Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

GÃ TRỢ LÝ


     Tôi đưa gã dị hợm đó làm trợ lý - gã là bạn chí cốt của tôi. Làm bất cứ việc gì, gã cũng nhìn tôi đăm đăm như sợ tôi hớ hênh. Những lúc như vậy, tự nhiên tôi không còn chút tự tin nào, tôi hỏi gã:
-         Tôi là con cù lần à?
-         Ông chưa đủ lớn!
            Lối nói chuyện kiểu này dễ nổi máu. Tôi sửa lại tư thế, đường đường một vị lãnh đạo như tôi mà “chưa đủ lớn”, nghĩa là sao?
            Gã cười:
-         Ông nên chịu khó đọc sách! Ông chưa rửa sạch gót
chân.
            Nhìn lại mình, kể cũng lạ. Dù vài năm trở lại đây tôi đâm ra chải chuốt, áo quần thẳng nếp, tóc nhuộm đen hun. Tôi giành thời gian “tô điểm” cho bản thân mình nhiều hơn. Tôi học lóm cách lịch lãm của bọn phong lưu, tập nhảy đầm, cách ngồi, thậm chí lối nói chuyện của các bậc trí giả.
Nhiều lần trong nhà hàng sang trọng hay tiệc tùng, vợ tôi bấm đùi, nói nhỏ:
-         Xỉa răng lấy tay che miệng, đừng gác chân lên ghế!
            Tôi hơi khó chịu, nhưng cái cốt bần cố nông mấy đời chưa thay đổi được.
…………
            Nhờ dịp ông anh họ cùng đoàn tùy tùng về thăm quê, tôi biết phận mình nên không vồ vập, nịnh hót như đám quan làng, đứng lấp ló xa xa. Ông anh nhìn quanh, vẫy tay:
-         Chú phải cố “phấn đấu” cho bằng anh bằng chị, kỳ
này tôi đưa chú ra thủ đô, đổi đời cho chú, nghe chửa?
            Tôi ngơ ngác như thằng đần, vợ tôi hích cùi chỏ mấy lần. Tôi tỉnh người ra vâng vâng dạ dạ lia lịa, ông anh chỉ vào tôi rồi quay sang ông mặc veston xám bên cạnh:
-         Nó khá lắm đấy, học hành hơi “hạn chế” nhưng được
cái thật thà, chú tôi hy sinh khi nó còn trong bụng mẹ.
            Vậy là tôi nhảy một phát ra kinh đô. Vợ tôi hí hửng ra mặt nhưng mẹ tôi lại buồn, bà lấy khăn chặm mắt nhắn nhủ:
-         Nơi đầu sóng ngọn gió, con phải cẩn thận lời ăn tiếng
nói chớ làm phật lòng người. Chốn quan trường lắm kẻ tỵ nạnh dèm pha tranh ăn ghét ở, không bằng ở quê làm ruộng mà bình yên con ạ!
            Từ ngày biết nghĩ và nhớ về mẹ, tôi ân hận nhưng chưa bao giờ biết xin lỗi hay hứa từ bỏ cái trò lêu lổng như ngày trước của tôi một câu cho mẹ vui lòng.
            Gã trợ lý nheo mắt:
-         Tôi đọc đâu đó, sự ôm ấp và nuông chìu của cha mẹ
giành cho con cái chỉ đem lại sự bội bạc. Trung ngôn nghịch nhỉ!
            Lời gã nói tôi chẳng hiểu gì, nhưng phải công nhận chỉ có gã mới làm tôi tin cậy và an lòng.
            Một lần giận quá, tôi quát tháo thằng cán bộ tổ chức rầm trời, cả cơ quan nhốn nháo. Ai đời nó cung cấp thông tin cho báo chí trời ơi viết về tôi, nào là:“Xuất thân từ anh nông dân chất phác, do hoàn cảnh mẹ góa con côi nên dù học hành chưa đến đâu, nhưng … đã cố gắng phấn đấu để trở thành một lãnh đạo tài ba, đưa con thuyền chông chênh trên bờ vực sắp phá sản trở thành đơn vị mạnh, lá cờ đầu của tổng công ty,… xứng đáng với truyền thống… tay không bắt giặc!”.
            Nhưng chỉ có gã mới biết xoa dịu cơn thịnh nộ, gã triết lý:
-         Chỉ bất lực mới không kiềm chế được thái độ của
mình. Ông nghĩ xem, thời bây giờ người ta quan niệm như vậy cả, là niềm tự hào xứng đáng anh hùng lao động. Chỉ vì ông mặc cảm sợ lòi tẩy cái sự học của mình nên ông giận dữ, chớ cái loại có chút chữ nghĩa như tôi, nói có ai nghe.

            Đang trên đà hoạnh tài, tiền vô như nước. Vợ tôi thay đổi từng ngày, nàng đã lột xác không còn dáng vẻ gì lam lũ của những ngày tay lấm chân bùn. Một hôm nàng chạy xe máy ào vào nhà như ma đuổi, chưa kịp dựng xe nàng hổn hển:
-         Anh cho em học lái xe, tụi bạn em đứa nào cũng có ô
tô. Anh nghĩ coi, mình đi ăn hay có chuyên riêng, ai đời bắt mấy chú tài đợi ngoài xe thật tội nghiệp, ác chết!
            Thanh thư ký nhanh nhảu:
-         Chị nói đúng đấy anh ạ! Cứ xe cơ quan, chỉ một tuần
cầm vô-lăng “dợt” ngoài công viên, chị lái vù vù được ngay. Ngày thi lấy bằng, anh cứ giao em. Lý thuyết vớ vẩn khỏi bận tâm.
            Vợ tôi nghe như cởi tấm lòng, nàng cười tươi như hoa ôm choàng lấy tôi, mùi nước hoa đắt tiền trên bộ áo quần hàng hiệu của nàng thoang thoảng, nàng nũng nịu hôn  lên má, khiến lòng tôi không thể chối từ.
            Tôi “tậu” cho vợ chiếc Camry 2.0 mới cáu, mang biển kiểm soát tứ quý, tôi không ngờ nàng có “khiếu” lái xe. Ai cũng khen nàng có tay lái “lụa”.
             Một lần tôi đang công tác ở Châu Âu, điện thoại reo vang, giọng Thanh ấp úng:
-         Báo cáo anh, xe chị bị giao thông cẩu về…
            Tôi ngạc nhiên:
-         Vì cớ làm sao?
-         Chị ủi vào đít xe người ta, không chờ xử lý, chị tắt
máy cầm chìa khóa leo lên taxi đi mất. Dạ, hình như xe ưu tiên bên phòng chống bão lũ.
-         Cậu lo lấy xe về, cả thành phố này ai không biết xe
của… chị? Đồ ăn hại!
            Tôi chuyển máy gọi nàng:
-         Chuyện gì vậy?
            Giọng nàng tỉnh rụi, liếng thoắng kể chuyện đêm sinh nhật của nàng ở nhà hàng Ritz:
-         Em phải nhờ xe cấp cứu ở bệnh viện anh Ph. mới
chở hết quà về. Bên hãng máy bay tặng hai vé khứ hồi du lịch Mỹ. Vé open, em chờ anh về…
            Nàng không hề bận tâm về “tai nạn” giao thông. Tôi chợt nhớ về mẹ, bà chỉ thích sống ở đấy như bà đã sống… như những ngày thơ ấu của tôi.
            Đôi lúc tôi thấy mình quá đà, lỡ leo lưng cọp. Gã trợ lý trầm ngâm bên cốc rượu:
-         “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc…” Thời này khó
quá ông ạ! Đôi lúc tôi muốn xin ông cho tôi về, nhưng lại không đành lòng. Dù bây giờ gia đình ông sống trong nhung lụa, nhưng tôi biết ông vô vàn khổ tâm, vẻ mặt đăm chiêu của ông bên gạt tàn đầy thuốc lá, lòng  tôi bất an. Sự truy đuổi bất tận của bã lợi danh, khiến ông không thể dừng bước và không thể buông tay.
             Ở Sicilia có một điều luật gọi là omertà – nghĩa là im lặng, cấm tất cả mọi người hợp tác với cảnh sát hay quan chức chính quyền, bằng không sẽ chết.
            Ông và tôi cùng im lặng đến vô cảm, nhìn những con diều hâu khát máu moi ruột gan của những xác chết vì u uất, bị cướp bóc tàn nhẩn đến xương tủy.
            Chẳng thà như Villalba Calogero Vizzini - thủ lĩnh huyền thoại của Mafia, được người đời khắc trên bia mộ:"Ông là một Mafia, tuy phạm tội nhưng ông cũng rất tôn trọng pháp luật, bảo vệ lẽ phải và là một nhân cách vĩ đại. Đó là con người đáng kính".

            Những hợp đồng béo bở được chỉ định thầu đã đem lại những mối lợi khổng lồ. Mỗi ngày qua đi, tôi ranh ma trong đàm phán, o ép các đơn vị phụ thuộc để được cống nạp những khoảng hoa hồng trời ơi mỗi khi giao việc, tự nguyện dấn thân và tỏ ra hoan hỉ được làm đàn em trung thành của ông anh họ. Đôi lúc tôi có cảm giác chai lì chịu đựng, có thể do bản tính nhu nhược cố hữu chỉ biết nhắm mắt cung phụng. Mỗi lần về thăm mẹ, bà thở dài nhìn tôi:
-         Người ta nắm đầu thằng có tóc, không ai nắm kẻ trọc
đầu! Bút sa gà chết, con càng giàu có, mẹ càng thêm lo!
            Những sợi tóc lưa thưa trên chiếc đầu hói láng bóng của tôi chứng tỏ tôi là người có tóc, tôi ậm ừ lãng sang chuyện khác.
            Gã trợ lý đã từ giã tôi sau một trận tranh luận lôi đình, gã nhìn thẳng mặt tôi, chậm rãi buông lời:
-         Tôi không còn có ích gì cho ông, ông đã bắt đầu
“lớn” trong chiếc áo khoác quyền lực, ông đã ngộ nhận mình là thánh nhân bởi những lời tâng bốc, nịnh bợ. Lời tôi góp ý, ông nhắm mắt làm bừa. Sự đăm chiêu của ông bây giờ đã khác, tất cả chỉ vì tiền. Nhưng tôi biết ông chỉ là một gạch nối vô hồn, sự chuyển hóa hổ tương giữa lợi và danh cuốn hút ông lăn như đèn cù trên con đường đầy máu và nước mắt của những cuộc đời khốn khổ!
            Ngược lại, ông anh họ khuyến khích:
-         Chú được lắm! Cứ thế mà tiến. Này, chú chuẩn bị
bàn giao nhé!
            Ông còn lo cái trí đần độn của tôi không hiểu thấu đáo lời ông:
-         Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, chú cho đổi tiền
“thằng” Mỹ nhé!
            Nghe “chuẩn bị” tôi đã rụng rời, nhưng “bàn giao” lại mang ý nghĩa khác. Có lẽ tôi sẽ được “thăng quan”.
            Tôi huy động mọi nguồn, đã hoàn tất giai đoạn “chuẩn bị”. Tôi bàng hoàng khi nghe tin ông anh họ về hưu. “Nhất thế, nhì tiền…”. Vậy là thế tôi đã mất, nhưng tôi đã “trưởng thành” khi biết sử dụng đồng tiền!
            Thói đời “giậu đổ bìm leo”, kết luận của kiểm toán và thanh tra đã đưa tôi đứng trước vành móng ngựa. Các “ông anh” một thời thân tình chí cốt tỏ ra không hề biết có tôi hiện hữu trên cõi đời này.
            Nhìn đôi mắt u buồn và thân hình còm cỏi của mẹ tôi ngồi co ro bên gã trợ lý. Tôi chợt “ngộ” ra biểu tượng cán cân công lý nơi pháp đình không những đã lệch bởi thế lực kim tiền mà cả quan niệm hành sự của tôi, kể từ ngày rời xa làng quê yêu dấu.
            Lời gã trợ lý ngày nào nghe văng vẳng bên tai:
-         Ông và tôi cùng im lặng đến vô cảm, nhìn những con
diều hâu khát máu moi ruột gan của những xác chết vì u uất, bị cướp bóc tàn nhẩn đến xương tủy.
            Chẳng thà như Villalba Calogero Vizzini - thủ lĩnh huyền thoại của Mafia, được người đời khắc trên bia mộ:"Ông là một Mafia, tuy phạm tội nhưng ông cũng rất tôn trọng pháp luật, bảo vệ lẽ phải và là một nhân cách vĩ đại. Đó là con người đáng kính".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...