Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

NHỮNG CHUYẾN PHÀ ĐÊM


     Thằng Được bị cây roi mây quất cái “trót”, hai tay hắn ôm mông xuýt xoa, mặt nhăn quéo nhưng không khóc.
     Hắn chỉ lượm hai trái chuối phơi khô trước sân nhà tám Đẩu. Cả nhà tám Đẩu làm chuối ép ướp gừng phơi khô, bỏ vào túi nylon, bán ngoài bến phà.
     Thời chưa có cây cầu vắt ngang, bến phà Cổ Chiên nối liền Tân Điền – Mỹ Đức (Bến Tre – Trà Vinh). Dòng họ nhà thằng Được có truyền thống ba đời làm cách mạng ở huyện Mỏ Cày, nhưng toàn là liệt sĩ. Thời nào cũng vậy, số phận chẳng có chi lạ kỳ, ai còn sống sót làm to, xênh xang mũ áo, ai hy sinh chỉ để lại cho con cháu cái bằng “Tổ quốc ghi công” như nhà thằng Được. Cha chết, mẹ hắn bước thêm bước nữa, cha dượng bị bắt lính rồi đào ngũ. Sống vùng xôi đậu không xong, bồng bế nhau ra ngã ba Trung Lương thuê nhà bán hủ tiếu, bán được bao nhiêu tiền chỉ đủ lo lót làm lính kiểng. Thấy vợ con nheo nhóc, nhịn mãi không xong anh đăng lính. Ai đời chỉ mấy tháng, mẹ con thằng Được trở thành “cô nhi quả phụ”!
     Chị Dung - Mẹ thằng Được, góa phụ của hai đời “liệt sĩ”, thời thế đảo lộn nên chẳng được nhà nước nào phụ cấp, tám Đẩu không hiểu vì sao ghét thằng Được thậm tệ. Những năm đầu thập niên 60, tám Đẩu cùng “ba sẳn sàng” với cha thằng Được, cái thời chưa đủ lớn đã tham gia du kích, đeo quả lựu đạn bằng dây chuối ngang thắt lưng, anh nào cũng tự hào, oai phong lẫm liệt. Số tám Đẩu không làm được quan to, nên một đêm tối trời sụp hầm chông bị nhiễm độc, cưa giò. Đến thời hòa bình, tám Đẩu chống tó đi tới đi lui xin chứng nhận thương binh, nhưng chẳng có ông bà nào chiếu cố.
     Tám Đẩu ghét mẹ thằng Được ra mặt, quất được roi mây vô mông thằng nhỏ là lão sướng rơn, xem như trả thù loại đàn bà không thủy không chung.
     Chính quyền miền Nam đổi tên Bến Tre thành tỉnh Kiến Hòa gồm: Cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và thị xã Bến Tre là Trúc Giang. Chợ Lách, Đôn Nhơn, Mỏ Cày, Hương Mỹ, Thạnh Phú thuộc cù lao Minh. Gia tộc thằng Được ở đó, đất ruộng nhiễm mặn chỉ trồng được dừa, thuốc lá với mía.
     Càng lớn tuổi mắt kém, tám Đẩu mất dần thú vui, chức năng “nghe, nhìn” chỉ còn một nửa. Lúc nào cũng ôm kè kè cái radio, đài nào nói có vẻ thuộc “thế lực thù địch” tám Đẩu vội vàng chuyển sang kênh khác. Riết rồi chỉ nghe được đài “tiếng nói Việt Nam”. Gặp tám Đẩu chớ nói “tầm bậy”, lão qui kết thành phần “phản động” có khi bị nện tó lên đầu. Cách mạng luôn có “lực lượng trung kiên” điển hình như tám Đẩu. Tám Đẩu chỉ “chửi” cách mạng khi con lão không được lên lớp hay tức khí nhìn cái chân què, nhưng không được công nhận thương binh.
     Phà đến phà đi là những bờ vui, không riêng gì mẹ con thằng Được với nhà tám Đẩu, những chuyến phà là nguồn sống. Cư dân hai bờ đã sớm ý thức “phi thương bất phú”.
     Những ánh đèn xanh đỏ chớp tắt với ngọn đèn pha sáng rực trên những chuyến phà là niềm vui rộn rã cho những thân phận nghèo đói mưu sinh, của bà con Tân Điền – Mỹ Đức. Dọc hai bên đường dẫn xuống bến phà đủ loại hàng quán: Cơm, phở, hủ tiếu, café giải khát, vé số, trà đá, bánh tráng kẹo dừa, bánh mì, bánh pía…  các loại dịch vụ: xe ôm, bốc vác, xe lôi, nhà trọ, kho hàng, cho thuê võng, nhà vệ sinh…
     Chị Dung tần tảo nuôi hai đứa con hai dòng, chị bán dạo bánh mì - chim rô ti. Được bỏ học, bán vé số ở hai đầu bến phà Cổ Chiên.
     Con Đào - gái lớn nhà tám Đẩu, lấy chồng Đài Loan được mấy năm về thăm nhà lại làm mối gả con Mận cho thằng  em chồng. Đào xây cho vợ chồng tám Đẩu cái nhà to nhất xóm, đãi đằng bà con suốt mấy ngày liền. Tám Đẩu mặt vênh lên như cái thớt, không thèm ra xã nhận tiền trợ cấp thương tật.
     Con Đượm - em thằng Được, mới đó mà lớn trộng. Thằng Được nhổ giò cao khều như cây sào, sắm được chiếc xe đạp trành chạy xe lôi. Đượm lên lớp mười một, đi học trong bộ áo dài trắng thướt tha dễ thương quá chừng, đúng là “cha mẹ cú đẻ con tiên”.
     Một hôm thầy giáo theo con nhỏ về nhà, thầy nói:
-         Nhà trường chọn em Đượm đi thi “nữ sinh thanh lịch
đồng bằng sông Cửu Long”. Xin cô cho phép.
-         Chèng đéc ơi! Thầy có nói quá không đó? Chị Dung
trố mắt ngạc nhiên nhìn thầy giáo trẻ, ông thầy tướng trông bảnh quá, cở tuổi thằng Được nhà chị.
-         Dạ không, tôi được nhà trường cử qua đây, tôi là giáo
viên dạy thể dục của em Đượm.
-         Chà, vụ này tui hỏi thằng anh nó coi. Mời thầy uống
nước. Chớ nhà thầy ở đâu?
-         Dạ, quê tôi ở Ba Tri. Ra trường được phân công về
dạy ở đây. Nói xong, thầy đứng lên từ tạ ra về.
     Chị Dung phân vân, con Đượm học chưa đến đầu đến đũa bày đặt đi thi. Con nhà nghèo khổ muốn chết, thanh lịch nỗi gì!
     Con Đượm nãy giờ ngồi im ru, mấy ngón tay xoắn qua xoắn lại tà áo dài, mái tóc ngang vai bay bay trong gió, mặt đỏ lựng đẹp lạ lùng như tranh tố nữ. Thầy về lúc nào, em cũng không hay.
     Đượm nhớ như in từng lời của thầy chủ nhiệm đã giảng dạy và em rất tự hào:
     Mặc dù người dân Nam Bộ sống ven bờ sông nước, không hình thành làng mạc được bao bọc quanh lũy tre lâu đời như Bắc, Trung Bộ, nhưng được gắn bó bởi những tộc họ từ những vùng miền khác nhau, theo bước chân người xưa đi mở cõi và được giao thoa văn hóa của nhiều sắc tộc, nên lòng người Nam Bộ bao dung, ít tính toán so đo. Từ Phnom Penh, sông Mê Kông chia hai nhánh: Sông Ba Thắc (Hậu Giang) và sông Mê Kông (Tiền Giang) đổ ra chín cửa: Cửa Tiểu, cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Đề.
     Chín sông đổ ra biển Đông như rồng uốn lượn trên đồng bằng Nam Bộ, nên người dân phương Nam sống chân chất, có tinh thần “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, hiền hòa, hiếu khách, giản dị và rộng lượng như Cửu Long Giang, có giận có hờn cũng như thủy triều lúc lên lúc xuống, rồi thôi.
     Đượm ngồi suy tư, nghĩ về quê hương Nam Kỳ lục tỉnh  dấu yêu, cha ông đã bao lần kiên cường chống giặc ngoại xâm, những anh hùng liệt nữ đã quên mình vì nước. Dòng nước êm trôi đượm lắng phù sa,  Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh, trải rộng ngút ngàn qua ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Những người con gái sông nước miền Tây Nam Bộ xinh xắn mộc mạc và trắng trong như bông sen, bông súng. “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Trái ngọt cây lành và dòng nước ngọt ngào của Cửu Long Giang góp phần tạo nên hình dáng mỹ miều, làn da bông bưởi cho những cô gái quê em.
      Nhưng thầy Hưng chủ nhiệm không tán đồng chủ trương đưa học sinh của mình dự thi. Trong phiên họp hội đồng, thầy đã phản biện và đề nghị những việc nên làm: “Giáo dục các em ý thức về nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam và lòng tự tôn dân tộc”. Thầy lý luận và minh chứng:
-         Đành rời xa nơi chôn nhau cắt rốn đi làm dâu xứ
người hay lênh đênh như lục bình trôi của những cô gái làm nghề “bia ôm”, massage, ca-ve… khắp mọi miền đất nước, không đâu nhiều bằng con gái miền Tây. Nguyên nhân vì đâu? Chiến tranh đã lụi tàn hơn mấy chục năm, nền giáo dục chúng ta đã làm được gì trên tinh thần ý thức đó? Không lẽ cái nghèo đói cứ dai dẳng mãi không thôi?
     Chúng ta chạy theo cái lợi trước mắt, để rồi nhận biết bao hệ lụy về sau, chỉ biết thừa hưởng mà không biết gìn giữ di sản của người xưa. Bản sắc dân tộc và văn hóa đích thực đã phai mờ trong tâm trí những người mang danh kẻ sĩ.
     Hình ảnh những người thầy đáng kính đang hiện hữu đâu đây, canh cánh bên lòng nỗi niềm u uất và hổ thẹn với hồn thiêng sông núi vì chúng ta giáo dục những điều kệch cỡm lai căng, háo danh và hình thức chủ nghĩa, quên đi thiên chức dạy làm người.
  Nắng chiều còn gay gắt, chiếc xe lôi của Đức chơ vơ. Đượm cảm thấy lòng xót xa khi nhìn anh gầy gò, nằm gác chân đợi khách. Đượm nghịch ngợm lay thành xe, tay dứ dứ ổ bánh mì nhân thịt heo quay:
-          Anh ăn đi, mẹ nói mai giổ cha. Chiều anh chở mẹ với
em lên nghĩa trang...
     Được sực nhớ đến người cha liệt sĩ, nhưng không tìm thấy xác và không di ảnh. Chị Dung đã xây hai ngôi mộ song đôi, hai tấm bia mang hai tên người chồng đã khuất.   
     Có lẽ nơi xa xăm nào đó, họ cùng ngóng nhìn về một dòng sông, những chuyến phà lặng lẽ buông tiếng còi rời rạc trong sương đêm bảng lảng, ánh sáng như lân tinh bừng lên ngoài cửa sông Cổ Chiên, nơi bao oan hồn của những người đã ngã xuống vì quê hương hay nghiệp chướng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...