Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

MỘT THỜI ĐÃ QUA ĐI…



11.10.1976
Người vợ yêu quý
     Bắt đầu từ hôm nay anh sẽ viết, ghi lại tất cả: Từ ngày mình bắt đầu yêu nhau, có lẽ anh không nhớ hết nhưng cách vài ba trang anh chừa một khoảng trống dành cho em. Bằng tất cả tình thương của một người yêu, người chồng, hy vọng với những dòng chữ này em của anh sẽ hiểu lòng anh, thương yêu em đến mức độ nào… 



      Khoảng tháng 6 – sắp thi tú tài 2  – 1969
     Những ngày sắp bước vào kỳ thi thật rộn ràng, mệt mõi, bài vở ứ đầy và anh học liên miên. Không đi chơi, quên bạn bè, cà phê, dạo phố… Nhưng vẫn cảm thấy buồn, thiếu vắng một cái gì thân yêu: Cô bé hàng xóm dễ thương, yêu quá! Thế mà cô ấy về quê mất rồi! Chiều chiều anh tựa cửa nhìn sang để tìm bóng dáng em, chỉ cần thấy em cười là anh nhẹ nhỏm, huýt sáo líu lo. Nhưng mấy hôm nay cô bé không có nhà, nỗi trống vắng vây chặt trong anh, buồn! Mình đã yêu cô ấy mất rồi, Thái ơi em có yêu anh?

     Rồi em hiện ra như một thiên thần, nhí nhảnh hồn nhiên.  Câu nói đầu tiên khi anh gặp lại:“ Đi lâu quá, làm người ta nhớ thấy mồ!”Em đã cười và mảnh giấy nhỏ gói ghém tình em bay trở lại cho anh. Hạnh phúc quá, lòng anh tràn ngập niềm vui. Những bài học, công thức, sinh ngữ không còn gì quan trọng, nét chữ của em là dòng suối mát, len lỏi trong anh qua từng mạch máu nhỏ. Anh đã đọc mấy chục lần, nhớ từng nét, dấu chấm phẩy!“Em cũng không ngờ anh…”. Thương quá, kể từ đây lòng anh như mở hội vì em đã biết yêu anh và anh yêu em tha thiết…
     Kể từ dạo ấy, trong cuộc tình mình bao nhiêu say đắm và em cũng đã khóc hết bao nhiêu nước mắt… và dường như cũng bao lần suýt đổ vỡ. Nhưng không bao giờ… vì mình đã yêu nhau!
     Cuối giờ lao động, anh viết tiếp cho em đây…
      Em nhớ không, một buổi tối như mọi buổi tối, đêm nay hình như cháy ở phi trường cả nhà hốt hoảng. Thức dậy, anh sang nhà em, quây quần trước sân thật nhiều người. Em lấy thuốc đỏ, bông gòn ngồi chăm sóc vết thương cho Ch. anh tự nhiên thấy khó chịu, anh đã ghen vì cử chỉ của em vì anh đã yêu em nhiều quá mất rồi.
     Mỗi buổi sáng anh đang ngồi học. Đi chợ về, em đã mua cho anh những gói chè nhỏ. Anh còn nhớ có lần anh đứng nhìn em: Đôi mắt em chứa cả khung trời thương yêu, rồi anh có công việc lấy xe đi mất, em buồn giận anh. Lúc về, không thấy em đâu, sang bên nhà thấy cô bé đang nằm đắp chăn : Em giận anh sao ? - Tức anh ghê, muốn bịnh! Những tiếng nổ ì ầm vọng lại, một biến cố. Anh nhờ con dì Thương, mang gói ô mai vào cho em. Anh vẫn ngại ngùng với những người trong nhà, chuyện mình chưa có ai hay.
    Những buổi tối em qua nhà dì Năm xem TV. Với tiếng huýt sáo ước hẹn em đã đến với anh, những nụ hôn vụng về, vòng tay quấn quýt ngắn ngủi. Không dám trốn đi chơi với nhau, sợ ba mẹ, sợ anh Năm…
    Anh sang nhà, em chỉ cho anh vách tường nhà bếp ám khói: Tên anh và em chồng nối lên nhau. Một lần thầm lén ôm nhau, bất chợt anh Sáu T. bắt gặp, ngượng thì ít mà sợ thì nhiều. Có lẽ anh Sáu T. là người đầu tiên biết mình yêu nhau em nhỉ ? “ – Em biết cái miệng làm gì không ? – Không…! – Ngoài việc để ăn còn để hôn nhau! – Cái ông này! Sao em cứ gọi anh là ông mới kỳ. Mình chỉ lén gặp nhau ở nhà anh Sáu T. Không dám hẹn hò đi chơi!
    Trước khi nghỉ hè, anh thay mặt toàn trường đọc diễn văn  cám ơn các Cha, Thầy Cô đã dày công dạy dỗ. Nhìn quanh không thấy em đâu… Những buổi tối khuya học thi tiếp tục, mình đã yêu nhau gần một năm rồi. Biết bao nhiêu giận hờn và nước mắt, em ngồi đâu khóc đó. Cậu B, nói mẹ dắt em đi khám bệnh. Mới yêu anh mà em đã khổ! Một hôm đang học khuya, nhớ quá, nhưng em ngủ mất rồi. Anh đã húyt gió giả bộ gọi anh Năm. Nhưng em đã nghe và đáp tín hiệu bằng những tiếng ho. Nhớ anh, thưong anh cả trong giấc ngủ. Em có biết không? vì yêu em nên kỳ thi này anh đã đỗ. Chúng mình đã nói với nhau về tương lai, với bao nhiêu mộng đẹp: Một căn nhà nhỏ, bên em, bên đàn con, anh sẽ đi dạy học…
     Một hôm lấy cớ qua chơi với anh Năm, khi về ngang chỗ em nằm, anh đánh bạo hôn em, đôi mắt em mở to, run quá. Anh muốn bóp nát em trong tay, Thái ơi !
“- Em muốn anh học ở Saigon, vì sao anh biết không ? Vì con gái Huế dễ cảm!” Trời ơi, người yêu tôi không tin ở lòng tôi chút nào!
Anh ra Huế, em biết không? Huế thật đẹp, nhưng buồn và Huế không thể lôi cuốn anh như em tưởng. Anh bỏ Huế về Đà Nẵng rồi vào Saigon. Anh nhớ một điều là nơi nào vắng em, anh không có gì vui. Thời gian ở Saigon, anh lên xóm Chí Hòa, người đâu mà giống thế! Một cô bé mang kiếng trắng, đôi lần anh cứ ngỡ là em và anh yêu cô ấy mất… Ở giảng đường về, anh cố lên trên đó. Đi ngang qua chỉ để nhìn cho đở nhớ em, thời gian này anh ở nhà chú T. em buồn và sợ anh quên, nhưng Ng. không thể là em, càng ở lâu anh càng không có một chút cảm tình nào với Ng. Những lá thư từ quê nhà, nơi có em mới là chất nhựa cần cho sự sống và vui thú của anh. Những lá thư của em, anh không bỏ sót, em hiểu anh quý chúng như thế nào! Có lần anh tìm đến xóm nào đó, nghi là nơi anh Hai ở, nói chuyện cho đở nhớ. Một hình ảnh thân thương nào cũng được, miễn là có sự liên hệ cật ruột đến em, nhưng không gặp được!
     Cuộc sống ở Saigon xô bồ quá, sinh viên xuống đường, tranh đấu triền miên, anh không còn một hướng đi nào khả dĩ có tưong lai cho chúng ta. Thời gian này anh về nhà, chuẩn bị bước vào con đường mới. Mình ở bên nhau, vui quá phải không em ? Một hôm anh đưa em đi học, đường Trưng Nữ Vương ngắn ngủi. Lần đầu tiên chúng mình vào quán nuớc, em ngây thơ quá, sợ sệt không dám uống nước, anh giận bỏ đi một mạch xuống bờ sông, rồi không biết đi đâu. Ngang trường Sao Mai, không thấy em đâu, Anh thề trong lòng, không nói gì với em nữa. Về nhà nhìn sang đã thấy em đứng đó tự bao giờ! ánh mắt nhìn anh, như muốn thay muôn nghìn lần lời xin lỗi, nhưng anh vẫn lơ đi. Em buồn lắm phải không cô bé và em đã khóc.
     Chỉ còn vài ngày nữa anh đi rồi, giận đến bao giờ, tội em tôi quá. Giận em mà lòng anh như có lữa, ăn ngủ không ngon Thái ạ !
12.10.1976
     Nhưng rồi anh đã đi, “Quang Trung nắng cháy da người”, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang…biền biệt. Khoảng tháng 4.1971, lần đầu tiên anh về phép. Anh mượn xe Lambrettic của cậu Ng. Những quán cà phê Chiều Tím, rừng Nam Ô, bãi biển Mỹ Khê mình đã đến. Tương đối em đã dạn dĩ hơn, vòng tay quấn quýt hơn, em đã trốn học suốt kỳ phép của anh.
     Anh Năm đã vào Saigon học Đại học Nông Lâm Súc, Em không còn lo sợ sau mỗi lần đi chơi. Anh nhớ có lần ba đánh em, vì những chiếc vòng anh mua tặng. Em sợ không dám đeo vào tay và anh đã giận. Quà tặng dấu trong thùng gạo, gởi nhà chi B. Bình đã nhiều lần phá em , mách với mẹ. Anh biết mẹ thương chúng mình, ba cũng vậy. Mới biết yêu anh, em đã khổ vì anh, vì ba mẹ cản ngăn, vì em còn nhỏ. Đúng vậy, nhưng con tim đã biết yêu thương và đáng quý. Anh là người tình đầu em chọn. Ba nói em đưa ba xem cái gì đó, không nghe lời , ba giận và đã đánh em. Mặc cho ba la, ba giận, em đã gan lì gọi tên anh và không khóc. Thái độ này như châm dầu vào lữa khiên ba giận dữ thêm lên. Anh Năm thường ngày nghiêm nghị, đã can ngăn ba và an ủi em. Còn đau xót nào hơn, anh phải chứng kiến cảnh này! Nhưng làm thế nào, khi ba đang quá giận (có khi ba đánh anh luôn, dù có như vậy anh cũng không sợ, miễn sao em không việc gì)
     Hết những ngày bên nhau, anh lại ra đi. Đến tháng 9.1971 ra trường, anh được về thăm em. Còn phải nói, sau bao tháng ngày xa cách. Biết bao nhiêu yêu thương. Không có nơi nào có thể đến được, mà không có chúng mình. Em như con chim nhỏ, tung tăng bên anh. Những buổi chiều nắng gắt, bên biển Mỹ Khê, tà áo trắng em như thiên thần, tung bay theo gió, hạnh phúc tràn đầy, mình quên hết thời gian khi ở bên nhau. Sóng biển xanh nhấp nhô, trải dài tình yêu chúng ta ra tận xa khơi. Rừng Nam Ô thơ mộng, cụm rừng thưa rì rào phi lao đã đón buớc chân hai đứa. Trong vòng tay anh em bé nhỏ, nghe anh dự tính chuyện tương lai. Em kể :-“ Anh à, Thầy T, đã không cho em zero, khi em trốn học, vì đi chơi với anh!” hay “- Cả lớp biết em đi chơi với anh mỗi lần anh về, cả thầy giám thị, tại anh đó”. Vì anh, em đã ngả đầu vào ngực anh thì thầm âu yếm, mùi tóc thơm dịu, con mèo ngái ngủ trong tay anh. Những nụ hôn ngọt ngào, môi em ngọt mềm, bình yên trong vòng tay anh hung bạo.
     Rồi đến lúc phải về thôi, giờ tan học đã qua lâu rồi. Anh ghé tiệm sách Mai Hoa, mua tặng em cuốn giảng văn. Chở em về đường Hoàng Diệu, theo kiệt trường Sào Nam về nhà. Chưa có lúc nào mình cùng về cả đôi. Nhưng mình đã thỏa mái hơn, vì anh Năm không có nhà, ông ấy dữ quá ! À anh quên, có dạo anh  ghen với ông thầy T. của em, em kể:”- Thầy T. đến nhà chơi,  không chịu ngồi ghế, đi xuống luôn nhà dưới, ba phải mời ổng lên!”, anh muốn cho ông thầy em một trận quá.
     Rồi anh phải giã từ những ngày vui, vào Qui Nhơn – Hải Đội 2 Duyên Phòng. Những tháng ngày đầu tiên ở thành phố này, bụi và nắng. Anh đến Qui Nhơn khi trong túi không còn một xu, quá giang đến bên phà. Qua đảo Hải Minh trình diện. Bên đảo buồn, anh cùng Hùynh Ngọc Lộc thuê căn phòng trọ, gần trường Trinh Vương của ông già có hai cô con gái thật xấu – căn phòng sau này em đã đến.
     Mỗi lần đi làm việc ngang qua tiệm hớt tóc “Thái Lan” mang tên anh và em, tại sao thế nhỉ ? cũng gợi cho anh nhớ nhớ làm sao ấy!
     Có lần về nhà, Bình kể anh nghe một chuyện động trời – Em, trong khi anh chờ mong thư em từng giờ, em đã đi Saigon, xuống tận Kiến Hòa, Biên Hòa. Còn chụp hình chung với ông V. không quân – bạn anh Vũ – Em không xứng đáng với tình yêu của anh chút nào! Anh đã biết, đã quen bao nhiêu người con gái – Anh cần gì? không yêu em nữa! Mọi mối tình, rồi cũng qua đi như cơn gió thoảng – Yêu ai, người ta một lòng một dạ với mình. Sự chung thuỷ rất đáng quý ở người con gái. Dù em đẹp, nhưng em không có tâm hồn, như hoa không hương, qua tay nhiều người chiêm ngưỡng. Anh đã giận và thề rằng không bao giờ gặp lại em! Suốt những ngày về nhà, anh đã tập uống rượu, đi chơi, quên đi sự đỗ vỡ trong tâm hồn, thờ ơ với em. Nhưng em đã buồn và đã khóc! Giọt nước mắt nào đã xoa dịu cơn giận dữ trong anh? Những lời thiết tha vẫy gọi, khiến anh quay lại. Em, lời trần tình tội nghiệp “- Em vẫn yêu anh, mà anh nghi em“. Nỗi lòng đã được chứng minh, cho anh vững niềm tin nơi người tình yêu dấu. Một áng mây đen đã qua đi, cho cuộc tình thêm rực rỡ, lại càng xót xa nhau.
     Rồi một lần anh về, đưa em đi học. Đang đi với anh, em lại nhận  thư trong cuốn sách, của anh bạn cùng lớp. Anh nói đưa xem, em không nghe – sau này biết là thư gửi cho người khác, sao em không nói? Cơn giận lại bùng lên trong anh như bão lữa và một lần tình suýt nữa long đong. Vì sự khờ khạo của em, phải không?
     Thời gian qua đi, tại sao anh nhớ mãi? Vì tình yêu anh dành cho em qúa lớn, nên anh đã ghen kinh khủng! Ai lại không ghen? Sau này em lại ghen hơn anh gấp bội.
    Lần khác, Bình đưa anh mảnh giấy :”- T. không thể lên thăm anh được, vì…” Em viết cho ai? – Một người tên C. đang nằm ở bênh viện Duy Tân “Có thể như vậy ư? Em đã bội bạc rồi, anh không thể tưởng được. Em còn thơ ngây mà đã biết bạc tình! Em đã yêu anh, lại đi thăm ai? Dứt khoát, đừng bao giờ gặp anh lần nào nữa. Nhưng tim anh thắt mạnh, cơn đau buốt xoáy thịt da. Mất em rồi, anh rong chơi, những quán cà phê cô đơn buổi tối, điếu thuốc vàng tay, nghe những lời nhạc phụ tình bế tắc. Anh về ngang ngõ, cố tình đôi mắt ngó lơ. Nén lòng quên đi những kỷ niệm ban đầu. Hình ảnh thương yêu xa rời tâm trí, quay cuồng mà nghe như đổ vỡ, xót xa!   
     Nhưng em đã sang nhà, bên anh. Lời em như khóc, anh giận dỗi quay mặt, ba gọi nhưng vẫn không về - Gan thế? Cô bé nhút nhát của anh không sợ ba đánh à? Hành động này đã nguôi ngoai trong lòng anh không ít. “- Hôm đó em đi chợ về, ông ấy cứ theo em, em sợ, nhưng ông theo mãi đến nhà. Rồi một lần em đang may đồ, ổng cũng đến nhà, nói  ổng đang nằm ở bệnh viện, mong em lên thăm ổng, nhưng em không đi và viết giấy…” Lời nói này không có tác dụng gì với anh cả! Lòng em đã có gi rồi – Thôi cô đừng bao giờ nhắc đến hay đến với tôi. Nhưng vẫn với những giọt nước mắt – nước mắt đàn bà đã đạp đổ bao thành lũy, anh thật tầm thường nên đã chịu thua em.

13.10.1976
    Chúng mình lại đến với nhau, tình yêu lại càng thắm thiết. Những buổi tối bên mạ. Những miếng trầu ngon, cho mạ vui lòng.Tập tành gánh nước, những người nhiều chuyện quanh mình, thốt ra những lời ganh tị. Em đã coi thường, vì yêu anh, em đã bất chấp.
     Tình yêu đã chín muồi. Anh xin ba mạ dạm hỏi em và ba mạ đã bằng lòng. Không còn gì hạnh phúc và may mắn hơn! Anh đã chọn và được em làm vợ, mình đã tràn ngập niềm vui, em nhớ không? Anh xin ba mẹ cho em đi chơi với anh, ba đồng ý, nhưng mẹ còn ngại ngùng với bà con chòm xóm. Cuối cùng, chúng mình đã lén đi chơi. Thời gian này em rạng rỡ mừng vui, vì biết chắc rằng mình sẽ ở bên nhau, không còn gì ngăn trở. Có hôm đi chơi suốt ngày, sách vở học đường, đã nhường cho những bước chân của tình yêu!
     Anh vào lại Qui Nhơn, mang theo bao hy vọng tràn trề, mong ngóng một ngày về kỳ tới. Nhưng thư em lại vắng đột ngột, anh như sống trong hôn mê, tâm hồn bạc nhược như kẻ thất tình chính hiệu, thờ thẩn lang thang trên đường phố, như người mất trí. Có ai ngờ tình ngỡ như đậm đà, ngây ngất, phút giây bỗng xa xăm như ta đã mất nhau! Em đã quên đi những ngày tháng bên nhau và tại sao không một dòng chữ cho anh ?
     Bằng mọi cách anh phải bay về Đà Nẵng. Trời tháng tư nắng dìu dịu, ấm áp, nhưng lòng anh tái tê, lạnh ngắt. Trời đất đổ sập mịt mù, khi biết ở nhà, ba mạ đã từ chối chuyện mình ! Tại sao thế nhỉ? Mỗi lần ba mạ xem TV đã rơi nước mắt, khóc thương cho những mối tình bất hạnh, tại sao cản trở chuyện chúng mình? Anh qua nhà, em ngồi đối diện với anh, những câu chuyện khó tin, em kể “- Lý do em không viết thư, vì ba mạ anh không muốn em là vợ anh sau này! – Anh biết không, mẹ mời thầy bói. Thầy hỏi có phải em thương người tuổi Dần không ? ổng nói đó chỉ là hợp nhãn thôi, chứ không phải tình yêu ! Ba mẹ muốn cho em vào Saigon học để quên anh. Em đã nghe lời và không viết thư cho anh!”
     Trời đất ơi, em thơ ngây quá. Rất tiếc anh không có nhà để móc mắt ông thầy bói của em ra. Sao em mê tín, dại khờ. Người ta đã bịa chuyện, để đánh đổ một chuyện tình đáng lẽ đáng thương.:”- Xa anh có khi em bị lung lạc, nhưng gần anh rồi chỉ có anh thôi. Em không thể thiếu anh trong cuộc sống. “Mẹ em đã nói :”- Mẹ thương hai đứa lắm, nhưng chuyện đã thế rồi, hai đứa con hãy quên nhau!” Em và anh đã không ngăn được dòng nước mắt.
     Một ý nghĩ không ngờ đã đến với anh,“cứu cánh biện minh cho phương tiện” Không đạt được mục đích, nếu không làm một việc gì đó, tranh đấu chăng? vô ích. Hai giải pháp động trời : Mình sẽ có con với nhau? – Không ! Em có chịu đi với anh không ? – Không! Thế là em đã hết yêu anh rồi.
    Chiều hôm sau anh đưa em lên Nam Ô, lúc về vào cà phê Chiều Tím. Anh nhắc lại một lần nữa “- Nếu em không đi theo với anh thì thôi, lần gặp này là lần cuối cùng, anh sẽ không bao giờ về đây nữa!” Em đã khóc vùi. Mặc cho những bản nhạc rộn rã vô tình. Anh chỉ có hơn ba ngàn đồng, trao trọn cho em. “- Nếu sáng ngày kia, 8 giờ không gặp em ở nhà anh Bảo, anh sẽ đi luôn”. Mình đưa nhau về, trời đã gần tối hẳn. Một đêm lo lắng, thao thức, mình đã không ngủ đựoc. Sáng hôm sau hai đứa đi chơi. Cà phê Ngọc Lan, ngồi bên nhau. Vạch đường đi cho một tương lai – Một chuyện kinh khủng. Em đồng ý, tim anh reo vui nhảy nhót! Trước mắt anh rực rở một con đường hạnh phúc, nhưng anh lại bâng khuâng. Sẽ làm gì cho em? Mình có thực hiện kế hoạch vẹn toàn? Anh lo lắng, hồi hộp…
     Buổi chiều, mùa này sao có cơn mưa bất chợt như thác đổ, ngập đường  phố. “- Anh chờ em bên nhà thương Phao-lo nhé, mang theo một, hai bộ quần áo thôi, anh chờ!”. Nhưng chẳng thấy em đâu, mưa càng lớn, lòng anh như lữa đốt, có gì không may chăng? Anh chạy xuống nhà anh Bảo, giữa đường gặp em ngược về, uớt như con chuột! Tội nghiệp em anh quá. “- Không thấy anh đâu, em xuống nhà anh Bảo, anh ấy không có nhà, em vất vào cửa sổ!” và anh đưa em về. Em nhớ không, buổi chiều đó, anh và em như hai người xa lạ… làm như mình quên nhau thật sự.
     Tối về anh chuẩn bị hành trang, suốt đêm không ngủ. Sáng thức dậy sớm, xuống nhà anh Bảo, chờ em với tâm trạng lo lắng, hồi hộp…Phần em, nghe em kể anh giật mình: Nói chuyện gì, với ai cũng “một lần cuối !”. Chấm bài dùm anh K. cũng “một lần cuối”. Bao nhiêu ý nghĩ đến với em:”Ba mẹ thì sao? út Mẹo? Đôi lúc “không thể đi với anh…Dứt khoát không thể bỏ nhà đi với anh, người ta sẽ…” Em đã khóc và cố quên anh, giấc ngủ sẽ mang tỉnh lặng, sáng suốt tâm hồn em hơn…!
    Ánh nắng ban mai tràn qua khung cửa sổ. Một ngày mới bắt đầu, một ngày định mệnh: Thứ Tư, ngày 29.3.1972. Em chọn một ít giấy làm hoa, chiếc cặp thường ngày đi học, tập thư gom lại từ ngày yêu nhau – Của hồi môn về nhà chồng, đơn sơ nhưng quý báu làm sao! – Em không thể đi được, em đã nghĩ như thế. Nhưng sáng thức dậy, em vẫn sửa soạn đi học bình thường và em không thể cưỡng lại lòng em. Giã từ Ba Mẹ, các em. Cho Bình món tiền ăn sáng của chị, hôn em Mẹo “lần cuối”, nuốt nước mắt vào lòng, từng bước rời xa, có ai ngờ, ngày vu quy của chị là đây! Chị bước đi không dám nhìn lại một lần – Vì anh, Châu ơi, em đã bỏ cha mẹ, anh em, bạn học, mái trường yêu dấu, tiếng cười rộn rã của bầy em. Chiếc xe đạp ba đi làm hằng ngày, mẹ gầy gò thương em rất mực. Ba mẹ thương em, mới biết yêu đã khổ, nhưng em cương quyết ra đi, vì anh!
     Từng giây từng phút chậm chạp trôi qua, 7g30…,40,50 không thấy em đâu! 8g bạn bè em đã vào lớp. Những khuôn mặt thân quen nhìn anh chào hỏi, nhưng anh gật đầu buồn bã, Thái ơi! Nhưng em đã đến, tà áo trắng thường ngày với cặp sách thân yêu. Gặp nhau em chỉ vội gọi “- Anh!” rồi khóc oà trong tay anh và anh đã khóc theo vì em đã đến, anh Bảo phải quay mặt đi. Những lời an ủi ngàn vàng của anh Bảo :”- Nếu đã lựa chọn con đường sắp đi, hãy can đảm !” Anh Bảo đưa chúng mình ra bến xe. Con đường thật gần nhưng không kém gian nan vì chúng mình đi trốn. Đến bên xe traction gần ngã năm, mình vào ăn sáng, bên ly cà phê bốc khói, tô mì nóng hổi, ăn vội ăn vàng. Lòng anh nóng như lữa đốt, nhưng ngoài mặt như không, chỉ cần anh yếu lòng là em sẽ khóc. Anh Bảo và bạn tặng thêm mình ít tiền, hai tấm vé số. Một hy vọng có thể giúp mình thêm hành trang, khi bước vào đời.
     Xe nổ máy ì ì. Cầu mong xe chạy nhanh rời xa thành phố này. Nhìn lại khung cảnh Đà Nẵng một lần, có lẽ rất lâu mình mới trở lại. Giật mình em ơi, ông C. hàng xóm ngồi trên xe tự lúc nào, anh làm bộ không thấy, mặc kệ. Ngồi băng sau, anh nhìn em nhỏ nhắn, tội nghiệp, đôi mắt âu lo, mắt em buồn, môi em buồn. Xe qua đường phố, mỗi lần xe dừng lại, tim anh như ngừng đập, hồi hộp. Qua đường Phan Chu Trinh – nhà mình, rồi tiến ra ngoại ô thành phố…Anh mệt lả người vì căng thẳng, em tựa vào ngực anh và thiếp đi tự lúc nào!
     Đến Quảng Ngãi mình xuống. Anh đưa em vào khách sạn nghỉ lại. Lần đầu tiên trong đời, chúng ta ở bên nhau trong khung cảnh lạ lẫm này Em không dám thay đồ vì mắc cở, anh phải quay mặt đi. Em nhỏ bé trong chiếc áo ngắn xinh xinh, ngước mắt nhìn anh cười, ôm em vào lòng vỗ về, mình đã tự do, sẽ sông bên nhau suốt đời. Bỗng em kêu lên: “- Anh ơi, em có…” Anh hoảng hồn chạy ra tiệm tạp hoá, mua băng vệ sinh, anh không ngại ngùng. Trách nhiệm đầu tiên của người chồng. Em nép mình bên cánh cửa, chờ anh.
     Mình không thiết ăn uống, trong lòng ứ đầy hạnh phúc, lẫn lo lắng. Đường phố Quảng Ngãi nắng cháy và bụi mịt mù. Bất ngờ gặp Lực và Vân, em ơi tụi nó đã thấy mình. Cậu Nghĩa gọi về nhà cậu, cậu mợ không ngờ thằng cháu đã trưởng thành và biết bảo vệ tình yêu của mình. Đưa nhau xuống thăm chú Mười Thi gần đó. Mọi người an ủi và cho thêm tiền. Trên căn gác nhà cậu Nghĩa, mình được nằm bên nhau đầu đời. Em bé nhỏ, chìm trong giấc ngủ đầy âu lo, qua một ngày căng thẳng.
     Sáng hôm sau cậu Nghĩa sai Vân mua vé xe cho mình vào Qui Nhơn. Về căn phòng nhỏ anh và Lộc đã thuê. Anh đưa em đến nhà Đại uý Tích xin một căn nhà trong khu gia binh. Trong khi chờ đợi, anh đưa em sang đảo Hải Minh, ở tạm căn phòng độc thân của sĩ quan Hải Đội 2 Duyên phòng. Em đã thấy thư của T.T. gửi cho anh, em đã giận ghê gớm phải không? Ôm em trong tay, em bình yên và nhỏ bé, anh không thể chợp mắt với muôn vàn lo âu. Rồi sẽ ra sao?
     Anh và em làm tổng vệ sinh căn nhà được cấp, trong khu gia binh và đêm tân hôn thực sự đã đến trong niềm hạnh phúc vô biên: Mình đã thuộc về nhau – Chủ Nhật, ngày 01.4.72 – Mình chìm đắm trong hạnh phúc, quên cả thời gian và hoàn cảnh hiện tại…
     Nhưng chuyện gì đến, nó sẽ đến. Trưa hôm sau, Lộc hớt hãi chạy vào thông báo :”- Ông già và anh Hai của Thái tìm đến!” Anh bình tỉnh chờ đợi, mặc dù biết sẽ có lúc như thế này, nhưng đầu óc anh trống rổng, chấp nhận hậu quả. Ba chắp tay sau lưng,  nhìn mâm cơm đã dọn sẳn hai chén, hai đôi đủa với những món ăn đạm bạc, nồi cơm nhỏ xíu. Ba nhìn quanh và không nói gì. Anh mời ba và anh Hai ngồi, ba nói “- Từ khi cha sanh mẹ đẻ đến giờ, tao không ngờ tụi bay lại gan như vậy! Em bật khóc ôm anh và anh cúi đầu chẳng biết nói gì. Một lát, ba bảo ăn cơm. Nhưng thiếu chén đủa, phải đi mượn. Ba đã nói một câu, anh ghi tâm khắc cốt:”- Thôi chuyện đã xãy ra rồi, ba rất thương hai con, mặc dù tai tiếng cho ba không ít, nhưng ba không cần, miễn sao hai con hạnh phúc. Ba cho hai con ít tiền làm vốn, để sống và đừng bao giờ về ngoài ấy nữa!” ơn nghĩa nào cho bằng phải không em? Hai đứa mình cùng khóc. Nhưng không như ba, anh Hai từ Nha Trang ra, cơn giận dữ đổ xuống như bão táp, đòi dẫn em về. Em đã trả lời: “- Em không về, dù anh giết em, em cũng chịu !” Anh ôm em trong vòng tay che chở, anh đã nghĩ đến khẩu súng P.38…
     Một giải pháp của ba: Tất cả qua nhà chị Thanh, anh Thăng – Anh Thanh là gíao sư ở trường Cường Để, Qui Nhơn. Tại nhà chị Thanh, chị  đưa ra ý kiến, dựng một vở kịch để dể dàng hợp pháp hoá chuyện mình. Nhờ anh Phước – cùng khoá với anh, giả làm quân cảnh, giải anh về Đà Nẵng vì tội “dụ dỗ gái vị thành niên”. Buổi tối hai đứa hai nơi buồn quá! Hôm sau tất cả về nhà, anh và Phước ở nhà anh Bảo. Ba mạ thấy anh lại về kèm theo quân cảnh áp tải, khi biết rõ sự tình, ba mạ như sét đánh ngang tai, vì thằng con liều lĩnh.
     Qua hai ngày sau – Thứ Tư, này 05.04.1972. Cha mẹ hai bên tổ chức đám cưới và chúng ta đã thực sự vợ chồng. Còn niềm vui nào hơn, mọi sự lo âu biến mất nhường chỗ cho niềm hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn. Tối ấy, em là cô dâu tuyệt vời, đã qua e thẹn ban đầu…   

     Ngày 05.4.1972.  Mình và anh Phước lên máy bay vào Qui Nhơn. Ba mạ cho dàn máy AKAI. Ánh sang như reo vui, tưng bừng hớn hở cùng chúng ta “danh chính ngôn thuận” để bước vào đời !


14.10.1976
     Mình đã mời tất cả, từ chỉ huy trường đến bạn bè, dự lễ ra mắt. Trung Tá Pháp đã cảm thông và không kỷ luật Phước và anh vì tội bỏ công tác đơn vị. Em nhớ không? anh đam mê chơi bi-da suốt đêm trên câu lạc bộ, bỏ em cô đơn một mình, ngồi tựa cửa chờ anh. Bây giờ nhớ cảnh đó, anh thương em vô cùng. Một hôm em làm anh giận, đang ăn cơm anh lấy tô canh đập vào đầu anh, nước canh nóng và cay mắt, anh lúng túng em lại cười ngặt nghẽo! Nhìn em cười, anh cũng cười, quên hết giận em. Lần khác, anh đánh bài thua hết tiền, về nói dối em, lấy tiền cho người ta mượn. Em đã khóc, anh hối hận quá. Tự hứa không bao giờ như vậy nữa.
     Sợ em buồn, anh bán hết quà cưới, mua TV cho em xem. Nhớ những đêm mình ngập chìm trong hạnh phúc, để TV ca hát một mình.
     Anh sang lại căn nhà khác, mở tiệm cà phê kiêm quán nhậu. Em nhớ không, còn niềm vui nào hơn khi mình sắp có con đầu lòng. Anh mừng vui khôn tả, bế em vào giường, đặt em nằm nhè nhẹ, lo lắng. Những tối nằm bên nhau, anh đặt tay lên bụng em mà lòng tràn ngập niềm vui. Nhìn em giấc ngủ vô tư, mắt môi đã vun đầy hạnh phúc. Anh nhớ có lần giật mình tỉnh giấc, sờ quanh không thấy em đâu. Bước ra phòng ngoài, em đang đánh giày cho anh. thương ơi là thương, bế em vào, hôn em túi bụi!
     Rồi một chuyện buồn phiền cho em và anh hối hận quá. Anh say sưa với bi-da, chơi cờ ở câu lạc bộ bà P., trưa tối quên về, em chờ cơm mõi mòn. Một hôm mình đi phép về Saigon, anh không ngờ bà P. cũng cùng đi. Bà P. đưa anh mảnh giấy, ghi địa chỉ mời đến nhà chơi, sợ em ghen anh đã dấu, anh giải thích, em im lặng. Trời ơi anh đã đánh em một bạt tai vô nhân đạo! Em kinh ngạc mở to mắt nhìn anh, đến bây giờ anh không ngờ anh đã hành xử với em như vậy! Thái ơi, tha thứ cho anh. Không bao giờ anh là như vậy và suốt đời bên em như một người tình ta đã theo nhau – Không bao giờ như vậy nữa đâu.
     Những ngày ở Saigon vô vị, em không vui chút nào. Xuống Quang Trung thăm Vân, đường gập ghềnh, em có thai anh không dám nghĩ đến nữa….Không có phương tiện, hết phép chỉ có máy bay ra Đà Nẵng, từ Đà Nẵng anh vào Qui Nhơn trước. Em ở lại Saigon, cô đơn một tuần lễ. Đón em về, anh mừng như đã lâu chúng ta mới gặp lại. Những ngày sóng gió qua đi, anh thương em nhiều hơn và thêm nhiều hối hận. Mỗi một lần lầm lỗi, ăn năn dày vò tâm hồn anh. Càng hối hận, lại thêm nhiều mặc cảm trong anh. Anh không như ngày xưa, hình ảnh được tôn thờ trong em bay biến. Càng mặc cảm, lại gây nhiều phiền muộn cho em.
    Còn hơn tháng nữa, em sinh. Xin được chuyến bay ở phi trường Phù Cát đưa em về, chở theo quan tài tử sĩ. Vắng em lòng anh tái tê, căn nhà quạnh quẽ…Sau đó anh về phép, vào nhà ngoại không thấy em đâu Ra sau nhà, em đứng khóc vì mừng. Ôm em vào lòng, thương quá em ơi ! Đêm nằm bên nhau, nghĩ em đái dầm, không ngờ ra nước ối, mẹ vơ vội áo quần, đưa em sang nhà hộ sinh bà Quế. Đến trưa, Khánh Phương ra đời – 12g30 ngày 30.4.1973.
    Nhìn con bé bỏng, em quay đi không nói chuyện với anh? Nhưng niềm vui không nói nên lời. Sau đó khoảng bốn ngày, em vẫn còn nằm nhà thưong, anh phải về đơn vị. Không lâu, anh thuyên chuyển vào BTL/LLZP – Cam Ranh.
     Còn gì buồn hơn. Nơi đơn vị mới xa lạ, anh cô đơn. Nhớ vợ con ghê gớm. Anh được đi phép trước ngày giải tán đơn vị để thành lập BTL/V5ZH ở Năm Căn. Cũng là ngày Khánh Phương hơn một tháng. Anh về em mừng lại rơi nước mắt. Khai sinh cho con, em giận dỗi.  Vì không đặt Nguyễn Ngô Sa Huỳnh như mình đã thỏa thuận với nhau (Sa Huỳnh kỵ huý). Những chiếc áo be bé xinh xinh, áo gối nho nhỏ, em đã nắn nót thêu tên Sa Huỳnh, từ ngày con còn trong bụng mẹ! Bao ước mơ cho đứa con đầu lòng, kết tinh của tình nghĩa ba mẹ, mối tình suýt long đong…
     Em như con chim sâu nhỏ, hân hoan. Kể anh nghe từng giờ, từng ngày con ăn ngủ ra sao. À em còn kể hôm đầy tháng con, mừng vui quá đỗi, em ăn …trúng thực! Rồi sao? Mẹ phải xổ cho em! Con yên bình ngủ trong nôi, đâu hiểu lòng ba mẹ. Khánh Phương phải dùng máy hút khi sinh, nên đầu tụ máu. Mười ngày sau, mổ hút máu bầm ra, nên nằm nghiêng một bên, kết quả đầu méo.
     Chuyến bay Boing đưa mình vào Nha Trang, Khánh Phương chưa tròn hai tháng, đến Nha Trang buổi  chiều. Nha Trang vẫn như ba năm về trước. Mình thuê khách sạn nghỉ lại, con khóc suốt đêm. Hôm sau đi xe đò về Cam Ranh.


15.10.1976
     Nhớ không, Từ cổng Mỹ Ca quá giang xe vào cảng Cam Ranh. Trương Vĩnh Ninh (K23) nhường nhà trong khu gia binh. Không chỗ treo nôi con khóc, em luống cuống muốn khóc. Mỗi ngày anh lên Câu lạc bộ mang cơm về. Cuộc sống êm ả, anh thương em vô cùng. Có những đêm mình thức trắng vì con quấy khóc. Được vài tuần lại có lệnh thuyên chuyển đi Năm Căn. Mình đón xe đò về Saigon, ở tạm nhà cô Phụng, nhà má chị Mỹ bên cầu Hiệp Ân, Q.8. Thỉnh thoảng bồng bế con, đưa nhau dạo phố.
     Hôm mình theo tàu HQ.404 xuống Năm Căn, gặp BS Khương (đã mất 1974):”- Cháu còn bé quá đi tàu sao được!” Nhưng mình vẫn đi. Em say sóng nằm li bì, con cũng ngủ yên. Trưa hôm sau tàu ủi bãi căn cứ Năm Căn. Cảnh hoang sơ dã chiến, dọn vào trailler khoảng chục mét vuông, không giường chiếu. Ông H. cho mượn chiếc mùng. Muỗi bu quanh giống chiếc khăn đen bọc bên ngoài,“Muỗi kêu như sáo thổi
     Ngày qua ngày. Mỗi chiều em bồng con, theo anh ra bờ sông câu cá. Một hôm anh đang đánh bi-da, anh T. chạy vào : “- Con mầy đau mà mầy đi chơi!” Anh hốt hoảng chạy về, con đang sốt và em đang khóc. Vội bồng con sang bệnh xá, không có thuốc nào cho trẻ em cả, may sao con hết sốt. Anh vội vàng đưa hai mẹ con về Đà Nẵng…
     Như em biết đó. Năm Căn rất buồn, nhất là thiếu vắng vợ con. Không thể sống một mình, anh sang lại căn nhà, sang lại tiệm sách cho thuê, lấy tên Thái Châu.  Chuẩn bị đưa em và con xuống lần nữa.
     Khi em và con xuống lại Năm Căn, nhưng lần này đi bằng máy bay Caribou và con đã gần biết đi. Một hôm anh về khuya, em giận. Anh lớn tiếng, lại một chuyện buồn nữa đến với chúng ta, lẽ dĩ nhiên là anh hối hận và xin lỗi em – Bao giờ lỗi cũng tại anh! Sống bên nhau không giữ cho vui, yêu em cũng lắm, làm em buồn cũng nhiều. Sóng gió qua rồi, càng thương nhau gấp mấy lần hơn.
     Cuộc sông dễ chịu hơn. Anh đi làm em cho thuê sách, con đã biết khóc khi anh vẫy tay rời xa… Thời gian này, bà nội Khánh Phương đã xuống Năm Căn ở với mình.
    Khoảng tháng 6.1974 mình lại về Saigon. Anh theo học khoá tiếp liệu, Bồng bế nhau về ở nhờ nhà anh chị Vũ Mỹ - Lộ 20 Hưng Phú, Q.8. Hơn hai tháng sau, anh đưa em và con về Đà Nẵng, Thục Nghi đã tượng hình trong bụng mẹ. Gửi nhờ ông bà ngoại, rồi lại vào Saigon, xuống Năm Căn…Nhìn căn nhà trống vắng. Vắng em và con buồn kinh khủng.
    Đến tháng 10.1974 anh được thuyên chuyển về CCYT/TV Đà Nẵng. Anh Đặng Văn Dư (K21 – Úc) đã nhường căn nhà khu gia binh Tiên Sa cho mình. Thật là những ngày tháng tuyệt vời, được gần gủi gia đình cha mẹ hai bên và nhất là bên em và con. Hơn tháng sau Thục Nghi ra đời ( 23g30 ngày 25.11.1974). Khánh Phương biết đòi theo ba ra chợ uống cà phê, Thục Nghi chỉ biết cười khi anh bế nó.
    Tết Ât Mẹo (1975), cái tết sum họp nội ngoại đầy đủ nhất kể từ ngày cưới nhau. Cái Tết đoàn viên đầm ấm, chuẩn bị cho cơn bão lốc cuốn phăng tương lai của anh, vào nơi vô định…
    Sau tháng 3.1975 mình chạy vào Saigòn, tan tác. Tá túc nhà anh Hai. Anh Hai bị kẹt lại Đà Nẵng (đi bộ gần một tháng mới về tới SG). Trước ngày đi tập trung “cải tạo”, anh uống rượu say mềm. Giật tung nôi con đang ngủ, Khánh Phương ngơ ngác khóc oà, anh làm em buồn ghê gớm, có ai hiểu được tâm trạng anh lúc này? Đêm không ngủ, khuấy bột bích chi, cho vào túi nylon, con ăn đi đường. Sáng mai giã từ nhau, em về Đà Nẵng, không biết bao giờ gặp lạ!   
     Khi lên xe rồi, Khánh Phương đòi anh và khóc, Thục Nghi chỉ biết cười. Xe từ từ lăn bánh, em dấu mặt cho khỏi yếu lòng khi xa anh.
    Em và con đi rồi để lại trong anh muôn ngàn yêu thương. Suốt mấy đêm liền không ngủ được, lo lắng, buâng khuâng. Nhớ em và hai con không biết để đâu, anh ghi lại cảm xúc này nỗi lòng thương yêu anh dành cho em và hai con – Không có gì trên đời này có thể thay thế em và hai con đựơc. Thái, Khánh Phương, Thục Nghi…yêu rất nhiều!
Trảng Lớn - 20 giờ 15.10.1976

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...