Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

KHU VƯỜN KHÔNG CÓ ÁNH TRĂNG


     Trên đường hành quân, Song qua làng cô. Mái tóc lòa xòa rũ rượi, cô ngửa mặt khóc ngất rồi gập người ôm xác mẹ chết vì đạn lạc vào lòng. Máu viền quanh lổ đạn bên đuôi mắt trái nhăn nheo, khiến con mắt còn lại trợn trừng như ngạc nhiên, khi bỗng chốc bà đã sang cảnh giới khác.
     Song dừng lại, người chỉ huy đẩy vai anh về phía cô. Song giúp cô đặt bà trên phản gỗ. Không  phe nào thấy thương binh, nhưng mẹ cô chết! Không có sự chôn cất nào đơn sơ hơn như trong cuộc chiến, Song cùng đồng đội giúp cô đào huyệt sau nhà, cô lau nước mắt lúng túng không biết để mẹ quay đầu về hướng nào! Cô chưa hề chứng kiến cảnh chôn người chết, cha cô nghe nói chết mất xác ở đâu đó, từ khi cô còn bé xíu!
     Chiến tranh kéo dài quá lâu, cô đã gần mười bảy tuổi.
     Song viết vội tên cùng quê quán trao cho cô, xốc lại ba-lô chạy theo đơn vị nhưng quên hỏi tên nàng.
     Ngày tàn cuộc chiến, Song tìm về chốn cũ. Không ai biết bên đường cái quan có căn nhà nhỏ, nép mình dưới bóng cây trâm già. Trâm già đã chết vì đạn bom, không còn dấu vết cũng đồng nghĩa với nấm mộ mẹ nàng có khi xương cốt đã tứ tán hay trôi theo dòng nước lũ không chừng.
     Đường đời vạn nẻo, biết bao người ta đã từng trông thấy, nhưng không hề gặp lại cho đến khi ta giã từ cuộc sống này. Em ở đâu, hỡi người không tên họ?
……………..
     Ký ức như như dòng thác lũ, những hình ảnh cứ lướt qua trong đầu Song như màn mưa ngoài kia, hàng cây xao động, gió lay nhẹ những nụ hoa vàng ướt đẫm, rơi rơi bụi nước nhỏ giọt theo mưa.
     Sân ga hắt hiu như ga tàu biên giới. Từ Suối Kiết, Gia Huynh, Trản Táo, Gia Ray… Đường sắt chạy băng qua khu rừng nguyên sinh mênh mông, những cánh rừng bị phát hoang để làm trại tù cho những người bị “cải tạo”. Song thắt đai quanh bụng bằng sợi mây xoắn như xanh-tuya dắt con dao to bản, lầm lũi băng rừng. Đàn chim nghe xao động vụt bay, để lại tiếng kêu lảnh lót vang dội trong khu rừng bừng sáng dần cùng tia nắng đầu ngày.
     Tiếng xe bò cọc cạch nặng nề kéo lê thân gỗ dầu suôn đuột, nhựa chai rỉ ra mùi hăng hắc. Người con gái da ngăm đen đưa mắt nhìn Song, hai bầu vú to tròn, sung mãn lắc lư theo bánh xe gập ghềnh trên đường mòn lồi lõm vết xe be.
      Song ngẩn người chiêm ngưỡng thân hình vệ nữ giữa không gian tịch mịch của cánh rừng nguyên sinh mùa mưa đã chớm vào thu. Đôi mắt nâu tròn, rậm mi nhìn Song như lạ lẫm. Nàng dừng xe dưới tán cây già rậm lá, bước đến bên Song, chiếc váy xòe thổ cẩm màu trắng bạc viền tua len đỏ tương phản với màu xanh của lá rừng, tiếng lục lạc reo vui theo bước chân nàng, anh nghe nóng bừng hai bên thái dương, con tim trong lồng ngực như thiếu dưỡng khí, đập rộn rã liên hồi.
     Nàng lấy từ chiếc gùi sau lưng nắm xôi vo tròn cùng cá khô nướng, mùi thịt tươm nồng trong gió xộc vào khứu giác  anh, nước miếng ứa ra trong vòm họng khô khốc. Đôi ngực trần như khiêu khích, thoang thoảng mùi cỏ cháy với những sợi tóc mai vàng hoe dán vào đôi má bầu bỉnh, những giọt mồ hôi óng ánh tia nắng mặt trời lăn dài trên làn da rám nâu.
     Nàng ngồi xuống bên Song, nhưng không nói một lời. Nàng ăn tự nhiên ra dấu mời Song, anh từ tốn nhai từng miếng nhỏ dù bụng muốn ngấu nghiến tất cả. Áng mây đen từ đâu kéo tới che khuất ánh nắng đã bắt đầu gay gắt, không gian dần mát dịu, đôi bò nghểnh cổ dường như đang ngóng chờ cơn mưa. Mưa thật, mưa rừng tối trời vang dội tiếng rì rào trên lá lan dần, mưa rơi nặng hạt thật nhanh.
     Song hành động bất ngờ trong vô thức, ôm choàng bờ vai và lấy chiếc mũ vải rộng vành đội trên mái tóc nàng. Nàng không hề e lệ, ngả người nhìn anh với nụ cười tươi tắn lạ lùng. Những giọt mưa như tắm gội và làm thanh khiết thân xác lẫn tâm hồn cả hai người, có lẽ chỉ mình Song nghĩ vậy.
     Lần đầu tiên va chạm với da thịt tươi mát của cô thiếu nữ giữa mênh mông rừng, dưới cơn mưa tầm tả, lòng Song rung động bồi hồi. Bản năng tính dục bừng lên mạnh mẽ, thân hình thon gọn rắn chắc của cô gái như dán chặt vào ngực, vào đôi tay cuồng nhiệt ham hố của Song. Anh tham lam hôn hối hả, dụi mặt vào giữa đôi vú căng tràn sức sống, cô gái cong mình với đôi mắt nhắm nghiền và làn môi hé mở, Song rướn người, chợt nhận ra mình đã đi vào nơi sâu thăm thẳm của sự khoái lạc bất ngờ…
     Song theo nàng về bản, những người đàn ông dân tộc Mạ của nàng buông cần trúc ché rượu nhìn Song, những khuôn mặt cùng với đôi hoa tai bằng ngà voi trắng đục hướng về nàng như dò hỏi.
     Bộ tộc Mạ của nàng theo phụ hệ, nhà trai chủ động trong hôn nhân nhưng cậu nàng: Chủ rừng (Tom Bri) lại có tiếng nói quyết định, chấp thuận cho cháu gái mình được phép chọn chồng. “Boon” của nàng nằm dọc theo con suối thơ mộng, róc rách chảy từ ngọn thác Damb’ri kỳ vỹ. Người Mạ không có họ, tên nàng là Ka Mang để phân biệt với tên nam giới: K’…
     Theo tập tục, sau lễ cưới Song phải ở nhà vợ cho đến khi nộp đủ đồ sính lễ. Nhưng Song chẳng có gì!
……….
     Trời đất giao hòa, mặt hồ buổi xế trưa lặng gió soi rõ khuôn mặt hốc hác đen sạm của Song. Bức tranh lạ lùng nhờ mồ hôi pha muối loang lỗ trên lưng chiếc áo lính bạc màu bởi nắng mưa, vùng cao nguyên ngút ngàn rừng cây hoang dại. Rẫy bắp đang ngậm sữa, những vồng sắn vồng khoai lang củ chưa đủ lớn, nhưng ngày đêm mong sớm đến ngày thu hoạch là niềm mơ ước của vợ chồng anh.
     Rời vùng đất ba-dan màu mỡ của cánh rừng miền Đông Nam bộ, hai vợ chồng lếch thếch dắt díu nhau về vùng ngoại ô này, sinh nhai bằng nghề bán hoa kiểng rong.
     Cơ hội đến bất ngờ, chủ vườn giao cho vợ chồng Song cai quản, chăm sóc vườn cây. Những bonsai, gốc kiểng già cỗi từ miền bắc xa vời theo từng chuyến xe vào Nam, cuộc sống sung túc dần lên. Từ ngày giã từ lam lũ, sắc diện cô đổi thay từng ngày, nước da bánh mật duyên dáng, càng đẹp đẽ hơn xưa. 
     Dù  thành chồng thành vợ đã hơn mười năm, nhưng chưa hề nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ. Thời gian gần đây vợ Song  không vui, chung quanh nàng biết bao nhiêu mầm non xanh tươi mơn mởn, tíu tít nói cười. Đôi khi cô đăm chiêu và âu yếm nhìn lũ trẻ điệu bộ xinh xinh, đôi má phúng phính hồn nhiên vui đùa, khiến cô ước ao tất cả các cháu là con của mình. Cô nhớ về những ngày tháng cũ, giữa rừng xanh đại ngàn vùng cao nguyên lộng gió, nơi buôn làng heo hút ấy những điệu “Ya liau” (giống như “Khan” - trường ca của người Ê-đê) trong những lần  lễ hội đâm trâu. Nàng đã “ưng cái bụng” khi chọn Song, nhưng từ ngày về xuôi xa rời nơi “chôn nhau, treo nhau, cắt rốn” của mình, nàng như cánh hoa lạc loài, cô đơn giữa phố thị phồn hoa.
     Cô đến với Song do sự xếp đặt như chuyện Vi Cố ngày xưa, có phải là duyên số?
          - Anh mường tượng em như cánh hoa trôi theo dòng suối…
          - Không thể ngược dòng...
- Anh không thể nào tin, có ngày em nhìn anh bằng
đôi mắt ấy!
     Cô im lặng. Cái im lặng tê buốt lòng anh!
………..
     Người phụ nữ đi xe máy, sau ba-ga hàn khung sắt vững chãi treo đầy hoa lan nhiều sắc màu và chủng loại, ngơ ngác nhìn vào sân vườn. Những đài hoa hồ điệp đang kỳ mãn khai,  xanh lam, trắng muốt, xanh, tím, đỏ, hồng, vàng lung linh trong gió…
     Vợ Song đon đả mở cổng mời vào, sự hàn huyên tâm sự dường như gợi nhớ những kỷ niệm xa vời nào đó của hai người đàn bà… 
     Ka Mang nhìn người phụ nữ:
-         Chị Ngân này, sao chị tìm được mình?
-         Mình thường hay qua đây, nhìn người giống Ka
Mang…
-         Đã gần hai mươi mùa rẫy rồi! Chị Ngân không lên
tiếng, mình nhận không ra.
     Ngày mẹ chết, từ quê hương Tánh Linh Ngân theo dòng sông La Ngà di dần về hướng Đồng Nai. Ngân đã tưởng chừng chết đi, nằm sùi bọt mép vì đói. K’Riêng – anh ruột Ka Mang, cõng cô về bản. K’Riêng được vợ trời cho.
     Tập tục người Mạ có lệ vợ cưới lâu ngày không con, có quyền “nối dây” như vợ chết, vợ cũ trả về nhà cha mẹ ruột  nhưng Ngân không biết về đâu, đành mang gùi về xuôi.
     Trên bước đường lưu lạc, cô chạnh nhớ về người lính trẻ năm nào đã giúp cô chôn cất mẹ. Quê quán người ấy cô đã quên, nhưng tên mãi nhớ…
     Ra đến Định Quán cô mãi mê nhìn ba hòn đá chồng lên nhau chênh vênh, cao vòi vọi (Đá Ba Chồng thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo Phù Nam ở cao nguyên Đông nam Bộ), cô liên tưởng đến Yang Bri (thần rừng), Yang Kol (thần lúa), Yang Bờ nơm (thần núi), Yang Us (thần lửa)…
     Cô quỳ xuống van xin thần linh giúp cô chân cứng đá mềm…
…………
     Song không thể ngờ Ngân là cô gái năm xưa. Sự gặp gỡ tình cờ ngày ấy không hề để lại một chút gì cho bây giờ gợi nhớ. Hình ảnh còn lại nơi Song là cô gái bé bỏng trong căn nhà nhỏ, dưới gốc trâm già. Anh cũng không còn hình dung được khuôn mặt của cô, chỉ phảng phất ánh mắt u buồn và không gian khói lửa của chiến tranh…
     Ka Mang đưa Ngân về ở hẳn trong nhà, có Ngân khu vườn hoa như tươi hơn sắc thắm. Từ ngày Ngân về làm vợ K’Riêng rồi ra đi, Song chưa làm chồng Ka Mang.
     Hình như quan niệm một vợ một chồng của dòng tộc Mạ không còn trong đầu Ka Mang. Có những đêm nàng tỉ tê cùng chồng, nàng “ưng cái bụng” cho Ngân cùng làm vợ, nhưng Song gạt phắt:
-         Mình không con cũng đâu có sao! Có con phải nỗ lực
làm lụng bằng hai bằng ba, để lo cho chúng nó sau này. Anh phải vất vả hơn bây giờ, hãy giành thời gian ấy chăm sóc cho Ka Mang của anh.
-         Phải có con lo cho tuổi già…
-         Ka Mang đã giúp đở gì cho cha mẹ chưa? Hay chỉ
vì anh, theo anh đến cuối cuộc đời?
………..
     Người Mạ khi săn hay làm rẫy thường mang theo xà gạc, tên ná, dao rựa và theo suốt đời mình. K’Riêng bỏ bản làng, cùng chiếc thuyền độc mộc bơi dọc theo sông La Ngà đi tìm Ngân… Tập tục đã khiến vợ chồng K’Riêng chia lìa, nhưng lòng anh vẫn luôn nhớ về người vợ “Yang” cho.
     Những đêm trăng, Ngân dâng tâm hồn mơ mộng của cô gái thấm đẩm văn hóa miền xuôi hòa nhập cùng tiếng khèn sừng trâu, sáo trúc của người chồng  rắn rỏi, mạnh mẽ miền ngược. Tiếng vi vu trong gió, giữa rừng xanh bao la quyện  theo giọng hát cao vút của Ngân, xen lẫn tiếng róc rách của dòng suối giữa rừng đại ngàn...
     Ánh trăng bàng bạc xuyên qua kẻ lá, dát vàng lấp lánh mặt nước suối hiền hòa. Họ ngồi trên phiến đá bên nhau trần truồng, đẹp lộng lẫy như hai bức tượng cẩm thạch hóa thân của vật thờ linh thiêng Yoni và Linga.
     Tất cả mọi lo toan đời thường không còn hiện hữu.
     Đến lòng hồ Trị An mênh mông sóng nước, K’Riêng bỏ thuyền lên bờ, hành trang chỉ chiếc xà gạc và con dao rừng. Trang phục lạ lẫm với chiếc khố và áo thổ cẩm xẻ tà, vạt sau dài che mông đã bạc màu, chân không giày dép, tóc búi sau gáy đã khiến bao người nhìn theo nghi ngại.
     Lần đầu tiên K’Riêng chứng kiến tai nạn, chiếc ô tô hung hản tông người đàn ông. Máu tràn ra mặt đường, K’Riêng hoảng hốt chạy đến ôm  người bị thương vào lề đường, anh nhìn theo chiếc xe gào lên những âm thanh kỳ lạ, uất nghẹn.
     Nhiều người đi ngang không ai dừng lại. Anh chạy ra giữa đường, dòng xe cộ lạng lách tránh anh như tránh người điên. Anh vung tay hò hét, chỉ trỏ…
     Đám đông bu quanh, người đàn ông đã chết. K’Riêng bị đưa vào đồn công an, người ta kết luận tại nạn do K’Riêng khuấy rối giao thông. 
     K’Riêng bị câu lưu, anh không biết chữ, tiếng Việt không rành. Những người dân chứng kiến minh oan cho K’Riêng, anh bước ra khỏi đồn và không hiểu chuyện gì, K’Riêng ngơ ngác giữa cảnh phồn hoa và lạc lõng trong xã hội văn minh của người Kinh.
     Song dừng xe nhìn người đàn ông sơn cước giữa sắc màu phố thị, bỗng anh giật mình khi nhận ra K’Riêng, anh vẹt đám đông đang lom lom hiếu kỳ, K’Riêng cũng nhận ra Song, họ ôm chầm lấy nhau và nhảy nhót quay cuồng như ngày nào bên đống lửa bập bùng đêm lễ hội đâm trâu, mừng hạt lúa đã trẩy về của vụ mùa bội thu.
………..
     Người đã xa rừng nhưng K’Riêng vẫn giữ nguyên trang phục của mình, anh không thể chịu được những bộ áo quần lai căng của người Kinh, vẫn chiếc khố viền tua màu đỏ, tóc búi và chiếc áo thổ cẩm tà dài che mông. Nhưng Ka Mang đã quên cội nguồn, quên tập tục, quên bản làng quên cả dòng suối tuổi thơ để theo chồng về đồng bằng, về nơi náo nhiệt phồn hoa.
     Gà đã gáy nhưng trời chưa đủ sáng. Ánh trăng thượng tuần vắt chơi vơi trên nền trời xanh thẳm, Song bật dậy nhìn quanh, Ka Mang không ở bên mình. Ngân ngạc nhiên khi không nghe tiếng tia nước rơi rạt rào trên lá, trên cây của K’Riêng.
     Hai anh em đã về nơi họ đã ra đi, trở về buôn làng của họ: Bộ tộc Mạ hiền hòa trong rừng sâu đại ngàn với tiếng chim hót bình yên và dòng suối trong veo thơ mộng muôn đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...