiêu căn bản là tách rời du kích, quân sự của Cộng Sản còn cài cắm ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn phải ra hồi chánh hoặc bị tiêu dịêt…”
     Nếu Quốc Sách này được tiếp tục và Ngô Đình Diệm không bị lật đổ, thì ngày 30.4.1975 có lẽ còn xa xăm…
    Ngày xưa làm ruộng chỉ có hai mùa: tháng ba, tháng tám. Mẹ ông quảy gánh sang tận Đông Bàn (Gò Nổi), La Thọ mua sắn, mua khoai, xắt lát phơi khô, độn cơm.      
      Những buổi chiều ông theo chú Mười (Thi) đi câu cá thát lát ở “giếng” Thủ Bộ. Gọi là “giếng” nhưng giống như hố bom, sâu khoảng vài mét, đường kính hơn chục sải tay. Ông lội dọc theo triền nước, xúc những con “mày mày” (ấu trùng chuồn chuồn) cho chú câu…
     Có những hôm chú Mười câu được mười mấy con cá to, óng ánh như dát bạc. Mẹ ông làm chả cá thát lát nấu canh với rau tần ô ngọt lịm.
      Mùa đông mưa phùn gió bấc, bàu Súng – rất nhiều cây bông súng, hoa trắng viền tím ngát - trắng xoá, nước mấp mé bờ đập thuỷ lợi. Ba ông đặt lờ, cá rô, cá diếc, cá tràu, thác lác, cá trê béo ngậy. Nướng trên lò than, chấm nước mắm gừng hết chỗ chê! Nồi cơm đất nung thơm lừng với chén mắm cá nục, cá cơm, dằm vào ớt tỏi ăn quên thôi, quên mất phần người lớn!  
       “Ông tha mà bà không tha/ Làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Nhưng lụt mang phù sa cho ruộng đồng phì nhiêu. Những gánh phân chuồng, phân xanh đã làm đượm tình quê qua hương thơm ngạt ngào của hạt cơm lúa mới.
      Lụt lớn, lụt nhỏ nước chảy tràn đồng là những ngày hội hè của đám trẻ con, tất bật chạy đi đơm cá. Những bát cá mại, cá cấn, đủ loại cá con, kho với lá gừng, lá nghệ vàng ươm ngon hết biết nhưng cơm không đủ ăn! Kể cũng lạ, đất khô nứt nẻ, nhưng khi mưa xuống lại có cá, không biết từ đâu?
      Gần Tết, từ đầu tháng Chạp, bác ông đã cuốc đất lên luống, gieo cải. Nhà nhà lo Tết, mẹ ông chuẩn bị sẳn không thiếu thứ gì. Đưa ông Táo về trời, mẹ nhờ chú ba Diện quảy gánh nếp đi bung. Nấu nước đường làm bánh hộc, bánh khô, bánh in, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao… Chiều ba mươi quanh bếp lửa hồng, nồi bánh tét sôi sùng sục, tiếng heo bị làm thịt kêu eng éc…
     Đêm giao thừa pháo nổ vang khắp làng trên xóm dưới, rồi chìm vào hư không. Tiếng chuông chùa Hạ Nông ngân vang… Sự thiêng liêng ngự trị trong lòng mỗi con người. Cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.
     Người dân quê ông bao đời vẫn sống chân chất, thanh lương. Miền trung đất hẹp, gánh nặng hai đầu đất nước. Chỉ học theo gương người trước, cố dành khoa bảng, phụng sự cho đời.
     Ngũ Phụng Tề Phi có nghĩa là năm con phượng cùng bay lên là danh hiệu do vua Tự Đức phong tặng cho năm vị đại khoa cùng đỗ trong một khoa thi năm 1898, và cùng thuộc tỉnh Quảng Nam, đó là một điều hiếm có trong một tỉnh. Năm vị ấy là:
  • Tiến sĩ Phạm Liệu (Trường Giang, huyện Điện Bàn)
  • Tiến sĩ Phan Quang (Phúc Sơn, huyện Quế Sơn)
  • Tiến sĩ Phạm Tuấn (Xuân Đài, huyện Điện Bàn)
  • Phó bảng Ngô Lý còn gọi là Ngô Chuân (Cẩm Sa, huyện Điện Bàn)
  • Phó bảng Dương Hiển Tiến (Cẩm Lậu, huyện Điện Bàn)
           Sau ngày ký Hiệp định Genève, cha ông đưa gia đình về quê. Cha làm căn nhà ngói to nhất làng, toàn là danh mộc, đúc bê-tông, nằm giữa chùa Hạ Nông và nhà bác Xứng.
      Ông Bình được khai tâm “trường” thầy Tư Khải. Gọi là trường, nhưng chỉ có hai dãy bàn bằng gỗ mít. Học trò lèo tèo năm bảy đứa, cả gái lẫn trai…
     Mẹ ông mua mấy cuốn vở, bình mực, bút lá tre. Mực viên hoà với nước, mực xanh, mực tím. Thầy dạy vỡ lòng, “a,b,c…a,ă,â… – nhân chi sơ tính bổn thiện…” Thầy dạy Tam tự kinh lẫn tiếng Pháp. Anh Tâm (Thuỳ) học lớp nhì, dạy thêm:“ Ma mère – Mẹ tôi, long – dài, mue – mềm”. Ông  xung phong đọc cho thầy nghe, thầy quất mấy cây roi quắn đít!
    Đường làng trơn. Từ nhà đến trường ngang qua vườn bà cửu Tưởng, không một bóng người, ông sợ ma, sợ chó điên. Mẹ dạy phải bấm ngón chân khỏi ngã, đến sân nhà thầy ông  trượt chân nằm thẳng cẳng, con gái thầy bắt ông cởi truồng, dội nước. Ngồi học không mặc quần.
     Những ngày thơ ấu, ngôi trường tiểu học Kỳ Ngọc gần nhà ông Đốc Thuyên (Trần Thuyên – con trai duy nhất của cụ Trần Quý Cáp) do thầy Trợ Lập làm hiệu trưởng. Trường chỉ có ba lớp: Cô Thu Cúc dạy lớp ba, thầy Hào dạy lớp nhì, thầy Phấn lớp nhất (NK 1960-1962).
     Những đứa học trò nhà quê chân đất đến trường cùng sách vở cong queo, sân trường không bóng mát. Cả đám nép vội vào lề đường, khoanh tay cúi đầu chào khi nghe tiếng xe mobilette của thầy Phấn sau lưng. Nhà thầy ở thị trấn Vĩnh Điện, gần ngã ba đường xuống Hội An. Thầy cận thị nặng, những đứa hay nghịch ngợm giành nhau ngồi cuối lớp, nghĩ rằng thầy không trông thấy mình.
     Hơn năm mươi năm qua,  những người bạn năm xưa, có bạn vẫn còn sống ở quê nhà: Trần Hoài Thanh - lương y cứu giúp nhiều người, Đinh Thị Tân – cô giáo đã hưu, Đỗ Cả… Đa số tha phương cầu thực và thành danh xứ người: Hồ Đắc Anh – cựu hiệu trưởng trường cấp 3 Võ Trường Toản, Q.12, Đinh Văn Mười (P.TGĐ.VCB), Lê Hồng Thái… hay những bạn đã giã từ cuộc sống bởi chiến tranh huynh đệ tương tàn: Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Văn Bảy…
…………………..
     Giòng ký ức ùa về trong ông, ông Bình học được nghề gò từ trại cải tạo. Công xá từ những chiếc thùng tưới, thùng gánh nước, thay đáy thùng… Mỗi chiều về, cũng mua cho mẹ chút trầu cau, mua cho con chút đường, thay sữa!

THÂN PHẬN


Mẹ tần tảo nuôi con
Đêm mưa và ngày nắng
Cằn cỗi cuộc đời nước mặn đồng chua
Quê ta nghèo mùa được mùa thua
Theo gió bão sớm dưa chiều muối
Tuổi tám mươi Mẹ chưa một lần tiếc nuối
Nuôi con khôn lớn những ngày
Gắng học nên người
Tạo dựng ngày mai
Thời của Mẹ qua rồi thời nô lệ
Đời ta nghèo, nhà ta bao thế hệ
Nước ta nghèo cần chất xám nơi con

Nhưng Mẹ ơi, con chờ đợi mỗi mòn
Xin làm những gì hợp với nghề con
Người ta bảo anh nên làm ruộng rẫy
Và con rất tự hào hăng say cày cấy
Cử nhân như con biết mấy vạn người
Đạp xe thồ, bốc vác chợ trời
Hay tay lấm chân bùn như con của Mẹ
Nên đàn em con
chẳng học hành ra lẽ
Vì tương lai không định hướng nên người

…….
    Sau năm 1975, cha mẹ quy cố hương, cha mẹ dường như đã già hơn mười tuổi. Cái nôi thời thơ ấu, gần như hoang phế bởi chiến tranh, gạch vỡ vây quanh làm tường, mái tole cũ kỹ, tạm bợ. Cha ốm yếu, mẹ và vợ ông không biết làm ruộng, hai con còn nhỏ…
     Ông Bình đi trả công thay mẹ. Mẹ - con gái thành phố,  theo cha về làm ruộng, tất bật với heo gà lam lũ. Đàn ông như ông quá tệ, xóc đầu này, tuột đầu kia, không gánh nổi hai bó lúa, lưng cong như con tôm quỵ xuống bên bờ ruộng, thôi đành vác từng bó lên vai… Chú sáu B. nói thôi, không gánh nữa, gom lúa đã gặt chú gánh giúp. Đứng trên mảnh ruộng này, là rộc Ngang, đám Lớn, bàu Lát… cha đã dành dụm không dám ăn tiêu để có nó. Bây giờ của HTX, ông Bình đi làm thuê.
      Ngày xưa đi học ông Bình băng vườn Chùa, băng rộc khi mùa tháng tám đã thu hoạch, trơ đất bệ. Miếu Bà linh thiêng nép mình dưới cây xoài cao vòi vọi, dọc theo bờ mương đến trường học Mới (Hạ Nông Trung bây giờ), nơi đây có trạm bơm nước, chú B. ba-te vác cuốc theo dòng, khơi chảy vào từng đám ruộng. Những con dế than, đế cơm ngơ ngác, xoè đôi cánh có hai viền trắng tròn, bay tứ tung. Đàn sáo sậu, chèo bẻo tha hồ chao liệng, săn mồi.
   Ông Bình ôm cặp qua chiếc cầu tre ông Trọng đong đưa, bắc ngang lạch Bình Long đến trường. Trưa tan học, lũ trẻ chân không dép chạy như ma đuổi, những chuyện kể của người lớn ám ảnh: ma dơi, ma dú… Dọc bờ lạch, tre gai chằng chịt, cọ xát vọng tiếng ỉ ôi, như ma Hời kêu than vong quốc. Cũng có khi ông Bình rẽ con đường nhỏ, bên nhà ông Đốc Thuyên (con trai duy nhất của chí sĩ Trần Quý Cáp), qua rộc ngang, nghĩa trang Gò Bướm, về nhà.
     Những địa danh La Hòa - có nhà thờ Công giáo La Nan,  Bất Nhị, Hạ Nông, Nông Sơn, Miên La, Đồng Vòng, Thai La, Nam Hoà… Bãi biền dâu xanh ngát:
“Một nong tằm bằng năm nong kén
Một nong kén bằng chín nén tơ
Em thương anh tháng đợi năm chờ
Lòng nào dứt mối lìa tơ cho đành”
(ca dao)
 ……….
    Cha cho mấy cây cột “mùn”, ông Bình cùng anh Ngộ kéo xe “” ra Hòa Châu. Ông bà ngoại cho tre, bà ngoại làm gà ăn cơm tối, anh em đẩy xe về trong đêm.
    Chú Liếng (đã mất) giúp làm nhà, cha dạy đánh tranh rạ, trộn đất sét với rơm làm vách.
    Nhìn con còi cọc, ông Bình ăn trộm con gà của cha. Đêm tối bắt nhầm con gà mái đẻ, cha chửi quá trời! Không có gì mời “quan viên”, lại nghe nói xương chó hầm đậu xanh trị bệnh ghẽ lở trẻ con, ông lừa con chó của cha chạy xuống mương thủy lợi, trấn nước, đãi khách!
    HTX cần người đo đạc. Ông Bình cùng anh Khóa (đã mất), Nguyễn Đức Thu lập nên “bản đồ giải thửa” đầu tiên của HTX Điện Phước. Ngày đi ngắm, cầm “mia”, đêm về dạy bổ túc văn hóa. Ông Bình dạy các môn tự nhiên, Trần Hoài Thanh dạy văn, Nguyễn Đức Thu dạy “toàn bộ” cấp 1, Thầy Điểu quản lý, Tào Bạn – Bí thư xã đoàn hiệu trưởng. Mỗi mùa được chia 60 kí lúa “điều hòa”.
    Dượng Tường (đã mất 08.10.2017) cho chiếc xe Lambretta, sơn sửa lại thật đẹp. Có người gạ đổi xe honda 67, ông Bình tu bổ ngon lành, nhưng không có xăng để chạy. Để bán có giá, ông tháo tung theo sách dạy:”mở trước, lắp sau”, chùi rữa cẩn thận, đến piston, xy-lanh cạo trắng tinh, còn dùng giấy nhám đánh bóng loáng, đến khi ráp vào không biết cái nào trước, cái nào sau. Nửa đêm, chạy vào nhờ anh Lê Cao Diện (Thư ký UB xã Điện Phước – GĐ/BHXH Điện Bàn sau này), lắp ráp.          
     Gần sáng, đổ xăng, máy nổ rầm trời, tệ hơn lúc chưa sửa, do lòng xy-lanh không còn kín hơi. Nhờ vậy ông Bình biết sửa xe máy, bán cho anh H. – trại gỗ Hiệp Thành. Ông mua lại xe Suzuki, không xăng, đắp chiếu. Trần Hoài Thanh mượn đi Đà Nẵng, lúc về nổ banh lốp, không có lốp để thay ông đổi ngang chiếc xe đạp duya-ra của Nguyễn Xuân Thống (bạn học Nguyễn Duy Hiệu – Nay ở Bình Mỹ, Củ Chi, đã mất). Bị trộm lấy mất.
     Điện Phước, quê hương ông ngày ấy tình làng nghĩa xóm tràn đầy, những ngày thơ ấu thanh bình. Ông Bình  không ngờ thế hệ của các ông đã được những bàn tay ma quái, lông lá chuẩn bị đưa vào lò thiêu của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Mộ phần dành cho tuổi đôi mươi đầy hoa mộng, đã được lập trình, từ những năm đầu thập niên 60.
……….
     Quê hương vậy mà đâu có ngọt ngào gì. Cha mẹ hom hem, cằn cổi với tuổi đời mới hơn năm mươi. Cha ông Bình bệnh phổi nặng, dùng thuốc streptomycin thường nhật. Cha hướng dẫn mẹ, tập tành tiêm trên cây chuối trước khi thực sự làm y tá của cha. Streptomycin không được hấp thu qua đường ruột, nên phải dùng đường tiêm bắp.
          Mẹ ông Bình - con gái thành thị, không rành công việc nông tang, cũng lăn xả sớm trưa, cùng bà con ra đồng, đổi công lấy điểm. Hình ảnh mẹ ông, chưa bao nhiêu tuổi đã khòm, quần ống cao ống thấp, nhịn ăn chỉ để mua thuốc chữa bệnh cho cha. Ông Bình đi kinh tế mới sao đành.
     Ngày về quê của ông Bình, không như:“Ngày trở về/anh bước lê trên quãng đường đê/đến bên luỹ tre, nắng vàng hoe/vườn dâu trước hè cười đón người về…”(Ngày trở về - Phạm Duy). Ngày trở về của ông thân tàn ma dại bởi bệnh sốt rét. Cha  nhìn ông ái ngại, mẹ sụt sùi. Các con ông khóc ré không chịu cho ẳm bồng, vợ ông tủi thân lẩn ra vườn chuối sau nhà thút thít.
     Ông Bình trả công gặt thay mẹ. Đòn xóc hai đầu nhọn hoắt, xóc một đầu vào bó lúa, loay hoay vác lên không nổi, bùn dưới chân trơn tuột, ông ngả lăn quay.
     Học được nghề gò. Ông gò thùng gánh nước, thùng tưới, thùng đựng phân xanh ủ với nước “giải”, thùng đựng phân bắc cho hợp tác xã. Không phải bò dưới ruộng khi sốt rét lên cơn.
     Mỗi ngày ông nhận được hơn mười đồng công xá, kể từ ngày ông về với quê hương, những lá trầu trái cau tươi mua về cho mẹ, gói thuốc rê cho cha,. Mẹ ông chết bất ngờ vì cơn gió độc.
Năm ba mươi tuổi, một vợ bốn con. Để rồi:
…..
Vùng đất mới một thời đạn lửa
Mãnh bom xen ngô sắn mưu sinh
Em cuốc tôi cày bàn tay rướm máu
Dáng em gầy nắng quái lung linh..

Em quyền quý, tôi một đời rong ruổi
Lá vàng bay ngọc nát xót xa lòng
Gót sen hồng em tần tảo long đong
Tôi vắt mồ hôi vun đầy cơn bỉ cực
Tôi đưa em vào rừng sâu
Tôi đưa em ra biển lớn...
Bến bờ xa mong tìm lại đường bay
Mộng hải hồ xưa, tìm ở chốn này
Đêm nguyệt tận mây ru hồn viễn xứ
Đêm trùng dương sóng bạc đầu cô lữ
Mong trả về em
bóng dáng của người xưa...
………
    
     Mấy chục năm tha hương. Mỗi năm hai lần giỗ, anh em chia nhau. Mười năm giỗ mẹ, cha còn.
     Nhưng đất khách quê người, quạnh hiu, vắng thân yêu cật ruột. Năm nay em ông Bình rủ anh về quê. Giỗ cha tại nhà từ đường. Nền đất cũ, một thời ấu thơ, tung tăng chạy nhảy. Nhìn về hướng làng Bất Nhị, bàu súng hoa nở viền tím rung rinh trong nắng sớm. Mây trắng giăng ngang đỉnh núi, êm ái trải dài như dáng mẹ nằm, xỏa tóc bao năm. 
Vết sẹo trên trán em, cánh tay cán vá của anh, nghịch ngợm trèo lên cây đa tìm bắt chim non mà ra. Cây mít cỗi, hàng cau quá già lặng im, nhưng hàm chứa bao nỗi lòng ly tán.
     Tất cả anh chị em, một đời lam lũ. Tất bật, dậy từ chưa sáng. Tiếng gà bị túm cổ bất thần, ré lên hoảng hốt. Bếp lữa bừng lên, những chiếc bóng chập chờn tíu tít. Giỗ bác, giỗ chú, giỗ cậu. Mấy khi có dịp được dâng nén hương lòng. Ai cũng hân hoan, ông Bình ngồi nhìn, nước mắt rưng rưng.
     Chị Năm, nay gù lưng hơn năm trước, quét dọn trong ngoài. Các bàn thờ đã sạch sẽ tinh tươm. Những lọ hoa phượng vàng, anh Ngộ đã chuẩn bị từ hôm trước.
     Ông Bình như khách, không ai cho đụng tay bất cứ việc gì, ngoại trừ thắp hương đảnh lễ. Lễ cầu siêu từ sớm, tiếng chuông mõ vọng kinh âm vang.
      Nhà ông còn ba cô, một chú. Ai cũng trên chín mươi, hom hem. Ở cùng làng, vậy mà gần chục năm nay anh chị em không gặp nhau. Ông Bình định thuê người võng, mời cô chú đến từ đường gặp và nhìn nhau, nhưng không ai bằng lòng. Đường làng nhỏ hẹp quanh co, ngại bước chân người. Em gái ông Bình vẫn còn lam lũ ở quê, chồng em cùng làng. Từ nhà cô P. ông nhìn sang nhà em, vắng hoe. Mùa gặt, hương rạ thơm lan tỏa, gợi nhớ ngày xưa cũ. Đường làng vẫn rợp bóng tre mát rượi, có lẽ em ngoài đồng. Con nắng tháng năm rát mặt, hừng hực. Tiếng xe máy đẩy đưa theo làn gió, ông định nép mình tránh lối. Ai như em, hiện ra sau khúc quanh, mặt mũi choàng kín mít, em lọt thỏm giữa hai bao lúa. Chân buông thỏng, rà trên mặt đường giảm tốc, thay phanh.
-         A! anh về hồi mô?
     Ông kéo phụ xe ngừng. Mồ hôi túa ra ướt đẩm, khuôn mặt em khắc khổ nổi bật đôi mắt to, ánh lên tia mừng rỡ.
-         Anh mới về thất thời!
     Ông giữ xe cho em bước xuống, tay ga vẫn cầm chừng.    
     Hai bao lúa to đùng, bây giờ choán mất chỗ ngồi. Hai anh em đùn đẩy ì ạch lên dốc, vào sân. 
     May có ngọn gió nồm, khô nhanh những giọt mồ hôi. Em lấy chồng xóm dưới, em mới mười bảy. Mẹ ông khóc sưng mắt ngày em vu qui, nhưng em vô tư không có giọt lệ nào. 
     Ông không tin được. Từ sớm tinh mơ, gà chưa gáy sáng, em tất bật với nồi cám heo to tướng. Mồ hôi nhỏ giọt theo từng túm rơm khô vào bếp, vàng rực ánh lữa. Bầy heo thi nhau chồm mỏ, kêu inh ỏi. Vén gọn bếp vừa tàn, em xăng xái chất lúa khô lên xe, một bao, hai bao. Ông phụ em ràng buộc, chở đi chà, buôn gạo.
-         Em quen rồi, anh nghỉ đi, anh không biết làm mô!
     Nhìn em ông ứa nước mắt.
     Tiếng chổi quét ngoài sân, vọng vào lòng ông nỗi buồn xa vắng. Tối qua, mấy anh em hàn huyên tâm sự đến gần nửa đêm, em treo mùng, dọn giường, bật quạt, tắt đèn. Ông  nằm mơ màng nhớ về tuổi thơ, mẹ chỉ có ông và em. Con bé hay vòi vĩnh, hay nủng nịu là em ông bây giờ sao? Ông  thiếp đi trong bồi hồi, tiếng côn trùng rả rích đâu đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...